Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Sản xuất, tiền công và lợi nhuận

*Mục lục:

     * Lời mở đầu.

  1. Sản xuất và tiền công
  2. Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
  3. Tiền công và tiền
  4. Cung và cầu
  5. Tiền công và giá cả
  6. Giá trị và lao động
  7. Sức lao động
  8. Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
  9. Giá trị của lao động
  10.  Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
  11.  Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
  12.  Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
  13.  Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công
  14.  Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó.


2. SẢN XUẤT, TIỀN CÔNG VÀ LỢI NHUẬN

 

 Những tư tưởng trong bài diễn văn mà ông Weston trình bày với chúng ta có thể nhét vừa vào cái vỏ hạt dẻ.

 

 Toàn bộ lập luận của ông ta quy lại là như thế này: nếu giai cấp công nhân buộc giai cấp các nhà tư bản phải trả cho họ 5 Shilling. chứ không phải chỉ có 4 Shilling. dưới hình thức tiền công, thì nhà tư bản sẽ trả lại cho họ dưới hình thức hàng hóa một giá trị là 4 Shilling chứ không phải là 5 Shilling. Lúc đó, giai cấp công nhân sẽ phải trả 5 Shilling cho cái mà họ trước khi tăng tiền công chỉ mua bằng 4 Shilling. Nhưng tại sao lại như vậy? Tại sao nhà tư bản chỉ trao một giá trị là 4 Shilling để lấy 5 Shilling? Vì tổng số tiền công là cố định. Nhưng tại sao tổng số tiền công lại được ấn định bằng những hàng hóa có giá trị là 4 Shilling? Tại sao không phải là bằng những hàng hóa có giá trị 3 hay 2 Shilling, hay không phải là bằng một số tiền nào khác? Nếu giới hạn của tổng số tiền công được quy định bởi một quy luật kinh tế nào đó độc lập với ý muốn của các nhà tư bản cũng như với ý muốn của công nhân, thì trước hết, ông Weston sẽ phải trình bày và chứng minh quy luật ấy. Hơn nữa, ông ta còn phải chứng minh rằng tổng số tiền công trên thực tế đã trả trong mỗi khoảng thời gian nhất định, bao giờ cũng ăn khớp một cách chính xác với tổng số tiền công cần thiết và không bao giờ chênh lệch với tổng số đó. Mặt khác, nếu giới hạn nhất định của tổng số tiền công chỉ phụ thuộc vào ý muốn của nhà tư bản, hay là giới hạn của lòng tham của hắn thì đó là một giới hạn tuỳ tiện. Giới hạn đó tự nó không có gì là tất yếu cả. Nó có thể bị thay đổi theo ý muốn của nhà tư bản, và vì vậy, nó cũng có thể thay đổi trái với ý muốn của hắn.

 

 Ông Weston minh họa cho học thuyết của mình bằng ví dụ sau: nếu một cái liễn đựng một số lượng xúp nhất định dùng cho một số người nhất định, thì bề rộng của cái liễn có tăng lên, cũng không làm cho lượng xúp tăng lên. Tôi có thể nhận xét rằng minh họa đó là khá dung tục* (Chơi chữ: "Spoon""cái thìa", "kẻ thiển cận"; "spoony""ngu ngốc", "dung tục"). Nó khiến tôi nhớ lại một chút sự so sánh mà Menenius Agrippa đã dùng tới. Khi những người bình dân La Mã không chịu làm việc để chống bọn quý tộc La Mã thì tên quý tộc Agrippa nói với họ rằng dạ dày của bọn quý tộc đã nuôi các chân tay bình dân trong cơ thể nhà nước. Nhưng Agrippa không thể chứng minh được rằng người ta có thể nuôi chân tay của một người này, bằng cách nhét đầy dạ dày của người khác. Về phần mình, ông Weston đã quên rằng liễn xúp mà công nhân ăn thì chứa toàn bộ sản phẩm của lao động quốc dân, và sở dĩ họ không múc được nhiều hơn, đó không phải là vì liễn xúp nhỏ, cũng không phải vì xúp trong liễn ít, mà chẳng qua là vì thìa của họ quá bé.

 

 Nhờ mánh khoé nào mà nhà tư bản lại có thể trả một giá trị 4 Shilling để lấy 5 Shilling? Nhờ tăng giá cả của hàng hóa mà hắn bán ra. Nhưng việc tăng giá cả, hoặc nói một cách chung hơn là sự biến động của giá cả hàng hóa, bản thân các giá cả hàng hóa chỉ phụ thuộc vào ý muốn của nhà tư bản hay sao? Hay là trái lại, phải có những điều kiện nhất định để thực hiện được ý muốn đó? Nếu không có những điều kiện như vậy, thì tình trạng giá cả thị trường lên xuống, những sự biến động không ngừng của chúng trở thành một điều bí ẩn không thể hiểu nổi.

 

 Vì chúng ta giả định rằng không có một sự thay đổi nào trong sức sản xuất của lao động, trong lượng tư bản và lượng lao động được sử dụng, cũng như trong giá trị của tiền dùng để đánh giá giá trị của sản phẩm, mà chỉ có những thay đổi trong mức tiền công thôi, thế thì sự tăng tiền công đó có thể ảnh hưởng đến các giá cả hàng hóa bằng cách nào? Chỉ bằng cách ảnh hưởng đến tỷ lệ hiện có giữa cung và cầu về những hàng hóa ấy.

 

 Hoàn toàn đúng là giai cấp công nhân, được coi là một chỉnh thể, đang chi tiêu và buộc phải chi tiêu thu nhập của mình cho các nhu yếu phẩm cần thiết nhất. Vì vậy việc tăng mức tiền công một cách phổ biến làm tăng lượng cầu về các nhu yếu phẩm cần thiết nhất và do đó, sẽ làm tăng giá cả thị trường của những nhu yếu phẩm cần thiết nhất đó. Các nhà tư bản sản xuất ra những nhu yếu phẩm ấy sẽ bù được sự thiệt hại của họ do việc tăng tiền công gây ra, bằng cách tăng giá cả hàng hóa của họ trên thị trường. Nhưng còn các nhà tư bản không sản xuất những nhu yếu phẩm cần thiết nhất thì sao? Và các bạn không nên tưởng rằng số này là ít đâu. Nếu các bạn chú ý rằng hai phần ba sản phẩm quốc dân là do một phần năm số dân tiêu dùng, – gần đây một hạ nghị sĩ, thậm chí còn khẳng định rằng số đó chỉ do một phần bảy số dân tiêu dùng thôi, – thì các bạn sẽ hiểu rằng một phần sản phẩm quốc dân lớn như thế nào được sản xuất ra dưới hình thức những xa xỉ phẩm hay được đem đổi lấy những xa xỉ phẩm, rằng một lượng nhu yếu phẩm cần thiết lớn như thế nào được phung phí vào việc nuôi người ở, ngựa, mèo, v.v.. Sự phung phí này như chúng ta biết qua kinh nghiệm, bao giờ cũng bị hạn chế rất nhiều khi giá cả những nhu yếu phẩm cần thiết nhất tăng lên.

 

 Vậy tình hình của các nhà tư bản không sản xuất ra những nhu yếu phẩm cần thiết nhất sẽ ra sao? Họ sẽ không thể bù lại việc tỷ suất lợi nhuận hạ xuống do tiền công tăng lên một cách phổ biến, bằng cách tăng giá cả hàng hóa của họ, vì lượng cầu về những hàng hóa này sẽ không tăng lên. Thu nhập của họ sẽ giảm xuống; và hơn nữa với số thu nhập đã giảm xuống ấy, họ phải trả nhiều hơn cho cùng một số lượng như cũ những nhu yếu phẩm cần thiết nhất đã đắt lên. Nhưng không phải chỉ có thế. Vì thu nhập của họ giảm xuống nên họ sẽ phải giảm bớt chi tiêu vào những xa xỉ phẩm, và như thế, lượng cầu giữa họ với nhau về chính những hàng hóa của họ cũng sẽ giảm đi. Do việc giảm lượng cầu đó mà giá cả hàng hóa của họ hạ xuống. Bởi vậy, trong những ngành công nghiệp ấy, tỷ suất lợi nhuận sẽ hạ xuống, không phải chỉ do ảnh hưởng của bản thân việc tăng mức tiền công một cách phổ biến mà còn do ảnh hưởng của sự tác động chung của ba yếu tố: sự tăng tiền công một cách phổ biến, sự tăng giá cả những nhu yếu phẩm cần thiết và sự hạ giá của những xa xỉ phẩm.

 

 Vậy những hậu quả của sự chênh lệch đó giữa các tỷ suất lợi nhuận của các tư bản sử dụng trong những ngành công nghiệp khác nhau sẽ như thế nào? Dĩ nhiên cũng vẫn là những hậu quả giống như trong tất cả những trường hợp, do một nguyên nhân nào đó mà những tỷ suất lợi nhuận trung bình lại khác nhau trong các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Tư bản và lao động sẽ được chuyển từ những ngành sản xuất ít sinh lợi sang những ngành sinh lợi nhiều hơn, và quá trình di chuyển tư bản và lao động đó kéo dài cho tới lúc mà trong một số ngành công nghiệp lượng cung sẽ tăng lên tương xứng với lượng cầu đã tăng lên, còn trong những ngành công nghiệp khác thì lượng cung sẽ giảm xuống ngang với lượng cầu đã giảm xuống. Một khi, sự thay đổi đó diễn ra thì tỷ suất lợi nhuận trong những ngành công nghiệp khác nhau sẽ lại bằng nhau. Vì toàn bộ sự di chuyển ấy lúc đầu chỉ nảy sinh do sự thay đổi trong tỷ lệ giữa cung và cầu về những hàng hóa khác nhau, nên sau khi nguyên nhân mất đi thì tác động của nó cũng chấm dứt, và các giá cả lại trở lại mức cũ và trạng thái cân bằng cũ. Sự giảm xuống của tỷ suất lợi nhuận, do việc tăng tiền công gây ra, không giới hạn trong một vài ngành công nghiệp, mà trở thành phổ biến. Theo giả định của chúng ta, sức sản xuất của lao động cũng như tổng khối lượng sản phẩm sẽ không thay đổi, nhưng hình thức của khối lượng sản phẩm ấy sẽ thay đổi. Một bộ phận lớn sản phẩm hơn giờ đây tồn tại dưới hình thức nhu yếu phẩm cần thiết nhất, một bộ phận nhỏ hơn – dưới hình thức những xa xỉ phẩm, hay điều này cũng vậy, một bộ phận ít hơn sẽ được đổi lấy những xa xỉ phẩm của nước ngoài và sẽ được tiêu dùng nhiều hơn một cách tương ứng dưới hình thức ban đầu của nó; hoặc – điều này cũng vẫn vậy – một bộ phận lớn hơn của sản phẩm trong nước sẽ được đổi lấy những nhu yếu phẩm cần thiết nhất của nước ngoài chứ không phải lấy xa xỉ phẩm. Vì vậy, sự tăng lên một cách phổ biến của mức tiền công, sau khi có sự nổi loạn nhất thời trong giá cả thị trường, chỉ làm cho tỷ suất lợi nhuận hạ xuống một cách phổ biến, nhưng không dẫn tới một sự thay đổi lâu dài nào trong giá cả hàng hóa.

 

 Nếu tôi bị bẻ lại rằng trong lập luận trên đây, tôi đã xuất phát từ giả định cho rằng tất cả phần tăng lên của tiền công đều được chi tiêu vào những nhu yếu phẩm cần thiết nhất, thì tôi sẽ trả lời rằng tôi đã dùng một giả thiết, thuận lợi nhất cho quan điểm của ông Weston. Nếu phần tăng lên của tiền công được chi tiêu vào những vật phẩm trước kia không đi vào tiêu dùng của công nhân thì sẽ không cần phải chứng minh sự tăng lên thực tế của sức mua của công nhân nữa. Nhưng, vì sự tăng sức mua đó của công nhân chỉ là hậu quả của việc tăng tiền công, cho nên sự tăng sức mua đó của công nhân phải phù hợp một cách chính xác với sự giảm sức mua của các nhà tư bản. Vì vậy, tổng số lượng cầu về hàng hóa sẽ không tăng lên, nhưng những bộ phận cấu thành của lượng cầu đó sẽ thay đổi. Việc tăng lượng cầu ở phía này sẽ được cân bằng lại bằng việc giảm lượng cầu ở phía kia. Như vậy, do tổng số lượng cầu vẫn không thay đổi, nên cũng không thể có một sự thay đổi nào trong giá cả thị trường của hàng hóa.

 

 Như vậy, các bạn sẽ đứng trước tình trạng lưỡng nan này: hoặc giả là phần tăng lên của tiền công được chi tiêu đồng đều vào tất cả những vật phẩm tiêu dùng – trong trường hợp này việc mở rộng lượng cầu ở phía giai cấp công nhân phải được cân bằng lại bằng việc giảm bớt lượng cầu ở phía giai cấp các nhà tư bản, – hoặc giả là phần tăng lên của tiền công chỉ được chi tiêu vào một vài vật phẩm mà giá cả thị trường của chúng tạm thời tăng lên – trong trường hợp đó sự tăng lên của tỷ suất lợi nhuận, do tình hình đó gây ra trong một vài ngành công nghiệp, và việc giảm tỷ suất lợi nhuận một cách tương ứng trong các ngành công nghiệp khác, sẽ gây ra một sự thay đổi trong việc phân phối tư bản và lao động, sự thay đổi này sẽ kéo dài mãi cho tới khi lượng cung tăng lên tương xứng với lượng cầu đã tăng lên trong một số ngành công nghiệp, còn trong những ngành công nghiệp khác thì giảm xuống tương ứng với lượng cầu đã giảm bớt. Trong giả thiết thứ nhất sẽ không có một sự thay đổi nào trong giá cả hàng hóa; còn trong giả thiết thứ hai thì giá trị trao đổi của hàng hóa, sau một vài biến động của giá cả thị trường, sẽ trở về mức cũ của chúng. Trong cả hai giả thiết ấy, việc tăng mức tiền công một cách phổ biến rút cuộc sẽ không dẫn tới một hậu quả nào khác hơn là việc giảm tỷ suất lợi nhuận xuống một cách phổ biến.

 

 Để khơi dậy trí tưởng tượng của các bạn, ông Weston đề nghị các bạn hãy suy nghĩ về những khó khăn gây ra do việc tiền công của công nhân nông nghiệp Anh tăng lên một cách phổ biến từ 9 đến 18 Shilling. Ông ta kêu lên: các bạn hãy nghĩ đến sự tăng lên ghê gớm của lượng cầu về những nhu yếu phẩm cần thiết nhất và đến tình trạng tăng lên khủng khiếp tiếp theo sau đó trong giá cả của chúng! Tất cả các bạn đều biết rằng tiền công trung bình của công nhân nông nghiệp Mỹ nhiều gấp đôi tiền công trung bình của công nhân nông nghiệp Anh, mặc dầu giá cả sản phẩm nông nghiệp ở Mỹ thấp hơn ở Vương quốc liên hiệp, mặc dầu quan hệ phổ biến giữa tư bản và lao động ở Mỹ cũng giống như ở Anh, và mặc dầu khối lượng sản phẩm hàng năm ở Mỹ ít hơn ở Anh nhiều. Vậy, ông bạn của chúng ta kéo chuông báo động như thế để làm gì? Chỉ là để lẩn tránh vấn đề đang thực tế đặt ra trước chúng ta. Một sự tăng đột ngột của tiền công từ 9 lên 18 Shilling có nghĩa là một sự tăng đột ngột 100%. Nhưng chúng ta hoàn toàn không bàn tới vấn đề là liệu mức tiền công phổ biến ở Anh có thể đột ngột tăng 100% hay không. Nói chung, chúng ta không liên quan gì đến đại lượng của sự tăng lên đó, sự tăng lên này, trong mỗi trường hợp cụ thể, đều phải phụ thuộc vào những hoàn cảnh nhất định và phải phù hợp với những hoàn cảnh đó. Chúng ta chỉ cần phải giải thích xem những hậu quả của sự tăng mức tiền công một cách phổ biến sẽ như thế nào, ngay cả khi sự tăng lên đó không vượt quá một phần trăm.

 

 Như vậy, trong khi gạt bỏ sự tăng hoang đường tiền công lên 100% do ông bạn Weston của chúng ta tưởng tượng ra và tôi muốn các bạn chú ý đến sự tăng tiền công đã thực tế xảy ra ở Anh từ năm 1849 đến năm 1859.

 

 Tất cả các bạn đều biết dự luật mười giờ, hay nói cho đúng hơn là dự luật ngày làm mười giờ rưỡi, có hiệu lực từ năm 1848. Đó là một trong những biến đổi kinh tế lớn nhất mà chúng ta đã chứng kiến. Dự luật đó có nghĩa là một sự tăng tiền công đột ngột và có tính chất cưỡng bức không phải trong vài ngành nghề thủ công có tính chất địa phương nào đó, mà là trong những ngành công nghiệp chủ chốt mà nhờ chúng mà nước Anh thống trị trên thị trường thế giới. Đó là sự tăng tiền công trong những điều kiện đặc biệt bất lợi. Tiến sĩ Ure, giáo sư Senior và tất cả những nhà kinh tế học khác, vốn là những kẻ phát ngôn chính thức cho lợi ích của giai cấp tư sản, đều đã chứng minh, – và tôi phải nói là đã chứng minh bằng những lý lẽ vững vàng hơn ông bạn Weston của chúng ta rất nhiều, – rằng dự luật đó là tiếng chuông báo tử của nền công nghiệp Anh. Họ đã chứng minh rằng vấn đề không phải là một sự tăng tiền công đơn thuần, mà là một sự tăng tiền công do giảm bớt lượng lao động được sử dụng gây ra và dựa trên sự giảm bớt đó. Họ khẳng định rằng cái giờ thứ 12 mà người ta muốn tước đi ở nhà tư bản thì lại đúng là giờ duy nhất làm ra lợi nhuận cho nhà tư bản. Họ đe doạ rằng tích luỹ sẽ giảm sút, giá cả sẽ tăng lên, thị trường sẽ không còn nữa, sản xuất sẽ bị thu hẹp, và do đó tiền công sẽ giảm xuống và là sự phá sản hoàn toàn. Họ thậm chí còn tuyên bố rằng đạo luật về mức tối đa của Maximilien De Robespierre[1] là một chuyện vặt vãnh so với dự luật mười giờ và theo một ý nghĩa nào đó, họ đã có lý. Vậy kết quả ra sao? Kết quả là tiền công của công nhân công xưởng đã tăng lên, mặc dù ngày lao động bị rút ngắn; số công nhân làm việc trong các công xưởng đã tăng lên nhiều, giá cả sản phẩm của các công xưởng hạ xuống không ngừng; năng suất lao động của công nhân công xưởng tăng lên một cách kỳ lạ; thị trường cho những hàng hóa của các công xưởng mở rộng không ngừng một cách chưa từng thấy. Năm 1861, ở Manchester trong hội nghị của Hội xúc tiến sự phát triển của khoa học, tôi đã được đích thân nghe ông Newman thú nhận rằng cả ông ta, cả tiến sĩ Ure lẫn Senior, và tất cả những đại biểu chính thức khác của khoa học kinh tế đã nhầm, trái lại bản năng của nhân dân đã tỏ ra là đúng. Tôi nói đến không phải là giáo sư Francis Newman, mà nói đến ông W.Newman[2], bởi vì trong khoa học kinh tế, ông ta giữ một vị trí xuất sắc với tư cách là đồng tác giả và người xuất bản cuốn "Lịch sử giá cả" của ông Thomas Tooke, một cuốn sách tuyệt tác nghiên cứu lịch sử giá cả từ năm 1793 đến năm 1856[3]. Nếu cái ý kiến luôn luôn ám ảnh dai dẳng trong đầu óc của ông bạn Weston của chúng ta về tổng số cố định của tiền công, về khối lượng cố định của sản phẩm, về mức cố định của sức sản xuất của lao động, về ý muốn cố định của các nhà tư bản và tất cả những tính cố định và dứt khoát khác của ông ta là đúng, thì những điều tiên đoán đen tối của giáo sư Senior sẽ đúng và Robert Owen sẽ sai, bởi vì ngay từ năm 1815 Owen đã tuyên bố rằng việc giới hạn một cách phổ biến ngày lao động là bước đầu chuẩn bị cho sự giải phóng giai cấp công nhân[4], và bất chấp thành kiến chung, ông đã thực sự thực hành việc giới hạn ngày lao động đó và tự gánh lấy mọi hậu quả của nó tại xưởng sợi của ông ở New Lanark.

 

 Đúng vào thời kỳ mà dự luật ngày làm mười giờ được thi hành và nhờ đó tiền công tăng lên, thì ở Anh vì những lý do không thể nói đến ở đây, tiền công của công nhân nông nghiệp đã tăng lên một cách phổ biến.

 

 Tuy việc này không cần thiết cho mục đích trực tiếp của tôi, nhưng để các bạn khỏi hiểu lầm, tôi vẫn đưa ra ở đây một vài nhận xét mở đầu.

 

 Nếu tiền công hàng tuần của một người là 2 Shilling và sau đó tiền công của người đó tăng lên tới 4 Shilling, thì mức tiền công sẽ tăng lên 100%. Xét về mặt tăng mức tiền công thì việc tăng tiền công như vậy có thể là rất đáng kể, tuy rằng tổng số tiền công thực tế, tức 4 Shilling mỗi tuần, vẫn là một tiền công thấp một cách thảm hại, tiền công chết đói. Vì vậy các bạn không nên để cho những con số phần trăm rất kêu của việc tăng mức tiền làm mình lầm tưởng. Các bạn phải luôn luôn hỏi xem đại lượng ban đầu của tiền công là bao nhiêu?

 

 Tiếp nữa, chẳng phải khó khăn gì các bạn cũng sẽ hiểu rằng nếu 10 công nhân lĩnh mỗi tuần mỗi người 2 Shilling, 5 công nhân mỗi người lĩnh 5 Shilling và 5 công nhân khác mỗi người lĩnh 11 Shilling, thì cả 20 người đó mỗi tuần sẽ lĩnh 100 Shilling hay 5£. Sau đó nếu tổng số tiền công hàng tuần của họ tăng lên 20% chẳng hạn thì tổng số tiền công đó sẽ từ 5 p.xt. tăng lên thành 6 p.xt.. Tính trung bình chúng ta sẽ có thể nói rằng mức phổ biến của tiền công đã tăng 20%, dù trên thực tế, tiền công của 10 người vẫn như cũ, tiền công của một trong những nhóm 5 người chỉ tăng từ 5 lên đến 6 Shilling mỗi người và tiền công của nhóm 5 người kia tăng tổng cộng là từ 55 lên đến 70 Shilling Nửa số công nhân nói chung không cải thiện được hoàn cảnh của họ, 1/4 số công nhân thì cải thiện một cách hầu như không đáng kể, và chỉ 1/4 là cải thiện được thực sự. Tuy nhiên, nếu tính trung bình thì tổng số tiền công của 20 công nhân đó đã tăng 20% và nếu xét toàn bộ tư bản đã thuê những công nhân đó và giá cả hàng hóa mà họ sản xuất ra, thì ở đây cũng giống hệt như là tất cả những công nhân ấy đã dự phần ngang nhau trong sự tăng lên trung bình của tiền công. Trong ví dụ về công nhân nông nghiệp đã nhắc đến trên kia, mức tiền công của họ trong các tỉnh khác nhau ở Anh và Scotland rất khác nhau, thì sự tăng lên của tiền công cũng tác động rất không đồng đều đến công nhân.

 

 Cuối cùng, trong thời kỳ diễn ra sự tăng tiền công như thế thì nhiều nhân tố như: những thuế mới do cuộc chiến tranh với Nga gây ra, sự phá bỏ hàng loạt nhà ở của công nhân nông nghiệp[5], v.v., – lại tác động theo hướng ngược lại.

 

 Sau bấy nhiêu nhận xét sơ bộ, bây giờ tôi xin khẳng định từ năm 1849 đến năm 1859, mức trung bình tiền công của công nhân nông nghiệp Anh đã tăng khoảng 40%. Tôi có thể cung cấp rất nhiều tài liệu chi tiết để chứng thực điều khẳng định của tôi, nhưng đối với mục đích đang đặt ra trước tôi thì tôi thiết tưởng chỉ cần mời các bạn xem bản báo cáo trung thực có tính chất phê phán mà ông John C. Morton đã quá cố trình bày ở Hội bách nghệ ở Luân Đôn năm 1859 về "Những nguồn lực được sử dụng trong nông nghiệp"[6] cũng đủ. Ông Morton đã đưa ra những số liệu thống kê rút ở những hoá đơn và những tài liệu có thực khác mà ông ta thu thập của gần 100 tá điền trong 12 tỉnh ở Scotland và 35 tỉnh ở Anh.

 

 Theo quan điểm của ông bạn Weston của chúng ta đặc biệt là nếu chú ý đến sự tăng lên cùng một lúc của tiền công của công nhân công xưởng thì giá cả sản phẩm nông nghiệp trong thời kỳ từ năm 1849 đến năm 1859 có lẽ đã tăng lên rất nhiều. Nhưng trong thực tế thì như thế nào? Mặc dầu có cuộc chiến tranh với Nga và mùa màng không thuận lợi liên tiếp từ năm 1854 đến năm 1856, nhưng giá trung bình của lúa mì, nông phẩm quan trọng nhất của Anh, đã từ khoảng 3 p.xt. một quác-tơ trong những năm 1838 – 1848 sụt xuống còn khoảng 2 p.xt. 10 Shilling một quác-tơ trong những năm 1849 – 1859. Điều đó có nghĩa là giá cả lúa mì đã sụt xuống hơn 16%, trong khi tiền công của công nhân nông nghiệp lại tăng lên trung bình là 40%. Trong cùng thời gian đó, nếu chúng ta so sánh năm cuối với năm đầu, nghĩa là năm 1859 với năm 1849, thì con số chính thức về những người cùng khổ đã từ 934 419 giảm xuống còn 860 470, tức là giảm bớt 73 949 người. Tôi đồng ý rằng số giảm xuống đó rất ít, và trong những năm sau số giảm bớt ấy cũng không còn nữa, nhưng dầu sao đó vẫn là một sự giảm bớt.

 

 Có thể nói rằng do huỷ bỏ những đạo luật về ngũ cốc[7] nên trong thời kỳ từ năm 1849 đến năm 1850, việc nhập khẩu lúa mì của nước ngoài tăng lên gấp hơn hai lần so với thời kỳ 1838 – 1848. Nhưng, điều đó có nghĩa là gì? Theo quan điểm của ông Weston người ta phải mong đợi là lượng cầu đột ngột, to lớn và luôn luôn tăng lên đó trên thị trường nước ngoài ắt phải làm cho giá cả sản phẩm nông nghiệp tăng lên tới một mức đáng sợ, vì không thể là lượng cầu đã tăng lên đó nảy sinh ở nước ngoài hay ở trong nước, ảnh hưởng của nó vẫn như nhau mà thôi. Nhưng trong thực tế thì như thế nào? Trừ vài năm mất mùa, còn thì trong suốt thời gian ấy, giá cả lúa mì đã sụt xuống một cách tai hại làm cho người Pháp không ngớt kêu ca, người Mỹ nhiều lần buộc phải đốt số sản phẩm thừa của mình; còn nước Nga – nếu tin theo lời ông Urquhart thì đã cổ vũ cuộc Nội chiến ở Mỹ, vì sự cạnh tranh của người Mỹ đã làm tổn hại cho việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Nga sang thị trường châu Âu.

 

 Nếu quy vào hình thức trừu tượng của nó thì lập luận của ông Weston là như sau: bất cứ sự tăng lên nào của lượng cầu bao giờ cũng diễn ra trên cơ sở một khối lượng sản phẩm nhất định. Vì vậy, nó không bao giờ có thể làm tăng lượng cung về những hàng hóa mà người ta đòi hỏi, mà chỉ có thể nâng giá cả bằng tiền của những hàng hóa đó lên thôi. Nhưng ngay cả một sự quan sát thông thường nhất cũng cho thấy rằng trong một số trường hợp, lượng cầu tăng lên không hề làm cho giá cả thị trường của hàng hóa thay đổi, còn trong những trường hợp khác thì nó chỉ làm cho giá cả thị trường tạm thời tăng lên, và tiếp theo sau đó lượng cung cũng tăng lên. Lượng cung tăng lên này làm cho giá cả sụt xuống tới mức trước đó của chúng và trong một vài trường hợp thậm chí còn sụt xuống dưới mức trước đó nữa. Dù lượng cầu tăng lên là do tiền công tăng lên, hay là do bất kỳ nguyên nhân nào khác, nhưng điều đó không hề làm thay đổi những điều kiện của vấn đề. Theo quan điểm của ông Weston, hiện tượng phổ biến đó cũng khó giải thích như hiện tượng nảy sinh trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi tiền công tăng lên. Vì vậy, lập luận của ông ta tuyệt nhiên không chứng minh điều gì trong vấn đề mà chúng ta đang bàn. Nó chỉ biểu lộ rằng ông ta không thể hiểu được những quy luật theo đó sự tăng lên của lượng cầu làm cho lượng cung tăng lên, chứ hoàn toàn không làm cho cả giá thị trường nhất thiết phải tăng lên.

 


*Chú thích:

[1] Ở đây muốn nói đến các đạo luật được Hội nghị quốc ước thông qua ngày 4 tháng Năm, ngày 11 và 29 tháng Chín 1793 và ngày 20 tháng Ba 1794; những đạo luật này quy định các mức giá tối đa cố định về ngũ cốc, bột mì và các vật phẩm tiêu dùng khác, đi đôi với mức lương tối đa cố định.-153.

[2] Tháng Chín 1861 tại Manchester đã diễn ra hội nghị thường kỳ hàng năm lần thứ 31 của Hiệp hội hỗ trợ phát triển khoa học của Anh, có sự tham dự của Mác lúc đó đang ở thăm Ăng-ghen. Tại hội nghị này U.Niu-mác-sơ (Mác đã viết nhầm họ của nhân vật này), chủ tịch ban kinh tế của Hiệp hội, đã đọc diễn văn khai mạc cuộc hội nghị của ban kinh tế và đọc báo cáo về đề tài: "Về quy mô thể hiện những nguyên tắc đánh thuế lành mạnh trong luật pháp của Vương quốc liên hợp". Xem: "Report of the Thirty-first Meeting of the British Association for the Advancement of Science; held at Manchester in september 1861". London, 1862, p.230 ("Báo cáo về hội nghị lần thứ 31 của Hiệp hội hỗ trợ phát triển khoa học của Anh, họp tại Manchester hồi tháng Chín 1861". Luân Đôn, 1862, tr.230).-154.

[3] Mác muốn nói đến tác phẩm dày 6 tập của nhà kinh tế học người Anh Thomas Tooke về lịch sử của công nghiệp, thương mại và tài chính, được xuất bản thành những tập sách riêng: "A History of Prices, and of the State of the Circulation, from 1793 to 1837". Vol, I-II, London, 1838 ("Lịch sử giá cả và tình hình lưu thông tiền tệ từ năm 1793 đến năm 1837". các tập I-II, Luân Đôn, 1838), "A History of Prices, and of the State of the Circulation, in 1838 and 1839". London, 1840 ("Lịch sử giá cả và tình hình lưu thông tiền tệ năm 1838 và 1839". Luân Đôn, 1840), "A History of Prices, and of the State of the Circulation, from 1839 to 1847 inclusive". London, 1848 ("Lịch sử giá cả và tình hình lưu thông tiền tệ từ năm 1839 đến năm 1847". Luân Đôn, 1848) và T.Tooke and W.Newmarch. "A History of Prices, and of the State of the Circulation, during the Nine Years 1848-1856". Vol. V-VI, London, 1857 (T.Tu-cơ và U.Niu-mác-sơ. "Lịch sử giá cả và tình hình lưu thông tiền tệ trong suốt 9 năm từ năm 1848 đến năm 1856". Các tập V-VI, Luân Đôn, 1857).-154.

[4] Xem R.Owen, "Observations on the Effect of the Manufacturing System". London, 1817, p.76 (R.Ô-oen. "Những nhận xét về ảnh hưởng của hệ thống công nghiệp". Luân Đôn, 1817, tr.76). Tập sách này được xuất bản lần thứ nhất vào năm 1815.-154.

[5] Tình trạng dời chỗ ở hàng loạt của công nhân nông nghiệp Anh vào cuối thế kỷ XIX diễn ra trong tình hình công nghiệp tư bản chủ nghĩa phát triển rầm rộ và nông nghiệp được cải tổ theo những nguyên tắc tư bản chủ nghĩa kèm theo tình trạng nhân khẩu thừa ở nông thôn tăng lên một cách tương đối. Vai trò nhất định trong tình hình dời chỗ ở hàng loạt tăng lên còn thuộc về nhân tố sau đây: mức thuế mà địa chủ phải trả thay cho người nghèo lại phụ thuộc nhiều vào số lượng người nghèo sinh sống trên khu vực của địa chủ. Các địa chủ cố tình dời những chỗ ở nào mà họ không cần đến nhưng lại có thể được dùng làm nơi nương thân cho số nhân khẩu nông nghiệp "thừa". (Chi tiết về vấn đề này, xin xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tiếng Việt. Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr.943-968).-155.

[6] Hội nghệ thuật và các nghề thủ công (Society of Arts) – là hiệp hội giáo dục – tư sản và từ thiện, được lập ra năm 1754 tại Luân Đôn. Bản luận văn kể trên do Giôn Tran-mớc-xơ Morton, con trai của Giôn Morton đã qua đời năm 1864, đọc.-156.

[7] Dự luật về bãi bỏ các đạo luật về ngũ cốc đã được thông qua vào tháng Sáu 1846. Cái gọi là các đạo luật về ngũ cốc nhằm hạn chế hoặc cấm nhập khẩu lúa mì – được áp dụng vì lợi ích của các đại địa chủ. Việc thông qua đạo luật kể trên là thắng lợi của giai cấp tư sản công nghiệp đã giương cao khẩu hiệu tự do mậu dịch để đấu tranh chống các đạo luật về ngũ cốc.-156.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận