Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Tiền công và tiền
*Mục lục:
- Sản xuất và tiền công
- Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
- Tiền công và tiền
- Cung và cầu
- Tiền công và giá cả
- Giá trị và lao động
- Sức lao động
- Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
- Giá trị của lao động
- Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
- Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
- Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
- Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công
- Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó.
3. TIỀN CÔNG VÀ TIỀN
Trong ngày thứ hai của phiên thảo luận, ông bạn Weston của chúng ta đã khoác cho những lời khẳng định cũ của mình những hình thức mới. Ông ta nói: khi tiền công bằng tiền tăng lên một cách phổ biến thì phải có nhiều tiền mặt hơn để trả cho số tiền công ấy. Nếu số lượng tiền là cố định thì với số lượng tiền cố định ấy làm thế nào các bạn có thể trả một tổng số tiền công bằng tiền lớn hơn? Trước kia, khó khăn là ở chỗ lượng hàng hóa thuộc về phần của công nhân là cố định, mặc dầu tiền công bằng tiền của công nhân tăng lên; bây giờ thì khó khăn là ở chỗ tiền công bằng tiền tăng lên, mặc dầu lượng hàng hóa là cố định. Cố nhiên nếu các bạn vứt bỏ giáo điều ban đầu của ông Weston thì những khó khăn do nó gây ra cũng sẽ biến mất.
Tuy vậy, tôi vẫn sẽ chỉ ra để các bạn thấy rằng vấn đề tiền ấy tuyệt đối không liên quan gì đến đối tượng mà chúng ta nghiên cứu cả.
Ở nước các bạn, cơ chế thanh toán hoàn thiện hơn nhiều so với bất kỳ một nước nào khác ở châu Âu. Nhờ tính chất phổ biến rộng rãi và tập trung của hệ thống ngân hàng, nên người ta cần ít tiền hơn nhiều để làm lưu thông cũng một tổng số giá trị như thế hay để thực hiện cùng một số lượng công việc giao dịch như thế hoặc thậm chí nhiều hơn. Nếu nói về tiền công chẳng hạn, thì tình hình diễn ra như sau: người công nhân công xưởng Anh hàng tuần đem tiền công của mình đến mua ở một cửa hiệu, cửa hiệu này hàng tuần đem số tiền đó gửi cho chủ ngân hàng, người chủ ngân hàng này hàng tuần lại trao lại cho người chủ xưởng, chủ xưởng lại trả công cho công nhân của hắn, v.v. nhờ cơ chế đó, có thể dùng một đồng Sovereign (Sovereign – đồng tiền vàng của Anh trị giá bằng 1 £.), mỗi tuần chu chuyển một vòng như thế để trả tiền công hàng năm của một công nhân, ví dụ là 52 £ chẳng hạn. Nhưng thậm chí ở Anh, cơ chế đó cũng còn kém hoàn thiện hơn ở Scotland, hơn nữa không phải ở đâu nó cũng hoàn thiện như nhau; vì vậy, chúng ta thấy rằng so với các khu công nghiệp thuần túy chẳng hạn, thì ở một vài khu nông nghiệp, người ta cần nhiều tiền hơn nhiều để lưu thông một tổng số giá trị ít hơn nhiều.
Nếu các bạn vượt qua biển La-Măng-sơ, các bạn sẽ thấy rằng tiền công bằng tiền trên lục địa thấp hơn ở Anh nhiều, thế nhưng ở Đức, Italia, Thụy Sĩ và Pháp lại cần phải có một khối lượng tiền lớn hơn nhiều để trả tiền công nhân. Ở những nước này mỗi đồng Sovereign được chủ ngân hàng tóm lấy không được nhanh đến như thế và cũng được chuyển trở lại cho nhà tư bản công nghiệp không được nhanh đến như thế, vì vậy, đáng lẽ chỉ cần một Sovereign là số tiền cần thiết ở Anh để lưu thông hàng năm 52 £ thì ở trên lục địa có thể người ta cần đến 3 Sovereign để trả một tiền công bằng tiền hàng năm là 25 £. Như vậy, khi so sánh các nước trên lục địa với nước Anh thì các bạn sẽ lập tức thấy rằng một tiền công bằng tiền thấp hơn có thể đòi hỏi một số lượng tiền mặt lớn hơn nhiều so với một tiền công bằng tiền cao hơn, rằng điều ấy thật ra chỉ là một vấn đề kỹ thuật thuần túy, hoàn toàn không dính dáng gì tới đối tượng nghiên cứu của chúng ta.
Theo những con tính xác thực nhất mà tôi được biết thì thu nhập hàng năm của giai cấp công nhân Anh có thể ước lượng là 250 triệu £. Số tiền to lớn đó được trả bằng một số tiền vào khoảng 3 triệu £. Giả định rằng tiền công tăng lên 50%. Đáng lẽ cần 3 triệu £ tiền mặt thì lúc đó, lại cần đến 4 triệu. Vì một phần rất lớn các khoản chi tiêu hàng ngày của công nhân được trả bằng những đồng tiền bạc và tiền đồng, – nghĩa là bằng những ký hiệu giản đơn mà giá trị của chúng so với vàng được luật pháp quy định một cách tuỳ tiện, cũng giống như giá trị của tiền giấy không đổi thành vàng được, – nên việc tăng tiền công bằng tiền lên 50% nhiều lắm cũng chỉ đòi hỏi đưa thêm những đồng Sovereign vào lưu thông với một tổng số là một triệu chẳng hạn. Một triệu, hiện đang nằm trong hầm của Ngân hàng Anh hay của các ngân hàng tư nhân dưới dạng những nén vàng hay tiền đúc, sẽ đi vào lưu thông. Nhưng ngay cả những khoản chi phí rất nhỏ gắn với việc đúc hay sự hao mòn trong lưu thông của số tiền một triệu đồng bổ sung ấy, cũng có thể tránh được và thực tế sẽ tránh được, nếu việc bổ sung phương tiện lưu thông gây ra một tình trạng khó khăn nào đó. Tất cả các bạn đều biết rằng ở nước Anh, tiền trong lưu thông chia ra thành hai loại lớn. Một loại gồm những giấy bạc ngân hàng rất khác nhau dùng trong những cuộc giao dịch giữa các thương nhân với nhau, cũng như dùng trong những khoản thanh toán tương đối lớn mà những người tiêu dùng trả cho các nhà buôn; còn loại kia, gồm những đồng tiền kim khí, thì lưu thông trong việc buôn bán lẻ. Mặc dầu hai loại tiền được lưu thông đã có khác nhau, nhưng chúng vẫn gắn với nhau chặt chẽ. Ví dụ tiền vàng cũng được sử dụng rất rộng rãi ngay cả trong những khoản thanh toán tương đối lớn để trả những món tiền lẻ dưới 5 £. Nếu ngày mai người ta phát hành giấy bạc ngân hàng 4, hoặc 3 hay 2 £, thì tiền vàng, hiện nay đang tràn ngập những kênh lưu thông ấy, sẽ bị rút ngay ra khỏi đó và sẽ dồn đến những con kênh ở đó đang cần đến chúng vì tiền công bằng tiền tăng lên. Như vậy, số một triệu bổ sung cần thiết, do việc tăng tiền công lên 50% gây ra, sẽ được cung cấp mà không cần phải xuất thêm một Sovereign nào cả. Người ta cũng có thể đạt được kết quả như trên mà không cần tăng thêm các giấy bạc ngân hàng, bằng cách tăng thêm sự lưu thông của hối phiếu, như đã thực hành từ lâu ở Lan-kê-sia.
Nếu việc mức tiền công tăng lên một cách phổ biến, – ví dụ là 100%, như ông Weston giả định đối với tiền công của công nhân nông nghiệp, – làm cho giá cả những nhu yếu phẩm cần thiết nhất tăng lên mạnh, và theo quan điểm của ông Weston, đòi hỏi thêm một số tiền mà người ta không thể kiếm ra được, thì việc tiền công hạ xuống một cách phổ biến tất cũng gây ra một kết quả như vậy, với mức độ giống như vậy, nhưng theo chiều ngược lại. Thật là tuyệt! Tất cả các bạn đều biết rằng những năm 1858 – 1860 là những năm thịnh vượng nhất đối với ngành công nghiệp bông vải sợi, rằng đặc biệt năm 1860 là năm có một không hai về mặt đó trong niên giám thương nghiệp, hơn nữa trong cùng thời kỳ đó, tất cả những ngành công nghiệp khác cũng đều hết sức thịnh vượng. Năm 1860, tiền công của công nhân ngành công nghiệp bông vải sợi và của công nhân tất cả những ngành khác có liên quan đến ngành công nghiệp ấy đều cao hơn bao giờ hết. Nhưng cuộc khủng hoảng ở Mỹ xảy đến, và thế là tiền công của tất cả những công nhân ấy đều đột ngột tụt ngay xuống khoảng ngang với 1/4 tổng số trước đây của nó. Nếu điều đó xảy ra theo chiều ngược lại thì sẽ có nghĩa là tăng 300%. Nếu tiền công tăng từ 5 đến 20 thì chúng ta nói rằng nó đã tăng 300%. Nếu nó hạ từ 20 xuống 5 thì chúng ta nói rằng nó sụt mất 75%. Nhưng số tăng thêm trong trường hợp này và sụt trong trường hợp kia đều bằng nhau, cụ thể là 15 Shilling. Vậy, đó là một sự thay đổi đột ngột, chưa từng có về mức tiền công, hơn nữa lại là một sự thay đổi giáng vào một số công nhân lớn gấp rưỡi số công nhân nông nghiệp, nếu chúng ta tính không những tất cả những công nhân trực tiếp làm việc trong ngành công nghiệp bông vải sợi mà cả những người gián tiếp phụ thuộc vào ngành công nghiệp đó nữa. Nhưng giá lúa mì có giảm xuống không? Không, giá đó đã tăng từ giá cả trung bình hàng năm là 47 Shilling 8 pen-ni một quác-tơ trong ba năm 1858 – 1860, lên một giá cả trung bình hàng năm là 55 Shilling 10 pen-ni một quác-tơ trong ba năm 1861 – 1863. Về tiền thì năm 1861, người ta đã đúc 8 673 232 £, so với 3 378 102 £ năm 1860. Nói cách khác năm 1861, người ta đúc nhiều hơn năm 1860 là 5 295 130 £. Thật ra năm 1861, số giấy bạc ngân hàng đã đưa vào lưu thông ít hơn 1 319.000 £ so với năm 1860. Chúng ta hãy trừ số này đi. Tuy vậy, so với năm 1860 là một năm thịnh vượng, thì đối với năm 1861 số tiền lưu thông vẫn nhiều hơn 3.976.130 £, hay gần 4 triệu £; nhưng dự trữ vàng của Ngân hàng Anh trong thời gian đó đã sụt xuống, tuy không theo một tỷ lệ đúng như thế, nhưng theo một tỷ lệ gần như thế.
Chúng ta hãy so năm 1862 với năm 1842. Không kể đến việc giá trị và số lượng hàng hóa đang lưu thông đã tăng lên rất lớn, thì năm 1862, ở Anh và Wales chỉ riêng số tư bản chi trả một cách đều đặn cho các cổ phiếu và trái phiếu v.v., cho chứng khoán đường sắt, cũng đã lên đến 320 triệu £, một số tiền mà vào năm 1842 người ta coi là hết sức lớn. Tuy vậy tổng số tiền lưu thông trong năm 1862 và năm 1842 lại gần bằng nhau. Và, nói chung, người ta thấy rằng số tiền đang lưu thông có khuynh hướng giảm xuống với một quy mô ngày càng lớn, mặc dù có sự tăng lên rất lớn không những của tổng giá trị các hàng hóa, mà cả quy mô của tất cả những khoản giao dịch bằng tiền nữa. Theo quan điểm của ông bạn Weston của chúng ta, đó là một điều bí ẩn không thể giải đáp được.
Nếu ông bạn của chúng ta đi sâu chút nữa vào vấn đề thì ông sẽ thấy rằng giá trị và khối lượng hàng hóa nằm trong lưu thông và tổng số các vụ giao dịch bằng tiền đã ký kết, nói chung đều thay đổi hàng ngày – ngay cả khi hoàn toàn không nói đến tiền công và cho rằng tiền công không thay đổi; rằng lượng giấy bạc ngân hàng phát hành thay đổi hàng ngày; rằng tổng số những khoản thanh toán được thực hiện mà không cần đến tiền, nhờ có kỳ phiếu, séc, sổ chuyển khoản, ngân hàng kết toán, thì thay đổi hàng ngày; rằng trong chừng mực mà người ta cần đến tiền bằng kim khí thật, thì tỷ lệ giữa một bên là số tiền đúc đang lưu thông và bên kia là tiền đúc và vàng thoi nằm trong dự trữ hoặc nằm yên trong hầm của ngân hàng, thay đổi hàng ngày; rằng số lượng vàng mà lưu thông trong nước thu hút và lượng vàng được đưa ra nước ngoài phục vụ cho lưu thông quốc tế, thì thay đổi hàng ngày. Ông ta sẽ hiểu rằng giáo điều của ông về số lượng tiền cố định là một sự sai lầm ghê gớm, trái ngược với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Lẽ ra ông ta nên nghiên cứu những quy luật cho phép lưu thông tiền tệ thích ứng với những điều kiện không ngừng biến đổi như thế, chứ không nên biến sự không hiểu biết của mình về những quy luật của lưu thông tiền tệ thành một lý lẽ chống lại việc tăng tiền công.