ABC về Chủ nghĩa cộng sản (Chương V)

Chương V: Quốc tế hai và Quốc tế ba

 

§ 35. Chủ nghĩa quốc tế của phong trào công nhân là tiên quyết để dẫn đến thắng lợi của cách mạng cộng sản

Cách mạng cộng sản chỉ có thể khải hoàn với tư cách là một cuộc cách mạng thế giới. Nếu có tình huống mà trong đó giai cấp công nhân chỉ nắm quyền ở duy nhất một quốc gia, trong khi đó ở các quốc gia khác, giai cấp công nhân vẫn phải quỳ gối trước tư bản, không phải vì họ sợ hãi mà vì họ đã bị đánh bại, thì đến cùng, những Nhà nước ăn cướp to lớn sẽ đè bẹp Nhà nước công nhân đầu tiên đó. Trong những năm 1917 rồi 18-19, tất cả các cường quốc đều cố gắng nghiền nát nước Nga Xô Viết; năm 1919 Xô Viết Hungary đã bị họ nghiền nát. Dẫu vậy họ đã không thể đè bẹp được nước Nga Xô Viết, bởi tình hình nội bộ ở nước họ cũng rất nguy nan, các chính phủ đều sợ bị lật đổ bởi công nhân nước họ, những người đang yêu cầu quân xâm lược phải rút khỏi Nga. Ý nghĩa của việc này, trước tiên là việc hiện thực hóa chế độ chuyên chính vô sản ở một quốc gia là điều vô cùng chông gai trừ khi có sự hỗ trợ tích cực từ công nhân ở các quốc gia khác. Và thứ hai nó cho thấy rằng, với điều kiện như vậy, khi người lao động chỉ giành được thắng lợi ở một nước, thì việc tổ chức đời sống kinh tế ở nước đó là một vấn đề hết sức khó khăn. Một quốc gia như vậy nhận được rất ít hoặc không gì cả từ nước ngoài; nó bị bao vây tứ bề.

Dù thế nào, để chủ nghĩa cộng sản thắng lợi thì điều cần thiết là phải có một cuộc cách mạng thế giới và công nhân ở mọi nơi phải tương trợ cho nhau, điều này hàm ý rằng sự đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân là một tiền đề quan trọng để chiến thắng. Điều kiện đấu tranh chung của công nhân cũng giống như điều kiện đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước đơn lẻ. Ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, người công nhân không thể tổ chức đình công thành công khi vẫn còn hành động đơn độc; họ chỉ có thể giành được thắng lợi khi công nhân trong các nhà máy riêng biệt phối hợp hỗ trợ cho nhau, khi họ thành lập một tổ chức chung và khi họ tiến hành một chiến dịch thống nhất chống lại tất cả các chủ nhà máy. Suy rộng ra cũng vậy thôi. Họ chỉ có thể giành được chiến thắng khi họ hành quân, sánh vai bên nhau, không gây gổ với nhau, khi những người vô sản trên khắp mọi miền đoàn kết, cảm thấy mình là một giai cấp thống nhất và tất cả đều có một lợi ích chung, hoàn toàn tin cậy lẫn nhau, liên minh trong tình anh em, đoàn kết hành động cách mạng chống chủ nghĩa tư bản thế giới – chỉ những điều này mới có thể mang lại thắng lợi cho giai cấp công nhân. PHONG TRÀO CỘNG SẢN CỦA CÔNG NHÂN CHỈ CÓ THỂ CHIẾN THẮNG VỚI TƯ CÁCH LÀ PHONG TRÀO CỘNG SẢN QUỐC TẾ.

Sự cần thiết của một cuộc đấu tranh quốc tế đã được thừa nhận từ lâu bởi một bộ phận giai cấp vô sản. Vào những năm bốn mươi của thế kỷ trước, trước cuộc cách mạng năm 1848, đã tồn tại một tổ chức quốc tế bí mật được gọi là Liên đoàn Cộng sản. Marx và Engels là những nhà lãnh đạo của nó. Tại hội nghị Luân Đôn của tổ chức, họ đã được yêu cầu viết một bản tuyên ngôn nhân danh tổ chức này. Đó là nguồn gốc của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, trong đó các nhà lãnh đạo vĩ đại của giai cấp vô sản đã đưa ra bài giảng đầu tiên về chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1864, dưới sự lãnh đạo của Marx, Hiệp hội những người lao động quốc tế được thành lập, thường được gọi là Quốc tế thứ nhất. Trong Quốc tế thứ nhất đã có sự liên kết của một số lãnh đạo giai cấp công nhân từ các nước khác nhau, nhưng sự thống nhất hãy lỏng lẻo. Hơn nữa, tổ chức này vẫn chưa dựa trên đông đảo quần chúng công nhân, mà mang hình thức của một nhóm quốc tế những người ủng hộ cách mạng. Năm 1871, các thành viên của Quốc tế tham gia vào cuộc nổi dậy của công nhân Paris (Công xã Paris). Rồi sau đó, ở khắp nơi các chi nhánh của Quốc tế thứ nhất bị đàn áp. Nó sụp đổ vào năm 1874, sau khi bị suy yếu đi rất nhiều bởi những bất đồng nội bộ, bởi các cuộc đấu tranh giữa những người theo chủ nghĩa Marx và những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, Bakunin. Sau khi Quốc tế thứ nhất tan rã, ở nhiều nước khác nhau các đảng xã hội chủ nghĩa bắt đầu dần lớn mạnh. Sự phát triển của công nghiệp càng tăng tốc thì tốc độ phát triển của chúng càng mạnh mẽ. Nhu cầu hỗ trợ lẫn nhau được cảm nhận mạnh mẽ đến nỗi vào năm 1889 đại hội quốc tế xã hội chủ nghĩa đã được tổ chức với sự tham dự của đại biểu các đảng xã hội chủ nghĩa ở nhiều nước. Nhờ vậy mà Quốc tế thứ hai đã ra đời. Quốc tế thứ hai vẫn tồn tại cho đến năm 1914 khi chiến tranh giáng một đòn chí mạng vào nó. Nguyên nhân cho sự thất bại của nó sẽ được thảo luận trong phần tiếp theo.

Lời kêu gọi đấu tranh của Marx vẫn còn vang vọng trong Tuyên ngôn Cộng sản: ‘Hỡi những người vô sản trên mọi miền đất, hãy đoàn kết lại!’. Bản tuyên ngôn kết luận: ‘Những người cộng sản coi khinh việc che giấu quan điểm và mục tiêu của họ. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng lật đổ trật tự xã hội hiện có bằng vũ lực. Hãy để các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc cách mạng cộng sản. Những người vô sản không có gì để mất ngoài xiềng xích của mình nhưng có cả thế giới để chiếm lại. Hỡi những người vô sản trên mọi miền đất, hãy đoàn kết lại!’

Do đó, có vẻ như sự đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản không phải là một món đồ chơi hay một mỹ từ, mà là một nhu cầu thiết yếu mà nếu không có phong trào giai cấp công nhân sẽ khó tránh khỏi thất bại.

§ 36. Sự sụp đổ của Quốc tế thứ hai và nguyên nhân của nó

Khi đại chiến thế giới bắt đầu vào tháng 8 năm 1914, các đảng xã hội chủ nghĩa và dân chủ-xã hội của các quốc gia tham chiến khác nhau (ngoại trừ Nga, Serbia và sau đó là Ý), thay vì lên án chiến tranh, thay vì khích động công nhân nổi dậy lại cùng nhau đứng về phía chính phủ của họ và cung cấp sự hỗ trợ cho những chiến dịch của quân kẻ cướp. Trong cùng một ngày, cả ở Pháp và Đức các đại biểu xã hội chủ nghĩa trong quốc hội đã bỏ phiếu thông qua tín dụng chiến tranh, và do đó tiếp tay với các chính phủ của bọn kẻ cướp. Thay vì hợp lực để nổi lên chống lại những tên tội phạm tư sản, các đảng xã hội chủ nghĩa đã tiếp nhận những lập trường riêng biệt, mỗi bên lại tụ họp dưới một ngọn cờ của chính phủ tư sản ‘của nước mình’. Cuộc chiến đã bắt đầu với sự hỗ trợ trực tiếp của các bên xã hội chủ nghĩa; và như vậy các nhà lãnh đạo của các đảng này đã lật lọng và phản bội sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Đệ nhị Quốc tế đã chết một cái chết ô nhục.

Có điều thú vị là, trước khi phản bội chỉ vài ngày, báo chí xã hội chủ nghĩa và các nhà lãnh đạo của các đảng xã hội đã họp lại với nhau để phản chiến. Ví dụ như Gustave Hervé, kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội Pháp, đã viết như sau trên tờ ‘La Guerre Sociale’ [Cuộc chiến giai cấp, sau được đổi tên thành Chiến thắng]: ‘Chúng ta phải chiến đấu để cứu lấy uy tín của sa hoàng! … Sao mà vui vẻ được khi chết cho cái mục đích vinh quang đó!’ Ba ngày trước khi chiến tranh bùng nổ, Đảng Xã hội Pháp đã ra tuyên ngôn chống lại nó, và những người theo chủ nghĩa nghiệp đoàn Pháp đã viết trong tờ báo của họ, ‘Công nhân! Nếu bạn không hèn nhát, hãy phản đối!’ Nhiều cuộc mít tinh phản đối lớn đã được các nhà dân chủ xã hội Đức tổ chức. Ký ức về nghị quyết được thông qua tại đại hội quốc tế Basel vẫn còn nguyên vẹn, một nghị quyết có nội dung là trong trường hợp có chiến tranh phải sử dụng mọi phương tiện có thể để ‘kích động nhân dân nổi dậy và đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản’. Nhưng chỉ trong vòng một hai ngày, chính những đảng này và cùng những lãnh tụ này đã khăng khăng đòi hỏi phải ‘bảo vệ tổ quốc’ (điều này có nghĩa gì ngoài bảo vệ cái Nhà nước kẻ cướp của giai cấp tư sản ‘của nước họ’). Ở Áo, ‘Arbeiter Zeitung’ [Công báo của Người lao động] đã thực sự tuyên bố rằng công nhân phải hợp sức để bảo vệ ‘nhân dân Đức’.

Để hiểu được sự sụp đổ ô nhục của Quốc tế thứ hai, chúng ta phải nghiên cứu sự phát triển của phong trào giai cấp công nhân trước chiến tranh. Trước cuộc xung đột này, chủ nghĩa tư bản ở Châu Âu và Hoa Kỳ đã phát triển phần nhiều nhờ vào sự cướp bóc điên cuồng các thuộc địa. Tất cả những khía cạnh ghê tởm và dã man của chủ nghĩa tư bản đã được phô bày ở đây đặc biệt rõ ràng. Bằng cách bóc lột tàn bạo, bằng sự cướp bóc, lừa đảo và vũ lực, giá trị thặng dư được bòn rút từ ​​các quốc gia thuộc địa, được chuyển thành lợi nhuận cho những con cá mập của tư bản tài chính Âu Mỹ. Vị thế trên thị trường quốc tế của nhà nước tư bản nào càng lớn thì lợi nhuận thu được từ việc bóc lột các thuộc địa lại càng cao. Nhờ những khoản lợi thặng dư này mà người ta có thể đảm bảo được khả năng trả cho những nô lệ làm công ăn lương của mình nhiều hơn một chút so với mức lương bình thường của lao động. Tất nhiên không phải đối với tất cả những người làm công ăn lương, mà chỉ với những người mà ta thường gọi là công nhân lành nghề. Do đó, các tầng lớp này của giai cấp công nhân ngả nghiêng về phía tư bản. Lập luận của họ như sau: ‘Nếu ngành công nghiệp “của chúng ta” tìm được thị trường ở các thuộc địa châu Phi, thì càng tốt; nó sẽ phát triển hơn nữa; ông chủ sẽ kiếm được nguồn lợi nhuận lớn hơn, và do đó chúng ta sẽ thọc được một ngón tay vào chiếc bánh.’ Vì vậy, tư bản buộc những người làm công ăn lương lệ thuộc vào Nhà nước của mình, mua chuộc một bộ phận trong số họ, những người bị thu hút bởi miếng bánh trong công cuộc cướp bóc thuộc địa.

Những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học đã lưu ý đến hiện tượng này. Chẳng hạn, trong một bức thư gửi Kautsky, Engels đã viết vào năm 1882: “Anh hỏi tôi công nhân Anh nghĩ gì về chính sách thuộc địa ư. Nó rất giống những gì họ nghĩ về chính trị nói chung. Ở đây chưa tồn tại đảng lao động mà chỉ có những người bảo thủ và tự do cấp tiến; trong khi đó người công nhân vui vẻ dự phần vào những mối lợi được tích lũy nhờ thế độc quyền của người Anh trên thị trường thế giới và ở các thuộc địa.” Trên mảnh đất này đã nảy nở một hình thức nô dịch đặc biệt, một sự gắn bó của người công nhân với giai cấp tư sản ở đất nước họ, một sự tự nhục trước họ. Engels đã viết vào năm 1889: “Hiện tượng đáng ghét nhất ở đây, ở nước Anh này, là sự tôn kính dành cho các nhà tư sản đã ngấm đến tận xương tủy người công nhân… Nguồn gốc sâu xa của nó là sự tôn trọng bẩm sinh đối với “những người giỏi hơn” và “những kẻ bề trên”, đến nỗi mà ngài Tư sản cũng cảm thấy việc nắm người công nhân trong tay mình là một việc quá ư dễ dàng. Tôi thực sự tin từ tận đáy lòng rằng ngài John Burns coi trọng sự mến mộ của mình trước Hồng y Manning và những người nổi tiếng khác, với giai cấp tư sản nói chung, hơn là sự mến mộ của ông ấy đối với giai cấp của chính ông.”

Quần chúng lao động không quen tiến hành một cuộc chiến đấu lớn trên phạm vi quốc tế. Thật vậy, họ không có cơ hội cho bất cứ thứ gì tương tự. Phần lớn hoạt động của các tổ chức của họ bị hạn chế trong ranh giới do Nhà nước tư sản của họ giám sát. Giai cấp tư sản ‘của họ’ hướng sự quan tâm một bộ phận của giai cấp công nhân đến chính sách thuộc địa, chủ yếu là tầng lớp công nhân lành nghề. Miếng mồi tương tự cũng được đưa ra và được đớp bởi những người lãnh đạo các tổ chức của giai cấp công nhân, bởi bộ máy quan liêu của giai cấp công nhân, và bởi các đại biểu quốc hội của giai cấp công nhân, những người này đều đã có cho mình những góc ấm cúng và có khuynh hướng ủng hộ cái gọi là ‘hòa bình’, ‘yên tĩnh’, và ‘tuân thủ luật pháp’. Như chúng tôi đã chỉ ra rằng các khía cạnh khát máu của chủ nghĩa tư bản đặc biệt thể hiện ở các thuộc địa. Ở châu Âu và Hoa Kỳ, công nghiệp rất phát triển, và ở những khu vực này, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đã diễn ra theo các hình thức tương đối hòa bình. Kể từ năm 1871, không có cuộc cách mạng lớn nào xảy ra ở bất kỳ đâu ngoại trừ ở Nga, và ở hầu hết các quốc gia thì không có cuộc cách mạng nào kể từ năm 1848. Mọi người thường quen với ý tưởng rằng sự phát triển trong tương lai của chủ nghĩa tư bản sẽ là hòa bình, và ngay cả những người nói về các cuộc chiến sắp tới cũng gần như không tin vào lời nói của chính họ. Một bộ phận công nhân, bao gồm cả những người đứng đầu, ngày càng có xu hướng chấp nhận quan điểm ​​cho rằng giai cấp công nhân nên quan tâm đến chính sách thuộc địa và công nhân phải hợp lực với giai cấp tư sản nước mình để thúc đẩy sự ‘thịnh vượng chung của quốc gia’ trong vấn đề này. Cũng nhờ đó, một số lượng lớn thuộc tầng lớp trung lưu thấp hơn đã đổ xô vào các đảng xã hội. Ví dụ, ở Đức, trong số các thành viên của nhóm nghị sĩ xã hội – dân chủ, có khá nhiều chủ quán và quản lý nhà ăn của giai cấp công nhân. Năm 1892, trong số 35 nghị sĩ xã hội chủ nghĩa, có 4 người theo các nghề này; năm 1905, có 6 trong số 81; năm 1912, có 12 trong số 110.

Không có gì phải ngạc nhiên khi ở những thời điểm quan trọng, sự tận tâm của họ dành cho Nhà nước đế quốc của những kẻ cướp lại lớn hơn sự tận tâm dành cho tình đoàn kết quốc tế.

DO VẬY MÀ CHÚNG TÔI THẤY RẰNG NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU CHO SỰ TAN RÃ CỦA QUỐC TẾ THỨ HAI CHỈ CÓ THỂ ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG SỰ THẬT RẰNG CHÍNH SÁCH THUỘC ĐỊA VÀ THẾ ĐỘC QUYỀN VÀO CÁC TỜ-RỚT CỦA NHÀ NƯỚC ĐẠI TƯ BẢN, ĐÃ GẮN CÔNG NHÂN VÀ ĐẶC BIỆT LÀ ‘TẦNG LỚP TRÊN CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN’ – VỚI NHÀ NƯỚC TƯ SẢN ĐẾ QUỐC.

Trong lịch sử phong trào giai cấp công nhân, thường xảy ra việc công nhân đồng lõa với những kẻ áp bức họ. Ví dụ, trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, người công nhân ngồi cùng bàn với chủ, coi xưởng của chủ như thể nó là của chính mình, và coi chủ không phải như kẻ thù mà là ‘người cho họ công ăn việc làm’. Chỉ theo thời gian, những người công nhân trong các nhà máy khác nhau mới đoàn kết lại với nhau để chống lại tất cả các ông chủ. Khi các nước lớn tự chuyển mình thành ‘Nhà nước tư bản đáng tin cậy’, những người công nhân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng vào các Nhà nước tư bản giống như sự tận tâm mà trước kia họ đã thể hiện đối với cá nhân các ông chủ.

Chỉ chiến tranh đến mới dạy cho họ rằng họ không được đứng về phía các Nhà nước tư sản của mình, mà phải hợp lực để lật đổ các Nhà nước tư sản này và thực hiện chế độ chuyên chính của giai cấp vô sản.

§37. Khẩu hiệu ‘Bảo vệ tổ quốc’ và ‘Chủ nghĩa hoà bình’ 

Lãnh đạo của các đảng xã hội chủ nghĩa và Đệ nhị Quốc tế đã bào chữa cho việc phản bội lại sự nghiệp của những người công nhân nói riêng và cuộc đấu tranh của giai cấp lao động nói chung bằng cách nói rằng việc bảo vệ Tổ quốc là rất cần thiết.

Ta đã thấy rằng khi bàn về chiến tranh đế quốc thì điều này hoàn toàn vô nghĩa. Trong cuộc chiến đó, không có cường quốc nào ở tư thế tự vệ cả; tất cả đều là đám gây hấn. Khẩu hiệu ‘bảo vệ Tổ quốc’ (tức là bảo vệ nhà nước tư sản) chẳng qua là một trò bịp bợm và được đám lãnh đạo reo hò để che giấu đi sự phản bội của chúng.

Ở đây ta cần phải xem xét vấn đề ở những chi tiết rộng hơn.

Đầu tiên, thế nào là Tổ quốc của chúng ta? Từ ngữ đó có nghĩa là gì? Nó có phải là tập hợp tất cả những người có chung ngôn ngữ, hay là nó giống với ‘dân tộc’? Không, hoàn toàn không phải thế. Ta thử xem xét ví dụ về nước Nga Sa hoàng. Khi giới tư sản Nga đang làm ầm ĩ về việc bảo vệ Tổ quốc, nó không hề nghĩ về một vùng đất mà tất cả những người cùng một quốc tịch đang sinh sống, hay nghĩ về vùng đất mà những người Nga da trắng đang sinh sống; nó đang ám chỉ đến rất nhiều dân tộc thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đang định cư ở Nga. Vậy thì đám tư sản đang muốn nói đến thứ gì? Chẳng gì khác ngoài nhà nước cầm quyền của giới tư sản và địa chủ. Đó mới là thứ mà bọn tư bản muốn những người công nhân Nga bảo vệ. Thật sự, hiển nhiên là chúng không nghĩ chỉ đơn giản bảo vệ nó mà còn muốn mở rộng biên giới đất nước để sáp nhập Constantinople và Krakow. Khi giới tư sản Đức đang hát bài ca bảo vệ Tổ quốc, chúng đang ám chỉ gì vậy? Ở đây chúng đang ám chỉ đến việc cầm quyền của giới tư sản Đức và việc mở rộng biên giới của nhà nước cướp bóc cai trị bởi Wilhelm II.

Sau đây chúng ta phải tìm hiểu xem liệu dưới chủ nghĩa tư bản thì giai cấp lao động có một Tổ quốc thực sự nào không. Trong ‘Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản’, Marx đã trả lời cho câu hỏi này rằng ‘Người công nhân thì không có Tổ quốc’. Những gì ông đã nói là hoàn toàn đúng. Tại sao? Câu trả lời rất đơn giản. Bởi vì dưới chủ nghĩa tư bản những người công nhân không hề có quyền lực, bởi vì dưới chủ nghĩa tư bản mọi thứ đều nằm trong tay giai cấp tư sản, bởi vì dưới chủ nghĩa tư bản thì nhà nước chỉ đơn thuần là công cụ cho việc áp bức và đàn áp giai cấp lao động. Ta đã thấy rằng nhiệm vụ của giai cấp vô sản là tiêu huỷ nhà nước tư sản chứ không phải bảo vệ nó. Chỉ khi đó những người vô sản mới thực sự có Tổ quốc, khi họ đã nắm quyền lực và trở thành chủ nhân của đất nước. Khi đó, và chỉ khi đó giai cấp vô sản mới có nghĩa vụ phải bảo vệ Tổ quốc vì như vậy là bảo vệ quyền lực và sự nghiệp của họ; họ sẽ không bảo vệ nhà nước của kẻ thù và cũng không bảo vệ những chính sách cướp bóc của những kẻ đàn áp.

Giai cấp tư sản hoàn toàn ý thức được về việc này. Đây là một bằng chứng cho sự thật đó. Khi giai cấp vô sản tác động đến công cuộc chinh phục quyền lực ở Nga, giới tư sản Nga bắt đầu chiến đấu chống lại nước Nga, liên minh với những kẻ nào sẵn lòng làm thế – với Đức, Nhật, Anh, Mỹ, với rất đông những kẻ như vậy. Tại sao? Vì mất quyền lực ở Nga cũng có nghĩa là mất đi quyền lực để cướp bóc và cưỡng đoạt, mất đi quyền bóc lột của tư sản. Giới tư sản Nga bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng tiêu diệt những người vô sản Nga, tức là tiêu diệt nhà nước Xô Viết. Ta lấy Hungary làm một ví dụ khác. Khi giới tư sản đang nắm quyền trong tay thì chúng đưa ra những lời yêu cầu khẩn khoản phải bảo vệ Tổ quốc, nhưng để tiêu diệt những người vô sản thì chúng ngay lập tức gia nhập liên minh với Romania, Tiệp Khắc, Áo và phe Hiệp Ước. Như thế ta thấy rằng giới tư sản biết rất rõ điều đó là gì. Dưới lời cầu khẩn bảo vệ Tổ quốc, chúng lôi kéo toàn thể công dân bảo vệ quyền lực giới tư sản và khép bất cứ ai từ chối hỗ trợ vào tội phản quốc. Mặt khác, khi vấn đề là phải tiêu diệt những người vô sản cùng Tổ quốc, chúng tập hợp tất cả lực lượng và chẳng từ thủ đoạn nào.

Giai cấp vô sản phải bắt chước theo giới tư sản; họ phải tiêu diệt Tổ quốc tư sản và khoanh tay trước công cuộc quốc phòng hay mở rộng nó; nhưng giai cấp vô sản phải bảo vệ Tổ quốc của họ bằng tất cả ý chí và cho đến giọt máu cuối cùng.

Đối với tất cả những lập luận này, những kẻ phản đối có thể sẽ đáp lại như sau. Anh ta sẽ nói ‘Phải chăng bạn không biết rằng các chính sách thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc đã giúp ích cho sự phát triển công nghiệp của các cường quốc, và nhờ có điều này mà lợi ích vụn vặt của giới làm chủ sẽ chảy[1] xuống giai cấp lao động? Chắc chắn điều này có nghĩa là người công nhân phải bảo vệ chủ của mình, phải giúp ông chủ chống lại những kẻ cạnh tranh.’

Mọi thứ hoàn toàn không như vậy. Chúng ta hãy giả sử rằng có hai nhà sản xuất mà chúng ta sẽ gọi là Schultz và Petrov. Họ là đối thủ của nhau trên thị trường. Schultz nói với những người lao động của mình: ‘Các bạn, hãy ủng hộ tôi bằng tất cả sức mạnh của bạn. Làm tất cả những gì bạn có thể gây tổn thất cho nhà máy Petrov, cho bản thân Petrov, cho những người lao động của hắn. Khi đó nhà máy của tôi sẽ phát triển vì tôi đã hạ bệ Petrov và công việc kinh doanh của tôi sẽ hưng thịnh. Tôi sẽ có thể tăng lương cho tất cả các bạn.’ Petrov cũng nói như vậy với người của mình. Bây giờ chúng ta hãy giả sử rằng Schultz là kẻ chiến thắng. Rất có thể trong cơn hừng hực chiến thắng anh ta sẽ tạo điều kiện tăng lương cho những người lao động của mình. Nhưng sau một thời gian anh ta sẽ cắt giảm lương xuống mức cũ. Nếu bấy giờ công nhân trong nhà máy Schultz đình công và muốn những người trước đây làm việc trong nhà máy Petrov giúp họ, những người sau sẽ nói: ‘Rất tốt! Các bạn đã làm tất cả có thể để gây tổn hại cho chúng tôi và bây giờ các bạn đến tìm chúng tôi để được giúp đỡ! Hãy cút đi!’ Lúc này sẽ không thể sắp xếp một cuộc tổng đình công. Khi những người công nhân thiếu đoàn kết, nhà tư bản mạnh lên. Bây giờ hắn ta đã lật đổ đối thủ cạnh tranh của mình, hắn ta có thể có được những người lao động làm công ăn lương tốt hơn những người đã bị sa thải. Trong một khoảng thời gian ngắn, các công nhân trong nhà máy của Schultz được hưởng mức lương cao hơn, nhưng cái lợi ích ấy cũng sớm bị mất đi. Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc đấu tranh quốc tế. Nhà nước tư sản là liên minh của giới chủ. Khi một liên minh như vậy phát triển béo bở bằng cách gây hại cho liên minh khác, nó có thể lôi kéo người lao động. Sự sụp đổ của Đệ nhị Quốc tế và sự phản bội chủ nghĩa xã hội của các lãnh đạo phong trào giai cấp công nhân xảy ra bởi vì các lãnh đạo này quyết tâm ‘bảo vệ’ những lợi ích vụn vặt được giới chủ vứt xuống và hy vọng lợi ích này sẽ tăng lên. Trong thời kỳ chiến tranh, do tội phản quốc nói trên, những người công nhân bị tan rã, tư bản ở tất cả các nước đã tạo ra gánh nặng khủng khiếp cho họ. Các công nhân đã nhận ra tính toán sai lầm của họ; họ hiểu ra rằng các nhà lãnh đạo của họ đã bán đứng họ vì mục đích nhỏ nhặt. Vậy nên chủ nghĩa xã hội bắt đầu tái sinh. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu rằng những cuộc biểu tình đầu tiên sẽ đến từ những người lao động phổ thông bị trả lương thấp. ‘Tầng lớp lao động quý tộc’ (ví dụ như thợ in) và các nhà lãnh đạo cũ thì vẫn tiếp tục chơi trò phản bội.

Chưa thoả mãn với việc sử dụng khẩu hiệu bảo vệ Tổ quốc (tư sản), giai cấp tư sản có một phương tiện khác để lừa dối và biến quần chúng lao động thành những tên ngốc. Chúng tôi đang đề cập đến cái gọi là chủ nghĩa hòa bình. Cái tên này được đặt theo quan điểm rằng, trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản – nếu không có cuộc cách mạng nào, không có cuộc nổi dậy nào của công nhân – thì một triều đại hòa bình toàn cầu có thể được thiết lập. Chúng ta được tuyên truyền rằng chỉ cần thiết lập các tòa án phân xử giữa các cường quốc khác nhau, xóa bỏ ngoại giao bí mật, thỏa thuận giải trừ quân bị (thoạt tiên, có lẽ chỉ ở một mức độ hạn chế) là đủ. Với điều này và một vài biện pháp tương tự, tất cả đều sẽ ổn.

Khuyết điểm cơ bản của chủ nghĩa hoà bình là giới tư sản sẽ không đơn giản tiến hành bất cứ điều tốt đẹp gì như giải trừ quân bị. Hoàn toàn vô lý khi ra sức rao giảng việc giải trừ quân bị trong kỷ nguyên đế quốc và nội chiến. Giới tư sản sẽ sẵn sàng bỏ công để được trang bị vũ lực chu đáo, và nếu những người công nhân tước bỏ vũ khí hoặc không thể tự trang bị vũ khí, họ đang tự mời gọi sự huỷ diệt đến với mình. Vậy, ta có thể nhận ra rằng những khẩu hiệu của người chuộng hoà bình tất yếu phải dẫn đến sự chệch hướng của giai cấp vô sản. CHỦ NGHĨA CHUỘNG HOÀ BÌNH CÓ XU HƯỚNG NGĂN CẢN NHỮNG NGƯỜI CÔNG NHÂN TẬP TRUNG SỰ CHÚ Ý VÀO CUỘC ĐẤU TRANH VŨ TRANG CHO CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN.

Ví dụ tốt nhất về đặc trưng lừa đảo của chủ nghĩa chuộng hòa bình được đưa ra bởi chính sách của Wilson và mười bốn điểm của hắn[2]. Ở đó, dưới những ngôn từ hoa mỹ và nhân danh Hội Quốc Liên, nạn cướp bóc trên toàn thế giới và một cuộc nội chiến chống lại giai cấp vô sản đã được ban bố. Các ví dụ sau đây sẽ cho thấy độ đê tiện của những kẻ theo chủ nghĩa hoà bình có thể xuống thấp đến mức nào. Taft, từng là tổng thống của Hoa Kỳ một thời gian, là một trong những người sáng lập Hiệp hội Hòa bình Hoa Kỳ đồng thời là một tên chủ nghĩa đế quốc điên cuồng. Ford, nhà sản xuất ô tô có động cơ nổi tiếng của Mỹ, đã tài trợ toàn bộ cuộc viễn chinh đến châu Âu để thổi bùng quan điểm hòa bình của mình; nhưng đồng thời ông ta cũng kiếm được hàng triệu đô la từ những việc mà các nhà máy của ông ta đã làm cho chiến tranh. Fried, trong Sổ tay Phong trào Hòa bình (Handbuch der Friedensbewegung, tập ii, trang 149-50) quả quyết với độc giả rằng cuộc viễn chinh chung của các đế quốc chống lại Trung Quốc vào năm 1900 đã chứng minh ‘tình anh em hữu nghị của các quốc gia’. Ông ta viết như sau: ‘Cuộc viễn chinh đến Trung Quốc đã cung cấp một bằng chứng khác về sự phát triển của ý tưởng hòa bình trong các vấn đề đương đại. Một hiệp hội quân đội quốc tế được phô trương… Các đội quân đã hành quân với tư cách là một lực lượng hòa bình dưới sự chỉ huy của một Đại nguyên soái châu Âu. Chúng tôi, những người bạn của hòa bình, coi vị đại nguyên soái thế giới này nói chung chỉ đơn thuần là nguyên mẫu đầu tiên của vị chính khách thế giới ‘[ông ta đang viết về Bá tước Waldersee, người được Wilhelm II bổ nhiệm làm tướng lĩnh]’, người sẽ ở vị trí hiện thực hóa lý tưởng của chúng ta về các phương pháp hòa bình.’ Ở đây chúng ta thấy một vụ cướp bóc công khai và phổ biến được chọn làm ‘tình anh em hữu nghị của các quốc gia’. Cũng bằng cách thức như vậy, bữa ăn của liên đoàn các nhà tư bản cướp bóc được tô điểm thêm gia vị là Hội Quốc Liên.


*Chú thích

[1]: Từ này lấy theo thuật ngữ tiếng Việt trong lý thuyết kinh tế tân tự do (lợi ích từ trên chảy xuống dưới). 

[2]:  Mười bốn điểm của Wilson (Fourteen points of Wilson) là một giải pháp hoà bình do Tổng thống Hoa Kỳ Wilson đề xướng. 

 

§38. Chủ nghĩa xã hội hiếu chiến[3] 

Những khẩu hiệu xuyên tạc ngày qua ngày được giới tư sản reo inh ỏi vào tai quần chúng, được tràn ngập trên khắp các mặt báo và được gào thét xung quanh tất cả các công trường, cũng được đám phản bội chủ nghĩa xã hội tiếp nhận làm khẩu hiệu.

Ở hầu hết các quốc gia, các đảng xã hội chủ nghĩa lâu đời đã bị chia tách. Có ba xu hướng dẫn đầu đã được biểu lộ. Trước hết, có những kẻ phản bội công khai và trơ trẽn là những kẻ theo chủ nghĩa xã hội hiếu chiến. Thứ hai, có những kẻ phản bội bí mật và những kẻ đang dao động, tạo nên cái gọi là chủ trương ôn hoà. Thứ ba, đó là những người vẫn trung thành với chủ nghĩa xã hội. Trong số các thành viên của nhóm thứ ba này, các đảng cộng sản đã được tổ chức sau đó.

Ở hầu hết mọi quốc gia, các lãnh đạo của các đảng xã hội lâu đời đều tỏ ra là những người theo chủ nghĩa xã hội hiếu chiến. Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa xã hội, họ rao giảng lòng căm thù quốc tế; dưới khẩu hiệu bảo vệ tổ quốc, họ rao giảng sự ủng hộ bọn nhà nước tư sản cướp bóc. Trong số những người theo chủ nghĩa xã hội hiếu chiến ở Đức có Scheidemann, Noske, Ebert, David, Heine, và những người khác; ở Anh, Henderson; ở Hoa Kỳ, Russell, Gompers; ở Pháp, Renaudel, Albert-Thomas, Guesde, Jouhaux; ở Nga, Plekhanov, Potresov, các nhà Esers[4] cánh hữu (Breshko-Breshkovsky, Kerensky, Chernov), và những tên Mensheviks cánh hữu (Liber, Rosanov); ở Áo, Renner, Seitz, Victor Adler; ở Hungary, Garami, Buchinger, v.v.

Tất cả bọn chúng đều ủng hộ ‘bảo vệ’ tổ quốc tư sản. Nhiều người trong số chúng đã công khai tuyên bố ủng hộ chính sách cướp bóc như thôn tính và bồi thường, và ủng hộ việc chiếm đoạt tài sản thuộc địa của các quốc gia khác. Những kẻ này thường được gọi là những tên theo chủ nghĩa xã hội đế quốc. Trong suốt cuộc chiến, chúng ủng hộ nó không chỉ bằng cách bỏ phiếu công nhận chiến tranh mà còn bằng cách tuyên truyền. Tại Nga, tuyên ngôn của Plekhanov đã được Hvostov, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga hoàng, đăng rộng rãi trên các pa-nô quảng cáo. Tướng Kornilov thì phong Plekhanov làm thành viên chính quyền của mình. Kerensky (nhà cách mạng xã hội) và Tsereteli (Menshevik) đã che giấu các hiệp ước bí mật của sa hoàng với người dân; trong những ngày tháng Bảy chúng đã bòn rút giai cấp vô sản Petrograd; các nhà cách mạng xã hội và các Menshevik cánh hữu là thành viên của chính quyền Kolchak; Rosanov là một trong những điệp viên của Yudenich. Nói một cách dễ hiểu, giống như tất cả các giai cấp tư sản, chúng ủng hộ Tổ quốc tư sản cướp bóc và việc tiêu diệt tổ quốc Xô Viết của những người vô sản. Các nhà xã hội chủ nghĩa hiếu chiến người Pháp, Guesde và Albert Thomas, tham gia vào chính phủ cướp bóc; chúng đã hỗ trợ tất cả các kế hoạch lùng sục của phe Hiệp Ước; ủng hộ việc đàn áp cuộc cách mạng Nga và gửi quân chống lại công nhân Nga. Những tên chủ nghĩa xã hội hiếu chiến người Đức tham gia nội các trong khi Wilhelm II vẫn còn trên ngai vàng (Scheidemann); chúng ủng hộ hoàng đế khi hắn đàn áp cuộc cách mạng Phần Lan và tàn phá Ukraine và nước Nga vĩ đại; các thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội (ví dụ, Winnig ở Riga) đã tiến hành các chiến dịch chống lại người Nga và công nhân Latvia; sau đó những kẻ theo chủ nghĩa xã hội hiếu chiến của Đức đã sát hại Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg, dìm những cuộc nổi dậy của những người lao động cộng sản ở Berlin, Leipzig, Hamburg, Munich, v.v. trong máu. Các nhà chủ nghĩa xã hội hiếu chiến Hungary đã ủng hộ chính phủ quân chủ miễn là nó vẫn còn nắm quyền; sau đó chúng phản bội Cộng hòa Xô Viết. MỘT CÁCH DỄ HIỂU, Ở TẤT CẢ CÁC QUỐC GIA, BỌN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIẾU CHIẾN ĐÃ THỰC HIỆN VAI TRÒ CỦA ĐAO PHỦ ĐỐI VỚI GIAI CẤP LAO ĐỘNG.

Khi Plekhanov vẫn còn là một nhà cách mạng, lúc viết trên tờ báo tiếng Nga ‘Iskra’ (xuất bản ở Thụy Sĩ), ông ta tuyên bố rằng trong thế kỷ 20-vốn được định mệnh sắp đặt là chứng kiến sự hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội- sẽ có khả năng xảy ra một sự chia rẽ lớn trong hàng ngũ những người chủ nghĩa xã hội và một cuộc đấu tranh khốc liệt sẽ xảy ra giữa hai phe. Cũng giống như (trong những ngày diễn ra cuộc cách mạng Pháp 1789-93), đảng cách mạng cực đoan (biệt danh là Núi) đã tiến hành một cuộc nội chiến chống lại những người ôn hòa, những người sau này được tổ chức thành một đảng phản cách mạng (gọi là Gironde), cho nên – Plekhanov nói – trong thế kỷ XX, những người từng là anh em cùng quan điểm có thể sẽ bị chia thành hai bộ phận tham chiến, vì một số người trong số họ sẽ đứng về phía giai cấp tư sản.

Lời tiên tri của Plekhanov đã được ứng nghiệm. Nhưng khi ông ta viết như vậy, ông ta không lường trước được rằng bản thân ông ta sẽ nằm trong số những kẻ phản bội.

Bằng cách này, những tên chủ nghĩa xã hội hiếu chiến (đôi khi còn được gọi là những kẻ chủ nghĩa cơ hội) đã tự chuyển hoá thành kẻ thù giai cấp công khai của giai cấp vô sản. Trong cuộc cách mạng thế giới vĩ đại, chúng chiến đấu trong hàng ngũ của người da trắng chống lại người da đỏ; chúng sánh vai với tầng lớp quân phiệt, với giai cấp đại tư sản và với địa chủ. Rõ ràng là chúng ta phải tiến hành một cuộc chiến không ngừng chống lại chúng như chống lại giai cấp tư sản, những kẻ chính là mật thám cho giai cấp tư sản.

Tàn dư của Đệ nhị Quốc tế, thứ mà các thành viên của các đảng này đã nỗ lực hồi sinh, chỉ đơn thuần là một văn phòng chi nhánh của Hội Quốc Liên. ĐỆ NHỊ QUỐC TẾ HIỆN NAY LÀ MỘT TRONG NHỮNG VŨ KHÍ ĐƯỢC GIAI CẤP TƯ SẢN SỬ DỤNG TRONG CUỘC ĐẤU TRANH CỦA NÓ VỚI GIAI CẤP VÔ SẢN.

*Chú thích:

[3]: Các bản dịch tiếng Việt của ‘Lenin toàn tập’ để nguyên phiên âm. Tên do người dịch tự đặt.

[4]: Chỉ đảng Cách mạng xã hội chủ nghĩa của Nga, một đảng theo đường lối dân chủ xã hội.

§ 39 Phái Trung dung

Một nhóm đảng phái khác, vốn là sự kết hợp của những người từng theo xã hội chủ nghĩa tạo nên cái gọi là “Trung dung”. Những kẻ theo trào lưu này được cho là thành lập “phái Trung dung” bởi chúng giao động giữa một bên là ý thức hệ cộng sản, một bên là kiểu chủ nghĩa xã hội dân tộc cực đoan. Ví dụ cho sự phức tạp này là: Ở Nga, đám “Mensheviks” cánh tả dưới sự lãnh đạo của Martov; ở Đức, phe ‘Tự do’ (Đảng Dân chủ Tự do Xã hội), dưới sự lãnh đạo của Kautsky và Haase; Ở Pháp là nhóm lãnh đạo bởi Jean Longuet; ở Mỹ là Đảng Xã hội chủ nghĩa Hoa Kỳ do Hillquist nắm quyền; ở Anh, một phần của đảng Chủ nghĩa xã hội Anh Quốc, Đảng Lao động Độc lập; và nhiều nữa.

Khi bắt đầu cuộc chiến, những kẻ theo chủ nghĩa trung dung chủ trương bảo vệ tổ quốc (cùng mục tiêu với những kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội), và phản đối ý tưởng cách mạng. Kautsky đã viết rằng ‘kẻ thù xâm lược’ là điều khủng khiếp nhất trên thế giới, và cuộc đấu tranh giai cấp phải được hoãn lại cho đến khi mọi thứ kết thúc. Theo Kautsky, chừng nào chiến tranh còn kéo dài, thì chừng đó Quốc tế không thể hành động. Sau kết luận về ‘hòa bình’, Kautsky bắt đầu viết rằng mọi thứ bây giờ đang ở trong tình trạng hoang mang tột độ đến nỗi mơ về chủ nghĩa xã hội cũng chẳng ích gì.

Lý do đằng sau tư duy này, đó là. Trong khi chiến tranh đang diễn ra, chúng ta phải bỏ cuộc đấu tranh giai cấp, vì nó sẽ vô ích, và ta phải đợi khi hòa bình đến,  chiến tranh giai cấp là không cần thiết, vì chiến tranh đế quốc đã kéo theo sự kiệt quệ chung. Rõ ràng là lý thuyết của Kautsky đã thể hiện sự bất lực hoàn toàn, được định hướng để làm chệch hướng đi của giai cấp vô sản, không khác mấy so với hạng phản quốc. Tệ hơn nữa, khi chúng ta đang ở trong giai đoạn gay gắt của cuộc cách mạng, Kautsky chẳng thể làm gì tốt hơn ngoài việc tăng cường săn lùng những người bolshevik. Quên lời dạy của Marx, hắn vẫn kiên trì vận động chống chế độ chuyên chính vô sản, khủng bố, v.v., bỏ qua sự thật rằng bằng cách này, chính hắn đang tiếp tay cho cuộc Khủng bố trắng của giai cấp tư sản. Những kỳ vọng của hắn có vẻ như là thứ kỳ vọng cho những kẻ chủ nghĩa hòa bình tầm thường; hắn muốn toà án, và những thứ tương tự. Vì vậy, hắn đã nhại lại bất kì tư tưởng chủ hòa tư sản nào mà ta có thể kể tên.

Dù tư tưởng của Kautsky thuộc về cánh hữu của tư tưởng Trung dung, chúng tôi vẫn chọn hắn ta để làm ví dụ bên cạnh nhiều ví dụ khác bởi lý thuyết điển hình của đám trung dung của hắn

Đặc điểm chính trong chính sách của phái trung dung là cách thức mà nó đu dây giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Phái Trung dung không vững vàng; muốn hòa giải những điều không thể hòa giải; và vào thời điểm quan trọng lại phản bội giai cấp vô sản. Trong Cách mạng Tháng Mười một Nga, Phái Trung dung Nga (Martov và các cộng sự của hắn) đã lên tiếng phản đối việc sử dụng vũ lực của những người bolshevik; chúng đã nỗ lực để ‘hòa giải’ mọi người, do đó thực sự giúp đỡ cho bọn Bạch vệ, và giảm bớt sức lực của giai cấp vô sản trong giờ phút đấu tranh.

Những kẻ menshevik thậm chí còn dung giữ những tên gián điệp và đám dàn xếp cho bọn đầu sỏ quân sự. Trong cơn khủng hoảng của cuộc đấu tranh vô sản, phái Trung dung chủ trương bãi công nhân danh Hội đồng lập hiến chống lại chế độ độc tài của giai cấp vô sản. Trong cuộc tấn công dữ dội của Kolchak, một số kẻ menshevik này, liên đới với những kẻ âm mưu tư sản, đã nêu ra khẩu hiệu, ‘Hãy ngừng nội chiến’ (tay menshevik Pleskov). Ở Đức, phe ‘độc lập’ vào vai kẻ gian trá ngay thời điểm công nhân Berlin nổi dậy, chúng đã thực hiện chính sách ‘hòa hợp’ trong khi cuộc chiến đang thực sự diễn ra, do vậy chúng có trách nhiệm cho thất bại của cuộc nổi dậy.

Trong số các tổ chức độc lập, có nhiều người ủng hộ sự cộng tác với những kẻ ủng hộ Scheidemann. Cáo buộc nặng nề nhất chống lại chúng là bởi chúng không chấp nhận chủ trương của một quần chúng đang nổi dậy chống lại giai cấp tư sản, chúng muốn đánh lừa giai cấp vô sản với hy vọng hòa bình. Ở Pháp và Anh, phái Trung dung ‘lên án’ phản cách mạng; chúng ‘phản đối’ bằng lời nói chống lại sự phá phách của cuộc cách mạng; nhưng điều đó cho thấy sự bất tài cho hành động quần chúng.

Vào thời điểm hiện tại, bọn Trung dung gây hại khá nhiều tương tự những kẻ theo chủ nghĩa xã hội dân tộc cực đoan. Những kẻ theo chủ nghĩa trung dung, đôi khi được gọi là những kẻ ủng hộ Kautsky – giống như bọn xã hội chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đang cố gắng, để phục hồi xác chết của Quốc tế Cộng sản thứ hai và ‘hòa giải’ với những người cộng sản. Không còn nghi ngờ gì nữa, chiến thắng trước bọn phản cách mạng là không thể nếu không cứng rắn, và nếu không có một cuộc đấu tranh dứt khoát chống lại chúng.

Những nỗ lực để hồi sinh Quốc tế thứ hai diễn ra dưới sự bảo trợ nhân từ của Hội  Quốc liên ‘ăn cướp’. Vì trên thực tế, các nhà xã hội chủ nghĩa dân tộc cực đoan là những người ủng hộ trung thành cho trật tự tư bản đang suy tàn, và là công cụ cuối cùng của chúng. Cuộc chiến tranh đế quốc không bao giờ có thể tiếp tục hoành hành trong 5 năm mà không có sự phản bội của các đảng xã hội chủ nghĩa. Ngay từ thời kỳ cách mạng bắt đầu, giai cấp tư sản đã tìm đến những kẻ phản bội xã hội chủ nghĩa để được giúp đỡ trong việc dập tắt phong trào vô sản.

Các đảng xã hội chủ nghĩa đôi khi là chướng ngại vật chính trên con đường đấu tranh của giai cấp công nhân nhằm lật đổ chủ nghĩa tư bản. Trong suốt cuộc chiến, mọi đảng phái xã hội chủ nghĩa phản bội đều lặp lại tất cả những gì mà giai cấp tư sản nói. Sau Hiệp ước Versailles, khi Hội Quốc Liên được thành lập, tàn dư của Quốc tế thứ hai (Phái Trung dung và đám xã hội chủ nghĩa cực đoan) bắt đầu lặp lại tất cả các khẩu hiệu mà Hội Quốc Liên đã tuyên bố.

Hội quốc liên buộc tội những người Bolshevik là khủng bố, nào là vi phạm dân chủ, nào là chủ nghĩa đế quốc Đỏ. Quốc tế thứ hai lặp lại những lời buộc tội này. Thay vì tham gia vào một cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại bọn đế quốc, chúng lại lên tiếng kêu gọi chiến tranh của bọn đế quốc. Cũng như các đảng phái phản bội ở các nước khác nhau cũng ủng hộ các chính quyền tư sản trong nước tương ứng, thì Quốc tế thứ hai cũng ủng hộ Hội Quốc Liên.

§ 40. Quốc tế thứ Ba

Đám xã hội chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phái Trung dung đã lấy việc bảo vệ tổ quốc của bọn tư sản, làm khẩu hiệu của chúng trong chiến tranh, điều này có nghĩa là bảo vệ tổ chức Nhà nước của kẻ thù của giai cấp vô sản. Một lý do nữa là khẩu hiệu ‘đình chiến đảng phái’, biểu thị sự phục tùng toàn dân đối với Nhà nước tư sản. Vấn đề là hoàn toàn rõ ràng. Khi Plekhanov hoặc Scheidemann cho rằng cần phải ‘bảo vệ’ tổ quốc Nga hoàng hoặc tổ quốc Đức hoàng, tất nhiên, họ phải nhấn mạnh rằng công nhân tuyệt đối không được làm gì để can thiệp vào việc bảo vệ của Nhà nước ăn cướp đó. Do đó, không được có đình công, và không cần bàn việc nổi dậy chống tư sản nữa.

Trước hết, chúng nói rằng chúng phải giải quyết những vấn đề với bọn ngoại quốc, ta hãy cùng xem xét. Ví dụ, Plekhanov đã tuyên bố rằng trong khi Nga đang ở tình thế nguy hiểm thì không một cuộc đình công nào được phép xảy ra. Công nhân của tất cả các vùng đất hiếu chiến đã bị giai cấp tư sản bắt làm nô lệ theo cách tương tự. Nhưng từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, đã có những nhóm xã hội chủ nghĩa đáng tin nhận ra rằng ‘bảo vệ tổ quốc’ và ‘đình chiến của các đảng phái’ đã trói buộc tay chân của giai cấp vô sản, và việc tuân theo những khẩu hiệu này là phản bội lại những người công nhân.

Những người Bolshevik đã nhận thấy điều này ngay từ đầu. Ngay từ năm 1914, họ đã tuyên bố rằng không được đình chiến với giai cấp tư sản, thay vào đó là không ngừng đấu tranh chống lại cuộc cách mạng tư bản. Nhiệm vụ đầu tiên của giai cấp vô sản ở bất kỳ nước nào là phải lật đổ giai cấp tư sản của chính mình – đó là ý kiến được Đảng ta phát biểu trong những ngày cuộc đấu tranh. Ở Đức cũng vậy, đã có một nhóm các đồng chí do Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg lãnh đạo. Họ lấy tên là Quốc tế, tuyên bố đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản là nhiệm vụ trên hết. Ngay sau đó, Karl Liebknecht đã công khai tuyên bố sự cần thiết của nội chiến, và kích động công nhân khởi nghĩa vũ trang chống lại giai cấp tư sản.

\

Đó là nguồn gốc của đảng của những người Bolshevik Đức – đó là nhóm Spartacist. Ở các nước khác cũng vậy, có sự chia rẽ trong các đảng cũ. Ở Thụy Điển có những người Bolshevik, những người đã thành lập đảng được gọi là Đảng Xã hội Cánh tả; trong khi ở Na Uy, các phe cánh “tả” giành được toàn bộ quyền kiểm soát đảng. Những người theo chủ nghĩa xã hội Ý đã giữ vững lập trường trong suốt thời gian đó. Nói cách khác, dần dần đã xuất hiện những đảng ủng hộ cách mạng. Một nỗ lực để đảm bảo hành động thống nhất hiện đã được thực hiện ở Thụy Sĩ.

Hai hội nghị, lần lượt tại Zimmerwald và Kienthal, đã đặt nền móng cho Quốc tế Cộng sản thứ ba. Tuy nhiên, ngay sau đó, rõ ràng là một số yếu tố đáng ngờ từ Phái Trung dung đang bám víu vào phong trào, và trên thực tế đang cản trở nó. Trong liên minh quốc tế của Zimmerwald đã thành lập cái gọi là phái ‘Cánh tả Zimmerwald’ dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lenin. Cánh tả Zimmerwald ủng hộ hành động dứt khoát. Nó chỉ trích dữ dội Trung dung Zimmerwald do Kautsky lãnh đạo.

Sau cuộc Cách mạng Tháng 11 và sự nắm quyền của Xô Viết ở Nga, quốc gia này đã giữ vị trí quan trọng nhất trong phong trào quốc tế. Để phân biệt với đảng của những kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội, và để trở lại lý tưởng đấu tranh tốt đẹp, đảng ta đã tự xưng là Đảng Cộng sản. Dưới sự thúc đẩy của cuộc cách mạng Nga, các đảng cộng sản được thành lập ở các vùng đất khác. Liên đoàn Spartacus đổi tên thành Đảng Cộng sản Đức.

Một đảng cộng sản được thành lập ở Hungary, do Bela Kun đứng đầu, ông vốn từng là tù nhân chiến tranh ở Nga. Các đảng cũng được thành lập ở Áo, Tiệp Khắc , Phần Lan, v.v., và sau đó là ở Pháp. Tại Hoa Kỳ, phái Trung dung đã trục xuất cánh tả ra khỏi đảng, và phe cánh tả đã tự tổ chức thành một đảng cộng sản để đấu tranh. Ở Anh, các cuộc đàm phán để thành lập một đảng cộng sản thống nhất đã được bắt đầu vào mùa thu năm 1919. Tóm lại, sau sự chia rẽ giữa Trung dung và Cánh tả, sự hình thành và phát triển tích cực của các đảng công nhân cách mạng thực sự bắt đầu ở khắp mọi nơi.

Sự phát triển của các đảng này dẫn đến sự hình thành Quốc tế mới là Quốc tế Cộng sản. Vào tháng 3 năm 1919, tại Điện Kremlin ở Matxcơva, đã diễn ra Đại hội cộng sản quốc tế đầu tiên, tại đó Quốc tế thứ ba, hay Quốc tế Cộng sản lần thứ ba, chính thức được thành lập. Đại hội có sự tham dự của các đại biểu cộng sản Đức, Nga, Áo, Hungary, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan; những người cộng sản từ Pháp, Mỹ, Anh, v.v., cũng có mặt.

Cương lĩnh do những người cộng sản Đức và Nga đưa ra đã được đại hội thông qua với sự nhất trí hoàn toàn, điều này cho thấy giai cấp vô sản đã đặt chân vững chắc dưới ngọn cờ chuyên chính của giai cấp vô sản, quốc gia Xô Viết và chủ nghĩa Cộng sản.

Quốc tế thứ ba lấy tên là Quốc tế Cộng sản theo tên gọi của Liên đoàn Cộng sản do Karl Marx đứng đầu. Trong tất cả các hoạt động của mình, Quốc tế thứ ba cho thấy ta đang theo bước chân của Marx, rằng nó đang trên con đường cách mạng hướng tới bạo lực cách mạng lật đổ hệ thống tư bản. Không có gì ngạc nhiên khi tất cả những thành viên sống động, tin cậy và có chí hướng cách mạng của giai cấp vô sản quốc tế ngày càng hăng hái hướng về Quốc tế mới, và trở thành lực lượng tiên phong của công nhân.

Chính cái tên Quốc tế Cộng sản đã đủ cho thấy tổ chức này hoàn toàn không có điểm chung nào với những kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội.

Marx và Engels coi cái tên ‘dân chủ xã hội’ không phù hợp với đảng của giai cấp vô sản cách mạng. ‘Đảng viên Dân chủ’ biểu thị một người ủng hộ một hình thức cai trị cụ thể. Nhưng, như chúng tôi đã nêu ra trước đó, trong xã hội của tương lai sẽ không có ‘Nhà nước’ dưới bất kỳ hình thức nào. Trong thời kỳ quá độ sẽ phải có chế độ chuyên chính của người lao động. Những kẻ đã phản bội giai cấp công nhân chẳng khác gì một nền cộng hòa tư sản. Tất cả vì chủ nghĩa cộng sản.

Trong lời nói đầu của bản Tuyên ngôn của đảng Cộng sản năm 1888, Engels viết rằng cái tên xã hội chủ nghĩa đã có vào năm 1847, khi bản tuyên ngôn được viết ra, chỉ ‘những người đứng ngoài phong trào của giai cấp công nhân, và hướng tới tầng lớp trí thức” để được hỗ trợ’; nhưng chủ nghĩa cộng sản năm 1847 là một phong trào của giai cấp công nhân. Ngày nay, Chúng ta chứng kiến điều tương tự. Những người cộng sản tìm kiếm sự hỗ trợ từ hàng ngũ những người lao động; các nhà dân chủ xã hội tìm kiếm sự ủng hộ từ tầng lớp quý tộc, các tầng lớp lao động có tay nghề, các chủ cửa hàng nhỏ, và giai cấp tiểu tư sản nói chung.

QUỐC TẾ CỘNG SẢN VÌ VẬY ĐÃ HIỆN THỰC HÓA ĐƯỢC HỌC THUYẾT CỦA MARX TRONG THỰC TẾ, VÌ NÓ ĐÃ GIẢI THOÁT HỌ KHỎI NHỮNG KẺ ĂN THEO ĐÃ HÌNH THÀNH TRONG THỜI KỲ ‘HÒA BÌNH’ CỦA SỰ PHÁT TRIỂN CHỦ NGHĨA TƯ BẢN. NHỮNG GÌ MÀ NGƯỜI THẦY TUYỆT VỜI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN ĐÃ THUYẾT GIẢNG BẢY CHỤC NĂM TRƯỚC, ĐANG ĐƯỢC HOÀN THÀNH HÔM NAY DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA QUỐC TẾ CỘNG SẢN.


Mục lục

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận