Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Giới thiệu

*Mục lục:

     * Lời mở đầu.

  1. Sản xuất và tiền công
  2. Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
  3. Tiền công và tiền
  4. Cung và cầu
  5. Tiền công và giá cả
  6. Giá trị và lao động
  7. Sức lao động
  8. Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
  9. Giá trị của lao động
  10.  Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
  11.  Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
  12.  Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
  13.  Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công
  14.  Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó.

*LỜI MỞ ĐẦU

 

Thưa các bạn!

 

 Trước khi nói đến thực chất của vấn đề này cho phép tôi có vài nhận xét mở đầu.

 

 Hiện nay bao trùm lên cả lục địa là một đại dịch thực sự của những cuộc bãi công và lời kêu gọi chung về việc tăng tiền công. Vấn đề này sẽ được bàn ở đại hội của chúng ta. Các bạn là những người lãnh đạo Hội liên hiệp công nhân quốc tế, lẽ ra phải giải quyết ổn thỏa vấn đề cực kỳ quan trọng ấy. Vì thế tôi thấy nhiệm vụ của tôi là phải phân tích vấn đề này một cách cặn kẽ, ngay cả khi có nguy cơ bắt lòng kiên nhẫn của các bạn phải chịu đựng một thử thách khắc nghiệt.

 

 Nhận xét mở đầu thứ hai của tôi có liên quan đến ông bạn Weston. Ông ta không những chỉ trình bày với các bạn những ý kiến mà ông ta biết là rất không được giai cấp công nhân tán thành, mà còn công khai bảo vệ những ý kiến đó, cho rằng làm như vậy là vì lợi ích của giai cấp công nhân. Tất cả chúng ta hẳn đều phải hết sức mà tôn vinh một biểu hiện như vậy của tinh thần dũng cảm. Mặc cho cái giọng gay gắt từ bản báo cáo của tôi, nhưng tôi mong rằng khi trình bày xong, ông bạn Weston sẽ thấy là tôi đồng ý với ý kiến mà theo tôi, đó hình như là ý kiến mà ngài ấy đã lấy làm căn cứ xuất phát khi xây dựng những luận điểm của mình, mặc dù là dưới hình thức hiện nay của chúng thì tôi chỉ có thể coi những luận điểm đó là sai lầm về mặt lý luận và nguy hiểm về mặt thực tiễn. 

 

 Bây giờ tôi xin đi thẳng vào vấn đề mà chúng ta đang quan tâm.

 

1. SẢN XUẤT VÀ TIỀN CÔNG

 

 Trên thực tế, lập luận của Weston dựa trên hai tiền đề:

 

1) khối lượng sản phẩm quốc dân là một cái không thay đổi, hay như các nhà toán học nói là một số lượng bất biến hay một đại lượng bất biến;

2) số tiền công thực tế – tức là tiền công được tính bằng lượng hàng hóa có thể mua được bằng tiền công đó – là một số lượng không thay đổi, một đại lượng bất biến.

 

 Vậy điều khẳng định thứ nhất của anh ấy rõ ràng là sai lầm. Các bạn biết rằng năm này qua năm khác, giá trị và khối lượng sản phẩm đều tăng lên, sức sản xuất của lao động quốc dân tăng lên, còn lượng tiền cần thiết cho sự lưu thông của số sản phẩm ngày càng tăng lên đó thì thay đổi không ngừng. Điều đúng cho cả năm và cho những năm khác nhau đem so sánh với nhau, thì cũng đúng cho mỗi ngày riêng biệt trong năm. Khối lượng, hay đại lượng, của sản phẩm quốc dân thay đổi không ngừng. Đó không phải là một đại lượng bất biến mà là một đại lượng khả biến, – ngay cả khi không tính đến sự thay đổi về dân số, – nó vẫn phải là một đại lượng khả biến, do có những thay đổi không ngừng trong sự tích luỹ tư bản và trong sức sản xuất của lao động. Hoàn toàn đúng là nếu một hôm nào đó, mức tiền công chung được tăng lên, thì sự tăng lên đó, tự nó – dù kết quả sau này có như thế nào đi nữa – cũng không trực tiếp làm thay đổi khối lượng sản phẩm được. Trước hết, sự tăng lên đó diễn ra trên cơ sở tình trạng hiện tồn. Nhưng nếu trước khi tiền công tăng lên, sản phẩm quốc dân là một đại lượng khả biến chứ không phải là bất biến, thì sau khi tiền công tăng lên, sản phẩm quốc dân vẫn tiếp tục là một đại lượng khả biến chứ không phải là bất biến.

 

 Nhưng giả định rằng khối lượng sản phẩm quốc dân là một đại lượng bất biến chứ không phải là khả biến. Ngay cả trong trường hợp đó điều mà ông bạn Weston của chúng ta coi là một kết luận lô-gích, vẫn sẽ chỉ là một điều khẳng định vô căn cứ. Nếu chúng ta có một con số nhất định, ví dụ là 8, thì những giới hạn tuyệt đối của con số ấy không ngăn cản các phần của nó thay đổi những giới hạn tương đối của chúng. Nếu lợi nhuận là 6 và tiền công là 2 thì tiền công có thể tăng lên đến 6 và lợi nhuận sụt xuống tới 2 và tổng số vẫn là 8. Do đó, khối lượng sản phẩm không thay đổi tuyệt nhiên không chứng tỏ rằng tổng số tiền công cũng nhất thiết phải là cố định. Trong trường hợp như vậy, ông bạn Weston của chúng ta chứng minh như thế nào sự cố định của tổng số tiền công? Ông ta chỉ khẳng định suông điều ấy thế thôi.

 

 Nhưng ngay cả khi đồng ý với điều khẳng định của ông ta thì điều khẳng định ấy cũng phải đúng đối với hai hướng, trong khi đó ông bạn Weston lại buộc nó chỉ được đi theo một hướng. Nếu tổng số tiền công là một đại lượng bất biến thì nó không thể tăng lên hay hạ xuống được. Vì vậy, nếu công nhân đòi tạm thời tăng tiền công là điên rồ, thì bọn tư bản đòi tạm thời giảm tiền công xuống cũng điên rồ chẳng kém. Ông bạn Weston của chúng ta không chối cãi rằng trong những hoàn cảnh nào đó, công nhân có thể buộc bọn tư bản tăng tiền công lên, nhưng vì đối với ông ta tổng số tiền công là một đại lượng vốn là cố định, nên sau đó, theo ý kiến ông ta, phải diễn ra một phản tác dụng. Mặt khác, ông ta cũng biết rằng bọn tư bản có thể ép được tiền công giảm xuống và trong thực tế, chúng không ngừng cố gắng làm điều ấy. Theo nguyên tắc về sự bất biến của tiền công, trong trường hợp này tất phải xảy ra một phản tác dụng không kém gì trong trường hợp thứ nhất. Vì vậy, khi chống lại mưu toan hạ thấp tiền công hay chống lại việc giảm tiền công đã xảy ra, thì công nhân đã hành động đúng. Vậy họ cũng hành động đúng khi họ đòi tăng tiền công, bởi vì mỗi một hành động chống lại việc giảm tiền công là một hành động nhằm làm tăng tiền công. Vì vậy, theo nguyên tắc về sự bất biến của tiền công do chính ông bạn Weston đề ra thì trong những hoàn cảnh nào đó, công nhân sẽ phải đoàn kết và đấu tranh đòi tăng tiền công.

 

 Nếu ông bạn Weston phủ nhận kết luận đó thì ông ta phải từ bỏ cả cái tiền đề dẫn đến kết luận đó. Trong trường hợp như vậy ông ta không nên nói rằng tổng số tiền công là một đại lượng bất biến, mà phải nói rằng mặc dầu tiền công không thể và không được tăng lên, nhưng cứ mỗi lần tư bản thích hạ nó xuống thì nó có thể là phải hạ xuống. Nếu nhà tư bản thích bắt các bạn ăn khoai tây thay cho thịt và yến mạch thay cho lúa mì thì các bạn phải tuân theo ý chí của hắn như tuân theo một quy luật kinh tế chính trị và phải phục tùng ý chí đó. Nếu ở một nước, mức tiền công cao hơn ở nước khác, chẳng hạn như ở Mỹ cao hơn ở Anh, thì các bạn phải giải thích sự khác biệt đó trong mức tiền công bằng sự khác nhau trong ý muốn của bọn tư bản Mỹ, và bọn tư bản Anh – phương pháp giải thích này tất nhiên, sẽ hết sức giản đơn hoá việc nghiên cứu chẳng những các hiện tượng kinh tế, mà cả mọi hiện tượng khác nữa.

 

 Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, chúng ta cũng có thể hỏi: vậy tại sao ý muốn của bọn tư bản Mỹ lại khác ý muốn của bọn tư bản Anh? Và để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải đi ra ngoài lĩnh vực của ý muốn. Một cố đạo có thể nói rằng Thượng đế muốn điều này ở Pháp và ở Anh thì muốn điều khác. Nếu tôi đòi ông ta phải giải thích cho tôi việc có hai ý muốn ấy thì ông ta có thể sẽ có đủ mặt dày để trả lời tôi rằng đó là Thượng đế thích có một ý muốn ở Pháp và một ý muốn khác ở Anh. Nhưng ông bạn Weston của chúng ta tất nhiên sẽ không dùng một lập luận hoàn toàn phủ định mọi suy luận hợp lý như vậy.

 

 Tất nhiên, ý muốn của nhà tư bản là càng lấy được nhiều thì càng tốt. Nhưng nhiệm vụ của chúng ta không phải là giải thích ý muốn của nhà tư bản, mà nghiên cứu quyền lực của nhà tư bản, giới hạn của quyền lực ấy và tính chất của những giới hạn ấy.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận