ABC về chủ nghĩa cộng sản (Chương IV)

Chương Ⅳ

 LÀM THẾ NÀO MÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TƯ BẢN LẠI DẪN ĐẾN CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN 

(CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC, CHIẾN TRANH VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN)

§26 Tư bản tài chính

Chúng ta đã thấy giữa các doanh nghiệp có một cuộc cạnh tranh diễn ra liên tục và dữ dội để giành lấy người mua, kết quả không tránh khỏi của cuộc cạnh tranh này là chiến thắng cho những doanh nghiệp lớn. Vì vậy những nhà tư bản nhỏ hơn bị phá sản, còn tư bản và sản xuất nói chung được tập trung về tay các nhà đại tư bản (sự tích tụ và tập trung tư bản). Kể từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 19, quá trình tập trung tư bản đã tiến rất xa. Thay thế cho các doanh nghiệp sở hữu cá thể, bây giờ là sự xuất hiện của các công ty cổ phần, các công ty tập đoàn; nhưng điều cần phải chú ý tới là các ‘công ty tập đoàn’ này chính là các công ty thuộc cổ đông là các nhà tư bản. Ý nghĩa của sự phát triển này là gì? Tại sao các công ty cổ phần lại xuất hiện? Điều này không khó trả lời. Đã đến lúc mà mỗi công cuộc kinh doanh mới đòi hỏi một lượng vốn đáng kể. Nếu một doanh nghiệp thành lập với lượng vốn tư bản ít ỏi thì khả năng tồn tại của nó là vô cùng thấp; nó bị bao vây bởi các đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ hơn, bởi các doanh nghiệp có qui mô lớn hơn. Một doanh nghiệp mới nếu muốn tồn tại và phát triển thay vì bị xoá sổ từ lúc mới sinh ra, thì nó phải được xây dựng trên những nền tảng rất vững chắc. Nhưng những nền tảng vững chắc chỉ có thể được có được bởi những kẻ có nhiều tư bản mà thôi. Chính cái nhu cầu ấy đã sinh ra các công ty cổ phần. Cốt lõi của vấn đề là một số nhà đại tư bản đã huy động được vốn của những nhà tư bản nhỏ hơn, và cũng đã huy động được các khoản tiết kiệm được tích lũy từ các nhóm phi tư sản (những người làm công, nông dân, các công chức viên chức, v.v…). Mọi thứ đã được sắp xếp theo cách như sau. Mỗi người đều đóng góp phần của mình; mỗi người đều nhận được một ‘cổ phần’ hoặc một số ‘cổ phần’. Đổi lại cho số tiền đã đóng góp, anh ta được nhận giấy chứng nhận cổ phần, s đảm bảo quyền lợi cho phép anh ta được nhận một phần xác định của thu nhập. Bằng cách này, sự tích luỹ nhanh chóng các khoản tiền nhỏ đã giúp mang lại một lượng lớn ‘tư bản cổ phần’.

Khi các công ty cổ phần mới xuất hiện, một số nhà lý thuyết tư sản, cùng với một số nhà chủ nghĩa xã hội ủng hộ cho hợp tác giai cấp, đã bắt đầu tuyên bố với thế giới rằng một thời đại mới đã mở ra. Theo như họ tuyên bố thì định mệnh của chủ nghĩa tư bản không phải là dẫn đến sự thống trị của một nhóm nhỏ các nhà tư sản. Trái ngược lại, từ tiền tiết kiệm của mình, mỗi người công nhân đều có thể mua cổ phần, và nhờ đó trở thành tư sản. Tư bản, như họ nói, đang được ‘dân chủ hóa’ nhanh chóng; qua thời gian, sự khác biệt giữa các nhà tư sản và công nhân sẽ biến mất mà chẳng cần cuộc cách mạng nào cả.

Dĩ nhiên luận điệu ấy là hoàn toàn vô nghĩa. Mọi thứ vận hành rất theo cách hoàn toàn khác. Các nhà đại tư bản đơn giản là sử dụng vốn của những nhà tư bản nhỏ hơn cho mục đích của họ. Sự tập trung tư bản diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết, và giờ đây cạnh tranh bắt đầu mang hình thức của cuộc đấu tranh giữa các công ty cổ phần khổng lồ.

Không khó để hiểu vì sao những cổ đông đại tư bản lại có thể khiến những cổ đông nhỏ trở thành ‘những kẻ bị lợi dụng’. Những cổ đông nhỏ thường sống ở những nơi cách xa nơi đặt trụ sở công ty, và không dễ dàng đi xa hàng trăm dặm để tham dự các cuộc họp cổ đông. Ngay cả khi một số cổ đông thường có mặt tại các cuộc họp cổ đông, thì họ cũng không có tính tổ chức, và đơn thuần như là những ‘củ khoai’ đặt cạnh nhau. Nhưng những cổ đông lớn lại rất có tổ chức. Họ có một kế hoạch chung; họ có thể đạt được các yêu cầu của họ. Kinh nghiệm cho thấy các nhà đại tư bản chỉ cần nắm giữ một phần ba số cổ phần là đủ để kiểm soát toàn bộ doanh nghiệp.

Nhưng sự phát triển của tích tụ và tập trung tư bản đã đi xa hơn thế nữa. Trong một vài thập niên qua các doanh nghiệp cá thể và các công ty cổ phần của các cá nhân đã bị thay thế bởi các tập đoàn của các nhà đại tư bản, được biết đến như là các xanh-đi-ca [1], các-ten [2] và tờ-rớt [3]. Vì sao các tổ chức này hình thành? Ý nghĩa của chúng là gì?

Giả sử trong một số ngành sản xuất nào đó, ví dụ như dệt may hoặc cơ khí, các nhà tư bản nhỏ hơn đã biến mất. Giờ chỉ còn lại năm hay sáu tập đoàn hay công ty cổ phần khổng lồ, sản xuất gần như toàn bộ hàng hoá trong các ngành đó. Các công ty này thực hiện phương thức cạnh tranh kiểu ‘cắt cổ’; hạ thấp giá bán, và kết quả là thu được lợi nhuận thấp hơn. Chúng ta lại giả định là có hai trong số các công ty này có quy mô lớn hơn và mạnh hơn các công ty còn lại. Hai công ty này sẽ tiếp tục cạnh tranh cho đến khi các đối thủ khác thất bại. Chúng ta tiếp tục giả định là hai công ty còn lại này có sức cạnh tranh ngang nhau; cả hai đều có cùng quy mô, cùng các loại máy móc, thuê cùng một số lượng công nhân; không có khác biệt đáng kể nào giữa chúng về chi phí sản xuất ròng. Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Chẳng ai giành được chiến thắng; cả hai đều kiệt quệ vì cạnh tranh và không có được lợi nhuận. Bấy giờ các nhà tư bản của cả hai công ty rút ra cùng một bài học. Họ tự vấn bản thân tại sao lại phải tiếp tục hạ giá để chống lại đối thủ? Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu cả hai thống nhất lại, liên kết lực lượng để áp đặt mức giá cao cho công chúng? Nếu chúng ta cùng kết hợp thì sẽ chẳng còn có cạnh tranh; chúng ta có thể kiểm soát thị trường, và chúng ta có thể đẩy giá lên bất cứ mức giá nào.

Do vậy đã xuất hiện sự kết hợp, sự liên minh của các nhà tư bản,dưới hình thức là các xanh-đi-ca hoặc tơ-rớt. Xanh-đi-ca phân biệt với tơ-rớt như sau. Khi một xanh-đi-ca được thành lập, các bên tham gia đồng ý sẽ không bán hàng hóa thấp hơn một mức giá xác định; hoặc đồng ý phân chia đơn hàng; hoặc đồng ý phân chia thị trường theo địa bàn (anh giới hạn bán hàng của anh ở khu vực này, tôi sẽ giới hạn bán hàng của tôi ở khu vực khác), và vân vân. Tuy nhiên, trong những thỏa thuận này, ban quản trị xanh-đi-ca không có quyền đóng cửa bất kỳ một cơ sở kinh doanh nào; tất cả đều là thành viên trong một liên minh, trong đó mỗi thành viên vẫn giữ một mức độ độc lập với nhau. Mặt khác trong các tơ-rớt thì khối thành viên trở nên mật thiết đến mức đánh mất sự độc lập, ban quản trị tơ-rớt có quyền giảm bớt số thành viên, tái cơ cấu,di chuyển địa điểm, làm bất cứ điều gì có lợi cho tơ-rớt như một tổng thể. Tất nhiên, chủ sở hữu của các doanh nghiệp thành viên tiếp tục nhận được lợi nhuận của mình một cách đều đặn, thậm chí còn nhiều hơn trước đây; nhưng quyền điều hành đã hoàn toàn thuộc về tơ-rớt – một nhóm các nhà tư bản được tổ chức rất vững chắc.

Xanh-đi-ca và tơ-rớt hầu như thực hiện sự kiểm soát đối với toàn bộ thị trường. Chúng không còn sợ cạnh tranh, vì chúng đã thủ tiêu cạnh tranh. Cạnh tranh đã bị thay thế bởi độc quyền tư bản, tức là sự thống trị của một tơ-rớt đơn lẻ.

Bằng cách này, sự tích tụ và tập trung tư bản dần dần dẫn tới sự suy giảm cạnh tranh. Cạnh tranh đã tự nuốt tươi chính nó. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển điên cuồng thì quá trình tập trung tư bản càng diễn ra nhanh chóng, bởi vì sự phá sản của những nhà tư bản yếu hơn cũng bị thúc đẩy nhanh hơn. Cuối cùng,sự tập trung tư bản, xuất hiện từ cạnh tranh,đã thủ tiêu sự cạnh tranh. ‘Tự do cạnh tranh’ đã bị thay thế bởi sự thống trị của các tập đoàn tư sản, bởi sự thống trị của các xanh-đi-ca và tơ-rớt.

Ta lấy một vài ví dụ chứng tỏ sức mạnh to lớn của các xanh-đi-ca và tơ-rớt. Ngay từ những năm 1900 ở Hoa Kỳ, tức là mới đầu thế kỷ 20, tỉ lệ sản xuất nằm trong tay các xanh-đi-ca và tơ-rớt như sau: Dệt may hơn 50%; kính 54%; giấy 60%; kim loại (không bao gồm sắt và thép) 84%; sắt và thép 84%; hóa chất 81%; … Trong hai thập kỷ vừa qua, sức mạnh của các tập đoàn độc quyền này đã tăng vượt trội. Trong thực tế, toàn bộ công nghiệp sản xuất của Hoa Kỳ ngày nay nằm trong tay của hai tơ-rớt là Standard Oil Trust và Steel Trust; tất cả các tơ-rớt khác đều là các tổ chức phụ thuộc của hai tờ-rớt này. Ở Đức vào năm 1913 thì 92,6% lượng than khai thác ở vùng Rhenish-Westphalian nằm trong tay của một tơ-rớt; gần một nửa lượng thép sản xuất trên toàn Đế quốc Đức nằm trong tay của Steel Syndicate (Xanh đi ca Thép); Sugar Trust (tơ-rớt đường) đáp ứng tới 70% nhu cầu trong nước và 80% nhu cầu xuất khẩu.

Ngay cả ở Nga, khá nhiều ngành sản xuất đã hoàn toàn chuyển sang sự kiểm soát của các xanh-đi-ca. ‘Prodigol’ sản xuất 60% lượng than ở Donetz; ‘Prodameta’ (Xanh-đi-ca kim loại) kiểm soát từ 88% – 93% sản lượng; ‘Krovlya’ cung cấp 60% lượng sắt dùng để làm mái; ‘Prodwagon’ là Xanh-đi-ca bao gồm khoảng 15 công ty liên quan đến lĩnh vực vận tải đường sắt; Copper Syndicate (Xanh-đi-ca Đồng) kiểm soát 90% sản lượng đồng; Sugar Syndicate (Xanh-đi-ca Đường) thì kiểm soát toàn bộ việc sản xuất đường, v.v…  Theo như tính toán của một chuyên gia Thuỵ Sĩ thì một nửa lượng tư bản của thế giới đã nằm trong tay các xanh-đi-ca hoặc tơ-rớt ngay từ đầu thế kỷ 20.

Các xanh-đi-ca và tờ-rớt không chỉ tập trung hoá các doanh nghiệp trong cùng một ngành. Tần suất xuất hiện của các tờ-rớt tham gia đồng thời vào nhiều ngành sản xuất đang tăng lên. Điều này diễn ra như thế nào?

Các ngành sản xuất được kết nối với nhau chủ yếu qua việc mua, bán sản phẩm. Chúng ta hãy xét ngành sản xuất quặng sắt và than. Ở đây người ta phải làm việc với các sản phẩm được dùng làm nguyên liệu cho các xưởng luyện sắt và các xưởng cơ khí; các xưởng này, đến lượt chúng, chúng ta giả định, lại chế tạo ra các máy móc; các máy móc đó được dùng làm các công cụ sản xuất ở trong một loạt các ngành khác;và cứ như vậy. Giờ hãy tưởng tượng chúng ta có một xưởng luyện sắt. Xưởng này mua quặng sắt và than. Tất nhiên mối quan tâm của việc luyện sắt là mua được quặng và than với giá rẻ nhất có thể. Nhưng điều gì xảy ra nếu quặng sắt và than lại nằm trong tay một xanh-đi-ca khác? Lúc đó sẽ bắt đầu một cuộc đấu tranh giữa hai xanh-đi-ca, mà kết quả sẽ là chiến thắng của một trong hai hoặc là sự liên kết của hai tập đoàn. Dù kết quả thế nào, cũng là sự xuất hiện của một xanh-đi-ca mới, thống nhất cả hai ngành sản xuất. Rõ ràng là những sự hợp nhất như vậy có thể áp dụng trong những trường hợp, không phải chỉ là hợp nhất hai ngành, mà là ba, hoặc mười ngành sản xuất. Những tổ chức như thế gọi là các tập đoàn ‘liên kết’ (hoặc ‘tổ hợp’) [4].

Bằng cách này, các xanh-đi-ca và tờ-rớt không chỉ tổ chức lại các ngành sản xuất đơn lẻ, mà còn hợp nhất nhiều ngành sản xuất vào một tổ chức duy nhất, kết hợp một ngành sản xuất với ngành thứ hai, thứ ba, thứ tư, v.v… Trước đây, trong tất cả các ngành, các chủ doanh nghiệp là độc lập với nhau, và toàn bộ công việc sản xuất bị phân tán trong hàng trăm nghìn nhà máy nhỏ. Từ đầu thế kỷ 20, sản xuất đã được tập trung trong tay các tờ-rớt khổng lồ, mỗi tờ- rớt kiểm soát nhiều lĩnh vực sản xuất.

Sự liên kết của các ngành sản xuất riêng lẻ còn xảy ra theo một cách khác, bên cạnh việc thành lập các tổ chức ‘liên kết’. Độc giả cần phải xem xét một hiện tượng khác, thậm chí còn quan trọng hơn các tổ chức ‘liên kết’. Chúng tôi đang nhắc đến sự thống trị của các ngân hàng.

Đầu tiên cần phải nói đôi lời về các ngân hàng.

Từ lâu người ta đã chỉ ra rằng khi sự tích tụ và tập trung tư bản đạt đến một mức độ đáng kể nào đó thì sẽ xuất hiện nhu cầu về vốn dùng cho việc thành lập nhanh chóng các doanh nghiệp quy mô lớn. Nhu cầu này là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển các công ty cổ phần. Việc thành lập các tổ hợp mới đòi hỏi phải có những lượng tư bản rất to lớn.

Bây giờ ta nghiên cứu xem nhà tư bản sẽ làm gì với lợi nhuận ông ta thu được. Trước tiên nhà tư bản phải chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu như thức ăn, quần áo,…; phần còn lại ông ta dành để tiết kiệm. Nhưng nhà tư bản sẽ tiết kiệm như thế nào? Liệu phần lợi nhuận tiết kiệm đó có thể được dùng để mở rộng quy mô doanh nghiệp bất cứ lúc nào cũng được không? Không, ông ta không thể làm được vậy vì lý do sau. Tuy nhà tư bản nhận được tiền liên tục, nhưng thu nhập ấy lại chia thành những khoản nhỏ. Những hàng hóa mà nhà tư bản sản xuất bán ra đều đặn, và do vậy tiền nhận về cũng đều đặn như vậy. Rõ ràng là, nhà tư bản có thể sử dụng các khoản thu này để mở rộng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên với điều kiện là ông ta phải tích lũy được một lượng vốn đủ lớn. Do vậy,ông ta sẽ phải đợi cho đến khi tích lũy đủ số tiền cần thiết cho mục đích của mình – như là mua máy móc mới chẳng hạn. Cho đến lúc đó, nhà tư bản sẽ làm gì? Cho đến lúc đó, ông ta không thể sử dụng tiền của mình, Tiền nằm nhàn rỗi. Điều này không phải chỉ xảy ra đối với một hay hai nhà tư bản; Một lúc nào đó, nó xảy ra đối với tất cả các nhà tư bản.

Tư bản nhàn rỗi lúc nào cũng có. Tuy nhiên,chúng ta đã chỉ ra trước đó là có nhu cầu về tư bản. Một mặt,có một lượng tiền vốn khổng lồ đang nằm nhàn rỗi; mặt khác lại có nhu cầu sử dụng khoản tiền nhàn rỗi này. Sự tập trung tư bản càng nhanh, thì nhu cầu về một lượng lớn tư bản càng mạnh mẽ, cùng với đó là lượng tư bản nhàn rỗi lại càng lớn hơn. Tình trạng này đã giúp cho các ngân hàng trở nên quan trọng. Nhà tư bản vì không muốn tiền của mình nằm im một chỗ nên gửi vào ngân hàng, và ngân hàng sẽ đem cho vay những ai đang cần phát triển doanh nghiệp sẵn có hoặc lập doanh nghiệp mới. Một số nhà sản xuất gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng lại cho các nhà sản xuất khác vay. Những người đi vay, dựa vào lượng tư bản mới vay được, tiếp tục chiếm đoạt giá trị thặng dư. Một phần doanh thu của họ dành để trả lãi cho ngân hàng. Ngân hàng lại trích một phần này để trả cho những người đã gửi tiền và giữ phần còn lại làm lợi nhuận. Cơ chế vận hành cứ tiếp tục diễn ra như vậy. Giờ ta đã hiểu vì sao, trong giai đoạn mới nhất của chủ nghĩa tư bản, thì vai trò của ngân hàng, tầm quan trọng cũng như các hoạt động của ngân hàng lại mở rộng đến một mức độ kỳ diệu. Lượng tư bản nắm giữ bởi ngân hàng không ngừng tăng lên. Và lượng tư bản mà ngân hàng đầu tư vào các ngành công nghiệp cũng tăng lên nhanh chóng. Tư bản ngân hàng bắt đầu ảnh hưởng đến công nghiệp, nó đang trải qua quá trình chuyển đổi thành tư bản công nghiệp. Sự phát triển của công nghiệp giờ phụ thuộc vào ngân hàng, các ngân hàng hỗ trợ và nuôi dưỡng các ngành công nghiệp bằng tư bản ngân hàng. Tư bản ngân hàng xâm nhập vào tư bản công nghiệp. Ở đây ta có một hình thức của tư bản gọi là tư bản tài chính. Để tóm tắt lại, TƯ BẢN TÀI CHÍNH LÀ TƯ BẢN NGÂN HÀNG ĐÃ HỢP NHẤT VỚI TƯ BẢN CÔNG NGHIỆP. [5]

Thông qua các ngân hàng, tư bản tài chính đã gây ra sự liên kết chặt chẽ của các ngành công nghiệp hơn cả tác động do sự liên kết trực tiếp của các doanh nghiệp. Tại sao lại như vậy?

Giả sử chúng ta có một ngân hàng rất lớn. Ngân hàng này cung cấp vốn (hoặc, theo đúng thuật ngữ, ‘các khoản tài trợ’) cho không chỉ là một, mà là một số lớn doanh nghiệp, hoặc một số xanh-đi-ca. Để đảm bảo lợi ích của ngân hàng, các tổ chức phụ thuộc tài chính này không được xung đột với nhau. Ngân hàng đoàn kết tất cả lại. Chính sách nhất quán của nó là tạo ra một sự liên kết thực sự giữa các doanh nghiệp thành một thể thống nhất nằm dưới sự kiểm soát của nó. Ngân hàng bắt đầu nắm vai trò thống trị trong một loạt các ngành công nghiệp. Các đại diện bí mật của nó được bổ nhiệm vào vị trí quản lý điều hành của các tơ-rớt, xanh-đi-ca, và các cơ sở kinh doanh.

Như vậy cho đến cuối cùng chúng ta có bức tranh toàn cảnh thế này. NỀN CÔNG NGHIỆP CỦA TOÀN BỘ ĐẤT NƯỚC ĐƯỢC THỐNG NHẤT VÀO CÁC XANH-ĐI-CA, TỜ-RỚT, VÀ CÁC TỔ HỢP. TẤT CẢ CÁC TỔ CHỨC NÀY ĐƯỢC HỢP NHẤT BỞI CÁC NGÂN HÀNG. ĐỨNG ĐẦU TOÀN BỘ NỀN KINH TẾ LÀ MỘT NHÓM NHỎ CÁC NGÂN HÀNG ĐẦU SỎ NẮM QUYỀN ĐIỀU HÀNH TOÀN BỘ NỀN CÔNG NGHIỆP. CHÍNH QUYỀN ĐƠN THUẦN CHỈ NHẰM THỰC HIỆN Ý CHÍ CỦA CÁC NGÂN HÀNG ĐẦU SỎ VÀ CÁC ÔNG TRÙM TỜ – RỚT NÀY.

Tình hình này thể hiện rất rõ ở Hoa Kỳ. Ở đây, chính quyền ‘dân chủ’ của Tổng thống Wilson chả là gì khác ngoài những kẻ phục vụ của các tờ-rớt. Quốc hội đơn thuần chỉ thực hiện những điều đã được quyết định trước đó tại những cuộc họp kín của các ông trùm tờ-rớt và các ngân hàng.. Các tờ-rớt đã chi hàng núi tiền để mua các nghị sĩ quốc hội, tài trợ cho các chiến dịch tranh cử, v.v… Myers, một nhà văn Mỹ, công bố là trong năm 1904, các công ty bảo hiểm nhân thọ lớn đã chi các khoản tiền lớn sau đây cho việc hối lộ: Mutual 364.254 USD; Equitable 172.698 USD; New York 204.019 USD. Bộ trưởng Tài chính McAdoo, con rể của Tổng thống Wilson, là một trong số những ông trùm của các tờ-rớt và các ngân hàng. Các nghị sĩ, các vị bộ trưởng, các nghị sĩ quốc hội,chỉ đơn thuần là những kẻ tay sai của các tơ-rớt lớn, trừ khi bản thân họ nắm giữ một tỷ lệ cổ phần lớn trong các tổ chức này. Chính quyền nhà nước, bộ máy chính phủ của ‘nền cộng hòa tự do’, thực ra chỉ là một bộ máy nhằm lừa bịp công chúng.

Do đó,chúng ta có thể nói rằng MỘT ĐẤT NƯỚC TƯ BẢN CHỦ NGHĨA – DƯỚI SỰ THỐNG TRỊ CỦA TƯ BẢN TÀI CHÍNH – ĐÃ BỊ BIẾN THÀNH MỘT TỜ-RỚT TỔ HỢP KHỔNG LỒ. ĐẦU SỎ CỦA TƠ-RỚT NÀY LÀ CÁC NGÂN HÀNG. CHÍNH PHỦ TƯ SẢN LÀM THÀNH ỦY BAN ĐIỀU HÀNH CỦA NÓ. Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, v.v… chẳng qua chỉ là các tơ-rớt tư bản chủ nghĩa Nhà nước,các tổ chức đầy quyền lực của những ông trùm tờ-rớt và chủ ngân hàng, những kẻ đang bóc lột và thống trị hàng trăm triệu người nô lệ làm thuê.


*Chú thích:

[1] Một hình thức tổ chức độc quyền ở mức độ tương đối. Các nhà sản xuất tham gia vẫn độc lập sản xuất, chỉ có việc lưu thông do ban quản trị đảm nhận.

[2] Một hình thức tổ chức độc quyền sơ khai. Các nhà tư bản tham gia độc lập cả về sản xuất lẫn lưu thông, chỉ thống nhất về giá cả và thị trường.

[3] Một hình thức tổ chức độc quyền ở mức độ cao. Việc sản xuất và lưu thông đều do ban quản trị quyết định.

[4] Hoặc ‘tập đoàn phức hợp’? Dường như trong tiếng Việt chưa có thuật ngữ tương ứng, tập đoàn liên doanh là khái niệm gần nhất.

[5] Đây là định nghĩa của Lenin (xem Lenin toàn tập, t.27)

 

§27. Chủ nghĩa đế quốc

Tại mỗi đất nước, sự thống trị của tư bản tài chính, ở mức độ nào đó, đã đặt dấu chấm hết cho sự vô chính phủ của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Hàng loạt nhà sản xuất chống lại nhau từ trước đến nay thì giờ đã thống nhất lực lượng trong một tơ-rớt tư bản nhà nước.

Nhưng nếu thế thì điều gì đã xảy ra đối với một trong các mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản? Ta đã nói nhiều lần rằng chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ sụp đổ bởi vì sự vô tổ chức và vì sự tác động của đấu tranh giai cấp. Giờ đây, nếu một trong hai mâu thuẫn này (xem §13) không còn hữu hiệu nữa thì phải chăng tiên đoán về sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản là không có cơ sở?

Điểm chính mà ta cần xem xét là như sau. Trong thực tế, sự vô chính phủ của sản xuất và cạnh tranh không hề biến mất. Hoặc diễn đạt một cách tốt hơn là, nó chỉ biến mất ở chỗ này rồi lại bùng phát dữ dội hơn ở chỗ khác. Chúng tôi sẽ cố gắng giải thích vấn đề này thật chi tiết.

Chủ nghĩa tư bản hiện tại là chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Tất cả các quốc gia đều liên thông với nhau;các nước mua hàng của nhau. Hiện giờ không thể tìm thấy một đất nước nào không nằm trong phạm vi ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản; không có đất nước nào có thể tự sản xuất ra mọi thứ cần thiết cho nhu cầu của mình.

Có hàng loạt mặt hàng chỉ có thể sản xuất ở một số nơi nhất định. Cam không thể trồng ở các nước hàn đới, trong khi quặng sắt không thể khai thác ở những nước khan hiếm tài nguyên dưới mặt đất. Cà phê, ca cao và cao su chỉ trồng ở những nước nhiệt đới. Bông được trồng ở Hoa Kỳ, Ấn Độ, Ai Cập, Turkestan, …;từ đó xuất khẩu đi tất cả các nơi khác trên thế giới. Than được khai thác ở Anh, Đức, Hoa Kỳ, Áo và Nga, nhưng lại không có than ở Ý; Ý hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung than từ Anh và Đức. Lúa mì được xuất khẩu đi tất cả các nước từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga và Romania.

Mặt khác, một số nước có trình độ phát triển tiên tiến, trong khi một số nước khác lại vẫn lạc hậu. Kết quả là, nhiều sản phẩm công nghiệp ở các nước phát triển hơn đã được tiêu thụ sang các nước lạc hậu. Anh, Hoa Kỳ và Đức đã xuất khẩu sản phẩm sắt tới khắp các nơi trên thế giới. Đức là nhà xuất khẩu chủ yếu về các sản phẩm hoá chất.

Như vậy các quốc gia đều phụ thuộc vào nhau, mua bán hàng của nhau. Sự phụ thuộc này lớn đến đâu có thể thấy từ ví dụ của nước Anh. Khoảng 3/4 đến 4/5 nhu cầu lúa mì và một nửa nhu cầu thịt của nước này được nhập khẩu, và đổi lại một lượng lớn hàng hoá do các nhà máy của Anh sản xuất dành cho xuất khẩu.

Bây giờ ta hãy tự hỏi liệu tư bản tài chính có chấm dứt cạnh tranh trên thị trường quốc tế không. Liệu nó có tạo ra một tổ chức quốc tế mà thống nhất được các nhà tư bản ở các nước không? Đây hiển nhiên là điều sẽ không xảy ra. Sự vô chính phủ của sản xuất và cạnh tranh ở mỗi nước dần biến mất vì các doanh nghiệp đơn lẻ đã hợp nhất lại trong một tơ-rớt tư bản Nhà nước. Giờ đây tất cả là những cuộc đấu tranh dữ dội xảy ra giữa các tơ-rớt tư bản Nhà nước. Đây là điều chắc chắn xảy ra khi mà tư bản bị tập trung hoá. Khi cá bé đã bị ăn thịt, thì số kẻ cạnh tranh chắc chắn sẽ giảm bớt, chỉ còn lại những con cá lớn. Trong số còn sống sót, thì cuộc cạnh tranh sẽ được thực hiện ở một quy mô lớn hơn; thay vì là cuộc chiến tranh giữa các nhà sản xuất đơn lẻ với nhau, giờ đây sẽ là cuộc chiến tranh giữa  các tơ-rớt. Dĩ nhiên số lượng các tơ-rớt sẽ ít hơn số lượng các nhà sản xuất đơn lẻ. Do vậy, cuộc chiến tranh trở nên dữ dội hơn và huỷ diệt hơn. Khi mà các nhà tư bản ở một nước cụ thể nào đó đã đánh bại những đối thủ yếu hơn và thống nhất nhau lại trong một tơ-rớt tư bản Nhà nước, thì số lượng những kẻ cạnh tranh sẽ còn giảm hơn nữa. Những đối thủ cạnh tranh giờ đây là những tổ chức tư bản khổng lồ. Những cuộc cạnh tranh như vậy dẫn đến những khoản chi tiêu và lãng ở một quy mô chưa từng có. Cuộc chiến giữa các tờ rớt tư bản Nhà nước thể hiện ngay trong ‘thời bình’ bởi các cuộc chạy đua vũ trang ráo riết. Kết cục, nó dẫn đến một cuộc chiến thảm khốc.

Như vậy, TRONG KHI TƯ BẢN TÀI CHÍNH CHẤM DỨT TÌNH HÌNH CẠNH TRANH TRONG MỖI NƯỚC,thì đến thời điểm chín mùi, NÓ LẠI GÂY RA NHỮNG CUỘC CẠNH TRANH DỮ DỘI VÀ TRÀN ĐẦY THÙ ĐỊCH GIỮA CÁC NHÀ NƯỚC.

Làm thế nào điều này lại xảy đến? Hơn nữa tại sao cạnh tranh giữa các nước tư bản đến cuối cùng lại dẫn đến các chính sách thôn tính và chiến tranh? Tại sao không thể diễn ra cạnh tranh trong hòa bình? Khi hai nhà sản xuất cạnh tranh với nhau thì họ không dùng đến đao kiếm mà sử dụng những cách thức hòa bình để giành giật khách hàng của nhau. Vậy tại sao cạnh tranh trên thị trường quốc tế lại phải có hình thức tàn bạo như vậy? Sao những kẻ cạnh tranh lại phải trông cậy vào vũ trang? Chúng tôi phải đưa ra câu trả lời chi tiết cho những câu hỏi này.

Đầu tiên chúng ta cần hiểu vì sao chính sách của giới cầm quyền tư sản lại cần phải có sự thay đổi, đồng thời với sự chuyển dịch từ chủ nghĩa tư bản cũ, với cạnh tranh tự do phổ biến – sang chủ nghĩa tư bản mới, nơi tư bản tài chính thống trị.

Chúng ta bắt đầu với cái gọi là chính sách thuế quan. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, các chính phủ tư sản, để bảo vệ quyền lợi của các nhà tư sản trong nước, đã áp dụng chính sách thuế quan từ lâu như một vũ khí cạnh tranh. Chẳng hạn, khi các nhà sản xuất dệt may ở Nga lo ngại là các đối thủ cạnh tranh ở Anh hoặc Đức sẽ đưa vào nước Nga các sản phẩm dệt may xuất xứ từ Anh hoặc Đức và cắt giảm giá bán, chính quyền Nga sẽ điều chỉnh để đặt ra thuế nhập khẩu lên hàng hóa dệt may của Anh và Đức. Dĩ nhiên điều này ngăn cản sản phẩm nhập khẩu vào Nga. Các nhà sản xuất luôn tuyên bố rằng thuế quan là cần thiết để phát triển công nghiệp trong nước. Tuy nhiên nếu nghiên cứu về chính sách thuế quan ở nhiều nước, ta có thể thấy là mục đích thực sự của nó là hoàn toàn khác. Trong vài thập niên qua, những nước mà giới tư sản kêu gào đòi thuế quan thật cao, những nước đã áp đặt thuế quan ở mức cao như vậy, lại chính là những nước lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới. Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu phong trào này. Liệu cạnh tranh quốc tế có thể gây tổn hại đến những quốc gia đó không? ‘Anh gào thét cái gì vậy, John? Ai làm anh bị thương vậy? Chính anh là kẻ gây sự đấy!’.

Tất cả những điều này thật sự có ý nghĩa gì? Ta giả sử ở một nước nào đó mà ngành công nghiệp dệt may đã độc quyền hoá bởi các xanh-đi-ca hoặc tơ-rớt. Chuyện gì xảy đến khi thuế nhập khẩu được áp dụng? Các xanh-đi-ca sử dụng nó như một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất, bọn chúng được giải phóng khỏi cạnh tranh quốc tế. Thứ hai, đối với những người mua trong nước, chúng có thể tùy ý điều chỉnh mức tăng giá đến gần bằng với mức thuế quan. Giả sử mức thuế quan ngành dệt may là 2 shillings trên yard. Trong trường hợp đó, các đầu sỏ ngành dệt may chẳng ngần ngại tăng giá cả hàng hoá của mình thêm 2 shillings, hoặc ít nhất cũng là 9d trên yard. Nếu ngành dệt may chưa bị xanh-đi-ca hoá thì sự cạnh tranh của các tư sản trong nước sẽ làm giá cả giảm xuống. Nhưng nếu có một xanh-đi-ca đang nắm quyền kiểm soát thì nó có thể tăng giá chẳng khó khăn gì vì cạnh tranh nước ngoài đã bị cầm chân bên ngoài thị trường nhờ có rào cản thuế, còn trong nước thì không có cạnh tranh nhờ các xanh-đi-ca. Chừng nào còn có hàng hoá nhập khẩu thì thu nhập quốc gia vẫn được lợi, trong khi các xanh-đi-ca sản xuất giữ được lượng giá trị thặng dư bổ sung nhờ tăng giá cả. Điều này chỉ xảy ra khi có các xanh-đi-ca hoặc tơ-rớt. Nhưng đó chưa phải là kết thúc. Nhờ có các khoản lợi nhuận thặng dư này, mà các xanh-đi-ca có thể đưa hàng hoá và các nước khác và bán với giá thấp hơn chi phí để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh ở những nước này. Đây là điều chúng đã thật sự làm. Một sự thật là xanh-đi-ca đường ở Nga đã giữ giá đường tương đối cao ở Nga, trong khi bán đường ở Anh với giá thấp một cách kỳ quặc nhằm triệt hạ các đối thủ ở nước đó. Một câu châm biếm hiện hành là lợn của Anh được nuôi bằng đường của Nga. Như vậy, với sự trợ giúp từ thuế quan, các xanh-đi-ca vừa có thể bóc lột những người dân trong nước, vừa có thể có thêm các khách hàng từ nước ngoài.

