Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Giá trị của lao động

*Mục lục:

     * Lời mở đầu.

  1. Sản xuất và tiền công
  2. Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
  3. Tiền công và tiền
  4. Cung và cầu
  5. Tiền công và giá cả
  6. Giá trị và lao động
  7. Sức lao động
  8. Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
  9. Giá trị của lao động
  10.  Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
  11.  Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
  12.  Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
  13.  Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công
  14.  Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó.


     

9. GIÁ TRỊ CỦA LAO ĐỘNG

 

 Bây giờ chúng ta phải trở lại từ ngữ “giá trị hay giá cả của lao động”.

 

 Chúng ta đã thấy rằng trên thực tế đó chỉ là giá trị của sức lao động được đo bằng giá trị của những hàng hóa cần thiết để duy trì sức lao động ấy. Nhưng vì người công nhân chỉ nhận được tiền công sau khi làm xong công việc của mình và ngoài ra, người công nhân còn biết rằng cái mà anh ta thực tế cung cấp cho nhà tư bản chính là lao động của mình, cho nên tất nhiên là anh ta coi giá trị hay giá cả sức lao động của anh ta là giá cả hay giá trị của bản thân lao động của anh ta. Nếu giá cả sức lao động của anh ta bằng 3 Shilling, trong đó đã vật hóa 6 giờ lao động, và nếu anh ta lao động 12 giờ thì tất nhiên là anh ta coi 3 Shilling đó là giá trị, hay giá cả của 12 giờ lao động, tuy rằng 12 giờ lao động ấy được vật hoá trong một giá trị là 6 Shilling. Từ đó toát ra hai kết luận:

 

 Thứ nhất: giá trị hay giá cả của sức lao động mang cái vẻ bề ngoài là giá cả hay giá trị của bản thân lao động tuy rằng nói cho chặt chẽ ra thì giá trị và giá cả của lao động là những thuật ngữ vô nghĩa.

 Thứ hai: dù chỉ một phần lao động hàng ngày của người công nhân là được trả công, còn phần lao động kia lại không được trả công và dù chính lao động không được trả công ấy, hay lao động thặng dư, tạo thành quỹ hình thành nên giá trị thặng dư, hay lợi nhuận, nhưng điều này lại biểu hiện ra như thể toàn bộ lao động là lao động được trả công.

 

 Chính cái vẻ bề ngoài giả dối ấy phân biệt lao động làm thuê với những hình thức lịch sử khác của lao động. Trên cơ sở chế độ lao động làm thuê, ngay cả lao động không được trả công cũng thể hiện ra như thể là lao động được trả công. Ở người nô lệ thì ngược lại, ngay cả phần lao động được trả công của anh ta cũng thể hiện ra như thể là lao động không được trả công. Cố nhiên là để có thể lao động được, người nô lệ phải sống và một phần ngày lao động của anh ta phải hoàn lại giá trị dùng để nuôi sống bản thân anh ta. Nhưng vì giữa nô lệ và chủ không có giao dịch mua bán nào cả, vì giữa hai bên không diễn ra những hành vi mua và bán nào cả, cho nên toàn bộ lao động của anh ta thể hiện ra như thể là lao động không công.

 

 Mặt khác chúng ta hãy lấy người nông nô làm ví dụ, người mà ta có thể nói là mới ngày hôm qua đây vẫn còn tồn tại ở khắp Đông Âu. Người nông nô đó lao động, chẳng hạn, ba ngày cho bản thân trên mảnh ruộng của mình hay trên mảnh ruộng lĩnh canh, còn ba ngày sau đó thì phải lao động bắt buộc và không công trên ấp trại của chủ. Vậy, ở đây, phần lao động được trả công và phần lao động không được trả công tách rời nhau một cách rõ rệt trong thời gian và trong không gian; và phái tự do của chúng ta cảm thấy lòng đầy căm giận một cách đạo đức đối với ngay cái tư tưởng phi lý muốn bắt một người phải lao động không công.

 

 Nhưng dù một người có lao động 3 ngày trong tuần cho bản thân trên mảnh ruộng của mình và 3 ngày lao động không công trên trại ấp của chủ mình, hoặc người đó lao động trong công xưởng hay xưởng thợ 6 giờ một ngày cho bản thân và 6 giờ cho người thuê mình, thì điều đó thực ra cũng vậy thôi, mặc dầu là trong trường hợp sau, phần lao động được trả công và phần không được trả công trộn lẫn không tách rời nhau và bản chất của toàn bộ việc giao dịch đó hoàn toàn bị che giấu do có một hợp đồng và do vào cuối tuần có việc trả tiền công. Trong một trường hợp, lao động không được trả công thể hiện ra như là lao động tự nguyện, còn trong trường hợp kia thì thể hiện ra như là lao động cưỡng bức. Tất cả sự khác nhau chỉ có thế thôi.

 

Sau đây, nếu tôi dùng từ ngữ "giá trị của lao động" thì đó chỉ là thuật ngữ thông dụng bình thường dùng để chỉ "giá trị của sức lao động"

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận