CHƯƠNG TỪ IV – VIII: GIÁ TRỊ THẶNG DƯ

Sau khi lập biểu đồ về sự phát triển lịch sử của sản xuất hàng hóa và tiền tệ, giờ đây, Marx chuyển sự chú ý của mình sang vấn đề luôn khiến cho các nhà kinh tế học cổ điển phải băn khoăn: Lợi nhuận trong chủ nghĩa tư bản, nguồn gốc của nó đến từ đâu?

Cho đến thời điểm này trong Tư bản, Marx vẫn chủ yếu đề cập đến các quá trình lịch sử và giải thích về những điều thường đã được hiểu rõ. Ví dụ, mặc dù chưa được phát triển đầy đủ, khái niệm về lý thuyết giá trị lao động đã được đề xuất bởi các nhà kinh tế học cổ điển trước Marx. Tương tự như vậy, các nhà kinh tế học cổ điển, cũng như Marx, hiểu chủ nghĩa tư bản là một hệ thống sản xuất hàng hóa, dựa trên sở hữu tư nhân và được thúc đẩy bởi động cơ lợi nhuận. Tuy nhiên, điều mà không một nhà kinh tế học cổ điển nào có thể trả lời hoặc giải thích được là: lợi nhuận đến từ đâu?

 

Tư bản là gì?

Để trả lời vấn đề này, Marx bắt đầu bằng câu hỏi: tư bản là gì? Bằng cách nào mà hệ thống lịch sử này được sinh ra? Và điều gì phân biệt tư bản với tiền hay hàng hóa khác?

Nói một cách đơn giản, tiền chỉ trở thành tư bản khi nó được sử dụng để mua hàng hóa hoặc lao động nhằm tạo ra lợi nhuận. Nếu một người chăn cừu bán len để lấy tiền mua bánh mì ăn, thì số tiền anh ta dùng không thành tư bản. Tuy nhiên, khi một thương gia sử dụng tiền của mình để mua len nhằm bán len với giá cao hơn thì số tiền này là tư bản.

Trước chủ nghĩa tư bản, tư bản được tích lũy chủ yếu thông qua thương mại – không chỉ đơn giản là buôn bán hàng hóa, mà còn là cướp bóc, bóc lột, xâm chiếm và cướp biển.

Marx nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển lịch sử này, đặc biệt là sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa:

“Lưu thông hàng hóa là điểm xuất phát của tư bản. Việc sản xuất hàng hóa và lưu thông của chúng ở dạng phát triển của nó, cụ thể là thương mại, tạo thành những tiền đề lịch sử mà theo đó tư bản đã hình thành. Thương mại thế giới và thị trường thế giới bắt đầu từ thế kỷ XVI, và từ đó trở đi, lịch sử hiện đại của tư bản bắt đầu mở ra.” [Tr247]

Sự bao trùm của sản xuất và trao đổi hàng hóa; sự phát triển của một tương đương phổ biến dưới dạng tiền; sự phân công lao động trong xã hội; quyền sở hữu tư nhân; sự hình thành thị trường thế giới: tất cả những hình thức này, do đó, là những điều kiện tiên quyết dẫn đến sự xuất hiện của tư bản và chủ nghĩa tư bản.

Marx giải thích sự xuất hiện của tư bản một cách chi tiết hơn:

“Sự khác biệt đầu tiên giữa tiền với tư cách là tiền và tiền với tư cách là tư bản không gì khác hơn là sự khác biệt về hình thức lưu thông của chúng. Hình thức trực tiếp của lưu thông hàng hoá là C-M-C, chuyển hoá hàng hoá thành tiền và tái chuyển tiền thành hàng hóa: bán để mua. Nhưng bên cạnh hình thức này, chúng ta tìm thấy một hình thức khác, khá khác biệt với hình thức đầu tiên: M-C-M, sự chuyển đổi tiền thành hàng hóa và tái chuyển đổi hàng hóa thành tiền: mua để bán. Tiền được mô tả ở quá trình sau này trong quá trình vận động của nó được chuyển thành tư bản, trở thành tư bản, và theo quan điểm về chức năng của nó, đã là tư bản.” [Tr247 – 248]

Với các hình thức lưu thông hàng hoá giản đơn hơn, mục đích chung của người sản xuất là đáp ứng nhu cầu của họ chứ không phải để tăng của cải. Mỗi cá nhân sản xuất để bán; đến lượt mình, họ bán để có thể mua những thứ họ cần. Những giá trị sử dụng này sẽ được sử dụng khi chúng được mua. Mạch C-M-C được kết thúc bằng việc bán để mua và tiêu dùng. Do đó, “tiêu dùng, thỏa mãn nhu cầu, trong giá trị sử dụng ngắn hạn, là mục tiêu cuối cùng của nó.” [Tr250]

Tuy nhiên, như đã giải thích, số tiền này không phải là tư bản bởi vì nó không phải để tìm kiếm lợi nhuận. Bước nhảy vọt từ tiền sang tư bản cho thấy một sự thay đổi về chất: điểm bắt đầu và kết thúc của chu kỳ không còn là hàng hóa và tiêu dùng nữa mà thay vào đó, chúng ta thấy một chu kỳ bắt đầu và kết thúc bằng tiền. Nói cách khác, chúng ta có mạch M-C-M, mua để bán. Mục đích của việc trao đổi này không phải là thu được giá trị sử dụng mà chỉ là tiền hoặc giá trị trao đổi. “Người mua, với tư cách kẻ bán, vung tiền ra để có thể thu tiền về… Do đó, số tiền này không được chi tiêu mà chỉ là ứng trước” [Tr249]

Với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, sự phổ biến của sản xuất và trao đổi hàng hóa, sự phát triển của tiền tệ, sản xuất không còn được tiến hành với mục đích đáp ứng các nhu cầu cá nhân nữa. Thay vào đó, raison d’être (Lý do tồn tại) cho sản xuất và thương mại là lợi nhuận: việc tạo ra tiền từ tiền. “Con đường M-C-M… bắt nguồn từ cực của tiền và cuối cùng trở lại cùng cái cực đó. Do đó, động lực và động cơ của nó, mục đích mà nó xác định, là giá trị trao đổi.” [Tr250]

Nhà tư bản không màng đến những nhu cầu thực sự trong xã hội. Sự quan tâm của họ trong việc đáp ứng nhu cầu có bao nhiêu cũng chỉ là để bán sản phẩm của họ và thu về lợi nhuận. Do đó, động lực sản xuất trở thành động cơ theo đuổi lợi nhuận bất tận:

“Là kẻ ý thức được sự vận động này thì người sở hữu tiền sẽ trở thành nhà tư bản. Con người anh ta, hay đúng hơn là túi tiền của anh ta, là điểm mà tiền xuất phát và cũng là nơi nó trở lại. Nội dung khách quan của sự lưu thông mà chúng ta đang thảo luận – sự định giá giá trị – là mục đích chủ quan của anh ta, và chỉ trong chừng mực mà việc chiếm đoạt ngày càng nhiều hơn của cải về mặt trừu tượng mới là động lực duy nhất thúc đẩy hoạt động của anh ta thì anh ta mới hoạt động như một nhà tư bản, tức là tư bản được nhân cách hóa và được phú cho ý thức và ý chí. Do đó, giá trị sử dụng không bao giờ được coi là mục tiêu trước mắt của nhà tư bản; cũng không phải lợi nhuận trên bất kỳ giao dịch đơn lẻ nào. Mục đích của anh ta là sự vận động không ngừng để tạo ra lợi nhuận.” [Tr254] 

Do đó, mục đích của sản xuất hàng hoá giản đơn là thực hiện các giá trị sử dụng – tức là thỏa mãn những mong muốn. Ngược lại, mục đích của lưu thông tư bản là thực hiện giá trị trao đổi. Tất nhiên, trong quá trình kiếm tiền này, nếu nhà tư bản kết thúc với số tiền y như khi anh ta bắt đầu, thì toàn bộ hành động sẽ trở nên vô nghĩa. Do đó, sẽ chính xác hơn nếu nói rằng lưu thông của tư bản là sự mở rộng giá trị trao đổi và tạo ra giá trị thặng dư. Đây là ý nghĩa của Marx khi “định giá” tư bản, cụ thể là sự gia tăng giá trị của tư bản sở hữu thông qua việc áp dụng sức lao động hình thành nên giá trị vào sản xuất.

Do đó, tư bản được phân biệt theo bản chất của nó là của cải tự tái sản xuất; tiền sinh ra tiền; giá trị tạo ra nhiều giá trị hơn. Do đó, ngay khi tiền được hướng vào một hoạt động sinh lợi, hoặc hứa hẹn mang lại lợi nhuận, thì tiền đó sẽ trở thành tư bản.

Mua rẻ bán đắt

Bây giờ chúng ta hãy quay trở lại câu hỏi: Vậy, thông qua quá trình nào mà tư bản tạo ra giá trị từ giá trị? Làm thế nào để sự luân chuyển của tư bản trở thành M-C-M’, trong đó M’ lớn hơn M? Vấn đề không đơn giản chỉ là có được tiền, mà là cho phép người sở hữu tiền có được nhiều tiền hơn số tiền ban đầu.

Cho đến tận thời Marx, quan niệm phổ biến vẫn cho rằng lợi nhuận trong chủ nghĩa tư bản đến từ việc mua rẻ bán đắt. Nói cách khác, lợi nhuận – hay giá trị thặng dư – được tạo ra đơn giản thông qua hành vi trao đổi, hoàn toàn nằm trong phạm vi lưu thông.

Marx giải thích rằng điều này là sai. Quá trình lưu thông không phải là quá trình sáng tạo mà chỉ đơn giản là một phương tiện để tiền được chuyển hóa thành hàng hóa và ngược lại. Trong phạm vi lưu thông, giá trị thay đổi hình thức, nhưng không được tạo ra. Lưu thông, trao đổi hàng hóa bao gồm cả mua và bán. Nếu có lợi thế khi mua thì nó sẽ mất đi khi bán các mặt hàng này. Không có giá trị thặng dư ròng nào được tạo ra trong giao dịch, vì lợi ích của một người là sự mất mát của người khác. Điều chúng ta chứng kiến không phải là việc tạo ra giá trị thặng dư, mà là sự chuyển dịch giá trị từ bên này sang bên khác. Thế nào thì vẫn thế.

Giá trị được tạo ra không phải trong quá trình lưu thông, mà là trong quá trình sản xuất. Nó là biểu hiện của thời gian lao động xã hội cần thiết trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, giá trị chứa đựng trong hàng hóa chỉ được thể hiện thông qua hành vi trao đổi, cụ thể là khi nó được bán. Do đó, tuần hoàn là quan trọng đối với quá trình, tuy nhiên nó không tạo ra giá trị nào mà chỉ phục vụ cho việc di chuyển xung quanh giá trị hiện có. Đây là chức năng của thị trường.

Quy luật giá trị – quy luật sản xuất và trao đổi hàng hóa – do đó “nhất thiết phải liên quan tới việc trao đổi những vật tương đương, có điều kiện.” [Tr260] Quy luật này, như đã thảo luận trước đây, là sự khái quát hóa xuất hiện từ nhiều hành vi trao đổi diễn ra phổ biến trong xã hội. Mặc dù trong mọi trường hợp riêng lẻ có thể có sự khác biệt giữa giá mà hàng hóa được bán / mua và giá trị của nó, nhưng trung bình hàng hóa được trao đổi trên cơ sở một lượng giá trị tương đương, cụ thể là thời gian lao động xã hội cần thiết chứa đựng bên trong chúng.

“Đúng là hàng hóa có thể được bán với giá chênh lệch so với giá trị của chúng, nhưng sự chênh lệch này có vẻ như vi phạm luật đang thống trị việc trao đổi hàng hóa. Ở dạng thuần túy, trao đổi hàng hóa là trao đổi các vật tương đương, và do đó nó không phải là một phương pháp gia tăng giá trị.” [Tr261]

Điều Marx đang nói ở đây là nếu trao đổi được điều chỉnh bởi quy luật tương đương, thì việc lưu thông hàng hóa không thể là nguồn gốc của giá trị thặng dư.

Cần lưu ý rằng giá cả và giá trị của hàng hóa cuối cùng thể hiện mối quan hệ giữa lao động của những người sản xuất riêng lẻ khác nhau. Do đó, như Marx giải thích, nếu hàng hóa luôn được bán với giá cao hơn giá thực tế của chúng, thì kết quả chỉ là lạm phát về tổng thể, không tạo ra bất kỳ giá trị mới nào:

“Sau đó, giả sử rằng có một số đặc quyền không thể giải thích được cho phép người bán bán hàng hóa của mình cao hơn giá trị của chúng, bán thứ có giá trị 100 với giá 110, do đó giá trên danh nghĩa đã tăng 10%. Trong trường hợp này, người bán bỏ túi giá trị thặng dư là 10. Nhưng sau khi bán xong, anh ta trở thành người mua. Giờ đây, chủ sở hữu thứ ba của hàng hóa đến với anh ta với tư cách là người bán, và cũng như anh ta, cũng được hưởng đặc quyền bán hàng hóa của mình hơn lên 10% giá trị. Bạn của chúng ta đã đạt được 10 với tư cách là người bán chỉ để mất nó một lần nữa với tư cách là người mua. Trên thực tế, kết quả bao trùm là tất cả các chủ sở hữu hàng hóa bán hàng hóa của họ cho nhau ở mức cao hơn 10% giá trị của chúng, điều này giống hệt như khi họ bán chúng với giá trị thực của chúng. Sự tăng giá chung và giá danh nghĩa của loại này có tác động tương tự như thể giá trị của hàng hóa được biểu thị bằng bạc thay vì vàng chẳng hạn. Tên tiền hoặc giá cả của hàng hóa sẽ tăng lên, nhưng mối quan hệ giữa giá trị của chúng sẽ không thay đổi.” [Tr263]

Vấn đề với quan niệm sai lầm về thu lợi bằng mua rẻ, bán rẻ là cho rằng tồn tại một nhóm người trong xã hội thuần túy là người mua và một nhóm khác thuần tuý là người bán; “Tồn tại một lớp người mua nhưng không bán, tức là lớp người tiêu dùng không sản xuất” [Tr264]. Một khái niệm như vậy xuất phát từ quan điểm phi thực tế cũ của những người đi trước Marx, những người đã không nhìn thấy mối quan hệ giữa các giai đoạn trong nền kinh tế. Trong một hệ thống sản xuất và trao đổi hàng hóa phổ biến, tất cả chúng ta đều là người mua và người bán. Thậm chí, nhà tư bản vừa là người bán vừa là người mua: tất nhiên họ bán một sản phẩm, nhưng trước hết họ phải mua nguyên vật liệu, đầu tư máy móc và trả lương cho công nhân.

Mặc dù trong bất kỳ hành động trao đổi cá biệt nào có thể có những trường hợp ‘gian lận’ riêng lẻ, việc lừa đảo như vậy không thể giúp tăng lượng giá trị trong xã hội nói chung. Những gì thu được bằng cách gian lận bằng một tay sẽ đơn giản bị mất sau đó với tay kia; mất mát của một người là cái được lợi của người khác và ngược lại. “Giá trị lưu thông không tăng thêm một iota; tất cả những gì đã thay đổi là sự phân phối của nó giữa A và B. Cái xuất hiện ở một bên như là sự mất đi giá trị thì xuất hiện ở bên kia là giá trị thặng dư; cái xuất hiện ở một bên là điểm trừ thì xuất hiện ở bên kia là cộng… Xét trên tổng thể, giai cấp tư bản của một quốc gia nhất định không thể tự lừa dối chính mình.” [Tr265-266] Tuy nhiên, sự gian dối này không thể giải thích nguồn gốc của giá trị thặng dư.

Vì vậy, khi tìm kiếm nguồn gốc của giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản, chúng ta không thể nhìn vào các hành vi trao đổi biệt lập, hoặc trong lĩnh vực lưu thông, mà phải phân tích từ tổng thể sản xuất và trao đổi. “Nếu các vật tương đương được trao đổi thì kết quả không có giá trị thặng dư, mà dẫu trao đổi các vật không tương đương, chúng ta cũng vẫn không có giá trị thặng dư. Lưu thông, hoặc trao đổi hàng hóa, không tạo ra giá trị.” [Tr266]

Nếu không nằm trong phạm vi lưu thông thì giá trị thặng dư do đâu mà có?

“Chủ sở hữu tiền, người vẫn chỉ là một nhà tư bản ở dạng ấu trùng, phải mua hàng hóa của mình với giá trị của chúng, bán chúng với giá trị của chúng, nhưng vào cuối quá trình rút ra khỏi lưu thông nhiều giá trị hơn so với giá trị mà anh ta đã ném vào lúc bắt đầu. Sự xuất hiện của anh ta như một con bướm phải, nhưng không được, diễn ra trong phạm vi lưu thông.” [Tr269]

Sức lao động

Nhà tư bản của chúng ta phải bắt đầu bằng tiền, mua hàng hóa, bán sản phẩm của mình, và sau đó kết thúc bằng nhiều tiền hơn mà anh ta đã bắt đầu. Vì vậy, sự gia tăng của giá trị phải có liên quan gì đó đến bản thân hàng hóa đó, nhưng đó là cái gì?

“Để có thể bòn rút từ việc tiêu dùng một loại hàng hóa, ông bạn của chúng ta, người sở hữu tiền phải đủ may mắn để tìm thấy trong phạm vi lưu thông, trên thị trường, một hàng hóa mà giá trị sử dụng có tính chất đặc thù là nguồn của giá trị, do đó bản thân việc tiêu dùng nó trong thực tế là một sự vật hoá lao động, do đó tạo ra giá trị.” [Tr270]

Nói cách khác, phải có một hàng hóa mà nhà tư bản mua được mà bản thân nó có khả năng tạo ra giá trị thặng dư bằng chính việc tiêu dùng nó. Và như Marx giải thích, “người sở hữu tiền thật sự tìm thấy một thứ hàng hóa đặc biệt như vậy trên thị trường: khả năng lao động, hay nói cách khác là sức lao động.” [Tr270]

‘Sức lao động’ này – thứ ‘khả năng lao động’ – được sở hữu bởi người lao động và là viết tắt của tất cả các loại khả năng về trí tuệ và thể chất. Nó là thứ duy nhất mà công nhân sở hữu để bán. Nó thường được thể hiện dưới dạng hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng, thứ quy định số giờ mỗi tuần hoặc số tuần mỗi năm mà họ phải làm việc cho ông chủ. Còn làm thế nào để họ làm việc hiệu quả hoặc chăm chỉ trong thời gian này – tức là họ thực sự sản xuất được bao nhiêu trong một tuần hoặc một năm nhất định – câu hỏi lúc này được đặt ra cho nhà tư bản. Nhà tư bản trả tiền cho thời gian của người lao động thì nhà tư bản phải sử dụng thời gian này càng hiệu quả càng tốt để sản xuất ra càng nhiều càng tốt.

Do đó, bước tiến nhảy vọt về chất ở Marx là đã thấy rằng bản thân người lao động không chỉ là người mua hàng hóa, mà còn là người bán một loại hàng hóa rất đặc biệt: sức lao động của họ – khả năng lao động. Do đó, cái mà nhà tư bản mua của người lao động không phải là lao động thực tế của họ, tức là sản phẩm lao động của anh ta, mà là khả năng hay năng lực lao động của họ. Việc mua và tiêu dùng hàng hoá sức lao động có giá trị đặc biệt này biến người sở hữu tiền thành nhà tư bản.

Mối quan hệ xã hội giữa công nhân với tư cách là người bán sức lao động và nhà tư bản với tư cách là người mua sức lao động là khác biệt về chất so với các phương thức sản xuất trước đây, chẳng hạn như chế độ nô lệ hay chế độ phong kiến. Dưới chế độ nô lệ, người lao động không hơn gì một công cụ – một thứ hàng hóa thuộc quyền sở hữu của chủ nô. Người nô lệ không bán khả năng lao động của họ như một thứ hàng hóa, chính bản thân họ đã là hàng hóa rồi. Trong khi đó, dưới chế độ phong kiến, nông nô lao động trên ruộng đất và ruộng đất lại thuộc sở hữu của địa chủ phong kiến. Chẳng hạn, trong bốn ngày, họ sẽ làm việc trên đất của lãnh chúa và trong hai ngày, họ có thể làm việc trên mảnh đất được giao để sản xuất ra sinh kế nuôi mình và gia đình.

Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa tư bản, người lao động không thuộc về nhà tư bản, và dường như họ bán sức lao động của mình. Do đó, người lao động không bị “ép buộc” phải làm việc cho nhà tư bản; họ luôn có thể chọn kết thúc bất kỳ hợp đồng nào và tìm kiếm việc làm ở nơi khác, nếu như họ có thể tìm thấy. “Anh ta phải là kẻ tự do sở hữu năng lực lao động của chính mình, theo đó là con người anh ta. Anh ta và người sở hữu tiền gặp nhau trên thị trường, và quan hệ với nhau trên cơ sở bình đẳng trong tư cách của chủ sở hữu hàng hóa, với sự khác biệt duy nhất: một bên là người mua và bên kia là người bán; do đó cả hai đều bình đẳng trước pháp luật.” [Tr271]

Một tình huống như vậy, nơi một tầng lớp người bán khả năng làm việc của họ cho một tầng lớp khác, không tự nhiên nảy sinh. Tuy nhiên, mặc dù người lao động không bị “ép buộc” phải làm việc cho bất kỳ cá nhân nhà tư bản nào, để tồn tại thì giai cấp công nhân nói chung phải tìm kiếm việc làm từ giai cấp tư bản nói chung. Nói cách khác, để nảy sinh quan hệ công nhân – tư bản, trước hết phải có tình trạng một tầng lớp người không còn phương tiện sinh tồn nào khác ngoài việc bán sức lao động của mình cho người khác – nghĩa là đi làm công ăn lương.

“Tự nhiên không tạo ra ở một mặt chủ sở hữu tiền bạc hoặc hàng hóa, và mặt khác những con người không sở hữu gì ngoài sức lao động của chính họ. Mối quan hệ này không có cơ sở trong lịch sử tự nhiên, cũng không có cơ sở xã hội chung cho mọi thời kỳ lịch sử loài người. Đó rõ ràng là kết quả của một quá trình phát triển lịch sử trong quá khứ, sản phẩm của nhiều cuộc cách mạng kinh tế, của sự diệt vong của hàng loạt hình thức sản xuất xã hội cũ hơn ”. [Tr273]

Vì vậy, để chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ, trước hết giai cấp công nhân phải được tạo ra – nghĩa là cần phải có một bộ phận dân cư, những người không giống như nông nô dưới chế độ phong kiến, bị trói buộc vào công việc đồng áng, mà là những người mà để sống còn thì chẳng còn gì để bán ngoài khả năng làm việc của họ. Một tầng lớp người làm công ăn lương như vậy không vươn lên một cách thuận chiều mát mái, mà là kết quả của những biến động dữ dội, theo đó người nông dân bị đuổi khỏi ruộng đất và bị tống vào các thị trấn và thành phố mới phát triển, buộc phải trở thành kẻ làm công ăn lương hoặc phải đối mặt với cuộc sống vô cùng tồi tệ.

Do đó, sức lao động không phải lúc nào cũng là hàng hóa – ví dụ, khi nó được tiêu dùng bởi chính những người lao động. Nhưng việc tiêu dùng sức lao động của chính mình chỉ có thể thực hiện được nếu bạn cũng là người sở hữu những tư liệu sản xuất cần thiết. Bị loại trừ khỏi những phương tiện này, người lao động bị buộc phải bán sức lao động của mình như một thứ hàng hóa trên thị trường.

“Các điều kiện lịch sử cho sự tồn tại của [tư bản] hoàn toàn không được đưa ra khi chỉ lưu thông tiền và hàng hóa. Nó chỉ phát sinh khi người sở hữu tư liệu sản xuất và sinh hoạt tìm thấy người lao động tự do có sẵn trên thị trường với tư cách là người bán sức lao động của chính mình. Và điều kiện tiên quyết lịch sử này bao gồm lịch sử thế giới. Do đó, tư bản thông báo ngay từ đầu một kỷ nguyên mới trong quá trình sản xuất xã hội ”. [Tr274]

Tiền lương

Và sau đó, người công nhân bán hàng hóa sức lao động cho người sử dụng lao động.  Marx lưu ý, “Giống như tất cả các hàng hóa khác, nó có một giá trị. Nhưng giá trị đó được xác định như thế nào?” [Tr274]

Marx giải thích: “Giá trị sức lao động được xác định, như trong mọi trường hợp của hàng hóa khác, bởi thời gian lao động cần thiết cho quá trình sản xuất, và theo đó, cả tái sản xuất, của mặt hàng đặc biệt này… nói cách khác, giá trị sức lao động là giá trị của các phương tiện cần thiết để duy trì sự tồn tại của chủ sở hữu của chính nó. ” [Tr274]

Giá cả của sức lao động được biểu thị bằng tiền lương trả cho giai cấp công nhân. Do đó, mức lương này phải có khả năng trang trải các chi phí cần thiết để duy trì hoạt động của người lao động, bao gồm thực phẩm, chỗ ở, quần áo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục; điều đó là cần thiết “để duy trì anh ta ở trạng thái bình thường như một cá nhân người lao động.” [Tr275]

Khi thảo luận về tiền lương và giá trị sức lao động, điều quan trọng cần lưu ý là Marx luôn luôn và ở mọi nơi, như khi thảo luận về giá trị của bất kỳ hàng hóa nào khác, nói về mức trung bình xã hội chứ không phải một trường hợp cá biệt. Do đó, chúng ta không màng đến mức lương cần thiết để duy trì một cá nhân nhất định, mà là mức lương xã hội cần thiết để duy trì giai cấp công nhân nói chung. Về mặt này, Marx nhấn mạnh rằng giá trị sức lao động không chỉ bao hàm chi tiêu của cá nhân người lao động, mà còn bao gồm cả gia đình người lao động, và thực sự là sự tồn tại liên tục của cả giai cấp công nhân. Nếu tiền lương – giá cả sức lao động – bị đẩy xuống dưới mức giá trị xã hội cần thiết này, thì nhà tư bản sẽ nhanh chóng thấy mình thiếu công nhân, do đó lực lượng cung và cầu thị trường sẽ hoạt động để đẩy tiền lương lên trở lại.

Tương tự, bằng cách xem xét giá trị sức lao động xét trên bình diện toàn xã hội, Marx giải thích các yếu tố lịch sử và xã hội hiện diện trong việc xác định tiền lương:

“Số lượng và mức độ của cái gọi là đòi hỏi cần thiết của anh ta, cũng như cách thức mà chúng được thỏa mãn, bản thân nó là sản phẩm của lịch sử, và do đó phụ thuộc rất nhiều vào trình độ văn minh mà một quốc gia đạt được; cụ thể là chúng phụ thuộc vào các điều kiện, và do đó, vào những thói quen và kỳ vọng đã được hình thành bởi giai cấp công nhân tự do. Ngược lại, đối với các hàng hóa khác, việc xác định giá trị sức lao động chứa đựng yếu tố của lịch sử và đạo đức.” [Tr275]

Do đó, mức lương xã hội cần thiết không đơn giản chỉ cần cho nhu cầu sống tối thiểu của giai cấp công nhân, mà là mức lương của một thời đại lịch sử và xã hội nhất định, thay đổi theo từng quốc gia và từ thời đại này qua thời đại khác. Đây có thể được coi là “tỷ lệ di động” tại các thời điểm khác nhau và ở các quốc gia khác nhau.

Do đó, một mặt thì mức lương cao hơn là cần thiết cho các khoản chi bổ sung – chẳng hạn như sự đáp ứng với công nghệ mới nhất và trình độ học vấn cao hơn – mà người lao động cần có để hoạt động theo nhịp độ nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản hiện đại; mặt khác, giai cấp công nhân, thông qua lịch sử đấu tranh giai cấp, đã nâng cao kỳ vọng của xã hội về mức lương trung bình – và do đó là mức sống trung bình – phải như thế nào.

Do đó, giá trị của sức lao động phụ thuộc vào giá trị của mối quan hệ xã hội – cuối cùng là của cuộc đấu tranh giai cấp giữa công nhân và giai cấp các nhà tư bản; một cuộc đấu tranh đòi tiền công cao hơn ở phía công nhân, và lợi nhuận lớn hơn ở phía nhà tư bản.

Quá trình sản xuất

Nguồn lợi nhuận, do đó, được tìm thấy bên trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, thu được thì lại thông qua hành vi lưu thông, cụ thể là mua bán hàng hóa trên thị trường.

Marx giải thích, quá trình sản xuất này là sự thống nhất của hai quá trình phụ: quá trình lao động và quá trình định giá. Marx bắt đầu bằng cách xem xét quá trình lao động dưới dạng khái quát và trừu tượng nhất của nó: như là “một quá trình giữa con người và tự nhiên”, trong đó “anh ta tác động vào vẻ ngoài tự nhiên và thay đổi nó.” [Tr283]

“Các yếu tố giản đơn của quá trình lao động là (1) hoạt động có mục đích, đó là bản thân công việc, (2) đối tượng mà công việc đó tác động và (3) công cụ cho công việc đó”. [Tr284]

Chúng ta thấy ở đây làm thế nào mà Marx lại không phân biệt giữa các loại hình lao động. Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng “không phải cái gì được tạo ra mà là làm cách nào và bằng những công cụ lao động nào, mới phân biệt các kỷ nguyên kinh tế khác nhau”. [Tr286]

Các học giả tư sản ngày nay thổi vào tai chúng ta một thứ đề xuất vô lý rằng giai cấp công nhân không còn tồn tại ở các nước tư bản tiên tiến nữa vì sự tàn phá của công nghiệp và công việc ‘cổ xanh’ ở các nước này. Nhưng giai cấp công nhân chắc chắn tồn tại. Bằng cách nào mà điện đến nhà hoặc nơi làm việc của chúng ta? Làm cách nào để nước chảy qua vòi của chúng ta? Ai điều khiển phương tiện giao thông công cộng? Ai phục vụ chúng ta trong các cửa hàng? Không có giai cấp công nhân sẽ không có gì xảy ra. Tuy nhiên, Marx không lãng mạn hóa bất kỳ bộ phận cụ thể nào của giai cấp công nhân hoặc bất kỳ hình thức công nghiệp cụ thể nào.

Có hàng triệu người dưới chế độ tư bản ngày nay tham gia vào ‘khu vực dịch vụ’ và trong những công việc ‘cổ trắng’, những người không chỉ là người làm công ăn lương, mà còn bị buộc phải tổ chức lực lượng, lập công đoàn và hành động tập thể để bảo vệ các điều kiện sống và làm việc của họ. Không giống như các nhà tư bản, họ không sở hữu tư liệu sản xuất và buộc phải bán sức lao động của mình để sống. Họ vẫn bị bóc lột như trước, ở chỗ họ nhận được ít tiền lương hơn số tiền mà họ sản xuất cho chủ.

Một lần nữa, chúng ta thấy rằng định nghĩa về giai cấp công nhân là một câu hỏi về mối quan hệ của họ với tư liệu sản xuất, và không chỉ đơn giản là một nhãn hiệu để gắn cho một số nhóm nhất định trên cơ sở đánh giá chủ quan.

Trong quá trình sản xuất, sản phẩm của lao động trước đó – giá trị sử dụng hiện có – được kết hợp lại và biến thành giá trị sử dụng mới. “Cùng là giá trị sử dụng nó vừa là sản phẩm của quá trình trước, vừa là tư liệu sản xuất cho quá trình sau. Sản phẩm do đó không chỉ là kết quả của lao động, mà còn là điều kiện thiết yếu của nó.” [Tr287] Và chính sự áp dụng lao động này đã tạo ra tuổi thọ và sức sống cho các giá trị sử dụng; Nếu không có lao động, các đồ vật sẽ bị rỉ sét và mục nát theo thời gian, mất đi tính hữu dụng và chất lượng như một giá trị sử dụng. “Lao động sống phải nắm bắt được những thứ này, đánh thức chúng từ cõi chết, biến chúng từ đơn thuần có thể là thành những giá trị sử dụng thực sự và hiệu quả”. [Tr289]

Quá trình sản xuất vì vậy cũng là quá trình tiêu dùng – tiêu dùng có năng suất. Tuy nhiên, Marx đã phân biệt giữa tiêu dùng sản xuất này – tiêu dùng các giá trị sử dụng để tạo ra các giá trị sử dụng mới – và tiêu dùng không sinh lợi hoặc tiêu dùng ‘cá nhân’, đó là sử dụng hết các giá trị sử dụng mà không tạo ra bất kỳ giá trị sử dụng mới nào. Rõ ràng định nghĩa này về hiệu quả hay không hiệu quả là từ quan điểm của chủ nghĩa tư bản. “Tiêu dùng sản xuất như vậy được phân biệt với tiêu dùng cá nhân bởi điều này, cái sau sử dụng hết sản phẩm làm phương tiện sinh sống cho cá nhân; còn cái trước, như là một phương tiện tự cung tự cấp cho lao động.” [Tr290]

Sự khác biệt như vậy là quan trọng để phản bác các ý tưởng hiện đại của Keynes về gói kích thích của chính phủ. Có những người tin rằng một nền kinh tế suy thoái có thể được hồi sinh bằng cách đơn giản trả công cho người lao động để thực hiện các hoạt động lao động nhưng không hiệu quả, cho dù đó là đào hố trên mặt đất, xây dựng đường đến hư không, hay chế tạo và thả bom. Nhưng hoạt động như vậy chỉ tiêu thụ các giá trị sử dụng mà không tạo ra bất kỳ giá trị sử dụng mới nào; nó làm lãng phí lực lượng sản xuất mà không tạo ra bất kỳ lực lượng mới nào, không đóng vai trò là nguồn của cải thực sự, mà như một sự tiêu hao toàn năng đối với nền kinh tế.

Giá trị thặng dư

Như đã giải thích, nếu các vật tương đương được trao đổi (và ngay cả khi quy tắc này bị vi phạm) thì giá trị thặng dư không thể phát sinh từ hành vi trao đổi. Nó phải phát sinh trong quá trình sản xuất. Giá trị do lao động tạo ra. Hàng hoá được sử dụng để tạo ra giá trị là sức lao động. Do đó, chúng ta thấy có sự phân biệt giữa sức lao động (hàng hóa) và lao động (giá trị sử dụng của sức lao động).

Bằng những phương tiện nào mà nhà tư bản có thể trích xuất thặng dư từ lực lượng lao động của mình? Ví dụ, nếu nhà tư bản ứng trước 1.000 bảng Anh cho nguyên liệu, máy móc và tiền công, thì chắc chắn tổng giá trị của sản phẩm chỉ bằng 1.000 bảng Anh này. Làm thế nào để giai cấp tư bản nói chung trích xuất thặng dư từ quá trình sản xuất?

Marx vạch ra những lý lẽ khác nhau mà những người biện hộ cho chủ nghĩa tư bản đưa ra để biện minh cho vai trò của các nhà tư bản trong xã hội và quyền của họ để thu về lợi nhuận. Lợi nhuận được cho là phần thưởng cho nhà tư bản vì đã ‘chấp nhận rủi ro’; khoản báo đáp cho việc cung cấp tư liệu sản xuất, cung cấp việc làm và phương tiện sinh sống cho giai cấp công nhân; thanh toán cho ‘sự giám sát’ quá trình sản xuất.

Tất nhiên, những lập luận như vậy không là gì khác ngoài một “bài kinh tụng trọn vẹn… đơn giản chỉ để kéo len qua mắt chúng ta.” [Tr300] Họ là một nỗ lực để biện minh cho một xã hội người ăn thịt người. Các nhà tư bản có hẳn một đội quân của các nhà tư vấn và cố vấn nhằm hạn chế tối đa cái gọi là rủi ro đầu tư. Nhà tư bản càng lớn thì rủi ro đối mặt lại càng ít. Tương tự, khác xa với việc cung cấp cho công nhân việc làm và tiền lương, chính các nhà tư bản phải chịu trách nhiệm cho tình trạng thất nghiệp hàng loạt và các chính sách thắt lưng buộc bụng tàn bạo mà các đại diện chính trị của họ đang thực hiện ngày nay. Hơn nữa, những quý ông và quý bà giàu có này hiếm khi đóng bất kỳ vai trò nào trong sản xuất; khác xa với việc ‘giám sát’ sản xuất, giờ đây họ đã ly hôn với sản xuất hơn bao giờ hết, nằm trên một bãi biển nào đó ở Bahamas, kết nối lỏng lẻo với thế giới thực thông qua các cuộc gọi thoại cho người quản lý tài chính của họ.

Nhưng, như Marx lưu ý, bản thân các nhà tư bản không phải là những người cảm thấy cần phải biện minh cho việc kiếm tiền của họ. “Anh ta [nhà tư bản] chẳng màng đến nó. Anh ta để lại điều này cũng như tất cả những ngón bịp và mánh khóe tương tự cho các giáo sư kinh tế chính trị, những người được trả tiền để làm vậy. Bản thân anh ấy là một kẻ thức thời, và mặc dù anh ấy không phải lúc nào cũng coi những gì mình nói nằm ngoài công việc kinh doanh của mình, nhưng trong công việc kinh doanh của anh ấy, anh ấy biết mình đang làm gì.” [Tr300]

Các nhà tư bản bị che mắt bởi ảo tưởng của chính họ. Mối quan tâm duy nhất của họ là kiếm tiền. Họ hiểu biết rất mù mờ về nguồn gốc của giá trị thặng dư. Tất cả những gì họ biết là họ cần mua sức lao động từ người lao động. Họ biết rằng họ phải vắt kiệt lao động thặng dư của người lao động. Họ biết rằng họ có thể bán hàng hóa do công nhân sản xuất ra với số tiền lớn hơn số tiền trả cho công nhân dưới hình thức tiền công. Giá trị thặng dư, hay nói cách khác, đơn giản là lao động không công của giai cấp công nhân.

Dưới chủ nghĩa tư bản, sự bóc lột được che đậy và nhiệm vụ của chúng ta là bộc lộ nó ra. Ví dụ, nếu bốn giờ lao động là đủ tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của một công nhân và gia đình anh ta, tiền công mà họ nhận được sẽ là số tiền tương đương với bốn giờ lao động. Như vậy trong bốn giờ đầu tiên của ngày làm việc, người lao động tạo ra giá trị mới bằng tiền lương của họ. Nếu ngày lao động kết thúc vào thời điểm đó, nhà tư bản sẽ không nhận được giá trị thặng dư. Nhưng ngày làm việc không phải là bốn giờ mà là tám giờ. Bốn giờ tăng thêm là lúc giá trị thặng dư được tạo ra. Vì vậy, việc sản xuất ra giá trị thặng dư không gì khác chính là việc kéo dài thời gian lao động vượt quá thời gian cần thiết để tái sản xuất giá trị sức lao động.

“Lao động trong quá khứ thể hiện ở sức lao động và lao động sống mà nó có thể thực hiện, và chi phí hàng ngày để duy trì sức lao động và sự tiêu dùng hàng ngày của chính nó trong công việc, là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Cái trước xác định giá trị trao đổi của sức lao động, cái sau là giá trị sử dụng của nó. Thực tế là việc lao động chỉ nửa ngày là đủ để giữ cho người công nhân sống trong 24 giờ không cách nào ngăn cản anh ta làm việc cả ngày. Do đó, giá trị của sức lao động và giá trị mà sức lao động định hóa trong quá trình lao động, là hai mức độ hoàn toàn khác nhau; và sự khác biệt này là điều mà nhà tư bản nghĩ đến khi mua sức lao động.” [Tr300]

“Nếu bây giờ chúng ta so sánh quá trình tạo ra giá trị với quá trình định hóa giá trị, chúng ta thấy rằng cái sau không là gì khác ngoài sự tiếp nối của cái trước vượt ra ngoài một điểm xác định. Nếu quá trình này không được thực hiện vượt quá mức giá trị mà nhà tư bản trả cho sức lao động thì đó là sự thay thế chính xác là tương đương, nó chỉ đơn giản là một quá trình tạo ra giá trị; nhưng nếu nó tiếp tục vượt quá điểm đó, nó sẽ trở thành một quá trình định hóa giá trị.” [Tr302]

“Thủ thuật cuối cùng đã có hiệu quả: tiền đã được chuyển hóa thành tư bản.

“Mọi điều kiện cho vấn đề đều được thỏa mãn, trong khi quy luật ngự trị việc trao đổi hàng hóa không bị vi phạm dưới bất kỳ hình thức nào. Tương đương đã được đổi lấy tương đương.” [Tr301]

Tư bản bất biến và tư bản khả biến

Sức lao động của công nhân là nguồn gốc của giá trị, và đến lượt nó, sức lao động không công của công nhân lại là nguồn gốc của giá trị thặng dư và do đó của lợi nhuận. Vì quá trình sản xuất cũng được sử dụng để biến giá trị sử dụng cũ thành giá trị mới – điều gì sẽ xảy ra với giá trị trao đổi của giá trị sử dụng cũ chứa trong nguyên liệu thô và khấu hao máy móc, v.v..? Marx giải thích:

“Người công nhân tăng thêm giá trị mới cho tư liệu lao động của mình bằng cách tiêu hao vào nó một lượng lao động bổ sung nhất định… Mặt khác, các giá trị của tư liệu sản xuất đã sử dụng hết trong quá trình này được bảo toàn và tái hiện lại như những bộ phận cấu thành giá trị của sản phẩm… Do đó giá trị của tư liệu sản xuất được bảo toàn bằng cách chuyển vào sản phẩm.”. [Tr307]

Nói cách khác, trong quá trình sản xuất, người lao động sử dụng hết giá trị sử dụng cũ (nguyên vật liệu, khấu hao, v.v.), giá trị của nó được chuyển qua sản phẩm mới. Thông qua lao động của người công nhân, các sản phẩm mới chứa đựng những giá trị mới cũng sản xuất. Một lần nữa, nguồn gốc của tất cả giá trị mới là kết quả của thời gian lao động xã hội cần thiết được thêm vào trong quá trình sản xuất.

“Chỉ bằng việc bổ sung một lượng lao động nhất định thì giá trị mới mới được tăng thêm, và nhờ chất lượng của lao động tăng thêm này mà các giá trị nguyên bản của tư liệu sản xuất được bảo toàn trong sản phẩm.” [Tr309]

Giá trị sử dụng trước đó – nguyên vật liệu thô, hao mòn máy móc, v.v… – được tiêu hao trong quá trình sản xuất bao gồm thời gian lao động xã hội cần thiết trước đó. Trong khi nguyên liệu và phụ liệu bị tiêu hao hết trong quá trình sản xuất thì toàn bộ giá trị của chúng xuất hiện trở lại trong hàng hoá mới, còn công cụ lao động (máy móc) được tiêu dùng dần sẽ chuyển hoá giá trị của chúng từng chút một khi giá trị sử dụng của chúng bị hao mòn.

Ở đây Marx nêu ra sự khác biệt quan trọng giữa tư bản ‘bất biến’ và tư bản ‘khả biến’. Vì tất cả tư bản ứng trước để mua tư liệu sản xuất chỉ đơn giản là chuyển giá trị của nó sang hàng hóa mới mà không thay đổi về lượng, nên Marx gọi đây là tư bản ‘bất biến’. Đó là, những bộ phận “[không] trải qua bất kỳ sự thay đổi định lượng nào về giá trị trong quá trình sản xuất,” [Tr317] mà chỉ đơn giản là chuyển giá trị của chúng sang hàng hóa. Tuy nhiên, tư bản ứng trước để mua sức lao động đi vào việc tạo ra giá trị thặng dư. Làm như vậy nó mở rộng giá trị của chính nó trong quá trình sản xuất, Marx gọi thành phần này là tư bản ‘khả biến’: “phần tư bản được biến thành sức lao động”“nó vừa tái sản xuất giá trị tương đương của chính nó, vừa tạo ra một số dư, một giá trị thặng dư, bản thân nó có thể thay đổi, nhiều hơn hoặc ít hơn tùy theo hoàn cảnh.” [Tr317]

Chỉ có tư bản khả biến, sự áp dụng lao động mới mới tạo ra giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất. Lao động sống này tạo ra giá trị mới. Nguyên vật liệu được sử dụng hết trong quá trình sản xuất chỉ chuyển giá trị của chúng sang sản phẩm mới; trong khi đó, máy móc và thiết bị được sử dụng để sản xuất vô số hàng hóa chuyển dần giá trị của chúng sang các sản phẩm mới trong suốt thời gian chúng được sử dụng cho sản xuất. Đây có thể được mô tả là lao động chết, trái ngược với lao động sống của tư bản khả biến.

Nếu một hàng hóa có thể được sản xuất hoàn toàn bằng tự động hóa, nhập nguyên liệu và biến chúng thành sản phẩm mới chỉ đơn giản bằng cách sử dụng máy móc mà không cần tới lao động, giả sử rằng quy luật giá trị tự do vận hành, thì một hàng hóa như vậy sẽ có giá trị tương đương với vật liệu và máy móc được sử dụng trong sản xuất ra nó. Tương tự, nếu một sản phẩm có thể thu được từ tự nhiên mà không cần lao động – ví dụ, chỉ bằng cách nhặt nó lên từ mặt đất hoặc nhổ từ cây – thì nó không có giá trị trao đổi.

Dưới chủ nghĩa tư bản, sự cạnh tranh và động cơ kiếm lợi nhuận lớn hơn buộc các nhà tư bản phải liên tục cố gắng để giảm cả phần bất biến và khả biến trong tư bản ứng trước của họ. Bằng cách giảm bớt một trong hai hoặc cả hai, một nhà tư bản cá nhân có thể bán hàng hóa của mình với giá thấp hơn giá trị xã hội trung bình hiện hành, do đó hạ đo ván đối thủ cạnh tranh, giành được thị phần lớn hơn và tạo ra siêu lợi nhuận. Quá trình cạnh tranh này là điều đã thúc đẩy chủ nghĩa tư bản tiến lên trong thời kỳ hoàng kim của nó, cho phép nó phát triển phương tiện sản xuất lên mức phi thường, với việc liên tục tái đầu tư lợi nhuận vào khoa học, công nghệ và kỹ thuật mới để giảm chi phí tư bản bất biến, đồng thời tăng năng suất lao động và do đó tạo ra nhiều giá trị sử dụng hơn cho một lượng tư bản khả biến nhất định.

Nhưng phẩm chất tiến bộ này của chủ nghĩa tư bản ở một góc độ nào đó cũng biến thành mặt trái của nó và tạo điều kiện cho những cuộc khủng hoảng của chính nó. Với việc thay thế lao động bằng máy móc để giảm chi phí một cách cạnh tranh, một vấn đề kép xảy ra.

Thứ nhất, chỉ có việc áp dụng lao động – tức là tư bản khả biến – mới có khả năng tạo ra giá trị mới và do đó giá trị thặng dư. Một dây chuyền sản xuất chỉ bao gồm máy móc sẽ chỉ đơn giản là chuyển từng chút một thành hàng hóa những khoản đầu tư khổng lồ liên quan tới tư bản bất biến. Một nhà máy hoàn toàn tự động vẫn được tạo ra bằng sức lao động của con người, nhưng chỉ có thể chuyển đổi giá trị bất biến của chính nó. Do lao động được thay thế bằng máy móc trong quá trình sản xuất, do đó, có sức ép suy giảm giá trị thặng dư (và do đó là lợi nhuận) mà giai cấp tư bản có thể thu được.

Điều này cũng đúng với tất cả các máy móc, cho dù tinh vi đến đâu. Tuy nhiên, mặc dù tự động hóa, một nhà máy sẽ cần được bảo trì, giám sát, sửa chữa hoặc thay thế bằng sức lao động của con người. Điều này cần đến lao động có kỹ năng rất cao, sẽ mang lại nhiều giá trị hơn. Khi các dây chuyền hoặc phân nhánh của công nghiệp được tự động hóa, chúng có thể thu được lượng giá trị thặng dư lớn hơn bằng cách sản xuất dưới mức trung bình xã hội cần thiết, chia sẻ tổng khối lượng giá trị thặng dư được tạo ra trong xã hội theo tỷ trọng của chúng trong tổng tư bản. Nhưng nhà máy tự động chỉ có thể hoạt động như một bộ phận của nền sản xuất xã hội, chứ không phải là bộ phận biệt lập.

Ý tưởng về tự động hóa hoàn toàn, nơi mà giai cấp công nhân bị loại trừ hoàn toàn khỏi sản xuất, là một điều vô nghĩa. Chính tư bản khả biến – tiền công trả cho người lao động – hình thành cầu về hàng hóa được sản xuất trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đây là vấn đề thứ hai được tạo ra bởi sự thay thế lao động bằng máy móc: khi người lao động bị máy móc làm cho dư thừa, ai sẽ có tiền để mua đống hàng hoá đang thừa mứa? Robot ư, nhưng vì tất cả năng suất và hiệu quả của chúng nên chúng không thể mua được mọi thứ.

Như vậy, chúng ta thấy chủ nghĩa tư bản gieo mầm cho sự sụp đổ của chính nó như thế nào. Điều này không sinh ra do những phẩm chất hay sai lầm cá nhân của các nhà tư bản, mà là kết quả của các quy luật bắt buộc và logic bên trong của chính chủ nghĩa tư bản. Chỉ bằng cách thay thế những quy luật sản xuất này bằng một bộ quy luật khác – những quy luật dựa trên một kế hoạch sản xuất hợp lý và dân chủ; được thúc đẩy bởi sự đáp ứng các nhu cầu của xã hội, không phải bởi lợi nhuận – có thế chúng ta mới có thể chấm dứt các cuộc khủng hoảng liên tục do sản xuất quá mức mà chủ nghĩa tư bản gây ra cho nhân loại, thứ đẩy chúng ta trở lại tình trạng man rợ và nghèo đói ngay giữa sự thừa mứa.

 


Phần trướcMục lụcPhần tiếp


Adam Booth and Rob Sewell,

Nguồn: Xu hướng Marxist quốc tế

 

 

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận