Sudan: Cách mạng và phản cách mạng
Lời nói đầu
Cuộc cách mạng Sudan 2019 đã gây chấn động trên toàn lục địa đen, bởi đúng như báo Jacobin đã nói về nó, “một cuộc cách mạng được tổ chức và trình độ chính trị tốt nhất trong khu vực” [1]. Khi nghiên cứu cuộc cách mạng này, cũng như những cuộc cách mạng khác trong lịch sử chúng ta hẳn ngay lập tức sẽ nhận ra những trùng lặp của quá khứ, những tương đồng cũng như khác biệt đến kỳ lạ và dường như là khó có thể hiểu được. Chìa khóa để giải quyết vấn đề hóc búa đó thực sự chỉ có một cách, gạt bỏ những ảo tưởng duy tâm và tích lũy sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, về các lực lượng và động lực thực sự đằng sau những sự kiện. Qua đó chẳng những chúng ta sẽ làm chủ vận mệnh của chính mình mà còn không bước nhầm vào những vết xe đổ trong quá khứ.
Một tóm lược về lịch sử Sudan
Từ thời cổ đại tới hiện đại, Sudan đã có một lịch sử đầy phức tạp và biến động, với vương triều Kush từng thống trị cả Ai Cập, tiếp đó là nhiều thế kỷ dài bị Ai Cập xâm lược và thuộc địa hóa, cuộc khởi loạn Mahdi và sau nữa là sự áp đặt chế độ thực dân của đế quốc Anh lên cả Ai Cập và Sudan. Năm 1952, cách mạng dân chủ tư sản nổ ra ở Ai Cập đã chấm dứt chế độ phong kiến để thiết lập nền cộng hòa, và khước từ sự lệ thuộc vào đế quốc Anh. Cùng lúc đó là sự suy yếu của hệ thống thực dân kiểu cũ trên toàn thế giới, nhờ vậy Sudan được trao trả độc lập vào năm 1954. Nhưng gần như ngay lập tức nó lại rơi vào một cuộc nội chiến Bắc – Nam đẫm máu kéo dài ngót nửa thế kỷ, từ năm 1955 tới 2005 (với một sự gián đoạn ngắn từ 1972 tới 1982), cùng với đó là những cuộc xung đột nhỏ hơn nhưng không kém phần tàn khốc như xung đột ở Darfur, xung đột Sudan – Tchad, xung đột ở miền Đông với Eritria. Những cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người và khiến hàng triệu người khác phải tha phương. Nó phần nào là hậu quả trực tiếp của thời kỳ thuộc địa khi đế quốc Anh đã thực hiện chính sách chia để trị và có sự khác biệt rất lớn giữa hai miền Bắc – Nam, trong khi miền Bắc có kinh tế phát triển hơn với các cơ sở công nghiệp, cảng biển và đa số dân chúng theo đạo hồi, còn miền Nam lạc hậu hơn nhưng có nguồn dầu mỏ phong phú là nguồn trao đổi ngoại tệ chính của đất nước ( 80% giếng dầu của Sudan nằm ở đây) với đa số dân chúng theo đạo truyền thống hoặc thiên chúa giáo. Một điều nữa là biên giới hiện đại của Sudan cũng như nhiều quốc gia ở châu Phi khác, được định hình hoàn toàn bởi chính sách thực dân của châu u, những biên giới được vẽ tùy tiện lên cát để phản ánh một cách hợp lý sức mạnh và tầm ảnh hưởng của các cường quốc thực dân châu u trên lục địa đen. Và khi những bậc thầy châu u ra đi nó được thế chỗ bởi giai cấp tư sản dân tộc non trẻ, nhưng bởi tầm nhìn và chính sách hẹp hòi nó đã hoàn toàn thất bại trong nhiệm vụ thống nhất quốc gia, dân tộc. Bằng lưỡi lê và chính sách đàn áp tôn giáo, sắc tộc nó đã phá nát đất nước và khiến nhân dân Sudan chìm trong đau khổ và tuyệt vọng. Chính trong bối cảnh như vậy mà nhà nước độc tài quân sự, dưới sự lãnh đạo của Omar al – Bashir, nổi lên thống trị. Để duy trì quyền lực mà không có chỗ dựa trong quần chúng, Al – Bashir buộc phải phụ thuộc vào các lực lượng phản động và lạc hậu nhất của xã hội: các quan chức và tướng lĩnh tham nhũng, các tù trưởng bộ lạc, khủng bố; đi kèm với đó là các biện pháp độc tài tàn bạo để khủng bố áp đặt sự khiếp sợ lên đông đảo quần chúng; thiết quân luật, đàn áp chính trị, cảnh sát bí mật và cả dân quân phản động ( như cơ quan Tình báo và An ninh Quốc gia (NISS), dân quân Janjaweed là nòng cốt của lực lượng phản ứng nhanh (RSF) sau này…), những lực lượng không những phải chịu trách nhiệm cho những cuộc thảm sát vào dân thường trong suốt nội chiến mà còn cả nước ngoài, ví dụ như ở Yemen. Nền kinh tế bị tàn phá bởi các cuộc chiến và được quản lý yếu kém bởi những quan chức và tướng lĩnh tham nhũng khiến cho nó ngày càng tụt dốc, nợ nước ngoài tích lũy, với nghèo đói và thất nghiệp tràn lan. Tất cả những gánh nặng đó đều được đặt lên vai quần chúng Sudan.
Khởi đầu của cách mạng Sudan
Hàng thập kỷ nội chiến và sự khủng bố của nhà nước đã dồn nén những uất ức và căm phẫn của hàng triệu gia đình Sudan dưới làn băng mỏng. Khi cuộc nội chiến kết thúc đã không có gì được cải thiện, thậm chí tình hình thêm xấu đi bởi việc mất đi nguồn ngoại tệ quan trọng từ dầu mỏ ở Nam Sudan [2]. Tình trạng thất nghiệp chính thức đã ở mức 20% trong khi hơn 45% dân số sống dưới mức nghèo khổ; lạm phát ở mức trên 30%; nợ công là hơn 120% GDP và nợ nước ngoài đang ở mức hơn 60 tỷ USD; tới một phần ba trẻ em Sudan được coi là thiếu cân. Một sự thiếu hụt kinh niên của bánh mì, xăng, dầu diesel và tiền mặt đi cùng với sự sụp đổ của đồng nội tệ trong giai đoạn gần đây, đồng bảng Sudan giảm giá trị từ 26 xuống gần 100 ăn 1 đô la… Dưới bề mặt tưởng như yên tĩnh, những đau khổ và uất ức của quần chúng được tích lũy dần về lượng, sự đàn áp trong khi gây ra nỗi sợ hãi không thể nào làm cho nó tan biến, và tới một mức độ nó sẽ dẫn tới bước nhảy vọt về chất. Đó là cách mạng!
Các cuộc biểu tình đã bắt đầu nổ ra lẻ tẻ trong năm 2018 để phản đối vật giá tăng cao, tham nhũng và thất nghiệp. Tình trạng đang ảnh hưởng nghiêm trọng nên đời sống của mọi tầng lớp nhân dân Sudan ngoại trừ đẳng cấp thống trị. Vào ngày 19 tháng 12 năm 2018 sự việc đã lên tới cao trào [3], hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra nhằm phản đối giá bánh mì tăng cao, bắt đầu từ Atbara, nhanh chóng lan rộng ra Cảng Sudan, Dongola rồi thủ đô Khartoum, trụ sở đảng Quốc Đại bị đốt cháy ở Atbara và Dongola bị đốt cháy. Khởi đầu từ các nhu cầu kinh tế phong trào đã nhanh chóng mở rộng sang các nhu cầu chính trị mà hàng đầu là phế truất Al-Bashir. Chính quyền đáp lại bằng đàn áp bạo lực khiến hàng chục người thương vong, báo chí và mạng xã hội bị kiểm duyệt khắt khe, cảnh sát bí mật gia tăng bắt bớ và tra tấn người biểu tình. Nhưng bất chấp tất cả, quần chúng vẫn tiếp tục xuống đường và giai cấp thống trị bắt đầu run sợ khi cảm nhận được quyền lực đang tuột khỏi tay. Không còn gì để mất và không còn đường để lùi, những người đàn ông và phụ nữ Sudan tay trong tay vượt qua mọi nỗi sợ hãi để bước xuống đường, dũng cảm ném tất cả sự căm giận vào bọn thống trị. Bọn thống trị coi nhân dân dưới chân chúng là những sinh vật nhỏ bé, yếu đuối, nhưng đó chỉ là khi họ đơn độc, một khi vai kề vai họ sẽ trở thành một khối mạnh mẽ vô song, đó là cái cách mà nhân loại đã chinh phục tự nhiên, cũng như sẽ chinh phục xã hội và làm chủ số phận của chính mình!
Ngày 22 tháng 2 năm 2019, Al – Bashir buộc phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp”.
Ngày 6 tháng 4, Hiệp hội chuyên gia Sudan (SPA) kêu gọi hàng trăm ngàn người xuống đường để tuần hành tới trước trụ sở Bộ quốc phòng, mở đầu cho cuộc biểu tình ngồi kéo dài liên tục suốt nhiều tuần. Quân đội được điều tới nhưng nó đã có tác dụng ngược, một sự đồng cảm với quần chúng cách mạng lan rộng trong binh lính và hạ sĩ quan, những người mà chính bản thân và gia đình cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, đau khổ tương tự. Binh lính chống lại lực lượng an ninh mưu toan đàn áp nhân dân.
Ngày 11 tháng 4, cảm nhận ngọn gió đang đổi chiều, các tướng lĩnh cao cấp trong quân đội vội vã hất cẳng Al-Bashir bằng đảo chính quân sự, “Hội đồng quân sự chuyển tiếp” được thành lập để nắm quyền lực.
Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC)
Hội đồng là những ai? Một hội đồng tự bổ nhiệm với chủ tịch đầu tiên của nó là tướng Ahmed Awad Ibn Auf, kẻ phải chịu trách nhiệm cho nhiều tội ác ở Darfur và là đồng minh thân cận của Al-Bashir. Phó của nó là tướng Mohamed Hamdan Dagalo ( còn gọi là Hemedti), chỉ huy lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) mà tiền thân là dân quân Janjaweed, đạo quân riêng của Al-Bashir và đã từng phạm nhiều tội ác chiến tranh. Các thành viên khác như tướng Galaledin Alsheikh, một cựu phó giám đốc an ninh, Trung tướng Al-Tayeb Babakr Ali Fadeel, người lãnh đạo cảnh sát trật tự công cộng, và Trung tướng Omar Zain al-Abidin từng là lãnh đạo của “ủy ban chính trị” của chính quyền… Nói tóm lại là hầu hết chế độ cũ ngoại trừ Al-Bashir, là những khuôn mặt cũ đằng sau chiếc mặt nạ mới, như SPA đã tuyên bố: “Chế độ đã tiến hành một cuộc đảo chính quân sự để tái tạo những gương mặt và thực thể tương tự với cái mà những con người vĩ đại của chúng ta đã đứng lên để lật đổ” [4]. Cảm thấy “xấu hổ” vì sự trơ trẽn đó, Auf buộc phải thoái lui vào hậu trường chỉ sau 1 ngày, để đưa ra một khuôn mặt “ trong sạch” hơn, Abdel Fattah Abdelrahman Burhan, mặc dù “trong sạch hơn” chỉ có nghĩa là những tội ác của ông ta chưa được lên án!
Đề xuất của nó là gì? Tuyên bố đầu tiên của nó là thành lập một chính phủ chuyển tiếp trong 2 năm do quân đội lãnh đạo, đi cùng với đó là đình chỉ hiến pháp, ra hạn tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm. Nhưng chính quần chúng cách mạng, bằng sự dũng cảm và hi sinh vô bờ bến, đã làm rung chuyển chế độ và đánh bại Al-Bashir; TMC có tư cách gì để tước đoạt chiến thắng đó? Duy trì tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm có mục đích gì nếu không phải là những toan tính giải tán quần chúng cách mạng và bắt họ khuất phục bằng vũ lực nếu cần. Từ thất vọng chuyển sang tức giận, phong trào không chút suy giảm, quần chúng tiếp tục xuống đường và hàng vạn người vẫn chiếm giữ vị trí trước trụ sở bộ quốc phòng bất chấp tới giờ giới nghiêm. Khiếp sợ trước sự quyết tâm, mạnh mẽ của quần chúng cách mạng, Auf buộc phải từ chức và để cho Burhan lên thay, người đã cố gắng xoa dịu quần chúng bằng những ngôn từ hoa mĩ như: Thực hiện ý chí của nhân dân và cách mạng, thanh trừng các quan chức chế độ cũ, điều tra tham nhũng, dỡ bỏ kiểm duyệt… Nhưng sự thật đã không đi xa hơn những lời nói! Al-Bashir mặc dù từ quản thúc tại gia được đưa sang nhà tù an ninh, nhưng không có dấu hiệu nào là ông ta sẽ bị dẫn độ ra tòa án hình sự quốc tế để chịu trách nhiệm cho tội ác của mình. Salah Gosh, cựu lãnh đạo tình báo, kẻ phải chịu trách nhiệm cho việc đàn áp người biểu tình, chỉ phải từ chức mà không bị tống giam, điều tương tự với các công tố viên, các thành viên hàng đầu của đảng Quốc đại ( NCP) đã tham gia vào sự đàn áp nhân dân, chỉ một vài tốt thí được đưa ra. Trong khi nhiều tù nhân chính trị vẫn tiếp tục bị giam giữ.
Những cuộc đàm phán xen kẽ với những chiến dịch khủng bố quần chúng cho thấy một sự chia rẽ tương đối trong hàng ngũ TMC. Giữa một bên đã sẵn sàng vứt bỏ những mặt nạ cũ và chấp nhận một vài nhượng bộ, thỏa hiệp để xoa dịu được quần chúng, mua chuộc tầng lớp hàng đầu của cách mạng và chuyển hướng cuộc cách mạng xuống những đường an toàn cho hiện trạng; và một bên kia là những tướng lĩnh và quan chức có những vết nhơ không thể xóa bởi mối liên kết chặt chẽ với những tội ác trong quá khứ, họ hi vọng thông qua một cuộc đàn áp tàn bạo sẽ làm hao mòn và tan rã hàng ngũ cách mạng. Nhưng dù là bên nào thì họ đều có một mục tiêu sống còn đó là duy trì hiện trạng, bởi những lực lượng đằng sau TMC, tướng lĩnh và quan chức tham nhũng, tầng lớp tư sản thân hữu và mại bản, các thủ lĩnh bộ lạc đều xây dựng sự giàu có và quyền lực của mình dựa trên sự áp bức và bóc lột không thương tiếc đối với nhân dân lao động Sudan. Và để bảo vệ hiện trạng đó, họ luôn sẵn sàng giải phóng những lực lượng khủng bố tàn bạo nhất. TMC có sẵn những vũ khí như thế, đó là tòa án, nhà tù, cảnh sát mật và đặc biệt là dân quân Janjaweed, những người lính trẻ được tuyển mổ từ những vùng xa xôi và tầng lớp lạc hậu nhất trong xã hội, mang trong mình mặc cảm bởi những tội ác trong quá khứ ở Darfur và nhiều nơi khác, họ dễ dàng bị TMC lợi dụng làm tên lính xung kích để nghiền nát cách mạng.
Mỗi bước tiến của cách mạng về phía trước đòi hỏi nó phải phá vỡ trật tự cũ, đập tan những xiềng xích áp bức, tịch thu tài sản và tống giam những tướng lĩnh và quan chức tham nhũng, đưa sự kiểm soát kinh tế và chính trị vào tay mình để nâng cao đời sống cho nhân dân, đem lại một xã hội công bằng và tiến bộ. Nhưng đòi hỏi như vậy là đối lập hoàn toàn với quyền lợi của những lực lượng đứng đằng sau TMC, và do vậy nó không thể đạt được qua bất kỳ sự thỏa hiệp nào. Do dự và thỏa hiệp, cách mạng sẽ ban cho TMC thời gian để lấy lại tinh thần và chuẩn bị lực lượng, và khi sẵn sàng nó ngay lập tức sẽ tung ra cuộc phản cách mạng tàn khốc để đập tan ý chí của cuộc cách mạng. Muốn chiến thắng cách mạng chỉ có thể tự võ trang, bằng cách thành lập các ủy ban tự vệ trong mỗi khu phố, nhà máy, bằng lời kêu gọi binh lính phá vỡ hàng ngũ để đi theo cách mạng, chỉ bằng cách đó nó mới sẵn sàng để đương đầu với phản cách mạng. Đáng tiếc những người lãnh đạo cách mạng đã không sẵn sàng cho điều đó, trước những dấu hiệu báo trước về cuộc chiến sắp xảy ra họ tỏ ra bối rối và bất lực [5], mọi lời kêu gọi công lý và hòa bình đều vô nghĩa bởi điều mà TMC mong muốn thực sự là cách mạng phải bị đánh bại hoàn toàn.
Thảm sát ở Khartoum
Sau khi đã tập hợp lực lượng đầy đủ TMC chấm dứt mọi cuộc đàm phán với lực lượng biểu tình. Ngày 3 tháng 6, viện cớ thiết lập lại trật tự các lực lượng khủng bố của nó, dẫn đầu bởi Lực lượng hỗ trợ nhanh chóng (RSF), đã được lệnh tiến vào giải tán trại của người biểu tình trước trụ sở bộ quốc phòng ở Khartoum ( Nơi mà cho tới lúc đó là trung tâm của cuộc cách mạng). Không có giới hạn nào cho sự tàn bạo giáng xuống đầu dân thường không vũ khí, từ dùi cui tới lựu đạn hơi cay và súng đạn, TMC muốn khắc sâu vào đầu quần chúng nỗi sợ hãi mãi mãi. Hơn 100 người đã bị giết và hàng trăm người bị thương, xác nhiều người trong số họ đã bị ném xuống sông Nile để phi tang. Sự khủng bố lan rộng trên các đường phố của thủ đô Khartoum và cả vào bệnh viện[1], nơi người bị thương đang ẩn náu, nhiều người đã bị cưỡng hiếp tập thể [6]. Internet bị cắt và đường phố bị phong tỏa để ngăn chặn thông tin và thống kê thương vong của dân thường, nhưng nó là một cuộc thảm sát mà không ngôn từ giả dối nào của TMC có thể che đậy được.
Chiến dịch khủng bố vẫn còn kéo dài trong nhiều ngày sau đó nhưng ngày mùng 3 tháng 6 sẽ mãi ghi dấu ấn vào lịch sử Sudan bởi sự tàn bạo không có giới hạn mà các lực lượng của chế độ áp bức sẵn sàng giải phóng lên đầu quần chúng cách mạng.
Trái ngược với những mưu toan của TMC ban đầu cuộc phản cách mạng ngược lại đã củng cố quyết tâm của quần chúng cách mạng và lan rộng nó ra hơn bao giờ hết. Quần chúng đã chứng tỏ sự dũng cảm và lòng quyết tâm của mình bằng một cuộc tổng bãi công, bãi khóa. Theo báo cáo của SPA chỉ trong 3 ngày tổng đình công và bất tuân dân sự: Ước chừng 60 – 95 % học sinh và giáo viên trung học đã tham gia bãi khóa, các phương tiện công cộng gần như tê liệt như xe buýt tới 67 – 99%, máy bay là 84 – 99%, tàu hỏa là 98 – 100%, 64 – 72% ngân hàng đóng cửa, 87% cửa hàng buôn bán nhỏ, 60 – 94% hệ thống điện, sưởi ấm, dầu và ga ngừng hoạt động, 47 – 90% hệ thống y tế ngừng hoạt động, nhưng các hoạt động y tế khẩn cấp hoàn toàn được miễn phí, 90 – 100% dịch vụ pháp lý tư nhân và nhà nước ngừng hoạt động [7]. Đấu tranh lan rộng với những ủy ban hành động địa phương được thành lập ở Ed Damazin, Nile xanh, El Gadaref, Port Sudan, mít tinh lớn ở El Obeid, Bắc Kordofan. Như thực tế lịch sử đã cho thấy trong nhiều lần khi quần chúng cảm nhận được sức mạnh to lớn trong tay mình họ mất đi nỗi sợ hãi vào chế độ, dũng cảm và quyết liệt họ chiến đấu để giành lại quyền quyết định vận mệnh cho chính mình. Cơn sóng thần đó thậm chí còn thúc đẩy những người lãnh đạo do dự nhất tiến về phía trước. Nhưng như vậy quần chúng hẳn có thể tự tổ chức và giành chiến thắng mà không cần người lãnh đạo? Chủ nghĩa Marx kiên quyết bác bỏ ý tưởng đó của chủ nghĩa vô chính phủ. Một phong trào quần chúng tiến về phía trước mà không có những phương hướng rõ ràng và chính sách cụ thể để chinh phục sẽ nhanh chóng chia rẽ và trở lên do dự ở những bước ngoặt quan trọng nhất, mà do đó sự thoái trào sẽ là điều không thể tránh khỏi. Điều mà chúng ta đang thấy trong các phong trào gần đây như phong trào áo vàng ở Pháp hay phong trào chống luật dẫn độ ở Hồng Kông.
Một sức mạnh to lớn của quần chúng đã được giải phóng để mở ra tiềm năng cho cách mạng nắm lấy quyền lực, phân rã hàng ngũ TMC và giải giáp dân quân Janjaweed. Nhưng những người lãnh đạo vẫn tiếp tục bấu víu vào những ảo tưởng tự do tư sản, họ chấp nhận đàm phán với những tên đồ tể.
Liên minh vì tự do và thay đổi ( FDFC)
Lãnh đạo cách mạng là các lực lượng đối lập với chính quyền được tập hợp trong một liên minh rộng rãi bao gồm: Lực lượng đồng thuận quốc gia ( gồm đảng cộng sản Sudan và đảng Ba’ath Sudan), lực lượng Nidaa Sudan ( gồm đảng Umma, đảng quốc đại Sudan và phong trào giải phóng nhân dân Sudan) và cuối cùng cũng là quan trọng nhất, Hiệp hội chuyên gia Sudan ( SPA). Cần phải nói rằng, tuy có chung kẻ thù nhưng đường lối và chính sách của mỗi nhóm có những khác biệt rất lớn. Và đó là một thực tế nổi bật của thời kỳ cách mạng, không có sự thuần nhất, mà luôn tồn tại những khuynh hướng, tiến bộ và cơ hội, kiên quyết và thỏa hiệp, cách mạng và phản động. Bởi một phong trào quần chúng rộng lớn tập hợp vào mình không chỉ những tầng lớp công nhân, sinh viên, trí thức tiến bộ nhất mà còn đông đảo những tầng lớp dân nghèo thành thị, công viên chức, tiểu chủ, nông dân nghèo… Những người sẽ mang theo vào phong trào những định kiện, những ảo tưởng sai lầm nhưng, thiếu họ cuộc cách mạng sẽ là không thể. Một điều nữa, một cuộc cách mạng thường nổ ra ở nơi cần nó nhất hơn là vì nó được chuẩn bị tốt nhất. Hàng triệu con người mới ngày hôm trước còn sống trong sự cam chịu nhục nhã mà ngày hôm nay đứng lên mạnh mẽ, sẵn sàng chiến đấu và hi sinh, điều đó mang vẻ ngoài như một sự bùng nổ không thể đoán trước, mà đối với những người thiếu một lý luận sâu sắc về cách mạng, thiếu niềm tin vào sức mạnh của cách mạng sẽ không tránh khỏi bối rối và mắc sai lầm. Điều mà chúng ta sẽ thấy trong suốt cuộc cách mạng Sudan.
Đầu tiên là sự thỏa hiệp. Thỏa hiệp với TMC có cần thiết? Chúng ta biết rằng ngay khi TMC làm đảo chính lật đổ Al-Bashir và mưu toan cướp đoạt thành quả cách mạng, SPA đã lập tức tố cáo mạnh mẽ sự giả hình và thủ đoạn của nó nhưng để rồi cuối cùng lại chấp nhận đàm phán sau khi nhận được một vài nhượng bộ nhỏ. Phải chăng họ đang hi vọng về một cuộc cách mạng diễn ra trong hòa bình, bớt đổ máu và thông qua đàm phán thì các lực lượng phản động sẽ ngoan ngoãn, tự giác giao nộp quyền lực và vũ khí. Nhưng điều đó sớm thôi sẽ được chứng minh là ngây thơ, cho tới cùng TMC vẫn không rời bỏ quyền lực, không lực lượng khủng bố nào của nhà nước đã bị giải tán và tuyển cử tự do được ước định trong một tương lai hoàn toàn mơ hồ. Có thể một bộ phận trong TMC muốn và chấp nhận thỏa hiệp nhưng mục đích cuối cùng của nó sẽ không phải là giải quyết ngay cả những nhu cầu cơ bản nhất của cách mạng: Bánh mì, việc làm và công lý, những cuộc đàm phán chỉ để phục vụ mục đích làm chệch hướng cuộc cách mạng. Một khi nó đã không làm được điều đó, đòn roi sẽ được thay cho lời nói, và súng đạn sẽ được thay thế cho cái bắt tay hòa bình. Khartoum đã bị dìm trong biển máu và những đợt khủng bố vẫn tiếp tục từ đó đến nay, hàng trăm người đã bị giết và hàng ngàn người bị thương, phụ nữ bị cưỡng hiếp ngay trên đường và đau khổ đang chồng chất thêm ở mọi góc phố. Thật khó mà có thể tin nổi là người ta vẫn còn những ảo tưởng về đàm phán sau những điều đó!
Thứ hai là vũ trang cho cách mạng. Sự do dự của những người lãnh đạo cách mạng trong việc vũ trang quần chúng đã giúp cho các lực lượng phản cách mạng như RSF và dân quân Janjaweed dễ dàng vung nắm tay sắt xuống đầu quần chúng cách mạng. Cuộc cách mạng ngay từ đầu đã tiết lộ cho chúng ta đã thấy đa số binh lính bình thường và hạ sĩ quan có cảm tình với cách mạng, có những người đã ngã xuống khi bảo vệ quần chúng khỏi sự tàn bạo của các lực lượng an ninh tàn bạo. Nhưng, không có bất kỳ lời kêu gọi nào với binh sĩ để đứng về cách mạng, và tất cả tiềm năng cách mạng của họ đã bị giữ lại trong 4 bức tường của doanh trại, vũ khí của họ nhanh chóng bị tước bỏ bởi TMC. Không chỉ vậy, đối diện với súng đạn, dùi cui của RSF và Janjaweed, quần chúng cách mạng đã được kêu gọi biểu tình trong hòa bình bởi lãnh đạo của họ, các ủy ban tự vệ đã không được thành lập và một kế hoạch giải giáp dân quân phản cách mạng dường như không được ai nghĩ tới. Phải chăng họ lo bạo lực sẽ được lấy làm cớ cho sự đàn áp, hay một cuộc nội chiến mới sẽ nổ ra. Nhưng một cách rõ ràng TMC không cần một cái cớ để hành động, khi cần hành động họ sẽ tạo ra cớ cho mình [7]. Còn nội chiến ư, chẳng phải chính những tướng lĩnh trong TMC là những kẻ đã tham gia tích cực vào những tội ác trong cuộc nội chiến vừa qua, và họ sẽ chẳng ngại ngần mà bước vào nội chiến một lần nữa nếu nó có thể đè bẹp cách mạng, chúng ta chẳng nên có một chút ảo tưởng nào vào sự nhân từ và tấm lòng yêu chuộng hòa bình của các vị ấy! Bài học của Công xã Paris vẫn còn đó, chính sự vũ trang của quần chúng cách mạng và lời kêu gọi binh sĩ đã đập tan cuộc tập kích trên đồi Montmartre, nhưng sự chần chừ của những người lãnh đạo đã khiến Công xã Paris cuối cùng bị dìm trong biển máu.
Điều thứ 2 là giải pháp. Chỉ có một giải pháp duy nhất cho quần chúng cách mạng là đàm phán cho một chính quyền dân sự chuyển tiếp ư? Cũng như cách mạng ở Nga năm 1917, một cách tự phát các ủy ban hành động đã được tổ chức ở khắp các khu phố, các nhà nhà máy và nơi làm việc trên khắp Sudan trong suốt cuộc cách mạng. Nó là biểu hiện của sự sáng tạo, tự chủ của quần chúng cách mạng, những con người lần đầu tiên tự mình quyết định số phận của mình thay vì giao phó cho bọn đầu sỏ chính trị. Nó cũng là hình thức dân chủ trực tiếp nhất bởi người lãnh đạo được bầu bởi sự tín nhiệm của đa số và có thể bị bãi miễn ngay lập tức. Sức mạnh của các ủy ban hành động đã được chứng tỏ thông qua cuộc tổng đình công từ mùng 9 tới 11 tháng 6, trên khắp Sudan các nhà máy, bến cảng và cơ sở công cộng đã ngừng hoạt động bất chấp sự đe dọa, đàn áp của TMC, và một lần nữa trong cuộc tuần hành triệu người trong ngày 30 tháng 6. Đó chính xác là một tình trạng “quyền lực kép” giữa một bên là chính quyền cũ đứng đầu là TMC đã mất hết thẩm quyền và uy tín trước nhân dân với một bên là các ủy ban hành động do công nhân, viên chức, người nghèo tự tổ chức và đã làm chủ thực sự các nhà máy, mỏ dầu, ngân hàng, bệnh viện, trường học… Điều đó mở ra một tiềm năng to lớn cho quần chúng cách mạng tiếp quản quyền lực nhà nước một cách nhanh chóng mà bớt đổ máu và thiết lập sự kiểm soát dân chủ của người lao động, không cần phải đàm phán với những tên đồ tể của chế độ. Đáng tiếc, mặc dù SPA đã chú ý tới sự phát triển các ủy ban ở các khu phố để nâng cao nhận thức về cách mạng nhưng dường như quần chúng được huy động không phải để giành chính quyền và giải giáp phản cách mạng mà chỉ để gây áp lực cho các cuộc đàm phán với TMC. Cách tiếp cận như vậy như đã phân tích ở trên sẽ sớm đưa cách mạng vào ngõ cụt!
Phong trào quần chúng không phải là cái vòi nước để có thể bật tắt tùy ý, hàng triệu con người không thể bước xuống đường đấu tranh cho những mục tiêu mơ hồ, họ bước xuống đường vì căm giận sự tàn bạo của chế độ và hi vọng về một cuộc sống mới, họ cần một chương trình hành động rõ ràng để đạt được những mục tiêu đó, bằng không, sự thất vọng, chán nản sẽ lan rộng và phong trào cuối cùng bước vào thoái trào. Có những khoảnh khắc vàng để thay đổi xã hội, nhưng để làm được điều đó người lãnh đạo phải hiểu rõ những gì họ đang làm, nền tảng xã hội giai cấp của phong trào và chế độ mà họ đang đấu tranh, từ đó mà xây dựng các yêu cầu tiến bộ và cách mạng để truyền cảm hứng cho quần chúng tiến lên nắm lấy quyền lực vào tay mình. Như trong trường hợp Sudan điều đó có thể là:
– Không thỏa hiệp với những tên đồ tể.
– Hạ bệ TMC và giải giáp dân quân Janjaweed.
– Thành lập và củng cố các ủy ban hành động ở mọi khu phố, nhà máy, trường học, bệnh viện…
– Các đại biểu được bầu trực tiếp và có thể bị bãi miễn ngay lập tức bởi quần chúng cách mạng.
– Liên kết các ủy ban hành động trên cơ sở khu vực và tiến tới toàn quốc để làm nền tảng cho chính quyền cách mạng.
– Vũ trang quần chúng cách mạng và kêu gọi binh lính, hạ sĩ quan tham gia cách mạng.
Tất cả chính quyền về tay cách mạng!
Những vấn đề quốc tế
Cách mạng Sudan chỉ là vấn đề của Sudan? Rõ là không phải vậy, bởi vì sự tương đồng của nó với những cuộc cách mạng gần đây trên khắp châu phi như: Mùa xuân Ả rập, cách mạng Ai Cập năm 2011…, bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự đối đầu giữa các đại cường, ngay từ đầu cuộc cách mạng đã vượt ra khỏi giới hạn của biên giới quốc gia. Ngay khi cuộc cách mạng bắt đầu, liên minh châu phi (AU) với Ethiopia đã vội vã hối thúc các cuộc đàm phán giữa 2 bên, cũng như họ đã làm ở Ai Cập, lybia. Người ta hẳn phải thầm cảm ơn những quý ông hào hiệp này vì sự sốt sắng của họ, bởi nếu không đám cháy có thể sẽ lan rộng ra thêm bởi những điều mà nhân dân Sudan đang chịu đựng cũng có thể thấy trên khắp lục địa đen. Nga và Trung quốc vì những lợi ích kinh tế, chính trị hẹp hòi của mình đã ngăn chặn liên hiệp quốc lên án bạo lực vào thường dân ở Sudan [8]. Mỹ và các nước châu u lên án và quan ngại về bạo lực ở Sudan nhưng mọi sự không đi xa hơn những lời nói và nó không là gì khi so sánh với những gì họ đã và đang làm ở Iraq, Libya và Syria… Các hành động của họ phản ánh lợi ích của mỗi đế quốc ở Sudan, hoàn toàn không phải vì sinh mạng và tự do của nhân dân Sudan. Chỉ có những người trẻ và nhân dân lao động trên khắp lục địa đen sẽ đồng cảm một cách tự nhiên với cách mạng Sudan bởi những điều tương tự mà họ đang trải qua, đó là đời sống kinh tế khó khăn và một tương lai bế tắc. Bởi vậy ngay cả khi nhân dân Sudan chiến thắng TMC, giành lấy quyền lực và thiết lập một chính quyền dân chủ, tiến bộ nó sẽ không tránh khỏi bị cô lập bởi chủ nghĩa đế quốc, chỉ thông qua thắng lợi của các cuộc cách mạng trên toàn lục địa đen và xa hơn nữa mới đánh bại được sự cô lập đó. Cách mạng sẽ chỉ thực sự thắng lợi khi nó vượt ra khỏi những đường biên giới quốc gia
Tương lai nào phía trước?
Ngày 5 tháng 7, cuộc đàm phán đã diễn ra thành công [9], nhưng cần phải hỏi thành công cho ai? TMC hay cách mạng? Cuộc đàm phán đã thống nhất sự chia sẻ quyền lực giữa hai bên thông qua cái gọi là “hội đồng chủ quyền chung”, bao gồm 11 thành viên, 5 cho mỗi bên và 1 thành viên dân sự do cả 2 bên đồng thuận lựa chọn, và xin mọi người lưu ý là vị “dân thường” này hóa ra là 1 sĩ quan quân đội về hưu. Trong 21 tháng đầu người đứng đầu hội đồng sẽ do TMC đề cử, tiếp đó 18 tháng sau sẽ do FDFC đề cử, và chỉ sau đó một cuộc bầu cử dân chủ sẽ tới, tức là 3 năm kể từ giờ, có cần lâu đến vậy? Thỏa thuận cũng bao gồm một cuộc điều tra minh bạch và độc lập về cuộc thảm sát ở Khartoum. Nhưng làm thế nào nó có thể “minh bạch” và “độc lập” khi những tên đồ tể của TMC vẫn đứng đầu chính quyền và kiểm soát hoàn toàn các cơ quan cảnh sát, an ninh và quân đội, chưa kể thỏa thuận cũng không đề cập chút nào tới việc các lực lượng đàn áp của nhà nước như dân quân Janjaweed phải rút khỏi đường phố. Tóm lại đó là gần như những gì TMC đã đề xuất ban đầu và chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng ai đang thắng!
TMC trên mỗi bước đường đã luôn chứng tỏ mình là kẻ thù cách mạng, trong suốt cuộc cách mạng nó đã không ngừng tung ra đội quân xung kích Janjaweed để khủng bố quần chúng và dùng chiến thuật đàm phán để kéo dài thời gian nhằm chia rẽ và chệch hướng cách mạng. Thỏa thuận này chỉ là sự tiếp nối của phương pháp đó, một mặt nó không làm lung lay chút nào quyền lực của TMC và một mặt nó đã tạo ra bình phong tuyệt vời để TMC buộc phong trào quần chúng phải giải tán và tiến hành khôi phục trật tự cũ.
Tại thời điểm này trên khắp đường phố Sudan có một sự hào hứng với thỏa thuận, nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm. Đó là điều tự nhiên bởi 8 tháng tranh đấu mà không có phương hướng cụ thể để dẫn tới chiến thắng, một bộ phận sẽ mệt mỏi và coi thỏa thuận như là một cái gì đó thắng lợi. Nhưng sớm hay muộn, mọi sự sẽ trở lên rõ ràng. Với hi vọng về công lý và một tương lai tốt đẹp hơn, mà vì nó quần chúng cách mạng đã không tiếc hi sinh, thỏa thuận thực sự là một sự phản bội của những người lãnh đạo cách mạng. Chừng nào những đòn bẩy chính của quyền lực trong xã hội, nhà nước và kinh tế, còn nằm trong tay chế độ cũ, bởi lợi ích đối lập của cách mạng và phản cách mạng, sẽ không có gì có thể được giải quyết, ngay cả những nhu cầu cơ bản nhất của cuộc cách mạng Sudan: Bánh mì, việc làm và công lý!
Sớm hay muộn, sự vỡ mộng sẽ đưa cuộc đấu tranh trở lại. Nhưng thời gian không phải là chiếc đồng hồ tuyến tính và mọi thứ của quá khứ sẽ không đơn giản là lập lại vào ngày mai. Chúng ta đừng quên Sudan còn là một quốc gia cực kỳ lạc hậu, với 80% dân chúng sống ở nông thôn, nhiều nơi còn tồn tại những hình thức bán khai như bộ lạc, có tới 597 bộ lạc nói hơn 400 phương ngữ khác nhau. Đi kèm với đó là những mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo vẫn luôn âm ỉ, giữa người Ảrập và các dân tộc khác, giữa hồi giáo Sunni và Shite… Những hỗn loạn trong kinh tế và xã hội khiến cho Sudan dễ trở thành miếng mồi cho chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo cực đoan như ta đã thấy ở Syria, ở Libya, Iraq… Mọi điều đều có thể khi giai cấp thống trị điên cuồng chiến đấu để bám chặt vào quyền lực.
Những người Stalinist bởi lợi ích hẹp hòi của mình thường mô tả lịch sử một cuộc cách mạng thành công như thể nó được dẫn dắt từ trên cao bởi những lãnh tụ không thể sai lầm, nhưng điều đó thường khác xa sự thật rất nhiều. Một cuộc cách mạng với trăm nghìn đầu mối đòi hỏi cần sự kiểm tra liên tục những tiến bộ trong ý thức quần chúng, cần sự đấu tranh kiên trì với những khuynh hướng cơ hội và còn cả những tình huống đòi hỏi quyết định ngay lập tức mà một bộ óc sáng suốt nhất cũng có những giới hạn của nó. Chỉ bằng cách nhìn thẳng vào sự thật và học hỏi từ sai lầm, qua đó những người cách mạng mới có thể chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai sóng gió phía trước.
Hãy tin tưởng khi mây đen kéo tới và bầu trời bị xé toạc bởi sấm sét, không khí bỗng trở lên ngột ngạt, đó không phải là báo hiệu cho một thời khắc đen tối đang tới, mà là dấu hiệu một cơn mưa dữ dội và xối xả, cơn mưa sẽ cuốn sạch những rác rưởi và mang tới hy vọng cho những mầm sống nhỏ bé! Cơn mưa sẽ không chỉ quét qua lục địa đen già cỗi, từ Ai Cập, Yemen, tới Sudan, liberia… mà còn trên toàn thế giới!
Cảm ơn bạn vì giúp chúng tôi hoàn thiện bài viết của mình hơn. ^^