Chương XII – XIV: NĂNG SUẤT, HỢP TÁC VÀ PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG

Trước đó, trong chương 10, khi giải thích rằng nguồn gốc của lợi nhuận nằm trong lao động không công của giai cấp công nhân, Marx đã chứng minh cách các nhà tư bản thu lợi nhuận lớn hơn từ người lao động bằng cách kéo dài ngày làm việc. Giờ đây, Marx hướng sự chú ý của mình sang cách để các nhà tư bản tăng lợi nhuận trong khi vẫn duy trì thời gian làm việc như cũ.

Phương pháp tăng lợi nhuận trước đây, phát sinh từ việc kéo dài ngày làm việc, được Marx gọi là phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối. Ngược lại, giá trị thặng dư bổ sung thu được trong một khoảng thời gian nhất định của ngày làm việc được Marx gọi là giá trị thặng dư tương đối.

Giá trị thặng dư tương đối và năng suất

Vậy thì, các nhà tư bản đã làm thế nào để gia tăng giá trị thặng dư tương đối? Trong một khoảng thời gian nhất định của ngày làm việc, tổng giá trị được sản xuất ra cũng là một giá trị nhất định, vì giá trị (giá trị trao đổi) là kết quả của thời gian lao động xã hội cần thiết. Thời gian lao động này, như đã giải thích trước đó trong Tư bản, có thể được chia thành: lao động cần thiết, trong đó người lao động tạo ra giá trị cần thiết để trang trải cho chi phí sức lao động của họ, cụ thể là tiền lương; và lao động thặng dư, trong đó công nhân đang làm việc hiệu quả một cách miễn phí cho nhà tư bản, để tạo ra giá trị thặng dư.

Do đó, cách duy nhất để tăng lượng giá trị thặng dư mà không làm thay đổi độ dài của ngày lao động là tăng lượng lao động thặng dư so với lượng lao động cần thiết. Điều này cũng có thể được thể hiện bằng sự gia tăng của tỷ lệ s:v, hay nói cách khác, trong sự gia tăng tỷ lệ khai thác bóc lột, s / v. Nhưng để tăng tỷ lệ này mà không làm thay đổi tổng giá trị sản xuất ra (được xác định bởi độ dài ngày lao động) thì chỉ có hàm chứa một điều: giảm v, giá trị sức lao động – thời gian lao động cần thiết.

Ngược lại, sự giảm giá trị sức lao động này có nghĩa là giảm giá trị của những hàng hóa tạo thành phương tiện sinh sống cho người lao động – tức là giảm thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa được tiêu dùng bởi giai cấp công nhân. Và như Marx lưu ý:

 

“… Điều này là không thể nếu không tăng năng suất lao động… bằng cách thay đổi công cụ của [người lao động] hoặc phương thức làm việc của anh ta, hoặc cả hai. Do đó, các điều kiện mà trong đó sức lao động của anh ta sản xuất, tức là phương thức sản xuất và bản thân quá trình lao động, phải được cách mạng hóa… để cung cấp cho một lượng lao động nhất định năng lực để sản xuất ra một lượng giá trị sử dụng lớn hơn.” [Tr431]

“Các điều kiện kỹ thuật và xã hội của quá trình và do đó, bản thân phương thức sản xuất phải được cách mạng hóa trước khi có thể tăng năng suất lao động. Khi đó, với sự tăng lên của năng suất lao động, giá trị sức lao động sẽ giảm xuống, và phần lao động cần thiết của ngày để tái sản xuất giá trị đó sẽ bị rút ngắn lại ”. [Tr432]

 

Tóm lại, những gì chúng ta đang nói ở đây chỉ đơn giản là sự vắt kiệt sức lao động hơn nữa người lao động trong cùng một không, thời gian như trước đây. Đây được gọi là tăng cường lao động. Nhà tư bản mà có khả năng tạo ra nhiều giá trị sử dụng hơn trong một lượng lao động nhất định thì sẽ phát huy được lợi thế cạnh tranh. Người sản xuất như vậy có thể bán sản phẩm của mình với giá cao hơn giá trị cá biệt của nó, dẫn đến giá trị thặng dư tăng lên.

Do đó, thông qua việc tăng năng suất lao động, nhà tư bản làm tăng giá trị thặng dư tương đối và do đó lợi nhuận của họ; và điều này được thực hiện bằng cách phát triển các phương tiện sản xuất và cách mạng hóa quá trình sản xuất với công nghệ và kỹ thuật mới. Trên thực tế thì người lao động đã tái sản xuất giá trị sức lao động của họ trong thời gian ngắn hơn.

Tất nhiên, lợi thế cho cá nhân nhà tư bản chỉ tồn tại chừng nào các đối thủ cạnh tranh của anh ta vẫn sử dụng các kỹ thuật cũ. Ngay khi phần còn lại bắt kịp, giá trị xã hội của sản phẩm sẽ hạ xuống giá trị mới dựa trên các phương pháp sản xuất mới nhất.

Do đó, đây là động lực ảnh hưởng đến tất cả các nhà tư bản buộc họ phải giới thiệu công nghệ mới – cạnh tranh lẫn nhau để đạt được lợi thế tạm thời và siêu lợi nhuận.

 

Trật tự trong hỗn loạn

Tuy nhiên, cần phải tách biệt quá trình chung và kết quả tổng thể ra khỏi lợi ích vị kỷ của mỗi cá nhân nhà tư bản. Như Marx giải thích, “Các khuynh hướng chung và tất yếu của tư bản phải được phân biệt với các hình thức bề ngoài của chúng.” [Tr433] Trong khi năng suất nói chung tăng sẽ dẫn đến giảm giá trị sức lao động và do đó làm tăng giá trị thặng dư tương đối, kết quả chung này không phải là động cơ đằng sau hành động của cá nhân các nhà tư bản.

Cá nhân nhà tư bản không có ý định nâng cao giá trị xã hội của sức lao động. Đúng hơn, nhà tư bản tăng năng suất trong doanh nghiệp của mình là để sản xuất ra nhiều hơn với giá rẻ hơn; để hạ thấp chi phí sản xuất hàng hóa và do đó sản xuất với chi phí thấp hơn mức trung bình xã hội. Bằng cách đó, cá nhân nhà tư bản có thể vượt qua các đối thủ của họ bằng cách bán với giá thấp hơn đối thủ cạnh tranh, chiếm đoạt thị phần và thu về lợi nhuận siêu ngạch.

Dù vậy, các quy luật cạnh tranh trong chủ nghĩa tư bản buộc tất cả các nhà tư bản phải hành động theo một cách thức giống nhau. Do đó, mỗi nỗ lực cụ thể nhằm tăng năng suất, dù xuất phát từ động cơ lợi nhuận tư nhân, đều góp phần vào quá trình tăng năng suất chung trong xã hội.

 

“Mặc dù ở đây chúng ta không có ý định xem xét cách thức mà các quy luật nội tại của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa tự biểu hiện mình trong sự vận động bề ngoài của cá nhân các nhà tư bản, khẳng định chính chúng như là quy luật cưỡng bức của sự cạnh tranh, và do đó đi vào ý thức của cá nhân các nhà tư bản như là động cơ thúc đẩy anh ta tiến lên, thì điều đã rõ ràng là: một phân tích khoa học về cạnh tranh chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta có thể nắm bắt được bản chất bên trong của tư bản, cũng như chuyển động xác định của các thiên thể chỉ có thể hiểu được đối với những người quen thuộc với chuyển động thực của chúng, thứ mà các giác quan không thể nhận thấy được.” [TR433]

 

Tuy nhiên, các nhà tư bản không ngừng đuổi theo cái đuôi của mình, bởi vì lợi nhuận siêu ngạch mà cá nhân họ thu được trong ngắn hạn nhờ việc tăng năng suất trong doanh nghiệp của họ sẽ bị mất ngay khi sự gia tăng năng suất này trở nên phổ biến; bởi sự cạnh tranh buộc những người khác cũng phải áp dụng các phương pháp tương tự.

 

“Giá trị thặng dư tăng thêm này biến mất ngay khi phương thức sản xuất mới được phổ biến, khi đó sự chênh lệch giữa giá trị cá biệt của hàng hóa giá thấp và giá trị xã hội của nó biến mất. Quy luật xác định giá trị theo thời gian lao động làm cho cá nhân nhà tư bản áp dụng phương thức sản xuất mới cảm nhận được nó bằng cách buộc anh ta phải bán hàng hóa của mình dưới giá trị xã hội của chúng; nhưng cũng chính luật này, hoạt động như một luật cưỡng bách của sự cạnh tranh, buộc các đối thủ của anh ta phải áp dụng phương pháp mới.” [Tr436]

 

Tuy nhiên, các quy luật cạnh tranh, tự áp đặt mình như một sự cưỡng bách đối với các nhà tư bản, lại nảy sinh từ chính các hành động và tương tác riêng lẻ của chính các nhà tư bản. Ý chí tình cờ của các nhà tư bản tự khẳng định mình như là một xu hướng tất yếu để tăng năng suất; một trật tự xuất hiện trong nền kinh tế từ chuyển động hỗn loạn và vô trật tự của nhiều cá nhân liên quan.

Trong thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tư bản, quá trình này là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển to lớn của lực lượng sản xuất, làm tăng của cải trong xã hội với một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, chính bản chất vô trật tự của quá trình này đã dẫn đến những mâu thuẫn phi lý mà chúng ta thấy dưới chủ nghĩa tư bản ngày nay: bên cạnh những người làm hai hoặc ba công việc một lúc là thất nghiệp hàng loạt; là tình trạng vô gia cư bên cạnh những ngôi nhà khang trang trống rỗng.

Chủ nghĩa tư bản đã phát triển khoa học và công nghệ đến một trình độ phi thường; nhưng nó không thể sử dụng sự phát triển này vì lợi ích của những người bình thường. Thay vì tăng thời gian giải trí cho tầng lớp lao động, sự gia tăng năng suất trong xã hội chỉ đơn giản là dẫn đến lợi nhuận lớn hơn cho một tầng lớp nhỏ bé, đồng thời tạo ra gánh nặng lớn hơn cho phần còn lại của chúng ta.

 

“Do đó, việc rút ngắn ngày làm việc hoàn toàn không phải là mục tiêu của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, khi mà lao động được kinh tế hóa bằng cách tăng năng suất của mình. Sự rút ngắn thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một số lượng nhất định hàng hóa mới là mục tiêu… Mục đích của sự phát triển năng suất lao động trong điều kiện sản xuất tư bản chủ nghĩa là việc rút ngắn thời gian của ngày làm việc mà người lao động phải làm cho chính mình, và do đó, kéo dài thời gian khác trong ngày, trong đó anh ta làm miễn phí cho không ai khác ngoài chính nhà tư bản”. [Tr 437 – 438]

 

Sự hợp tác

Theo đó, nhà tư bản cố gắng cách mạng hóa quá trình sản xuất, đưa ra các công nghệ và kỹ thuật mới, hiệu quả hơn. Marx đã giải thích làm thế nào mà về mặt lịch sử, chủ nghĩa tư bản đã đạt được sự gia tăng năng suất. Một mặt, phải liên tục đầu tư vào máy móc, công cụ và công nghệ mới – Marx sẽ trình bày  vấn đề này rõ ràng hơn trong các chương sau. Mặt khác, có sự thay đổi trong các phương pháp và kỹ thuật được sử dụng trong quá trình sản xuất, với hiệu quả ngày càng cao từ các hình thức tổ chức mới.

Như Marx giải thích, về mặt lịch sử đã có một sự cải thiện lớn về năng suất lao động nói chung do quy tụ nhiều cá nhân dưới một mái nhà, tích hợp nhiều lao động riêng lẻ vào một quá trình sản xuất duy nhất. Đầu tiên chúng ta thấy các phân xưởng, sau đó là xưởng gia công và sự phát triển của nhà máy. Sự xuất hiện của ‘tính kinh tế theo quy mô’ – những cải thiện về hiệu quả do việc sử dụng chung các nguồn lực và cơ sở hạ tầng – nhằm giảm chi phí. “Hiệu quả như nếu thể là tư liệu sản xuất có chi phí thấp hơn. Tính kinh tế trong việc áp dụng tư liệu sản xuất này phát sinh hoàn toàn từ sự tiêu dùng chung chúng trong quá trình lao động của nhiều người lao động.” [Tr442]

Điều quan trọng, chúng ta thấy rằng hành động chung của nhiều cá nhân trong sự hợp tác đạt được nhiều hơn là một phép nhân đơn giản của những nỗ lực riêng lẻ và cá nhân của họ. Về mặt biện chứng, giống như các cơ quan trong cơ thể phối hợp hoạt động để tạo ra sự sống cho cơ thể con người, chúng ta thấy rằng sự hợp tác trong sản xuất có nghĩa là một kết quả hơn xa một tổng thức của các bộ phận của nó.

 

“Cũng giống như sức mạnh tấn công của một đội kỵ binh, hoặc sức mạnh phòng thủ của một trung đoàn bộ binh, về cơ bản khác với tổng sức mạnh tấn công hoặc phòng thủ của từng binh sĩ được tính riêng lẻ, vì vậy tổng thể các lực lượng cơ giới được tác động bởi những người lao động biệt lập khác với lực lượng xã hội được phát triển khi nhiều bàn tay cùng hợp tác trong cùng một hoạt động không phân li… Ở đây chúng ta không chỉ nâng cao năng lực sản xuất của cá nhân, bằng phương thức hợp tác, mà còn tạo ra một sức mạnh sản xuất mới, về bản chất là của một tập thể.” [Tr443]

 

Tuy nhiên, để hợp tác tại nơi làm việc diễn ra được phải có kế hoạch sản xuất tập thể tại nơi làm việc; một quy trình chung trong đó các cá nhân hành động theo một chỉ thị duy nhất. Điều này, dưới chủ nghĩa tư bản, ngụ ý việc làm chung của nhiều công nhân dưới trướng một nhà tư bản duy nhất; và điều này, đến lượt nó ngụ ý một sự tập trung tư bản nhất định – sự tập trung quyền sở hữu tư liệu sản xuất vào một đôi tay duy nhất, nhờ đó nhiều công nhân có thể làm việc.

 

“Theo nguyên tắc chung, người lao động không thể hợp tác với nhau mà không có sự tập hợp lại với nhau; sự tập hợp của họ tại một nơi là điều kiện cần thiết cho sự hợp tác của họ. Do đó những người làm công ăn lương không thể hợp tác với nhau trừ khi họ được sử dụng đồng thời bởi cùng một tư bản, cùng một nhà tư bản, và do đó, trừ khi sức lao động của họ được anh ta mua đồng thời.” [Tr447]

“Do đó, việc tập trung một khối lượng lớn tư liệu sản xuất vào tay cá nhân các nhà tư bản là điều kiện vật chất cho sự hợp tác của những người làm công ăn lương, và mức độ hợp tác, hay quy mô sản xuất, tùy thuộc vào mức độ của sự tập trung này.” [Tr448]

 

Trong khi đó, sự hợp tác được thực hiện bởi sự tập trung tư bản này cho phép nhà tư bản tăng năng suất, hạ giá thành, trở nên cạnh tranh hơn, giành được thị phần và do đó tăng hơn nữa mức độ tập trung tư bản. Do đó, xu hướng đối với thị trường tự do cạnh tranh trong chủ nghĩa tư bản chuyển thành đối lập với chính nó: Sự độc quyền.

Do đó, chủ nghĩa tư bản, dựa vào sự hợp tác của những người công nhân; đã quy tụ nhiều người công nhân vào một quá trình lao động xã hội. Tuy nhiên, cũng chính quá trình hợp tác này, thứ mà chủ nghĩa tư bản buộc phải làm vì lợi nhuận, cũng giúp tạo ra thứ vũ khí cần thiết để lật đổ hệ thống tư bản: giai cấp công nhân có tổ chức.

“Khi mà số lượng công nhân hợp tác tăng lên thì sự phản kháng của họ đối với sự thống trị của tư bản cũng vậy, và nhất thiết, sự áp bức tư bản phải vượt qua được sự phản kháng này”. [Tr449]

Do sự xích lại gần nhau và giải phóng khỏi cuộc sống lao động biệt lập mà các điều kiện của sản xuất tư bản chủ nghĩa đã tạo ra ý thức giai cấp và đến lượt nó, hình thành giai cấp có tổ chức. Và – cũng như cách thức biện chứng mà trong đó nỗ lực tổng hợp của nhiều người lao động đạt được nhiều hơn là sự tích lũy nỗ lực cá nhân của họ – chính nhờ sự đoàn kết và tổ chức của họ mà giai cấp công nhân trở thành một lực lượng hùng mạnh, có khả năng biến đổi xã hội.

Do đó, chủ nghĩa tư bản, bằng cách tạo ra các điều kiện cho sự tổ chức của giai cấp công nhân, đã tạo ra những kẻ đào mồ cho chính nó. Do đó mà ngày nay các nhà tư bản đang thúc đẩy nỗ lực để ngăn cản người lao động tổ chức, từ việc bãi bỏ ‘đóng cửa cửa hàng’ (theo đó các tổ chức công đoàn có thể ngăn cản lao động phi công đoàn được tuyển dụng) đến nhu cầu bỏ phiếu tại hòm thư – thay vì phiếu bầu tại nơi làm việc – để kêu gọi một cuộc đình công. Do đó, các nhà tư bản cũng không ngừng nỗ lực để phân tán và cô lập người lao động thông qua hình thức thuê ngoài, ký hợp đồng phụ, tư nhân hóa và làm việc tự do.

 

Phân công lao động

Sự phân công lao động trong xã hội không bắt nguồn từ chủ nghĩa tư bản, ngay cả ở những hình thức xã hội sơ khai nhất nó đã hiện diện. Như Engels đã lưu ý trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, sở hữu tư nhân và nhà nước, sự phân công lao động phát triển đầu tiên trong xã hội trên cơ sở sự khác biệt về tâm sinh lý giữa hai giới. Như đã thảo luận trước đây, phân công lao động trong xã hội là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất và trao đổi hàng hóa – sự phân công lao động thành những người sản xuất riêng biệt, sản xuất để trao đổi chứ không phải để tiêu dùng cho cá nhân.

Chủ nghĩa tư bản tiếp nhận sự phân công lao động này và nâng nó lên tầm cao mới: một mặt, chủ nghĩa tư bản gia tăng năng suất lao động thông qua ngày một tăng cường chuyên môn hóa, phân chia quá trình sản xuất thành những công việc nhỏ hơn và lặp đi lặp lại; mặt khác, khi mà nền sản xuất tư bản chủ nghĩa được mở rộng, các ngành và lĩnh vực khác nhau, vốn trước đây bị cô lập, giờ được tích hợp vào một kế hoạch sản xuất chung. Do đó, theo một cách biện chứng mà dường như là mâu thuẫn, chủ nghĩa tư bản phân chia những người lao động ra chỉ để sau đó lại đặt họ về bên cạnh nhau.

 

“Phương thức mà trong đó sản xuất phát sinh, sự phát triển của nó ra khỏi thủ công nghiệp, do đó nhân lên hai lần. Một mặt, nó phát sinh từ sự kết hợp của nhiều ngành nghề độc lập khác nhau, làm mất đi tính độc lập đó và trở nên chuyên biệt hóa đến mức chúng chỉ đơn thuần là hoạt động phụ trợ và là một phần trong sản xuất một loại hàng hóa cụ thể. Ở mặt khác, nó phát sinh từ sự hợp tác giữa những người thợ thủ công trong một ngành nghề thủ công cụ thể; nó phân chia ngành thủ công đó thành các hoạt động cụ thể khác nhau, tách biệt các hoạt động này và phát triển tính độc lập giữa chúng với nhau tới mức mỗi hoạt động trở thành chức năng độc quyền của một công nhân cụ thể. Do đó, một mặt, sản xuất đưa sự phân công lao động vào quá trình sản xuất, hoặc phát triển thêm sự phân công đó; mặt khác nó kết hợp các nghề thủ công lại với nhau mà trước đây vốn riêng biệt. Nhưng bất kể có điều gì có thể là điểm xuất phát cụ thể của nó, thì hình thức cuối cùng luôn luôn giống nhau – một cơ chế sản xuất mà các cơ quan của nó là con người.” [Tr457]

Kế đó, chủ nghĩa tư bản biến cá nhân người lao động thành như chỉ một bánh răng nào đó trong cỗ máy. Sản xuất hàng hóa không còn là kết quả của sản xuất cá thể mà là của sản xuất tập thể, xã hội. Người lao động ngày càng trở nên xa lạ với sức lao động của họ – không công nhân nào có thể chỉ vào một sản phẩm và nói “Tôi đã sản xuất ra sản phẩm đó”. Một hàng hóa được sản xuất bởi nhiều bàn tay. “Người lao động được chuyên môn hóa không sản xuất ra hàng hóa. Chỉ sản phẩm chung của tất cả những người lao động chuyên môn hóa mới trở thành hàng hóa.” [Tr475]

 

Sự hợp tác đồng thời tạo ra tính kỷ luật giữa những người lao động, buộc họ phải đạt được nhịp điệu và mức độ hiệu quả nhất định để hòa hợp với các tác nhân khác tham gia vào quá trình sản xuất chung. Ý chí cá nhân được quy tụ bởi nhu cầu liên kết với nhau của toàn bộ quá trình sản xuất. Do đó, trong khi quy luật giá trị và lao động xã hội cần thiết vận hành thông qua các lực lượng thị trường của sự cạnh tranh, thì thông qua hợp tác, khái niệm về thời gian lao động cần thiết được khẳng định trong phạm vi nơi làm việc.

 

“Rõ ràng là sự phụ thuộc lẫn nhau một cách trực tiếp của các phần công việc khác nhau, và do đó những người lao động, buộc mỗi người trong số họ phải dành cho công việc của mình không vượt quá thời gian cần thiết. Điều này tạo ra tính liên tục, thống nhất, thường xuyên, có trật tự và thậm chí là cường độ lao động, khác hẳn với những gì được tìm thấy trong một ngành thủ công nghiệp độc lập hay ngay cả trong hoạt động hợp tác giản đơn. Quy tắc thời gian lao động áp dụng trên một hàng hóa không được vượt quá lượng xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa đó là quy tắc xuất hiện trong quá trình sản xuất hàng hóa nói chung, được thực thi từ bên ngoài bằng hành động cạnh tranh: nói bề ngoài thì mỗi người sản xuất có nghĩa vụ bán hàng hóa của mình với giá thị trường. Ngược lại, trong sản xuất, việc cung cấp một lượng sản phẩm nhất định trong một thời gian lao động nhất định là quy luật kỹ thuật của chính quá trình sản xuất.” [Tr464 – 465]

Mâu thuẫn

Bản chất vô chính phủ của chủ nghĩa tư bản, được vận hành mù quáng dưới chế độ sở hữu tư nhân và quy luật cạnh tranh, tạo ra những mâu thuẫn riêng của nó. Một mặt, sự phân công lao động trong xã hội – tức là mối quan hệ mật thiết giữa các ngành và hoạt động khác nhau – được điều tiết thông qua bàn tay vô hình của thị trường; thông qua trao đổi hàng hóa. Ở mặt khác, sự phân công lao động trong phạm vi nơi làm việc được quy định và chỉ đạo một cách có ý thức bởi chỉ một nhà tư bản. Do đó, trong chủ nghĩa tư bản, chúng ta thấy các xu hướng cạnh tranh trái ngược nhau trên thị trường và việc tổ chức và lập kế hoạch trong công ty; mâu thuẫn giữa nhu cầu xã hội và nhu cầu của cá nhân nhà tư bản.

“Sự phân công lao động trong xã hội được thực hiện thông qua việc mua và bán các sản phẩm của các ngành công nghiệp khác nhau, trong khi sự kết nối hoạt động giữa những bộ phận khác nhau trong một xưởng được thực hiện thông qua việc bán sức lao động của một số công nhân cho một nhà tư bản, người áp dụng nó như sức lao động tổng hợp. Sự phân công lao động trong sản xuất hàm chứa sự tập trung tư liệu sản xuất vào tay một nhà tư bản; sự phân công lao động trong xã hội hàm chứa sự phân tán các phương tiện đó giữa nhiều nhà sản xuất hàng hoá độc lập…

“… Hệ thống tiên nghiệm (priori) được hoạch định và sắp đặt trong đó phân công lao động được thực hiện trong phân xưởng, trong phân công lao động xã hội, trở thành một nhu cầu hậu nghiệm (posteriori) tất yếu do tự nhiên áp đặt, kiểm soát sự thất thường không thể kiểm soát của các nhà sản xuất, và có thể nhận thấy được trong sự biến động của phong vũ biểu của giá cả thị trường.” [Tr475 – 476]

Ph.Ăngghen, trong cuốn sách nhỏ Chủ nghĩa xã hội: Không tưởng và khoa học, đã lưu ý mâu thuẫn tương tự trong chủ nghĩa tư bản giữa mức độ kế hoạch rất tốt diễn ra trong mỗi công ty và doanh nghiệp – lập kế hoạch được thực hiện vì mục tiêu tăng lợi nhuận – và tình trạng vô chính phủ đáng kinh ngạc tồn tại giữa các công ty và doanh nghiệp. Ph.Ăngghen giải thích, mâu thuẫn này chỉ là sự phản ánh mâu thuẫn giữa bản chất xã hội hóa vô cùng của nền sản xuất dưới chủ nghĩa tư bản – trong đó tất cả những người sản xuất đều là một bộ phận của hệ thống sản xuất và trao đổi hàng hóa chung trên thế giới – và sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất và sự chiếm đoạt tư nhân đối với các sản phẩm được sản xuất.

 

“Mâu thuẫn giữa sản xuất được xã hội hóa và chiếm hữu tư bản giờ đây tự nó thể hiện như là mâu thuẫn giữa tổ chức sản xuất trong từng xưởng riêng lẻ và sự vô chính phủ trong sản xuất xã hội nói chung.” [Chủ nghĩa xã hội: Không tưởng và khoa học, chương 3]

 

Marx lưu ý, điều mỉa mai là chính các quý bà và quý ông, những người vẫn rao giảng về ‘khai phóng’, ‘tự do’, ‘cá nhân chủ nghĩa’, và trên hết là ‘thị trường’, lại là những người mà trong phạm vi doanh nghiệp của chính họ lại luôn đòi hỏi điều ngược lại: sự tổ chức, thẩm quyền và phối hợp. Những người bảo vệ thị trường tự do – những người phản đối kịch liệt bất kỳ kế hoạch sản xuất xã hội chủ nghĩa nào trong toàn xã hội nhưng đồng thời cũng là những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho kế hoạch sản xuất trong doanh nghiệp. Do đó mà chúng ta thấy, từ trước đến nay, là sự giả nhân giả nghĩa hoàn toàn của giai cấp tư sản, những người mà ‘quyền tự do’ và ‘quyền lợi’ chỉ là những quyền tự do và quyền lợi cho chính họ; sự tự do tư sản để bóc lột sức lao động của người khác. Tất cả ngược lại phải chấp nhận khuất phục trước nhu cầu tư bản.

 

“Cùng một ý thức tư sản đã tôn vinh sự phân công lao động trong công xưởng, sự lệ thuộc cả đời vào những hoạt động cục bộ, và sự khuất phục hoàn toàn của anh ta trước tư bản, với tư cách là một tổ chức lao động nhằm tăng sức sản xuất của nó, lại bài bác mạnh mẽ không chừa mọi nỗ lực có ý thức nào nhằm kiểm soát và điều chỉnh quá trình sản xuất về mặt xã hội, coi điều đó như sự xâm phạm vào những thứ thiêng liêng như quyền sở hữu, quyền tự do và quyền tự quyết của cá nhân nhà tư bản. Có một điểm rất đặc trưng ở những kẻ biện minh nhiệt tình cho hệ thống nhà máy đó là đối với việc thúc giục chống lại một tổ chức lao động nói chung trong xã hội thì không gì đáng nguyền rủa hơn ngoài việc sẽ biến toàn bộ xã hội thành một công xưởng.” [Tr477]

 

Chính mâu thuẫn trung tâm của hệ thống tư bản – giữa sản xuất được xã hội hóa và sở hữu tư nhân – cuối cùng đã biến tính tiến bộ ban đầu của chủ nghĩa tư bản thành đối lập với chính nó; biến nó thành một hệ thống không còn khả năng phát triển hay tận dụng các lực lượng sản xuất trong xã hội. Cạnh tranh và sở hữu tư nhân, đã từng cung cấp động lực thúc đẩy sự phát triển của tư liệu sản xuất trong thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tư bản thì nay lại trở thành những rào cản to lớn đối với sự phát triển của khoa học, công nghệ và công nghiệp; như một thứ gông cùm to lớn đối với sự tiến bộ của xã hội và nhân loại – những gông cùm định kỳ đẩy xã hội vào tình trạng sản xuất quá mức, khủng hoảng và man rợ.

Chúng ta có một lượng lớn kiến ​​thức khoa học và công nghệ trong tầm tay, nhưng chủ nghĩa tư bản không thể sử dụng điều này. Các công nghệ như in 3D, trí tuệ nhân tạo và các kỹ thuật tự động hóa khác mở ra khả năng cách mạng hóa hoàn toàn sản xuất và đến lượt nó, toàn xã hội. Nhưng dưới chủ nghĩa tư bản, điều này vẫn chỉ là tiềm năng, với việc áp dụng máy móc và công nghệ mới không dẫn đến việc nâng cao mức sống, mà chỉ đơn giản là dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, tình trạng mất an ninh việc làm, làm việc quá sức ở một đầu và tích lũy lợi nhuận ở một đầu khác.

Chúng tôi xin gửi lời cuối cùng tới Engels:

 

“Giải pháp chỉ có thể bao hàm trong việc thừa nhận thực tế bản chất xã hội của lực lượng sản xuất hiện đại, và do đó ở chỗ hài hòa với tính chất xã hội hóa của tư liệu sản xuất. Và điều này chỉ có thể xảy ra khi xã hội công khai và trực tiếp nắm quyền sở hữu các lực lượng sản xuất đã vượt qua mọi sự kiểm soát, ngoại trừ toàn xã hội. Tính chất xã hội của tư liệu sản xuất và của sản phẩm ngày nay phản ứng chống lại người sản xuất, làm gián đoạn mọi hoạt động sản xuất và trao đổi theo định kỳ, chỉ hoạt động giống như một quy luật tự nhiên vận hành một cách mù quáng, cưỡng bức và hủy diệt. Nhưng với sự tiếp quản của xã hội đối với lực lượng sản xuất, đặc tính xã hội của tư liệu sản xuất và của sản phẩm sẽ được người sản xuất sử dụng với sự hiểu biết hoàn hảo về bản chất của nó, và thay vì trở thành nguồn gốc của sự xáo trộn và sụp đổ theo chu kỳ, sẽ trở thành đòn bẩy mạnh mẽ nhất của chính sản xuất,” [Chủ nghĩa xã hội: Không tưởng và khoa học, chương 3]

 


Phần trướcMục lụcPhần tiếp


 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận