Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Giá trị và lao động

*Mục lục:

     * Lời mở đầu.

  1. Sản xuất và tiền công
  2. Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
  3. Tiền công và tiền
  4. Cung và cầu
  5. Tiền công và giá cả
  6. Giá trị và lao động
  7. Sức lao động
  8. Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
  9. Giá trị của lao động
  10.  Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
  11.  Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
  12.  Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
  13.  Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công
  14.  Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó.

 


 

6. GIÁ TRỊ VÀ LAO ĐỘNG

 

 Thưa các bạn, bây giờ tôi đã đến cái điểm mà tôi phải bắt tay vào việc thực tế làm sáng tỏ vấn đề mà chúng ta đang xem xét. Tôi không thể hứa là tôi sẽ làm việc đó một cách hoàn toàn thỏa đáng, vì muốn thế thì tôi phải bao quát cả toàn bộ lĩnh vực của khoa kinh tế – chính trị. Tôi chỉ có thể, như người Pháp nói, “effleurer la question” (lướt qua vấn đề), nghĩa là chỉ đề cập những điểm chính mà thôi.

 

 Vấn đề đầu tiên mà chúng ta phải đặt ra là: Giá trị của hàng hóa là gì? Giá trị đó được quy định như thế nào?

 

 Thoạt nhìn, người ta có thể cho rằng hình như giá trị của hàng hóa là một cái gì hoàn toàn tương đối, và không thể xác định được, nếu không xét hàng hóa trong những quan hệ của nó với tất cả những hàng hóa khác. Thật vậy, khi chúng ta nói đến giá trị, giá trị trao đổi của hàng hóa, thì chúng ta muốn nói đến những tỷ lệ về lượng theo đó hàng hóa ấy có thể trao đổi được với những hàng hóa khác. Nhưng khi đó sẽ nảy ra một câu hỏi: Làm thế nào để xác định những tỷ lệ theo đó các hàng hóa được trao đổi với nhau?

 

 Do kinh nghiệm chúng ta biết rằng những tỷ lệ ấy vô cùng khác nhau. Nếu chúng ta lấy một hàng hóa nào đó, như lúa mì chẳng hạn, thì chúng ta sẽ thấy rằng một quác-tơ lúa mì được đổi lấy những hàng hóa khác nhau theo những tỷ lệ hầu như vô cùng khác nhau. Tuy nhiên, vì giá trị của lúa mì bao giờ cũng vẫn như cũ dù nó được biểu hiện bằng lụa, bằng vàng, hay bằng bất kỳ một hàng hóa nào khác, nên nó phải là một cái gì khác với những tỷ lệ trao đổi khác nhau theo đó nó được trao đổi với những hàng hóa khác và là một cái gì độc lập với những tỷ lệ trao đổi ấy. Phải có một khả năng biểu hiện nó dưới một hình thức khác với những tỷ lệ ngang bằng nhau khác nhau ấy, giữa các hàng hóa khác nhau.

 

 Tiếp nữa, nếu tôi nói rằng một quác-tơ lúa mì đổi lấy sắt theo một tỷ lệ nào đó, hay giá trị của một quác-tơ lúa mì được biểu hiện bằng một số lượng sắt nào đó, thì đó là tôi nói rằng giá trị của lúa mì và vật ngang giá với nó dưới dạng sắt đều bằng một vật thứ ba nào đó không phải là lúa mì cũng không phải là sắt, vì tôi giả thiết rằng hai thứ hàng hóa đó biểu hiện cùng một đại lượng dưới hai hình thức khác nhau. Cho nên, mỗi một hàng hóa đó, lúa mì cũng như sắt, phải được quy một cách độc lập với hàng hóa kia thành vật thứ ba ấy, vật này là thước đo chung của chúng.

 

 Để làm sáng tỏ điều này, tôi sẽ dẫn ra một ví dụ hình học rất giản đơn. Khi chúng ta so sánh diện tích của những tam giác có những dạng rất khác nhau và lớn bé rất khác nhau, hay khi chúng ta so sánh diện tích của những tam giác với diện tích của những hình chữ nhật, hay với diện tích của mọi hình trực tuyến khác thì chúng ta làm như thế nào?

 

 Chúng ta quy diện tích của một tam giác bất kỳ thành một biểu hiện khác hẳn với hình thức có thể thấy được của nó. Biết rằng diện tích của một hình tam giác bằng nửa tích của đáy với chiều cao, chúng ta có thể so sánh những diện tích lớn nhỏ khác nhau của mọi loại tam giác và của mọi hình trực tuyến với nhau, bởi vì mỗi hình ấy đều có phân thành một số hình tam giác nhất định.

 

 Đối với giá trị của các hàng hóa chúng ta cũng phải dùng đến phương pháp đó. Chúng ta làm thế nào để có thể quy tất cả những giá trị đó thành một biểu hiện duy nhất, chung cho tất cả chúng, chỉ phân biệt những giá trị ấy căn cứ vào những tỷ lệ trong đó chúng chứa đựng cũng một thước đo giống nhau mà thôi.

 

 Vì giá trị trao đổi của các hàng hóa chỉ là những chức năng xã hội của những vật ấy và không có gì chung với những thuộc tính tự nhiên của những vật ấy, cho nên trước hết, chúng ta phải hỏi: thực thể xã hội chung của tất cả các hàng hóa là cái gì? Đó là lao động. Muốn sản xuất ra một hàng hóa thì phải chi phí vào nó hay đầu tư vào nó một lượng lao động nhất định. Và tôi không nói chỉ đơn thuần về lao động mà thôi, mà tôi nói về lao động xã hội. Người nào sản xuất ra một vật phẩm cho nhu cầu trực tiếp của mình để chính mình tiêu dùng vật phẩm ấy thì người đó làm ra một sản phẩm, chứ không phải một hàng hóa. Với tư cách là người sản xuất tự cung tự cấp, người đó không có gì dính dáng tới xã hội cả. Nhưng để sản xuất ra hàng hóa, người đó không những phải sản xuất ra một vật phẩm thoả mãn một nhu cầu xã hội nào đó, mà bản thân lao động của người đó còn phải hợp thành một bộ phận không thể tách rời hay một phần của tổng số lao động mà xã hội đã chi phí. Lao động của người đó phải phục tùng sự phân công lao động trong xã hội. Lao động ấy sẽ chẳng là cái gì cả, nếu không có những ngành lao động khác và đến lượt nó, nó cũng trở nên cần thiết để bổ sung cho những ngành ấy.

 

 Nếu chúng ta xem xét hàng hóa với tính cách là những giá trị, thì như thế là chúng ta chỉ xem xét chúng dưới cái giác độ chúng là lao động xã hội đã được vật hoá, đã được cố định lại hay nếu muốn, đã được kết tinh lại. Trên quan điểm đó, các hàng hóa chỉ có thể phân biệt với nhau ở chỗ chúng đại biểu cho những số lượng lao động nhiều hơn hay ít hơn. Ví dụ như để sản xuất một khăn tay lụa, người ta có thể chi phí một số lượng lao động nhiều hơn là để sản xuất một viên gạch. Nhưng số lượng lao động được đo bằng cái gì? Bằng độ dài của thời gian trong đó lao động được thực hiện – bằng giờ, bằng ngày, v.v.. Để có thể áp dụng thước đo ấy để đo lao động người ta phải quy tất cả các loại lao động thành lao động trung bình hay lao động giản đơn, coi đó là cái thống nhất của chúng.

 

 Như vậy là chúng ta đi tới kết luận như sau: hàng hóa có giá trị vì nó là một sự kết tinh của lao động xã hội. Đại lượng giá trị của nó, hay giá trị tương đối của nó, phụ thuộc vào số lượng thực thể xã hội nhiều hay ít mà nó chứa đựng; nghĩa là phụ thuộc vào số lượng tương đối của lao động cần thiết để sản xuất ra nó. Vậy, giá trị tương đối của các hàng hóa được quyết định bởi những số lượng hay khối lượng lao động tương ứng đã được bỏ vào, được vật hoá, được cố định lại trong các hàng hóa đó. Những lượng tương ứng của những hàng hóa mà người ta phải mất một thời gian lao động như nhau, để sản xuất ra chúng thì ngang nhau. Hay là: giá trị của một hàng hóa này quan hệ với giá trị của một hàng hóa khác cũng giống như số lượng lao động được cố định lại trong hàng hóa này quan hệ với số lượng lao động được cố định lại trong hàng hóa kia.

 

 Tôi ước chừng rằng có nhiều bạn sẽ hỏi tôi là: liệu có thực sự có một sự khác nhau lớn đến như thế, hay nói chung liệu có một sự khác nhau nào đó giữa ý kiến khẳng định rằng những giá trị của hàng hóa là do tiền công quyết định và ý kiến khẳng định rằng những giá trị đó là do số lượng tương đối của lao động cần thiết để sản xuất ra những hàng hóa ấy quyết định hay không? Nhưng các bạn phải hiểu rằng việc trả công cho lao động và số lượng lao động là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ví dụ chúng ta hãy giả định rằng trong một quác-tơ lúa mì và một ounce vàng chứa đựng những lượng lao động ngang nhau. Tôi lấy thí dụ đó vì Benjamin Franklin đã dùng nó trong tác phẩm đầu tiên của mình xuất bản năm 1729 dưới nhan đề là "Khảo cứu sơ bộ về bản chất và sự cần thiết của tiền giấy"[9], trong đó ông là một trong những người đầu tiên đã tìm ra bản chất thật sự của giá trị. Vậy là chúng ta đã giả định rằng một quác-tơ lúa mì và một ounce vàng là những giá trị ngang nhau, hay là những vật ngang giá, bởi vì chúng đều là sự kết tinh của những lượng lao động trung bình ngang nhau, của chừng này ngày hoặc chừng này tuần lễ lao động được cố định lại một cách tương ứng trong những hàng hóa ấy. Khi quy định giá trị tương đối của vàng và lúa mì như vậy, chúng ta có căn cứ vào tiền công của công nhân nông nghiệp và của công nhân mỏ bằng bất kỳ cách nào đó hay không? Hoàn toàn không. Chúng ta gác lại hoàn toàn không xác định vấn đề lao động hàng ngày hay hàng tuần được trả công như thế nào và thậm chí cả vấn đề nói chung, người ta có sử dụng lao động làm thuê hay không. Nếu lao động làm thuê được sử dụng thì tiền công của hai loại công nhân đó có thể hoàn toàn không ngang nhau. Người công nhân mà lao động đã được vật hoá trong một quác-tơ lúa mì có thể chỉ nhận được hai bu-sen lúa mì, còn người công nhân làm ở mỏ thì có thể chỉ nhận được 1/2 ounce vàng. Hoặc nếu giả định rằng tiền công của họ bằng nhau thì những tiền công đó có thể chênh lệch theo những tỷ lệ hết sức khác nhau với những giá trị của những hàng hóa do họ sản xuất ra. Tiền công đó có thể bằng 1/2, 1/3, 1/4, 1/5 hay bất cứ một phần nào khác của một quác-tơ lúa mì hay của một ounce vàng. Dĩ nhiên tiền công của họ không thể vượt quá, không thể lớn hơn giá trị của những hàng hóa mà họ đã sản xuất ra, nhưng nó có thể nhỏ hơn giá trị đó, hơn nữa là với những mức độ hết sức khác nhau. Tiền công của họ bị giá trị của các sản phẩm giới hạn, nhưng giá trị của sản phẩm của họ lại hoàn toàn không bị tiền công giới hạn. Nhưng cái chủ yếu là: những giá trị, những giá trị tương đối của lúa mì và vàng chẳng hạn, đã được quy định một cách hoàn toàn độc lập với giá trị của lao động đã sử dụng nghĩa là hoàn toàn độc lập với tiền công. Vì vậy việc quy định giá trị hàng hóa bằng những lượng lao động tương đối được cố định trong những hàng hóa đó là một cái gì hoàn toàn khác với cái phương pháp trùng lặp là quy định giá trị các hàng hóa bằng giá trị của lao động hay bằng tiền công. Nhưng điểm này sẽ còn được soi sáng thêm trong quá trình nghiên cứu của chúng ta.

 

 Khi tính giá trị trao đổi của một hàng hóa, chúng ta còn phải cộng thêm vào số lượng lao động đã tiêu dùng ở giai đoạn cuối cùng của sản xuất, cái số lượng lao động trước kia đã nhập vào nguyên liệu của hàng hóa và lao động đã bỏ vào thiết bị, dụng cụ, máy móc và nhà xưởng cần thiết để thực hiện lao động đó. Ví dụ, giá trị của một lượng sợi bông nhất định là sự kết tinh của số lượng lao động đã thêm vào bông trong quá trình kéo sợi, của số lượng lao động trước kia đã bỏ vào chính số bông đó, của số lượng lao động đã vật hóa trong than, dầu mỡ và những vật liệu phụ khác đã dùng, của số lượng lao động đã bỏ vào máy hơi nước, cọc sợi, nhà xưởng, v.v.. Những công cụ sản xuất chính cống như: dụng cụ, máy móc, nhà xưởng, được dùng trở lại trong một thời gian dài hay ngắn trong những quá trình sản xuất lặp đi lặp lại. Nếu những công cụ sản xuất ấy được tiêu dùng một lần là hết như nguyên liệu, thì toàn bộ giá trị của chúng sẽ chuyển ngay một lần vào hàng hóa mà nó được sử dụng để sản xuất ra. Nhưng vì một cọc sợi, chẳng hạn, chỉ hao mòn dần dần, nên người ta làm một con tính trung bình, căn cứ vào thời gian tồn tại trung bình của cọc sợi đó và hao mòn trung bình của nó trong một thời gian nhất định, ví dụ trong một ngày chẳng hạn. Bằng cách đó, chúng ta tính xem giá trị của cọc sợi được chuyển vào sợi đã chế biến được trong một ngày là bao nhiêu và do đó xem trong tổng số lượng lao động đã nhập vào một pao sợi chẳng hạn, phần của số lượng lao động đã bỏ vào trong cọc sợi trước đó là bao nhiêu. Đối với mục đích hiện nay của chúng ta thì không cần phải trình bày cặn kẽ hơn về điểm này nữa.

 

 Có thể cảm thấy rằng nếu giá trị của hàng hóa là do số lượng lao động dùng để sản xuất ra nó quyết định thì một người càng lười hay càng vụng bao nhiêu, hàng hóa do anh ta chế tạo ra sẽ càng nhiều giá trị bấy nhiêu, vì thời gian lao động cần thiết để chế tạo ra hàng hóa đó sẽ dài hơn bấy nhiêu. Song kết luận như thế là một sự nhầm lẫn đáng buồn. Các bạn hãy nhớ lại rằng tôi đã dùng từ "lao động xã hội", và từ "xã hội" ấy bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Khi chúng ta nói rằng giá trị của hàng hóa là do số lượng lao động đã bỏ vào trong hàng hóa đó hay kết tinh trong đó quyết định, thì đó là chúng ta muốn nói đến số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra hàng hóa đó trong một trạng thái xã hội nhất định, trong những điều kiện sản xuất xã hội trung bình nào đó và với một cường độ và một trình độ thành thạo xã hội trung bình của lao động được sử dụng. Khi ở Anh, máy dệt chạy bằng hơi nước bắt đầu cạnh tranh với khung cửi dệt tay thì chỉ cần một nửa thời gian lao động trước kia để biến một lượng sợi nhất định thành một i-oóc-đơ vải bông hay một i-oóc-đơ dạ. Thật vậy, bây giờ người thợ dệt tay khốn khổ phải làm việc 17 – 18 giờ một ngày, chứ không phải 9 – 10 giờ như trước kia nữa. Nhưng trong sản phẩm của 20 giờ lao động của anh ta giờ đây chỉ bao hàm 10 giờ lao động xã hội, hay 10 giờ lao động xã hội cần thiết để biến một số lượng sợi nhất định thành vải. Vì vậy, giờ đây sản phẩm của 20 giờ lao động của anh ta không chứa đựng nhiều giá trị hơn so với sản phẩm lao động 10 giờ của anh ta trước kia.

 

 Vậy, nếu số lượng lao động xã hội cần thiết đã vật hóa trong các hàng hóa quyết định giá trị trao đổi của chúng thì mọi sự tăng thêm số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa đều phải làm tăng giá trị của hàng hóa đó lên và mọi sự giảm bớt số lượng lao động đó đều phải làm giảm giá trị của hàng hóa ấy.

 

 Nếu số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra những hàng hóa nhất định không thay đổi thì giá trị tương đối của những hàng hóa ấy cũng không thay đổi. Nhưng tình hình không phải như thế. Số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa luôn luôn thay đổi cùng với những sự thay đổi của sức sản xuất của lao động được sử dụng. Sức sản xuất của lao động càng lớn thì người ta càng sản xuất được nhiều sản phẩm trong một thời gian lao động nhất định; và sức sản xuất của lao động càng thấp thì trong một đơn vị thời gian lao động người ta càng sản xuất được ít sản phẩm hơn. Ví dụ, nếu do dân số tăng lên mà người ta cần phải canh tác những đất đai kém phì nhiêu hơn thì chỉ có thể thu được một số lượng sản phẩm như cũ với điều kiện phải chi phí một số lượng lao động lớn hơn, và do đó giá trị của nông phẩm sẽ tăng lên. Mặt khác, nếu nhờ những tư liệu sản xuất hiện đại, trong một ngày lao động, một người thợ kéo sợi biến được thành sợi một số bông hàng nghìn lần nhiều hơn số bông mà trước kia người ấy chế biến bằng xe kéo sợi trong cùng một thời gian thì rõ ràng là mỗi một pao bông sẽ thu hút lao động kéo sợi ít hơn trước hàng nghìn lần, và do đó giá trị quá trình kéo sợi thêm vào mỗi một pao bông sẽ ít hơn trước hàng nghìn lần. Giá trị của sợi cũng sẽ giảm đi một cách tương ứng.

 

 Nếu không kể đến những sự khác nhau về những đặc điểm tự nhiên và những kỹ năng lao động đã có được của những con người khác nhau, thì sức sản xuất của lao động chủ yếu phải phụ thuộc vào:

 

1) những điều kiện tự nhiên của lao động, như độ phì nhiêu của đất đai, sự giàu có của các mỏ, v.v.;

2) sự hoàn thiện ngày càng nhiều thêm của những lực lượng xã hội của lao động nảy sinh từ một nền sản xuất trên quy mô lớn, từ sự tích tụ tư bản và sự kết hợp lao động, từ sự phân công lao động, máy móc, từ sự cải tiến các phương pháp sản xuất, từ việc sử dụng những nhân tố hoá học và các nhân tố tự nhiên khác, từ sự thu hẹp thời gian và không gian nhờ các phương tiện giao thông và vận tải và từ mọi phát minh khác, nhờ chúng mà khoa học buộc những lực lượng tự nhiên phải phục vụ lao động, và nhờ chúng mà tính chất xã hội hay hợp tác của lao động được phát triển. Sức sản xuất của lao động càng cao thì lao động chi phí cho một lượng sản phẩm nhất định lại càng ít, và do đó, giá trị của sản phẩm lại càng nhỏ. Sức sản xuất của lao động càng thấp thì lao động chi phí cho một lượng sản phẩm nhất định lại càng nhiều, và do đó, giá trị của sản phẩm lại càng lớn. Vì vậy, chúng ta có thể nêu ra điều sau đây như là một quy luật chung: 

 Giá trị của hàng hóa tỷ lệ thuận với thời gian lao động dùng để sản xuất ra những hàng hóa đó, và tỉ lệ nghịch với sức sản xuất của lao động đã được chi phí.

 

 Cho tới đây, tôi mới chỉ nói về giá trị, bây giờ tôi sẽ nói thêm vài lời về giá cả, một hình thức đặc biệt mà giá trị khoác lấy.

 

 Giá cả, tự nó, chẳng qua chỉ là biểu hiện bằng tiền của giá trị. Ví dụ, giá trị của tất cả mọi hàng hóa ở nước Anh được biểu hiện thành giá cả bằng vàng, trong lúc đó thì ở lục địa, giá trị ấy chủ yếu được biểu hiện thành giá cả bằng bạc. Giá trị của vàng hay của bạc, cũng giống như giá trị của mọi thứ hàng hóa khác, đều do số lượng lao động cần thiết để khai thác ra chúng quyết định. Các bạn trao đổi một lượng sản phẩm nào đó của mình, trong đó đã kết tinh một số lượng lao động nhất định của nước các bạn, để lấy sản phẩm của các nước sản xuất ra vàng và bạc, trong đó đã kết tinh một số lượng lao động nhất định của các nước ấy. Chính bằng cách đó, nghĩa là trên thực tế nhờ sự trao đổi hàng hóa lấy hàng hóa, mà người ta học được cách biểu hiện giá trị của tất cả các hàng hóa, nghĩa là biểu hiện số lượng lao động đã chi phí để sản xuất ra những hàng hóa đó, thành vàng và bạc. Nếu tìm hiểu sâu hơn nữa biểu hiện bằng tiền của giá trị – hay điều này cũng vậy – việc biến giá trị thành giá cả, thì các bạn sẽ thấy rằng đó là một quá trình nhờ nó mà giá trị của tất cả các hàng hóa có được một hình thái độc lập và đồng nhất, hay nhờ nó mà những giá trị ấy được biểu hiện với tư cách là những lượng của một lao động xã hội giống nhau. Giá cả trong chừng mực nó chỉ là biểu hiện bằng tiền của giá trị, đã được Adam Smith gọi là giá cả tự nhiên, còn những nhà trọng nông người Pháp gọi nó là "giá cả tất yếu".

 

 Vậy quan hệ giữa giá trị và giá cả thị trường hay giữa giá cả tự nhiên và giá cả thị trường là một quan hệ như thế nào? Tất cả các bạn đều biết rằng giá cả thị trường của tất cả các hàng hóa cùng loại đều như nhau, dù cho những điều kiện sản xuất của những người sản xuất riêng biệt có khác nhau đến như thế nào chăng nữa. Giá cả thị trường chỉ biểu hiện lượng lao động xã hội trung bình cần thiết trong những điều kiện trung bình của sản xuất, để cung cấp cho thị trường một khối lượng nhất định những hàng hóa nhất định. Giá cả đó được tính cho toàn bộ khối lượng hàng hóa thuộc một loại nhất định. Trong chừng mực đó giá cả thị trường của hàng hóa ăn khớp với giá trị của nó. Mặt khác, những biến động của giá cả thị trường, khi thì cao hơn khi thì thấp hơn giá trị hay giá cả tự nhiên, lại phụ thuộc vào những biến động của cung và cầu. Những sự chênh lệch của giá cả thị trường so với giá trị thường xuyên xảy ra, nhưng, như Adam Smith nói:

“Giá cả tự nhiên dường như là cái giá cả trung tâm mà giá cả của mọi hàng hóa luôn luôn xoay xung quanh nó. Những tình hình ngẫu nhiên khác nhau đôi khi có thể giữ các giá cả hàng hóa ở một mức cao hơn giá cả tự nhiên nhiều và đôi khi lại đẩy chúng xuống thấp hơn mức đó. Nhưng dầu cho những trở ngại đẩy các giá cả ra khỏi trung tâm ổn định ấy là những trở ngại như thế nào chăng nữa, chúng vẫn luôn luôn hướng vào trung tâm đó”[10].

 

 Giờ đây tôi không thể trình bày vấn đề đó một cách cặn kẽ được. Chỉ cần nói rằng nếu cung và cầu cân bằng nhau thì giá cả thị trường của các hàng hóa sẽ ăn khớp với giá cả tự nhiên của chúng, nghĩa là với những giá trị của chúng, những giá trị này do số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra các hàng hóa đó quyết định. Nhưng cung và cầu phải luôn luôn hướng đến chỗ cân bằng với nhau, mặc dù điều đó chỉ diễn ra bằng cách là một biến động này được bù trừ bằng một biến động khác, một sự tăng lên bằng một sự giảm xuống và vice versa (ngược lại). Nếu các bạn phân tích sự vận động của giá cả thị trường trong những khoảng thời gian dài hơn, như Tu-cơ đã làm trong cuốn "Lịch sử giá cả" của ông chẳng hạn, chứ không phải chỉ xem xét những biến động hàng ngày, thì các bạn sẽ thấy rằng những sự lên xuống của giá cả thị trường, những sự chênh lệch của những giá cả đó so với giá trị, những sự lên và xuống của chúng triệt tiêu và bù trừ lẫn nhau; thành thử nếu không nói đến ảnh hưởng của các tổ chức độc quyền và của một vài biến đổi khác mà hiện nay tôi không thể nói đến, thì trung bình mà nói mọi loại hàng hóa đều bán ra theo giá trị của chúng, hay theo giá cả tự nhiên của chúng. Những khoảng thời gian trung bình trong đó những biến động của giá cả thị trường bù trừ lẫn nhau, đều khác nhau đối với những loại hàng hóa khác nhau, bởi vì đối với một loại hàng hóa này thì cung dễ thích ứng với cầu hơn, còn đối với loại hàng hóa kia thì khó hơn.

 

 Vậy, nếu nói chung, trong những khoảng thời gian tương đối dài, tất cả mọi loại hàng hóa đều bán theo giá trị của chúng, thì sẽ là vô lý khi giả định rằng lợi nhuận, – không phải lợi nhuận trong những trường hợp cá biệt, mà là lợi nhuận thường xuyên và bình thường trong các ngành công nghiệp khác nhau, – đều nảy sinh từ việc cộng thêm vào giá cả hàng hóa, hoặc từ việc hàng hóa được bán ra theo những giá cả vượt quá giá trị của chúng. Tính chất vô lý của quan niệm này sẽ trở nên rõ ràng khi chúng ta khái quát hoá nó. Cái mà một người luôn luôn được lợi với tư cách là người bán, thì người đó sẽ luôn luôn đánh mất đi với tư cách là người mua. Nói rằng có những người mua mà không bán, hay tiêu dùng mà không sản xuất thì cũng chẳng giải quyết được gì cả. Cái mà những người ấy trả cho những người sản xuất, thì ngay từ đầu họ phải nhận không của những người sản xuất ấy. Nếu một người thoạt tiên lấy tiền của các bạn rồi sau đó trả lại tiền đó cho các bạn bằng cách mua hàng của các bạn, thì các bạn sẽ không bao giờ giàu lên được khi bán hàng hóa của các bạn cho hắn quá đắt. Cái lối buôn bán đó rất có thể giảm bớt sự thua lỗ nhưng nó không bao giờ có thể đem lại lợi nhuận.

 

 Vì vậy, muốn giải thích bản chất chung của lợi nhuận, các bạn phải xuất phát từ nguyên lý nói rằng tính trung bình thì hàng hóa được bán theo giá trị thực tế của chúng và lợi nhuận thu được là do bán hàng hóa theo giá trị của chúng, nghĩa là bán một cách tỷ lệ với lượng lao động đã vật hóa trong các hàng hóa đó. Nếu các bạn không giải thích được lợi nhuận trên cơ sở giả thiết đó thì nói chung các bạn không thể giải thích được lợi nhuận. Điều đó hình như là ngược đời và mâu thuẫn với sự quan sát hàng ngày của các bạn. Nhưng nói rằng quả đất xoay quanh mặt trời và nước gồm có hai thứ khí rất dễ cháy thì cũng là nói ngược đời như vậy. Những chân lý khoa học bao giờ cũng ngược đời, nếu người ta phán đoán về chúng trên cơ sở kinh nghiệm hàng ngày, kinh nghiệm này chỉ nắm được cái bề ngoài giả dối của sự vật.

 


*Chú thích:

[9] B.Franklin. “Một cuộc điều tra khiêm tốn về bản chất và sự cần thiết của tiền tệ giấy”. Trong Tuyển tập tập .II, Boston, 1836. Tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên năm 1729.-172.

[10] A.Smith. “Một cuộc điều tra về bản chất và nguyên nhân của sự giàu có của các quốc gia dân tộc”. Tập I, Edinburgh, 1814, Tr.93 – 177.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận