Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả

*Mục lục:

     * Lời mở đầu.

  1. Sản xuất và tiền công
  2. Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
  3. Tiền công và tiền
  4. Cung và cầu
  5. Tiền công và giá cả
  6. Giá trị và lao động
  7. Sức lao động
  8. Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
  9. Giá trị của lao động
  10.  Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
  11.  Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
  12.  Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
  13.  Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công
  14.  Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó.


     

12. TỶ LỆ CHUNG GIỮA LỢI NHUẬN, TIỀN CÔNG VÀ GIÁ CẢ

 

Nếu trong giá trị của một hàng hóa, chúng ta trừ đi cái giá trị bù lại nguyên liệu và những tư liệu sản xuất khác đã chi phí vào hàng hóa đó, nghĩa là nếu chúng ta trừ đi cái giá trị đại biểu cho lao động quá khứ chứa đựng trong hàng hóa ấy, thì phần còn lại trong giá trị của hàng hóa đó quy lại là số lượng lao động mà người công nhân đã thêm vào quá trình sản xuất sau cùng. Nếu người công nhân đó làm việc 12 giờ một ngày, và 12 giờ lao động trung bình được kết tinh trong một lượng vàng bằng 6 Shilling, thì giá trị cộng thêm là 6 Shilling ấy là giá trị duy nhất mà lao động của anh ta đã tạo ra. Giá trị này do thời gian lao động của anh ta quyết định, là khoản duy nhất từ đó cả người công nhân lẫn nhà tư bản, mỗi người sẽ phải lấy ra phần của mình, hay số mình được chia, là giá trị duy nhất để chia thành tiền công và lợi nhuận. Rõ ràng là bản thân giá trị ấy sẽ không thay đổi, dù cho giá trị ấy có được phân chia giữa hai phía ấy theo những tỷ lệ khác nhau như thế nào chăng nữa. Cũng sẽ chẳng có gì thay đổi, nếu thay cho một người công nhân chúng ta lấy toàn bộ số dân cư lao động hoặc thay cho một ngày lao động chúng ta lấy 12 triệu ngày lao động, chẳng hạn.

 

 Vì nhà tư bản và người công nhân chỉ có thể chia nhau cái giá trị có hạn đó, nghĩa là cái giá trị được đo bằng toàn bộ lao động của công nhân, cho nên người này càng nhận được nhiều hơn thì người kia sẽ càng nhận được ít hơn và vice versa (Ngược lại). Với một số lượng nhất định đã cho sẵn, phần của người này tăng lên bao nhiêu thì phần của người kia sẽ giảm đi bấy nhiêu. Nếu tiền công thay đổi thì lợi nhuận sẽ thay đổi theo chiều ngược lại. Nếu tiền công hạ xuống thì lợi nhuận sẽ tăng lên; và nếu tiền công tăng thì lợi nhuận sẽ hạ xuống. Nếu người công nhân nhận được 3 Shilling như chúng ta đã giả định trên kia, nghĩa là bằng một nửa giá trị anh ta tạo ra, hay nói một cách khác, nếu toàn bộ ngày lao động của anh ta gồm một nửa là lao động được trả công và một nửa là lao động không được trả công thì tỷ suất lợi nhuận sẽ là 100% vì nhà tư bản cũng sẽ nhận được 3 Shilling. Nếu người công nhân chỉ nhận được có 2 Shilling, tức là anh ta chỉ làm việc cho bản thân có 1/3 toàn bộ ngày lao động thì nhà tư bản sẽ nhận được 4 Shilling và tỷ suất lợi nhuận sẽ là 200%. Nếu người công nhân nhận được 4 Shilling, nhà tư bản chỉ nhận được 2 Shilling thì tỷ suất lợi nhuận sẽ sụt xuống còn 50%. Nhưng tất cả những sự thay đổi ấy sẽ không ảnh hưởng đến giá trị của hàng hóa. Nghĩa là, tiền công tăng lên một cách phổ biến sẽ làm cho tỷ suất phổ biến của lợi nhuận sụt xuống, nhưng không ảnh hưởng đến giá trị của hàng hóa.

 

 Nhưng mặc dầu giá trị các hàng hóa – giá trị đó xét cho cùng phải điều tiết giá cả thị trường của chúng – hoàn toàn được quyết định bởi tổng số lượng lao động được cố định lại trong những hàng hóa ấy và không phụ thuộc vào sự phân chia số lượng đó thành lao động được trả công và lao động không được trả công, nhưng hoàn toàn không phải vì thế mà những giá trị của mỗi hàng hóa hoặc của một nhóm hàng hóa, được sản xuất ra trong 12 giờ chẳng hạn, lại không thay đổi. Số lượng hay khối lượng hàng hóa được sản xuất ra trong một thời gian lao động nhất định hay bằng một số lượng lao động nhất định, tùy thuộc vào mức sản xuất của lao động được sử dụng, chứ không tùy thuộc vào chiều dài của lao động trong thời gian hay độ dài của lao động. Với một trình độ nhất định của sức sản xuất của lao động kéo sợi, trong một ngày lao động 12 giờ, có thể sản xuất ra 12 pao sợi chẳng hạn, còn với một trình độ sức sản xuất thấp hơn thì chỉ sản xuất được 2 pao thôi. Nghĩa là, nếu 12 giờ lao động trung bình được vật hoá trong một giá trị là 6 Shilling thì trong một trường hợp 12 pao sợi sẽ trị giá 6 Shilling, còn trong trường hợp kia, 2 pao sợi cũng trị giá 6 Shilling. Do đó, trong một trường hợp, một pao sợi sẽ trị giá 6 penny, còn trong trường hợp kia, lại trị giá 3 Shilling. Sự chênh lệch về giá cả đó là hậu quả của sự khác nhau về sức sản xuất của lao động được sử dụng. Với một sức sản xuất lớn hơn, 1 giờ lao động được vật hóa thực hiện được trong 1 pao sợi, còn với một sức sản xuất thấp hơn thì 6 giờ lao động được vật hoá trong 1 pao sợi. Trong một trường hợp, giá của 1 pao sợi chỉ là 6 pen-ni, mặc dù tiền công tương đối cao và tỷ suất lợi nhuận thấp; còn trong trường hợp kia, giá của 1 pao sợi là 3 Shilling, mặc dù tiền công thấp, và tỷ suất lợi nhuận cao. Sở dĩ như vậy là vì giá cả của 1 pao sợi được quyết định bởi toàn bộ số lượng lao động đã bỏ vào nó, chứ không phải bởi tỷ lệ theo đó toàn bộ số lượng lao động ấy chia ra thành lao động được trả công và lao động không được trả công. Vì vậy, cái sự thật mà trên kia tôi đã nói tới, tức là lao động được trả công cao có thể sản xuất ra những hàng hóa giá rẻ, và lao động được trả công thấp có thể sản xuất ra những hàng hóa giá đắt, đã không còn là việc ngược đời nữa. Sự thật ấy chỉ là biểu hiện của cái quy luật phổ biến nói rằng giá trị của một hàng hóa là do số lượng lao động đã bỏ vào hàng hóa ấy quyết định, và số lượng lao động đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào sức sản xuất của lao động được sử dụng và vì vậy nó sẽ thay đổi mỗi khi năng suất lao động thay đổi.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận