Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Sức lao động

*Mục lục:

     * Lời mở đầu.

  1. Sản xuất và tiền công
  2. Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
  3. Tiền công và tiền
  4. Cung và cầu
  5. Tiền công và giá cả
  6. Giá trị và lao động
  7. Sức lao động
  8. Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
  9. Giá trị của lao động
  10.  Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
  11.  Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
  12.  Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
  13.  Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công
  14.  Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó.


     

7. SỨC LAO ĐỘNG

 

 Sau khi phân tích bản chất của giá trị, giá trị của bất kỳ một hàng hóa nào, – trong chừng mực có thể làm được điều đó một cách lướt qua như thế, – thì chúng ta phải chú ý đến giá trị đặc thù của lao động. Và ở đây, một lần nữa tôi lại phải làm các bạn ngạc nhiên bằng một điều khẳng định hình như là ngược đời. Tất cả các bạn đều tin chắc rằng cái mà các bạn bán ra hàng ngày chính là lao động của các bạn, rằng do đó, lao động có một giá cả, và vì giá cả của hàng hóa chỉ là biểu hiện bằng tiền của giá trị của hàng hóa ấy, cho nên chắc chắn là phải có một cái gì giống như giá trị của lao động. Thế nhưng trên thực tế không có cái gì tồn tại như là giá trị của lao động theo ý nghĩa thông thường của chữ đó cả. Chúng ta đã thấy rằng lượng lao động cần thiết đã kết tinh trong hàng hóa tạo thành giá trị của hàng hóa đó. Nhưng áp dụng khái niệm giá trị đó thì làm thế nào mà chúng ta có thể định được giá trị của một ngày lao động 10 giờ chẳng hạn? Có bao nhiêu lao động chứa đựng trong ngày đó? Có 10 giờ lao động. Nếu nói rằng giá trị của một ngày lao động 10 giờ là bằng 10 giờ lao động, hay bằng số lượng lao động chứa đựng trong ngày lao động đó, thì đó sẽ là một điều trùng lặp và hơn nữa là vô nghĩa. Dĩ nhiên là sau khi chúng ta đã tìm thấy ý nghĩa thật sự, nhưng bị che đậy, của cách nói "giá trị của lao động" thì chúng ta cũng sẽ có thể giải thích được việc áp dụng giá trị một cách không hợp lý và tựa hồ như không thể có được đó, cũng giống như sau khi đã nhận thức được những sự vận động hiện thực của những thiên thể thì chúng ta có thể giải thích được những sự vận động có thể nhìn thấy được, như chúng thể hiện ra đối với chúng ta, của những thiên thể đó.

 

 Cái mà người công nhân đem bán, không phải trực tiếp là lao động của anh ta, mà là sức lao động mà anh ta giao cho nhà tư bản sử dụng trong một thời gian. Điều đó đúng đến nỗi là luật pháp, – tôi không hiểu ở Anh có như thế hay không, nhưng dẫu sao thì đó cũng là trường hợp của nhiều nước trên lục địa, – phải ấn định thời gian tối đa theo đó một người được phép bán sức lao động của mình. Nếu người ấy được phép bán sức lao động của mình trong một khoảng thời gian bất kỳ nào thì chế độ nô lệ được khôi phục ngay lập tức. Ví dụ, nếu việc bán đó lại bao quát cả toàn bộ cuộc đời của người công nhân thì nó lập tức biến người công nhân thành nô lệ suốt đời cho người thuê anh ta.

 

 Một trong những nhà kinh tế học cổ nhất và là một trong những nhà triết học độc đáo nhất ở Anh Thomas Hobbes cũng đã nắm bắt được theo bản năng của ông, và trong cuốn Leviathan (Con thủy quái) của ông, cái điểm mà tất cả những người kế tục ông đã không nhận thấy đó. Ông ta nói:

 

“Giá trị của một người cũng giống như giá trị của tất cả mọi vật khác, là giá cả của người đó, nghĩa là cái mà người ta bỏ ra để sử dụng sức lực của người đó”[11].

 

 Nếu chúng ta xuất phát từ cơ sở đó, chúng ta cũng sẽ có thể quy định được giá trị của lao động, giống như giá trị của tất cả những hàng hóa khác.

 

 Nhưng trước khi làm việc đó chúng ta phải hỏi xem do đâu lại nảy sinh cái hiện tượng kỳ dị là trên thị trường, chúng ta thấy một phía là một nhóm những người mua là những người sở hữu ruộng đất, máy móc, nguyên liệu và tư liệu sinh hoạt, nghĩa là tất cả những vật trừ đất đai trong tình trạng chưa khai thác, đều là sản phẩm của lao động, và phía khác là một nhóm những người bán, không có gì để bán ngoài sức lao động của họ, những cánh tay lao động và bộ óc của họ? Do đâu lại nảy sinh hiện tượng có một nhóm người luôn luôn mua để bòn rút lợi nhuận và làm giàu, trong khi nhóm kia lại luôn luôn bán để sinh sống? Việc nghiên cứu vấn đề đó sẽ là việc nghiên cứu cái mà các nhà kinh tế học gọi là sự tích luỹ sơ bộ hay ban đầu mà lẽ ra phải gọi là sự tước đoạt ban đầu. Chúng ta sẽ thấy rằng cái gọi là tích lũy ban đầu đó chẳng qua chỉ là một loạt quá trình lịch sử đã dẫn đến việc phá vỡ sự thống nhất ban đầu giữa người lao động và tư liệu lao động của người đó. Nhưng một sự nghiên cứu như thế sẽ vượt quá phạm vi đề tài hiện giờ của tôi. Một khi sự tách rời người lao động ra khỏi tư liệu lao động được thực hiện thì sau đó tình trạng đó sẽ tự duy trì và tự tái sản xuất ra theo một quy mô luôn luôn mở rộng, cho tới khi một cuộc cách mạng mới và triệt để trong phương thức sản xuất thủ tiêu tình trạng đó và khôi phục lại sự thống nhất ban đầu dưới một hình thức lịch sử mới.

 

 Vậy giá trị của sức lao động là gì?

 

 Giống như giá trị của mọi hàng hóa khác, giá trị của sức lao động được quyết định bởi số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra nó. Sức lao động của một người chỉ tồn tại trong con người sống của người đó. Để phát triển và duy trì đời sống của mình, con người ta phải tiêu dùng một số lượng tư liệu sinh hoạt nhất định. Nhưng giống như máy móc con người cũng hao mòn và phải được thay thế bằng một người khác. Ngoài số lượng những tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì sự sống của bản thân người công nhân, người đó còn phải có một số lượng tư liệu sinh hoạt nữa để nuôi nấng con cái nhằm thay thế người ấy trên thị trường lao động và duy trì mãi mãi giống người công nhân. Hơn nữa, muốn phát triển sức lao động của mình và có được một kỹ năng nhất định, người ấy còn phải tiêu phí thêm một lượng giá trị nhất định nữa. Đối với mục tiêu nghiên cứu của chúng ta, ở đây chúng ta chỉ cần xét lao động trung bình mà chi phí giáo dục và đào tạo là những đại lượng hết sức nhỏ. Nhưng nhân dịp này tôi cũng phải nhận xét rằng vì những chi phí để sản xuất ra sức lao động có chất lượng khác nhau thì khác nhau, cho nên giá trị của sức lao động sử dụng trong các ngành sản xuất khác nhau cũng phải khác nhau. Vì vậy, việc đòi hỏi một tiền công ngang nhau dựa trên một sự lầm lẫn, là một nguyện vọng phi lý không bao giờ thực hiện được. Sự đòi hỏi đó là con đẻ của một chủ nghĩa cấp tiến không đúng và nông cạn, nó thừa nhận những tiền đề, nhưng lại tìm cách lẩn tránh những kết luận. Trên cơ sở của chế độ lao động làm thuê, giá trị của sức lao động được xác lập giống như giá trị của mọi thứ hàng hóa khác; và vì những loại sức lao động khác nhau có những giá trị khác nhau, nghĩa là đòi hỏi những lượng lao động khác nhau để sản xuất ra chúng, cho nên trên thị trường lao động chúng phải được trả theo những giá cả khác nhau. Đòi hỏi một sự thù lao ngang nhau hay thậm chí một sự thù lao công bằng nữa trên cơ sở chế độ lao động làm thuê thì chẳng khác gì đòi hỏi tự do trên cơ sở chế độ nô lệ. Cái mà các bạn coi là đúng hay công bằng thì không thuộc về vấn đề này. Vấn đề là ở chỗ cái gì là tất yếu và không thể tránh được đối với một chế độ sản xuất nhất định?

 

 Sau những điều đã nói ở trên, chúng ta thấy rõ rằng giá trị của sức lao động được quyết định bởi giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết để sản xuất, phát triển, bảo tồn và duy trì mãi mãi sức lao động.

 


*Chú thích:

[11] Th. Hobbes shilling "Con thủy quái, hay là vật chất, hình thái và quyền lực của nhà nước giáo hội và công dân". Trong tập sách: Các tác phẩm bằng tiếng Anh. T.III, Luân Đôn, 1839, tr.76).-180

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận