NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ – MỘT LỄ KỶ NIỆM MANG TÍNH CHIẾN ĐẤU

Ngày Phụ nữ, hay là Ngày Phụ nữ Cần lao là một ngày cho sự đoàn kết quốc tế, là ngày tổng duyệt sức mạnh và tổ chức phụ nữ vô sản.

Nhưng đây không chỉ là một ngày đặc biệt đối với phụ nữ. Ngày 8 tháng 3 còn là một thời khắc lịch sử đáng nhớ đối với công nhân và nông dân, đối với toàn thể công nhân Nga và công nhân trên toàn thế giới. Vào ngày này năm 1917, Cách mạng Tháng Hai vĩ đại đã bùng nổ. Chính là những người phụ nữ lao động của Petersburg đã bắt đầu cuộc cách mạng ấy; và chính họ cũng là những người đầu tiên giương cao ngọn cờ kháng chiến chống lại Sa hoàng và bè đảng. Và vì thế, ngày của phụ nữ cần lao cũng chính là một lễ kỉ niệm đối với toàn thể chúng ta.

Nhưng, nếu đây là một ngày hội chung đối với toàn thể vô sản, tại sao ta lại gọi nó là “Ngày Phụ nữ”? Tại sao chúng ta lại tổ chức những lễ kỉ niệm và những cuộc mít-tinh đặc biệt hướng đến những nữ công nhân và nữ nông dân? Việc này liệu có làm hại đến sự thống nhất và đoàn kết của giai cấp lao động? Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta cần nhìn lại và xem cách mà ngày Phụ nữ được hình thành và vì lý do gì mà nó được tổ chức.

Alexandra Kollontai

Vì sao và như thế nào mà Ngày Phụ nữ được tổ chức?

Cách đây không lâu, chính xác là vào khoảng 10 năm về trước, vấn đề về phụ nữ bình quyền, và vấn đề rằng, liệu phụ nữ có thể tham gia chính quyền cùng với đàn ông hay không, là những chủ đề được tranh cãi gay gắt. Nhân dân lao động ở khắp các quốc gia tư bản đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ lao động: giai cấp tư sản không muốn chấp nhận những quyền này. Việc tăng cường sức mạnh lá phiếu của người lao động trong nghị viện không thuộc vào lợi ích của giai cáp tư sản, và ở các quốc gia, chúng đều ngăn cản việc thông qua những luật trao quyền cho phụ nữ lao động.

Những người Xã hội chủ nghĩa ở Bắc Mỹ kiên trì đưa ra kháng nghị về quyền bầu cử với một nỗ lực bền bỉ phi thường. Vào 28 tháng 2 năm 1909, những người phụ nữ xã hội chủ nghĩa của Hoa Kì đã tổ chức những cuộc tuần hành và mít-tinh lớn trên toàn quốc để đòi quyền chính trị cho phụ nữ lao động. Và đây, chính là “Ngày Phụ nữ” đầu tiên. Tổ chức một ngày để biểu dương phụ nữ chính là sáng kiến của những người phụ nữ lao động Hoa Kì.

Vào năm 1910, trong Đại hội Quốc tế Phụ nữ Vô sản lần thứ Hai, Clara Zetkin đã đặt ra vấn đề phải tổ chức một ngày Quốc tế Phụ nữ Lao động. Và đại hội đã quyết định rằng, cứ mỗi năm một lần, ở tất cả các nước, họ sẽ tổ chức “Ngày Phụ nữ” cùng một ngày, với khẩu hiệu “Lá phiếu của Phụ nữ sẽ đoàn kết sức mạnh của chúng ta cho cuộc tranh đấu vì Xã hội Chủ nghĩa”

Trong những năm này, vấn đề về việc mở rộng dân chủ trong các nghị viện, tức là mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ, là vấn đề tối quan trọng. Thậm chí, từ trước Thế chiến I, công nhân đã có quyền bỏ phiếu ở tất cả những nước tư bản trừ Nga.(*) Chỉ có phụ nữ, cùng với người mất năng lực hành vi, bị gạt ra ngoài lề và không được trao những quyền đó. Tuy nhiên, cùng lúc đó, hiện thực tàn khốc của chủ nghĩa tư bản thúc giục sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế của quốc gia. Mỗi năm, số lượng phụ nữ phải làm việc trong các xí nghiệp và công xưởng hoặc là làm giúp việc hoặc dọn dẹp càng ngày càng tăng lên. Phụ nữ lao động, song hành với đàn ông, và của cải của quốc gia được tạo ra bởi bàn tay họ. Nhưng phụ nữ vẫn không trao lá phiếu.

Nhưng, trong những năm cuối trước thế chiến, việc giá cả tăng lên đã ép những người nội trợ hiền hòa nhất phải quan tâm đến những vấn đề chính trị, và phản đối mạnh mẽ chống lại nền kinh tế ăn cướp của giai cấp tư sản. “Cuộc nổi dậy của các bà nội trợ” diễn ra ngày càng thường xuyên, bùng nổ vào những thời điểm khác nhau ở Áo, Anh, Pháp và Đức.

Người phụ nữ lao động hiểu rằng, đập phá gian hàng ở chợ hay đe dọa những tên gian thương là không đủ: Họ hiểu rằng, những hành động đó chẳng thể nào giảm được chi phí sinh hoạt. Và bạn, phải thay đổi chính sách của chính phủ. Và để đạt được mục đích đó, giai cấp lao động cần phải chứng kiến việc mở rộng quyền bầu cử.

Và người ta đã quyết định rằng, cần phải có một Ngày Phụ nữ ở tất cả các nước, như một phương thức đấu tranh để giành lấy phiếu bầu cho nữ giới. Ngày này phải là một ngày của đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu chung, phải là một ngày biểu dương sức mạnh và tổ chức của phụ nữ lao động dưới lá cờ Xã hội Chủ nghĩa.

Ngày Quốc tế Phụ nữ Đầu tiên

Quyết định được đưa ra ở Đại hội Quốc tế Phụ nữ Xã hội chủ nghĩa lần thứ Hai đã không chỉ dừng lại trên giấy. Và người ta đã quyết định tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên vào ngày 19 tháng 3 năm 1911.

Ngày này không phải được chọn một cách ngẫu nhiên. Những người đồng chí Đức của chúng ta chọn ngày này vì tầm quan trọng lịch sử của nó đối với giai cấp vô sản Đức. Vào ngày 19 tháng 3 của năm cách mạng 1848, vua Phổ đã lần đầu tiên công nhận sức mạnh của vũ trang nhân dân và nhượng bộ trước mối đe dọa của một cuộc nổi dậy vô sản. Và trong số những lời hứa mà hắn tuyên bố thực hiện, mà sau đó hắn không giữ được, là việc ban hành quyền bầu cử cho phụ nữ.

Sau ngày 11 tháng 1, những nỗ lực đã diễn ra ở Đức và Áo để tổ chức một Ngày Phụ nữ. Và họ đã công bố kế hoạch cho một cuộc tuần hành qua lời nói và trên báo chí. Vào một tuần trước Ngày Phụ nữ, hai tờ báo đã được xuất bản: Lá phiếu cho Phụ nữ ở Đức và Ngày Phụ nữ ở Áo. Có rất nhiều bài viết về ngày Phụ nữ – “Phụ nữ với Nghị viện”, “Phụ nữ Lao động và Các vấn đề hành chính thành phố”, “Người nội trợ phải làm gì với các vấn đề chính trị”,… – đã phân tích kĩ lưỡng vấn đề bình quyền nam nữ trong chính quyền và trong xã hội. Tất cả các bài viết này đều nhấn mạnh cùng một luận điểm: Làm cho nghị viện trở nên dân chủ hơn bằng cách mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ là một việc tối quan trọng.

Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên diễn ra vào năm 1911. Sự thành công của nó còn vượt xa kì vọng. Đức và Áo trong ngày Phụ nữ Lao động đã trở thành một biển phụ nữ, nổi lên mạnh mẽ và sôi động. Những cuộc mít-tinh được tổ chức khắp nơi – trong những thị trấn nhỏ hay là cả những hội trường làng đều kín mít người đến mức họ phải yêu cầu những công nhân nam nhường chỗ cho mình.

Đây chắc chắn là cuộc biểu dương sức mạnh đầu tiên của những người phụ nữ lao động. Có một sự thay đổi đó là: những người đàn ông ở nhà với con, còn những người vợ, những người nội trợ vốn bị cầm tù, thì tham dự những buổi mít-tinh. Trong cuộc tuần hành đường phố lớn nhất với 30000 người tham gia, cảnh sát đã quyết định gỡ bỏ cờ và khẩu hiệu của những người tuần hành: những người lao động nữ vẫn đứng vững và phản kháng lại. Trong cuộc giao tranh sau đó, việc đổ máu chỉ được ngăn chặn lại nhờ sự giúp đỡ của những ủy viên Xã hội trong Nghị viện.

Vào năm 1913, Ngày Quốc tế Phụ nữ được chuyển sang ngày 8 tháng 3. Ngày này vẫn tiếp tục trở thành biểu tượng cho sức chiến đấu của phụ nữ lao động.

Alexandra Kollontai on International Women's Day - Counterfire

Ngày Phụ nữ có cần thiết hay không?

Ngày Phụ nữ ở Mỹ và Châu Âu đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc. Đúng là, không có lấy một nghị viện tư sản nào nghĩ đến việc điều đình với công nhân hay là phản hồi lại yêu cầu của phụ nữ. Vì khi đó, giai cấp tư sản không bị đe dọa bởi một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Nhưng, Ngày Phụ nữ đã đạt được một số kết quả nhất định. Đến cuối cùng, trên tất cả nó đã trở thành một phương thức tuyên truyền cổ động hết sức hiệu quả đối với những người chị em vô sản ít quan tâm đến chính trị. Họ không thể nào ngừng chú ý đến những buổi mít-tinh, tuần hành, áp phích, tờ rơi và báo chí hướng đến ngày Phụ nữ. Thậm chí những người phụ nữ lao động có nhận thức chính trị hạn chế cũng tự nhủ với bản thân mình: “Đây là ngày của chúng ta, lễ hội cho những chị em cần lao,” rồi vội vã tham gia những buổi mít-tinh và tuần hành. Cứ sau mỗi ngày Phụ nữ Lao động, lại càng có nhiều phụ nữ gia nhập vào các đảng Xã hội Chủ nghĩa và các công đoàn lại càng phát triển. Việc tổ chức được củng cố và ý thức chính trị được hình thành.

Ngoài ra, ngày Phụ nữ cũng đóng một vai trò khác; nó tăng cường tình đoàn kết quốc tế của những người công nhân. Các đảng ở các nước khác nhau thường xuyên trao đổi với nhau trong dịp này: Những đồng chí Đức thì đến Anh, còn các đồng chí Anh sẽ tới Hà Lan… Sự thống nhất của giai cấp công nhân trở nên mạnh mẽ và chắc chắn, và điều đó có nghĩa là lực chiến của toàn khối giai cấp vô sản cũng phát triển theo.

Và đó là những kết quả đạt được từ ngày biểu dương sức chiến đấu của phụ nữ lao động. Ngày của sức chiến đấu của phụ nữ lao động đã giúp tăng cường giác ngộ chính trị và tổ chức của phụ nữ vô sản. Và điều đó có nghĩa rằng, những đóng góp của ngày này hết sức cần thiết cho sự nghiệp đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp hơn cho giai cấp vô sản.

Ngày Phụ nữ Lao động ở Nga

Những người phụ nữ lao động ở Nga lần đầu tiên tham gia vào “Ngày Phụ nữ Lao động” vào năm 1913. Đây là một thời đoạn của sự phản động, khi bè lũ Sa hoàng gắng sức kìm kẹp công nông trong nanh vuốt của nó. Việc kỉ niệm “Ngày Phụ nữ Lao động” bằng tuần hành công khai là không thể. Nhưng những tổ chức phụ nữ vẫn có cách để kỉ niệm ngày quốc tế trọng đại này. Cả hai tờ báo hợp pháp của giai cấp vô sản – Pravda của Bolshevik và Looch của Menshevik đều có những bài viết về Ngày Quốc tế Phụ nữ: Họ viết những bài viết đặc biệt, có những bức chân dung của những người tham gia vào phong trào phụ nữ lao động và những lời chào và chúc mừng từ các đồng chí như Bebel và Zetkin.

Trong những năm tháng ảm đạm đó, mít-tinh bị cấm. Nhưng ở Petrograd, Diễn đàn trao đổi Kalashaikovsky, những nữ công nhân của Đảng (Bolshevik) đã tổ chức một diễn đàn công khai về “Vấn đề Phụ nữ”. Phí vào cửa là 5 Kopecks. Tuy là một cuộc mít-tinh bất hợp pháp, nhưng hội trường trở nên chật cứng. Những thành viên của Đảng phát biểu. Nhưng rồi cuộc mít-tinh “kín” đầy sôi động này đã không thể hoàn thành khi cảnh sát, bị đánh động bởi những việc này, đã làm gián đoạn và bắt giam rất nhiều đại biểu.

Và việc những người phụ nữ ở Nga đang sống dưới ách áp bức của chế độ Nga hoàng, tham gia và bằng cách này hay cách khác hưởng ứng bằng hành động đối với Ngày Quốc tế Phụ nữ đã có tầm quan trọng to lớn đối với giai cấp vô sản quốc tế. Và đó là một dấu hiệu đáng mừng rằng –  nước Nga đã bừng tỉnh, rằng nhà tù và giá treo cổ của bè lũ Nga hoàng không thể nào giết chết được tinh thần quật cường và phản kháng của giai cấp công nhân.

Vào năm 1914, “Ngày Phụ nữ Công nhân” ở Nga đã được tổ chức bài bản hơn. Cả hai tờ báo của những người công nhân đều tích cực viết về lễ kỉ niệm. Những đồng chí của chúng ta dành rất nhiều sức lực cho việc chuẩn bị Ngày Phụ nữ Công nhân. Nhưng vì sự can thiệp của đám cảnh sát, nên họ không thể tổ chức được một cuộc tuần hành. Những người liên quan đến việc chuẩn bị và lên kế hoạch cho Ngày Phụ nữ Công nhân đều bị tống vào nhà tù Sa hoàng, và một số người thì bị lưu đày ở vùng cực Bắc lạnh giá. Bởi vì khẩu hiệu “vì lá phiếu của phụ nữ lao động”, một cách tự nhiên, đã trở thành lời kêu gọi công khai lật đổ chế độ toàn trị độc tài của Sa hoàng ở Nga.

Ngày Phụ nữ Lao động trong cuộc chiến tranh Đế quốc

Thế chiến thứ nhất nổ ra. Giai cấp công nhân ở tất cả các nước đều ngập ngụa trong bể máu chiến tranh. Vào năm 1915 và 1916, ngày Phụ nữ Lao động ở nước ngoài đã trở thành một sự kiện mong manh – những phụ nữ xã hội chủ nghĩa cánh tả cùng chung quan điểm với Đảng Bolshevik Nga cố gắng biến ngày 8 tháng 3 trở thành cuộc tuần hành của phụ nữ lao động chống chiến tranh. Nhưng những kẻ phản bội – các đảng xã hội chủ nghĩa ở Đức và các nước khác không cho phép phụ nữ tổ chức các buổi gặp mặt, họ bị từ chối hộ chiếu để đi sang những nước Trung lập để có thể tổ chức Đại hội Quốc tế và thể hiện rằng, dù cho những nỗ lực của giai cấp tư sản, tinh thần đoàn kết Quốc tế vẫn bất diệt.

Vào năm 1915, ở Na Uy, họ đã cố gắng tổ chức một cuộc tuần hành quốc tế vào ngày Phụ nữ, các đại biểu đến từ Nga và các nước trung lập tham gia. Không thể nào có cơ hội để có thể tổ chức Ngày Phụ nữ ở Nga, vì ở đó sức mạnh của chế độ Nga hoàng và bộ máy quân đội quá mạnh mẽ.

Và rồi, năm 1917 vĩ đại đã đến. Đói khát, giá lạnh, và phép thử của chiến tranh đã làm cho những phụ nữ công nhân và phụ nữ nông dân của nước Nga mất dần kiên nhẫn. Vào năm 1917, ngày 8 tháng 3 (tức 23 tháng 2 theo lịch cũ), vào ngày Phụ nữ Lao động, họ đã đổ ra đường phố của Petrograd, tràn đầy khí thế. Những người phụ nữ – một số là công nhân, một số là vợ của những chiến sĩ – yêu sách rằng “Bánh mì cho con em chúng ta!” và “Trả lại chồng con chúng ta từ những chiến hào”. Trong thời khắc quyết định ấy, những cuộc biểu tình của phụ nữ lao động đe dọa chế độ đến mức thậm chí lực lượng An ninh của chế độ Nga hoàng không dám giở những ngón đòn chúng thường dùng với những kẻ phản loạn, mà nhìn cơn sóng cả giận dữ của nhân dân trong sự bất lực và bối rối.

Ngày Phụ nữ Lao động năm 1917 đã đi vào lịch sử. Vào ngày này phụ nữ Nga đã giương lên ánh đuốc của cách mạng vô sản, đốt cháy toàn thế giới tàn ác. Cách mạng tháng Hai bắt đầu kể từ giây phút ấy.

Lời Kêu gọi xung trận

“Ngày Phụ nữ Lao động” được tổ chức lần đầu tiên vào mười năm trước trong chiến dịch đòi sự bình đẳng về chính trị cho phụ nữ và đấu tranh cho xã hội chủ nghĩa. Và mục tiêu ấy đã đạt được bởi các chị em lao động ở Nga. Trong cộng hòa Xô-viết những người phụ nữ công nhân và nông dân không cần phải đấu tranh cho quyền bỏ phiếu và các quyền dân sự nữa. Họ đã giành được nó. Những người phụ nữ công nhân và nông dân Nga đã trở thành những công dân bình đẳng – trong tay họ là một thứ vũ khí mạnh mẽ có thể giúp cho cuộc đấu tranh vì một cuộc đời mới trở nên dễ dàng hơn – quyền được bỏ phiếu, được tham gia các Xô-viết và các tất cả các tổ chức tập thể khác.

Nhưng quyền thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần phải học cách tận dụng chúng. Quyền bầu cử là một vũ khí mà chúng ta cần phải học cách thành thạo vì lợi ích của chính chúng ta, và vì lợi ích chung của cộng hòa công nhân. Trong hai năm dưới chế độ Xô-viết, cuộc sống vẫn chưa thực sự được thay đổi hoàn toàn. Chúng ta mới chỉ đang trong quá trình đấu tranh vì cộng sản, bao quanh ta là thế giới tăm tối và tàn nhẫn, với quá khứ của nó đeo đẳng phía sau chúng ta. Gông cùm của gia đình, của việc nhà, của tệ nạn mại dâm vẫn đè nặng lên người phụ nữ lao động. Những phụ nữ công nhân và phụ nữ nông dân chỉ có thể xóa bỏ được tình trạng này và đạt được sự công bằng trong chính đời sống, không phải chỉ trong giấy tờ, nếu họ dốc hết sức mình để biến nước Nga trở thành một xã hội thực sự cộng sản.

Để việc này diễn ra nhanh hơn, đầu tiên, chúng ta cần phải hồi phục lại nền kinh tế đổ nát của nước Nga. Chúng ta cần phải xem xét và giai quyết hai vấn đề cấp thiết nhất – hình thành nên một lực lượng lao động được tổ chức và giác ngộ chính trị, và khôi phục lại việc vận chuyển và giao thông. Nếu như đội quân lao động của chúng ta hoạt động tốt, chúng ta sẽ sớm có những có máy hơi nước một lần nữa, rồi những đường ray sẽ lại bắt đầu hoạt động. Điều này có nghĩa rằng, những người công nhân nam và nữ sẽ có được bánh mì và gỗ sưởi – những thứ rất cần lúc này.

Lĩnh vực vận tải trở lại bình thường sẽ giúp đẩy nhanh hơn chiến thắng của chủ nghĩa Cộng sản. Và với sự chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản sẽ là sự bình đẳng hoàn toàn và căn bản cho phụ nữ. Chính vì thế, thông điệp của “Ngày Phụ nữ Lao động” năm nay phải là: “Các chị em công nhân và nông dân, các bà mẹ, bà vợ và các chị em, tất cả nỗ lực để giúp đỡ công nhân và các đồng chí vượt qua sự hỗn loạn của ngành đường sắt và tái thiết lập hệ thống vận tải. Tất cả mọi người đều tham gia trong công cuộc vì bánh mì, gỗ sưởi và các nguyên liệu thô.”

Năm ngoái, khẩu hiệu của Ngày Phụ nữ Lao động là: “Tất cả cho chiến thắng của Hồng quân”. Giờ đây, chúng ta kêu gọi phụ nữ cần lao biểu dương sức mạnh trên một mặt trận mới không đổ máu – mặt trận lao động! Hồng quân đã đánh bại giặc ngoài vì họ được tổ chức, kỉ luật và sẵn sàng hy sinh, thì cộng hòa của công nhân cũng sẽ sớm vượt qua thù trong – sự hỗn loạn của hệ thống vận tải và kinh tế, cái đói, cái rét và bệnh tật. “Tất cả mọi người vì chiến thắng trên mặt trận lao động! Tất cả cho chiến thắng!”

Những nhiệm vụ mới của ngày Phụ nữ Lao động

Cách mạng tháng Mười đã khiến cho phụ nữ ngang hàng, bình đẳng với nam giới như trong phong trào quyền con người quan tâm. Những người phụ nữ vô sản Nga, mới cách đây không lâu còn nằm trong tầng lớp bần cùng và bị áp bức mạt hạng, và nay trong nền Cộng hòa Xô-viết họ đã có thể thể hiện niềm tự hào với các đồng chí ở các nước khác con đường để tiến tới bình quyền chính trị thông qua việc thiết lập nền chuyên chính vô sản và quyền lực Xô-viết.

Tình hình rất khác ở các nước tư bản, nơi mà phụ nữ vẫn làm quá giờ và bị khinh rẻ. Trong những quốc gia đó, tiếng nói của người phụ nữ mờ nhạt, yếu ớt và không có sức sống. Nhưng, trong một số quốc gia – ở Na Uy, Úc và Phần Lan, và trong một số bang của Bắc Mỹ – phụ nữ đã giành được nhân quyền ngay cả trước chiến tranh.

Ở nước Đức, sau khi chế độ chuyên chế bị lật đổ và một cộng hòa tư sản lên nắm quyền, được cầm đầu bởi phái “thỏa hiệp”, 36 phụ nữ được tham gia nghị viện – nhưng không có lấy một người cộng sản nào!

Vào năm 1919, ở Anh, lần đầu tiên một người phụ nữ được bầu làm Nghị viên. Nhưng người đó là ai? Một “Phu nhân”. Có nghĩa là một quý tộc, một địa chủ.

Ở Pháp, vấn đề mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ cũng xuất hiện gần đây.

Nhưng cách sử dụng những quyền này trong bối cảnh của những nghị viện tư sản là gì? Trong khi quyền lực vẫn nằm trong tay giai cấp tư sản và những người sở hữu tài sản, chẳng có quyền chính trị nào có thể cứu người phụ nữ lao động khỏi ách áp bức nô dịch xưa cũ trong nhà và xã hội. Giai cấp tư sản pháp chuẩn bị ném thêm mồi nhử nữa cho giai cấp cần lao để đối phó với những ý tưởng của Bolshevik đang lan rộng trong giai cấp vô sản: chúng chuẩn bị cho phụ nữ phiếu bầu.

Nhưng, Quý ngài Tư sản à – Quá muộn rồi!

Sau kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, chúng ta thấy rõ rằng, những người phụ nữ lao động ở Pháp, ở Anh, và ở các nước khác, chỉ có nền chuyên chính của nhân dân lao động, chỉ có quyền lực của Xô-viết mới có thể bảo đảm một sự công bằng hoàn toàn và tuyệt đối, chiến thắng cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản sẽ đập tan xiềng xích áp bức từ ngàn xưa và việc thiếu quyền lợi. Nếu như nhiệm vụ trước đó của “Ngày Quốc tế Phụ nữ” đối phó với sự bá quyền của những nghị viện tư sản là đấu tranh cho quyền bỏ phiếu của phụ nữ, thì này giai cấp vô sản đã có thêm một nhiệm vụ mới: đó là tổ chức phụ nữ xung quanh những khẩu hiệu chiến đấu của Đệ Tam Quốc tế. Thay vì tham gia vào các nghị viện tư sản, hay lắng nghe lời kêu gọi từ nước Nga:

“Phụ nữ cần lao các quốc gia! Hãy tạo dựng một mặt trận vô sản thống nhất đấu tranh chống lại bè đảng ăn cướp toàn thế giới! Đả đảo nghị viện tư sản! Ủng hộ quyền lực Xô-viết! Biến đi những bất công mà các anh chị em vô sản chúng ta đang phải gánh chịu! Chúng ta sẽ chiến đấu cùng với vô sản hướng đến thắng lợi của cộng sản quốc tế!”

Lời kêu gọi này lan truyền giữa những phép thử đặt ra cho chế độ mới, giữa những trận đánh của cuộc Nội chiến ta có thể nghe thấy nó, và nó sẽ chạm đến trái tim của phụ nữ vô sản các quốc gia. Phụ nữ lao động sẽ nghe và tin tưởng vào sự đúng đắn của lời kêu gọi này. Cho đến gần đây, họ nghĩ rằng nếu họ cố gắng cử một vài đại biểu cho mình, đại diện trước Nghị viện thì cuộc sống của họ sẽ suôn sẻ hơn và ách cai trị của tư bản sẽ dễ chịu hơn. Giờ họ đã hiểu ra điều ngược lại.

Chỉ bằng cách lật đổ chủ nghĩa tư bản và thiết lập quyền lực Xô-viết mới có thể cứu họ khỏi thế giới bất công, đau khổ và tủi nhục này – thứ thế giới đã khiến đời sống của người phụ nữ lao động trong các nước tư sản trở nên khó khăn đến thế. “Ngày Phụ nữ Lao động” nay từ ngày đấu tranh giành quyền bỏ phiếu trở thành ngày tranh đấu của toàn quốc tế cho công cuộc giải phóng hoàn toàn và tuyệt đối cho phụ nữ, tức là đấu tranh cho sự thắng lợi của Xô-viết và chủ nghĩa Cộng sản!

Đả đảo thế giới Tài sản thống trị và Quyền lực của Tư bản!

Biến đi sự Bất công, Sự thiếu thốn Quyền lợi và Ách áp bức lên Phụ nữ – Bóng ma của Thế giới tư sản!

TIến đến sự Hiệp đồng Quốc tế của Nữ lao động và Nam lao động!

Công nhân đấu tranh cho nền Chuyên chính vô sản – Vô sản cả hai giới!

 

Người dịch: Lê Công Hoàng


Chú thích:

  1. Nước Nga Sa hoàng vẫn dùng lịch Julian cũ từ thời Trung Cổ, chậm 13 ngày so với lịch Gregorian được dùng ở hầu hết các nơi khác trên thế giới. Đó là lý do vì sao 8/3 lại là “23/2” của lịch cũ, cách mạng diễn ra vào tháng Ba 1917 lại là Cách mạng Tháng Hai còn cách mạng diễn ra vào Tháng Mười một lại là Cách mạng Tháng Mười.
  2. Clara Zetkin là một lãnh tụ của phong trào XHCN Đức và là lãnh đạo chính của phong trào phụ nữ lao động quốc tế. Kollontai khi đó là đại biểu đại diện cho công nhân dệt may St.Petersburg đến với Đại hội quốc tế.
  3. (*) Điều này không đúng. Vì phần lớn những người công nhân tay nghề thấp ở Anh, Pháp, Đức vẫn không có quyền bầu. Một số lượng ít hơn những người công nhân Hoa Kì không có quyền bầu – nhất là công nhân nhập cư. Ở miền Nam, người da đen vẫn bị ngăn cản quyền bầu cử. Phong trào đòi quyền bầu cử của giai cấp trung lưu ở tất cả các nước Châu Âu không đấu tranh cho quyền bầu cử của công nhân nam lẫn công nhân nữ.
  4. Vào năm 1903, Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga chia làm hai phái – Bolshevik (đa số trong tiếng Nga) và Menshevik (thiểu số). Trong khoảng từ năm 1903 đến 1912 (vào lúc mà sự chia tách trở thành vĩnh viễn) thì hai phái đã hợp lại với nhau một thời gian, hợp tác với nhau rồi lại tách ra. Rất nhiều những người XHCN khác, kể cả những tổ chức cơ sở, làm việc với cả hai phái hoặc giữ trung lập trong các cuộc tranh luận. Kollontai, một người XHCN hoạt động tích cực và đấu tranh vì quyền phụ nữ từ năm 1899, lúc đầu hoạt động độc lập, sau đó trở thành Menshevik trong vài năm, rồi sau đó gia nhập Bolshevik vào năm 1915 và trở thành thành viên nữ duy nhất của Ban Chấp hành Trung ương. Bà cũng trở thành Dân ủy Phúc lợi của Cộng hòa Xô-viết và người đứng đầu tổ chức phụ nữ của Bolshevik.
  5. August Bebel (1840-1913) là một lãnh tụ của Đảng Dân chủ Xã hội Đức. Ông là một người ủng hộ phong trào phụ nữ và là tác giả của một tác phẩm kinh điển về chủ nghĩa Marx và phụ nữ (Die Frauenfrage – được dịch sang tiếng Anh với tựa Women Under Socialism – Phụ nữ dưới chế độ XHCN, sau được dịch ra nhiều thứ tiếng)
  6. Khi chiến tranh nổ ra vào năm 1914, có một sự chia tách lớn trong phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế. Đa số những người Dân chủ Xã hội ở Đức, Áo, Pháp, Anh ủng hộ chiến tranh. Một số những người XHCN khác như Kollontai, Lenin, Đảng Bolshevik và Trotsky ở Nga, Clara Zetkin và Rosa Luxembourg ở Đức, Eugene Debs ở Hoa Kì là một số những người phản đối những đảng viên XHCN ủng hộ chiến tranh vì đã phản bội giai cấp công nhân và cuộc chiến đấu cho cách mạng công nhân.
  7. Xô-viết trong tiếng Nga nghĩa là Ủy ban, hội đồng. Xô-viết, hay hội đồng công nhân, là những cơ quan dân chủ mà các đại biểu được bầu ra ở nhà máy hay những cuộc họp ở khu dân cư và được kiểm soát bởi các anh chị em công nhân. Những người đại diện cho Xô-viết phải báo cáo lại cho hội đồng và có khả năng bị triệu hồi và bãi chức bất cứ lúc nào.
  8. Sau khi giai cấp vô sản nắm quyền vào Tháng Mười/Mười Một năm 1917, nhà nước công nhân Nga phải đối mặt với hai vấn đề lớn, thứ nhất là cuộc xâm lược của 13 nước trong đó có Hoa Kì, thứ hai là sự kháng cự từ những phần tử bảo hoàng, thân tư bản ở Nga. Chủ yếu dưới sự chỉ huy của Leon Trotsky, các xô-viết đã lập nên đội quân công nông – Hồng quân và đã đánh bại các lực lượng phản cách mạng.
  9. Phụ nữ Hoa Kì đã giành được quyền bầu cử trước thế chiến I. Một Tu chính án liên bang đã đảm bảo toàn bộ phụ nữ ở 21 bang có quyền được bầu cử được thông qua vào 26/8/1920. Nhưng chỉ đến những năm 60 các rào cản pháp lý cuối cùng ngăn cản tầng lớp lao động bỏ phiếu ở Hoa Kì mới được xóa bỏ.
  10. Những kẻ “thỏa hiệp” mà Kollontai nhắc đến ở đây là những lãnh đạo đảng XHDC Đức lập nên chính quyền tư sản mới ở Đức sau khi chế độ chuyên chế sụp đổ vào năm 1918. Chế độ này tích cực hỗ trợ lực lượng phản cách mạng sau khi nắm quyền.
  11. Trong khi Lady Astor từ tầng lớp quý tộc là phụ nữ đầu tiên tham gia Nghị viện Anh, thì phụ nữ đầu tiên được bầu vào nghị viện là nhà cách mạng Ai-len Constance Markievicz. Cùng với những thành viên khác của đảng Sinn Fein, bà từ chối không nhận ghế ở nghị viện hoàng gia.
  12. Phụ nữ Pháp không có được quyền bầu cử cho đến cuối thế chiến II.

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận