Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Cung và cầu
*Mục lục:
- Sản xuất và tiền công
- Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
- Tiền công và tiền
- Cung và cầu
- Tiền công và giá cả
- Giá trị và lao động
- Sức lao động
- Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
- Giá trị của lao động
- Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
- Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
- Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
- Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công
- Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó
4. CUNG VÀ CẦU
Ông bạn Weston của chúng ta thật ứng với câu phương ngôn latinh: “repetitio est mater studiorum”, nghĩa là, sự lặp đi lặp lại là mẹ của sự học, và bởi vậy mà ông ấy cứ nhắc đi nhắc lại giáo điều ban đầu của ông ta dưới một hình thức mới khi nói rằng sự giảm bớt lượng tiền do tăng tiền công gây ra, tất phải làm cho tư bản giảm đi, v.v.. Vì chúng ta đã nói đến điều tưởng tượng hão huyền của ông ta về tiền tệ, nên tôi cho rằng sẽ hoàn toàn vô ích nếu phân tích cặn kẽ về những hậu quả tưởng tượng mà theo ông ta thì nảy sinh từ sự chấn động của lưu thông tiền tệ do ông tưởng tượng ra. Vì vậy, tốt hơn cả là tôi sẽ cố quy ngay cái giáo điều của ông ta – giáo điều này vẫn là một, mặc dù ông ta nhắc đi nhắc lại nó dưới những hình thức rất khác nhau, – thành biểu hiện lý luận đơn giản nhất của nó.
Chỉ một nhận xét duy nhất thôi cũng cho ta thấy rõ phương pháp tiếp cận không có tính phê phán của ông khi bàn về đề tài của mình. Ông ta chống lại việc tăng tiền công hoặc chống lại tiền công cao với tư cách là kết quả của việc tăng tiền công. Nhưng tôi xin hỏi ông ta: thế nào là tiền công cao và thế nào là tiền công thấp? Ví dụ, tại sao 5 Shilling một tuần lại là tiền công thấp và 20 Shilling một tuần lại là tiền công cao? Nếu 5 là tiền công thấp so với 20 thì 20 lại còn thấp hơn nữa so với 200. Nếu một người nào đó khi trình bày về hàn thử biểu mà nói ba hoa về nhiệt độ thấp hay nhiệt độ cao thì người đó sẽ không cung cấp được một kiến thức gì cho ai cả. Trước hết, người đó phải nói cho tôi hiểu rằng người ta xác định điểm đông và điểm sôi như thế nào, rằng những điểm xuất phát đó là do những quy luật tự nhiên quy định, chứ không phải do sở thích của những người bán hay những người chế tạo hàn thử biểu đặt ra. Thế nhưng khi nói đến tiền công và lợi nhuận, ông Weston chẳng những không biết rút ra những điểm xuất phát ấy từ những quy luật kinh tế mà thậm chí còn không cảm thấy sự cần thiết phải tìm kiếm những điểm xuất phát ấy nữa. Ông ta tự bằng lòng với việc chấp nhận những thuật ngữ tầm thường đang thịnh hành là cao và thấp, coi đó là cái có một ý nghĩa xác định chính xác, mặc dù hoàn toàn hiển nhiên là tiền công chỉ có thể được coi là cao hay thấp khi đem so với một thước đo nào đó để đo đại lượng của tiền công.
Ông ta sẽ không thể giải thích được cho tôi là tại sao người ta lại trả một số tiền nào đó cho một lượng lao động nào đó. Nếu ông ta trả lời tôi rằng: đó là do quy luật cung cầu quyết định, thì tôi sẽ hỏi ngay lại rằng: vậy thì bản thân cung cầu do quy luật nào điều tiết? Và ý kiến trả lời ấy liền lập tức đẩy ông ta vào chỗ bế tắc. Quan hệ giữa cung và cầu về lao động thay đổi không ngừng và cùng với những thay đổi ấy giá cả thị trường của lao động cũng thay đổi theo. Nếu cầu vượt quá cung thì tiền công tăng lên; nếu cung vượt quá cầu thì tiền công hạ xuống, mặc dầu trong những hoàn cảnh ấy, cần phải tìm hiểu xem tình trạng thực tế của cung và cầu là như thế nào, bằng một cuộc bãi công chẳng hạn hay bằng bất cứ phương thức nào khác. Nếu các bạn thừa nhận rằng cung và cầu là quy luật điều tiết tiền công, thì việc chống tăng tiền công là một vai trò vừa trẻ con vừa vô ích, vì theo quy luật tối cao mà các bạn đã dẫn ra, thì một sự tăng có tính chất chu kỳ của tiền công cũng cần thiết và chính đáng như sự hạ thấp có tính chất chu kỳ của tiền công. Nhưng nếu các bạn không thừa nhận cung và cầu là một quy luật điều tiết tiền công thì tôi xin hỏi lại một lần nữa: Tại sao người ta lại trả một số tiền nào đó cho một lượng lao động nào đó?
Nhưng chúng ta hãy xét vấn đề theo một quan điểm rộng hơn: nếu các bạn tưởng rằng, nói cho cùng, cung và cầu quyết định giá trị của lao động, hay giá trị của mọi hàng hóa khác, thì các bạn sẽ rất sai lầm. Cung và cầu không điều tiết một cái gì khác ngoài những biến động tạm thời của giá cả thị trường. Cung và cầu có thể giải thích cho các bạn hiểu tại sao giá cả thị trường của một hàng hóa lại cao hơn hay thấp hơn giá trị của hàng hóa đó, nhưng hoàn toàn không thể giải thích bản thân giá trị ấy. Giả định rằng cung và cầu cân bằng với nhau, hay như các nhà kinh tế học thường nói, bù trừ lẫn cho nhau. Thế là, vào đúng cái lúc mà những lực đối lập ấy bằng nhau thì chúng triệt tiêu lẫn nhau và thôi không tác động theo chiều này hay chiều khác nữa. Lúc mà cung và cầu cân bằng nhau và do đó ngừng tác động thì giá cả thị trường của một hàng hóa ăn khớp với giá trị thực tế của nó, với giá cả bình thường mà các giá cả thị trường của nó lên xuống xung quanh. Vì vậy, khi nghiên cứu bản chất của giá trị đó, chúng ta không liên quan gì tới những sự tác động tạm thời của cung và cầu đối với các giá cả thị trường. Điều đó đúng đối với tiền công cũng như đối với giá cả của tất cả các hàng hóa khác.