Nhật ký nhà máy: Nỗi niềm và hành động của một sinh viên khi bước vào nhà máy

Vào năm 2010, cùng năm với sự kiện công nhân tự tử hàng loạt tại Foxconn, một số sinh viên thuộc câu lạc bộ Marxist đại học đã bắt đầu xâm nhập vào các nhà máy với hy vọng vận động và tổ chức công nhân nhằm thúc đẩy sự phát triển của phong trào lao động. Bước vào nhà máy với nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng, nhưng điều chờ đợi họ không chỉ là những công việc chân tay nặng nhọc mà còn là sự bối rối và thất vọng khi cố gắng tổ chức công nhân. Trong những dòng nhật ký này, tác giả đã ghi lại một cách trung thực sự bất lực mà mình đã cảm nhận được trong giai đoạn căng thẳng đó.

Một câu hỏi mà anh phải đối mặt hết lần này tới lần khác: Làm thế nào có thể đánh thức ý thức giai cấp của những người công nhân, để họ tự mình hành động. Do các công nhân thường nhanh chuyển chỗ làm nên rất khó để xây dựng những mối quan hệ ổn định. Trên thực tế, sự phản kháng của người lao động chống lại sự bóc lột là “sự phản kháng thụ động”: Rời khỏi đó và tìm đến nơi khác thay vì viện đến pháp luật hay đình công. Tác giả cũng không ngừng tự kiểm điểm bản thân về những khuyết điểm “tiểu tư sản” của mình:  trông thư sinh quá không giống công nhân, tính tình trầm lặng, giao tiếp xã hội kém, do đó mà khó lấy được lòng tin từ anh em công nhân… Tựu chung lại, những vấn đề tưởng như vụn vặt nhưng đặt ra cụ thể mỗi ngày lại trở thành những trở ngại không nhỏ. 

Lời mở đầu: Khi rời khỏi nhà máy

Khi tôi nghỉ việc, tôi đã nói dối với đội trưởng rằng tôi sẽ đi học lại và tôi muốn thi lại đại học vì trước đã thi trượt. không phải là cố ý che giấu danh tính bản thân mà vì tôi cảm thấy sự dối trá là cần thiết để mai kia có thể tiếp tục công việc dang dở ở đây. Đội trưởng đã vui vẻ chấp thuận đơn xin thôi việc của tôi, và anh ấy cũng hết sức thuyết phục trưởng bộ phận để cho tôi đi. Tôi suôn sẻ rời nhà máy và nhận được đầy đủ tiền lương của mình. Thành thật mà nói, tôi rất biết ơn anh ấy. Khi những người khác trong dây chuyền nơi tôi làm biết tôi sẽ quay lại việc học của mình, họ đều rất ủng hộ. Họ biết rằng nếu không có học thức thì sẽ rất tệ trong thế giới chó ăn thịt người này. Tôi thấy xấu hổ, thật sự đau đớn khi phải nói dối họ. Họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện của họ, và đối xử với tôi bằng sự trung thực, thẳng thắn. Đã nhiều lần tôi muốn nói ra sự thật, nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn nói dối họ, tôi chỉ có thể trên những trang viết này gửi lời xin lỗi của mình đến họ.

Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu mình bước vào nhà máy. Sinh ra và lớn lên ở miền Bắc Trung Quốc, mặc dù đã có kinh nghiệm đi làm thêm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tới miền Nam. Tôi chưa bao giờ thấy một cảnh tượng lớn đến nhường vậy: Khu công nghiệp này san sát khu công nghiệp khác. Chứng kiến ​​cảnh đám đông đến và đi làm trong một khu công nghiệp liệu bạn có tự hỏi làm sao mà có thể có nhiều người đến thể dồn lại ở một nơi xa lạ như thế này? Vì sự sống còn, vì cuộc sống! Trong 25 ngày đêm ở đây, tôi đã đấu tranh không biết bao nhiêu lần, với chính bản thân và với các nhà máy chết tiệt này. Tôi được giao làm nhân viên phụ trách vật tư, đây không phải là một công việc dễ dàng, bởi từ “dễ” không tồn tại ở đây. Với một chút hoài nghi, tôi bắt đầu công việc của mình. Nhìn quanh xưởng, tôi không khỏi cảm thấy nặng nề và hụt hẫng. Không thể hiểu được phương ngữ miền Nam, điều đó làm cho tôi có thể cảm nhận được sự cô đơn và lẻ loi của một người giữa khu xưởng. Những công nhân Foxconn bình thường khác có cảm thấy như tôi không? Đôi lúc lòng tôi đau nhói. Đôi khi tôi cùng với đồng nghiệp đến quảng trường để xem mọi người khiêu vũ, đôi khi đi xem phim, nhưng đôi khi chúng tôi chỉ nằm trong phòng ký túc xá của mình, nhìn chằm chằm vào mặt dưới của giường tầng trên, lắng nghe tiếng tích tắc của đồng hồ. Ai cũng ước mình có một vài giấc mơ để vượt qua những đêm dài mùa hè. Nhưng những đêm hè như thiêu như đốt ở miền Nam cứ khiến cho người ta phải thức dậy vào giữa khuya, mồ hôi nhễ nhại.  

Nhật ký

Thứ ba, ngày 20 tháng bảy năm 2010

Hôm nay cuối cùng tôi đã vào được nhà máy, điều đó thật không dễ dàng. Nhà máy có tên là công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thủ công XX, diện tích khoảng một ha, hơn 500 công nhân (Đội trưởng bảo vệ nói vậy trong quá trình đào tạo), bốn khu ký túc xá cho công nhân (một ký túc xá nam, một ký túc xá nữ và hai ký túc xá nam nữ lẫn lộn). Mỗi phòng có 8 giường (rất ít phòng 12 giường), các toà nhà được xây dựng chắc phải từ những năm 1990 với cơ sở vật chất khá cũ kỹ: Các cửa sổ hầu như không có kính, cửa ra vào bị cong vênh đến nỗi không thể khóa. Toàn bộ được bài trí sơ sài như ký túc xá trung học. Mỗi tầng đều có nhà vệ sinh và phòng tắm, bốn nhà vệ sinh và sáu buồng tắm đứng. Buồng tắm được thiết kế thô sơ: bạn phải xách một xô nước theo để tắm, vòi hoa sen cũng không có chứ đừng nói gì đến nước nóng. Nhìn chung, cơ sở vật chất đã dột nát, hành lang có nhiều chỗ đọng nước. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều công nhân thích ra ngoài thuê nhà để ở.

Vào buổi tối, tôi đã trò chuyện với một vài công nhân trong khu tập thể và được biết rằng nhà máy hiện có khoảng 300 công nhân, nhiều là kiếm việc tạm thời. Ở góc độ người lao động vào nhà máy, nhiều bạn mới tốt nghiệp cấp 3 tranh thủ mùa hè đi kiếm việc, hoặc là công nhân tạm thời, ước chừng chỉ một nửa là có ý định làm lâu dài. Trong số ít người ở cùng ký túc xá với tôi, anh bạn đến từ Quảng Tây không có kế hoạch ở lại lâu và sẽ rời đi khi kiếm đủ tiền (có thể là ba tháng). Có hai học sinh trung học đến từ Hà Nam, đến đây trong kỳ nghỉ hè và sẽ rời đi khi nó kết thúc. Một cậu em năm thứ ba đại học cũng đến từ Hà Nam, cậu ấy nhân nghỉ hè đi kiếm việc. Một đàn anh đến từ Đạt Châu, Tứ Xuyên, đã làm việc ở đây được một năm và là nhân viên dài hạn. Theo lời kể của hai bạn trẻ đến từ Hà Nam, nhà máy này mới mở được hơn một năm, vì vậy những ai đã ở lâu đến vậy có thể coi là nhân viên dài hạn.

Mới được vài ngày nhiều người đã rời đi, nguyên do là vì điều kiện ở ký túc xá quá tệ, không chỉ vì nước thường xuyên bị ngắt vào ban đêm mà còn vì những vết sưng tấy do bọ cắn. Vậy là đã có tám người đến và đi. Tối nay hai đứa sẽ chuyển ra, bằng cách đó họ có thể ngủ ngon hơn và không bị ngủ gật vào ban ngày.

Thứ tư, ngày 21 tháng bảy năm 2010

Tan ca lúc 9:30 tối sau 11 tiếng làm việc liên tục

Hôm nay là ngày đầu tôi đi làm và cũng là lần đầu tiên tôi ăn sáng tại nhà máy. Trời ơi. Bữa sáng chỉ có mì xào với cháo (gạo thổi cơm như được ngâm rồi nấu nên khá không ngon) Thực sự thì hai cái đó cũng tạm ổn, ngoại trừ mì xào hơi nhạt và có mùi lạ. Nhìn chung, đồ ăn trong nhà ăn thực sự kém. Bữa trưa và bữa tối chỉ có hai món (mỗi món chỉ nửa thìa.)

Trong xưởng đều dùng quạt điện nên thông gió ổn. Nhược điểm là nhà vệ sinh chung không phân chia nam nữ; 4 ngăn nam nữ dùng chung rất bất tiện. Ngoài ra, cái gọi là nước uống miễn phí được cung cấp trong xưởng, mà ban đầu tôi cứ tưởng là nước khoáng nhưng hoá ra lại là nước lã đun sôi để nguội được đóng trong các chai nước khoáng. Có 150 người hoặc hơn trong bộ phận lắp ráp của chúng tôi, được phân bố trên bốn dây chuyền. Theo ước tính sơ bộ, 70 đến 80 người là công nhân tạm thời hoặc làm việc hè (nhiều trong số họ thậm chí chưa đủ 16 tuổi). Những người còn lại cũng sẽ không ở lại đây lâu, đa số chỉ làm tối đa từ ba đến bốn tháng. Hầu như tất cả mọi người trong dây chuyền lắp ráp đều khá lười biếng, trừ khi có quản đốc rình rập gần đó. Cũng có người làm việc chăm chỉ và tạo ra sự khác biệt, nhưng hiệu quả không cao lắm. Người giám sát dây chuyền của chúng tôi thỉnh thoảng cũng thích tán gẫu với chúng tôi, nhưng tôi chỉ kiệm lời và tiếp tục làm. Hy vọng rằng, theo cách đó, tôi sẽ có được mối quan hệ tốt đẹp với anh ấy.

Tôi đã lặp lại thao tác này 1.791 lần chỉ riêng ngày hôm nay. Đã nhiều lần tôi mất tập trung trong khi làm, nhưng tay tôi vẫn không ngừng nghỉ. Đây là “lợi ích” của công việc máy móc: trong lúc làm não bạn có thể tạm thời chìm vào giấc ngủ. Tôi đã thực hiện công việc này 700 lần vào buổi sáng, 700 lần vào buổi chiều và thêm 391 lần vào buổi tối. Ngồi đó một mình đã rất mệt, lại không có ai để tâm sự hay trò chuyện lại càng thêm mệt.

Vào buổi tối, tôi nói chuyện với một đồng nghiệp đã đến nhà máy từ hai tháng trước, và anh ấy thậm chí còn không biết tiền lương của mình là bao nhiêu. Nhưng lỗi không phải ở anh ấy bởi vì anh vẫn chưa được trả lương. Tiền lương trong tháng 5 của anh ấy được coi là “tiền đặt cọc”, và tiền lương tháng 6 sẽ không được trả cho đến cuối tháng này. Anh ấy vẫn không biết mình được trả bao nhiêu, hoặc liệu anh ấy đã được ký hợp đồng hay chưa v.v… Điều này khiến tôi rất ngạc nhiên, vì luật quy định rằng các nhà máy phải cho công nhân biết những điều đó khi họ bắt đầu đi làm. Tôi có nên cảnh báo cho anh ấy không?

Hôm nay còn một điều đáng chú ý khác. Ba chàng trai cùng vào làm với tôi đã quyết định nghỉ việc và đi tìm việc ở một nhà máy khác. Theo họ, nhà máy này đã vi phạm Luật lao động: làm việc 28 ngày, nghỉ hai ngày với thời gian làm thêm mỗi ngày từ ba đến bốn giờ, lương trung bình là 4 nhân dân tệ một giờ. Ngoài ra, điều kiện sống quá tồi tệ, cơ sở vật chất sơ sài, khiến họ thực sự không chịu nổi. Làm một tháng tiền vẫn chưa được trả, ăn uống thiếu thốn và vào ban đêm bị quấy nhiễu bởi muỗi và rệp. Có thể nói nó gần giống như tình cảnh ở các nhà máy Trung Quốc những năm 1990.

Thứ năm, ngày 22 tháng bảy năm 2010

Ca kết thúc lúc 9:30 tối, làm việc tổng cộng 11 giờ

Vào ngày thứ hai làm việc, tôi đã tương đối quen với thức ăn ở nhà ăn. Nhưng với công việc, tôi bắt đầu cảm thấy sự mệt mỏi: một là đau lưng, hai là mỏi tay. Ngoài ra, tôi bắt đầu cảm thấy mình giống như một chiếc răng cưa trong cỗ máy, đặc biệt là khi mọi thứ trở nên bận rộn. 

Hôm nay tôi ít giao tiếp với mọi người và mạng lưới xã hội vẫn chưa được mở rộng, tôi sẽ cố gắng mở rộng nó hơn nữa trong khi cơ thể cố thích nghi với công việc, trao đổi thêm kiến thức. Tôi nhận ra rằng công nhân ở đây có rất ít thời gian rảnh và các hoạt động giải trí cũng khá đơn điệu. Sau khi tan ca lúc 9:30 tối, một số đi thẳng lên giường, một số ra ngoài xem phim hoặc chơi bi-a, trong khi những người khác ở trong phòng nghỉ tại nhà máy để xem tivi, chơi cờ vua hoặc chơi bi-a. Không có nhiều lựa chọn thay thế khác. Và ngay cả những hoạt động này về cơ bản cũng ít người tham gia, những người còn lại không làm gì cả. Phòng nghỉ trong nhà máy khá nhỏ, có một TV, hai bàn bi-a và một bàn bóng bàn. Cũng có một số công nhân sẽ đi đến quán cà phê internet để lướt web, chơi game, hoặc đi trượt patin.

Lương ở nhà máy này rất thấp. Trước đây mỗi tháng tôi nhận được 1.200 tệ, nhưng bây giờ là khoảng 1.400 tệ (cái này ở bộ phận lắp ráp, còn bên sơn tay thì cao hơn, có thể là 1.700 đến 1.800 tệ). Mức lương thấp cùng với điều kiện ký túc xá tồi tàn khiến cho tỷ lệ bỏ việc khá cao. Những người trẻ tuổi không sẵn sàng ở lại đây lâu dài và thường sẽ là không quá nửa năm, người làm lâu năm là những công nhân lớn tuổi. Đối mặt với những điều kiện bất lợi này, các công nhân lâu năm có xu hướng càu nhàu một chút hoặc khuyên chúng tôi nên rời đi càng sớm càng tốt. Những công nhân trẻ thì thường nói: “Vậy thôi. Dù sao thì cũng không tồn tại được lâu đâu. Chẳng quan trọng nếu bạn rời đi sau hai ngày”. Về cơ bản, không ai muốn tranh đấu cho lương cao hơn hoặc ít tăng ca hơn, hầu hết chọn im lặng chịu đựng hoặc bỏ đi như một sự phản kháng. Có một bạn mới đến vào đêm hôm trước, làm được một buổi chiều rồi nhanh chóng rời đi.

Thứ sáu, ngày 23 tháng bảy năm 2010

Ca kết thúc lúc 10:30 tối, làm việc tổng cộng 12 giờ

Nay đã là ngày làm việc thứ ba. So với hai ngày trước, tôi đã quen việc, tay chân nhanh nhẹn hơn nhưng cũng cảm thấy mệt mỏi hơn. Khối lượng công việc hôm nay tương đối nặng, tăng ca đến 10:30 tối. Tôi cảm thấy chán nản.

Hãy nói về một số thông tin mà tôi đã thu thập được. Tôi kết thân với một người cô từ Hồ Bắc. Dì và đứa con trai 16 tuổi đang làm việc tại nhà máy, người chồng làm việc ở Trường Sa, trong khi cô con gái nhỏ còn đi học ở quê. Một gia đình công nhân điển hình. Theo lời dì thì nhà máy này thực ra cũng tạm ổn: ít ra là việc quản lý cũng khá lỏng lẻo và ít khắt khe. Mặc dù lương thấp nhưng việc bỏ việc tương đối dễ dàng. Dì nói với tôi rằng có rất ít lao động chính thức ở đây, chỉ khoảng một phần ba, đa số là lao động tạm thời. Bản thân dì cũng là một lao động tạm thời, như thế ra khỏi công đoàn và bỏ việc sẽ dễ hơn, là nhân viên chính thức sẽ khó hơn nhiều. Nhưng mức lương cho lao động tạm thời rất thấp, 3,8 tệ / giờ, 4,0 tệ / giờ hoặc 4,3 tệ / giờ. Các công nhân sẽ chỉ phàn nàn một chút, nhưng sẽ không đòi hỏi nhiều hơn. Nhưng có vẻ ngược đời, họ phàn nàn nhiều nhất nhưng lại không muốn đấu tranh. 

Dì cũng kể từng có một quản đốc vì cảm thấy mức lương quá thấp mà dẫn công nhân đi đình công. Cuối cùng, ông chủ cũng chịu trả lương cho họ nhưng sau đó thuê côn đồ đến đánh những người dẫn đầu cuộc đình công khi họ ra khỏi nhà máy. Thậm chí một người đã bị đánh đến tàn phế. Khi cảnh sát đến thẩm vấn, nhà máy nói rằng là công nhân gặp phải cướp bên ngoài, và từ đó chẳng ai dám nhắc đến đình công nữa. Dì cũng nói thêm rằng sếp lớn của nhà máy là một chủ tịch ngân hàng, một người địa phương có mối quan hệ tốt với Cục Lao động. Ông chủ bên dưới anh ta là kiểu tay ba, nên hai người có thể trắng trợn mở xưởng sản xuất ở đây và kiếm lời khổng lồ. Đối với những người lao động tạm thời, ông chủ có thể kiếm được 2 tệ mỗi giờ cho mỗi một người trong số họ. Thật kinh tởm.

Tại nơi làm việc, tôi đang bắt đầu tìm hiểu thêm về tính cách và mối quan hệ của một số người, nhưng không có nhiều cơ hội để hiểu rõ hơn về họ. Có lẽ vì chúng tôi không cùng sống trong một ký túc xá nên chỉ có thể tiếp xúc trong giờ làm việc, điều này khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Để biết rõ hơn về họ hẳn sẽ phải mất vài ngày nữa. Làm những công việc không cần đầu óc cả ngày khiến cho tôi gần như đã tin rằng mình thực sự là một công nhân bình thường. Trước đây, bởi vì tôi đeo kính và xung quanh là các sinh viên đại học hoặc trung học khác đang làm việc hè, tôi thường bị nhầm là một nhân viên làm hè. Có lẽ sự thay đổi dần dà sẽ giúp bạn dễ dàng xây dựng các mối quan hệ hơn. 

Hiện giờ, mỗi ngày khi ở một mình tôi đều cảm thấy cô đơn vô cùng. Tôi cần càng sớm càng tốt xây dựng vòng kết nối xã hội của mình. Nghĩ về những công nhân Foxconn đã nhảy lầu gần đây; hẳn nhiều trong số họ cũng đã có cảm giác như vậy.

Thứ bảy, ngày 24 tháng bảy năm 2010

Ca kết thúc lúc 10:30 tối, làm việc tổng cộng 12 giờ

Hôm nay xem chi tiết tình hình ăn ở của nhà máy XX trong tháng 6 do nhà máy đăng tải mới phát hiện ra số lượng công nhân viên ở ký túc xá khá ít, chỉ có 115 cái tên. Ngày càng có nhiều công nhân nói rằng việc nghỉ việc hiện đã khó hơn, việc xin nghỉ hầu như không bao giờ được chấp thuận. Trước đây, những người muốn nghỉ việc sẽ chọn cách “tự ý thôi việc” (trong khi điều này dễ hơn là nghỉ việc có sự chấp thuận của chủ lao động, người lao động phải chịu mất một tháng lương). Tôi bắt đầu lo lắng rằng con đường nghỉ việc của chính mình mai kia có thể cũng không suôn sẻ.

Hôm nay, nhân viên bảo vệ phát hiện quạt điện trong một phòng ký túc xá chưa kịp tắt trước khi mọi người đi làm, mọi người bị phạt 10 tệ, nghe nói đây đã là lần thứ ba. Các đồng nghiệp trong dây chuyền của tôi đều khá bình tĩnh trước tình hình và không phàn nàn gì về việc nhà máy có những quy định vô lý hay bị phạt quá nhiều. Thay vào đó, họ phẫn nộ với hai công nhân mới vì sự đãng trí của họ. Họ mắng mỏ, “Để xem ai mất nhiều tiền hơn! Tôi đã được trả lương rồi, trong khi họ chỉ mới bắt đầu và chưa nhận được lương. Để xem ai có tiền!”. Thành thật mà nói, trong khi điều này là đúng, tôi ước chúng tôi không đổ lỗi cho nhau hoặc đấu đá lẫn nhau. Tôi mong mọi người sẽ hợp tác để tìm cách chống lại các chính sách của nhà máy. Có lẽ những gì tôi quan sát được là bình thường, vì người lao động đã quen với việc chịu đựng những bất công mà không chất vấn gì ban quản lý.

Có lẽ vì đang gấp rút cho đơn đặt hàng nên chúng tôi đã làm thêm giờ trong hai đêm liên tục. Ngày làm việc 12 giờ là quá lâu. Mọi người đều mong sớm tan ca ngay khi họ chỉ mới bắt đầu ca làm việc, miễn cưỡng làm việc dưới sự đốc thúc.

Không có nhiều phụ nữ ở dây chuyền của chúng tôi và chỉ có một cô gái là lao động hè. Một vài tên cư quẩn quanh cô ấy, quấy rối bằng những bình phẩm thô thiển và những trò đùa của họ. Chúng khiến cuộc sống của cô trở nên khốn khổ nhưng cô chẳng thể làm gì khác hơn là chịu đựng trong im lặng. Hoàn cảnh của cô trong nhà máy quả thực yếu thế. 

Tôi cảm thấy mình nên hướng ngoại hơn một chút khi là một công nhân nhà máy. Vẫn còn rất nhiều kiến ​​thức về người lao động mà tôi chưa đi sâu vào. Vấn đề lớn nhất hiện tại là vòng kết nối xã hội của tôi quá nhỏ, vì vậy tôi phải tìm cách giải quyết vấn đề này.

Chủ nhật, ngày 25 tháng 7 năm 2010

Dịch chuyển kết thúc lúc 8:30 tối, làm việc tổng cộng 10 giờ

Đây là một cơ hội hiếm có để tham dự buổi tụ họp của những người bạn cùng đi làm.

Thứ hai, ngày 26 tháng bảy năm 2010

Ca kết thúc lúc 10:30 tối, làm việc tổng cộng 12 giờ

Hôm nay tôi nhận ra rằng mình khá rụt rè trước người lạ. Tôi thiếu tự tin để mở lòng. Tôi đã mất một vài cơ hội tốt để trò chuyện với mọi người. Đã sáu ngày trôi qua mà vẫn không mấy tiến triển, nhưng tôi chỉ biết tự trách bản thân mà thôi. Tôi ở đây để biết được mọi người rõ hơn và cần phải có nhiều đột phá hơn, cố lên!

A Bao trong xưởng đến từ Tín Dương, Hà Nam, đã làm việc ở đây từ 22 tháng 2 năm nay. Anh ấy năng động, thích đùa và quen biết rộng. Tôi nên cố gắng bắt chuyện với anh ấy để biết thêm thông tin về nhà máy và cả anh ấy nữa.

A Hoà, một người bạn cùng phòng và là người cùng thị trấn với tôi, đã làm công việc phun sơn được gần một năm. Tết năm ngoái anh ấy đã không về nhà. Anh năm nay 28 tuổi, chưa bạn gái, gương mặt hơi già và sạm. Theo lời anh, trong xưởng phun sơn, một số công nhân đeo khẩu trang nhưng một số không, về cơ bản anh đã thích nghi với môi trường nên chẳng thấy phiền. Mức lương của công nhân phun sơn tương đối cao, khoảng 1800 tệ, của chúng tôi là khoảng 1300 đến 1400 tệ.

Nữa là hai ngày qua cảm thấy nơi này thật sự là một công xưởng đen. Nghe nói khi Cục lao động đến kiểm tra cách đây không lâu, nhà máy đã cho các lao động trẻ nghỉ một ngày để tránh kiểm tra. Một số công nhân tạm thời ở đây thậm chí còn chưa tốt nghiệp trung học cơ sở.

Thứ ba, ngày 27 tháng bảy năm 2010

Ca kết thúc lúc 5:15 chiều, làm việc tổng cộng tám giờ

Hôm nay là ngày giao hàng nên chúng tôi không cần phải làm thêm giờ vào ban đêm, cuối cùng cũng có một ít thời gian nhàn rỗi hiếm hoi. Nhưng đối mặt với bất ngờ này, tôi rất hoang mang mà không biết phải làm gì. Trên thực tế, nhiều đồng nghiệp cũng cảm thấy như vậy. Một số đi ngủ sớm, một số chạy đi mua sắm, người thì chơi game. Ai cũng cảm thấy trống trải…

Hôm nay tôi gặp được Lương, quê Quảng Tây. Anh ấy đã vào nhà máy từ tháng 2 nhưng dự định sẽ nghỉ việc sau ngày lĩnh lương sắp tới. Theo Lương, đây chắc chắn là một nhà máy đen, công nhân chỉ có thể nghỉ việc mà không nhận được lương. Anh ấy đã sẵn sàng từ bỏ tiền lương tháng bảy của mình. Thực sự, hầu hết công nhân (hoặc có lẽ tất cả) có quan điểm tương tự A Lương và sẽ chọn phương pháp đó bởi nhà máy sẽ không chấp thuận yêu cầu nghỉ việc của họ. Nhà máy là kẻ mạnh, đứng trước họ hầu hết công nhân sẽ chịu thiệt mà không cố gắng làm gì, chỉ phản kháng bằng cách tự nghỉ và từ bỏ một tháng lương một cách cực kỳ “hào phóng”. Đối với những người lao động một mình lang thang nơi đất khách quê người còn cách nào khác? Đây có lẽ là cách tốt nhất.

Tôi đã nghĩ rằng thôi việc có lẽ là một chủ đề tốt, và chúng ta nên tiếp tục thảo luận sâu với họ, từ đó đưa ra hướng đấu tranh tập thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Sau khi “Luật Lao động mới” ra đời, trong khi các doanh nhân liên tục phàn nàn về nó công nhân chẳng mảy may quan tâm, vì sao? Bởi vì trong mắt họ, Phòng Lao động và các doanh nhân là đồng phạm. Luật pháp ư, vô ích, quanh co và rắc rối. Thực sự bức bối, nhưng hãy tiếp tục nào!

Thứ tư, ngày 28 tháng bảy năm 2010

Ca kết thúc lúc 9:30 tối, làm việc tổng cộng 11 giờ

Khoảng nửa đêm qua, tôi đã nói chuyện với hai bạn cùng phòng về tiền lương của xí nghiệp. Bảo đã cho tôi xem phiếu lương của anh ấy trong bốn tháng qua. Mức lương quá thấp, chỉ khoảng 4 nhân dân tệ một giờ. Tính theo tỷ lệ trước tháng 6, mức lương cơ bản 770 nhân dân tệ chia cho 22 ngày làm việc cũng phải là 4,375 một giờ, làm ngoài giờ thì phải gấp đôi. Nói cách khác, cái gọi là lương khoán do nhà máy đưa ra thấp hơn cả mức lương tối thiểu tính theo giờ làm việc, trừ lương cũng là một vấn đề lớn. Trong trường hợp này, chúng ta có căn cứ để chấm dứt quan hệ lao động và yêu cầu bồi thường về tài chính. Mọi người vẫn chưa biết về điều này, một số sẽ nghỉ làm vào tháng tới. Vấn đề cấp bách là phải thuyết phục họ đấu tranh với ban quản lý để yêu cầu mức lương và các quyền mà họ xứng đáng được hưởng. Mai là ngày nghỉ, tôi sẽ cố gắng thuyết phục họ đi tư vấn pháp luật với tôi. Nào! Ít nhất phải thuyết phục được hai người khác cùng đi. Đây là nhà máy đen nhưng chúng ta không thể từ bỏ đấu tranh!

Thứ năm, ngày 29 tháng bảy năm 2010

Bộ phận có một ngày nghỉ

Vào ngày nghỉ này, tôi quyết định thuyết phục một số đồng nghiệp sắp nghỉ việc đòi hỏi quyền lợi hợp pháp. Rất khó để tìm một thời cơ thích hợp để thuyết phục họ, tôi đã thất bại sau nhiều lần thử. Vào buổi tối, khi trò chuyện với Bảo, tôi nhận ra rằng mình đã nhầm về những người có kế hoạch nghỉ việc. Đó là Minh từ Tân Cương và Pha từ Trùng Khánh quyết định nghỉ việc chứ không phải hai công nhân Hà Nam mà tôi đã nói chuyện hôm nay. A Minh, một công nhân đến từ Tân Cương, đến nhà máy từ tháng 3, ghét tất cả những điều xấu xa mà anh ấy đã thấy ở đây. Anh cho rằng các quan chức chính phủ đã thông đồng với ban quản lý nhà máy, nhưng anh sẽ không chịu buông xuôi dễ dàng, nhất định sẽ đấu tranh cho mức lương xứng đáng. Khi tôi đề nghị đến cơ quan tư vấn pháp lý, Minh nói, “Có quá nhiều chỗ như vậy, nhiều nhưng vô dụng”. Có vẻ như không có mấy tiến triển vì giữa chúng tôi vẫn chưa thiết lập được mối quan hệ khăng khít. Nhưng tôi tin sẽ rất tốt nếu được nói chuyện, quan tâm tới anh ấy nhiều hơn, động viên anh ấy đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của mình.

Bảo nói với tôi rằng anh ấy thường không thực sự nghiêm túc khi nói rằng anh ấy sẽ nghỉ việc, buột miệng ra thế rồi nghĩ kỹ lại: “Ra khỏi nhà máy thì mình biết sống bằng gì?”. Anh ấy bối rối và không có phương hướng, vì vậy anh ấy không có kế hoạch thực sự cho nghỉ việc và rời khỏi nhà máy. Khi nói về một số công nhân đã chọn chuyển sang kinh doanh sau khi rời nhà máy, anh ấy nói rằng mình cũng muốn kinh doanh nhưng giờ không có vốn. Có thể thấy những bạn trẻ trong các nhà máy đều suy nghĩ về tương lai của mình, nhưng họ luôn phân vân, lưỡng lự, không tìm ra được hướng đi cho mình. Họ cũng có những ước mơ nhỏ nhoi của riêng mình, dẫu rằng chúng đã bị gọt đẽo đến mức teo tóp.

Vào buổi trưa, tôi cũng đã có một cuộc trò chuyện sâu sắc với một công nhân người Hà Nam ở phòng kế bên mà tôi không biết tên (sau này tôi mới biết anh tên là Quân). Anh sinh năm 1986, năm nay 24 tuổi. Anh ấy đã ly hôn. Anh ấy nói với tôi rằng anh rất hối hận vì đã không chăm học, để đánh mất tuổi trẻ của mình. Khi chúng tôi trò chuyện, tôi có thể thấy những giọt nước mắt trên má anh ấy. Anh ấy hay nóng nảy, có thể thấy rằng anh ấy đã chịu rất nhiều áp lực trong cuộc sống và lo lắng về tương lai. Sự thất vọng trong tình cảm và không tương lai trong sự nghiệp khiến anh trở nên cô đơn và mất phương hướng. Ai có thể chỉ cho anh ta con đường phía trước? Tôi để ý thấy một ngón tay bị thiếu trên bàn tay phải của anh ấy nhưng sợ sẽ chạm vào quá khứ đau buồn của anh ấy nên không dám hỏi, chuyện sau sẽ nói. Cũng giống như Bảo, Quân muốn bỏ việc nhưng không thể hạ quyết tâm vì không có lối thoát. Anh cảm thấy rằng với tuổi tác và ngón tay bị khuyết của mình chưa chắc anh sẽ tìm được một nhà máy tốt hơn, nên thôi cứ chật vật và khổ sở trong cái xưởng đen nhỏ bé này…

Hai người đến từ những nơi khác nhau, tuổi tác cũng khác và tính cách cũng vậy nhưng tâm trạng và trải nghiệm lại giống nhau. Điều gì khiến họ phải đối mặt với cùng một nỗi đau? Đây có lẽ là hoàn cảnh chung của những người lao động thế hệ 8X trong các nhà máy. Kết hôn ư? Khởi nghiệp? Khi nào chúng ta gom góp được một khoản? Lúng túng và lạc lõng, người công nhân xin nghỉ phép, bỏ ngang công việc và nhà máy để giải tỏa cuộc sống đầy chán nản. Kinh nghiệm chung của người lao động ở một lứa tuổi là dấu ấn của thời đại. Tôi tin rằng chúng tôi có thể thảo luận thêm về chủ đề này, tương lai và khát vọng cá nhân, cũng như thảo luận về vấn đề tình cảm của người lao động và gia đình. Kết quả tốt, tiếp tục làm việc chăm chỉ!

Thứ sáu, ngày 30 tháng bảy năm 2010

Ca kết thúc lúc 8:30 tối, làm việc tổng cộng 10 tiếng

Hôm nay chúng tôi đã nhận được tiền lương cho tháng sáu. Mọi người đều phàn nàn là lương thấp quá, bộ phận lắp ráp lương cao nhất chỉ 1500 tệ, không nghỉ phép, nghỉ việc.Tính ra là 4 tệ một giờ (Làm thêm giờ cũng như làm trong giờ). Vào tháng 6, mức lương tối thiểu ở Đông Quan đã được nâng lên 920 tệ/tháng, tức là 5,227 một giờ. Rõ ràng là nhà máy đã vi phạm nghiêm trọng Luật Lao động.  Giá trị thặng dư bị bòn rút một cách trắng trợn. Tuy nhiên, dưới sự quát tháo, mọi người từ từ quen với việc trở lại công việc hàng ngày. Có lẽ đối với nhiều người trong chúng ta, điều này giống như số phận – một định mệnh không thể thay đổi. Họ có thể quá bất lực trước thực tế ảm đạm và xa lạ với luật pháp. Công nhân trong nhà máy kêu ca nhưng không có khả năng hành động tập thể, để bọn tư bản lộng hành bóc lột sức lao động của anh chị em! Chúng ta phải mở mắt ra!

Càng không nói nên lời là lương của Minh, người sắp nghỉ việc, chỉ 960 tệ, kém các nhân viên khác tới 600 tệ, quả là một vấn đề lớn! Việc cúp phạt và bóc lột rõ ràng đến mức nhức nhối! Tôi tiếp tục khuyến khích Minh đòi lương và thậm chí đòi bồi thường nhiều hơn thông qua các biện pháp pháp lý. Hy vọng rằng anh ấy sẽ tin tưởng tôi mà làm như vậy. Những ngày này là thời điểm tốt nhất để nâng cao nhận thức của mọi người về Luật Lao động và vận động họ đấu tranh cho quyền lợi của mình. Giải thích cho họ một cách rõ ràng về các luật và quy định, truyền cho họ niềm hy vọng và lòng dũng cảm. Mình không được lùi bước, nhất định phải tiến lên!

Thứ bảy, ngày 31 tháng bảy năm 2010

Ca kết thúc lúc 9:30 tối, làm việc tổng cộng 11 giờ

Có quá nhiều vấn đề trong nhà máy này, tôi bắt đầu tự hỏi đây có còn là nhà máy nữa hay không? Tối tăm qua, tôi không biết ở Đông Quan còn bao nhiêu thứ như vậy… Mọi thứ không diễn ra như mong đợi. Một số đồng nghiệp đã quyết định nghỉ việc trước khi tôi có cơ hội nói chuyện thêm với họ. Liệu họ có thể đấu tranh cho quyền lợi của mình thông qua các kênh hợp pháp không? Chúng ta có thể đi theo còn đường tự ý thức không? Tình hình hiện tại không lạc quan. Đối mặt với những kẻ thù ghê gớm và chưa có bất kỳ tiền lệ thành công nào, người lao động sẽ chọn cách thu mình và bỏ cuộc. Kẻ thù của chúng ta có đáng trách vì quá mạnh không? Tại sao người lao động không có niềm tin vào Luật lao động? Tại sao mỗi khi nói đến luật, người ta đều lắc đầu? Uy tín của chính phủ và niềm tin vào công bằng xã hội ở đâu? Không biết dựa vào ai, giai cấp công nhân chỉ biết dựa vào bản thân, nhưng sức mạnh của họ lại bị kẻ thù lấn át hoàn toàn. Đoàn kết và đấu tranh như một tập thể – giai cấp, nói thì dễ hơn làm. Khi nào chúng ta có thể hình thành ý thức giai cấp? Khi nào điều đó sẽ chuyển thành hành động tập thể? Không có câu trả lời, tôi bối rối.

Chủ nhật, ngày 1 tháng 8 năm 2010

Ca kết thúc lúc 5:15 chiều, làm việc tổng cộng tám giờ

Làm thêm giờ ở đây là bắt buộc, không có cái gọi là tự nguyện. Trong hoàn cảnh như vậy, ai cũng giận mà không ai dám nói, cũng không có chỗ để trút bỏ nỗi phiền muộn. Chỉ có thể im lặng chịu đựng để nó trở nên bình thường hoặc bỏ đi trong cơn phẫn nộ để tỏ sự phản đối (nhưng cái giá phải trả là mất tháng lương).

Tiểu Tây là một đồng nghiệp trong dây chuyền của chúng tôi. Trước khi đến đây vào tháng 6, anh ấy đã làm việc ở Thâm Quyến, Tây Hương và Long Hoa một thời gian. Anh ấy vào nhà máy vì có người quen ở đây, khá thất vọng với cuộc sống ở nhà máy anh đã bắt đầu chểnh mảng và tính bỏ việc sau tháng đầu tiên. Nhưng một tháng đã trôi qua, dù không muốn anh ấy vẫn dự định ở đây lâu hơn một chút, có lẽ ba tháng. Anh ấy đến từ Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Anh trạc tuổi tôi và vẫn còn lang bạt. Tôi cảm thấy giữa chúng tôi có thể có những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn.

Nhân tiện, anh người Hà Nam phòng bên, Quân, đã quyết định nghỉ việc và đi tìm một nhà máy mới vào ngày mai. Anh cũng như Pha, chịu mất toi lương tháng Bảy. A Lương cũng vậy, mới biết anh ấy đã kết hôn và có một đứa con hai tuổi, thật nhìn không ra.

Thứ hai, ngày 2 tháng 8 năm 2010

Ca kết thúc lúc 9:30 tối, làm việc tổng cộng 11 giờ

Nhà Tiểu Tây có hai anh em, anh ấy là con cả, em trai anh sắp lên đại học năm thứ hai ở học kỳ tới. Hóa ra anh ấy năm nay đã 23 tuổi, hơn tôi hai tuổi. Anh ấy đã đi làm ăn xa được hai năm kể từ khi tốt nghiệp trường dạy nghề ở quê. Với một lao động chính thức xin nghỉ việc và năm người khác tự ý thôi việc, rất nhiều người đã mất trắng. Thật khó để đạt được bất kỳ tiến bộ nào.

Thứ ba, ngày 3 tháng 8 năm 2010

Ca kết thúc lúc 9:30 tối, làm việc tổng cộng 11 giờ

Mỗi ngày trôi qua theo cùng một cách, cảm giác thật nhanh, chẳng thu thập được gì. Dường như tôi bắt đầu mất đi niềm đam mê phỏng vấn và giao tiếp với những người lao động khác. Hầu hết mọi người ở đây đều muốn rời đi (Rời đi và hy vọng tìm được một nhà máy tốt hơn), nhưng họ không còn cách nào khác ngoài làm việc trong im lặng buồn bã. Tôi nên đi hay ở lại? Dường như không còn gì để khám phá. Nhưng thử nghĩ lại xem, có lẽ là tôi chưa đủ kỹ lưỡng, hẳn mình hãy còn bỏ sót? Hãy nán lại thêm vài ngày đã.

Thứ 4, ngày 4 tháng 8 năm 2010

Ca kết thúc lúc 9:30 tối, làm việc tổng cộng 11 giờ

A Bảo chuyển đi lúc 6 giờ hơn sáng nay, hơi đột ngột. Anh ấy chuyển đến nhà máy thực phẩm Xu Fu Ji, nơi có thể có mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Đến chiều thì Minh cũng dọn ra ngoài. Hồi tháng 3 năm nay, cậu ấy đã trộm số tiền đánh nhẽ dành để đóng học phí trung học của mình rồi bỏ nhà ra đi cùng hai người bạn cùng lớp, từ Tân Cương họ đi xuống phía nam, đến Quảng Đông và sau đó là nhà máy này. Trong khi hai người bạn cùng lớp đã trở về nhà, anh vẫn ở lại nhà máy cho đến ngày hôm nay mới nghỉ việc. Do không tiết kiệm lương tháng nào anh ấy cũng tiêu hết sạch trong tháng ấy, tháng 6 này anh chỉ nhận được chưa đến 1100 tệ, đó là tất cả những gì anh có khi cuốn gói khỏi nhà máy. Anh muốn về nhà nhưng không có tiền và cảm thấy xấu hổ khi phải đối diện với cha mẹ. Anh ấy nói rằng mình muốn đến Quý Châu trước khi trở về quê hương ở Tứ Xuyên. Để chuẩn bị, anh ấy sẽ tiết kiệm một khoản từ giờ cho tới cuối năm. Cha của anh ấy đã thúc giục anh ấy quay về nhà để học nghề trước đã không sẽ chỉ phí hoài tuổi trẻ. Mặc dù hôm nay rời nhà máy Minh vẫn chưa biết sẽ đi đâu về đâu, anh ấy muốn đi với Lương, tạm thời là vậy.

Hôm nay tôi được Tiểu Tây tâm sự rằng anh ấy đã ở phiêu bạt trong nhiều năm, bỏ học từ năm 2001 khi mới chỉ 14 tuổi. Anh ấy đã làm việc tại một nhà máy thực phẩm Holyland Bắc Kinh trong một thời gian, lương 1300 tệ một tháng, cũng ổn. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, anh về quê và học lái máy xúc ở một trường dạy nghề. Ra trường, anh ấy đã tìm được một công việc tại địa phương và kiếm được vài trăm tệ mỗi tháng. Sau đó, anh ấy lại đến Vân Nam và làm việc trong lĩnh vực xây dựng, khai thông hầm, lương 2600 tệ một tháng, nhưng khối lượng công việc rất nặng và điều kiện làm việc khắc nghiệt. Tám tháng sau, chán nản anh ấy lại đến Quảng Đông với 6000 tệ trong túi, nhưng suốt thời gian dài anh ấy đã không thể tìm được việc. Anh ấy lại đi đến Thâm Quyến, và rồi vào làm việc ở đây. Anh ấy đã làm ở đây khá lâu rồi nhưng không dám nghĩ nhiều về tương lai, sau nhiều năm phiêu bạt cậu ấy chưa có chút thành công nào.

Tôi nhận thấy rằng những người trẻ này trong khi di chuyển họ cũng không ngừng tìm kiếm mối quan hệ với những người cùng chí hướng và thông qua những mối quan hệ để tìm kiếm việc làm và mở ra những không gian mới. Họ cố gắng hết sức để xây dựng và củng cố các mối quan hệ để có thể tranh thủ chúng vào một ngày nào đó. Đây có lẽ là cách mà người lao động di cư ứng phó với hoàn cảnh của mình.

Tái bút

Vì sao tôi bước vào nhà máy?Mỗi khi tôi gọi điện cho cha mình, ông ấy luôn nói với tôi: “Hãy học tập chăm chỉ, đừng lo lắng về tiền bạc. Cha mẹ sẽ tìm cách.” Nhưng với mức lương thấp như thế này làm thế nào họ có thể tìm cách?

Mỗi lần trở về nhà, tôi lại thấy tóc cha mẹ bạc thêm. Cha đã không còn khỏe như xưa nữa. Tôi nghe mẹ kể, để kiếm nhiều tiền hơn ông ấy hiện đang làm những công việc trả lương theo sản phẩm chứ không phải theo giờ, một ngày làm việc thực sự tương đương với hai ngày lao động. Tôi đã cố gắng không biết bao lần để khuyên ông ấy đừng làm thế nữa. Lần nào ông cũng ậm ừ cho qua để rồi sau đó lại đi làm tiếp. Tôi biết cha mình nghĩ gì, nhưng có thể làm được gì chứ?

Để tiết kiệm chi phí đi lại, Tết nào cha mẹ cũng chọn cách không về quê. Do đó chỉ có bà nội, ông bà ngoại cùng với tôi ở nhà đón tết. Cha mẹ tôi không nhớ nhà chăng? Đúng là họ thực sự mong làm thêm giờ, miễn sao điều đó giúp được con trai vào đại học và để nó có được một cuộc sống đàng hoàng trong trường. Được vậy thì với họ mọi vất vả và mệt nhọc đều xứng đáng.

Họ mong nhưng không muốn, tôi ghét ai nói rằng cha mẹ tôi mong muốn làm thêm giờ. Mặc dù họ không có nhiều tiền nhưng họ cũng không quá quan tâm đến điều đó; đừng nói tới việc theo đuổi lợi nhuận như một nhà tư bản. Biết bao công nhân nhập cư cũng như cha mẹ tôi, cũng có cha mẹ già, có con nhỏ, một gia đình nhỏ cần chăm sóc, ai cũng muốn con cái mình thoát khỏi kiếp nhà nông. Vậy bạn biết sao họ lại mong được làm thêm giờ rồi chứ? 

Có nhiều thứ mà tôi đã không cân nhắc kỹ trước khi làm, như sao mình lại chọn vào nhà máy này chẳng hạn. Sau khi trải nghiệm thực tế trong một nhà máy, tôi mới nhận ra rằng chính kinh nghiệm sống của mình đã khiến tôi làm điều đó. Điều mà dường như lắm lúc tôi đã quên khi ngồi trên giảng đường đại học. Trong những năm khi chúng tôi còn bé cha mẹ thường xuyên phải làm việc xa nhà. Vì điều này mà chúng tôi đã bực bội và thậm chí ít nhiều xa cách với họ. Cố nhiên nó không ngăn chúng tôi khoe khoang về họ với bạn bè cùng lớp, thế giới bên ngoài có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với lũ trẻ chúng tôi.

Khi cha mẹ về quê ăn Tết, mang theo quà và tiền, số tiền để chúng tôi tiếp tục việc học. Số tiền đó chúng tôi biết cha mẹ ở bên ngoài đã rất vất vả để kiếm được, nhưng cụ thể thế nào thì chưa bao giờ chúng tôi biết đến. Cũng vì những kinh nghiệm sống này tôi một cách tự nhiên cảm thấy gần gũi với những người lao động nhập cư. Vì điều đó mà tôi đã tham gia vào câu lạc bộ trong trường, quan tâm tới cuộc sống của những người lao động nhập cư và cuối cùng tự mình gia nhập vào cuộc sống ở nhà máy. Khi đã bước chân vào các nhà máy và sống cuộc sống của những người lao động, tôi cảm thấy như thực sự đã trở về với cội nguồn của chính mình. 

Trong học kỳ hai của năm thứ hai, tôi đã vào tham gia nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở trường. Các bạn trong nhóm không chỉ là những con người chân chất mà còn hết lòng lo cho nhân dân và đất nước. Cùng nhau, chúng tôi thảo luận về những vấn đề của đất nước mình và những giải pháp cho chúng. Nhiều ý tưởng và quan niệm của họ làm tôi ngưỡng mộ và thầm cảm thấy mình thật nhỏ bé, tầm thường. Khi tham gia thảo luận tôi đã không biết phải đóng góp thế nào, bất cứ khi nào một vấn đề và quan điểm được đưa ra tôi chỉ đơn giản kinh ngạc trước mức độ hiểu biết sâu sắc của các bạn mình. Một lần, khi một tổ chức phi chính phủ về lao động đến phát biểu tại một cuộc họp nhóm của chúng tôi, mô tả điều kiện lao động trong các nhà máy và cuộc sống của công nhân. Điều đó làm tôi bị sốc, vì tôi không biết nó thực sự khó khăn đến nhường vậy! Họ đã làm việc với sự khó khăn và nặng nhọc nhất để có được đồng lương không thể thấp hơn. Cuối cùng, tôi đã quyết định đến một nhà máy trong kỳ nghỉ hè.

Sau khi rời nhà máy

Đã một thời gian kể từ khi tôi rời nhà máy, và tôi đã trở lại với quỹ đạo sống ban đầu của mình: đến lớp, học tập, đi chơi và ăn uống – tất cả như thể những gì xảy ra trong suốt mùa hè chưa bao giờ thực sự xảy ra. Nhưng cuộc sống trong nhà máy theo tôi như hình với bóng, ngay cả trong những giấc mơ, tôi cũng tự kiểm tra từng giây, sợ đến trễ sẽ bị quản lý dây chuyền la mắng và không nhận được lương. Sau khi rời khỏi nhà máy, chúng tôi đã không tốn thời gian để quay lại với cuộc sống “ban đầu” của mình, nằm trong một căn hộ sáng sủa với chiếc giường êm ái. Dù tâm trí vẫn còn ở nhà máy nhưng cơ thể của chúng tôi đã dứt khoát rời đi, thoát khỏi sự mệt mỏi và suy nhược của những ngày đã qua. Nhưng còn anh chị em công nhân của chúng tôi thì sao? Họ vẫn phải ngủ ở nơi ký túc xá dột nát đó, vẫn đứng chôn chân trên những dây chuyền đó. Với họ thực sự không có lối thoát.

Sau khi đến nhà máy, tôi mới nhận ra rằng trường đại học cũng giống như một nhà máy. Các khu vực phát triển giống như thị trấn đại học, và nhà máy giống như trường đại học. Công nhân và sinh viên không khác nhau. Các dây chuyền trong nhà máy cũng giống như các lớp học, và các lớp trưởng ở đại học cũng giống như các trưởng nhóm. Vào nhà máy hay đến trường đại học cũng đều là vì miếng cơm. Nhà máy sản xuất ra hàng hoá với quy cách và chất lượng y như nhau, trong khi trường đại học cũng sản xuất ra những sinh viên giống nhau y đúc, còn công nhân và sinh viên, cả hai đều mờ mịt về tương lai của mình. Khi tôi rời khỏi nhà máy, tôi chỉ cảm thấy bất lực, chúng tôi có nên hy vọng? Liệu tương lai có thay đổi?

Các môn kinh tế, quản lý, khoa học chính trị và xã hội mang tới cho chúng tôi những lý thuyết từ sách và bài giảng, và dẫu đồng tình hay phản bác, nó vẫn là nền tảng. Những kinh nghiệm trong nhà máy chắc chắn giúp cho chúng tôi suy ngẫm lại những lý thuyết đó, nhưng quan trọng hơn nữa là những kinh nghiệm này cho phép chúng tôi kết nối được với những điều chúng tôi đã học, cho dù đó là thứ kết nối gì, phản bác hay đồng thuận. Điều này giúp chúng tôi có động lực và lập trường hơn để can thiệp vào kiến thức đó, điều thường bị cố ý bỏ qua vì nó có nguy cơ lật đổ tri thức hiện đại phục vụ cho giới quyền lực và tư bản.  Hơn nữa, điều này khác hoàn toàn với những cuộc thảo luận trong tháp ngà. Có thể nói rằng những kinh nghiệm ở nhà máy đã tái cấu trúc lại tri thức của chúng ta về chủ nghĩa Marx và công cuộc đấu tranh cho tương lai.

Nguồn: 【工廠 日記 : 一名 進 廠 學生 的 躊躇 與 行動】

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận