Tại sao công nhân không thể đoàn kết trong vấn đề làm thêm giờ

Trong năm nay, một loạt cái chết của công nhân trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc đã khơi mào nên một cuộc tranh luận sôi nổi về văn hóa làm thêm giờ và thuật ngữ “involution”, được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh trong môi trường làm việc của công nhân cổ cồn trắng. Nhưng trong cơn thịnh nộ đối với việc làm thêm giờ đó có một tiếng nói hầu như vắng bóng, tiếng nói của những công nhân cổ cồn xanh Trung Quốc. Tại sao?

Công nhân ngủ gục giữa giờ nghỉ tại một nhà máy ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, 2012. (Zhan Youbing / People Visual)

Dữ liệu khảo sát liên quan đến câu hỏi này kể lại một câu chuyện thú vị. Theo một bài báo năm 2018 của học giả Zhuang Jiachi, 46% công nhân cổ cồn trắng tự nhận mình là “làm việc quá sức”, so với chỉ 35,5% người lao động tay chân. Tuy nhiên, công nhân cổ cồn trắng có khả năng thực sự làm thêm giờ trong tuần trước đó thấp hơn 30 điểm phần trăm so với đồng nghiệp cổ cồn xanh của họ.

Tức là, theo Zhuang công nhân cổ cồn trắng có nhiều khả năng xác định giờ làm việc hàng tuần của mình là “làm thêm giờ” khi lịch trình gần đây của họ không vượt quá 40 giờ một cách khách quan. Trong khi đó, công nhân cổ cồn xanh thường đánh giá thấp mức độ mà họ làm thêm giờ. Xu hướng phổ biến về việc ghi sai giờ làm việc, mặc dù theo hai chiều ngược lại, đặt ra câu hỏi về những giả định truyền thống, theo đó các chuyên gia cổ cồn trắng phàn nàn nhiều hơn vì họ được giáo dục tốt hơn hay hiểu rõ hơn về luật lao động.

Trong quá trình nghiên cứu thực địa của riêng mình, tôi đã gặp nhiều công nhân cổ cồn xanh, họ mặc dù không được học hành chính quy nhưng vẫn có thể sử dụng luật lao động để bảo vệ quyền lợi cho mình. Vậy tại sao hiện nay họ lại im lặng trong chiến dịch chống làm thêm giờ? Bởi vì, điều cốt yếu là nhiều công nhân cổ cồn xanh không coi việc làm thêm giờ là một điều tệ. Nếu có bất cứ điều gì đáng lưu ý trong quá trình nghiên cứu thực địa của tôi thì đó là, nhiều công nhân cổ cồn xanh ưa thích những công việc giúp họ có nhiều cơ hội hơn để làm thêm giờ. Cuộc sống phụ thuộc vào tiền làm thêm giờ khiến cho việc kết thúc ngày làm việc lúc 6 giờ tối trở nên một thứ gì đó xa xỉ mà họ không tài nào mua được.

Trong nhiều quảng cáo tuyển dụng nhắm vào công nhân cổ cồn xanh, việc làm thêm giờ không chỉ được ngụ ý mà còn được làm nổi bật, thậm chí được đảm bảo. Một quảng cáo của Foxconn từ năm ngoái đảm bảo với các ứng viên như sau: “Ba tháng lương cơ bản đầu tiên cho cơ sở ở Trịnh Châu của Foxconn là 1.900 nhân dân tệ (290 dollar) mỗi tháng; mức lương toàn diện là 2.800-3.500 nhân dân tệ (bao gồm làm thêm giờ)… Thời gian làm thêm sẽ không ít hơn 60 giờ mỗi tháng.”

Có một số thông tin quan trọng có thể thu được từ quảng cáo này. Trước hết, mức lương cơ bản của ba tháng đầu trong quảng cáo này chính xác là mức lương tối thiểu của tỉnh nơi đặt nhà máy. Điều này là điển hình cho các công việc cổ xanh. Mặc dù nhiều người lao động thực sự kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu, nhưng khoản lương bổ sung của họ đến từ việc làm thêm giờ thay vì mức lương theo giờ cao hơn. Trong trường hợp này, nếu một nhân viên chính thức làm việc theo lịch trình tối đa cho phép trên giấy tờ, mức lương của họ sẽ tăng gần như 100%, tức từ 2.100 nhân dân tệ lên gần 4.000 nhân dân tệ mỗi tháng.

Thứ hai, điểm hấp dẫn của quảng cáo này là thời gian làm thêm hàng tháng sẽ không ít hơn 60 giờ. Vì mức lương cơ bản quá thấp, làm thêm giờ là một điểm gây chú ý thay vì một dấu hiệu cảnh báo. Một số nhà máy không phổ biến điều này đối với công nhân vì họ không có đủ đơn đặt hàng để cung cấp giờ làm thêm cho công nhân, và một số công nhân nhà máy có lịch làm việc tương đối thoải mái tự cho mình là “lười biếng” hay vô công rỗi nghề.

Không phải công nhân cổ cồn xanh Trung Quốc tham công tiếc việc. Nghiên cứu của Zhuang cho thấy có sự chênh lệch về thái độ đối với việc làm thêm giờ, ngay cả trong nhóm này. Đặc biệt, những người cho biết làm việc chủ yếu chỉ để kiếm tiền ít có khả năng tự nhận mình là làm việc “ngoài giờ”. Mặt khác, những người trong hoàn cảnh vật chất ít thảm khốc hơn một chút có nhiều khả năng bực mình với lịch làm việc dài hơn. Nói cách khác, không phải trình độ học vấn vượt trội của công nhân cổ cồn trắng khiến nhiều khả năng họ cảm thấy có vấn đề với việc làm thêm giờ, mà là nhu cầu kiếm đủ để tồn tại của công nhân cổ cồn xanh khiến họ ít coi việc làm thêm giờ là một vấn đề.

“Không phải trình độ học vấn vượt trội của công nhân cổ cồn trắng khiến họ có nhiều khả năng gặp vấn đề về làm thêm giờ, mà là nhu cầu kiếm đủ để tồn tại của công nhân cổ cồn trắng khiến họ ít coi làm thêm giờ là một vấn đề.”

– Fu Zheng, Ph.D. sinh viên

Thật vậy, lịch làm việc quá khắc nghiệt của công nhân cổ cồn xanh đã khiến công nhân cổ cồn trắng khó chịu trong một thời gian dài. Có khả năng các chuyên gia cổ cồn trắng đã sớm vỡ mộng với huyền thoại tân tự do rằng “có nỗ lực mới được đền đáp” bởi vì với nhiều người trong số họ việc làm thêm giờ không bõ với những gì họ nhận được hoặc cuộc sống của họ không cần dựa vào tiền lương hoặc tiền thưởng thêm.

Mặc dù các công ty sử dụng công nhân, dù cổ cồn trắng hay cổ cồn xanh, đều muốn chiết xuất nhiều giá trị thặng dư nhất có thể từ nhân viên của mình, nhưng họ sử dụng các chiến lược khác nhau để làm như vậy. Trong khi công nhân Foxconn chấp nhận trả lương theo giờ thấp để đổi lấy lời hứa về số giờ làm thêm, các ông chủ văn phòng thu hút nhân viên tương lai bằng những lời hứa về một văn hóa công ty thân thiện, khuyến khích nhân viên “tự nguyện” làm thêm giờ để đổi lại triển vọng nghề nghiệp trong tương lai và mức thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, không phải mất quá nhiều thời gian để xem qua những hệ thống này và cảm thấy vỡ mộng.

Nếu việc chống chọi với các ông chủ không dễ dàng, thì việc đặt câu hỏi với thời gian làm thêm có lẽ sẽ dễ dàng hơn khi sinh kế của một người không hoàn toàn phụ thuộc vào nó. Vấn đề phức tạp là trong khi lạm phát gia tăng, mức lương tối thiểu vẫn trì trệ ở hầu hết các khu vực. Mức lương tối thiểu của tỉnh Quảng Đông phía nam, một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất của Trung Quốc, đã không thay đổi kể từ năm 2018. Và bởi vì nhiều công nhân cổ xanh cũng là người nhập cư, họ thậm chí còn phải đối mặt với những rào cản cao hơn trong việc tiếp cận hàng hóa công cộng ở các thành phố nơi họ làm việc, điều này càng khuyến khích họ chấp nhận lịch làm việc ngoài giờ.

Điều thú vị là, lịch trình làm việc mệt mỏi của các chuyên gia cổ cồn trắng đã khiến nhiều người bắt đầu tự nhận mình là “công nhân”, hay dagong ren (người làm công) – một thuật ngữ thường được sử dụng bởi công nhân cổ cồn xanh. Điều này vừa cho thấy tiềm năng đoàn kết giữa các giai tầng, đồng thời cũng bộc lộ sự bất bình đẳng sâu sắc giữa các tầng lớp lao động ở Trung Quốc: Công nhân cổ trắng đang giải quyết vấn đề làm thêm giờ bằng cách áp dụng những gì từng được coi là danh tính cổ xanh, mặc dù vấn đề làm thêm giờ là một đặc quyền mà công nhân cổ xanh đơn giản không có.

Tất cả chúng ta đều có quyền làm việc với nhân phẩm, ngay cả khi hãy còn xa cái ngày mà những người công nhân cổ cồn xanh có thể thoát khỏi những lo toan về sinh hoạt cơ bản và có thể yêu cầu làm thêm giờ ít hơn. Nhưng sự chênh lệch đó không có nghĩa là chúng ta nên xóa bỏ những lời phàn nàn của công nhân cổ cồn trắng, làm như đó là một sự than vãn đặc quyền. Mặc dù công nhân cổ cồn trắng có thể không phải là nhóm người lao động Trung Quốc bị bóc lột nhiều nhất, nhưng cuộc đấu tranh cho quyền lao động thường phát triển mạnh không phải ở nơi mà sự bóc lột nghiêm trọng nhất mà là nơi người lao động có khả năng thương lượng nhất. Tôi chỉ hy vọng các chuyên gia cổ cồn trắng không chỉ sử dụng danh tính “công nhân” để che khuất nỗi khổ của họ, mà còn có trách nhiệm thúc đẩy các biện pháp bảo vệ lao động tốt hơn và xây dựng một khối đoàn kết giữa các tầng lớp có khả năng mang lại lợi ích cho toàn thể người lao động.

Fu zheng, Sixthtone, 30 tháng 1 năm 2021

 Fu Zheng hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành xã hội học tại Đại học Columbia.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận