Tiền công, giá cả và lợi nhuận (1865) – Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó

*Mục lục:

     * Lời mở đầu.

  1. Sản xuất và tiền công
  2. Sản xuất, tiền công và lợi nhuận
  3. Tiền công và tiền
  4. Cung và cầu
  5. Tiền công và giá cả
  6. Giá trị và lao động
  7. Sức lao động
  8. Sự sản xuất ra giá trị thặng dư
  9. Giá trị của lao động
  10.  Lợi nhuận được thực hiện khi bán hàng hóa theo giá trị của nó
  11.  Những phần khác nhau mà giá trị thặng dư phân giải thành
  12.  Tỷ lệ chung giữa lợi nhuận, tiền công và giá cả
  13.  Những trường hợp quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh đòi tăng tiền công hay chống lại việc giảm tiền công
  14.  Cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động và kết quả của nó.


     

14. CUỘC ĐẤU TRANH GIỮA TƯ BẢN VÀ LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG KẾT QUẢ CỦA NÓ

 

1) Tôi đã chỉ ra rằng sự phản kháng có tính chất chu kỳ của công nhân chống lại việc giảm tiền công và những cố gắng có tính chất chu kỳ của họ nhằm tăng tiền công, đều gắn liền không thể tách rời với chế độ lao động làm thuê và chúng đều nảy sinh từ chính cái sự kiện là lao động được coi là hàng hóa và do đó cũng phải phục tùng những quy luật điều tiết sự vận động chung của giá cả; tiếp đó tôi đã chỉ ra rằng tiền công tăng lên một cách phổ biến làm cho tỷ suất phổ biến của lợi nhuận giảm xuống, nhưng không ảnh hưởng gì đến giá cả trung bình của hàng hóa hay đến giá trị của hàng hóa; giờ đây, cuối cùng, một câu hỏi được đặt ra là: trong cuộc đấu tranh liên tục này giữa tư bản và lao động, lao động có thể đạt tới thắng lợi đến mức nào?

 

 Tôi có thể trả lời bằng một sự khái quát hoá và nói rằng trong một khoảng thời gian dài, giá cả thị trường của lao động, cũng như của tất cả các hàng hóa khác, sẽ phù hợp với giá trị của nó; rằng do đó, mặc dầu tất cả mọi sự tăng và giảm và mặc dầu người công nhân hành động như thế nào đi nữa, thì tính trung bình, anh ta cũng sẽ chỉ nhận được giá trị lao động của anh ta, giá trị này quy lại là giá trị của sức lao động do giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì và tái sản xuất ra sức lao động ấy quyết định; còn giá trị của những tư liệu sinh hoạt ấy, đến lượt nó, lại do số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra chúng quyết định.

 

 Nhưng có vài đặc điểm phân biệt giá trị của sức lao động, hay giá trị của lao động, với giá trị của tất cả các hàng hóa khác. Giá trị của sức lao động là do hai yếu tố hợp thành – một yếu tố chỉ thuần túy có tính chất thể xác, còn yếu tố kia thì thuần tuý có tính chất lịch sử hay xã hội. Giới hạn thấp nhất của giá trị sức lao động là do yếu tố thể xác quyết định. Điều đó có nghĩa là, để duy trì và tái sản xuất ra bản thân, để cho sự tồn tại thể xác của mình kéo dài mãi mãi, giai cấp công nhân phải nhận được những tư liệu sinh hoạt tuyệt đối cần thiết để sống và để sinh sôi nảy nở. Cho nên, giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết đó là giới hạn thấp nhất của giá trị lao động. Mặt khác, độ dài của ngày lao động cũng có những giới hạn tột cùng của nó, mặc dầu rất co dãn. Giới hạn cao nhất của nó là do thể lực của người công nhân quyết định. Nếu sự suy mòn hàng ngày về sinh lực của công nhân vượt quá những giới hạn nhất định thì một sự căng thẳng như thế sẽ không thể lặp lại từ ngày này qua ngày khác được. Tuy nhiên, như tôi đã nói, giới hạn ấy rất co dãn. Với sự thay thế nhau nhanh chóng của những thế hệ ốm yếu và có đời sống ngắn ngủi, thị trường lao động cũng có thể được đảm bảo không khác gì khi có một loạt những thế hệ mạnh khoẻ và sống lâu kế tiếp nhau.

 

 Ngoài yếu tố thuần tuý thể xác đó ra thì giá trị của lao động trong mỗi một nước được quyết định bởi mức sống truyền thống. Mức sống không chỉ giả định phải thỏa mãn những nhu cầu của đời sống thể xác, mà còn phải thoả mãn một số nhu cầu nhất định, do những hoàn cảnh xã hội trong đó người ta sinh sống và học hành quyết định. Mức sống của người Anh có thể rút xuống bằng mức sống của người Ireland, mức sống của một nông dân Đức có thể rút xuống bằng mức sống của một nông dân Livolin. Về mặt ấy, những truyền thống lịch sử và những tập quán xã hội giữ vai trò quan trọng như thế nào, thì các bạn có thể đọc thấy trong tác phẩm "Nạn nhân khẩu thừa"[17] của ông Thornton. Trong cuốn sách ấy, ông ta chỉ ra rằng, hiện nay, tiền công trung bình trong những vùng nông nghiệp khác nhau ở Anh vẫn ít nhiều khác nhau tùy theo những vùng ấy đã thoát khỏi chế độ nông nô trong những điều kiện thuận lợi nhiều hay ít.

 

 Cái yếu tố lịch sử hay xã hội đi vào giá trị của lao động đó có thể phình ra hay co lại, hoặc thậm chí có thể hoàn toàn biến mất, thành thử chỉ còn lại có cái giới hạn thể xác mà thôi. Trong thời gian cuộc chiến tranh chống phái Jacobin – như lão George Rose, một kẻ bất trị chuyên ngốn thuê và thích các chức vụ béo bở, thường thích nói – để giữ cho những lợi ích của tôn giáo thiêng liêng của chúng ta khỏi bị những người Pháp ngoại đạo tấn công, thì những nông dân tốt bụng người Anh, mà chúng ta đã nói đến một cách hết sức khoan dung tại một trong những phiên họp trước đây của chúng ta, đã hạ thấp tiền công của công nhân nông nghiệp xuống thậm chí dưới mức tối thiểu thuần tuý thể xác ấy, còn số thiếu hụt về những tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì người công nhân về mặt thể xác và tiếp tục dòng giống của họ thì được họ bù đắp bằng cách lấy ở các quỹ cứu trợ trên cơ sở các đạo luật về người nghèo[18]. Đó là một phương thức tuyệt diệu để biến người công nhân làm thuê thành những người nô lệ và biến người nông dân tự do kiêu hãnh của Shakespeare thành một kẻ khốn cùng.

 

 Nếu các bạn so sánh mức tiền công, hay giá trị lao động, trong những nước khác nhau hoặc trong những thời đại lịch sử khác nhau của cùng một nước, thì các bạn sẽ thấy rằng bản thân giá trị lao động không phải là một đại lượng cố định mà là một đại lượng khả biến, khả biến ngay cả trong điều kiện giá trị của tất cả hàng hóa khác vẫn không thay đổi.

 

 Một sự so sánh giống như vậy cũng sẽ chứng tỏ rằng không những tỷ suất thị trường của lợi nhuận thay đổi mà cả tỷ suất trung bình của lợi nhuận cũng thay đổi.

 

 Nhưng, đối với lợi nhuận thì không có quy luật nào quy định mức tối thiểu của nó cả. Chúng ta không thể nói giới hạn cuối cùng mà lợi nhuận sẽ hạ thấp xuống là giới hạn nào. Vậy tại sao chúng ta không thể xác định được giới hạn đó? Tại vì tuy chúng ta có thể xác định mức tiền công tối thiểu, nhưng không thể xác định mức tiền công tối đa. Chúng ta chỉ có thể nói rằng nếu giới hạn của ngày lao động đã cho sẵn thì mức tối đa của lợi nhuận tương ứng với mức tối thiểu về thể xác của tiền công; còn nếu tiền công đã cho sẵn thì mức tối đa của lợi nhuận tương ứng với sự kéo dài ngày lao động tới mức thể lực của công nhân còn cho phép. Vậy, mức tối đa của lợi nhuận bị giới hạn bởi mức tối thiểu về thể xác của tiền công và mức tối đa về thể xác của ngày lao động. Rõ ràng là giữa hai giới hạn ấy của tỷ suất tối đa của lợi nhuận có thể có vô số biến thể. Mức thực tế của nó chỉ được xác lập bởi cuộc đấu tranh không ngừng giữa tư bản và lao động: nhà tư bản không ngừng tìm cách hạ thấp tiền công tới mức tối thiểu về thể xác và kéo dài ngày lao động tới mức tối đa về thể xác, còn công nhân thì không ngừng gây sức ép theo hướng ngược lại.

 

 Vấn đề này rút lại là vấn đề so sánh lực lượng giữa các bên đấu tranh với nhau.

 

2) Còn về việc giới hạn ngày lao động ở Anh, cũng như ở tất cả các nước khác, thì sự giới hạn đó không bao giờ được quy định bằng một cách nào khác ngoài sự can thiệp của luật pháp, mà không có sức ép thường xuyên của công nhân thì không bao giờ có sự can thiệp ấy. Dầu sao, việc giới hạn ngày lao động cũng không bao giờ có thể đạt được bằng con đường thỏa thuận riêng giữa công nhân và các nhà tư bản. Chính sự cần thiết phải có một hành động chính trị chung ấy chứng tỏ rằng trong những hành động thuần túy kinh tế của mình, tư bản là phía mạnh hơn.

 

 Còn về giới hạn của giá trị lao động thì sự xác định thực tế những giới hạn ấy bao giờ cũng phụ thuộc vào cung và cầu. Tôi muốn nói đến cầu của tư bản về lao động và cung của công nhân về lao động. Trong các nước thuộc địa, quy luật cung cầu là có lợi cho công nhân. Điều đó giải thích mức tiền công tương đối cao ở Mỹ. Ở đó, tư bản dầu có cố gắng đến đâu chăng nữa thì nó vẫn không thể ngăn cản thị trường lao động thường xuyên vắng người, bởi vì những công nhân làm thuê luôn luôn biến thành những nông dân độc lập tự mình canh tác ruộng đất của mình. Đối với một bộ phận rất lớn trong nhân dân Mỹ, địa vị của công nhân làm thuê chỉ là một trạng thái tạm thời mà họ tin chắc rằng sớm hay muộn rồi cũng sẽ rời bỏ được. Để sửa chữa tình trạng đó ở các thuộc địa, Chính phủ Anh, cái chính phủ ân cần như một người cha, cách đây không lâu đã theo cái mà người ta gọi là lý luận hiện đại về việc thực dân hoá chủ trương nâng vọt một cách giả tạo giá cả đất đai ở các thuộc địa nhằm ngăn cản công nhân làm thuê biến thành nông dân độc lập một cách quá nhanh chóng.

 

 Nhưng chúng ta hãy xét đến các nước văn minh lâu đời, ở đó tư bản thống trị toàn bộ quá trình sản xuất. Hãy lấy việc tăng tiền công của công nhân nông nghiệp ở Anh từ năm 1849 đến năm 1859 làm ví dụ. Hậu quả của việc tăng tiền công đó như thế nào? Những phéc-mi-ê đã không thể như ông bạn Weston của chúng ta khuyên họ, nâng cao giá trị của lúa mì và thậm chí cũng không thể nâng giá cả thị trường của lúa mì lên được. Trái lại, họ phải đành chịu sự giảm giá trị và giá cả ấy. Nhưng trong 11 năm ấy, họ đã dùng những máy móc đủ các loại, bắt đầu áp dụng những phương pháp khoa học hơn, biến một phần đất cày cấy được thành cánh đồng cỏ, tăng quy mô các trang trại, và đồng thời cũng tăng cả quy mô sản xuất; và khi giảm số cầu về lao động nhờ những biện pháp ấy, cũng như nhờ những biện pháp khác làm tăng sức sản xuất của lao động, họ lại làm cho nhân khẩu nông nghiệp trở nên thừa một cách tương đối. Nói chung, đó là phương pháp mà tư bản ở trong những nước có dân cư đến ở từ lâu rồi, dùng để phản ứng lại một cách nhanh hay chậm đối với sự tăng lên của tiền công. Ri-các-đô nhận xét một cách đúng đắn rằng máy móc luôn luôn cạnh tranh với lao động, và thường chỉ được dùng khi giá cả của lao động đã lên cao tới một mức độ nào đó[19]; nhưng việc dùng máy móc chỉ là một trong nhiều phương pháp để tăng sức sản xuất của lao động. Cùng một quá trình phát triển ấy, một mặt, tạo ra tình trạng thừa tương đối về lao động đơn giản, và mặt khác, lại đơn giản hoá lao động có chuyên môn cao và do đó làm cho nó giảm giá trị đi.

Cũng quy luật ấy lại được thực hiện dưới một hình thức khác. Cùng với sự phát triển của sức sản xuất của lao động, tích luỹ tư bản được đẩy nhanh, bất chấp cả mức tiền công tương đối cao. Từ đó, có thể kết luận – như A.Smith đã làm, vào thời kỳ của ông nền công nghiệp hiện đại còn đang ở trong thời kỳ rất non trẻ, – rằng sự tích luỹ nhanh chóng của tư bản phải làm nghiêng cán cân về phía công nhân, vì nó đảm bảo một lượng cầu ngày càng tăng về lao động của họ. Tán đồng quan điểm ấy, nhiều tác giả hiện đại lấy làm ngạc nhiên khi thấy rằng, mặc dù trong 20 năm vừa qua tư bản Anh đã tăng lên nhanh hơn nhiều so với mức tăng nhân khẩu ở Anh, nhưng tiền công đã tăng lên không nhiều đến như vậy. Nhưng cùng một lúc với sự tiến bộ của tích luỹ thì cũng diễn ra một sự thay đổi ngày càng tăng trong cơ cấu của tư bản. Phần của tổng tư bản gồm có tư bản bất biến – máy móc, nguyên liệu, đủ mọi thứ tư liệu sản xuất, – ngày càng tăng lên nhiều hơn so với phần kia của tư bản dùng để trả tiền công hay để mua lao động. Quy luật đó đã được Barton, Ricardo, Sismondi, giáo sư Richard Jones, giáo sư Ramsey, Cherbuilliez và nhiều người khác xác lập ít nhiều chính xác.

 

 Nếu tỷ lệ ban đầu giữa hai bộ phận cấu thành ấy của tư bản là 1:1, thì trong quá trình phát triển sau đó của công nghiệp, nó sẽ trở thành 5:1, v.v.. Nếu trong tổng tư bản là 600, 300 được bỏ vào công cụ, nguyên liệu, v.v., và 300 vào tiền công, muốn tạo ra một lượng cầu là 600 công nhân, chứ không phải là 300, thì chỉ cần tăng gấp đôi tổng số tư bản là được. Nhưng nếu về sau trong một tư bản là 600, 500 được bỏ vào máy móc, vật liệu, v.v., thì chỉ có 100 là được bỏ vào tiền công, thì sẽ phải tăng tư bản đó từ 600 lên đến 3 600 mới tạo ra được một lượng cầu là 600 công nhân, chứ không phải là 300. Vì vậy, trong tiến trình phát triển của công nghiệp, lượng cầu về lao động không đi đôi với tích luỹ tư bản. Thật ra, lượng cầu đó sẽ tăng lên, nhưng theo một tỷ lệ luôn luôn giảm xuống so với sự tăng lên của tổng tư bản.

 

 Một vài điều nhận xét ấy cũng đủ để chứng tỏ rằng chính sự phát triển của công nghiệp hiện đại tất phải làm cho cán cân ngày càng nghiêng về phía tư bản, có hại cho công nhân, rằng do đó, khuynh hướng chung của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là nâng cao mức trung bình của tiền công lên, mà là hạ thấp mức ấy xuống, nghĩa là trên một mức độ nhiều hay ít hạ thấp giá trị lao động xuống tới giới hạn tối thiểu. Nhưng nếu tình hình thực tế trong chế độ ấy có khuynh hướng như vậy, thế thì phải chăng điều đó có nghĩa rằng giai cấp công nhân phải từ bỏ cuộc đấu tranh chống lại những sự xâm phạm có tính chất ăn cướp của tư bản và chấm dứt những ý định lợi dụng những cơ hội có được để cải thiện tạm thời tình cảnh của mình? Nếu họ làm như thế thì họ đã thoái hoá thành rặt một đám đông những kẻ đói khổ hư hỏng, không phương cứu chữa. Tôi thiết nghĩ là tôi đã chứng minh rằng cuộc đấu tranh của công nhân để đòi mức tiền công là gắn liền với toàn bộ chế độ lao động làm thuê, rằng 99 trong 100 trường hợp, những cố gắng của họ nhằm tăng tiền công chỉ là những cố gắng để duy trì số tiền hiện trả cho giá trị của lao động, rằng sự cần thiết phải đấu tranh với các nhà tư bản về giá cả của lao động nằm ở trong tình cảnh của công nhân, tình cảnh buộc họ phải tự bán mình như một hàng hóa. Nếu công nhân rút lui một cách hèn nhát trong những cuộc xung đột hàng ngày với tư bản thì chắc chắn là họ sẽ mất khả năng mở đầu một phong trào rộng lớn hơn nào đó.

 

 Đồng thời, – ngay cả khi hoàn toàn không nói đến sự nô dịch của công nhân một cách phổ biến, gắn liền với chế độ lao động làm thuê, – giai cấp công nhân cũng không nên thổi phồng những kết quả cuối cùng của cuộc đấu tranh hằng ngày ấy. Họ không được quên rằng trong cuộc đấu tranh hằng ngày ấy, họ chỉ đấu tranh chống những hậu quả chứ không phải chống những nguyên nhân đẻ ra những hậu quả đó; rằng họ chỉ kìm hãm sự vận động đi xuống, chứ không thay đổi chiều hướng của sự vận động đó, rằng họ chỉ dùng những phương thuốc chữa tạm thời, chứ không phải trị khỏi bệnh. Vì vậy, họ không được chỉ tự giới hạn trong những cuộc xung đột du kích không tránh được đó, những cuộc xung đột này không ngừng nảy sinh do những sự tấn công không bao giờ ngừng của tư bản hay những sự thay đổi của thị trường. Họ phải hiểu rằng với tất cả cái cảnh cùng khổ mà chế độ hiện tại mang theo nó, chế độ ấy đồng thời cũng tạo ra những điều kiện vật chất và những hình thái xã hội cần thiết cho sự xây dựng lại xã hội về mặt kinh tế. Thay cho khẩu hiệu bảo thủ “Tiền công công bằng cho một ngày lao động công bằng!”, họ phải viết lên lá cờ của mình khẩu hiệu cách mạng: “Xóa bỏ chế độ lao động làm thuê!”

 

 Sau bản trình bày rất dài và, tôi e rằng rất mệt óc này, mà tôi buộc phải tiến hành để làm sáng tỏ vấn đề cơ bản đang thảo luận, tôi xin kết thúc bản báo cáo của mình bằng đề nghị thông qua nghị quyết sau đây:

1) Việc tăng lên một cách phổ biến của mức tiền công sẽ làm cho tỷ suất phổ biến của lợi nhuận hạ xuống, nhưng nói chung, không ảnh hưởng đến giá cả các hàng hóa.

2) Xu hướng chung của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là nâng cao mà là hạ thấp mức trung bình của tiền công.

3) Các hội công liên hoạt động một cách có kết quả với tư cách là những trung tâm chống lại sự tấn công của tư bản. Họ thất bại một phần là do sử dụng không đúng sức mạnh của mình. Còn nói chung họ thất bại là vì tự hạn chế trong một cuộc chiến đấu du kích chống những hậu quả của chế độ hiện có, chứ không đồng thời tìm cách làm thay đổi chế độ ấy, không dùng những lực lượng có tổ chức của mình làm một đòn bẩy để giải phóng hẳn giai cấp công nhân, nghĩa là để xoá bỏ hẳn chế độ lao động làm thuê.

 

 


*Chú thích:

[17] W.Th.Thornton. "Nhân khẩu thừa và những biện pháp đối phó với tình trạng này". London, 1846 – 204.

[18] Theo các đạo luật về người nghèo được ban hành ở Anh từ thế kỷ XVI, trong mỗi giáo khu người ta thu thứ thuế đặc biệt để giúp người nghèo; những cư dân nào trong giáo khu không có khả năng tự đảm bảo cho mình và cho gia đình mình thì được nhận sự trợ cấp thông qua quỹ giúp đỡ người nghèo.-205.

[19] D.Ricardo. "Các nguyên tắc kinh tế – chính trị về thuế". London, 1821, p.479.-207.

Tác giả

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận