Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Sự sản xuất ra giá trị thặng dư

*Mục lục:

     * Lời mở đầu.

  1. Sản xuất và tiền công
  2. Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
  3. Tiền công và tiền
  4. Cung và cầu
  5. Tiền công và giá cả
  6. Giá trị và lao động
  7. Sức lao động
  8. Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
  9. Giá trị của lao động
  10.  Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
  11.  Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
  12.  Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
  13.  Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công
  14.  Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó.


     

8. SỰ SẢN XUẤT RA GIÁ TRỊ THẶNG DƯ

 

 Bây giờ, giả định rằng muốn sản xuất một lượng trung bình những tư liệu sinh hoạt cần thiết hàng ngày cho một công nhân nhất định thì phải mất 6 giờ lao động trung bình. Ngoài ra lại giả định rằng 6 giờ lao động trung bình đã được vật hoá trong một số lượng vàng bằng 3 Shilling. Như vậy 3 Shilling ấy sẽ là giá cả, hay là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng ngày của sức lao động của người công nhân đó. Nếu người ấy làm việc 6 giờ một ngày thì mỗi ngày, người đó sẽ sản xuất được một giá trị đủ để mua một lượng trung bình những tư liệu sinh hoạt hàng ngày cần cho mình, nghĩa là để bảo tồn bản thân mình với tư cách là người công nhân.

 

 Nhưng người đó là một công nhân làm thuê. Cho nên anh ta phải bán sức lao động của mình cho nhà tư bản. Nếu anh ta bán sức lao động đó lấy 3 Shilling một ngày, hay 18 Shilling một tuần, thì anh ta bán sức lao động ấy đúng giá trị của nó. Giả định rằng đó là một công nhân kéo sợi. Nếu anh ta làm việc 6 giờ một ngày thì mỗi ngày anh ta sẽ thêm vào bông một giá trị là 3 Shilling. Giá trị mà mỗi ngày anh ta thêm vào bông như vậy là vật ngang giá chính xác với tiền công của anh ta, hay với giá cả của sức lao động của anh ta mà hàng ngày anh ta nhận được. Nhưng, trong trường hợp đó, nhà tư bản sẽ chẳng thu được một giá trị thặng dư, hoặc một sản phẩm thặng dư nào cả. Do đó, ở đây, chúng ta vấp phải một khó khăn thật sự.

 

 Khi mua sức lao động của công nhân và trả tiền theo đúng giá trị của nó, nhà tư bản, cũng như tất cả những người mua khác, đã có được quyền tiêu dùng hay sử dụng hàng hóa đã mua. Hệt như người ta tiêu dùng hay sử dụng máy móc bằng cách bắt máy móc phải hoạt động, người ta cũng tiêu dùng hoặc sử dụng sức lao động của một người bằng cách bắt người ấy làm việc. Sau khi đã trả giá trị hàng ngày hay hàng tuần của sức lao động của công nhân, nhà tư bản được quyền dùng sức lao động ấy hoặc bắt sức lao động ấy phải làm việc cả ngày hay cả tuần. Dĩ nhiên là ngày lao động hay tuần lao động đều có những giới hạn nhất định. Nhưng sau này chúng ta sẽ xét đến điều đó kỹ hơn.

 

 Bây giờ, tôi muốn lưu ý các bạn đến một điểm có tính chất quyết định.

 

 Giá trị của sức lao động được quyết định bởi số lượng lao động cần thiết để duy trì hay tái sản xuất ra sức lao động ấy, nhưng việc sử dụng sức lao động ấy chỉ bị giới hạn bởi năng lực lao động và thể lực của công nhân mà thôi. Giá trị hàng ngày hay hàng tuần của sức lao động là một cái gì hoàn toàn khác với chi phí hàng ngày hay hàng tuần của sức lao động đó, cũng giống như thức ăn cần cho một con ngựa và thời gian nó có thể mang người cưỡi trên mình nó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Số lượng lao động tạo thành cái giới hạn của giá trị sức lao động của công nhân thì hoàn toàn không tạo thành cái giới hạn của số lượng lao động mà sức lao động của người đó có thể tiến hành được. Hãy lấy người công nhân kéo sợi của chúng ta làm ví dụ. Chúng ta đã thấy rằng hàng ngày, muốn tái sản xuất ra sức lao động của mình, anh ta phải tái sản xuất ra một giá trị hàng ngày là 3 Shilling, cái mà anh ta thực hiện được bằng cách lao động mỗi ngày 6 giờ. Nhưng điều đó lại không làm cho anh ta mất cái khả năng có thể lao động mỗi ngày 10 – 12 giờ hay hơn nữa. Song, khi trả cho giá trị hàng ngày hay hàng tuần của sức lao động của công nhân kéo sợi, nhà tư bản có quyền dùng sức lao động đó trong cả ngày hay cả tuần. Do đó, nhà tư bản bắt người công nhân kéo sợi phải lao động, 12 giờ một ngày chẳng hạn. Ngoài 6 giờ lao động cần thiết để bù lại tiền công của mình hay giá trị sức lao động của mình, người công nhân kéo sợi sẽ còn phải lao động thêm 6 giờ nữa mà tôi gọi là những giờ lao động thặng dư, hơn nữa lao động thặng dư này được thể hiện trong giá trị thặng dư và sản phẩm thặng dư. Chẳng hạn, nếu người công nhân kéo sợi của chúng ta lao động mỗi ngày 6 giờ, thêm vào bông một giá trị là 3 Shilling, giá trị này là vật ngang giá chính xác với tiền công của mình, thì trong 12 giờ anh ta sẽ thêm vào bông một giá trị là 6 Shilling và sẽ sản xuất ra một lượng sợi thặng dư tương ứng. Vì anh đã bán sức lao động của mình cho nhà tư bản, cho nên toàn bộ giá trị hay toàn bộ sản phẩm do anh ta tạo ra, là thuộc về nhà tư bản là kẻ chiếm hữu pro tempore (Tạm thời) sức lao động của anh ta. Do đó, khi ứng ra 3 Shilling, nhà tư bản thực hiện được một giá trị là 6 Shilling, vì khi ứng ra một giá trị trong đó đã kết tinh 6 giờ lao động thì nhà tư bản lại nhận được trở lại một giá trị trong đó đã kết tinh 12 giờ lao động. Lặp đi lặp lại quá trình đó hàng ngày, nhà tư bản sẽ ứng ra mỗi ngày 3 Shilling và mỗi ngày sẽ bỏ túi được 6 Shilling mà một nửa lại được dùng để trả tiền công, còn nửa kia là giá trị thặng dư mà hắn ta không trả bằng một vật ngang giá nào cả. Chính cách trao đổi như thế giữa tư bản và lao động là cơ sở của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, hay chế độ lao động làm thuê, và cách trao đổi ấy phải thường xuyên dẫn tới chỗ tái sản xuất ra công nhân với tư cách là công nhân và nhà tư bản với tư cách là nhà tư bản.

 

 Trong những điều kiện khác giống nhau, tỷ suất giá trị thặng dư phụ thuộc vào tỷ lệ giữa phần ngày lao động cần thiết để tái sản xuất ra giá trị sức lao động, với thời gian thặng dư, hay lao động thặng dư làm cho nhà tư bản. Bởi vậy, tỷ suất đó phụ thuộc vào mức độ theo đó ngày lao động bị kéo dài quá số thời gian mà công nhân, bằng lao động của mình, chỉ tái sản xuất ra giá trị sức lao động của mình hoặc chỉ bù lại tiền công của mình.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận