Góp phần phê phán khoa kinh tế – chính trị (1859) – Chương II – P2B

*Mục lục:

*Lời tựa

Chương I: Hàng hóa

Lưu ý A. Ghi chú lịch sử về phân tích hàng hóa

Chương II: Tiền tệ hoặc Lưu thông đơn giản

1. Thước đo Giá trị

Lưu ý B. Các lý thuyết về tiêu chuẩn tiền tệ

2. Phương tiện trao đổi

a) Sự biến chất của hàng hóa

b) Sự lưu thông của tiền

c) Tiền đúc và ký hiệu giá trị

3. Tiền tệ

a) Cất trữ tiền tệ

b) Phương tiện thanh toán

c) Tiền tệ thế giới

4. Kim loại quý

Lưu ý C. Các lý thuyết về phương tiện lưu thông và tiền tệ



 

CHƯ­ƠNG II. TIỀN TỆ, HAY L­ƯU THÔNG GIẢN ĐƠN

 

2. PHƯƠNG TIỆN LƯU THÔNG

b) Lưu thông tiền tệ

 

Sự lưu thông thực tế biểu hiện ra trước hết là một khối gồm nhiều việc mua và việc bán diễn ra một cách ngẫu nhiên và song song với nhau. Trong việc mua cũng như trong việc bán, hàng hoá và tiền bao giờ cũng đối lập với nhau ở trong cùng một mối quan hệ: người bán ở phía hàng hoá, người mua ở phía tiền tệ. Vì vậy, tiền tệ là phương tiện lưu thông, bao giờ cũng xuất hiện với tư cách là phương tiện để mua, vì vậy những sự khác nhau về công dụng của nó trong các giai đoạn đối lập nhau của sự biến đổi hình thái của hàng hoá, trở nên không thể nhận ra được.

 

Tiền chuyển sang tay người bán ngay trong cái hành vi hàng hoá chuyển sang tay người mua. Như vậy, hàng hoá và tiền vận động ngược chiều với nhau, và sự chuyển dịch đó, — sự chuyển dịch làm cho hàng hoá chuyển sang phía bên này, còn tiền chuyển sang phía bên kia, — diễn ra cùng một lúc lại không biết bao nhiêu là điểm trên toàn thể bề mặt của xã hội tư sản. Nhưng cái bước thứ nhất của hàng hóa trong lưu thông, đồng thời cũng là bước cuối cùng của nó1). Dù là nó thay đổi chỗ, do vàng bị nó hút đến (H – T) hay vì bản thân nó bị vàng hút đến (H – H) thì chỉ riêng một sự vận động đó, chỉ riêng một sự chuyển dịch đó, cũng đã làm cho hàng hoá rời khỏi lĩnh vực lưu thông để vào lĩnh vực tiêu dùng. Lưu thông là một sự vận động liên tục của hàng hóa, nhưng là những hàng hoá luôn luôn mới, và mỗi hàng hoá chỉ vận động một lần thôi. Mỗi hàng hóa đều bước vào nửa thứ hai của cuộc lưu thông của nó không phải dưới hình thái hàng hoá đó, mà dưới hình thái một hàng hoá khác, tức hình thái vàng. Như vậy, sự vận động của cái hàng hoá đã chuyển hoá hình thái rồi là sự vận động của vàng. Cũng một đồng tiền, hay cũng một khối vàng đó, đã một lần đổi chỗ với một hàng hóa trong hành vi H – T, thì bây giờ, ngược lại, chính nó lại biểu hiện ra là điểm xuất phát của T – H và như vậy, lại đổi chỗ một lần thứ hai, với một hàng hoá khác. Giống như trước đây nó đã chuyển từ tay người mua B sang tay người bán A, bây giờ nó lại chuyển từ tay A — hiện giờ đã trở thành người mua — sang tay C. Như vậy, sự vận động về mặt hình thái của một hàng hoá, sự chuyển hoá của hàng thành tiền và tiền trở lại thành hàng hoá, nói cách khác, sự vận động chuyển hoá hình thái toàn bộ của hàng hoá biểu hiện ra là sự vận động bề ngoài của cùng một đồng tiền đổi chỗ hai lần với hai hàng hoá khác nhau. Dù những việc mua và những việc bán diễn ra bên cạnh nhau một cách phân tán và ngẫu nhiên đến đâu chăng nữa, thì trong lưu thông thực tế, bao giờ người bán cũng đối diện với người mua, và đồng tiền thế chỗ cho hàng hoá đã bán đi, thì trước khi đến tay người mua, đã phải đổi chỗ một lần với một hàng hóa khác rồi. Mặt khác, sớm hay muộn nó cũng lại sẽ chuyển từ tay người bán đã trở thành người mua, sang tay một người bán khác, và do đổi chỗ nhiều lần mãi như thế, nên tiền biểu hiện sự liên kết của những sự chuyển hoá hình thái của hàng hoá. Như vậy là cũng những đồng tiền đó luôn luôn di chuyển — đồng này di chuyển nhiều hơn, đồng kia ít hơn — từ điểm này qua điểm khác của lưu thông theo một hướng ngược lại với hướng vận động của hàng hoá, vạch thành một đường vòng cung lưu thông hoặc dài hoặc ngắn. Những sự vận động khác nhau đó của cùng một đồng tiền chỉ có thể kế tiếp nhau trong thời gian, trong lúc đó thì ngược lại, tính chất nhiều và tính chất phân tán của các việc mua và bán lại thể hiện ra trong những sự thay đổi chỗ chỉ một lần, trong cùng một lúc, diễn ra cạnh nhau trong không gian, giữa hàng hóa và tiền.

 

Lưu thông hàng hoá H – T – H, dưới hình thái giản đơn của nó, diễn ra như sau: tiền chuyển từ tay người mua sang tay người bán; và từ tay người bán, bây giờ trở thành người mua, tiền lại chuyển sang tay người bán khác. Đến đây kết thúc sự chuyển hoá hình thái của hàng hoá và do đó cả sự vận động của tiền tệ, vì sự vận động của tiền tệ là biểu hiện của sự chuyển hoá hình thái nói trên. Nhưng vì những giá trị sử dụng mới phải luôn luôn được sản xuất ra với tư cách là hàng hoá, và do đó chúng luôn luôn được ném vào lưu thông, nên H – T – H cứ luôn luôn được những người sở hữu hàng hoá đó lắp lại và đổi mới. Tiền mà họ đã bỏ ra khi họ là người mua, bây giờ lại trở về tay họ khi họ lại xuất hiện với tư cách là người bán hàng hoá. Như vậy là sự lưu thông hàng hoá diễn đi diễn lại một cách không ngừng, được phản ánh trong việc tiền tệ không những luân chuyển không ngừng từ tay người này sang tay người khác trên toàn bộ bề mặt xã hội tư sản, mà đồng thời còn vạch cả một loạt những vòng tuần hoàn nhỏ khác nhau, xuất phát từ vô số điểm khác nhau rồi quay trở về cũng những điểm đó để lại bắt đầu sự vận động như thế.

 

Do sự biến đổi hình thái của các hàng hoá biểu hiện ra là một sự đơn thuần đổi chỗ của đồng tiền và do tính liên tục của sự vận động của lưu thông chỉ do đồng tiền biểu hiện ra mà thôi — vì hàng hoá bao giờ cũng chỉ bước có một bước theo hướng ngược lại với hướng của đồng tiền, còn đồng tiền thì bao giờ cũng bước bước thứ hai hộ cho hàng hoá và chỗ nào hàng hoá nói là A thì đồng tiền nói là B,— nên toàn bộ sự vận động hình như lấy tiền làm điểm xuất phát, dù rằng hàng hoá, khi bán đi, lôi cuốn tiền rời khỏi chỗ của nó, và do đó hàng hoá cũng làm cho tiền vận động chẳng khác gì tiền làm cho bản thân hàng hoá vận động trong hành vi mua. Hơn nữa, vì tiền bao giờ cũng đối diện với hàng hóa dưới hình thái phương tiện để mua, nhưng với tư cách là phương tiện để mua, tiền chỉ làm cho hàng hoá vận động bằng cách thực hiện giá cả của hàng hoá, — nên toàn bộ sự vận động của lưu thông biểu hiện ra như sau: tiền đổi chỗ với hàng hoá bằng cách thực hiện giá cả của hàng hoá trong nhiều hành vi riêng biệt của lưu thông được tiến hành hoặc cùng một lúc và song song với nhau, hoặc kế tiếp nhau, khi một đồng tiền lần lượt thực hiện giá cả của những hàng hoá khác nhau. Chẳng hạn, nếu xét H – T – H' – T – H'' – T – H''' v. v., mà không chú ý đến các mặt chất là những mặt không còn có thể nhận thấy được nữa trong quá trình lưu thông thực tế, thì chúng ta nhận thấy chỉ có một thao tác đơn điệu mà thôi. Sau khi đã thực hiện giá cả của H, T lần lượt thực hiện các giá cả của H' – H'' v. v. và các hàng hoá H' – H'' – H''' v. v. bao giờ cũng bước vào cái chỗ mà tiền đã rời bỏ. Vì vậy, hình như tiền đã làm cho hàng hoá lưu thông khi thực hiện giá cả của hàng hoá. Trong cái chức năng thực hiện giá cả đó, tiền lưu thông không ngừng, khi thì chỉ đổi chỗ thôi, khi thì chạy một cung lưu thông, khi thì vạch một vòng tuần hoàn nhỏ mà điểm xuất phát trùng với điểm hồi quy. Là phương tiện lưu thông, tiền có sự lưu thông riêng của nó. Cho nên sự vận động hình thái của những hàng hoá đang ở trong quá trình lưu thông, có vẻ như là một sự vận động riêng của tiền tệ là cái làm môi giới cho sự trao đổi giữa các hàng hoá vốn không có sự vận động. Vậy, sự vận động của quá trình lưu thông hàng hoá biểu hiện ra dưới dạng vận động của tiền tệ với tư cách là phương tiện lưu thông — dưới dạng lưu thông tiền tệ.

 

Nếu những người sở hữu hàng hóa coi các sản phẩm của lao động tư nhân của họ là những sản phẩm của lao động xã hội, khi họ chuyển hoá một vật — tức là vàng — thành một phương thức tồn tại trực tiếp của thời gian lao động chung, và do đó, thành tiền tệ, thì giờ đây, đối với họ sự vận động toàn diện của chính họ, — sự vận động mà nhờ đó họ đã làm cho sự trao đổi chất của lao động của họ có thể thực hiện được — lại biểu hiện ra thành sự vận động riêng có của vật đó, thành sự lưu thông của vàng. Đối với những người sở hữu hàng hoá, bản thân sự vận động xã hội, một mặt là một sự tất yếu ở bên ngoài, mặt khác, chỉ là một quá trình trung gian về mặt hình thức, quá trình này cho phép mỗi người có thể, với cái giá trị sử dụng mà họ đã ném vào lưu thông, rút ra được từ trong lưu thông những giá trị sử dụng khác có một lượng giá trị như thế. Giá trị sử dụng của hàng hóa bắt đầu từ lúc nó ra khỏi lưu thông, còn giá trị sử dụng của tiền tệ với tư cách là phương tiện lưu thông lại chính là sự lưu thông của nó. Sự vận động của hàng hóa trong lưu thông chỉ là một yếu tố nhất thời, trong lúc đó sự vận động không ngừng trong lưu thông lại trở thành chức năng của tiền tệ. Cái chức năng riêng có đó của tiền trong quá trình lưu thông khiến cho tiền, với tư cách là phương tiện lưu thông, có một tính quy định mới về hình thái mà giờ đây chúng ta cần phải nói đến một cách chi tiết hơn.

 

Trước hết, ai cũng thấy ngay rằng lưu thông tiền tệ là một sự vận động bị cắt nhỏ đến vô cùng tận, bởi vì trong sự vận động đó, ta thấy phản ánh tình hình quá trình lưu thông bị chia nhỏ thành vô số những việc mua và bán và các giai đoạn bổ sung lẫn nhau của sự chuyển hoá hình thái của hàng hoá muốn tách rời nhau như thế nào cũng được. Quả thật, trong những vòng luân chuyển nhỏ của tiền, trong đó điểm xuất phát và điểm hồi quy chập với nhau, chúng ta thấy có một sự vận động quay trở về, một sự vận động vòng tròn thật sự; nhưng có bao nhiêu hàng hoá thì có bấy nhiêu điểm xuất phát như vậy, và chỉ vì có rất nhiều điểm xuất phát không kể xiết, cho nên những vòng luân chuyển ấy vượt ra ngoài mọi sự kiểm soát, mọi sự đo lường và tính toán. Cái thời gian từ lúc rời điểm xuất phát đến lúc quay về điểm xuất phát cũng khó xác định được như thế. Cho nên trong một trường hợp nhất định nào đó, một vòng luân chuyển như thế có diễn ra hay không, điều đó cũng không quan trọng. Không có hiện tượng kinh tế nào quen thuộc hơn hiện tượng này: một người có thể là tay này bỏ tiền ra mà tay kia không thu về. Tiền từ vô số điểm khác nhau đi ra và quay trở về vô số điểm khác nhau; nhưng việc điểm xuất phát trùng với điểm hồi quy là một việc ngẫu nhiên, vì trong sự vận động H – T – H không đòi hỏi điều kiện là nhất định người mua cứ phải trở lại thành người bán. Nhưng lưu thông tiền tệ lại càng mang ít khả năng biểu hiện một sự vận động đi từ một trung tâm toả ra khắp các điểm ở ngoại vi, rồi lại từ tất cả các điểm ở ngoại vi quay trở về trung tâm đó. Cái mà người ta gọi là vòng tuần hoàn của tiền tệ, như chúng ta vẫn tưởng tượng một cách láng máng, chung quy là: ở tất cả mọi điểm người ta đều thấy tiền tệ hiện ra rồi biến đi, tiền tệ chuyển dịch không ngừng. Ở một hình thái lưu thông tiền tệ trung gian cao hơn, chẳng hạn như lưu thông giấy bạc ngân hàng, thì chúng ta sẽ thấy rằng, những điều kiện phát hành tiền tệ đã bao gồm những điều kiện tiền quay trở về. Trái lại, trong lưu thông tiền tệ giản đơn, thì việc chính người mua lại trở thành người bán chỉ là một việc ngẫu nhiên. Ở nơi nào mà trong lưu thông tiền tệ giản đơn có những vòng tuần hoàn thật sự biểu hiện ra một cách thường xuyên, thì những vòng tuần hoàn ấy chỉ là sự phản ánh của những quá trình sản xuất sâu sắc hơn. Thí dụ, hôm thứ sáu, người chủ xưởng nhận tiền của chủ ngân hàng, thứ bảy anh ta dùng tiền ấy trả công cho công nhân; công nhân lại trả ngay một phần lớn số tiền đó cho các chủ hiệu tạp hoá v. v. rồi thứ hai chủ hiệu tạp hoá lại đem tiền trả lại cho chủ ngân hàng.

 

Chúng ta đã thấy rằng, trong những việc mua và bán được tiến hành trong không gian một cách xen kẽ với nhau và song song với nhau, tiền thực hiện cùng một lúc một số lượng nhất định về giá cả và chỉ đổi chỗ với hàng hoá có một lần mà thôi. Nhưng mặt khác, vì sự vận động của toàn bộ những chuyển hoá hình thái của các hàng hoá và sự nối tiếp liên tục của những chuyển hoá hình thái ấy biểu hiện trong sự vận động của tiền tệ, nên cũng những đồng tiền ấy lại thực hiện những giá cả của nhiều hàng hoá khác nhau và do đó quay một số vòng nào đó. Nếu chúng ta xét quá trình lưu thông ở một nước nào đó trong một khoảng thời gian nhất định, một ngày chẳng hạn, thì chúng ta sẽ thấy rằng số lượng vàng cần thiết để thực hiện các giá cả, và do đó, để lưu thông hàng hoá, là do hai nhân tố quyết định; một mặt, do tổng số các giá cả ấy, mặt khác, do số bình quân những vòng mà những đồng tiền đó đã quay. Số những vòng đó — hay tốc độ lưu thông của tiền tệ — lại được quyết định bởi (hay nó chỉ biểu hiện) tốc độ bình quân mà các hàng hóa trải qua các giai đoạn chuyển hoá hình thái của chúng, tốc độ bình quân mà những chuyển hoá hình thái ấy nối tiếp với nhau như những khâu của một cái xích, tốc độ bình quân mà các hàng hoá đã trải qua các quá trình chuyển hoá hình thái của chúng, được thay thế trong quá trình lưu thông bằng những hàng hoá mới. Cho nên, nếu như trong quá trình xác định giá cả, giá trị trao đổi của tất cả mọi hàng hóa đều được chuyển hóa trên ý niệm thành một số lượng vàng có một lượng giá trị ngang như thế, và nếu như trong cả hai hành vi riêng lẻ của lưu thông là T – H và H – T, cũng một tổng số giá trị ấy lại tồn tại dưới hai hình thái: một mặt là hàng hoá, và mặt khác là vàng, — thì như vậy phương thức tồn tại của vàng là phương tiện lưu thông được quyết định không phải bởi mối quan hệ riêng lẻ của nó với các hàng hoá cá biệt ở trạng thái tĩnh, mà bởi phương thức tồn tại ở trạng thái động của nó trong thế giới hàng hoá đang vận động; phương thức tồn tại của vàng làm phương tiện lưu thông được quyết định bởi chức năng của vàng là biểu hiện sự thay đổi hình thái của hàng hoá bằng sự đổi chỗ của vàng, do đó biểu hiện tốc độ mau thay đổi hình thái của hàng hoá bằng tốc độ đổi chỗ của vàng. Như vậy, sự có mặt thực tế của vàng trong quá trình  lưu thông, nghĩa là cái khối lượng vàng thực tế đang lưu thông là do phương thức tồn tại chức năng của vàng trong bản thân tổng quá trình quyết định.

 

Tiền đề của lưu thông tiền tệ là lưu thông hàng hoá, cụ thể là: tiền tệ làm cho hàng hoá lưu thông, những hàng hoá này đã có giá cả rồi, nghĩa là trên ý niệm hàng hoá đã được sánh ngang với những số lượng vàng nhất định. Khi quy định giá cả của bản thân hàng hoá, thì lượng giá trị của số lượng vàng dùng làm đơn vị đo lường, hay là giá trị của vàng, cũng đã được giả định là đã biết trước rồi. Khi đã giả định như thế rồi, thì số lượng vàng cần thiết cho lưu thông trước hết do tổng số giá cả hàng hoá cần được thực hiện quyết định. Nhưng tổng số giá cả này lại được quyết định: 1) bởi mức giá cả, tức là cái mức tương đối cao hay thấp của giá trị trao đổi của hàng hoá tính bằng vàng, và 2) bởi khối lượng hàng hoá đang lưu thông theo những giá cả nhất định, tức là bởi tổng số những việc mua và những việc bán theo những giá cả nhất định2). Nếu một quác-tơ [quarter B. T.] lúa mì giá 60 si-linh [shilling — B. T.], thì muốn lưu thông số lúa mì đó, hay muốn thực hiện giá cả của số lúa mì đó, người ta phải cần đến một số vàng nhiều gấp hai lần khi giá lúa mì chỉ có 30 si-linh. Muốn lưu thông 500 quác-tơ lúa mì theo giá 60 si-linh, thì phải cần đến một số vàng nhiều hơn gấp hai lần khi lưu thông 250 quác-tơ cũng theo giá như thế. Sau hết, muốn lưu thông 10 quác-tơ lúa mì theo giá 100 si-linh, thì chỉ cần đến một số vàng nhỏ hơn gấp hai lần khi lưu thông 40 quác-tơ lúa mì theo giá 50 si-linh. Do dó, thấy rằng số vàng cần thiết để lưu thông hàng hoá có thể giảm xuống mặc dù giá cả tăng lên, nếu như khối lượng hàng hoá nằm trong lưu thông giảm xuống theo một tỷ lệ lớn hơn tỷ lệ tăng lên của tổng số giá cả; và ngược lại, khối lượng phương tiện lưu thông có thể tăng lên, nếu khối lượng hàng hoá nằm trong lưu thông giảm xuống, nhưng tổng số giá cả của chúng lại tăng lên với một tỷ lệ lớn hơn. Chẳng hạn, những công trình nghiên cứu tỉ mỉ và tuyệt vời của người Anh đã chứng minh rằng: Ở Anh, trong những thời kỳ đầu giá ngũ cốc mới tăng lên, thì khối lượng tiền lưu thông tăng lên, vì tổng số giá cả của cái khối lượng ngũ cốc đã giảm xuống, giờ đây lại lớn hơn là tổng số giá cả trước đây của cái khối lượng lớn hơn hiện nay: nhưng đồng thời sự lưu thông của khối lượng các hàng hoá khác vẫn không bị ảnh hưởng trong một thời gian nhất định, theo những giá cả như cũ. Trái lại, ở thời kỳ sau, thì khối lượng tiền lưu thông giảm xuống, hoặc vì ngoài ngũ cốc ra, thì những hàng hoá khác bán theo giá cả cũ bây giờ ít đi; hoặc vì bây giờ người ta vẫn bán một số lượng hàng hoá như trước, nhưng theo giá hạ hơn.

 

Nhưng, như chúng ta đã thấy, số lượng tiền lưu thông không phải chỉ do tổng số giá cả hàng hoá cần được thực hiện quyết định, mà còn do tốc dộ lưu thông của tiền tệ quyết định, hay nói cách khác, còn do khoảng thời gian trong đó tiền tệ hoàn thành việc thực hiện giá cả đó, quyết định. Nếu một đồng xu-vơ-ranh [sovereign — B. T.] đã mua được 10 lần trong cùng một ngày, — mỗi hàng hoá mua theo giá một xu-vơ-ranh, — thì như vậy nó đã đổi tay 10 lần nó đã làm được đúng cái công việc của 10 xu-vơ-ranh trong đó mỗi xu-vơ-ranh chỉ lưu thông có một lần trong một ngày3). Như vậy tốc độ luân chuyển của vàng có thể bù cho số lượng của nó, hay là phương thức tồn tại của vàng trong quá trình lưu thông, không chỉ được quyết định bởi phương thức tồn tại của nó với tư cách là vật ngang giá ở bên cạnh hàng hoá, mà còn bởi phương thức tồn tại của nó ở trong lòng sự vận động chuyển hoá hình thái của hàng hoá. Tuy nhiên, tốc độ lưu thông của tiền tệ chỉ bù cho số lượng của nó tới một giới hạn nào đó thôi, bởi vì trong mỗi một lúc nhất định, thì những việc mua và bán, vốn phân tán một cách vô cùng tận, đều được tiến hành song song trong không gian.

 

Nếu tổng số giá cả các hàng hoá trong lưu thông tăng lên, nhưng tăng lên theo một tỷ lệ thấp hơn là tỷ lệ tăng lên của tốc độ luân chuyển của tiền, thì khối lượng phương tiện lưu thông giảm xuống. Ngược lại, nếu tốc độ luân chuyển giảm xuống với một tỷ lệ lớn hơn tỷ lệ giảm xuống của tổng số giá cả của khối lượng hàng hoá đang nằm trong lưu thông, thì khối lượng phương tiện lưu thông tăng lên. Số lượng phương tiện lưu thông tăng lên trong khi giá cả giảm xuống một cách phổ biến hay số lượng phương tiện lưu thông giảm xuống trong lúc giá cả tăng lên một cách phổ biến, — đó là một trong những hiện tượng đã được xác định một cách rõ nhất trong lịch sử giá cả của hàng hoá. Nhưng những nguyên nhân khiến cho mức giá cả tăng lên và đồng thời khiến cho tốc độ luân chuyển của tiền tệ tăng lên với tỷ lệ còn lớn hơn nữa, cũng như sự vận động ngược lại, — không nằm trong phạm vi nghiên cứu về lưu thông giản đơn. Để thí dụ, ta có thể nêu rằng đặc biệt trong những thời kỳ tín dụng phồn thịnh, tốc độ luân chuyển của tiền tệ tăng nhanh hơn giá cả hàng hoá; còn như khi tín dụng giảm đi, thì giá cả các hàng hoá giảm xuống chậm hơn tốc độ lưu thông. Tính chất bề ngoài và hình thức của sự lưu thông tiền tệ giản đơn bộc lộ chính ngay ở sự việc là: tất cả các nhân tố quyết định số lượng của phương tiện lưu thông như: khối lượng hàng hoá đang lưu thông, giá cả, sự tăng lên hay hạ xuống của giá cả, số lượng những việc mua và bán tiến hành cùng một lúc, tốc độ luân chuyển của tiền tệ, — đều tùy thuộc vào quá trình chuyển hoá hình thái của thế giới hàng hoá; quá trình này lại tuỳ thuộc vào tính chất chung của phương thức sản xuất, vào dân số, vào mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn, vào sự phát triển của phương tiện vận tải, vào trình độ phân công lao động cao hay thấp, vào tín dụng v. v. — tóm lại, vào những hoàn cảnh nằm ở ngoài sự lưu thông tiền tệ giản đơn và chỉ phản ánh sự lưu thông đó mà thôi.

 

Như vậy, với một tốc độ lưu thông nhất định, thì khối lượng phương tiện lưu thông chỉ do giá cả của hàng hoá quyết định. Cho nên giá cả cao hay hạ, không phải vì trong lưu thông có một lượng tiền nhiều hay ít, mà trái lại trong lưu thông có một lượng tiền nhiều hay ít là vì giá cả cao hay hạ. Đó là một trong những quy luật kinh tế quan trọng nhất, và có lẽ thành tích duy nhất của phái kinh tế chính trị học Anh sau Ricardo là đã lấy lịch sử giá cả hàng hóa để chứng minh điều đó một cách chi tiết. Nếu kinh nghiệm chỉ ra rằng, trong một nước nào đó, mức lưu thông tiền kim khí, hay khối lượng vàng hay bạc trong lưu thông, tuy có những sự lên xuống nhất thời, đôi khi có những hiện tượng dồn vào hay rút ra rất mạnh4), nhưng nếu xét trên những thời gian khá dài, thì khối lượng đó vẫn như thế, và những sự chênh lệch với mức trung bình chỉ là những biến động rất nhỏ, — thì hiện tượng đó chỉ là do tính chất mâu thuẫn của những điều kiện quyết định khối lượng tiền tệ trong lưu thông gây nên mà thôi. Sự biến đổi song song của những điều kiện đó triệt tiêu ảnh hưởng của chúng và khiến cho sự vật giữ nguyên tình trạng cũ.

 

Quy luật: với một tốc độ luân chuyển của tiền tệ và tổng số giá cả các hàng hoá nhất định, thì số lượng phương tiện lưu thông là một đại lượng xác định, – quy luật đó còn có thể nêu như sau: khi giá trị trao đổi của hàng hoá và tốc độ trung bình của những sự chuyển hoá hình thái của chúng là những số xác định, thì số lượng vàng lưu thông do giá trị của bản thân nó quyết định. Vì vậy, nếu giá trị của vàng — nghĩa là thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra vàng — tăng lên hay giảm xuống, thì giá cả hàng hóa sẽ lên hay xuống theo tỷ lệ ngược lại, và trong khi tốc độ lưu thông vẫn y nguyên như cũ, thì tương ứng với việc các giá cả tăng lên hay giảm xuống một cách phổ biến như thế, khối lượng vàng cần thiết để lưu thông cùng một khối lượng hàng hoá như thế cũng sẽ tăng lên hay giảm xuống. Nếu thước đo giá trị cũ được thay thế bằng một kim loại khác có giá trị cao hơn hay thấp hơn, thì cũng sẽ xảy ra sự thay đổi như trên. Ví dụ, khi Hà Lan vì ân cần quan tâm đến các chủ nợ của nhà nước và vì sợ những hậu quả của việc phát hiện ra các mỏ vàng ở California và ở Australia, nên đã thay tiền vàng bằng tiền bạc, thì lúc đó nó đã phải cần một số bạc nhiều gấp 14, 15 lần số vàng mà trước kia nó phải cần đến để lưu thông cũng một khối lượng hàng hoá như thế.

 

Vì số lượng vàng lưu thông tùy thuộc vào tổng số giá cả luôn luôn biến đổi của các hàng hoá và vào tốc độ lưu thông luôn luôn biến đổi cho nên khối lượng phương tiện lưu thông bằng tiền kim khí phải có khả năng rút bớt hay tăng thêm, nghĩa là tuỳ theo nhu cầu của quá trình lưu thông mà vàng phải, khi thì đi vào quá trình đó với tư cách là phương tiện lưu thông, khi thì rút ra khỏi quá trình đó. Quá trình lưu thông, tự nó thực hiện những điều kiện ấy như thế nào, sau đây chúng ta sẽ thấy.

 


*Chú thích:

 

        Chú thích thuộc chính văn

 

1) Cùng một hàng hoá có thể được mua đi bán lại nhiều lần. Như vậy, nó lưu thông không phải với tư cách là một hàng hoá đơn thuần, mà nó lưu thông trong một tính quy định còn chưa có nếu xét trên góc độ phương tiện lưu thông giản đơn, về phương diện sự đối lập đơn thuần giữa hàng hóa và tiền.

 

2) Khối lượng tiền không quan trọng, "miễn sao có đủ tiền để duy trì giá cả thích ứng với các hàng hoá" (Boisguillebert, Sách đã dẫn ["Le détail de la France", 1697, Nhà xuất bản Eugène Daire, "Economistes financiers du XVIII siecle", Paris, 1843, vol. I ("Thương nghiệp bán lẻ của nước Pháp", 1697, Nhà xuất bản Eugène Daire: "Các nhà kinh tế tài chính thế kỷ XVIII", Paris, 1842, t. 1) B. T.], tr. 209). "Nếu việc lưu thông 400tr. pao xtéc-linh hàng hoá đòi hỏi phải có một khối lượng vàng là 40tr. pao, và nếu tỷ lệ 1/10 này là cái mức phù hợp, thì trong trường hợp đó, nếu vì những nguyên nhân tự nhiên mà giá trị của hàng hoá trong lưu thông tăng lên đến 450tr., thì khối lượng vàng tất phải tăng lên đến 45tr. để có thể giữ vững được cái mức phù hợp đó." (W. Blake, "Observations on the effects, produced by the expenditure of government, etc", London, 1823, p. 80 [W. Blake, "Bàn về ảnh hưởng của việc chi tiêu của chính phủ, v. v.", London, 1823, tr. 80]).

 

3) "Chính tốc độ luân chuyển của tiền, chứ không phải số lượng kim khí, làm cho người ta có cảm tưởng là có nhiều hay có ít tiền." (Galiani, Sách đã dẫn [Galiani, "Della Moneta", vol. III, trong "Scrittori classici italiani di economia politica" (do Custodi xuất bản), Parte Moderna, Milano, 1803 (Galiani, "Về tiền tệ", trong Văn tập Custodi, "Các nhà kinh tế chính trị học cổ điển Ý. Các nhà kinh tế học hiện nay", t. III, Milan, 1803) B. T.], tr. 99).

 

4) Nước Anh, hồi năm 1858, đã cho ta một thí dụ về sự giảm sút phi thường của khối lượng tiền kim khí trong lưu thông xuống dưới mức trung bình, như ta sẽ thấy qua đoạn trích dưới đây trong tờ "Economist"[1] ở London "Do ngay bản chất của hiện tượng" (tức là tính chất xé nhỏ của lưu thông giản đơn) "nên không thể xác định chính xác số lượng tiền mặt nằm trong lưu thông trên thị trường và trong tay các giai cấp không dính dáng với ngân hàng. Nhưng có lẽ sự hoạt động hay không hoạt động của các sở đúc tiền của các nước buôn bán lớn là một trong những dấu hiệu đáng tin cậy nhất chứng tỏ những sự lên xuống của số lượng tiền đó. Người ta sẽ đúc ra nhiều tiền khi cần đến nhiều tiền, và sẽ đúc ra ít tiền khi chỉ cần đến ít tiền… Ở Sở đúc tiền ở Anh số tiền đúc ra hồi năm 1855 là 9245000 p.xt; năm 1856 là 6476000 p.xt; năm 1857 là 5293858 p.xt; Năm 1858, Sở đúc tiền hầu như chả có công việc gì để làm cả." ("Economist" ngày 10 tháng Bảy 1858). Đồng thời trong hầm của Ngân hàng có chừng 18 triệu pao xtéc-linh vàng.

 

        Chú thích không thuộc chính văn

 

[1] "The Economist" ("Nhà kinh tế học") — tạp chí ra hàng tuần của Anh về các vấn đề kinh tế và chính trị, xuất bản ở Luân Đôn từ năm 1843; là cơ quan của giai cấp đại tư sản công nghiệp

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận