ABC về chủ nghĩa cộng sản (Chương VIII)
Chương Ⅷ
ĐƯỜNG LỐI CỦA NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN VỀ VẤN ĐỀ TỔ CHỨC QUÂN ĐỘI
§ 61. Đường lối cũ của chúng tôi và vấn đề chiến tranh trong nhà nước Xã hội Chủ nghĩa
Ở §12, chúng tôi đã giải thích cho các bạn về việc quân đội thường trực của Nhà nước tư sản được xây dựng như thế nào và sử dụng cho mục đích gì. Những người chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước, bao gồm cả những người dân chủ xã hội Nga, đã từng yêu cầu bãi bỏ quân đội thường trực. Những người theo chủ nghĩa xã hội muốn vũ trang toàn dân thay cho quân đội thường trực; họ yêu cầu bãi bỏ các đẳng cấp sĩ quan và theo đó người chỉ huy sẽ được bầu bởi binh lính.
Chúng ta cùng xem xét thái độ của những người cộng sản đối với những yêu cầu này.
Câu hỏi đầu tiên nảy sinh là, những yêu sách được đề cập như trên được đưa ra đại diện cho hình thức trật tự xã hội như thế nào? Chúng được đưa ra cho một xã hội tư sản, xã hội xã hội chủ nghĩa, hay cho xã hội đang trong giai đoạn đấu tranh giữa chế độ tư sản và xã hội chủ nghĩa?
Các đảng xã hội tham gia Đệ nhị Quốc tế không có bất kỳ ý tưởng rõ ràng nào về bản chất xã hội liên quan đến đường lối của họ. Thật vậy, phần lớn đường lối của họ liên quan đến một xã hội tư sản. Hình mẫu mà những người theo chủ nghĩa xã hội thường có trong tâm trí là nền Cộng hòa Thụy Sĩ, nơi không có quân đội thường trực mà chỉ có một lực lượng dân quân quốc gia.
Rõ ràng là đường lối quân sự của những người xã hội chủ nghĩa không thể thực hiện được trong xã hội tư sản, trên hết là trong thời đại mà cuộc đấu tranh giai cấp phát triển ngày một gay gắt hơn. Bãi bỏ doanh trại có nghĩa là bãi bỏ những nơi huấn luyện công nhân và nông dân trở thành những tên đồ tể với chính anh em cùng giai cấp. Nó biểu thị cho việc bãi bỏ nơi duy nhất có thể biến công nhân thành một đội quân sẵn sàng sử dụng vũ khí của mình để chống lại các quốc gia khác bất cứ lúc nào bất cứ nơi đâu, miễn sao có lợi cho các nhà tư bản. Xóa bỏ đẳng cấp sĩ quan có nghĩa là xóa bỏ những kẻ thuần phục dã thú, những kẻ có đủ khả năng một mình duy trì kỷ luật sắt, những kẻ có thể bắt buộc nhân dân vũ trang theo ý muốn của giai cấp tư sản. Việc bầu chọn các sĩ quan sẽ cho phép các công nhân vũ trang và nông dân lựa chọn các sĩ quan trong số họ, những sĩ quan không phải là tư sản. Đối với giai cấp tư sản, đồng ý với những đề xuất như vậy có nghĩa là đang đồng ý thành lập một quân đội nhằm mục đích lật đổ chính quyền của nó.
Toàn bộ lịch sử của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu đã chứng minh và vẫn tiếp tục chứng minh sự bất khả thi của việc thực hiện đường lối quân sự cũ của đảng xã hội trong khuôn khổ xã hội tư sản, của việc thực hiện nó khi xã hội bị phân chia thành các giai cấp và đang trong những ngày tháng mà đấu tranh giai cấp ngày một gay gắt. Trong phạm vi mà đấu tranh giai cấp đang tăng cường, chúng ta thấy rằng các nhà cầm quyền tư sản không muốn trang bị vũ khí cho toàn dân mà chỉ nhất quyết trao vũ khí vào tay bọn Bạch vệ thân tín mà thôi. Do đó, đường lối quân sự của những người xã hội chủ nghĩa, trong chừng mực mà họ hy vọng sẽ hiện thực hóa được nó trong chế độ tư sản, chẳng qua chỉ là chủ nghĩa tiểu tư sản không tưởng mà thôi.
Tuy nhiên, có phải đường lối đó nhất nhất được xây dựng là nhằm để lật đổ chế độ tư sản hay không? Thực tế không phải vậy. Giai cấp tư sản mong muốn tự bảo vệ mình trước giai cấp công nhân, những người mong muốn giành lấy chính quyền. Do vậy, nó sẽ không bao giờ sẵn lòng xem xét ý tưởng trang bị vũ khí cho công nhân. Giai cấp tư sản đã áp dụng chế độ quân dịch phổ thông và chỉ giao cho binh lính là công nhân một khẩu súng trường chừng nào nó còn hy vọng rằng những người lính được tuyển từ nhân dân sẽ tiếp tục tuân theo mệnh lệnh của những kẻ thống trị tư bản. Nhưng một khi nhân dân muốn tự tay chiến đấu để giành lấy đất cho chính mình thì nhân dân phải bị tước vũ khí! Tất cả những chính trị gia tư sản sắc sảo đều nhận thức rõ điều này. Ngược lại cũng vậy, sẽ khá phi lý khi công nhân và nông dân nghĩ đến việc trang bị vũ khí cho cả dân tộc khi điều họ muốn là tự trang bị vũ khí cho mình để có thể lật đổ giai cấp tư sản và nắm chính quyền. Do đó, trong thời kỳ quá độ mà giai cấp vô sản đang đấu tranh giành quyền lực, đường lối quân sự cũ của những người xã hội chủ nghĩa là vô nghĩa. Một đường lối như vậy chỉ có thể áp dụng trong một thời gian rất ngắn khi quân đội tư sản thường trực có từ trước đang bị tan rã. Nó chỉ được áp dụng trong thời kỳ mà chế độ sĩ quan đang bị vô hiệu hóa và nảy sinh vấn đề bầu cử sĩ quan từ dưới lên. Vào năm 1917, những người Bolshevik đã thực sự thực hiện ý tưởng này, đây là một phần đường lối cũ của họ. Bằng cách trấn áp đẳng cấp sĩ quan trong quân đội Sa hoàng cũng như quân đội của Kerensky, những người Bolshevik đã tước bỏ móng vuốt của đội quân đó, để nó không thể phục vụ cho lợi ích của giai cấp địa chủ và tư sản.
Mặt khác, đối với một xã hội mà chủ nghĩa xã hội đã thắng lợi thì đường lối quân sự cũ hoàn toàn có thể áp dụng được. Khi giai cấp vô sản đã lật đổ được giai cấp tư sản và đã xóa bỏ được sự tồn tại của giai cấp ở khá nhiều nước thì sẽ có thể tiến hành tổng vũ trang toàn dân. Khi đó chỉ riêng quần chúng lao động sẽ được trang bị vũ khí, vì trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì tất cả sẽ là công nhân. Điều này sẽ có thể loại bỏ hoàn toàn cuộc sống doanh trại. Lúc này cũng có thể đưa vào việc bầu chọn các sĩ quan, một phương pháp không phù hợp với quân đội vô sản trong thời kỳ nổi bật như nội chiến, trừ một số trường hợp hiếm hoi và may mắn.
Bây giờ nảy sinh một câu hỏi rất tự nhiên. Những nhu cầu gì có thể xuất hiện trong việc vũ trang toàn dân ở những vùng đất mà chế độ xã hội chủ nghĩa chiếm ưu thế? Chúng ta hãy giả sử ở một số nước mà giai cấp tư sản đã bị khuất phục; những người từng là tư sản đã trở thành công nhân; không thể có vấn đề về chiến tranh giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Nhưng cần nhớ rằng chủ nghĩa xã hội không thể cùng một lúc giành được thắng lợi ở tất cả các nước trên thế giới. Tất nhiên, một số nước sẽ tụt hậu so với những nước khác trong vấn đề xóa bỏ giai cấp và hiện thực hóa xã hội chủ nghĩa. Trong hoàn cảnh đó, các quốc gia mà giai cấp tư sản đã bị lật đổ và ở đó tất cả tư sản đã trở thành công nhân, họ có thể phải chiến đấu hoặc chuẩn bị phải đương đầu với giai cấp tư sản của những quốc gia mà chuyên chính vô sản vẫn chưa được thiết lập; hoặc có thể cần phải hỗ trợ về vũ trang cho giai cấp vô sản ở những nơi đã bắt đầu thiết lập chuyên chính vô sản nhưng vẫn chưa thành công trong cuộc đấu tranh với giai cấp tư sản.
§ 62. Sự cần thiết của Hồng quân và cơ sở giai cấp của nó
Những người xã hội chủ nghĩa đi theo phong trào Đệ nhị Quốc tế cho rằng chủ nghĩa xã hội có thể được thiết lập thông qua việc đảm bảo đa số của họ trong nghị viện. Những người này suy nghĩ như vậy là vì họ được nuôi dưỡng trong bầu không khí yên bình tiểu nông tiểu tư sản, cho nên lẽ tự nhiên là họ chẳng buồn lưu tâm đến sự cần thiết cũng như khả năng tổ chức một quân đội vô sản trong cuộc chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội. Những người theo chủ nghĩa xã hội khác đã nhận ra tính tất yếu của một cuộc chuyển đổi bắt nguồn từ phong trào đấu tranh vũ trang của công nhân, nhưng họ lại không thể thấy được rằng cuộc đấu tranh vũ trang này sẽ kéo dài bao lâu, và rằng châu Âu sẽ phải trải qua một giai đoạn chẳng những đầy cách mạng mà còn cả chiến tranh xã hội chủ nghĩa.
Do đó, không một chương trình xã hội chủ nghĩa nào nói lên sự cần thiết của việc thành lập Hồng quân, tức là một đội quân bao gồm công nhân và nông dân được vũ trang. Giai cấp công nhân Nga là lực lượng đầu tiên trên thế giới có thể thực hiện điều này. Điều này có nghĩa là họ là những công nhân đầu tiên trên thế giới có thể nắm chắc quyền lực Nhà nước trong tay và có thể bảo vệ những gì họ đã đạt được trước sự tấn công của giai cấp tư sản Nga cũng như tư bản quốc tế. Rõ ràng là nếu không có Hồng quân thì công nhân và nông dân Nga sẽ không thể duy trì được bất cứ một thành tựu nào của cuộc cách mạng.
Nếu không có Hồng quân thì họ đã bị các thế lực phản động trong và ngoài nước đè bẹp. Một Hồng quân không thể được thành lập dựa trên nền tảng của nghĩa vụ quân sự phổ biến. Trong khi cuộc đấu tranh còn đang diễn ra, dù thành công đã ở trong tầm mắt thì giai cấp vô sản cũng không thể mạo hiểm mà giao súng cho các thành viên của giai cấp tư sản thành thị hoặc cho nông dân giàu có. Quân đội vô sản sẽ chỉ bao gồm những người thuộc giai cấp công nhân, những người không bóc lột sức lao động và những người trực tiếp quan tâm đến thắng lợi của cách mạng công nhân. Chỉ có công nhân công nghiệp ở thành thị và nông dân nghèo từ các làng xã mới có thể là hạt nhân hình thành nên nền tảng của Hồng quân. Và lực lượng này sẽ được chuyển đổi thành một đội quân của tất cả nhân dân lao động bằng sự đoàn kết với giai cấp trung nông. Các thành viên của giai cấp tư sản và tầng lớp nông dân giàu có nếu có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình đối với Nhà nước vô sản thì chỉ trong chừng mực các nghĩa vụ dân quân ở hậu phương.
Tất nhiên, điều này nên được hiểu rằng chính quyền vô sản cũng sẽ bắt các phần tử tư sản và phú nông phải bắn vào những người bạn Bạch vệ của họ ở phía bên kia chiến hào. Điều này cũng tương tự như việc giai cấp tư sản, với sự hỗ trợ của quân đội thường trực của họ, đã buộc những người vô sản phải bắn chết anh em cùng giai cấp với họ.
Quân đội thường trực của giai cấp tư sản tuy được thành lập trên cơ sở quân đội toàn dân, và tuy bề ngoài vẫn là quân đội của toàn dân, nhưng về thực chất nó vẫn là quân đội mang tính giai cấp. Nhưng giai cấp vô sản không cần gì phải che giấu bản chất giai cấp của quân đội của mình, và nó cũng không phải che giấu bản chất chuyên chính giai cấp của nó. Hồng quân là một trong những cơ quan của Nhà nước Xô viết, và nói chung thì cấu trúc của nó không khác gì với các cơ quan Nhà nước khác của chế độ chuyên chính vô sản.
Cuối cùng, tương tự như cách hiến pháp Liên Xô không trao quyền bỏ phiếu cho những người mà chính hiến pháp này đang cấm cửa, trong Hồng quân không có chỗ cho những người mà chính Hồng quân đã tiêu diệt trong cuộc nội chiến.
§ 63. Huấn luyện quân sự phổ cập cho công nhân
Một trong những mục tiêu chính của hệ thống đào tạo quân sự cho công nhân mà Cộng hòa Xô viết Nga đã đặt ra, chính là giảm thời gian ở doanh trại xuống mức tối thiểu. Trong chừng mực có thể, công nhân và nông dân không được phép rút lui khỏi công việc sản xuất khi đang được huấn luyện theo nghĩa vụ quân sự. Điều này sẽ làm giảm đáng kể chi tiêu quân sự và sẽ xóa bỏ tình trạng sa sút và vô tổ chức trong sản xuất. Những công nhân và nông dân được huấn luyện về vũ khí trong thời gian rảnh, từ đó họ sẽ trở thành những người lính cách mạng mà vẫn không phải ngừng việc trở thành những người sản xuất giá trị.
Nhu cầu lớn thứ hai liên quan đến việc huấn luyện quân sự phổ cập cho công nhân là việc tạo ra ở mọi thị trấn, ở mọi quận, huyện nông thôn, lực lượng dự bị gồm vô sản và nông dân, những người có thể ra chiến trường ngay tức khắc khi có thông báo về sự tiếp cận của kẻ thù. Kinh nghiệm của cuộc nội chiến ở Nga đã cho thấy những nguồn dự bị như vậy đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với sự thành công của chiến dịch xã hội chủ nghĩa. Sẽ là đủ nếu ta nhớ cách mà các trung đoàn dự bị của công nhân đã bảo vệ thành công Petrograd khỏi Bạch vệ; hoặc nghĩ đến những công nhân của vùng Ural và lưu vực Donetz; hoặc của công nhân và nông dân ở thị trấn và tỉnh Orenburg, ở thị trấn Uralsk, v.v…
§ 64. Kỷ luật tự thân và kỷ luật cưỡng bức
Kỷ luật tự thân là điều không thể xảy ra trong quân đội tư bản, chính bản chất tự nhiên của nó đã ngăn cấm ý tưởng này. Một quân đội đế quốc gồm nhiều nhóm xã hội khác nhau. Công nhân và nông dân bị cưỡng bức dồn vào doanh trại của quân đội tư sản. Nếu họ bắt đầu nhận ra lợi ích của bản thân, có ý thức về việc phản kháng kỷ luật do cấp trên áp đặt, họ sẽ bắt đầu chống lại thứ kỷ luật này. Vì vậy, kỷ luật của quân đội tư sản phải được duy trì bằng vũ lực; do đó, việc đánh đập, tra tấn ở mọi hình thức, và các vụ xả súng hàng loạt, không đơn giản chỉ là sự cố thỉnh thoảng, mà là nền tảng của trật tự, kỷ luật, ‘giáo dục quân sự’.
Mặt khác, Hồng quân của chúng ta được thành lập bởi công nhân và nông dân, có mục đích là bảo vệ lợi ích cho họ, việc cưỡng chế kỷ luật phải được thay thế ở mức độ lớn hơn bao giờ hết bằng việc công nhân tự nguyện chấp nhận kỷ luật của cuộc nội chiến. Khi Hồng quân ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về bản chất của chính mình, những người lính Hồng quân sẽ nhận ra rằng cuối cùng họ được chỉ huy bởi toàn thể giai cấp công nhân, thông qua công cụ của Nhà nước công nhân và các nhân viên quân đội của nó. Như vậy kỷ luật của Hồng quân là sự phục tùng của thiểu số (binh lính) trước quyền lợi của đa số công nhân. Mọi mệnh lệnh hợp lý đều được ủng hộ, không phải bởi sự độc đoán của sĩ quan chỉ huy, không phải bởi thiểu số tư sản và những lợi ích từ việc trấn lột của chúng, mà bởi toàn thể Nhà nước công – nông. Vì vậy, trong Hồng quân, công tác tuyên truyền, phát động, giáo dục chính trị cho anh em binh sĩ, có tầm quan trọng đặc biệt.
§65. Các chính ủy và các nhóm cộng sản
Trong nước Cộng hòa Xô Viết Nga, nơi mà mọi công nhân có thể thể hiện ý chí của mình thông qua các Xô viết, công nhân và nông dân trong hai năm qua đã bầu những người cộng sản vào các cơ quan hành pháp khác nhau. Đảng Cộng sản – chúng tôi đặt vấn đề theo cụm từ tư sản – đã trở thành đảng cầm quyền của quần chúng theo ý chí của cộng hòa, vì không có đảng nào khác có khả năng tiến hành cuộc cách mạng công nhân và nông dân thắng lợi. Kết quả là đảng của chúng ta đã trở thành một ban chấp hành khổng lồ của chế độ chuyên chính vô sản. Đây là lý do tại sao những người cộng sản đã dẫn đầu Hồng quân. Các chính ủy là người đại diện cho ý chí giai cấp của giai cấp vô sản trong quân đội; họ được ủy nhiệm bởi đảng và các trung tâm quân sự. Qua đó xác định được mối quan hệ tương hỗ của chính ủy cũng như với bộ tham mưu quân đội và với các tổ cộng sản của sư đoàn mà anh ta được giao nhiệm vụ. Nhóm cộng sản là một bộ phận của đảng cầm quyền; chính ủy là đặc mệnh toàn quyền của đảng nói chung. Từ đó dẫn đến vai trò lãnh đạo của anh ta, cả ở trong sư đoàn và trong các nhóm cộng sản của sư đoàn đó. Do đó, quyền giám sát các nhân viên quân đội cũng vậy. Anh ta là một nhà lãnh đạo chính trị, người đóng vai trò giám sát để theo dõi các chuyên gia kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ của họ. Nhiệm vụ của các nhóm cộng sản là đưa ra cho những người lính Hồng quân những ý tưởng rõ ràng liên quan đến cuộc nội chiến, và liên quan đến nhu cầu rằng họ phải phụ thuộc lợi ích của họ vào lợi ích của tất cả công nhân. Một nhiệm vụ nữa của các đảng viên cộng sản trong quân đội là thể hiện lòng tận tụy với cách mạng bằng tấm gương cá nhân, đồng thời khơi dậy trong anh em chiến sĩ khát vọng thi đua theo tấm gương này. Các thành viên của các nhóm cộng sản có quyền theo dõi cách chính ủy của họ và các chính ủy khác thực hiện nhiệm vụ cộng sản của họ và họ có thể nỗ lực (bằng cách khiếu nại với các tổ chức đảng tối cao hoặc các cấp ủy có trách nhiệm) để đảm bảo rằng các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện. Do đó, chỉ có Đảng Cộng sản – không vi phạm kỷ luật quân đội nói chung về phía những người lính Đỏ là những người cộng sản – mới có thể đảm bảo quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tất cả các thành viên của mình và ngăn chặn bất kỳ sự lạm dụng quyền lực nào từ phía họ.
Ngoài các nhóm cộng sản trong quân đội và ngoài các chính ủy, việc giáo dục chính trị của Hồng quân được giám sát bởi toàn bộ mạng lưới các bộ phận chính trị trong các sư đoàn và trong quân đội ở các mặt trận khác nhau, và nó cũng được giám sát bởi các chuyên mục tuyên truyền của Chiến khu ủy. Trong các bộ phận khác nhau của mình, Nhà nước vô sản Nga đã tạo ra một công cụ hùng mạnh để khai sáng và tổ chức quân đội của mình, và nó cố gắng đảm bảo kết quả tối đa với nỗ lực tối thiểu. Nhờ sự tồn tại của bộ máy này, công tác kích động, khởi nghĩa trong quân đội ta không diễn ra ngẫu nhiên mà có tính hệ thống hóa. Tờ báo, lời nói tại các cuộc họp, và chỉ dẫn học thuật, được đảm bảo cho mọi quân nhân của Hồng quân.
Tuy nhiên, thật không may, các tổ chức được mô tả ở trên đã không thoát khỏi phạm vi chung của tất cả các tổ chức của Chính quyền Xô Viết. Họ đã khuất phục trước bệnh quan liêu; họ có khuynh hướng tách rời quần chúng ở một mặt, và ở mặt khác là khỏi đảng; và trong thực tế, họ thường cho thấy mình là nơi ẩn náu cho những kẻ biếng nhác và vô năng, những người thuộc địa hạt chính thức của đảng trong chiến tranh. Một chiến dịch mạnh mẽ chống lại những hành vi lạm dụng như vậy dường như có tầm quan trọng cấp thiết hơn nhiều đối với Đảng Cộng sản hơn là chiến dịch chống lại sự quan liêu và buông thả trong cơ thể Xô Viết nói chung, vì phải nói đến thành công của chiến dịch trước đây, chiến thắng thần tốc của chúng ta trong cuộc nội chiến theo một nghĩa nào đó để phụ thuộc.
§ 66. Guồng máy tổ chức của Hồng quân Xô Viết
Trong hệ thống đào tạo quân đội của ta, điều kiện sống với cơ sở vật chất quân ngũ được tối thiểu hóa đến triệt để, để sau cùng những cơ sở vật chất ấy của Hồng quân sẽ biến mất hoàn toàn. Guồng máy tổ chức của Hồng quân Xô Viết phải tương tự với những đơn vị sản xuất của công nhân, tức là những đặc trưng khiên cưỡng, nhân tạo của tổ chức quân đội (trước kia) phải được vượt bỏ. Ta sẽ hiểu vấn đề này rõ hơn bằng việc nói về quân đội thường trực của Sa hoàng trước kia, tức một quân đội thuộc về nhà nước tư sản và quý tộc điền chủ, một quân đội được thành hình từ vô vàn thành phần xã hội khác nhau. Những người được gọi đi lính bị thúc ép phải từ bỏ nơi sinh sống, làm việc của mình; những người công nhân phải rời nhà máy, nông dân phải rời bỏ đất cày của mình, thư ký phải rời bàn làm việc và người bán hàng phải rời quầy thu ngân của họ. Cuộc tuyển mộ đưa (những người này) tới các trại linh và được chia thành các tiểu/trung/đại đội khác nhau. Nhà nước tư sản sẽ được lợi khi phá bỏ mối ràng buộc giữa công nhân với nhà máy hay nông dân với ngôi làng của anh ta, qua đó làm cho tầng lớp công nông tựa như là con rối bị điều khiển dưới sự đàn áp quần chúng lao động, khiến cho công nhân, nông dân các vùng khác nhau lại bắn giết lẫn nhau. (Ở đây, ta hiểu là thiết chế quân sự phá bỏ đặc trưng đoàn kết, có tổ chức trong hệ thống sản xuất TBCN đã tạo ra trong giai cấp công nhân)
Trong tiến trình hình thành Hồng quân, Đảng Cộng sản (Liên Xô) thực hiện theo một phương cách hoàn toàn khác. Mặc dù những điều kiện (bất lợi) của nội chiến đã buộc đảng ta phải tận dụng guồng máy tổ chức của quân đội cũ, nhưng tham vọng thật sự (của Đảng) thì hoàn toàn khác. Chúng ta phấn đấu mục tiêu đảm bảo rằng tiến trình tổ chức các binh chủng quân đội (các tiểu đội, trung đoàn, lữ đoàn, v.v) phải hòa hợp với các nhà xưởng và làng mạc; nói cách khác, mục tiêu của ta là tái định hình tổ chức quân đội từ một tổ chức vốn chỉ tồn tại cho nó (chỉ tồn tại vì mục đích quân sự) thành một khối đoàn kết công nhân hiệu quả, từ đó giảm thiểu tính chất nhân tạo khiên cưỡng của đời sống quân sự. Tổ chức quân đội của nhân dân vô sản như vậy sẽ mang tính tập trung cao hơn; họ được huấn rèn kỷ luật nhờ vào phương thức (kỷ luật) sản xuất của mình, và do đó cũng bớt cần kỷ luật (quân đội) mang tính cưỡng bức, áp đặt từ bên trên.
Sự định hình hạt nhân vô sản bền chắc, mang tính giai cấp cao (trong hàng ngũ quân đội) là ưu tiên trước hết của Hồng quân. Trong một nước như nước Nga, một nơi nông dân chiếm phần lớn dân số, thì nền chuyên chính vô sản cũng có nghĩa rằng thiểu số vô sản (công nhân) phải dẫn đầu và định hướng đa số nông dân (nông dân trung lưu), và đa số nông dân cần phục tùng sự chỉ đạo của thiểu số vô sản công nhân cũng như mang niềm tin vào nhận thức chính trị và khả năng tổ chức (quân đội) của tầng lớp công nhân thành thị. Điều này là hoàn toàn khả thi đối với Hồng quân, một tổ chức quân đội hùng mạnh và kỉ luật tương tự với cái xương sống của nó là tầng lớp vô sản và những người cộng sản. Để tạo hình cho cái xương sống ấy, điều chỉnh nó cho hợp lý, và bồi đắp lực lượng bằng cả tầng lớp nông dân (chiếm đa số, mặc dù tầng lớp này tuy nhiều hơn hẳn nhưng còn tương đối rời rạc), vai trò của Đảng Cộng sản trong xây dựng tổ chức Hồng quân là rất quan trọng.
§ 67. Các sĩ quan của Hồng quân
Việc xây dựng Hồng quân được bắt đầu trên tàn tích của quân đội sa hoàng cũ. Dù đã giành được thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng Mười Một giai cấp vô sản không có sẵn một quân đoàn sĩ quan Đỏ nào cho riêng mình. Chỉ có ba cách mà người lao động có thể sử dụng hiệu quả những kinh nghiệm của chiến tranh thế giới, có thể áp dụng chúng vào cuộc nội chiến và có thể áp dụng những kinh nghiệm quân sự kỹ thuật đã được tích lũy trong quá khứ vào việc huấn luyện quân sự cho chính quân đội mình. Khả năng đầu tiên là tạo ra các sĩ quan mới hoàn toàn từ những người cộng sản, và chỉ sử dụng các thành viên thuộc tầng lớp sĩ quan cũ làm người hướng dẫn.
Cách thứ hai là giao quyền chỉ huy quân đội mới cho các sĩ quan của quân đội cũ dưới sự giám sát của các chính ủy. Một cách thứ ba có thể là sự kết hợp của hai phương pháp này. Do áp lực thời gian, do cuộc nội chiến đã bắt đầu, nên quân đội mới phải nhanh chóng được tạo ra, và phải được gửi đến chiến đấu không chút chậm trễ. Chính quyền vô sản, do đó, đã phải áp dụng phương pháp thứ ba. Họ bắt đầu tổ chức các trường học cho các sĩ quan cộng sản, những người nói chung chỉ mới sẵn sàng lãnh đạo những lớp dưới. Ngoài ra, khá nhiều sĩ quan của quân đội cũ đã được mời tham gia vào việc xây dựng Hồng quân và tham gia vào việc chỉ huy. Việc sử dụng các sĩ quan của quân đội cũ đã gặp phải rất nhiều khó khăn và những vấn đề nghiêm trọng vẫn chưa được khắc phục.
Các sĩ quan này có thể được chia thành ba nhóm, hai nhóm nhỏ và một nhóm lớn. Một số ít nhiều có thiện cảm mạnh mẽ với chính quyền Xô Viết. Những người khác chắc chắn phản đối régime mới; họ đứng về phía kẻ thù của giai cấp vô sản, và đã tiếp tục hỗ trợ tích cực cho những kẻ thù này. Nhóm thứ ba, lớn hơn cả những nhóm còn lại, gồm những sĩ quan trung bình nghiêng về phe thắng cuộc và sẵn sàng phục vụ chính quyền Xô Viết, giống như những người làm công ăn lương bán sức lao động cho nhà tư bản. Giờ đây rõ ràng là Đảng Cộng sản phải tranh thủ tất cả sự cống hiến của thiểu số có thiện cảm. Về phần thiểu số khác, mọi biện pháp đàn áp phải được sử dụng để làm cho những kẻ phản động này trở nên vô hại. Cuối cùng, đối với những sĩ quan bình thường, những người có quan điểm chính trị trung lập trong cuộc nội chiến, giai cấp vô sản hoặc phải kéo họ về phía mình và đảm bảo rằng họ sẽ làm việc một cách tận tâm dù ở tiền tuyến hay hậu phương.
Việc sử dụng các sĩ quan cũ đã mang lại những kết quả quý giá trong việc xây dựng Hồng quân. Đối với vấn đề này, chúng tôi sẽ chuyển sang trình bày kinh nghiệm kỹ thuật trong các vấn đề quân sự mà giai cấp tư sản và địa chủ đã có được. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng kéo theo những nguy hiểm khủng khiếp, vì nó đôi khi liên quan đến sự phản bội rộng rãi của một bộ phận sĩ quan, và sự hy sinh to lớn của những người lính cộng sản, những người đã bị phản bội và giao nộp hàng loạt cho kẻ thù. Nhiệm vụ chính của Đảng Cộng sản trong mối liên hệ này, trước hết là đào tạo hiệu quả các chỉ huy của chính chúng ta cho Hồng quân – đào tạo các sĩ quan cộng sản, những người cộng sản, những người sẽ phù hợp với công việc trong bộ tham mưu trong một khóa học đào tạo tại Học viện Đỏ do Lực lượng Liên Xô thành lập. Thứ hai, chúng ta phải đảm bảo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các chính ủy cộng sản và tất cả các đảng viên khác của đảng trong các lực lượng chiến đấu, để có sự giám sát và kiểm soát hiệu quả đối với tất cả các sĩ quan phi cộng sản.
§ 68. Các sĩ quan quân đội nên được bầu hay được bổ nhiệm bởi cấp trên?
Quân đội của Nhà nước tư bản, dựa trên chế độ quân dịch phổ thông, chủ yếu bao gồm nông dân và công nhân dưới sự chỉ huy của các sĩ quan thuộc giới quý tộc và giai cấp tư sản. Khi chúng tôi yêu cầu bầu cử các sĩ quan trong đường lối cũ, mục đích của chúng tôi là đảm bảo rằng quyền chỉ huy quân đội phải được đưa ra khỏi tay của các giai cấp bóc lột. Chúng tôi đã giả định rằng quân đội có thể được dân chủ hóa trong khi quyền lực chính trị vẫn nằm trong tay giai cấp tư sản. Tất nhiên ý tưởng đó hoàn toàn không thể thực hiện được vì không có giai cấp thống trị nào trên thế giới này có thể tự nguyện tước đi vũ khí áp bức của nó. Nhưng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt, trong chiến dịch chống lại những đặc quyền của tầng lớp sĩ quan đặc quyền, yêu cầu của chúng tôi đối với việc bầu chọn các sĩ quan đã chứng tỏ tầm quan trọng to lớn và không hề kém phần quan trọng hơn do cách thức mà nó đã góp phần vào sự tan rã chung của quân đội đế quốc.
Mặt khác, Hồng quân nằm dưới sự kiểm soát của giai cấp vô sản. Các công nhân quản lý nó thông qua các cơ quan trung ương của xô viết do chính họ bầu ra. Trong tất cả các cấp bậc của đời sống quân đội, giai cấp vô sản nắm quyền kiểm soát thông qua công cụ của các chính ủy cộng sản, những người ở cả phía trước và phía sau chủ yếu được rút ra từ các công nhân. Trong hoàn cảnh này, câu hỏi về việc bầu chọn các sĩ quan trở thành một câu hỏi mang ý nghĩa kỹ thuật thuần túy. Vấn đề thực sự quan trọng là chúng ta nên biết điều gì sẽ khiến quân đội trở thành lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất trong điều kiện hiện tại. Theo góc nhìn này, điều tốt nhất sẽ là bầu các cán bộ hay bổ nhiệm họ từ trên xuống? Khi chúng ta xem xét rằng Hồng quân của chúng ta chủ yếu được tuyển mộ từ các tầng lớp nông dân, khi chúng ta nhớ lại những khó khăn mà nó đã phải trải qua, sự kiệt quệ của nó bởi hai cuộc chiến tranh và trình độ nhận thức giai cấp thấp của những người nông dân đã tham gia quân đội – chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng thực tiễn bầu cử sĩ quan không thể không gây ra ảnh hưởng tan rã trong lực lượng của chúng ta. Tất nhiên điều này không loại trừ khả năng rằng trong những trường hợp khác thì việc bầu chọn các sĩ quan có thể không gây hại gì; chẳng hạn, trong các đơn vị tình nguyện, gồm toàn những người đàn ông đều có cảm tình cách mạng, mạnh mẽ. Ở đây, cuộc bầu cử trên thực tế sẽ đưa ra những viên chức tương tự như những người đã được bổ nhiệm từ trên xuống. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung, việc bầu chọn các sĩ quan mặc dù có thể được coi là một phương pháp lý tưởng nhưng sẽ cho thấy sự nguy hiểm và có hại ở thời điểm hiện tại vì những lý do thực tiễn. Nhưng khi đến thời điểm quần chúng lao động đăng ký gia nhập vào Hồng quân đã nâng cao đến một trình độ mà việc bầu chọn các sĩ quan sẽ hữu ích và cần thiết, thì có thể sẽ không còn nhu cầu về quân đội trên thế giới nữa.
§ 69. Hồng quân chỉ là tạm thời
Giai cấp tư sản coi hệ thống tư bản là trật tự ‘tự nhiên’ của xã hội loài người, nó coi chế độ của chính nó là vĩnh cửu, và do đó nó xây dựng công cụ quyền lực của nó – quân đội – một cách vững chắc, xây dựng nó để tồn tại qua nhiều năm nếu không phải là mãi mãi. Giai cấp vô sản coi Hồng quân của chính mình theo một khía cạnh khác. Hồng quân đã được tạo ra bởi những người công nhân cho cuộc đấu tranh với Bạch vệ của tư bản. Hồng quân sinh ra từ cuộc nội chiến, nó sẽ biến mất khi giành được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc chiến đó, khi giai cấp đã bị xóa bỏ, khi chế độ chuyên chính của giai cấp vô sản mất hiệu lực một cách tự nhiên. Quân đội tư sản được sinh ra từ xã hội tư sản, và giai cấp tư sản mong muốn đứa trẻ này sống mãi vì nó phản ánh ước mơ bất tử của chế độ tư sản. Trái lại, Hồng quân là con đẻ của giai cấp công nhân và những người lao động mong ước cho đứa con của mình một cái chết tự nhiên và vinh quang. Ngày mà Hồng quân có thể bị giải tán vĩnh viễn sẽ là ngày báo hiệu chiến thắng cuối cùng của hệ thống cộng sản.
Đảng Cộng sản phải làm rõ với những người lính của Hồng quân rằng nếu đội quân đó giành được chiến thắng trước Bạch vệ tư bản thì những người chiến thắng sẽ là những người lính của đội quân cuối cùng trên thế giới. Nhưng Đảng cũng phải làm rõ tuyệt đối với tất cả những ai tham gia xây dựng Hồng quân, phải thuyết phục tất cả quân đội vô sản và nông dân rằng công nhân chỉ trở thành những người lính trong một khoảng thời gian ngắn ngủi và do nhu cầu tạm thời, rằng lĩnh vực sản xuất là lĩnh vực tự nhiên cho các hoạt động của họ, công việc đó trong Hồng quân không được phép dẫn đến việc hình thành bất kỳ đẳng cấp nào xa rời vĩnh viễn khỏi công nghiệp và nông nghiệp.
Khi Hồng quân lần đầu tiên được thành lập từ các đội Xích vệ vô sản, bọn menshevik và những người cách mạng xã hội đã tấn công dữ dội những người cộng sản, tuyên bố rằng quân đội này là sai với khẩu hiệu trang bị vũ khí chung cho dân tộc, và buộc tội họ tạo ra một đội quân thường trực chỉ bao gồm một giai cấp. Nhưng thực tế là cuộc nội chiến không thể kéo dài mãi mãi, cho thấy rõ ràng Hồng quân không thể là đội quân thường trực. Nguyên nhân thực sự khiến quân đội ta là quân đội giai cấp là vì cuộc đấu tranh giai cấp đã đến cực điểm cuối cùng của sự cay đắng. Không ai ngoài những kẻ không tưởng nhỏ nhen, hay quá ngu ngốc để có thể vừa phản đối sự tồn tại của một quân đội giai cấp lại vừa công nhận chiến tranh giai cấp. Nó là một đặc trưng khiến cho giai cấp tư sản, trong thời đại sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, không còn nghĩ rằng việc che giấu bản chất giai cấp của quân đội của nó là việc cần thiết hay khả thi. Điều quan trọng nhất trong vấn đề này là số phận của quân đội thường trực ở Đức, Anh và Pháp. Quốc hội Đức được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Hỗ trợ đắc lực của nó là lực lượng quân tình nguyện phản cách mạng của Noske. Ở giai đoạn suy tàn của cuộc đấu tranh giai cấp và ở giai đoạn suy tàn của xã hội tư sản mà Đức đã đạt tới ngày nay, không thể có một đội quân dựa trên nghĩa vụ quân sự phổ thông có thể được sử dụng để duy trì các thể chế tư sản. Tương tự như vậy ở Pháp và Anh, trong năm 1919, chính phủ chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ không phải của quân đội đã được xây dựng theo nghĩa vụ phổ thông và đã giành được chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới, mà dựa vào một lực lượng tình nguyện gồm những người lính phản cách mạng và cảnh sát. Do đó, không chỉ ở Nga từ cuối năm 1917 mà tương tự như vậy trên toàn châu Âu từ cuối năm 1918, có một hiện tượng đặc trưng là việc từ bỏ nghĩa vụ quân sự phổ thông và áp dụng một hệ thống quân đội giai cấp. Ở Nga, những kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội – những người menshevik và những người cách mạng xã hội – đã phản đối gay gắt việc thành lập Hồng quân của giai cấp vô sản, ngay tại thời điểm những người bạn của họ là Noske và Scheidemann đang tổ chức Bạch quân của giai cấp tư sản. Vì vậy, cuộc đấu tranh chống thành lập quân đội giai cấp của giai cấp vô sản (một cuộc đấu tranh được tiến hành dưới danh nghĩa quân dịch toàn dân và nhân danh ‘dân chủ’) trên thực tế đã cho thấy nó là một cuộc đấu tranh để thành lập quân đội giai cấp của giai cấp tư sản.
Bây giờ chuyển qua xem xét câu hỏi về lực lượng dân quân quốc gia, chúng ta thấy rằng ví dụ của Thụy Sĩ, ví dụ về nơi dân chủ nhất trong tất cả các nước cộng hòa tư sản, đã cho thấy một lực lượng dân quân như vậy đóng vai trò như thế nào trong thời điểm cuộc đấu tranh giai cấp đang nổi lên. Lực lượng dân quân quốc gia, ‘dân quân của nhân dân’ của Thụy Sĩ, dưới chế độ tư sản đã chứng tỏ là một vũ khí chính xác để ngăn chặn giai cấp vô sản như bất kỳ đội quân thường trực nào ở những vùng đất kém dân chủ. Việc trang bị vũ khí của cả quốc gia chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả này bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu, nó được thực hiện dưới khuôn khổ kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản.
ĐẢNG CỘNG SẢN KHÔNG HỀ TÁN THÀNH VIỆC VŨ TRANG CHO TOÀN DÂN TỘC MÀ CHỈ TÁN THÀNH VŨ TRANG CHO NHỮNG NGƯỜI CÔNG NHÂN. CHỈ TRONG MỘT XÃ HỘI KHÔNG CÓ AI KHÁC NGOÀI NHỮNG NGƯỜI CÔNG NHÂN, CHỈ TRONG MỘT XÃ HỘI KHÔNG CÓ GIAI CẤP, LÚC ĐÓ VIỆC VŨ TRANG TOÀN DÂN MỚI KHẢ THI.