Chương từ IX – XI. SỰ KHAI THÁC BÓC LỘT

 

Trong chương 4-8, bí mật đã được tiết lộ: lợi nhuận thúc đẩy chủ nghĩa tư bản tiến lên không gì khác hơn là lao động không công của giai cấp công nhân, phát sinh từ thực tế là giá trị mà nhà tư bản trả cho sức lao động (dưới dạng tiền công) nhỏ hơn giá trị mà nhà tư bản có được (và chiếm đoạt) thông qua việc tiêu dùng sức lao động này.

Sau khi vạch ra vấn đề dưới dạng lý thuyết khái quát của nó, giờ đây Marx nhìn vấn đề một cách cụ thể hơn, dỡ nóc nhà máy để nhìn vào đó, xem xét các điều kiện bên trong – những điều kiện cho thấy bằng cách nào mà các nhà tư bản chiết xuất được lượng giá trị thặng dư lớn hơn bao giờ hết từ Giai cấp công nhân. Những gì ta thấy khi nhìn ra đằng sau bức màn của ảo thuật gia này là một lịch sử tàn bạo của sự bóc lột và đấu tranh giai cấp.

Tỷ lệ bóc lột

Để giải thích ý tưởng của mình, Marx sử dụng một loạt các hình và ký tự. Chúng ta biết rằng tư bản được chia thành tư bản bất biến và tư bản khả biến. Giá trị của sản phẩm được tạo thành từ giá trị chuyển giao của tư liệu sản xuất, cộng với giá trị do lao động tiêu hao tạo ra. Giá trị thặng dư được tạo ra khi giá trị được tạo ra trong sản xuất vượt quá giá trị sức lao động. Nói cách khác, giá trị của hàng hóa (C ’) được tạo thành từ tư bản bất biến (c) + tư bản khả biến (v) + (các) giá trị thặng dư. Do đó, Marx sử dụng phương trình C ’= c + v + s, trong đó giá trị thực tế được tạo ra trong sản xuất là (v + s).

Tuy nhiên, trước hết, Marx định nghĩa một đại lượng, hay tỷ lệ, quan trọng liên quan đến câu hỏi giá trị thặng dư: tỷ suất giá trị thặng dư, hay tỷ lệ bóc lột bằng tư bản. Điều này được xác định bằng tỷ số giữa giá trị thặng dư do người lao động sản xuất ra với giá trị sức lao động (tiền công) do nhà tư bản trả. Ở đây  có thể được biểu diễn dưới dạng một phân số: s / v.

Marx lưu ý, Tư bản khả biến (v), giá trị của sức lao động tham gia vào quá trình sản xuất, cũng có thể được coi là lao động cần thiết – lao động cần thiết để tạo ra giá trị tương đương với nhu cầu sống của người lao động. Marx cũng lưu ý, với sự phân công lao động trong xã hội tất nhiên là người lao động không trực tiếp sản xuất ra những phương tiện sinh sống cho riêng họ; thay vào đó, họ sản xuất hàng hóa cho thị trường có giá trị tương đương với phương tiện sinh tồn này.

Thời gian còn lại của ngày lao động được dùng để sản xuất giá trị thặng dư. Do đó, lao động bổ sung ngoài lao động cần thiết là lao động thặng dư. Lao động thặng dư có mặt trong mọi hình thức xã hội có giai cấp. Thật vậy, tiềm năng thặng dư lao động là điều kiện có trước của xã hội có giai cấp, vì chỉ khi sản xuất ra thặng dư thì một bộ phận thiểu số người bóc lột mới có thể sống – mà không cần lao động – nhờ sức lao động của người khác. Do đó, điều phân biệt chủ nghĩa tư bản với tư cách là một phương thức sản xuất không phải là sự hiện diện của thặng dư lao động, mà là cách thức cụ thể để tạo ra lao động này – tức là thông qua lao động tiền lương – và chiếm đoạt. Như Marx lưu ý:

 

“Điều phân biệt các hình thái kinh tế khác nhau của xã hội – sự khác biệt giữa xã hội dựa trên lao động nô lệ và xã hội dựa trên lao động làm công ăn lương – là hình thức mà lao động thặng dư này trong mỗi trường hợp bị bóp nặn khỏi người sản xuất trực tiếp, công nhân.” [Tr325]

 

Do đó, ngày lao động được chia thành lao động cần thiết và lao động thặng dư. Tỷ suất này bằng tỷ suất giá trị thặng dư, hay s / v. Sử dụng ngôn từ của Marx, đó là “một biểu hiện chính xác cho mức độ bóc lột sức lao động của tư bản, hay của người lao động bởi nhà tư bản.” [Tr326] Giai cấp công nhân sản xuất ra mọi giá trị trong xã hội; tuy nhiên, dưới chủ nghĩa tư bản, họ chỉ nhận lại một phần nhỏ giá trị này dưới dạng tiền lương. Vì vậy, cuộc đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh giành lại sự thặng dư này trong xã hội.

Vấn đề về thời gian

Vì giá trị là biểu hiện cho thời gian lao động xã hội cần thiết cho nên tỷ suất giá trị thặng dư, trong khi đại diện cho tỷ lệ lao động thặng dư trên lao động cần thiết, đến cùng là tỷ số về thời gian: cụ thể là thời gian người lao động làm việc để sản xuất ra giá trị sức lao động của họ, so với thời gian người lao động làm việc không công – lao động miễn phí theo quan điểm của nhà tư bản.

Tuy nhiên, tất nhiên là khi mua sức lao động của người lao động thì nhà tư bản đã trả tiền cho thời gian này, và bằng cách đó họ có quyền chiếm đoạt các sản phẩm được làm ra trong thời gian này. Do đó, nhiệm vụ của nhà tư bản là nỗ lực và tối đa hóa khoảng thời gian mà người lao động làm việc – để tối đa hóa độ dài ngày làm việc và do đó gia tăng tỷ lệ bóc lột, tỷ lệ giữa thời gian lao động thặng dư so với lao động cần thiết, cũng được viết dưới dạng phân số s / v.

 

“Là một nhà tư bản, anh ta chỉ nhân cách hóa tư bản. Linh hồn anh ta là linh hồn của tư bản. Nhưng tư bản chỉ có một động lực duy nhất, động lực để tự định hóa giá trị chính nó, tạo ra giá trị thặng dư, làm cho phần bất biến của nó, tư liệu sản xuất, hấp thụ lượng lao động thặng dư lớn nhất có thể. Tư bản là lao động chết, giống như ma cà rồng, sống chỉ bằng cách hút sức lao động sống, và sống càng lâu, sức lao động bị hút vào lại càng nhiều. Thời gian mà người công nhân làm việc là thời gian mà nhà tư bản tiêu dùng cái sức lao động đã mua từ anh ta. Nếu người công nhân tiêu dùng thời gian anh ta có sẵn cho bản thân, anh ta đã cướp đoạt của nhà tư bản.” [Tr342]

“Việc kéo dài ngày làm việc vượt quá giới hạn của ngày tự nhiên, vào ban đêm, chỉ có tác dụng như một sự làm dịu bớt. Nó chỉ làm dịu đi một chút cơn khát máu lao động của con ma cà rồng. Do đó, theo bản chất tự nhiên, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa thúc đẩy hướng tới việc chiếm dụng lao động trọn vẹn 24 giờ trong ngày.” [Tr367]

 

Bất kể ông chủ này hay ông chủ kia có đạo đức như thế nào thì quy luật cạnh tranh – quy luật của chủ nghĩa tư bản – cũng buộc tất cả các nhà tư bản phải cuốn theo guồng quay đó. Mọi nhà tư bản đều phải tham gia vào cuộc đua tới đáy này hoặc phải đối mặt với việc mất lợi nhuận vào tay người khác. Như Marx nhận xét:

 

“Do đó, tư bản không màng đến sức khỏe và tuổi thọ của người công nhân, trừ khi xã hội buộc nó phải làm như vậy. Câu trả lời của nó đối với tiếng la hét về sự xói mòn cả thể chất và tinh thần, về cái chết yểu, sự tra tấn của công việc quá sức, đó là: Nỗi đau đó có khiến ta phiền muộn chăng, khi mà nó làm tăng niềm vui (lợi nhuận) cho chúng ta? Nhưng nhìn một cách tổng thể những điều này, rõ ràng là điều đó không tùy vào ý muốn tốt hay xấu của cá nhân nhà tư bản. Trong điều kiện cạnh tranh tự do, các quy luật nội tại của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đối diện với cá nhân nhà tư bản như một ngoại lực cưỡng bách anh ta.” [Tr381]

 

Điều này làm nổi bật những vấn đề mà những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng phải đối mặt, chẳng hạn như Robert Owen, người đi trước cả Marx và Engels, và những người nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội có thể được tạo ra hoàn toàn thông qua giáo dục và bằng mị lực từ ‘chân lý vĩnh cửu’ về đạo đức, công lý và lý trí. Tương tự, điều này giải thích những hạn chế của việc cố gắng xây dựng ‘chủ nghĩa xã hội trong một nhà máy’, như chính Owen đã cố gắng đạt được. Một cá nhân chủ doanh nghiệp có thể tử tế và bác ái, đối xử tử tế và trả lương cao cho công nhân như Owen đã làm, nhưng một chủ doanh nghiệp như vậy sẽ vẫn phải tuân theo quy luật cạnh tranh và sản xuất vì lợi nhuận, do đó sẽ buộc phải cắt giảm chi phí lao động trước các đối thủ cạnh tranh của họ hoặc đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi hoạt động kinh doanh. Do đó, các vấn đề của chủ nghĩa tư bản không chỉ đơn giản là kết quả từ lòng tham của cá nhân các nhà tư bản mà còn từ những mâu thuẫn cố hữu trong các quy luật của chính chủ nghĩa tư bản.

Cùng với việc nhà tư bản muốn kéo dài ngày làm việc nhân danh lợi nhuận, Marx lưu ý, “sự trỗi dậy tiếng nói của người lao động” [Tr342], những người muốn cắt ngắn ngày làm việc kéo dài, thứ dẫn đến làm việc quá sức và thương tật. Bằng cách tăng số giờ làm việc trong ngày và cố gắng chắt rút ngày càng nhiều lao động thặng dư từ công nhân, nhà tư bản đã gây ra sự bào mòn cả về thể chất và tinh thần người lao động, và kéo theo đó là sự đối đầu từ toàn thể giai cấp công nhân. Do đó, theo cách nói của người lao động: “Tôi yêu cầu một ngày làm việc bình thường bởi vì, giống như mọi người bán khác, tôi yêu cầu giá trị cho hàng hóa của tôi.” [Tr343]

Do đó, giới hạn đặt ra cho độ dài của ngày làm việc ở cả hai đầu. Ở mức tối thiểu, ngày làm việc phải đủ dài để bao hàm được giá trị của sức lao động – tức là để nhà tư bản trang trải được tiền công trả cho người lao động. Bản thân thời gian này thay đổi tùy theo từng nơi, tùy thuộc vào giá trị của sức lao động mà như đã thảo luận trước đây, được xác định về mặt xã hội và lịch sử, phụ thuộc vào năng suất trong xã hội và mức sống đã trở nên quen thuộc đối với bất kỳ xã hội cụ thể nào.

Ở đầu kia của thang đo, ngày làm việc có giới hạn tối đa. Thứ nhất, rõ ràng là không thể để một ngày làm việc dài hơn 24 giờ. Quan trọng hơn, có một giới hạn được đặt ra bởi đòi hỏi phải đảm bảo trạng thái thể chất và tinh thần của giai cấp công nhân. Khi kéo dài thời gian làm việc quá xa, nhà tư bản không chỉ đối mặt với nguy cơ làm giảm năng suất do công nhân bị mệt mỏi, mà còn có nguy cơ xảy ra phản ứng dữ dội đầy bạo lực và dân quân do sự tức giận tích tụ khi những người lao động bị đẩy tới giới hạn cá nhân.

Như Marx lưu ý, “các điều kiện giới hạn có bản chất rất co giãn… Vì vậy, chúng ta thấy ngày làm việc có nhiều độ dài khác nhau: 8, 10, 12, 14, 16 và 18 giờ.” Do đó, độ dài của ngày làm việc sao chót tự nó rút gọn thành cuộc đấu tranh giai cấp – như là một cuộc chiến giữa các lực lượng sống: giữa giai cấp các nhà tư bản, những kẻ muốn khai thác tối đa lao động từ sức lao động mà họ đã mua; và giai cấp công nhân, những người không muốn làm việc lâu hơn mức cần thiết. Nói cách khác, cuộc đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh xuyên thường trực.

 

“Chúng ta thấy rằng khi đó, bỏ qua một số hạn chế cực kỳ co giãn nhất định, bản chất của trao đổi hàng hóa tự nó áp đặt một sự không giới hạn ngày lao động, không giới hạn lao động thặng dư. Nhà tư bản duy trì quyền của mình với tư cách là người mua hàng khi cố gắng để cho ngày làm việc càng lâu càng tốt, và nếu có thể thì một ngày làm bằng hai. Mặt khác, bởi tính chất đặc thù của hàng hóa được bán mà người mua sẽ bị giới hạn mức tiêu thụ và người lao động duy trì quyền của mình với tư cách là người bán khi anh ta muốn giảm ngày làm việc xuống một khoảng thời gian bình thường cụ thể. Do đó, ở đây có sự đối kháng, quyền này chống lại quyền kia, cả hai đều mang dấu ấn của quy luật trao đổi. Khi quyền bình đẳng thì tương quan lực lượng sẽ quyết định. Do đó, trong lịch sử sản xuất tư bản chủ nghĩa, việc xây dựng quy chuẩn cho ngày lao động tự nó thể hiện như một cuộc đấu tranh vượt qua những giới hạn của ngày đó, một cuộc đấu tranh giữa tập thể các nhà tư bản, tức là giai cấp tư bản và tập thể lao động, tức là giai cấp công nhân.” [Tr344]

 

Lịch sử của ngày làm việc

Marx đã dành một phần lớn chương 10, sử dụng hồ sơ lịch sử và báo cáo từ nhà máy, để xem xét những cách cụ thể mà các nhà tư bản đã dùng để kéo dài ngày làm việc, từ việc đưa ra hệ thống làm việc theo ca để đảm bảo rằng quá trình sản xuất không ngừng nghỉ, không bị gián đoạn, để tận dụng thời gian nhàn rỗi của công nhân và không cho phép họ nghỉ ngơi:

“Được dẫn dắt bởi sự mù quáng và vô độ, sự thèm muốn không có giới hạn đối với lao động thặng dư, tư bản gạt sang bên không chỉ đạo đức mà thậm chí cả những giới hạn đơn thuần về thể chất của ngày làm việc. Nó chiếm đoạt cả thời gian để tăng trưởng, phát triển và duy trì sự khỏe mạnh của cơ thể. Nó đánh cắp thời gian cần thiết để tiêu thụ không khí trong lành và ánh sáng mặt trời. Nó cò kè cả giờ ăn, khi hợp nhất chúng vào chính quá trình sản xuất, để thực phẩm được bổ sung cho người công nhân như một phương tiện sản xuất đơn thuần, ví như than cung cấp cho lò hơi và dầu mỡ cho máy móc.” [Tr375 – 376]

Như Marx nhận xét, trong khi làm như vậy thì các nhà tư bản đã ăn mòn sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của người lao động. Nhưng ngày nay, với ngày làm việc ngắn hơn, thời gian nghỉ ngơi cuối tuần mỗi tuần và kỳ vọng sống lâu hơn, hẳn ta có thể tưởng rằng những gì Marx nói đã là dĩ vãng. Không phải vậy.

Trước tiên, chúng ta phải hỏi, làm thế nào mà khái niệm ‘cuối tuần’ – tức là thời gian giải trí hai ngày được trả lương – và thậm chí 40 giờ làm việc một tuần đã ra đời? Vì những thứ ‘xa xỉ’ như vậy không phải lúc nào cũng tồn tại; như Marx giải thích, ngày làm việc thường từ 12 giờ trở lên và ngày nghỉ duy nhất sẽ là Chủ nhật – Ngày của Chúa. Thực tế quãng thời gian nghỉ ngơi này, cũng giống như mọi cải cách tiến bộ khác, đều do giai cấp công nhân giành được thông qua đấu tranh, thông qua tổ chức và hành động. Chỉ bằng cách đe dọa đến lợi nhuận của giai cấp tư bản thì giai cấp công nhân mới có thể giành được thắng lợi và giữ vững chúng.

Chương 10 đã được Marx dành rất nhiều cho việc phác thảo lịch sử của ngày làm việc và trình bày chi tiết về cách thức, “Việc thiết lập một ngày làm việc bình thường là kết quả của cuộc đấu tranh hàng thế kỷ giữa nhà tư bản và công nhân,” [Tr382] từ Đạo luật Nhà máy năm 1833, 1844 và 1847, cho đến phong trào Chartist 1846-1848 và cuộc đấu tranh cho Đạo luật Mười giờ.

Thứ hai, các nhà tư bản ngày nay liên tục cố gắng để loại bỏ những cải cách như vậy và kéo dài ngày làm việc bất cứ khi nào có thể. Trong nhiều thập kỷ, các nhà tư bản đã thúc đẩy việc khai thác ngày càng nhiều lao động từ giai cấp công nhân dưới hình thức làm thêm giờ mà không được trả công, điều mà nay đã trở thành một tiêu chuẩn được mong đợi ở hầu hết những nơi làm việc. Để buộc công nhân làm thêm nhiều giờ hơn mỗi tuần, các nhà tư bản đã lợi dụng sự cạnh tranh giữa những người lao động và mối đe dọa thất nghiệp. Các ước tính mới nhất từ TUC chỉ ra rằng một công nhân trung bình làm thêm gần 8 giờ mỗi tuần mà không được trả lương, với giá trị ước tính (tức là lợi nhuận cho nhà tư bản) là 34 tỷ bảng Anh mỗi năm. Ngoài ra, chúng ta thấy sự xói mòn của tất cả thời gian cá nhân trong ngày làm việc, với việc ‘uống trà’ và thậm chí nghỉ trưa giờ đây dường như đã trở thành dĩ vãng.

Trong khi đang tồn tại trong xã hội là tình trạng thất nghiệp hàng loạt thì rõ ràng là những người có việc làm lại đang phải gánh quá nhiều công việc. Làm thế nào mà hàng triệu người phải chịu cảnh thất nghiệp trong khi hàng triệu người khác bị buộc phải làm việc 50-60 giờ mỗi tuần hoặc làm hai hoặc ba công việc chỉ để kiếm sống?

“Nhân viên trên khắp nước Anh làm việc trong thời gian dài nhất ở châu Âu – và thậm chí không được trả lương cho phần lớn thời gian làm thêm,” Tổng thư ký TUC, Frances O’Grady, cho biết liên quan đến các số liệu trên. “Nếu thực sự có quá nhiều việc phải làm, các nhà tuyển dụng có thể muốn xem xét tuyển nhân viên mới. Có 2,3 triệu người thất nghiệp trên khắp Vương quốc Anh, những người sẽ rất vui khi có cơ hội này.”

Bên cạnh đó, với sự phát triển của các tập đoàn khổng lồ, công nghệ hiện đại và áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nhỏ, một lần nữa điều này đã thúc đẩy sản xuất và phân phối vượt qua mọi giới hạn vật lý hoặc thời gian, với các cửa hàng mở cửa 24/7, mua sắm trực tuyến, giao hàng qua đêm và hợp đồng không giờ để đảm bảo tính ‘linh hoạt’ của lao động.

Cuối cùng, có thể đã là dĩ vãng cái kiểu suy thoái về thể chất và bệnh tật do công việc gây ra, điều mà Marx mô tả vào thế kỷ 19, thì thay vào đó, ngày nay chúng ta thấy sự gia tăng của những bệnh tâm thần, căng thẳng, trầm cảm và các vấn đề xã hội do áp lực của làm việc quá sức. Ví dụ, thống kê cho thấy rằng căng thẳng hiện nay chiếm 40% tổng số các trường hợp bệnh tật liên quan đến công việc; và trong khi tổng số ngày làm việc bị mất do ốm đau đã giảm trong giai đoạn 2009-2016 (từ 146 triệu xuống 137 triệu) thì số ngày bị mất do căng thẳng, trầm cảm và lo lắng lại tăng lên (từ 12,3 triệu lên 15,8 triệu). Ở những nơi khác, hơn một nửa số người tham gia nghiên cứu học thuật ở Anh nói rằng khối lượng công việc nặng nề đang có tác động đến sức khỏe tâm thần của họ; trong khi đó, 57% giáo viên ở Anh nói rằng họ đang nghĩ đến việc rời bỏ nghề nghiệp do tăng giờ làm, với giáo viên tiểu học và giáo viên trung học hiện làm việc trung bình lần lượt là 60 và 56 giờ mỗi tuần.

Nói cách khác, sự cạnh tranh và áp lực của chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến tình trạng người lao động ngày càng xa lánh sức lao động của mình, với đồng nghiệp và xã hội nói chung. Thay vì kích thích tinh thần và nâng cao văn hóa, thay vào đó chúng ta chỉ thấy cảm giác cô lập và bồn chồn. Những cái chết sớm do công việc xảy ra vào thời Marx ngày nay đã được thay thế bằng một quãng đời mệt nhọc, căng thẳng và trầm cảm.

Số lượng và chất lượng

Marx đưa ra hai điểm bổ sung quan trọng liên quan đến vấn đề lao động thặng dư và giá trị thặng dư trong phần này. Thứ nhất, ông chế giễu lập luận về ‘Giờ cuối cùng’ quan trọng do nhà kinh tế tư sản người Anh Nassau W. Senior đưa ra. Giáo sư Senior lập luận rằng những điều luật trong Đạo luật Nhà máy năm 1833 áp đặt việc cắt giảm một giờ làm việc trong ngày – ‘Giờ cuối cùng’ – sẽ khiến lợi nhuận của các chủ doanh nghiệp bông biến mất.

Marx đã chứng tỏ lập luận của Senior về cơ bản là sai lầm, vì cho rằng người lao động đã dành phần lớn thời gian trong ngày của mình để tái sản xuất các giá trị của tư bản bất biến liên quan tới quá trình sản xuất. Nhưng như đã giải thích trước đây, giá trị thể hiện trong tư bản bất biến – thứ lao động chết tích lũy của những người lao động trước – không bị tiêu hủy trong quá trình sản xuất, mà chỉ được chuyển từ sản phẩm cũ sang sản phẩm mới. Đó là trường hợp của máy móc, của công cụ được dùng, cũng như đối với nguyên liệu thô được sử dụng.

“Bạn đang đi sai hướng hoàn toàn nếu bạn nghĩ rằng anh ta đã đánh mất một khoảnh khắc nào trong ngày làm việc của mình trong việc tái tạo hoặc thay thế các giá trị của bông vải, máy móc, v.v. Ngược lại, chính vì lao động của anh ta biến bông và cọc thành sợi, bởi vì anh ta quay, nên giá trị của bông và cọc chuyển sang sợi theo cách riêng của chúng. Đây là kết quả cho chất lượng lao động của anh ấy, không phải số lượng của nó.” [Tr335 – 336]

Do đó, giá trị trong tư bản bất biến xuất hiện trên cả hai mặt của bảng cân đối kế toán và bị loại bỏ. Tất cả thời gian lao động cần thiết về mặt xã hội tham gia vào quá trình sản xuất đều làm tăng thêm giá trị mới cho sản phẩm cuối cùng, bổ sung cho lao động tích lũy trước đó có trong nguyên vật liệu, máy móc, v.v …, những thứ vốn là sản phẩm của những nỗ lực trong quá khứ. Do đó, số giờ trong ngày làm việc không được chia thành c + v + s (bất biến, khả biến và thặng dư), mà chỉ được chia thành v + s , khả biến và thặng dư.

Kết quả là giảm ngày làm việc ít có tác động bất lợi hơn đến lợi nhuận của các nhà tư bản so với những gì mà Senior đưa ra. Như trường hợp lúc này, lập luận của Senior không hơn gì chứng hysteria tư sản, được kiến thiết cốt để giương cao cái sự than với khóc về luật pháp, rằng trong khi giảm nhẹ gánh nặng cho người lao động, cuối cùng nó lại là mối đe dọa đối với lợi nhuận của các nhà tư bản.

Sau đó, trong chương 11, Marx đúc rút ra sự phân biệt giữa tỷ suất giá trị thặng dư và khối lượng giá trị thặng dư, đại lượng thứ hai chỉ đơn giản là đại lượng trước nhân với tổng tư bản khả biến ở mức cao hơn. Do đó, khối lượng giá trị thặng dư (và do đó là khối lượng lợi nhuận) đối với nhà tư bản phụ thuộc vào mức độ bóc lột và số lượng công nhân bị bóc lột.

Điều này giúp giải thích mối quan hệ giữa đầu tư, năng suất, khai thác bóc lột và công ăn việc làm. Bằng cách đầu tư vào máy móc để tăng năng suất, nhà tư bản có thể tăng cường mức độ bóc lột, cho phép công nhân sản xuất nhiều hơn trong một khoảng thời gian nhất định. Khi đó, cần phải sử dụng ít công nhân hơn để sản xuất cùng một lượng, cho phép giảm chi phí lao động và tăng lợi nhuận. Khi đó, nhà tư bản có thể hạ giá hàng hóa của họ xuống dưới mức trung bình xã hội, hạ bệ đối thủ cạnh tranh và giành thị phần. Quá trình này hình thành một phần quan trọng then chốt của cạnh tranh tư bản, thúc đẩy chủ nghĩa tư bản tiến lên trong thời kỳ hoàng kim của nó thông qua phát triển tư liệu sản xuất – một xu hướng nay đã trở nên nghịch đảo khi tư bản ngày càng tập trung vào tay ngày càng ít người, biến cạnh tranh thành độc quyền và tiến bộ thành thoái trào.

Điều này cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nước Anh ngày nay, nơi dường như có một ‘bài toán hóc búa về năng suất’: so với mức trước khủng hoảng, con số việc làm đang ở mức kỷ lục (mặc dù có những yếu tố quan trọng đằng sau điều này), nhưng GDP ( của cải quốc gia) là tương đối thấp; điều này cho thấy sự sụt giảm năng suất trong nền kinh tế Anh kể từ cuộc khủng hoảng.

Làm thế nào để các doanh nghiệp Anh duy trì lợi nhuận của họ, nếu năng suất thấp và tỷ lệ thất nghiệp cũng tương đối thấp? Điều quan trọng là tiền lương cũng thấp, do đó, một số lượng lớn hơn công nhân có thể được sử dụng để cho ra một số lượng tư bản khả biến nhất định. Nói cách khác, ngày nay lao động giá rẻ đang được sử dụng ở Anh thay vì đầu tư cho năng suất, máy móc và tự động hóa. Thay vì đầu tư và phát triển tư liệu sản xuất, các nhà tư bản ký sinh chỉ đơn giản là lợi dụng mức lương thấp để kiếm lời nhanh chóng.

Cuối cùng, Marx giải thích mối quan hệ biện chứng giữa tiền và tư bản – mối quan hệ về lượng và chất. Không phải tất cả tiền đều là tư bản. Nhưng sự tích lũy tiền bạc và của cải trở thành tư bản ở điểm nào?

Nói tóm lại, tiền trở thành tư bản tại thời điểm mà chủ sở hữu của cải có thể tồn tại hoàn toàn bằng cách sống nhờ vào sức lao động của người khác. Chủ sở hữu một lượng tiền nhỏ chỉ có thể sử dụng một công nhân duy nhất, những người này chỉ có thể sản xuất đủ để trang trải phương tiện sinh hoạt của chính họ và một phần nhỏ phương tiện sinh sống của chủ sở hữu tiền. Khi số lượng tiền trong tay của chủ sở hữu ngày càng tăng, lực lượng lao động có thể mở rộng cho đến khi cuối cùng đạt đến một điểm mà theo đó chủ sở hữu tiền có thể tồn tại bằng cách sống nhờ vào công việc của người khác.

Tương tự như vậy, khi năng suất lao động tăng lên, tỷ lệ thặng dư trên lao động cần thiết tăng lên, và do đó lượng công nhân cần thiết để duy trì một lượng tư bản nhất định giảm xuống. Điều này lại liên quan đến mức độ bóc lột và mối quan hệ giữa tỷ suất và khối lượng giá trị thặng dư.


Một kết thúc cho công việc nặng nhọc

Dưới chủ nghĩa tư bản, câu hỏi luôn được đặt ra theo cách: chủ nghĩa tư bản yêu cầu bao nhiêu công nhân để duy trì hoạt động của nó? Câu trả lời mà chúng tôi thường xuyên tìm thấy là: ít hơn nhiều so với tổng dân số. Do đó, vết sẹo vĩnh viễn của tình trạng thất nghiệp hàng loạt đã làm tàn rụi xã hội. Đó là sự phi lý của chủ nghĩa tư bản, theo đó sự phát triển của tư liệu sản xuất và sự gia tăng của khoa học, công nghệ và năng suất chỉ dẫn đến tăng lợi nhuận ở một đầu trong khi tăng khốn khó ở đầu kia.

Thay vì có sự mâu thuẫn về thất nghiệp hàng loạt cùng với 50-60 giờ mỗi tuần đối với những người đang có việc làm, tại sao công nghệ và máy móc trong xã hội không được sử dụng để chia đều công việc cho dân số và giảm số giờ làm việc trong tuần cho tất cả mọi người? Việc làm đầy đủ có thể tồn tại cùng với 30 hoặc thậm chí 20 giờ một tuần. Nhưng điều này không tương thích với chủ nghĩa tư bản và việc tạo ra lợi nhuận.

Ngày nay, với mức năng suất tiềm năng cao, nhờ vào khả năng vốn có của công nghệ hiện đại và tự động hóa, chúng ta có thể giảm lượng lao động cần thiết này xuống chỉ còn vài giờ mỗi ngày, hoặc thậm chí ít hơn. Cuối cùng, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, điều này có thể giảm hơn nữa và ý tưởng về ‘công việc’ như chúng ta biết có thể bị loại bỏ hoàn toàn. Mối quan tâm của chúng ta không phải là công việc, mà là làm thế nào để tận hưởng cuộc sống của chúng ta một cách trọn vẹn, thoát khỏi gánh nặng này. Vào những năm 1960, các chương trình truyền hình đã cân nhắc xem, với sự ra đời của tự động hóa, chúng ta sẽ làm gì với mọi thời gian giảnh rỗi của mình. Nhưng thay vì có nhiều thời gian rảnh hơn, nhờ chủ nghĩa tư bản mà chúng ta lại có ít thời gian hơn.

Dưới chủ nghĩa tư bản, nơi sản xuất chỉ vì lợi nhuận, điều này thực sự vẫn là một điều không tưởng. Chỉ có một kế hoạch sản xuất hợp lý và dân chủ – tức là một hệ thống xã hội chủ nghĩa, trong đó nhu cầu của xã hội đi trước lợi nhuận cá nhân – mới có thể biến giấc mơ này thành hiện thực.

Nhưng như Marx nhấn mạnh, không thể đạt được thời gian giải trí cho giai cấp công nhân mà không có một cuộc đấu tranh có tổ chức. Do đó, nhiệm vụ là giáo dục, vận động, tổ chức và đấu tranh cho sự biến đổi cách mạng của xã hội.

 

“Lịch sử của quy định về ngày làm việc trong một số ngành sản xuất và cuộc đấu tranh vẫn đang diễn ra ở những nơi khác về quy định này, đã chứng minh một cách rõ ràng rằng người công nhân chịu cô lập, người công nhân ‘tự do’ bán sức lao động của mình, phải chịu chết một khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã đến một giai đoạn chín muồi nhất định. Do đó, việc thiết lập một ngày làm việc bình thường là sản phẩm của một cuộc nội chiến kéo dài và bị che đậy ít nhiều giữa giai cấp các nhà tư bản và giai cấp công nhân ”. [Tr412 – 413]

“Để ‘bảo vệ’ mình khỏi con rắn của sự thống khổ, những người lao động phải hợp sức lại với nhau và, với tư cách là một giai cấp, buộc phải thông qua một điều luật, một rào cản xã hội toàn năng mà họ có thể ngăn cản việc bán mình và gia đình mình làm nô lệ và chết bởi hợp đồng tự nguyện với tư bản.” [Tr416]

 


Phần trướcMục lụcPhần tiếp


 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận