Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó

*Mục lục:

     * Lời mở đầu.

  1. Sản xuất và tiền công
  2. Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
  3. Tiền công và tiền
  4. Cung và cầu
  5. Tiền công và giá cả
  6. Giá trị và lao động
  7. Sức lao động
  8. Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
  9. Giá trị của lao động
  10.  Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
  11.  Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
  12.  Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
  13.  Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công
  14.  Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó.


     

10. LỢI NHUẬN ĐƯỢC THỰC HIỆN KHI BÁN HÀNG HÓA THEO GIÁ TRỊ CỦA NÓ

 

 Giả định rằng một giờ lao động trung bình được vật hoá trong một giá trị bằng 6 pen-ni, hay 12 giờ lao động trung bình được vật hoá trong 6 Shilling. Lại giả định thêm rằng giá trị của lao động bằng 3 Shilling, hay sản phẩm của 6 giờ lao động. Tiếp nữa, nếu 24 giờ lao động trung bình đã được vật hoá trong nguyên liệu, máy móc, v.v., dùng trong quá trình sản xuất ra một hàng hóa, thì giá trị của chúng là 12 Shilling. Ngoài ra, nếu người công nhân do nhà tư bản thuê cộng thêm 12 giờ lao động của mình vào những tư liệu sản xuất ấy thì 12 giờ lao động đó sẽ tạo ra một giá trị phụ thêm là 6 Shilling. Vậy, toàn bộ giá trị của sản phẩm sẽ là 36 giờ lao động đã vật hóa, và sẽ bằng 18 Shilling. Nhưng vì giá trị của lao động, hay tiền công đã trả cho công nhân, chỉ bằng 3 Shilling, nên nhà tư bản không trả một vật ngang giá nào cho 6 giờ lao động thặng dư do người công nhân làm và đã vật hóa trong giá trị của hàng hóa. Khi bán hàng hóa ấy theo giá trị của nó lấy 18 Shilling, thì nhà tư bản thực hiện được giá trị là 3 Shilling mà không trả vật ngang giá nào cho 3 Shilling ấy. 3 Shilling ấy là giá trị thặng dư, hay lợi nhuận mà nhà tư bản bỏ túi. Do đó, nhà tư bản sẽ thực hiện được một lợi nhuận là 3 Shilling không phải do bán hàng hóa của mình theo một giá cả vượt quá giá trị của nó, mà là bán theo giá trị thực tế của nó.

 

 Giá trị của hàng hóa được quyết định bởi tổng số lượng lao động chứa đựng trong hàng hóa đó. Nhưng một phần số lượng lao động đó được vật hoá trong một giá trị được trả bằng một vật ngang giá dưới hình thức tiền công; còn một phần khác thì được vật hoá trong một giá trị không được trả bằng vật ngang giá nào cả. Một phần của lao động chứa đựng trong hàng hóa là lao động được trả công, phần khác là lao động không được trả công. Do đó, khi bán hàng hóa theo giá trị của nó, nghĩa là với tính cách là sự kết tinh của tổng số lượng lao động đã bỏ vào hàng hóa đó thì nhà tư bản nhất định phải bán hàng hóa đó với một lợi nhuận. Nhà tư bản không những bán cái mà hắn đã phải trả bằng một vật ngang giá, mà còn bán cái không tốn kém gì cho hắn cả, tuy rằng cái đó tốn lao động của người công nhân làm cho hắn. Chi phí mà hàng hóa tốn kém cho nhà tư bản và chi phí thực tế của hàng hóa là những cái khác nhau. Vậy, tôi xin nhắc lại, người ta thu được lợi nhuận bình thường và trung bình không phải do bán hàng hóa cao hơn giá trị thực tế của nó, mà là thu được khi bán hàng hóa theo giá trị thực tế của nó.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận