Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công.

*Mục lục:

     * Lời mở đầu.

  1. Sản xuất và tiền công
  2. Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
  3. Tiền công và tiền
  4. Cung và cầu
  5. Tiền công và giá cả
  6. Giá trị và lao động
  7. Sức lao động
  8. Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
  9. Giá trị của lao động
  10.  Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
  11.  Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
  12.  Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
  13.  Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công
  14.  Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó.


 

13. NHỮNG TRƯỜNG HỢP QUAN TRỌNG NHẤT TRONG CUỘC ĐẤU TRANH ĐÒI TĂNG TIỀN CÔNG HAY CHỐNG VIỆC GIẢM TIỀN CÔNG

 

 Bây giờ, chúng ta hãy xem xét cẩn thận những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hoặc chống việc giảm tiền công.

 

 1) Chúng ta đã thấy rằng giá trị của sức lao động, hay dùng cách nói phổ cập hơn, giá trị của lao động, là do giá trị những tư liệu sinh hoạt quyết định, hay do số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra những tư liệu ấy quyết định. Vậy, nếu trong một nước nhất định, giá trị trung bình của những tư liệu sinh hoạt mà người công nhân tiêu dùng hàng ngày là 6 giờ lao động và biểu hiện bằng 3 Shilling thì người công nhân phải làm việc 6 giờ một ngày để tạo ra vật ngang giá với số tư liệu nuôi sống anh ta hàng ngày. Nếu toàn bộ ngày lao động là 12 giờ thì nhà tư bản sẽ trả cho người công nhân giá trị của lao động của anh ta khi trả cho anh ta 3 Shilling. Nửa ngày lao động là lao động không được trả công và tỷ suất lợi nhuận là 100%. Nhưng bây giờ, chúng ta hãy giả định rằng do năng suất lao động giảm xuống, nên muốn sản xuất ra cũng một số lượng sản phẩm nông nghiệp như cũ chẳng hạn, phải cần nhiều lao động hơn, thành thử giá cả một lượng trung bình những tư liệu sinh hoạt mà người công nhân tiêu dùng hàng ngày tăng từ 3 đến 4 Shilling. Trong trường hợp đó, giá trị của lao động sẽ tăng 1/3, hay 33⅓%. Để sản xuất ra vật ngang giá với số tư liệu hàng ngày nuôi sống người công nhân, tương xứng với mức sống trước kia của anh ta thì cần phải có 8 giờ lao động. Do đó, lao động thặng dư rút từ 6 xuống 4 giờ và tỷ suất lợi nhuận sụt từ 100% xuống 50%. Nhưng khi đòi tăng tiền công, người công nhân chỉ đòi người ta trả cho giá trị đã tăng lên của lao động của anh ta, cũng giống như bất cứ một người bán hàng hóa nào khác đòi người ta trả cái giá trị đã tăng lên của hàng hóa của mình, khi chi phí sản xuất ra hàng hóa đó tăng lên. Nếu tiền công không tăng hoặc tăng lên không đủ để bù lại giá trị đã tăng lên của những tư liệu sinh hoạt thì giá cả của lao động sẽ sụt xuống dưới giá trị của lao động và mức sống của công nhân sẽ tồi tệ đi.

 

 Nhưng sự thay đổi cũng có thể diễn ra theo hướng ngược lại. Do năng suất lao động tăng lên, cùng một lượng tư liệu sinh hoạt mà trung bình người công nhân tiêu dùng hàng ngày, có thể hạ từ 3 xuống 2 Shilling, nói một cách khác chỉ cần 4 giờ của một ngày lao động, chứ không phải 6 giờ, để sản xuất ra vật ngang giá với giá trị những tư liệu sinh hoạt tiêu dùng hàng ngày ấy. Giờ đây, với 2 Shilling, người công nhân có thể mua được một số lượng tư liệu sinh hoạt nhiều bằng số lượng tư liệu sinh hoạt mà trước kia anh ta phải dùng 3 Shilling để mua. Giá trị của lao động quả thật đã giảm xuống, nhưng với cái giá trị đã giảm xuống đó của lao động người công nhân vẫn mua được một số lượng hàng hóa như trước kia. Trong trường hợp đó, lợi nhuận sẽ tăng từ 3 lên đến 4 Shilling và tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng từ 100% đến 200%. Mặc dầu mức sống tuyệt đối của công nhân vẫn như cũ, nhưng tiền công tương đối của anh ta, và do đó địa vị xã hội tương đối của anh ta so với nhà tư bản, sẽ tụt xuống thấp hơn. Khi chống lại việc giảm tiền công tương đối đó, người công nhân chỉ đòi được nhận một phần nào đó trong cái mà sức sản xuất đã tăng lên của lao động của anh ta đã đem lại và chỉ cố duy trì địa vị tương đối trước kia của anh ta trên cái thang xã hội mà thôi. Ví dụ, sau khi những đạo luật về lúa mì bị bãi bỏ, bọn chủ xưởng Anh vi phạm trắng trợn những lời hứa hẹn long trọng mà họ đã đưa ra trong thời gian cổ động chống những đạo luật ấy, nói chung đã giảm tiền công xuống 10%. Lúc đầu, sự phản kháng của công nhân tỏ ra là không có kết quả, nhưng, sau đó, do những hoàn cảnh mà tôi không thể nói đến ở đây, 10% đã mất đi ấy lại giành được.

 

 2) Giá trị của những tư liệu sinh hoạt và do đó cả giá trị của lao động, có thể vẫn giữ nguyên như cũ, nhưng giá cả bằng tiền của chúng có thể thay đổi do giá trị của tiền trước đó đã thay đổi.

 

 Nhờ phát hiện ra những mỏ giàu hơn, v.v., nên có thể là việc sản xuất ra 2 ounce vàng chẳng hạn, sẽ không đòi hỏi nhiều lao động hơn việc sản xuất ra 1 ounce vàng trước kia. Trong trường hợp đó, giá trị của vàng sẽ giảm xuống một nửa hay 50%. Giờ đây giống như giá trị của tất cả mọi hàng hóa khác, giá trị của lao động sẽ biểu hiện bằng những giá cả bằng tiền gấp đôi trước kia. Mười hai giờ lao động trước kia được biểu hiện bằng 6 Shilling, thì bây giờ sẽ được biểu hiện bằng 12 Shilling. Nếu tiền công của công nhân vẫn là 3 Shilling như trước kia, chứ không tăng lên thành 6 Shilling, thì giá cả bằng tiền của lao động của anh ta giờ đây chỉ bằng một nửa giá trị của lao động của anh ta, và mức sống của anh ta sụt xuống ghê gớm. Điều đó cũng xảy ra với một mức độ nhiều hay ít trong trường hợp tiền công của anh ta tăng lên, nhưng lại không tăng theo tỷ lệ sụt xuống của giá trị của vàng. Trong ví dụ mà chúng ta đang xét đến, không có gì thay đổi cả trong sức sản xuất của lao động, cũng như trong cung và cầu, và trong các giá trị của hàng hóa. Không có gì thay đổi, trừ những tên gọi tiền tệ của những giá trị đó. Nói rằng trong trường hợp như thế người công nhân không nên đòi tăng tiền công một cách tương ứng, thì có nghĩa là bảo người công nhân phải tự bằng lòng với việc anh ta được trả bằng những tên gọi chứ không phải bằng vật. Toàn bộ lịch sử trước đây đều chứng minh rằng cứ mỗi lần tiền bị mất giá như thế thì các nhà tư bản vội vàng lợi dụng cơ hội thuận lợi đó để lừa gạt công nhân. Một trường phái rất đông các nhà kinh tế học khẳng định rằng do phát hiện những mỏ vàng mới, do khai thác tốt hơn những mỏ bạc và do cung cấp thuỷ ngân với giá rẻ hơn, nên giá trị của những kim loại quý lại giảm xuống. Điều đó sẽ có thể giải thích được yêu cầu, có tính chất phổ biến và nảy sinh cùng một lúc trên lục địa, đòi tăng tiền công.

 

 3) Cho tới nay, chúng ta đã giả định rằng ngày lao động có những giới hạn nhất định. Nhưng tự bản thân nó ngày lao động không có những giới hạn bất biến. Xu hướng thường xuyên của tư bản là kéo dài ngày lao động cho tới cái độ dài cùng cực, mà thế lực có thể chịu đựng được, bởi vì độ dài của ngày lao động càng tăng lên bao nhiêu thì lao động thặng dư và do đó, lợi nhuận do lao động thặng dư tạo ra, cũng tăng lên bấy nhiêu. Tư bản càng kéo dài được ngày lao động bao nhiêu thì số lượng lao động mà nó chiếm hữu được của người khác lại càng nhiều hơn bấy nhiêu. Trong thế kỷ XVII và ngay trong hai phần ba đầu của thế kỷ XVIII, ngày lao động mười giờ là ngày lao động bình thường ở khắp nước Anh. Trong chiến tranh chống phái Jacobin[12], trên thực tế là một cuộc chiến tranh của các nam tước Anh chống quần chúng lao động, tư bản đã mở tiệc ăn mừng và đã kéo dài ngày lao động từ 10 đến 12, 14 và 18 giờ. Man-tút một người mà dầu sao cũng không ai có thể nghi ngờ là có tình cảm sướt mướt được, đã tuyên bố trong một quyển sách xuất bản vào khoảng năm 1815 rằng nếu tình hình cứ như thế mãi thì đời sống của đất nước sẽ bị phá hoại đến tận gốc rễ[13]. Vài năm trước khi áp dụng một cách phổ biến những máy móc mới được phát minh, vào khoảng năm 1765, một quyển sách xuất hiện ở Anh dưới nhan đề là: “Thử bàn về công nghiệp”[14]. Tác giả khuyết danh, một kẻ thù không đội trời chung của giai cấp công nhân, nói ba hoa về việc cần phải mở rộng giới hạn của ngày lao động. Để đạt mục đích ấy, ngoài những thủ đoạn khác, hắn còn đề nghị lập những nhà lao động mà theo lời hắn thì phải là “những ngôi nhà khủng khiếp”. Và ngày lao động mà hắn đề nghị cho “những ngôi nhà khủng khiếp” đó phải dài bao nhiêu? Mười hai giờ, đúng cái độ dài của ngày lao động mà năm 1872 các nhà tư bản, các nhà kinh tế học và các bộ trưởng đã tuyên bố rằng đó là thời gian lao động không những đã thực tế tồn tại, mà còn là thời gian lao động cần thiết cho trẻ em dưới mười hai tuổi nữa[15].

 

 Khi bán sức lao động của mình – và dưới chế độ hiện nay, người công nhân buộc phải bán như vậy, – người công nhân để cho nhà tư bản tiêu dùng sức lao động ấy, nhưng trong những giới hạn hợp lý nào đó. Anh ta bán sức lao động của mình là để duy trì nó, – ở đây chúng ta không kể đến sự hao mòn tự nhiên của sức lao động, – chứ không phải để huỷ hoại nó. Khi người công nhân bán sức lao động của mình theo giá trị hàng ngày hay hàng tuần của nó, là có bao hàm tiền đề rằng không được bắt sức lao động ấy trong một ngày hay trong một tuần phải bị tiêu dùng, phải bị hao mòn như trong hai ngày hay trong hai tuần. Chúng ta hãy lấy một cái máy trị giá 1.000 £ làm ví dụ. Nếu nó phục vụ trong 10 năm thì mỗi năm nó sẽ cộng thêm 100 £ vào giá trị những hàng hóa mà nó dự phần sản xuất ra. Nếu nó phục vụ trong 5 năm thì nó sẽ cộng thêm vào giá trị của những hàng hóa đó 200 £ mỗi năm. Nói một cách khác, giá trị sự hao mòn hàng năm của nó tỷ lệ nghịch với thời gian mà nó bị tiêu dùng hết. Nhưng người công nhân khác với cái máy chính là về mặt này. Máy hao mòn không hoàn toàn ăn khớp với việc tiêu dùng nó; ngược lại, con người bị huỷ hoại theo một mức độ lớn hơn nhiều so với mức mà chỉ căn cứ vào những số lượng về việc kéo dài lao động của người đó riêng thôi người ta cũng có thể thấy được.

 

 Khi công nhân đấu tranh để đưa ngày lao động trở về với những quy mô hợp lý trước kia của nó, hay – ở nơi mà họ không thể buộc được pháp luật quy định ngày lao động bình thường – cố ngăn chặn lao động quá mức bằng cách đòi tăng tiền công lên, tăng không những theo tỷ lệ với thời gian tăng thêm bòn rút được của họ, mà còn tăng theo một tỷ lệ cao hơn, thì họ chỉ làm một nghĩa vụ đối với bản thân họ và đối với dòng giống của họ mà thôi. Họ chỉ đặt giới hạn cho sự chiếm đoạt bạo ngược của tư bản. Thời gian là không gian cho sự phát triển của con người. Một người không có một phút rỗi rãi nào, một người mà toàn bộ cuộc đời – không kể những lúc nghỉ do những nhu cầu thuần túy về thể xác quyết định như để ngủ, ăn, v.v., – bị lao động cho nhà tư bản ngốn hết, – một người như thế bị dồn vào tình trạng còn kém hơn một súc vật để thồ. Bị kiệt sức về mặt thể xác và trở nên thô lỗ về mặt tinh thần, người đó chỉ là một cái máy để sản xuất ra của cải cho kẻ khác. Thế mà toàn bộ lịch sử công nghiệp hiện đại chỉ ra rằng nếu không bị ngăn cản thì tư bản sẽ ra sức dồn toàn bộ giai cấp công nhân xuống cái tình trạng thoái hoá cực độ ấy, một cách tàn nhẫn, không thương xót gì cả.

 

 Khi kéo dài ngày lao động ra, nhà tư bản có thể trả tiền công cao hơn, nhưng lại trả thấp đi cho giá trị của lao động. Điều đó diễn ra trong trường hợp việc tăng tiền công không tương xứng với mức tăng khối lượng lao động bòn rút được của công nhân và với sự huỷ hoại nhanh hơn của sức lao động, do sự bòn rút ấy gây ra. Nhà tư bản cũng có thể đạt được điều đó bằng một phương thức khác. Ví dụ các nhà thống kê tư sản người Anh sẽ nói với các bạn rằng tiền công trung bình của những gia đình lao động làm việc trong các công xưởng ở Lan-kê-sia đã tăng lên. Họ quên rằng hiện nay ngoài người đàn ông, người chủ gia đình, thì vợ anh ta và có thể là ba hay bốn đứa con của anh ta đều bị ném xuống dưới bánh xe thần Gia-ghéc-nô (Juggernaut)[16] của tư bản, rằng sự tăng lên của tổng số tiền công của gia đình hoàn toàn không tương xứng với sự tăng lên của tổng số lao động thặng dư bòn rút được của gia đình công nhân ấy.

 

 Ngay với những giới hạn nhất định của ngày lao động, như những giới hạn hiện có trong tất cả những ngành công nghiệp phải tuân theo đạo luật công xưởng, thì việc tăng tiền công vẫn có thể trở nên cần thiết, dù chỉ là để giữ tiền trả cho giá trị lao động ở mức độ cũ của nó. Khi tăng cường độ lao động, một người trong một giờ có thể buộc phải tiêu phí một số sức lực bằng số trước kia người ấy tiêu phí chung trong 2 giờ. Trong những ngành công nghiệp đặt dưới đạo luật công xưởng, điều đó đã được thực hiện tới mức độ nào đó bằng cách tăng tốc độ của máy và tăng số máy công tác do một người trông coi. Nếu việc tăng cường độ lao động, hay tăng khối lượng lao động tiêu phí trong một giờ, tương ứng một cách thoả đáng với việc rút ngắn ngày lao động, thì người công nhân vẫn được lợi. Còn giới hạn ấy bị vi phạm thì người công nhân được đằng này lại mất đằng khác và 10 giờ lao động có thể huỷ hoại sức lực như 12 giờ lao động trước kia. Khi chống lại khuynh hướng đó của tư bản bằng cách đấu tranh để tăng tiền công cho tương xứng với việc tăng cường độ lao động, thì người công nhân chỉ chống lại việc giảm giá trị lao động của mình và việc làm suy yếu dòng giống của mình.

 

 4) Tất cả các bạn đều biết rằng vì những lý do mà tôi không cần phải giải thích ở đây, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa vận động qua những chu kỳ nhất định. Nó lần lượt trải qua giai đoạn yên tĩnh, náo nhiệt, phồn vinh, sản xuất thừa, khủng hoảng và đình trệ. Giá cả thị trường của hàng hóa và tỷ suất thị trường của lợi nhuận đều đi theo những giai đoạn đó, khi thì sụt xuống dưới mức trung bình của nó, khi thì vượt lên trên mức ấy. Xét toàn bộ chu kỳ, các bạn sẽ thấy rằng một sự chênh lệch này của giá cả thị trường được bù bằng sự chênh lệch khác, rằng cứ lấy mức trung bình trong toàn bộ chu kỳ thì giá cả thị trường của hàng hóa được điều tiết bởi giá trị của chúng. Trong giai đoạn giá cả thị trường hạ thấp và trong các giai đoạn khủng hoảng và đình trệ, nếu người công nhân không mất việc làm thì chắc chắn là anh ta sẽ nhận được một tiền công bị hạ thấp. Để khỏi bị lường gạt thì ngay trong trường hợp giá cả thị trường hạ thấp như thế, anh ta vẫn phải đấu tranh với nhà tư bản để chống lại việc giảm tiền công quá mức. Trong giai đoạn phồn vinh, khi các nhà tư bản thu được một lợi nhuận đặc biệt cao, nếu anh ta không đấu tranh đòi tăng tiền công, thì trung bình trong suốt cả chu kỳ công nghiệp, anh ta cũng sẽ không nhận được ngay cả tiền công trung bình của mình, hay giá trị lao động của mình. Thật là hết sức ngu ngốc, nếu đòi hỏi người công nhân – mà tiền công không tránh khỏi bị hạ thấp trong những giai đoạn không thuận lợi của chu kỳ – phải từ chối việc bù lại những tổn thất của mình trong những giai đoạn phồn vinh. Nói chung, giá trị của tất cả các hàng hóa chỉ được thực hiện bằng sự san bằng những giá cả thị trường luôn luôn thay đổi, sự san bằng này do những biến động không ngừng của cung và cầu gây ra. Trên cơ sở chế độ hiện nay, lao động chỉ là một hàng hóa như tất cả mọi hàng hóa khác. Vì vậy nó cũng phải trải qua những biến động như thế và chỉ có qua những biến động ấy mới có thể đạt tới một giá cả trung bình tương ứng với giá trị của nó. Sẽ thật là vô lý nếu một mặt coi lao động là hàng hóa, và mặt khác lại đặt nó ra ngoài vòng ảnh hưởng của những quy luật điều tiết giá cả của hàng hóa. Người nô lệ nhận một lượng tư liệu sinh hoạt thường xuyên và cố định, người công nhân làm thuê thì không thế. Anh ta phải đòi tăng tiền công trong một trường hợp, dù chỉ là để bù lại sự giảm tiền công trong một trường hợp khác. Nếu người công nhân chịu chấp nhận ý muốn và mệnh lệnh của nhà tư bản như là một đạo luật kinh tế tối cao, thì người đó sẽ phải chịu tất cả những nỗi đau khổ của tình cảnh người nô lệ nhưng thậm chí lại không được bảo đảm đời sống như người nô lệ.

 

 5) Trong tất cả những trường hợp mà tôi đã xét đến, – mà đó là 99% các trường hợp, – chúng ta đã thấy rằng cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công chỉ đi theo sau những biến động đã xảy ra trước đó, rằng nó là kết quả tất yếu của những biến động xảy ra trước đó trong quy mô sản xuất, trong sức sản xuất của lao động, trong giá trị của lao động, trong giá trị của tiền, trong độ dài hay cường độ của lao động bị bòn rút, trong những sự lên xuống của giá cả thị trường, do những biến động của cung và cầu quyết định và tương ứng với những giai đoạn khác nhau của chu kỳ công nghiệp; nói tóm lại, cuộc đấu tranh đó là sự phản kháng của lao động chống lại hành động diễn ra trước đó của tư bản. Khi xét cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công một cách độc lập với tất cả những tình hình đó, khi chỉ chú ý đến những sự thay đổi của tiền công và bỏ qua tất cả những thay đổi khác đã gây ra những thay đổi đó của tiền công, thì như thế là các bạn xuất phát từ một tiền đề sai lầm để đi tới những kết luận sai lầm.

 


*Chú thích:

[12] Đây là nói về những cuộc chiến tranh mà nước Anh đã tiến hành từ năm 1793 đến năm 1815 chống lại nước Pháp trong thời kỳ nổ ra cuộc cách mạng tư sản Pháp vào cuối thế kỷ XVIII. Trong thời gian diễn ra các cuộc chiến tranh ấy, Chính phủ Anh đã thiết lập ở trong nước mình một chế độ đàn áp tàn bạo chống lại quần chúng lao động. Đặc biệt là trong thời kỳ này một loạt cuộc bất bình của nhân dân đã bị đàn áp và đã thông qua các đạo luật cấm công nhân lập hội.-198.

[13] C.Mác muốn nói đến tập sách đả kích của Man-tút mang đầu đề "An Inquiry into the Nature and Progress of Rent, and the Principles by which it is regulated". London, 1815 ("Nghiên cứu về bản chất và sự tăng trưởng của địa tô, cũng như về những nguyên lý điều tiết địa tô". Luân Đôn, 1815).-198.

[14] Đây là nói về cuốn sách xuất bản năm 1770 ở Luân Đôn "An Essay on Trade and Commerce; containing Observations on Taxes ("Khảo cứu về thủ công nghiệp và thương nghiệp, có chứa đựng những nhận xét về thuế khóa"). Người ta cho rằng Giôn Ca-ninh-hem là tác giả của tập sách không ghi tên tác giả này.-198.

[15] Đây là nói về cuộc thảo luận, tại nghị viện Anh vào hồi tháng Hai – tháng Ba 1832, về dự luật được đệ trình năm 1831 về việc hạn chế ngày làm việc của trẻ em và thiếu niên xuống còn 10 giờ.-198.

[16] Trong thời gian cử hành các buổi lễ truyền thống để tưởng nhớ thần Gia-ghéc-nô – hóa thân của thần Vishnu của đạo Hindu – mà việc thờ phụng vị thần này được đặc trưng bởi những nghi lễ hết sức rực rỡ và tinh thần cuồng tín tôn giáo cực đoan, được thể hiện qua những hiện tượng tự hành hạ minh và tự sát – các tín đồ lao người vào cỗ xe chở tượng thần Visnu – Gia-ghéc-nô.-200.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận