Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành.
*Mục lục:
- Sản xuất và tiền công
- Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
- Tiền công và tiền
- Cung và cầu
- Tiền công và giá cả
- Giá trị và lao động
- Sức lao động
- Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
- Giá trị của lao động
- Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
- Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
- Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
- Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công.
- Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó.
11. NHỮNG PHẦN KHÁC NHAU MÀ GIÁ TRỊ THẶNG DƯ PHÂN GIẢI THÀNH
Giá trị thặng dư, hay cái phần trong toàn bộ giá trị của hàng hóa trong đó lao động thặng dư hay lao động không được trả công của công nhân đã vật hóa, thì tôi gọi là lợi nhuận. Không phải toàn bộ lợi nhuận ấy đều rơi vào túi nhà tư bản kinh doanh. Độc quyền về đất đai cho phép địa chủ có thể chiếm hữu được một phần của giá trị thặng dư ấy dưới cái tên gọi địa tô, không kể là đất đai đó được dùng cho nông nghiệp, cho xây dựng, cho đường sắt hay cho bất kỳ một mục đích sản xuất nào khác. Mặt khác, cái sự kiện là việc sở hữu những tư liệu lao động cho phép nhà tư bản kinh doanh có thể tạo ra một giá trị thặng dư, hay, – điều này cũng vậy, – có thể chiếm hữu một lượng lao động không được trả công nào đó, – cái sự kiện đó cho phép người sở hữu tư liệu lao động đã cho nhà tư bản kinh doanh vay toàn bộ hay một phần những tư liệu lao động đó, – nói tóm lại cho phép nhà tư bản cho vay tiền – – có thể đòi cho mình một phần khác của giá trị thặng dư đó dưới cái tên gọi lợi tức. Do đó chỉ còn lại cho bản thân nhà tư bản kinh doanh, cái gọi là lợi nhuận công nghiệp hay thương nghiệp mà thôi.
Vấn đề xét xem những quy luật nào chi phối sự phân chia tổng số giá trị thặng dư đó giữa ba hạng người nói trên là một vấn đề hoàn toàn không thuộc về chủ đề của chúng ta. Tuy nhiên, từ những điều đã trình bày, có thể rút ra kết luận như sau:
Địa tô, lợi tức và lợi nhuận công nghiệp đều chỉ là những tên gọi khác nhau của những phần khác nhau của giá trị thặng dư trong hàng hóa, hay của lao động không được trả công đã vật hóa trong hàng hóa ấy, và tất cả chúng đều bắt nguồn như nhau từ nguồn ấy và chỉ từ nguồn ấy mà thôi. Chúng không do bản thân đất đai và bản thân tư bản đẻ ra, nhưng đất đai và tư bản cho phép những kẻ sở hữu chúng thu được những phần tương ứng trong số giá trị thặng dư mà nhà tư bản kinh doanh đã bòn rút được của người công nhân. Đối với bản thân người công nhân, vấn đề xét xem giá trị thặng dư đó, – kết quả của lao động thặng dư hay của lao động không công của anh ta – có bị nhà tư bản kinh doanh bỏ túi toàn bộ hay không, hay hắn buộc phải nhường những phần nào đó trong giá trị thặng dư cho những kẻ khác, dưới cái tên gọi địa tô và lợi tức, – vấn đề đó có một nghĩa thứ yếu. Giả định rằng nhà tư bản kinh doanh chỉ sử dụng tư bản của chính mình và bản thân là kẻ sở hữu số ruộng đất cần thiết cho mình. Trong trường hợp đó giá trị thặng dư sẽ rơi toàn bộ vào túi của hắn.
Chính nhà tư bản kinh doanh là kẻ trực tiếp bòn rút giá trị thặng dư ấy từ người công nhân, không kể là cuối cùng hắn sẽ có thể giữ lại cho bản thân hắn một phần như thế nào. Như vậy là toàn bộ chế độ lao động làm thuê và toàn bộ chế độ sản xuất hiện nay đều dựa trên chính mối quan hệ đó giữa nhà tư bản kinh doanh và công nhân làm thuê. Bởi vậy, một số bạn tham gia các cuộc thảo luận của chúng ta đã không đúng khi tìm cách làm giảm nhẹ tình hình sự việc và xem mối quan hệ cơ bản ấy giữa nhà tư bản kinh doanh và công nhân là một vấn đề thứ yếu; mặc dầu các bạn ấy đúng khi khẳng định rằng trong những điều kiện nhất định, giá cả tăng lên có thể ảnh hưởng với một mức độ rất không giống nhau, đến nhà tư bản kinh doanh, đến kẻ sở hữu ruộng đất, nhà tư bản tiền tệ và có thể là đến cả người thu thuế nữa.
Từ điều đã nói trên, chúng ta còn rút ra một kết luận khác nữa.
Phần giá trị của hàng hóa chỉ đại biểu cho giá trị của nguyên liệu, máy móc, nói tóm lại, chỉ đại biểu cho giá trị của những tư liệu sản xuất đã tiêu dùng, hoàn toàn không tạo thành một thu nhập nào cả mà chỉ bù lại tư bản thôi. Nhưng ngay cả khi gạt vấn đề đó sang một bên nữa thì cũng vẫn sai lầm nếu nói rằng phần giá trị kia của hàng hóa, phần tạo thành thu nhập hay có thể bị chi tiêu dưới hình thức tiền công, lợi nhuận, địa tô, và lợi tức, là do giá trị của tiền công, giá trị của địa tô, giá trị của lợi nhuận v.v. cộng thành. Trước hết, chúng ta hãy gác vấn đề tiền công ra một bên và chỉ bàn đến lợi nhuận công nghiệp, lợi tức và địa tô. Chúng ta vừa mới thấy rằng giá trị thặng dư chứa đựng trong hàng hóa, hay cái phần giá trị trong đó lao động không được trả công đã được vật hoá, tự phân giải thành những phần khác nhau có ba tên gọi khác nhau. Nhưng sẽ hoàn toàn không đúng nếu nói rằng giá trị của phần ấy của hàng hóa được cấu thành hay hình thành bằng cách cộng những giá trị độc lập của ba bộ phận cấu thành kia lại.
Nếu một giờ lao động được vật hoá trong một giá trị là 6 penny, nếu ngày lao động của công nhân gồm 12 giờ và nếu nửa số thời gian đó là lao động không được trả công thì lao động thặng dư đó sẽ thêm vào hàng hóa một giá trị thặng dư là 3 Shilling, nghĩa là một giá trị mà người ta không trả bằng một vật ngang giá nào cả. Giá trị thặng dư 3 Shilling đó là toàn bộ cái quỹ mà nhà tư bản kinh doanh có thể chia với kẻ sở hữu ruộng đất và với kẻ cho vay tiền không kể là theo một tỷ lệ nào. Giá trị 3 Shilling đó là giới hạn của cái giá trị mà họ có thể chia nhau. Nhưng sự việc diễn ra hoàn toàn không phải theo kiểu nhà tư bản kinh doanh cộng thêm vào giá trị hàng hóa một giá trị tuỳ tiện để làm lợi nhuận của mình, rồi sau đó cộng thêm một giá trị khác cho kẻ sở hữu ruộng đất, v.v., thành thử tổng giá trị của hàng hóa được hình thành là do cộng những giá trị đã được quy định một cách tuỳ tiện như vậy lại. Vì vậy, các bạn thấy rõ tất cả tính chất sai lầm của cái quan niệm phổ biến lẫn lộn sự phân giải một giá trị nhất định thành ba phần với sự hình thành giá trị đó bằng cách cộng ba giá trị độc lập lại, và do đó biến toàn bộ giá trị, từ đó người ta rút ra địa tô, lợi nhuận và lợi tức, thành một đại lượng tuỳ tiện.
Giả dụ toàn bộ lợi nhuận do nhà tư bản thực hiện được là 100 £ thì khi coi số lợi nhuận đó là một đại lượng tuyệt đối, chúng ta gọi nó là khối lượng lợi nhuận. Nhưng nếu chúng ta tính tỷ lệ của 100 £ ấy so với tư bản ứng trước thì chúng ta gọi đại lượng tương đối đó là tỷ suất lợi nhuận. Rõ ràng là tỷ suất lợi nhuận ấy có thể được biểu thị bằng hai cách.
Giả định rằng tư bản ứng trước cho tiền công là 100 £. Nếu giá trị thặng dư được tạo ra cũng là 100 £ thì điều đó chỉ ra rằng nửa ngày lao động của công nhân là lao động không được trả công và – nếu chúng ta đo lợi nhuận đó bằng giá trị của tư bản ứng trước để trả tiền công, – chúng ta sẽ nói rằng tỷ suất lợi nhuận bằng 100%, vì giá trị ứng trước là 100, và giá trị thực hiện được là 200.
Mặt khác, nếu chúng ta không những chỉ xét tư bản ứng trước cho tiền công, mà còn xét toàn bộ tư bản đã ứng trước, ví dụ là 500 £, chẳng hạn, trong đó 400 £ đại biểu cho giá trị nguyên liệu, máy móc, v.v., thì chúng ta sẽ nói rằng tỷ suất lợi nhuận chỉ là 20%, vì lợi nhuận, 100 £, chỉ là một phần năm của toàn bộ số tư bản đã ứng trước.
Cách thứ nhất biểu hiện tỷ suất lợi nhuận là cách duy nhất chỉ cho ta thấy tỷ lệ thật sự giữa lao động được trả công và lao động không được trả công, thấy mức độ exploitation (bóc lột) thật sự đối với lao động. Cách biểu hiện thứ hai thường hay được dùng và trên thực tế nó thích hợp với một số mục đích nhất định. Dù sao, cách ấy cũng rất thuận tiện để che đậy mức độ nhà tư bản bóp nặn lao động không công của công nhân.
Trong những nhận xét mà tôi sẽ còn phải trình bày, tôi sẽ dùng từ thuận lợi để chỉ toàn bộ khối lượng giá trị thặng dư do nhà tư bản bòn rút được mà không quan tâm đến sự phân chia giá trị thặng dư đó giữa những loại người khác nhau là như thế nào còn khi dùng tỷ suất lợi nhuận, thì tôi sẽ luôn luôn đo lợi nhuận bằng tỷ lệ của nó so với giá trị của tư bản ứng trước cho tiền công.