Những hệ quả này rất quan trọng. Hiển nhiên là lợi nhuận thặng dư thu được của các xanh-đi-ca nào tăng tỉ lệ với ‘số cừu bị lột da’ – với số lượng người nhốt trong hàng rào thuế quan. Nếu diện tích khu vực thuế quan nhỏ thì cơ hội thu lợi nhuận cũng nhỏ. Nếu diện tích khu vực hải quan rộng hơn và dân số đông hơn, thì cơ hội thu lợi nhuận cũng mở rộng tương ứng. Trong trường hợp đó, lợi nhuận thặng dư thường rất lớn, đến mức nó có thể tác động mạnh mẽ đến thị trường thế giới, và nó hoạt động với kỳ vọng sẽ thành công đáng kể. Hiện tại, các khu vực thuế quan thường trùng khớp với những khu vực hành chính do Nhà nước quản lý. Làm thế nào để mở rộng các khu vực này? Bằng cách chiếm lấy các lãnh thổ nước ngoài, xâm lược nó, sáp nhập vào biên giới nước đó, vào lãnh thổ của chính phủ nước đó. Nhưng điều đó đồng nghĩa với chiến tranh. Điều đó có nghĩa là sự thống trị của các xanh-đi-ca tất yếu dẫn tới những cuộc chiến xâm lược. Những Nhà nước tư bản cướp bóc khao khát mở rộng biên giới của nó; sự mở rộng này là nhu cầu xuất phát từ lợi ích của các đầu sỏ tơ-rớt và tư bản tài chính. Những ai đang nói về việc mở rộng biên giới tức là đang nói về việc phát động chiến tranh.

Theo cách này, chính sách thuế quan của các đầu sỏ tờ-rớt và các xanh-đi-ca  trong sự kết hợp với các chính sách của chúng trên thị trường thế giới – đã dẫn đến những cuộc đụng độ bạo lực. Nhưng ở đây, còn những lý do khác dẫn đến chiến tranh.

Chúng ta đã thấy rằng sự phát triển của sản xuất dẫn đến sự tích lũy giá trị thặng dư không ngừng. Do đó, ở mọi đất nước tư bản phát triển tiên tiến, quá trình liên tục mở rộng khối lượng tư bản thừa[6] , loại tư bản mang lại ít lợi nhuận hơn so với các nước tương đối lạc hậu[7]. Ở bất cứ nước nào mà tích lũy tư bản thừa càng lớn thì các nỗ lực xuất khẩu tư bản và đầu tư ra nước ngoài càng mạnh mẽ. Đây là mục tiêu ưu tiên của chính sách thuế quan. Trên thực tế, thuế nhập khẩu cản trở rất nhiều đến việc nhập khẩu hàng hóa. Chẳng hạn như khi các nhà sản xuất Nga áp thuế cao đối với hàng hóa của Đức thì các nhà sản xuất Đức sẽ trở nên khó khăn trong việc đem sản phẩm của họ vào Nga. (Tất nhiên chúng ta đang nói về những điều đã từng xảy ra khi các nhà sản xuất còn đang nắm quyền lực, những ngày trước khi xuất hiện Chính quyền Xô Viết)

Nhưng khi gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa của mình sang Nga, các nhà tư bản Đức đã tìm ra một cách khác. Họ bắt đầu đem tư bản của mình vào nước Nga. Họ xây dựng các nhà máy ở đó; họ đã mua cổ phần của các doanh nghiệp Nga, hay là họ thành lập các công ty mới và cung ứng vốn cho chúng. Thuế nhập khẩu có gây trở ngại gì không? Không hề, đối với những phương thức này. Không những không phải là một trở ngại, thuế nhập khẩu còn là một sự trợ giúp; nó đã tích cực thúc đẩy dòng chảy tư bản. Vì lý do thế này. Khi nhà tư bản Đức có nhà máy ở Nga, và khi hắn ta cũng trở thành thành viên của một xanh-đi-ca ở Nga, tất nhiên thuế quan của Nga sẽ giúp hắn ta kiếm được lợi nhuận thặng dư. Thuế nhập khẩu cũng hữu ích đối với hắn ta trong việc bóc lột người dân Nga, cũng giống như những đồng nghiệp người Nga vậy.

Tư bản dịch chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác không chỉ để thành lập các doanh nghiệp mới hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp đã hoạt động ở đó. Trong nhiều trường hợp, việc đưa tư bản vào xuất hiện dưới hình thức một khoản vay chính phủ của nước cung cấp tư bản, một khoản vay với lãi suất cố định. Điều này có nghĩa là chính phủ đi vay đã làm tăng nợ công của nó, trở thành con nợ của chính phủ cho vay. Trong những trường hợp như vậy, chính phủ con nợ thường cam kết thả nổi tất cả các khoản vay (và đặc biệt là các khoản vay chiến tranh) trong các ngành công nghiệp của nước chủ nợ. Do đó, một lượng lớn vốn được chuyển từ Nhà nước này sang Nhà nước khác, một phần được đầu tư vào các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất, và một phần thực hiện dưới hình thức các khoản vay Nhà nước. Dưới sự thống trị của tư bản tài chính, việc xuất khẩu tư bản đã đạt được một tỷ trọng khổng lồ.

Chúng tôi sẽ đưa ra những số liệu cụ thể, dù lỗi thời, nhưng vẫn cho chúng ta biết rất nhiều điều. Vào năm 1902, Pháp đã đầu tư vào hai mươi sáu quốc gia nước ngoài với số tiền xấp xỉ ba mươi lăm tỷ francs: khoảng một nửa số tiền này là các khoản vay Nhà nước. Phần lớn nhất dành cho Nga (mười tỷ). Thêm vào đó, chúng ta có thể lưu ý đó là lý do tại sao giai cấp tư sản Pháp đã rất tức giận vì những người Nga chúng ta đã hủy bỏ các khoản nợ của Nga hoàng và từ chối trả nợ cho những chủ nợ người Pháp. Đến năm 1905, tổng tư bản nước ngoài nhập khẩu vào Nga đã vượt quá 40 tỷ. Trong năm 1911, các khoản đầu tư nước ngoài của Anh lên tới khoảng một tỷ sáu bảng Anh; nhưng nếu chúng ta bao gồm các khoản cho vay cho các thuộc địa của Anh, tổng số tiền mà người Anh đầu tư ra nước ngoài lên tới ba tỷ bảng Anh. Nước Đức trước chiến tranh có các khoản đầu tư nước ngoài lên tới 35 tỷ mác. Nói tóm lại, mọi chính phủ tư sản đều xuất khẩu một lượng lớn tư bản để cướp bóc các nước khác, với sự trợ giúp của lượng tư bản xuất khẩu này.

Hơn nữa, việc xuất khẩu tư bản kéo theo những hệ quả quan trọng. Các cường quốc khác nhau bắt đầu tranh giành quyền sở hữu các khu vực lãnh thổ hoặc các quốc gia yếu hơn mà họ muốn xuất khẩu tư bản. Nhưng ở đây, thêm một điểm khác nữa mà chúng ta cần phải lưu ý. Khi các nhà tư bản xuất khẩu tư bản sang một ‘nước ngoài’ khác, rủi ro liên quan không phải chỉ là rủi ro của một số lượng hàng hóa nhất định, mà còn là rủi ro của những khoản tiền đầu tư khổng lồ lên tới hàng triệu và hàng tỷ. Do đó, rõ ràng chúng sẽ làm nảy sinh một tham vọng mạnh mẽ là muốn kiểm soát hoàn toàn trong tay những nước yếu hơn mà chúng đã đầu tư tư bản, và gửi cả quân đội đến để bảo vệ lượng tư bản này. Vì vậy mà ở các quốc gia xuất khẩu đã nảy sinh tham vọng đưa các nước này vào tay chính quyền quốc gia của họ, chúng muốn thực hiện điều đó bất chấp mọi hiểm họa, đơn giản là chinh phục, thôn tính các vùng đất bằng vũ lực. Điều này làm xuất hiện những cuộc đua xâm lược thuộc địa giữa nhiều cường quốc cướp bóc, và rõ ràng là về lâu dài những kẻ cướp bóc phải xung đột với nhau. Những cuộc đụng độ như vậy đã thực sự diễn ra. Hệ quả là việc xuất khẩu tư bản đã dẫn đến chiến tranh.

Bây giờ chúng ta xem xét thêm một số điểm bổ sung. Với sự phát triển của các xanh-đi-ca và việc áp dụng thuế quan, cuộc cạnh tranh giành lấy thị trường trở nên gay gắt hơn rất nhiều. Vào cuối thế kỷ 19, người ta không còn tìm thấy bất kỳ vùng đất nào mà còn tương đối tự do cho việc xuất khẩu hàng hóa, hoặc bất kỳ khu vực nào mà nhà tư bản chưa đặt chân đến. Giá nguyên liệu thô tăng mạnh; kim loại, len, gỗ, than và bông đều trở nên đắt đỏ hơn. Trong những năm ngay trước chiến tranh, đã có một cuộc tranh giành thị trường khốc liệt và một cuộc đấu tranh tìm các nguồn nguyên liệu mới. Các nhà tư bản đã săn lùng khắp các nơi trên thế giới để tìm kiếm các mỏ than và mỏ quặng mới; chúng đang tìm kiếm các thị trường mới để có thể xuất khẩu các sản phẩm kim khí, dệt may, và sản phẩm của các ngành khác; chúng muốn có một thị trường tiêu dùng “tươi”, mới để khai thác. Trước đây, các đối thủ cạnh tranh ở mỗi nước thường là các doanh nghiệp cạnh tranh một cách ‘hòa bình’; Các doanh nghiệp vẫn duy trì những mối giao thiệp hòa hảo. Dưới sự thống trị của các ngân hàng và tơ-rớt, một sự thay đổi lớn đã diễn ra. Giả sử rằng những mỏ đồng mới vừa được phát hiện. Các mỏ đồng đó ngay lập tức bị một ngân hàng hay một tơ-rớt nắm giữ;những tổ chức này kiểm soát hoàn toàn các mỏ đồng này, và độc quyền hoá việc sử dụng chúng. Các nhà tư bản ở các nước khác chỉ còn tự an ủi mình với câu ngạn ngữ: ‘Thôi đừng than tiếc cốc sữa đã đổ’.Điều tương tự cũng áp dụng cho cuộc cạnh tranh giành giật thị trường. Ta giả sử rằng tư bản từ phương xa tìm đường đến một thuộc địa xa xôi. Việc bán hàng hóa sau đó ngay lập tức được tổ chức trên quy mô lớn. Việc kinh doanh thường rơi vào tay một công ty khổng lồ. Bằng cách mở chi nhánh tại chỗ, nó gây áp lực lên chính quyền địa phương, nó toan theo cách này và trăm mưu nghìn kế khác nhằm lũng đoạn thị trường, đảm bảo độc quyền, loại trừ tất cả các đối thủ cạnh tranh. Rõ ràng là tư bản độc quyền và những đầu sỏ của các tơ-rớt và xanh-đi-ca phải chơi xấu sau lưng đồng loại của mình. Chúng ta không phải đang sống trong ‘thời đại hoàng kim ngày xưa’, mà đang ở trong thời đại chiến tranh giữa những kẻ cướp độc quyền và những kẻ cướp bóc.

Do đó một điều không tránh khỏi là.ĐỒNG HÀNH VỚI SỰ TĂNG TRƯỞNG CỦA TƯ BẢN TÀI CHÍNH THÌ PHẢI CÓ SỰ GIA TĂNG MẠNH MẼ CUỘC ĐẤU TRANH GIÀNH GIẬT THỊ TRƯỜNG VÀ NGUỒN NGUYÊN LIỆU, VÀ ĐIỀU NÀY KHÔNG THỂ KHÔNG DẪN ĐẾN CÁC CUỘC XUNG ĐỘT BẠO LỰC.

Trong 25 năm cuối của thế kỷ 19, các cường quốc kẻ cướp đã tàn nhẫn chiếm giữ nhiều vùng thuộc các quốc gia nhỏ hơn. Giữa năm 1876 và 1914, cái gọi là các Đại Cường Quốc đã thôn tính khoảng mười triệu dặm vuông lãnh thổ. Nói cách khác, chúng đã chiếm đoạt một lãnh thổ với tổng diện tích gấp đôi châu Âu. Cả thế giới đã bị chia cắt bởi những tên cướp lớn; tất cả các quốc gia khác đã trở thành thuộc địa, chư hầu,[8] hoặc nô lệ của chúng.

Dưới đây là một số ví dụ. Vương quốc Anh từ năm 1870 đã thôn tính các vùng ở châu Á: Balochistan, Miến Điện, Wei-hai-wei, và phần địa lục tiếp giáp với Hong-Kong; nó đã mở rộng khu định cư Eo biển[9]; nó đã nắm giữ vùng đảo Síp và Bắc Borneo thuộc Anh. Ở Australia và Châu Đại Dương, nó đã thôn tính một số đảo, chiếm phần đông của New Guinea, chiếm đóng một phần lớn quần đảo Solomon, đảo Tonga, v.v. Những tài sản mới của nó ở Châu Phi là: Ai Cập, bắc Sudan , Uganda, Đông xích đạo châu Phi, Somaliland thuộc Anh, Zanzibar và Pemba. Nó đã nuốt chửng hai nước cộng hòa Boer, chiếm Rhodesia và Trung Phi thuộc Anh, chiếm đóng Nigeria, và vân vân.

Pháp, kể từ năm 1870, đã chiếm được An Nam; chinh phục Bắc Kỳ; chiếm đóng Lào, Tunis, Madagascar, các phần rộng lớn ở Sahara, Sudan, và bờ biển Guinea; đã giành được các khu vực ở Bờ Biển Ngà, ở Dahomey, ở Somaliland, v.v … Kết quả là, vào đầu thế kỷ 20, các thuộc địa của Pháp có diện tích gần gấp hai mươi lần so với mẫu quốc. (Các thuộc địa của Anh vào thời điểm này lớn hơn một trăm lần diện tích của mẫu quốc.)

Đức bắt đầu tham gia trò chơi cướp bóc này muộn hơn một chút, vào năm 1884; nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã có thể chiếm được một diện tích đất đai đáng kể.

Nước Nga Sa hoàng cũng theo đuổi chính sách ăn cướp trên quy mô lớn. Trong những năm cuối, các chính sách này chủ yếu hướng tới châu Á và tại đây một cuộc xung đột với Nhật Bản đã xảy ra bởi vì Nhật Bản đã cố gắng cướp đoạt châu Á từ phía bên kia.

Hoa Kỳ đã chiếm đoạt được nhiều đảo ở vùng biển Caribe, và sau đó thực hiện chính sách thôn tính trên lục địa Châu Mỹ. Thái độ của nó đối với Mexico là hết sức thù địch.

Vào năm 1914, các vùng lãnh thổ chính quốc của sáu Đại Cường quốc có tổng diện tích vào khoảng sáu triệu dặm vuông. Tổng diện tích các thuộc địa do chúng chiếm đóng tại cùng thời điểm là xấp xỉ ba mươi triệu dặm vuông.

Một điều rõ ràng ngay từ đầu là, những cuộc xâm chiếm và cướp bóc như vậy đã gây ra những tổn thất cho các nước nhỏ hơn, những quốc gia yếu đuối và không được bảo vệ. Họ là những người đầu tiên bị hủy hoại. Cũng như trong cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và các thợ thủ công độc lập, những người thợ thủ công là những người chịu tổn thất đầu tiên; ở đây cũng vậy. Các tơ-rớt tư bản Nhà nước lớn, những nhà đại tư bản đã tổ chức cướp bóc, bắt đầu bằng việc nghiền nát các chính phủ nhỏ hơn và chiếm đoạt tài sản của họ. Trong nền kinh tế thế giới, việc tập trung hóa tư bản được tiến hành theo những cách quen thuộc; các Nhà nước nhỏ hơn bị tiêu diệt, trong khi các Nhà nước kẻ cướp  lớn ngày càng giàu có, lớn hơn, và hùng mạnh hơn.

Ngay sau khi thôn tính cả thế giới, các Đại Cường Quốc bắt đầu xung đột với nhau ngày càng gay gắt hơn. Điều không thể tránh khỏi là những tên kẻ cướp giờ đây bắt đầu cãi nhau về chiến lợi phẩm, và đánh nhau để phân chia lại thế giới. Những Nhà nước kẻ cướp khổng lồ còn sót lại, và một cuộc chiến một mất một còn đã xảy ra giữa những kẻ sống sót này.

CHÍNH SÁCH XÂM LƯỢC MÀ TƯ BẢN TÀI CHÍNH THEO ĐUỔI NHẰM TÌM KIẾM CÁC THỊ TRƯỜNG MỚI, CÁC NGUỒN NGUYÊN LIỆU, VÀ NƠI ĐỂ ĐẦU TƯ TƯ BẢN – ĐÓ CHÍNH LÀ CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC. Chủ nghĩa đế quốc sinh ra từ tư bản tài chính. Giống như con hổ không thể ăn cỏ để sống, tư bản tài chính không thể tồn tại nếu không có chính sách xâm lược, thôn tính, bạo lực và chiến tranh. Nỗi khát khao của mọi tờ-rớt tư bản tài chính Nhà nước là thống trị thế giới; thành lập một đế chế thế giới, ở đó một nhóm nhỏ các nhà tư bản của các quốc gia chiến thắng sẽ nắm giữ quyền lực thống trị không bị phân chia. Chẳng hạn, đế quốc Anh mơ ước về một ‘Nước Anh Vĩ đại hơn’ sẽ thống trị toàn thế giới, một thế giới trong đó các đầu sỏ tơ-rớt của Anh sẽ chỉ huy những lao động người da đen và người Nga, người Đức và người Trung Quốc, người theo đạo Hindu và người Armenia, nô lệ thuộc mọi màu da – đen, trắng, vàng và đỏ. Nước Anh không còn xa vời với việc đạt được lý tưởng này. Nhưng càng chiếm nhiều hơn thì nó càng thèm khát nhiều hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với những tên đế quốc chủ nghĩa của các quốc gia khác. Các nhà đế quốc chủ nghĩa Nga mơ về một ‘Nước Nga vĩ đại hơn’; các nhà đế quốc chủ nghĩa Đức mơ về một ‘Nước Đức vĩ đại hơn’; và vân vân. Bởi những thứ ‘vĩ đại’ này mà đã xảy ra sự cướp bóc một cách vô liêm sỉ phần còn lại của thế giới.

Do đó, theo cách thức này, sự thống trị của tư bản tài chính chắc chắn phải ném cả nhân loại vào vực thẳm đẫm máu của một cuộc chiến vì lợi ích của các đầu sỏ ngân hàng và tơ-rớt; một cuộc chiến không phải vì đất nước của một dân tộc, mà là để cướp bóc các nước khác; một cuộc chiến được tiến hành để cho cả thế giới phải khuất phục trước tư bản tài chính của nước đi chinh phục. Đó là bản chất của cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất, trong những năm từ 1914 đến 1918.


*Chú thích:

[6] Tư bản thừa là tư bản tích lũy nhưng chưa tìm được nơi có tỷ suất lợi nhuận cao để đầu tư.

[7] Các nước phát triển có cấu tạo hữu cơ cao khiến cho tỷ suất lợi nhuận thấp hơn các nước có cấu tạo hữu cơ thấp như các nước lạc hậu (xem ‘Tư bản’ tập 3 của Karl Marx). Đây là lý do rất quan trọng dẫn đến chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Ngoài ra nó còn cho thấy chủ nghĩa tư bản và sản xuất nhỏ là hai mặt đối lập thống nhất, vừa triệt tiêu vừa duy trì lẫn nhau. Do đó mà thực dân luôn duy trì chính sách ‘ngu dân’ lạc hậu ở thuộc địa chứ không hề khai sáng văn minh cho họ.

[8] Chế độ chư hầu đến nay vẫn còn tàn dư. Một số nước ở châu Phi hằng năm vẫn phải cống nộp một khoản thuế cho nước Pháp theo các điều khoản đã ký khi giành độc lập.

[9] Một phần thuộc địa của Anh ở Đông Nam Á. Singapore từng nằm trong khu này.

 

§28. Chủ nghĩa quân phiệt

Sự thống trị của tư bản tài chính, của các đầu sỏ ngân hàng và tơ-rớt được biểu hiện trong một hiện tượng khác có tầm quan trọng hàng đầu, đó là sự gia tăng chi phí chưa từng có cho chạy đua vũ trang – cho lục quân, hải quân và không quân. Lý do cho điều này là hiển nhiên. Lúc ban đầu, không có tên kẻ cướp đế quốc nào mơ đến việc thống trị thế giới. Tuy nhiên, giờ đây, suy nghĩ của các nước đế quốc chủ nghĩa đã hoàn toàn chuyển sang đang hướng này. Từ trước đến nay, chưa từng có một cuộc cạnh tranh giữa các tơ-rớt Nhà nước mạnh mẽ đến thế. Kết quả của tình hình mới này là các Nhà nước đã trang bị quân sự đến tận răng. Các cường quốc, những tên cướp chuyên nghiệp, luôn cảnh giác lẫn nhau, vì mỗi tên cướp đều sợ hãi sẽ bị hàng xóm của mình tấn công  từ phía sau. Mỗi cường quốc đều thấy cần thiết phải duy trì một quân đội, không chỉ để phục vụ ở các thuộc địa, không chỉ để đàn áp công nhân, mà còn để chiến đấu với các tên kẻ cướp khác. Nếu bất kỳ Cường quốc nào đưa ra một số hệ thống vũ khí mới, các Cường quốc khác sẽ nhanh chóng nỗ lực để vượt lên, vì chúng sợ rằng sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua. Do đó xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang ráo riết điên cuồng, mỗi nước đều cố gắng vượt qua các nước kia. Các doanh nghiệp khổng lồ được thành lập, các tơ-rớt của những ‘ông vua thần công’- Putilov, Krupp, Armstrong, Vickers, v.v. Các tơ-rớt vũ khí đã tạo ra lợi nhuận khổng lồ; chúng liên minh với các tướng lĩnh quân đội; chúng nỗ lực đổ dầu vào lửa, thúc đẩy các cơ hội xung đột, vì thấy rằng quy mô lợi nhuận của chúng tùy thuộc vào chiến tranh.

Đó là bức tranh điên rồ của xã hội tư bản ngay trước cuộc đại chiến. Các tơ-rớt Nhà nước đã sẵn sàng với lưỡi lê tuốt trần; trên đất liền, trên biển và trên không, mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến tranh trên thế giới; trong ngân sách quốc gia của các nước, các khoản chi phí ước tính cho quân sự và hải quân chiếm một khoản lớn hơn bao giờ hết. Ví dụ, ở Anh vào năm 1875, chi tiêu cho các mục đích chiến tranh chiếm 386% dự toán hàng năm cho tất cả các mục đích, con số này không quá một phần ba; đến năm 1907- 1908, tỷ lệ này đã tăng lên 486%, chiếm gần một nửa. Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ chi tiêu quốc gia cho các mục đích chiến tranh trong năm 1908 là 569%, con số này là hơn một nửa. Ở những nước khác cũng vậy. ‘Chủ nghĩa quân phiệt Phổ’ đã nảy nở mạnh mẽ trong tất cả các tơ-rớt Nhà nước lớn. Các ông vua vũ khí đã làm đầy kho bạc của mình. Cả thế giới đang hối hả tiến tới cuộc chiến đẫm máu nhất trong tất cả các cuộc chiến tranh, tiến tới cuộc chiến tranh thế giới của chủ nghĩa đế quốc.

Một điều đáng chú ý là cuộc chạy đua vũ trang giữa giai cấp tư sản Anh và Đức. Vào năm 1912, nước Anh đã quyết định cứ hai chiếc thiết giáp hạm do Đức chế tạo thì Anh sẽ chế tạo 3 chiếc. Năm 1913, theo ước tính của hải quân, hạm đội Biển Bắc của Đức sẽ trang bị 17 chiếc thiết giáp hạm so với 21 chiếc thiết giáp hạm của Anh; năm 1916, con số là 26 của người Đức và 36 của người Anh, và cứ như thế.

Chi phí cho quân đội và hải quân của các nước tăng lên như sau:

Triệu (bảng Anh)
1888 1908
Nga 21 47
Pháp 30 41.5
Đức 18 40.5
Áo-Hung 10 20
Ý 7.5 12
Anh 15 28
Nhật Bản 0.7 9
Hoa Kỳ 10 20

 

Trong vòng 20 năm, chi phí (quân sự) đã tăng gấp đôi; trong trường hợp của Nhật Bản, chi phí quân sự tăng gấp 13 lần. Cuộc chạy đua vũ trang thậm chí còn trở nên sống động hơn trong thời gian ngay trước chiến tranh. Pháp đã chi 450.000.000 bảng Anh vào năm 1910 cho mục đích chiến tranh và 74.000.000 bảng Anh vào năm 1914. Đức đã chi 47.800.000 bảng Anh vào năm 1906 và 94.300.000 bảng Anh vào năm 1914; có nghĩa là chi tiêu đã tăng gấp đôi trong tám năm. Thậm chí chi tiêu của Anh còn phi thường hơn. Năm 1900, số tiền này lên tới 49.900.000 bảng Anh; năm 1910, nó đã là 69.400.000 bảng Anh; năm 1914, con số là 80.000.000 bảng Anh. Trong năm 1913, riêng chi tiêu cho hải quân của Anh đã lên đến một khoản lớn hơn tổng số tiền mà tất cả các cường quốc đã chi cho các hạm đội của chúng vào năm 1886. Đối với nước Nga Sa hoàng, vào năm 1892 nước này đã chi 29.300.000 bảng Anh cho vũ trang; năm 1902 là 42.100.000 bảng Anh; năm 1906 là 52.900.000 bảng Anh. Trong năm 1914, ngân sách chiến tranh của Nga lên tới 97.500.000 bảng Anh.

Chi tiêu cho các mục đích chiến tranh đã chiếm một tỷ trọng rất lớn trong nguồn thu quốc gia. Chẳng hạn ở Nga, một phần ba tổng ngân sách được dành cho vũ trang, nếu chúng ta tính cả các khoản vay chiến tranh, thì tỷ lệ này thậm chí còn lớn hơn. Dưới đây là các số liệu. Cứ trong mỗi 100 bảng Anh chi tiêu ngân sách ở nước Nga Sa hoàng, thì số tiền chi cho từng lĩnh vực tương ứng sẽ là:

Quân đội, hải quân, và trả lãi vay 40,14
Giáo dục 3,86 (xếp thứ 13)
Nông nghiệp 4,06 (xếp thứ 10)
Hành chính, tư pháp, ngoại giao, dịch vụ đường sắt, công nghiệp và thương mại, tài chính, … 51,94
Tổng 100 bảng Anh

 

Ngân sách của các nước khác cũng có những đặc điểm như vậy. Ví dụ, hãy nhìn vào trường hợp nước Anh ‘dân chủ’. Vào năm 1904, cứ trong mỗi 100 bảng Anh chi tiêu ngân sách,  thì các khoản chi cho từng lĩnh vực là như sau:

Cho quân sự và hải quân 53,8
Cho lãi nợ công Quốc gia và các quỹ chìm 22,5
Cho các dịch vụ dân sinh nói chung 23,7
Tổng 100 bảng Anh

 

§29. Chiến tranh đế quốc 1914-1918 

Chính sách đế quốc của ‘các cường quốc’ sớm hay muộn cũng không tránh khỏi việc dẫn đến đụng độ. Không thể chối cãi rằng trò chơi giành giật được chơi bởi tất cả các ‘cường quốc’ là nguyên nhân thực sự của chiến tranh. Chỉ có kẻ ngốc mới giữ niềm tin rằng chiến tranh xảy ra vì người Serbia giết thái tử Áo hoặc vì quân Đức xâm lược Bỉ. Ngay từ đầu đã có nhiều tranh cãi về việc ai là kẻ chịu trách nhiệm cho thảm họa. Các nhà tư bản Đức khẳng định rằng Nga là kẻ xâm lược, trong khi người Nga tuyên bố khắp mọi nơi rằng Đức đã khơi mào. Ở Anh, người ta nói rằng người Anh đã tham gia chiến tranh thay mặt cho ‘nước Bỉ nhỏ bé dũng cảm’. Ở Pháp, mọi người sáng tác, la hét và hát hò để chứng minh rằng nước Pháp đã hành xử vẻ vang như thế nào trong việc bảo vệ đất nước Bỉ anh hùng. Cùng lúc đó ở Áo và Đức, hai quốc gia này rêu rao rằng họ đang đẩy lùi một cuộc xâm lược của người Cossack [10] và đang tiến hành một cuộc chiến tranh tự vệ thuần túy.

Từ đầu đến cuối, tất cả chuyện này đều vô nghĩa; đây là một sự gian dối đối với người lao động. Sự gian dối là điều cần thiết cho phép giai cấp tư sản ép binh lính tham chiến. Đây không phải là lần đầu tiên giai cấp tư sản sử dụng những phương pháp như vậy. Trước đây chúng ta đã thấy các tơ-rớt đưa ra mức thuế quan cao, để vừa cướp bóc đồng bào, vừa có thể dễ dàng chinh phục thị trường nước ngoài hơn. Do đó, đối với chúng, thuế hải quan là một phương tiện tấn công. Nhưng giai cấp tư sản nhấn mạnh rằng thuế nhập khẩu được đặt ra là để bảo vệ nền công nghiệp nội địa. Điều tương tự cũng xảy ra trong trường hợp chiến tranh. Bản chất của chiến tranh đế quốc nhằm đặt thế giới dưới ách thống trị của tư bản tài chính, nằm ở chỗ tất cả đều là những kẻ xâm lược. Ngày nay điều này đã rõ ràng. Những tay sai của chế độ Nga hoàng tuyên bố rằng chúng đang tự vệ. Nhưng khi cách mạng Tháng Mười mở kho lưu trữ cấp bộ và khi các hiệp ước bí mật được công bố, các tài liệu bằng chứng được cung cấp cho thấy cả sa hoàng và Kerensky, cùng với người Anh và người Pháp, đang tiến hành cuộc chiến vì lợi ích là chiến lợi phẩm, chúng muốn chiếm Constantinople [11], cướp bóc Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư, cướp Galicia từ Áo. Những điều này bây giờ rõ ràng như hai thêm hai là bốn.

Đế quốc Đức sau cùng cũng bị lộ bộ mặt thật. Hãy nghĩ về hiệp ước Brest-Litovsk; nghĩ về những vụ cướp bóc ở Ba Lan, Lithuania, Ukraine và Phần Lan. Cuộc cách mạng Đức cũng đã dẫn đến nhiều điều được sáng tỏ. Từ các tài liệu bằng chứng, chúng tôi biết được rằng Đức đã sẵn sàng tấn công vì lợi ích của chiến tranh cướp bóc và đã lên kế hoạch để chiếm được một lượng lớn các lãnh thổ và thuộc địa của nước ngoài. Còn phe Đồng minh ‘cao quý’ thì sao? Chúng cũng đã bị lột trần mặt nạ. Không ai có thể tin vào sự cao quý của chúng sau hiệp ước Versailles. Chúng đã lột sạch nước Đức; yêu cầu một khoản chiến phí bồi thường là mười hai tỷ rưỡi; chúng đã chiếm toàn bộ hạm đội Đức và tất cả các thuộc địa của Đức; chúng đã thu giữ hầu hết các đầu máy xe lửa và những con bò sữa như một cách đòi bồi thường. Chúng đã tàn phá nước Nga ở cả miền bắc lẫn miền nam. Chúng cũng chiến đấu để cướp bóc.

Những người cộng sản Bolshevik đã nói tất cả những điều này ngay từ đầu cuộc chiến. Nhưng lúc đó ít ai tin họ. Ngày nay, tất cả những người không ở trong nhà thương điên đều có thể thấy rằng điều đó là đúng. Tư bản tài chính là một tên cướp tham lam và khát máu, bất kể quốc tịch của các nhà tư bản là gì. Tất cả đều giống nhau dù chúng là người Nga, người Đức, người Pháp, người Anh, người Nhật hay người Mỹ.

Do đó chúng ta thấy rằng, khi bàn về cuộc chiến tranh đế quốc thì thật vô lý khi nói rằng một đế quốc có tội và những kẻ khác là vô tội, một số đế quốc là kẻ xâm lược còn những kẻ khác đang tự vệ. Tất cả những khẳng định như vậy chỉ nhằm mục đích đánh lừa người lao động. Trên thực tế, các cường quốc đều bắt đầu bằng những cuộc xâm lược đối với những dân tộc thiểu số ở những vùng đất mà chúng đã thiết lập thuộc địa; chúng dựng lên nạn cướp bóc trên toàn thế giới trong thoả mãn; ở mọi vùng đất, các nhà tư bản hy vọng bắt cả thế giới phục vụ tư bản tài chính của đất nước chúng.

Một khi nó đã bắt đầu, chiến tranh không thể không trở thành chiến tranh thế giới. Lý do là rõ ràng. Hầu như toàn bộ thế giới đã được phân chia giữa các ‘cường quốc’, và các cường quốc được kết nối mật thiết với nhau bằng sợi dây của một hệ thống kinh tế toàn cầu. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc chiến phải lôi cuốn tất cả các nước, phải ảnh hưởng đến cả hai bán cầu.

Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Nga, Đức, Áo-Hungary, Serbia, Bulgaria, Romania, Montenegro, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và hàng chục quốc gia nhỏ bé đã bị cuốn vào vòng xoáy đẫm máu. Dân số thế giới lúc đó vào khoảng gần một phẩy năm tỷ người. Toàn bộ dân số khổng lồ này phải chịu đựng trực tiếp hoặc gián tiếp những đau khổ của cuộc chiến do một nhóm nhỏ tội phạm tư bản áp đặt lên họ. Chưa bao giờ thế giới nhìn thấy những đội quân khổng lồ được trang bị như bây giờ, chưa bao giờ nó biết đến những vũ khí chết chóc và hủy diệt quái dị như vậy. Thế giới cũng chưa từng chứng kiến ​​một khối lượng tư bản khổng lồ không thể cưỡng lại được như vậy. Anh và Pháp cưỡng ép không chỉ những người sinh ra trên đất nước Anh và Pháp, mà còn thêm hàng nghìn nối tiếp hàng nghìn nô lệ thuộc địa da đen và da vàng, phải phục vụ cho túi tiền của chúng. Những tên cướp văn minh đã không ngần ngại kết nạp những kẻ ăn thịt người trong số những binh lính của chúng, khi những kẻ ăn thịt đang sẵn sàng phục vụ. Tất cả những điều này được thực hiện nhân danh những lý tưởng cao đẹp nhất.

Cuộc chiến năm 1914 mang trong mình những nguyên mẫu của các cuộc chiến tranh thuộc địa. Trong số đặc trưng này gồm có: các chiến dịch của các cường quốc ‘văn minh’ chống lại Trung Quốc; cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ; chiến tranh Nga-Nhật vào năm 1904 (để tranh giành Triều Tiên, Cảng Arthur, Mãn Châu…); chiến dịch Tripolitan của Ý năm 1912; chiến tranh Boer vào đầu thế kỷ khi nước Anh ‘dân chủ’ nghiền nát hai nước cộng hòa Nam Phi một cách tàn bạo. Còn nhiều trường hợp khi một cuộc xung đột quốc tế khổng lồ đe dọa bùng nổ. Việc phân chia thuộc địa châu Phi gần như dẫn đến chiến tranh giữa Anh và Pháp (sự kiện Fashoda). Đức và Pháp bị lôi kéo vì Morocco. Nước Nga thời Sa hoàng từng suýt gây chiến với Anh để phân chia Trung Á.

Vào thời gian đầu của cuộc chiến tranh thế giới, xung đột lợi ích giữa Anh và Đức liên quan đến ưu thế lãnh thổ ở Châu Phi, Tiểu Á và vùng Balkan đã nổi lên gay gắt. Các sự kiện diễn ra theo cách như thế này, các đồng minh của Anh, trước hết là Pháp, hy vọng giành được Alsace-Lorraine từ Đức, và thứ hai là Nga đang tìm kiếm cơ hội trục lợi ở Balkan và Galicia. Chủ nghĩa đế quốc cướp bóc của Đức đã giành được đồng minh chính là Áo-Hung. Chủ nghĩa đế quốc Mỹ tham gia cuộc xung đột tương đối muộn, sau một thời gian đứng ngoài quan sát các cường quốc châu Âu đã kiệt quệ vì các cuộc chiến tranh.

Ngoài chủ nghĩa quân phiệt, một trong những phương pháp ghê tởm nhất được sử dụng trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đế quốc là ngoại giao bí mật, trong đó có các hiệp ước và âm mưu bí mật, chúng không lưỡng lự trong việc sử dụng dao ám sát và bom nổ. Mục tiêu thực sự của cuộc chiến tranh đế quốc được thể hiện trong các hiệp ước bí mật giữa một bên là Anh, Pháp và Nga, bên kia là giữa Đức, Áo-Hung, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria. Rõ ràng là các mật vụ của phe Hiệp Ước đã nắm được bí mật về vụ ám sát thái tử Áo xảy ra 5 tuần trước chiến tranh. Mặt khác, chính sách ngoại giao của Đức hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi vụ giết người. Ví dụ, Rohrbach, người theo chủ nghĩa đế quốc Đức, đã viết: ‘Chúng ta có thể tự cho mình là may mắn khi âm mưu vĩ đại chống nước Đức đã được công khai trước thời điểm chỉ định nhờ vụ ám sát thái tử Franz Ferdinand. Hai năm sau, cuộc chiến đã có thể khó khăn hơn nhiều.’ Các điệp viên khiêu khích của Đức đã có thể hoàn toàn sẵn sàng sát hại thái tử Đức để gây ra chiến tranh; các mật vụ Anh, Pháp hay Nga cũng không hề lưỡng lự nếu phải ám sát vị thái tử này.

*Chú thích:

[10]  Một cộng đồng người sống ở khu vực thảo nguyên phía nam Đông Âu và phần châu Á của nước Nga.

[11] Thủ đô của Đế chế Đông La Mã và Đế chế Ottoman trước đây, nay là thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. 

 

§30 Chủ nghĩa tư bản nhà nước và các giai cấp

Việc tiến hành cuộc chiến tranh đế quốc khác với tất cả các cuộc chiến tranh trước đây, không chỉ bởi quy mô của cuộc xung đột và tác động tàn phá của nó, mà còn bởi thực tế là mọi quốc gia tích cực tham chiến đều vận động toàn bộ nền kinh tế để phục vụ cho mục đích chiến tranh. Trong các cuộc xung đột trước đây, giai cấp tư sản có thể duy trì chiến tranh chỉ đơn thuần bằng cách cung cấp ngân sách. Tuy nhiên, chiến tranh thế giới đã đạt đến một mức độ khổng lồ và ảnh hưởng tới các nước trình độ phát triển cao đến nỗi chỉ mỗi tiền là không đủ. Điều thiết yếu trong cuộc chiến này là các xưởng đúc thép phải dành toàn bộ khả năng để chế tạo các loại súng hạng nặng có cỡ nòng liên tục tăng lên; than chỉ nên được khai thác cho mục đích chiến tranh; kim loại, dệt may, da sống, tất cả mọi thứ, đều chỉ nên được sử dụng phục vụ chiến tranh. Do đó đương nhiên hy vọng chiến thắng lớn nhất dành cho bất kỳ tơ-rớt Nhà nước tư bản nào có thể khai thác tốt nhất việc sản xuất và vận chuyển chúng lên cỗ xe chiến tranh.

Làm thế nào để đạt được điều này? Rõ ràng cách duy nhất để đạt được điều đó là tập trung hoàn toàn sản xuất. Thực sự cần thiết phải sắp xếp mọi thứ sao cho việc sản xuất diễn ra suôn sẻ; sao cho nó sẽ được tổ chức tốt; sao cho nó hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của đội ngũ chiến đấu, nghĩa là bộ tổng tham mưu; sao cho tất cả các mệnh lệnh của những người đeo cầu vai và sao sẽ được thực hiện đúng giờ.

Làm thế nào mà giai cấp tư sản có thể làm được điều này? Vấn đề thực ra khá đơn giản. Để đạt được mục tiêu đó, điều cần thiết là giai cấp tư sản phải đặt sản xuất tư nhân, các tơ-rớt và xanh-đi-ca sở hữu tư nhân dưới sự sắp đặt của Nhà nước tư bản cướp bóc. Đây là những gì chúng đã làm trong suốt cuộc chiến. Công nghiệp được ‘huy động’ và ‘quân sự hóa’, có nghĩa là nó được vận hành theo mệnh lệnh của Nhà nước và của các cơ quan quân sự. ‘Nhưng bằng cách nào?’ một số độc giả của chúng tôi sẽ hỏi. ‘Theo cách đó, giai cấp tư sản chắc chắn sẽ mất thu nhập của mình? Đó là quốc hữu hóa! Khi mọi thứ đã được giao cho Nhà nước thì giai cấp tư sản sẽ đi về đâu và các nhà tư bản sẽ tự giải quyết như thế nào với điều kiện ‘tình huống’ như vậy?’ Thực tế là giai cấp tư sản đã đồng ý với sự sắp xếp. Nhưng không có gì đáng chú ý ở chỗ, các xanh-đi-ca và tơ-rớt sở hữu tư nhân không được giao cho Nhà nước công nhân, mà cho Nhà nước đế quốc, Nhà nước thuộc về giai cấp tư sản. Có gì đáng báo động giai cấp tư sản trong một viễn cảnh như vậy không? Các nhà tư bản chỉ đơn giản là chuyển tài sản của họ từ túi này sang túi khác; lượng tài sản vẫn lớn như ngày nào.

Chúng ta không bao giờ được quên tính chất giai cấp của Nhà nước. Không được quan niệm Nhà nước cấu thành ‘quyền lực thứ ba’ đứng trên mọi giai cấp; từ đầu đến chân nó là một tổ chức giai cấp. Dưới chế độ chuyên chính vô sản, nó là một tổ chức của giai cấp công nhân. Dưới sự thống trị của giai cấp tư sản, nó chắc chắn chỉ là một tổ chức kinh tế cũng như một tơ-rớt hoặc xanh-đi-ca.

Do đó chúng ta thấy rằng khi giai cấp tư sản giao các xanh-đi-ca và tờ-rớt sở hữu tư nhân cho Nhà nước, thì họ đã giao cho Nhà nước của mình, cho Nhà nước tư bản cướp bóc chứ không phải cho Nhà nước vô sản; do đó họ chẳng mất gì bởi sự thay đổi này. Đối với một nhà sản xuất mà ta có thể gọi là Schulz hoặc Smith, phải chăng mọi thứ chỉ là một cho dù anh ta nhận được lợi nhuận của mình từ cơ quan kiểm toán của xanh-đi-ca hay từ ngân hàng Nhà nước? Không những còn lâu mới bị mất mát bởi sự thay đổi, giai cấp tư sản thực tế còn có lợi nhuận. Có lợi nhuận bởi vì thông qua việc Nhà nước tập trung công nghiệp, cỗ máy chiến tranh đã được hoạt động hiệu quả hơn, có nhiều cơ hội chiến thắng hơn trong cuộc chiến tranh cướp bóc.

Do đó không có gì ngạc nhiên khi ở hầu hết các nước tư bản tham gia chiến tranh, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Nhà nước đã thay thế cho chủ nghĩa tư bản của các xanh-đi-ca và tơ-rớt tư nhân. Ví dụ, nước Đức đã đạt được nhiều thành công và có thể chống lại sự tấn công từ những kẻ thù có sức mạnh vượt trội hơn rất nhiều trong một thời gian dài, đơn giản bởi vì giai cấp tư sản Đức đã rất thành công trong việc tổ chức chủ nghĩa tư bản Nhà nước.

Sự thay đổi sang chủ nghĩa tư bản Nhà nước đã được thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp, chế độ Nhà nước độc quyền sản xuất và thương mại đã được thiết lập. Điều này ngụ ý rằng sản xuất và thương mại hoàn toàn nằm trong tay Nhà nước tư sản. Đôi khi quá trình chuyển đổi không được thực hiện cùng một lúc mà theo từng đợt. Điều này diễn ra khi Nhà nước chỉ mua một số cổ phần của xanh-đi-ca hoặc tơ-rớt.

Một tập đoàn trong quá trình trên có trạng thái nửa tư nhân và nửa Nhà nước, nhưng Nhà nước tư sản nắm quyền lãnh đạo. Hơn nữa, ngay cả khi một số tập đoàn vẫn nằm trong tay tư nhân, chúng thường chịu sự kiểm soát của chính phủ. Một số doanh nghiệp bị ép buộc phải mua nguyên liệu thô từ một số doanh nghiệp khác theo các luật lệ đặc biệt, trong khi các doanh nghiệp kia phải bán một số lượng xác định và giá cố định. Nhà nước quy định phương pháp làm việc, quy định vật liệu nào được sử dụng và phân loại các vật liệu này. Như vậy chủ nghĩa tư bản Nhà nước đã ra đời thay cho chủ nghĩa tư bản tư nhân.

Dưới chế độ chủ nghĩa tư bản Nhà nước, thay cho các tổ chức riêng biệt của giai cấp tư sản thì nay đã mọc lên một tổ chức thống nhất là tổ chức Nhà nước. Vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh, ở bất kỳ nước tư bản nào cũng tồn tại tổ chức Nhà nước của giai cấp tư sản, đồng thời tồn tại tách biệt với Nhà nước là một số lượng lớn các tổ chức tư sản như xanh-đi-ca, tơ-rớt, hiệp hội doanh nhân, tổ chức địa chủ, đảng phái chính trị, hội nhà báo, hội trí thức, câu lạc bộ nghệ sĩ, nhà thờ, hội dành cho giáo sĩ, Hướng đạo sinh nam và thiếu sinh quân (tổ chức Thanh niên cận vệ trắng), văn phòng thám tử tư, v.v. Dưới chế độ tư bản Nhà nước, tất cả các tổ chức riêng biệt này đều hợp nhất với tư sản Nhà nước; chúng trở thành các cơ quan Nhà nước như trước đây và chúng làm việc theo một kế hoạch chung, chịu một sự ‘chỉ huy tối cao’; trong hầm mỏ và nhà máy, chúng làm bất cứ điều gì theo lệnh của bộ tổng tham mưu; báo chí đăng bài theo lệnh của bộ tổng tham mưu; chúng rao giảng trong các nhà thờ bất cứ điều gì hữu ích cho việc cướp bóc của bộ tổng tham mưu; tranh, sách và thơ của chúng được sản xuất theo đơn đặt hàng của bộ tổng tham mưu; chúng phát minh ra máy móc, vũ khí, khí độc, v.v., để đáp ứng nhu cầu của bộ tham mưu. Theo cách thức này, toàn bộ cuộc sống được quân sự hóa để đảm bảo giai cấp tư sản tiếp tục nhận được lợi ích bẩn thỉu của nó.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước biểu thị sự kết hợp sức mạnh to lớn để trở thành đại tư sản. Cũng như dưới chế độ chuyên chính của giai cấp công nhân, trong Nhà nước công nhân, giai cấp công nhân có tỷ lệ quyền lực lớn hơn vì chính quyền Xô Viết, các tổ chức công đoàn, Đảng cộng sản, v.v., phối hợp làm việc cùng nhau nhịp nhàng hơn, thì dưới chế độ độc tài của giai cấp tư sản, giai cấp tư sản có sự mạnh mẽ tỉ lệ thuận với sự thành công của tất cả các tổ chức tư sản hợp thành. Chủ nghĩa tư bản nhà nước, tập trung hóa tất cả các tổ chức này, chuyển đổi chúng thành công cụ của một tổ chức thống nhất, duy nhất, đóng góp to lớn vào sức mạnh của tư bản. Chế độ độc tài tư sản đạt đến đỉnh cao trong chủ nghĩa tư bản Nhà nước.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước phát triển mạnh trong chiến tranh ở tất cả các nước tư bản lớn. Ở Nga sa hoàng cũng vậy, nó bắt đầu phát triển (dưới hình thức các ủy ban công nghiệp chiến tranh, các tổ chức độc quyền, v.v.). Tuy nhiên sau đó, trước cuộc cách mạng tháng Ba năm 1917, giai cấp tư bản Nga đã trở nên lo sợ rằng công nghiệp sản xuất sẽ lọt vào tay giai cấp vô sản cùng với chính quyền Nhà nước. Vì lý do này, sau cách mạng tháng Ba, giai cấp tư sản không chỉ đơn thuần kiềm chế những nỗ lực tổ chức sản xuất mà còn tích cực phá hoại công nghiệp.

Chúng ta thấy rằng chủ nghĩa tư bản Nhà nước, thứ còn lâu mới chấm dứt tình trạng bóc lột, thực sự đã làm gia tăng quyền lực của giai cấp tư sản. Tuy nhiên, những người Scheidemannites [11] ở Đức và những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội ở những nơi khác đã cho rằng lao động cưỡng bức này là chủ nghĩa xã hội. Họ nói rằng ngay khi mọi thứ đã nằm trong tay Nhà nước thì chủ nghĩa xã hội sẽ được thực hiện. Họ không thấy rằng trong một hệ thống như vậy thì Nhà nước không phải là Nhà nước vô sản vì nó nằm trong tay những kẻ thù thâm độc và chết người của giai cấp vô sản.

Việc chủ nghĩa tư bản Nhà nước thống nhất và tổ chức giai cấp tư sản, làm tăng sức mạnh của chủ nghĩa tư bản, tất nhiên đã làm suy yếu giai cấp lao động rất nhiều. Dưới chế độ tư bản Nhà nước, công nhân trở thành nô lệ da trắng của Nhà nước tư bản. Họ bị tước quyền đình công; họ bị huy động và quân sự hóa; tất cả những ai lên tiếng phản đối chiến tranh đều bị đưa ra trước tòa án và bị kết án là kẻ phản bội. Ở nhiều nước, công nhân bị tước hết quyền tự do đi lại, bị cấm chuyển từ xí nghiệp này sang xí nghiệp khác. Những người làm công ăn lương ‘tự do’ bị đưa xuống chế độ nông nô; họ đã phải chết trên chiến trường, không phải nhân danh chính nghĩa của họ mà nhân danh kẻ thù của họ. Họ cam chịu làm việc cho đến chết, không phải vì lợi ích của mình hay của đồng chí hay con cái của họ, mà vì lợi ích của những kẻ áp bức họ.


*Chú thích:

[12] Scheidemann (1865-1939): Nhà chính trị người Đức, Thủ tướng Nhà nước Nhân dân Đức, thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD). Những người theo tư tưởng của ông được gọi là Scheidemannites.

 

§31. Sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và giai cấp công nhân

Ở khía cạnh nào đó, ngay từ đầu, chiến tranh đã góp phần vào việc tập trung hóa và tổ chức nền kinh tế tư bản. Điều mà các xanh-đi-ca, các ngân hàng, các tơ-rớt và các doanh nghiệp tổ hợp chưa hoàn tất thì chủ nghĩa tư bản Nhà nước đã hoàn thành một cách nhanh chóng. Nó tạo ra một mạng lưới tất cả các cơ quan điều tiết sản xuất và phân phối. Vì vậy, nó đã chuẩn bị cơ sở thậm chí còn đầy đủ hơn trước để giai cấp vô sản có thể nắm quyền sản xuất tập trung quy mô lớn hiện nay vào tay mình.

Gánh nặng của chiến tranh đè lên vai giai cấp công nhân tất yếu phải dẫn đến sự nổi dậy của quần chúng vô sản. Đặc điểm hàng đầu của cuộc chiến là nó giết người ở mức độ vô song. Các đoàn quân tiến lên với những bước tiến khổng lồ. Giai cấp vô sản đã bị tích cực tiêu diệt trên các chiến trường. Các báo cáo cho thấy đến tháng 3 năm 1917, tổng số người chết, bị thương và mất tích là 25 triệu người; vào ngày 1 tháng 1 năm 1918, số người thiệt mạng lên tới khoảng 8 triệu người. Nếu chúng ta giả định trọng lượng trung bình của một người lính là 750 lb., điều này có nghĩa là từ ngày 1 tháng 8 năm 1914 đến ngày 1 tháng 1 năm 1918, các nhà tư bản đã đưa ra thị trường một ngàn hai trăm triệu pound thịt người. Để ước tính thiệt hại thực sự về con người, chúng ta phải cộng thêm vài triệu người bị thương tật vĩnh viễn. Chỉ xét riêng về bệnh giang mai, căn bệnh này đã được chiến tranh lan truyền đến mức độ gần như không thể tin được, do đó hiện nay bệnh lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Do hậu quả của chiến tranh, mọi người đã trở nên kém hơn rất nhiều về thể chất; những yếu tố lành mạnh nhất, hiệu quả nhất, những yếu tố hình thành nên các ‘đoá hoa’ của các quốc gia đã bị phá hủy. Hầu như không cần phải nói rằng gánh nặng của những tổn thất đều do công nhân và nông dân gánh chịu.

Trong các thành phố trung tâm lớn của các quốc gia tham chiến, chúng ta có thể bắt gặp cả một cộng đồng gồm những người bị tàn tật và bị cắt xẻo một cách quái dị; những người đàn ông có khuôn mặt đã bị bắn đi, đang đeo mặt nạ và ngồi trong đau khổ như nhân chứng sống cho những thú vui của nền văn minh tư sản.

Tuy nhiên những người vô sản không chỉ bị tàn sát ở tiền tuyến. Thêm vào đó là những gánh nặng không thể chống đỡ đặt lên vai những người còn sống sót. Chiến tranh đòi hỏi những khoản chi phí điên rồ. Tại thời điểm đó, khi những chủ nhà máy đang tích lũy những khoản lợi nhuận không thể đong đếm được biết đến như ‘lợi nhuận chiến tranh’ thì công nhân lại bị trói buộc vào chính sách thuế khổng lồ cho mục đích chiến tranh. Vào mùa thu năm 1919, tại hội nghị hoà bình, Bộ trưởng Tài chính Pháp đã tuyên bố chiến tranh tiêu tốn của các nước tham chiến hơn một ngàn tỷ franc. Sự khổng lồ của con số đó không dễ để nắm bắt. Thời xưa người ta dùng những con số đó để đo khoảng cách giữa các vì sao. Ngày nay người ta đã quen dùng chúng để tính chi phí của những năm tháng tràn ngập tội ác tàn sát. Một ngàn tỷ là một triệu triệu. Đó là kết quả của cuộc chiến do bọn tư sản phát minh ra. Theo một ước tính khác, chi phí chiến tranh như sau

Triệu £
Chi phí năm thứ nhất chiến tranh 9,100
Chi phí năm thứ hai chiến tranh 13,650
Chi phí năm thứ ba chiến tranh 20,470
Chi phí năm thứ tư chiến tranh (năm tháng cuối của 1917) 15,350
Tổng £58,570 triệu

Sau đó, chi phí chiến tranh càng tăng cao hơn, đạt đến những con số đáng kinh ngạc về mức độ của chúng. Rất nhiều khoản phải được tăng lên để đáp ứng các chi phí này. Do đó đương nhiên các nước tư bản đã bắt đầu đặt những gánh nặng lên vai của giai cấp lao động: hoặc bằng cách đánh thuế trực tiếp; hoặc đánh thuế đối với các mặt hàng tiêu dùng; hoặc cuối cùng là cố ý tăng giá hàng hóa từ động cơ yêu nước để làm cho giai cấp tư sản cũng phải đóng góp. Giá cả tiếp tục tăng. Nhưng các nhà sản xuất, đặc biệt là bọn sản xuất những thứ cần thiết cho chiến tranh, đã bỏ túi những khoản lợi chưa từng thấy.

Các nhà sản xuất Nga đã có thể đảm bảo mức cổ tức cao hơn gấp đôi trước đó, và trong một số doanh nghiệp lợi nhuận thu về rất cao. Dưới đây là một số con số: công ty Naphtha của anh em nhà Miroslav đã trả 40%; Dashevsky Ltd 30%; nhà máy thuốc lá Kalfa 30%…. Ở Đức, trong những năm 1913 và 1914, lợi nhuận ròng trong bốn ngành công nghiệp là hóa chất, chất nổ, sản xuất kim loại và sản xuất ô tô có động cơ lên tới 133 triệu; trong những năm 1915 và 1916, tổng lợi nhuận của các lĩnh vực này lên tới 259 triệu, tức là gần như gấp đôi. Tại Hoa Kỳ, lợi nhuận của tơ-rớt thép trong nửa đầu năm 1916 lớn gấp ba lần lợi nhuận trong nửa đầu năm 1915. Tổng lợi nhuận của tơ-rớt năm 1915 là 98 triệu đô la; vào năm 1917, họ là 478 triệu đô la. Cổ tức 200% đã được công bố nhiều lần. Nhiều ví dụ khác có thể được đưa ra. Lợi nhuận ngân hàng cũng tăng mạnh tương tự. Trong chiến tranh, những con cá nhỏ giữa các nhà sản xuất đã bị phá sản, trong khi những con cá mập lớn lại giàu có đến khó tin. Đối với giai cấp vô sản, họ rơi vào ách thống trị của thuế và giá cả tăng cao.

Các mặt hàng chính được sản xuất trong chiến tranh là mảnh bom, đạn pháo, chất nổ mạnh, súng hạng nặng, xe tăng, máy bay, khí độc, thuốc súng, v.v. Một số lượng đáng kinh ngạc những vật dụng cần thiết này đã được sản xuất. Ở Mỹ, các thị trấn mới mọc lên như nấm xung quanh các nhà máy sản xuất bột. Chủ các nhà máy sản xuất bột mới, vì ham lợi nhuận, đã tiến hành công việc một cách cẩu thả đến mức thường xảy ra các vụ nổ. Tất nhiên, các nhà sản xuất bom, đạn đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ, nhờ đó mà việc kinh doanh của họ phát triển đáng kinh ngạc. Nhưng đối với những người bình thường, các vấn đề liên tục trở nên tồi tệ hơn. Những thứ có giá trị thực, chẳng hạn như có thể ăn, mặc, v.v., được sản xuất với số lượng ngày càng giảm. Với bột và đạn, người ta có thể bắn và có thể phá hủy, nhưng bột và đạn không có ích gì cho thực phẩm hoặc quần áo. Tuy nhiên, toàn bộ sức mạnh của những kẻ hiếu chiến đã được dành cho việc sản xuất bột và các dụng cụ chết chóc khác. Việc sản xuất các tiện ích thông thường ngày càng giảm. Các công nhân đã được đưa vào quân đội, và công nghiệp sản xuất hoàn toàn bị chuyển sang mục đích chiến tranh. Liên tục có sự khan hiếm hàng hóa hữu ích. Do đó nảy sinh tình trạng thiếu lương thực và giá cả cắt cổ. THIẾU BÁNH MÌ, THIẾU THAN, THIẾU TẤT CẢ CÁC HÀNG HÓA HỮU ÍCH, VÀ SỰ THIẾU THỐN TOÀN CẦU HOÀ CHUNG VỚI SỰ KIỆT QUỆ TOÀN CẦU, ĐÓ LÀ HẬU QUẢ CHÍNH CỦA TỘI ÁC CHIẾN TRANH ĐẾ QUỐC.

Sau đây là ví dụ từ một số nước. Ở Pháp trong những năm đầu chiến tranh, nền nông nghiệp đã suy giảm như sau:

Tạ
1914 1916
Ngũ cốc 42,272,600 15,300,500
Rau củ 46,639,000 15,860,000
Thực vật cho mục đích công nghiệp 59,429,000 20,448,000

Ở Anh, lượng than dự trữ sụt giảm như sau:

Lượng dự trữ cuối năm 1912 241,000 tấn
Lượng dự trữ cuối năm 1913 138,000 tấn
Lượng dự trữ cuối năm 1914 108,000 tấn
Lượng dự trữ cuối năm 1915 113,000 tấn
Lượng dự trữ cuối năm 1916 3,000 tấn
Lượng dự trữ cuối năm 1917 600 tấn

Nói cách khác, lượng than dự trữ đã gần như kiệt quệ vào năm 1917.

Ở Đức, lượng gang thép sản xuất như sau:

1913 19,300,000 tấn
1916 13,300,000 tấn
1917 13,100,000 tấn
1918 10,000,000 tấn

Do thiếu than, tình cảnh của công nghiệp trên khắp thế giới là tuyệt vọng. Ở Trung và Tây Âu, nhà cung cấp than chính là Anh. Ở Anh vào giữa năm 1918, sản lượng than đã giảm 13%. Vào năm 1917, các ngành công nghiệp chính hầu như không có nguồn cung cấp than. Các công trình điện chỉ nhận được một phần sáu lượng than mà họ cần, trong khi các công ty dệt may chỉ nhận được một phần mười một nguồn cung cấp trước chiến tranh. Vào thời điểm diễn ra hội nghị ‘hòa bình’ tại Versailles, gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng than khủng khiếp. Các nhà máy bị đóng cửa vì thiếu nhiên liệu và các dịch vụ đường sắt bị cắt giảm. Sau đó là một sự vô tổ chức sâu rộng của ngành công nghiệp và vận tải.

Điều tương tự cũng xảy ra ở Nga. Năm 1917, chiến tranh đã dẫn đến tình trạng rất tồi tệ trong vấn đề cung cấp than. Các ngành công nghiệp của Moscow yêu cầu 12.000.000 pood than mỗi tháng [61 pood = 1 tấn]. Chính quyền của Kerensky hứa cung cấp 6.000.000 pood, bằng một nửa số lượng bình thường. Nguồn cung cấp thực tế như sau:

Tháng Một 1917 1,800,000 pood
Tháng Hai 1917 1,300,000 pood
Tháng Ba 1917 800,000 pood

Không có gì đáng ngạc nhiên khi ngành công nghiệp của Nga, còn lâu mới cho thấy ‘sự mở rộng đáng kể’, gần như đã bị đình chỉ. Ở đây cũng như trên khắp thế giới, sự tàn lụi của chủ nghĩa tư bản đã bắt đầu. Năm 1917, dưới chế độ của Kerensky, việc đóng cửa các nhà máy đã đạt các mốc sau:

Tháng Số doanh nghiệp Số công nhân làm việc
Ba 74 6,646
55 2,816
Năm 108 8,701
Sáu 125 38,455
Bảy 206 47,754

Sự sụp đổ đang tăng tiến với những bước tiến khổng lồ. Nếu chúng ta muốn xem xét việc tăng giá cả sinh ra từ một phần là do khan hiếm và một phần là do lạm phát tiền tệ, thì chỉ cần xem xét nước Anh, quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất bởi chiến tranh trong số các quốc gia hiếu chiến ban đầu.

Dưới đây là giá trung bình của năm mặt hàng thực phẩm chính (trà, đường, bơ, bánh mì và thịt)

Trà và đường Bánh mì, bơ và thịt
Giá trung bình 1901-1905 500 300
Cuối tháng 7, 1914 579 350
Cuối tháng 1, 1915 786 413
Cuối tháng 1, 1916 946 465
Cuối tháng 1, 1917 1310 561
Cuối tháng 1, 1918 1221 681
Cuối tháng 5, 1918 1247 777

Như vậy, trong quá trình chiến tranh, ngay cả ở Anh giá cả đã tăng hơn gấp đôi, và mức tăng lương còn rất xa mới theo kịp với mức tăng giá sinh hoạt. Ở các nước khác, điều kiện tồi tệ hơn rất nhiều. Chúng đặc biệt tồi tệ ở Nga, nơi mà cuộc chiến tàn phá khủng khiếp, và cả đất nước bị biến thành một kẻ ăn xin rách nát phụ thuộc vào sự sủng ái của các lãnh chúa tư bản.

Tại Hoa Kỳ, nước thậm chí còn ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hơn Anh, từ năm 1913 đến 1918, giá của mười lăm sản phẩm hàng đầu đã tăng 160%, trong khi trong cùng thời kỳ, mức tăng lương chỉ là 80%.

Về lâu dài, ngay cả việc sản xuất cho mục đích chiến tranh cũng bắt đầu suy yếu vì thiếu than, thép và các nhu yếu phẩm khác. Ở mọi vùng đất, ngoại trừ một mình Hoa Kỳ, nghèo đói tràn lan; đói, lạnh, và đổ nát đang ngập tràn khắp nơi trên thế giới. Hầu như không cần phải nói rằng những người phải chịu đựng tất cả những tệ nạn này là các thành viên của giai cấp công nhân, những người đã cố gắng đứng lên phản kháng. Với họ, bây giờ chiến tranh đã được khơi mào, một cuộc chiến được tiến hành bằng toàn bộ sức mạnh của các nước tư sản cướp bóc. Ở mọi vùng đất, ở các nước cộng hòa cũng như chế độ quân chủ, giai cấp công nhân phải chịu những cuộc đàn áp vô phép. Công nhân không chỉ bị tước quyền đình công, mà những phong trào biểu tình nhỏ nhất cũng bị đàn áp dã man. Bằng cách này, sự thống trị của chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến nội chiến giữa các giai cấp.

Nghị quyết của Đệ tam Quốc tế liên quan đến Khủng bố Trắng đưa ra một bức tranh nổi bật về cuộc đàn áp công nhân trong chiến tranh. Nó như sau: ‘Ngay từ đầu cuộc chiến, các giai cấp thống trị đã tàn sát hơn mười triệu người, ngoài ra còn làm tàn tật và cắt xẻo một số lượng lớn trên chiến trường, chúng đã thiết lập chế độ độc tài đẫm máu trong nội bộ quốc gia (độc tài tư sản). Ở Nga, chính phủ Nga hoàng đã bắn và treo cổ các công nhân, tổ chức các cuộc biểu tình chống Do Thái và bóp nghẹt mọi cuộc biểu tình. Chính phủ Áo đã đàn áp dã man những cuộc nổi dậy của nông dân và công nhân ở Ukraine và Bohemia. Giai cấp tư sản Anh tàn sát một số đại diện xuất sắc nhất của người Ireland. Đế quốc Đức thì sốt sắng đe dọa và tàn sát, và những người lính áo lam nổi dậy là nạn nhân đầu tiên của cơn thịnh nộ tàn bạo của chúng. Tại Pháp, chính quyền đã bắn hạ những binh lính Nga không chịu bảo vệ quyền lợi tài chính của các chủ ngân hàng Pháp. Ở Hoa Kỳ, giai cấp tư sản đã thủ tiêu những người theo chủ nghĩa quốc tế, kết án những người vô sản xuất sắc nhất hai mươi năm tù và bắn hạ những người công nhân đang đình công.

Hệ thống tư bản bị phá vỡ. Tình trạng sản xuất vô chính phủ đã dẫn đến chiến tranh, và điều này đã gây ra xung đột giai cấp rất lớn. Do đó chiến tranh dẫn đến cách mạng. Chủ nghĩa tư bản bắt đầu tan rã theo hai con đường cơ bản. (Tham khảo §13). Kỷ nguyên sụp đổ của chủ nghĩa tư bản đã bắt đầu. Chúng ta hãy xem xét sự sụp đổ này kỹ hơn.

Xã hội tư bản được xây dựng dựa trên một mô hình xuyên suốt khắp mọi nơi. Một nhà máy được tổ chức giống như một văn phòng chính phủ hoặc giống như một bộ phận của quân đội đế quốc. Đứng đầu là những người giàu có chỉ huy; ở dưới cùng là người nghèo, người lao động và người làm công ăn lương, những người phải tuân lệnh; ở giữa là các kỹ sư cấp trên, các ‘hạ sĩ quan’, quản đốc, các nhân viên cấp cao hơn, v.v … Do đó, xã hội tư bản chỉ có thể duy trì chừng nào mà những binh nhì (được lấy từ hàng ngũ của công nhân) còn tuân theo mệnh lệnh của sĩ quan (xuất thân từ tầng lớp quý tộc, quý tộc địa chủ, hoặc giai cấp tư sản giàu có hơn); chừng nào chính phủ còn bắt cấp dưới tuân theo mệnh lệnh của các cấp trên giàu có; và chỉ chừng nào trong các nhà máy, công nhân tiếp tục tuân theo những người quản đốc lương cao hoặc những chủ nhà máy sống dựa trên giá trị thặng dư. Nhưng ngay khi quần chúng lao động nhận ra rằng họ chẳng qua là con tốt trong tay kẻ thù thì mối dây trói buộc binh nhì với sự phục vụ của sĩ quan bị cắt đứt và ràng buộc giữa người công nhân với sự phục vụ của chủ nhà máy cũng thế. Người lao động không làm theo lệnh của chủ xưởng; các binh nhì ngừng tuân theo lệnh của sĩ quan của họ; các công chức ngừng tuân theo mệnh lệnh của người đứng đầu. Sau đó bắt đầu thời kỳ mà kỷ luật được xóa bỏ, thứ kỷ luật cho phép người giàu thống trị người nghèo, thứ cho phép giai cấp tư sản lừa gạt công nhân. Thời kỳ này tất yếu sẽ tiếp tục cho đến khi giai cấp mới (giai cấp vô sản) đã khuất phục được giai cấp tư sản, bắt giai cấp tư sản phải phục vụ công nhân, và đã thiết lập được kỷ cương mới.

Những tình trạng khi trật tự cũ đã bị phá huỷ còn trật tự mới vẫn chưa hoàn toàn ra đời, chỉ có thể chấm dứt bởi con đường duy nhất là chiến thắng hoàn toàn của những người vô sản trong cuộc nội chiến.

§32. Nội chiến

Nội chiến là một sự  leo thang căng thẳng của đấu tranh giai cấp, xảy ra khi chiến tranh giai cấp đã dẫn tới cách mạng. Cuộc chiến tranh đế quốc giữa hai tập đoàn nhà nước tư sản, cuộc chiến tranh phát động nhằm phân chia lại thế giới, được thực thi bởi những kẻ nô lệ của tư bản. Nó đặt gánh nặng lên vai công nhân, điều này khiến cho đấu tranh giai cấp chuyển thành cuộc nội chiến giữa những kẻ bị trị chống lại bọn thống trị, cuộc chiến này như Marx khẳng định là cuộc chiến duy nhất chính nghĩa.

Một điều hết sức tự nhiên là chủ nghĩa tư bản phải kết thúc bởi nội chiến, cuộc chiến tranh đế quốc giữa các nhà nước tư sản tất phải dẫn tới một cuộc chiến giữa các giai cấp. Đảng của chúng ta đã dự đoán sự phát triển này vào thời điểm mới bắt đầu của cuộc chiến tranh trong năm 1914, khi không ai dám mơ về cách mạng. Tuy vậy, rất rõ ràng rằng gánh nặng không thể chịu đựng được mà cuộc chiến đặt lên vai giai cấp cần lao phải dẫn tới sự nổi dậy của những người vô sản. Hơn nữa một điều cũng hết sức rõ ràng là bọn tư sản không thể duy trì hòa bình mãi mãi được bởi vì mâu thuẫn giữa những kẻ cướp với nhau là người sống thì ta chết.

Những dự đoán của chúng ta đã hoàn toàn thành hiện thực. Sau những năm tháng tồi tệ của chiến tranh, với sự tàn bạo và huỷ diệt, một cuộc nội chiến chống lại bọn áp bức đã bắt đầu. Cuộc nội chiến này khởi đầu bởi cách mạng Nga vào tháng Ba và tháng Mười Một năm 1917, sau đó nó được tiếp nối bởi cách mạng Phần Lan, cách mạng Hungary, cách mạng Áo và cách mạng Đức; cách mạng ở các nước khác cũng bắt đầu bùng nổ. Giới tư sản không thể đem đến hòa bình vĩnh viễn. Phe Hiệp ước đã đánh bại Đức vào năm 1918, chỉ vài tháng sau một hoà ước cướp bóc, hoà ước Versailles, đã được ký kết, nhưng không ai dám chắc mọi sự cuối cùng đã được giải quyết. Và hoá ra hoà bình của Versailles không kéo dài mãi mãi. Sự đối lập đã bùng nổ giữa Nam Tư và Ý, giữa Ba Lan và Séc-Slovakia, giữa Ba Lan và Lithuania, giữa Latvia và Đức. Hơn nữa, các quốc gia tư sản còn liên kết tấn công nền cộng hoà của những người công nhân Nga vừa giành chiến thắng. Cuối cùng chiến tranh đế quốc kết thúc bởi nội chiến, điều sẽ tất yếu dẫn đến kết quả là chiến thắng của những người vô sản.

Nội chiến không phải xuất phát từ tham vọng nhất thời của một đảng nào cả; sự bùng nổ của nó là điều không tránh khỏi. Nội chiến là một tiếng gọi cách mạng công khai, và cách mạng là điều tất yếu xảy ra vì cuộc chiến cướp bóc của các đế quốc đã giúp số đông quần chúng công nhân được mở mắt.

Nghĩ rằng cách mạng có thể diễn ra mà không cần nội chiến khác gì nghĩ rằng còn có cuộc cách mạng trong hoà bình. Kẻ nào tin điều này (chẳng hạn như bọn Menshevik luôn rên rỉ về những thương đau của nội chiến) đều đã quay lưng lại với Marx để gia nhập bọn chủ nghĩa xã hội lỗi thời, những kẻ tin rằng có thể thuyết phục chủ nhà máy bằng lời lẽ. Điều đó cũng giống như tin rằng việc một con hổ có thể được nuôi thì mọi loài vật đều có thể chuyển sang ăn cỏ và đám gia súc sẽ được bình yên! Marx là một người đứng về phía nội chiến, tức là cuộc chiến giữa giai cấp vô sản được vũ trang và giai cấp tư sản. Khi trích dẫn trong bài viết về công xã Paris (cuộc nổi dậy của công nhân Paris vào năm 1871), Marx khẳng định rằng những người công xã đã chưa đủ cương quyết. Ông dùng lời lẽ khiển trách họ trong tuyên ngôn của Quốc tế Thứ nhất [Cuộc nội chiến ở Pháp] Chúng tôi xin phép trích lại ở đây:

“Ngay cả với đám cảnh sát, thay vì bị tước vũ khí và nhốt lại, những điều đáng lẽ ra đã phải làm, thì lại mở rộng cổng thành Paris và cho chúng rút lui an toàn về Versailles. Những tên của ‘Đảng trật tự’ (tên sau này được đặt cho đám phản động) không những không bị hại mà còn nhanh chóng âm thầm tập hợp lại để chiếm nhiều hơn một đồn lũy ở ngay giữa trung tâm Paris. Miễn cưỡng tiếp tục cuộc nội chiến do bọn Thiers [13] (phiên bản Pháp của Denikin[14]) khơi mào, ở đây Uỷ ban Trung ương đã mắc một sai lầm chết người. Lúc này đã rất cấp thiết phải tấn công Versailles để chấm dứt bọn Thiers và Rural một lần và cho mãi mãi. Nhưng thay vào đó, ‘Đảng trật tự’ lại được phép kiểm chứng sức mạnh của mình bằng hòm phiếu, tại cuộc bầu cử công cộng vào ngày 26 tháng 3.”

Ở đây Marx đã tán thành việc dùng vũ trang để đàn áp đám phản cách mạng, ông ủng hộ cho cuộc nội chiến. Và Engels cũng vậy, ông đã viết như sau:

“Liệu Công xã Paris không thể đứng vững dù chỉ một ngày nếu không đặt niềm tin vào việc uỷ quyền cho lực lượng vũ trang chống lại giới tư sản? Phải chăng chúng ta không có quyền đổ lỗi cho Công xã vì đã sử dụng quá ít sức mạnh cưỡng ép của mình?” 

Và đây là cách mà Engels định nghĩa thuật ngữ ‘cách mạng’: Cách mạng là một hành động của đông đảo quần chúng nhằm áp đặt ý chí của mình lên phần còn lại bằng cách phương tiện như súng đạn, dao kiếm, đại bác.’

Ta thấy rằng những nhà lãnh đạo chủ nghĩa xã hội có quan điểm rất nghiêm túc về cách mạng. Họ hiểu rằng những người vô sản không thể đàm phán hòa bình với giới tư sản; họ hiểu rằng những người công nhân phải áp đặt ý chí của mình thông qua trong chiến thắng một cuộc nội chiến với ‘súng đạn, đao kiếm và đại bác’.

Cuộc nội chiến đặt hai giai cấp trong xã hội tư bản, hai giai cấp mà lợi ích đối lập nhau hoàn toàn đối diện với nhau, vũ khí lăm le trong tay. Có một sự thật là xã hội tư bản bị chia rẽ làm đôi, và về cơ bản nó bao gồm ít nhất hai xã hội riêng biệt, trong những thời điểm bình thường sự thật này bị che lấp. Tại sao vậy? Đó là vì những người nô lệ phục tùng chủ của họ một cách thụ động. Sự phục tùng này sẽ chấm dứt trong thời kỳ nội chiến, phần xã hội bị áp bức nổi lên chống lại những kẻ áp bức. Rõ ràng là trong hoàn cảnh như vậy, các giai cấp sẽ không thể ‘sống hài hòa bên cạnh nhau’. Quân đội chia thành Bạch vệ gồm các tầng lớp quý tộc, tư sản và thành phần giàu có hơn trong tầng lớp chuyên gia, v.v., và Cận vệ đỏ gồm các công nhân và nông dân. Giờ đây không thể nào có một nghị viện dưới bất kỳ hình thức nào trong đó chủ nhà máy và công nhân ngồi lại với nhau. Làm sao họ có thể gặp nhau ‘hòa bình’ tại nghị viện khi họ đang bắn nhau trên đường phố? Trong thời kỳ nội chiến, giai cấp này cầm vũ khí chống lại giai cấp kia. Đây là lý do tại sao cuộc đấu tranh chỉ có thể kết thúc thông qua thắng lợi của một trong hai giai cấp. Nó không thể kết thúc trong một cuộc đàm phán, hay trong bất kỳ hình thức thỏa hiệp nào. Quan điểm như vậy đã được khẳng định đầy đủ qua kinh nghiệm nội chiến ở Nga và các nơi khác (Đức và Hungary). Hoặc một chế độ độc tài của giai cấp tư sản hoặc một nền chuyên chính của giai cấp vô sản phải mau chóng bắt đầu. Chính phủ của các tầng lớp trung lưu và các đảng của họ (Đảng Cách mạng Xã hội, Đảng Menshevik, v.v.) chỉ đơn thuần là một cầu nối để chúng ta đi qua bên này hay bên kia. Khi Chính phủ Xô Viết Hungary bị lật đổ với sự trợ giúp của các Menshevik, nó đã được thế chỗ bởi một ‘liên minh’ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, ngay sau đó một chính phủ phản động chuyên chế đã được thành lập. Lần lượt theo thời gian, Đảng Cách mạng Xã hội Lập hiến đã đạt đến đỉnh cao quyền lực ở Ufa, Transvolgia, hoặc Siberia, nhưng chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ nó đã bị lật đổ bởi Đô đốc Kolchak, người được các nhà tư bản lớn và địa chủ ủng hộ. Điều này có nghĩa là thiết lập chế độ độc tài tư bản địa chủ thay vì chế độ chuyên chính công-nông. MỘT CHIẾN THẮNG QUYẾT ĐỊNH TRƯỚC KẺ THÙ VÀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA NỀN CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN – ĐÓ SẼ LÀ KẾT QUẢ TẤT YẾU CỦA CUỘC NỘI CHIẾN TOÀN CẦU.


*Chú thích:

[13] Thủ tướng Pháp dưới thời Quân chủ Tháng Bảy và là Tổng thống đầu tiên của Đệ Tam Cộng hoà Pháp. 

[14] Tổng tư lệnh quân đội đế quốc Nga trước Cách mạng Tháng Mười. Một trong số các tướng lãnh đạo của Bạch Vệ. 

 

§33. Các hình thức nội chiến và cái giá của nó 

Thời kỳ nội chiến được mở ra bởi cách mạng Nga, bản thân nó chính là điềm báo trước cho sự khởi đầu của một cuộc cách mạng trên toàn thế giới. Cách mạng ở Nga xuất hiện sớm hơn các nơi khác vì sự tan rã của chủ nghĩa tư bản ở Nga cũng diễn ra sớm hơn. Tham vọng của giai cấp tư sản và địa chủ Nga là chinh phục Constantinople và miền Galicia, và cùng với các đồng minh của mình chúng đã đun lên vạc dầu sôi của địa ngục năm 1914. Nhưng bởi sự yếu ớt và vô tổ chức mà chúng đã là kẻ đầu tiên sụp đổ, làm cho hỗn loạn và nạn đói xuất hiện ở Nga sớm hơn những nơi khác. Vì lý do đó mà những người vô sản Nga đã không mấy khó khăn để đối phó với kẻ thù giai cấp của mình. Vì lý do đó mà các công nhân Nga là những người đầu tiên có được chiến thắng quyết định và thiết lập nền chuyên chính của mình.

 

Nhưng không vì thế mà ta kết luận rằng cuộc cách mạng cộng sản ở Nga đã là cách mạng triệt để nhất trên thế giới; cũng như không nên kết luận rằng ở các nước mà chủ nghĩa tư bản càng ít phát triển thì nước đó càng dễ làm cách mạng và đến gần với chủ nghĩa cộng sản hơn. Hệ quả logic của quan điểm kiểu vậy dẫn tới nhận thức rằng chủ nghĩa xã hội sẽ xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và bất cứ quốc gia nào mà tầng lớp vô sản gần như chưa xuất hiện. Nếu đây là sự thật thì những gì Marx dạy đã trở nên phi lý.

Những kẻ kết luận như thế đều đang bị lẫn lộn giữa hai điều: Một bên là sự khởi đầu của cách mạng và một bên là đặc trưng, mức độ triệt để của cách mạng. Cách mạng ở Nga xuất hiện sớm hơn là nhờ vào sự phát triển còn non nớt và yếu đuối của chủ nghĩa tư bản Nga. Nhưng cũng vì sự non nớt và yếu đuối đó, vì Nga hẵng còn là một đất nước lạc hậu nơi mà người vô sản là thiểu số còn tiểu tư sản chiếm đa số, nên chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức một nền kinh tế cộng sản trọn vẹn [15]. Cách mạng ở Anh sẽ diễn ra muộn hơn. Nhưng sau chiến thắng của những người vô sản nơi đây, họ sẽ tổ chức chủ nghĩa cộng sản còn nhanh chóng hơn ta. Ở Anh, tầng lớp vô sản chiếm đại đa số dân chúng, công nhân đã quen với lao động tập thể, sản xuất được tập trung cao độ. Vì vậy dù cách mạng ở Anh diễn ra muộn hơn nhưng khi nó đến, nó sẽ phát triển và tiến xa hơn chúng ta rất nhiều.

Một số người đã cho rằng chính bởi nước ta lạc hậu hoặc mang những đặc điểm riêng của châu Á mà cuộc nội chiến mới tàn khốc đến vậy. Kẻ thù của cách mạng ở Tây Âu thường xuyên tạc rằng chỉ ở Nga thì ‘chủ nghĩa xã hội kiểu Á châu’ mới nở rộ chứ còn ở những nơi văn minh thì những thay đổi cách mạng sẽ đến mà không cần đến sự bạo tàn. Tất cả những luận điệu như thế là vô nghĩa. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì khả năng kháng cự của giai cấp tư sản càng mạnh, tầng lớp trí thức (các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư, sĩ quan quân đội…) cũng gắn mình với tư bản chặt chẽ hơn và vì lẽ đó mà họ thêm thù ghét chủ nghĩa cộng sản. Do đó nội chiến ở những nước đó tất yếu sẽ dã man hơn nội chiến ở Nga và tiến trình cách mạng ở Đức đã là minh chứng thực sự cho điều này.

Những kẻ ỉ ôi rằng bọn Bolshevik là lũ khủng bố đã quên mất rằng tư sản đã chẳng từ thủ đoạn gì để bảo vệ túi tiền của chúng. Đối với vấn đề này, Đại hội thứ nhất của Quốc tế thứ ba đã thông qua nghị quyết như sau:

‘Khi chiến tranh đế quốc bắt đầu chuyển thành nội chiến, khi giai cấp thống trị (những tên tội phạm kinh khủng nhất trong lịch sử) nhận ra nguy hiểm đã cận kề, chế độ tàn bạo của chúng đã sắp sụp đổ, chúng sẽ trở nên hung bạo hơn bao giờ hết…’

‘Các tướng lĩnh Nga, những hiện thân bằng xương bằng thịt của chế độ Sa hoàng, đã tổ chức những cuộc tàn sát công nhân trên quy mô lớn và điều đó vẫn đang tiếp tục với sự đồng lõa, trực tiếp hoặc gián tiếp, của bọn phản bội lại chủ nghĩa xã hội. Khi Đảng Cách mạng Xã hội và Đảng Menshevik còn nắm quyền lực, các nhà tù bị nhét kín bởi hàng ngàn công nhân và nông dân, và hàng loạt trung đoàn đã bị các tướng lĩnh xử tử vì bất tuân thượng lệnh. Krasnov và Denikin, những kẻ hợp tác ủng hộ chính phủ liên minh, đã sát hại hàng chục ngàn công nhân bằng cách treo cổ hoặc xử bắn họ. Để răn đe, chúng còn thường giữ nguyên những thi thể bị treo cổ trong ba ngày. Ở Ural và Transvolgia, băng đảng Bạch Vệ Séc-Slovak đã chặt tay chân các tù nhân, dìm chết tù nhân dưới dòng sông Volga hoặc chôn sống họ. Ở Siberia các tướng lĩnh đã sát hại hàng ngàn người cộng sản cũng như giết hằng hà vô số công nhân nông dân theo những cách tàn bạo nhất có thể.

‘Ở Ukraine, đám tư sản Đức và Áo cũng phô trương khuynh hướng súc vật của chúng, chúng đem công nhân và nông dân bị chúng bóc lột lên giá treo cổ sắt, nơi chúng treo cổ những người cộng sản đồng hương với chúng, những người đồng chí Đức và Áo của chúng ta. Ở Phần Lan, một trong những cái nôi của nền dân chủ tư sản, chúng giúp tư sản Phần Lan bắn từ 13,000 đến 14,000 người vô sản và tra tấn hơn 15,000 người đến chết trong tù. Ở Helsingfors, để bảo vệ bản thân trước làn đạn súng máy mà chúng ép phụ nữ và trẻ em phải đi trước làm lá chắn. Nhờ có sự giúp đỡ của chúng mà đám Bạch Vệ Phần Lan và những kẻ trợ tá Thuỵ Điển đã có thể tận hưởng bữa tiệc máu này sau khi những người vô sản Phần Lan đã bị chế ngự. Ở Tammerfors, chúng ép phụ nữ và trẻ em tự đào mộ cho mình trước khi sát hại họ. Ở Viborg, chúng giết hàng ngàn đàn ông, đàn bà và trẻ em Nga.

‘Ở hậu phương của chúng, bọn tư sản và đám Dân chủ Xã hội Đức đã biểu lộ mức độ bạo lực phản cách mạng còn lớn hơn nhiều. Những cuộc nổi dậy của công nhân cộng sản bị nhấn chìm trong máu; Karl Liebknecht [16] và Rosa Luxemburg [17] đã bị sát hại dã man; những công nhân Spartacus bị thảm sát. Đám tư sản hành quân dưới lá cờ Khủng bố trắng – những kẻ khủng bố cá nhân quần chúng.

‘Ta có thể thấy những bức tranh tương tự ở các nước khác. Tại Thuỵ Sĩ dân chủ mọi thứ đều đã sẵn sàng cho việc trừng phạt bất cứ công nhân nào dám vi phạm luật lệ tư sản. Ở Hoa Kỳ có vẻ như nhà tù, luật hành hình và ghế điện đã được chọn làm biểu tượng cho dân chủ và tự do. Ở Hungary và Anh, ở Séc-Slovakia và Ba Lan mọi thứ đều giống hệt. Những sát thủ của giới tư sản không hề né tránh những hoạt động gớm ghiếc nhất. Với hy vọng củng cố chế độ, chúng khuyến khích chủ nghĩa hiếu chiến, tổ chức những cuộc bạo loạn ghê tởm nhằm vào người Do Thái, những thứ này còn tồi tệ hơn cả những việc mà cảnh sát Sa hoàng đã làm trước đây. Khi đám phản động Ba Lan và đám ‘chủ nghĩa xã hội’ hèn hạ sát hại những đại diện của Hội chữ thập đỏ Nga, điều này thật chẳng thấm vào đâu so với tội ác và tàn bạo thực hiện bởi chế độ diệt chủng tư bản trong cơn giãy chết.’

Cuộc nội chiến một khi phát triển, nó có một hình thức khác. Ở bất kỳ quốc gia nào khi người vô sản bị dồn vào bước đường cùng, nó sẽ dẫn tới cuộc nổi dậy chống lại chính quyền tư sản. Cứ giả sử như những người vô sản sẽ chiến thắng và giành được quyền lực, lúc này điều gì sẽ xảy ra? Nhà nước nằm trong tay những người vô sản, và cùng với đó là quân đội vô sản và toàn bộ công cụ quyền lực. Tiếp sau, những người vô sản sẽ phải chiến đấu với bọn tư sản, những kẻ đang tổ chức nổi dậy chống lại chính quyền vô sản, ngay trên đất của mình. Hơn nữa nhà nước, được tổ chức bởi những người vô sản, sẽ còn phải chiến đấu chống lại nhà nước tư sản. Ở đây cuộc nội chiến đã chuyển sang hình thức mới, cuộc đấu tranh giai cấp đã trở thành cuộc chiến theo nghĩa thông thường, giữa nhà nước vô sản và nhà nước tư sản; những người công nhân không chỉ đơn giản chống lại bọn tư sản mà còn phải chiến tranh chống lại nhà nước đế quốc của tư bản. Cuộc chiến này được tiến hành không phải để chiếm lấy của cải của đối phương mà cho sự toàn thắng của chủ nghĩa cộng sản, vì nền chuyên chính của giai cấp công nhân.

Đây chính là những gì đã diễn ra. Sau cuộc cách mạng Nga vào tháng Mười Một năm 1917, chính quyền Xô Viết đã bị tấn công từ mọi phía bởi bọn tư sản; bởi cả Anh, Đức, Pháp, cùng Hoa Kỳ và Nhật Bản… Cách mạng Nga càng ảnh hưởng nhiều hơn tới công nhân ở các nơi khác thì tư bản thế giới càng siết chặt hàng ngũ để chống lại nó, chúng sẽ cố gắng một cách mạnh mẽ hơn để thiết lập liên minh của bọn tư sản ăn cướp nhằm chống lại những người vô sản.

Dựa trên sáng kiến của tên lừa đảo Wilson, lãnh đạo chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ, một nỗ lực hình thành liên minh như vậy đã được thực hiện thông qua cái gọi là hội nghị hòa bình Versailles. Liên minh của những kẻ cướp được đặt tên là Hội Quốc Liên, cái tên này có nghĩa là ‘liên minh các quốc gia’ Trong thực tế nó chẳng phải liên minh của những quốc gia nào cả mà chỉ là liên minh của bọn tư sản ở nhiều nước cùng với chính quyền của chúng.

Liên minh này về bản chất là một nỗ lực nhằm hình thành một cơ quan uỷ nhiệm toàn cầu nhằm chia chác sự bóc lột trên toàn thế giới, cũng như nghiền nát các phong trào nổi dậy và cách mạng của giai cấp công nhân. Hội Quốc Liên được thành lập nhằm duy trì hòa bình, đó chỉ là một truyền thuyết. Trong thực tế, nó có mục đích hai mặt: thứ nhất là bóc lột một cách tàn nhẫn những người vô sản trên toàn cầu, các nô lệ và thuộc địa; thứ hai là dập tắt cuộc cách mạng thế giới.

Trong Hội Quốc Liên, đóng vai trò chủ đạo là Hoa Kỳ, nước vốn giàu lên nhanh chóng nhờ cuộc chiến và biến cả châu Âu giờ đây trở thành những con nợ khổng lồ của nó. Không chỉ thế, sức mạnh của Hoa Kỳ còn đến từ việc sở hữu một khối lượng khổng lồ tài nguyên và xăng dầu, sản lượng lúa mì cũng vào hàng top. Những lợi thế này được tận dụng theo nhiều cách để khiến các đồng minh ăn cướp của Hoa Kỳ phải phụ thuộc vào nó, tôn nó làm lãnh đạo của Hội Quốc Liên.

Cách thức để Hoa Kỳ che giấu các chính sách cướp bóc đằng sau những ngôn từ hoa mỹ cũng rất thú vị. Chẳng hạn nó bao biện cho việc tham gia cuộc chiến cướp bóc bằng những từ như: ‘cứu lấy nhân loại’, ‘giải thoát cho những người bị nô dịch’… Hoa Kỳ muốn chia Châu Âu thành hàng tá những vùng đất nhỏ bé, độc lập trên hình thức nhưng thực tế tất cả đều phải phụ thuộc vào nó, tham vọng cướp bóc này được che giấu dưới những cụm từ như ‘quyền tự quyết cho các dân tộc’. Đám hiến binh tư sản, cảnh sát và bạch vệ ở khắp nơi háo hức chờ lệnh của Wilson để đàn áp cách mạng, và chúng làm vậy nhân danh ‘bảo vệ nền hòa bình’. Những kế hoạch bóp nghẹt cách mạng bỗng chốc hóa thành lòng nhiệt huyết vì nền hòa bình và dân chủ, trong khi đám đế quốc lại thành những kẻ theo chủ nghĩa hòa bình, còn những người Bolshevik lại bị chúng vu cáo là theo chủ nghĩa đế quốc, chống lại nền hoà bình.

Nhưng ngôn từ không thể che đậy bản chất hiến binh và đao phủ quốc tế của Hội quốc liên. Chính quyền Cộng hoà Xô Viết ở Hungary và Bavaria đã bị lật đổ bởi những quan thầy hàng đầu của nó. Cũng chính những kẻ đó đã không ngừng nỗ lực để đè bẹp giai cấp vô sản Nga; từ miền Bắc tới miền Nam, từ phía Đông qua phía tây nước Anh, quân đội Anh, Mỹ, Nhật, Pháp…đã cấu kết với những kẻ thù bên trong của cách mạng. Ở Odessa và ở Budapest, Hội Quốc Liên đã sử dụng lính da đen chống lại công nhân Nga và Hungary. Hội Quốc Liên đê tiện đến mức cấu kết trong một liên minh đồ tể với Tướng Yudenich, kẻ đứng đầu của cái gọi là Chính quyền Tây Bắc. Hội Quốc Liên cũng xúi giục Phần Lan, Ba Lan tấn công nước Nga Xô Viết; các đặc vụ của nó cho nổ cầu, ném bom vào những người cộng sản, v.v… Với Hội Quốc Liên không tội ác nào mà nó không dám làm.

Cuộc tấn công của những người vô sản càng mãnh liệt thì bọn tư sản cũng càng phải siết chặt hàng ngũ. Trong Tuyên ngôn Cộng sản, được viết vào năm 1847, Marx và Engels đã tuyên bố như sau: Một bóng ma đang ám ảnh Châu âu: Bóng ma của chủ nghĩa cộng sản. Tất cả thế lực của Châu âu cũ: Giáo Hoàng cũng như Sa Hoàng, Mét-téc-ních cũng như Ghi-dô, bọn cấp tiến Pháp cũng như bọn cảnh sát Đức, đều liên hợp lại với nhau trong một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó.’ Nhiều năm đã trôi qua và cái bóng ma đó đã bắt đầu có da, có thịt. Và chống lại nó không chỉ có ‘châu Âu cũ’ mà còn cả tư sản toàn thế giới. Kể cả vậy thì Hội Quốc Liên cũng sẽ không thể đạt được 2 mục tiêu của nó: một là tổ chức lại nền kinh tế thế giới thành một tơ-rớt duy nhất và đàn áp triệt để các cuộc cách mạng ở khắp nơi. Gần như không có đủ đoàn kết giữa các cường quốc. Hoa Kỳ thì thù địch với Nhật Bản, cả hai đang chạy đua vũ trang với nhau. Giữa nước Đức bại trận và những tên cướp ‘vô tư’ của phe Hiệp ước khó mà tin được có thể có sự thân thiện nào. Và đây mới là giọt nước làm tràn ly. Những quốc gia nhỏ hơn đang chiến đấu chống lại nhau. Và không kém phần quan trọng nữa là sự xuất hiện nguy cơ nổi dậy và chiến tranh thuộc địa ở Ấn Độ, Ai Cập, Ai-len v.v… Các nước bị nô dịch đang bắt đầu chiến đấu chống lại những tên thực dân châu Âu ‘văn minh’ đang nô dịch họ. Những cuộc nổi dậy ở thuộc địa đã góp phần làm suy yếu và đánh đổ sự thống trị toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc. Như vậy hệ thống đế quốc đang bị phá vỡ bởi hai nhóm ảnh hưởng khác nhau. Một mặt ta có sự trỗi dậy của phong trào vô sản, những cuộc chiến được tiến hành bởi các nước cộng hoà vô sản và những cuộc nổi dậy của các nước thuộc địa nhằm chống lại đế quốc. Mặt kia ta có sự đối lập và bất hoà giữa các đế quốc tư bản hùng mạnh nhất. Thay cho ‘hòa bình lâu dài’ là sự hỗn loạn tuyệt đối, thay cho sự đàn áp toàn diện người vô sản là những cuộc nội chiến dữ dội. Trong cuộc nội chiến này, sức mạnh của những người vô sản không ngừng tăng lên còn sức mạnh của giới tư sản không ngừng suy giảm. Kết quả không tránh khỏi của cuộc đấu tranh là chiến thắng của những người vô sản.

Đương nhiên thắng lợi của chuyên chính vô sản không dễ gì đạt được. Cuộc nội chiến cũng giống như các cuộc chiến tranh khác, đòi hỏi sự hy sinh về người và của. Mọi cuộc cách mạng đều có cái giá của nó. Một hệ quả tự nhiên là trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến thì ở nhiều nơi sự tàn phá do cuộc chiến đế quốc gây ra sẽ tăng lên đáng kể. Hiển nhiên là nếu những công nhân tốt nhất thay vì làm việc và tổ chức sản xuất lại phải cầm súng trên tay để ra tiền tuyến chống bọn địa chủ và quân phiệt thì các nhà máy sẽ phải chịu phần thiệt. Rõ ràng sự đảo lộn sinh ra từ cuộc nội chiến thật tai hại và mỗi một đồng chí hy sinh đều là những tổn thất vô giá, nhưng điều này trong mọi cuộc cách mạng làm thế nào có thể tránh khỏi. Xuyên suốt những năm cách mạng tư sản ở Pháp (từ 1789-93) khi giai cấp tư sản phá bỏ cái ách thống trị của địa chủ thì đã có xiết bao xáo trộn gây ra bởi cuộc nội chiến. Tuy nhiên, một khi địa chủ và quý tộc đã phải khuất phục thì nước Pháp lại phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.

Không ai lại không hiểu rằng, trong một cuộc cách mạng to lớn như cách mạng của toàn thể giai cấp vô sản, cuộc cách mạng sẽ lật đổ một hệ thống áp bức đã được xây dựng qua hàng thế kỷ, cái giá phải trả là vô cùng to lớn. Ta thấy rằng cuộc nội chiến hiện đã được tiến hành trên quy mô toàn thế giới. Một phần nó diễn ra dưới hình thức của một cuộc chiến do các nước tư sản tiến hành nhằm chống lại các nước vô sản. Các nước vô sản đang tự vệ chống lại bọn đế quốc kẻ cướp, đang tiến hành cuộc chiến tranh giai cấp, mà thực chất là một cuộc chiến thần thánh. Nhưng cuộc chiến này đòi hỏi hy sinh xương máu. Phạm vi chiến tranh càng mở rộng thì số lượng nạn nhân càng lớn, và tình trạng vô tổ chức lại càng rộng.

But because revolution is costly, we must not for that reason set our faces against revolution. The capitalist system, the growth of centuries, culminated in the monstrous imperialist war, in which rivers of blood were shed. What civil war can compare in its destructive effects with the brutal disorganization and devastation, with the loss of the accumulated wealth of mankind, that resulted from the imperialist war? MANIFESTLY IT IS ESSENTIAL THAT HUMANITY SHALL MAKE AN END OF CAPITALISM ONCE AND FOR ALL. WITH THIS GOAL IN VIEW, WE CAN ENDURE THE PERIOD OF CIVIL WARS, AND CAN PAVE THE WAY FOR COMMUNISM, WHICH WILL HEAL ALL OUR WOUNDS, AND WILL QUICKLY LEAD TO THE FULL DEVELOPMENT OF THE PRODUCTIVE FORCES OF HUMAN SOCIETY.

Làm cách mạng phải trả giá, nhưng chúng ta không thể vì thế mà trở mặt với cách mạng. Hệ thống chủ nghĩa tư bản qua vài thế kỷ đã phát triển lên đến cực điểm và giờ đây nó đang tự nhấn chìm mình trong những cuộc chiến đế quốc vô nhân đạo với máu chảy thành sông. Cả về sức tàn phá của cải của nhân loại và tính man rợ, làm sao mà nội chiến cách mạng có thể so sánh được với chiến tranh đế quốc. RÕ RÀNG VÀ HIỂN NHIÊN LÀ NHÂN LOẠI CẦN PHẢI CHẤM DỨT CHỦ NGHĨA TƯ BẢN MỘT LẦN VÀ CHO MÃI MÃI. HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU NÀY, TA CÓ THỂ CHỊU ĐỰNG NHỮNG NĂM THÁNG NỘI CHIẾN VÀ MỞ ĐƯỜNG CHO CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN, THỨ SẼ CHỮA LÀNH NHỮNG VẾT THƯƠNG VÀ NHANH CHÓNG DẪN ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN HOÀN CHỈNH CỦA LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI.


    *Chú thích:

[15]  Lenin từng nói ‘Chiến thắng bọn đại tư bản tập trung còn nghìn lần dễ hơn chiến thắng hàng triệu và hàng triệu tiểu tư sản, mà những người này thì do hoạt động hằng ngày của họ, hoạt động quen thuộc, khó thấy, khó nhận ra, có tác dụng làm rã rời, cũng gây ra những kết quả cần cho giai cấp tư sản và làm giai cấp tư sản phục hồi.’ (Lenin toàn tập, t.41)

[16] Karl Liebknecht (1871-1919): Nhà xã hội chủ nghĩa người Đức. Ông cùng với Rosa Luxemburg thành lập Liên đoàn Spartacus, sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Đức. Khi cuộc cách mạng Berlin tháng 1 năm 1919 bị dập tắt, ông bị bắt, tra tấn và giết hại.

[17] Rosa Luxemburg (1871-1919): Người Marxist Ba Lan. Bà cùng với Karl Liebknecht thành lập Liên đoàn Spartacus. Sau khi cách mạng Berlin bị dập tắt, bà cũng bị tra tấn và giết hại giống như Liebknecht. 

§34. Hỗn loạn hoặc chủ nghĩa cộng sản

Nguyên nhân cách mạng phát triển thành cách mạng thế giới cũng giống như nguyên nhân chiến tranh đế quốc trở thành chiến tranh thế giới. Mọi quốc gia quan trọng đều liên thông với nhau, tất cả đều là một phần của nền kinh tế thế giới, và gần như tất cả đều bị cuốn vào chiến tranh và được thống nhất bởi chiến tranh trong một sự hiểu biết chung. Ở tất cả các nước, chiến tranh tạo ra thảm họa kinh hoàng, dẫn đến nạn đói và sự nô dịch những người vô sản. Ở mọi nơi nó đều kích thích sự thối rữa và mục nát từ từ của chủ nghĩa tư bản, và cuối cùng gây ra sự phản kháng chống lại thứ kỷ luật dã man trong quân đội, các nhà máy và công xưởng. Và tất yếu là nó cũng dẫn đến cuộc cách mạng cộng sản của những người vô sản.

Một khi đã bắt đầu, sự tan rã của chủ nghĩa tư bản và sự lớn mạnh của cách mạng cộng sản sẽ không ngừng. Ngày tàn của chủ nghĩa tư bản đã rất gần. Mọi nỗ lực tái thiết lại xã hội loài người dựa trên những nền tảng chủ nghĩa tư bản cũ kỹ đều không tránh khỏi thất bại hoàn toàn. Ý thức giai cấp của quần chúng vô sản bây giờ đã được phát triển hoàn thiện, họ không thể và cũng sẽ không làm việc cho tư bản. Họ từ chối chém giết người khác vì mục đích tư bản và các chính sách thuộc địa… Ngày nay, quân đội của William II có lẽ sẽ không thể tái lập lại ở Đức lần nữa. Tương tự là sự bất khả thi của việc tái thiết kỷ luật trong quân đội đế quốc, cũng như sự bất khả thi của việc ép các chiến binh vô sản phải phục tùng dưới ách chỉ huy của đám quý tộc, việc tái lập lại kỷ luật tư bản trong lao động và ép người lao động làm việc cật lực cho giới chủ hoặc ép nông dân làm việc cật lực cho địa chủ là điều không thể. Chỉ những người vô sản mới có thể tạo ra lực lượng quân đội mới và kỷ luật lao động mới.

Như vậy chúng ta đang đứng trước hai khả năng và chỉ hai khả năng mà thôi. Hoặc là sự tan rã hoàn toàn của xã hội, sự hung bạo và loạn lạc hơn nữa, cái nồi súp của địa ngục, sự hỗn loạn tuyệt đối hoặc là chủ nghĩa cộng sản. Mọi nỗ lực xác lập lại chủ nghĩa tư bản ở những nước mà quần chúng đã nắm chính quyền trong tay đã khẳng định về những khả năng này. Dù là lũ tư sản Phần Lan hay Hungary, dù là lũ Kolchak hay Denikin hay Skoropadsky đều không còn ở vị thế có thể khôi phục lại đời sống kinh tế. Chúng đã không thể thiết lập lại hệ thống vấy máu dựa trên những điều kiện vững chắc.

TƯƠNG LAI DUY NHẤT CHO NHÂN LOẠI LÀ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN. VÀ VÌ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN. VÀ VÌ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN CHỈ XUẤT HIỆN ĐƯỢC NHỜ NHỮNG NGƯỜI VÔ SẢN, HỌ CHÍNH LÀ CỨU TINH ĐÍCH THỰC CỦA NHÂN LOẠI KHỎI SỰ KINH HOÀNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN, KHỎI SỰ KHAI THÁC MAN RỢ, KHỎI CHÍNH SÁCH THUỘC ĐỊA, KHỎI CHIẾN TRANH KHÔNG NGỪNG, NẠN ĐÓI, SỰ THA HOÁ VÀ TẤT CẢ NHỮNG THỨ GỚM GHIẾC MÀ TƯ BẢN TÀI CHÍNH VÀ CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC KÉO THEO. ĐÂY CHÍNH LÀ SỨ MỆNH LỊCH SỬ XÁN LẠN CỦA NHỮNG NGƯỜI VÔ SẢN. NHỮNG NGƯỜI CÔNG NHÂN CÓ THỂ SẼ THUA NHỮNG CUỘC CHIẾN ĐƠN LẺ HOẶC NHỮNG CUỘC CHIẾN TRONG MỘT NƯỚC RIÊNG LẺ. NHƯNG CHIẾN THẮNG CỦA TOÀN THỂ VÔ SẢN, CŨNG NHƯ SỰ SỤP ĐỔ CỦA GIAI CẤP TƯ SẢN, CHẮC CHẮN LÀ TẤT YẾU.

Từ những điều đã nói trước đây, một sự thật rõ ràng là tất cả những hội nhóm, giai cấp cũng như đảng phái gồm những kẻ tin vào sự trở lại của chủ nghĩa tư bản, những kẻ tin rằng vẫn chưa đến lúc chủ nghĩa xã hội xuất hiện, dù chúng có muốn hay không và có biết hay không thì đều là một phần của phản cách mạng và phản động. Đặc trưng này xuất hiện ở tất cả các đảng thuyết giáo về hợp tác giai cấp. Ta sẽ còn trở lại vấn đề này trong chương tới.

 

Mục lục

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận