Kiếm lợi nhuận từ cái chết: chính sách tân tự do của Modi trong ứng phó với đại dịch
Chúng ta hãy làm rõ ngay từ đầu rằng: những gì hiện đang xảy ra ở Ấn Độ là thảm sát, và nó được tổ chức bởi một người đàn ông đã có kinh nghiệm trong những vấn đề như vậy.
Có hai hình ảnh khắc họa lên cuộc khủng hoảng hiện tại và chứa đựng trong đó quỹ đạo của cuộc khủng hoảng. Đầu tiên là hình ảnh cảnh sát Ấn Độ phun thuốc tẩy nên những người lao động di cư vào mùa xuân năm ngoái trong đợt đại dịch đầu tiên, và thứ hai, gần đây hơn là những bãi hỏa táng đang bùng cháy trên khắp cả nước. Con đường giữa 2 dấu mốc đã được dự đoán, nhưng điều đáng kinh tởm nằm ở thực tế là điều đó có thể tránh được.
Khi tỷ lệ lây nhiễm giảm sau đợt khóa đầu tiên, chế độ Modi đã tuyên bố chiến thắng của mình trước virus. Gắn mình với thần thoại Hindu, vào tháng 3, thủ tướng nói với toàn thể quốc dân rằng trong khi cuộc chiến Mahabhara [trận chiến thần thoại trong sử thi của đạo Hindu] thắng lợi trong 18 ngày, thì ông sẽ chiến thắng trong trận chiến với Corona chỉ 21 ngày.
Chính sách của chính phủ đã được định hình xung quanh những thứ mê tín hoang đường này. Lực lượng đặc nhiệm chống virus corona đã ngừng họp và Bộ trưởng Bộ Y tế tuyên bố rằng Ấn Độ đang “ở trong giai đoạn cuối của đại dịch”. Thậm chí chính phủ còn khoe khoang về việc đã bán được 55 triệu liều vắc xin cho 62 quốc gia khác.
Đó là một ví dụ hoàn hảo về cuộc hôn nhân giữa Hindutva (Chủ nghĩa dân tộc, bảo thủ Ấn Độ) với chủ nghĩa tư bản. Hindutva đảm bảo với chính phủ rằng virus đã hết đời, trong khi các nhà tư bản tham lam kiếm lợi nhuận từ đại dịch toàn cầu.
Chủ nghĩa tư bản vắc xin
Vắc xin cứu người được cung cấp miễn phí ở hầu hết các quốc gia Bắc bán cầu nhưng ở Ấn Độ thì không. Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) là nhà sản xuất vắc-xin chính ở Ấn Độ và cũng là lớn nhất thế giới. Vào tháng Giêng, họ đã bán 100 triệu liều vắc-xin đầu tiên cho chính phủ Ấn Độ với “giá đặc biệt” là 200 rupee (2,74 USD) mỗi liều, nhưng sau đó giá đã tăng. Thậm chí, trên thị trường tư nhân, vắc-xin đang được bán với giá 1.000 rupee (13,68 USD) mỗi liều.
SII là một công ty tư nhân do Cyrus Poonawalla, một trong những người đàn ông giàu nhất hành tinh, đứng đầu với giá trị tài sản ròng khoảng 13 tỷ USD. Poonawalla đã có được tài sản của mình là nhờ vào trò đua ngựa. Nhờ bản năng cờ bạc được di truyền mà con trai ông, Adar Poonawalla, đã tìm thấy được cơ hội giàu lên giữa một đại dịch toàn cầu đẩy thảm khốc vào năm ngoái. Trong một lần phỏng vấn với truyền thông quốc tế, Poonawalla đã nhấn mạnh rằng anh ấy sẽ “mạo hiểm để trở thành kẻ dẫn đầu”.
Ngay lập tức, những cái tên quen thuộc đã góp mặt vào băng nhóm tội phạm này để biến các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng thành lợi nhuận cho tư bản. Quỹ Melinda và Bill Gates đã đầu tư 150 triệu dollar, trong khi những kẻ hút máu người như Goldman Sachs, Citi and Avendus Capital trở thành cố vấn chính cho SII. Giống như tất cả giới tinh hoa ở Nam Bán cầu, những kẻ đã được đào tạo bài bản để trở thành tiếng nói cho Tân tự do, Poonawalla cũng tuyên bố mục tiêu chống thực dân cao cả của mình, rằng sẽ cung cấp “phần lớn vắc xin, ít nhất là ban đầu… cho những người đồng hương trước khi nó được đưa ra nước ngoài.”
Trên thực tế, gần 80% vắc xin do SII sản xuất đã được đưa ra nước ngoài vì lợi nhuận cao hơn, điều này chỉ dừng lại khi số người chết bắt đầu tăng lên và chính phủ Ấn Độ cuối cùng buộc phải cấm xuất khẩu.
Sự thật sớm lộ diện. Chỉ trong vòng 5 tháng tài sản của Cyrus Poonawalla đã tăng tới 85%. Và khi khói từ những giàn hỏa táng bắt đầu phủ đen bầu trời Ấn Độ vào cuối tháng 3, Adar Poonawalla đã ký hợp đồng thuê một biệt thự ở London với giá kỷ lục 70.000 USD / tuần.
Tân tự do – kẻ gieo chết chóc
Chế độ của Modi phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho cuộc thảm sát hiện nay. Nhưng ta không nên quên rằng con đường mà nó bước đi đã được lát bởi tất cả những kẻ đi trước, những kẻ mà từ những năm 1980 đã hăng hái tuân thủ các chương trình tái cơ cấu của IMF nhằm phá hủy các thể chế và cơ sở hạ tầng tạo nên sự sống cho Ấn Độ. Cần nhiều ô tô hơn nữa, nhiều đập hơn nữa, với cái giá của thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.
Nền kinh tế Ấn Độ chính thức được tự do hóa vào năm 1991 dưới sự quản lý của chính phủ Quốc Đại. Câu chuyện tiếp theo sẽ trở nên quen thuộc đến lạ lùng.
Giảm thâm hụt tài chính, chén thánh của chủ nghĩa tân tự do, trên thực tế lại mở ra “thâm hụt thu ngân sách”, vì người giàu được giảm thuế còn nhà nước, trong khi gia tăng chi tiêu quân sự đã cắt giảm đầu tư vào khu vực công và chi tiêu cho xã hội. Tôi muốn nhấn mạnh rằng không chỉ Quốc Đại hay BJP mà mọi liên minh cầm quyền, từ cấp tiểu bang đến liên bang, đều đi theo quỹ đạo này, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa Stalin nắm quyền ở Tây Bengal, quê hương tôi, những người vô cùng nổi tiếng với nỗ lực để cưỡng đoạt đất của nông dân lấy chỗ xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô. Hơn 50 triệu nông dân Ấn Độ đã bị mất đất để dọn đường cho các dự án phát triển, ví dụ như các con đập lớn được xây dựng trong 50 năm đầu độc lập để tạo nền tảng cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nghiên cứu cho thấy rằng hơn 50 phần trăm trong số những người bị đoạt đất là thổ dân (adivasis) hoặc người bản địa (indigenous) sống trên các vùng đồi và đất rừng, nơi hầu hết các đập và hầm mỏ đã được xây dựng.
“Mặc dù vắng mặt trong bất kỳ lĩnh vực gieo sự sống nào, chẳng hạn như y tế hoặc giáo dục, nhà nước đã có mặt quá nhiều trong lĩnh vực gieo cái chết, từ đàn áp ở Kashmir đến việc dựng các trại giam cho người Hồi giáo, tiện dân (Dalit) và Thổ dân (Adivasis).”
Ngành y tế đã kể một câu chuyện tương tự về những kẻ săn mồi. Theo BMJ thì ngày nay, Ấn Độ chỉ có 0,8 bác sĩ và 0,7 giường bệnh trên 1000 dân nhưng lại là quốc gia chi tiêu quân sự lớn hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Dù sao không phải tất cả mọi người đều bị bỏ lại mà không được chăm sóc sức khỏe. Ngành công nghiệp y tế tư nhân đã bùng nổ cùng với chủ nghĩa tân tự do, Ấn Độ nằm trong top 20 quốc gia hàng đầu về chi tiêu cho y tế tư nhân những đồng thời cũng nằm trong số những quốc gia có chi tiêu cho y tế công thấp nhất thế giới.
Thắt lưng buộc bụng, như Ruthie Gilmore đã dạy chúng ta, là “sự từ bỏ có tổ chức” sự sống và những việc mang lại sự sống với “bạo lực có tổ chức”. Việc đóng cửa các trường học và bệnh viện và mở rộng các nhà tù và ngân sách quốc phòng là một tấm gương phản chiếu lẫn nhau.
Tuy nhiên, thắt lưng buộc bụng chỉ làm khuếch đại nguyên tắc tổ chức chủ chốt của chủ nghĩa tư bản là hạ thấp giá trị cuộc sống của con người. Trong khi chủ nghĩa tư bản cố gắng hạ thấp giá trị sức lao động để tăng giá trị thặng dư, thì điều này có ý nghĩa cụ thể thế nào đối với giai cấp công nhân? Theo quan niệm của Rosemary Hennessy về sự xa lánh, cái mà chúng ta có thể gọi là sự tái sản xuất sự xa lánh. Cơ chế này vượt xa nỗ lực kinh tế của việc hạ lương. Thật vậy, tiền lương hầu hết đã được hạ thấp một cách hiệu quả khi tư bản có thể hạ thấp thành công các thông số của tái sản xuất xã hội về đời sống và sức lao động. Những áp bức xã hội như chủng tộc, giới tính và đẳng cấp là một số trong những động lực chính làm giảm tái sản xuất xã hội.
Chúng ta nên nhớ đến một đoạn văn đen tối trong bộ Tư bản, nơi Marx mô tả cách mà trong một khoảng thời gian ở Anh, người phụ nữ vẫn “thỉnh thoảng được sử dụng thay cho ngựa để vận chuyển các con thuyền qua kênh, bởi vì lao động cần thiết để sản xuất ra ngựa và máy móc là một con số được biết chính xác, trong khi điều cần thiết để duy trì người phụ nữ trong dân số thặng dư là thấp hơn tất cả các tính toán.” Michael Goldfield gần đây đã đưa ra quan điểm tương tự về vai trò của chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ, cho thấy làm thế nào mà “cả người trồng rừng và ngành công nghiệp phía bắc đã được hưởng lợi từ lao động giá rẻ với giới hạn dưới được xác định bởi phân biệt chủng tộc” tạo ra “sự coi thường nhẫn tâm đối với phẩm giá con người và sự thánh thiện nơi sự sống con người”. Gilmore đã diễn giải như sau: Ở đó cuộc sống không quý giá, cuộc sống không quý giá.
Chúng ta đang nhìn thấy logic giết người này ở Ấn Độ, chủ nghĩa tư bản làm giảm giá trị cuộc sống thông qua thắt lưng buộc bụng, đang diễn ra ở quy mô mà ngay cả những người giàu có và quyền lực cũng không an toàn. Một cựu đại sứ đã chết khi đang chờ đợi ở bãi đậu xe của một bệnh viện ở Delhi. Không có giường bệnh. Không có xe cứu thương. Ở Surat, một thành phố công nghiệp ở Gujarat, những lò thiêu dùng để thiêu xác đã hoạt động không ngừng nghỉ, đến nỗi sắt trên một số người trong số họ bị tan chảy. Hầu hết tất cả các nhân viên nhà xác trong các lò hỏa táng và nhà thiêu đều đến từ các cộng đồng Dalit hoặc Bahujan (những tầng lớp thấp nhất trong hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ), với mức lương trung bình hàng tháng là khoảng 134 dollar. Họ đang làm việc suốt ngày đêm, mà không có bất kỳ PPE nào, cung cấp các nghi thức cuối cùng, động viên và an ủi cho các gia đình, những người mà trong cuộc sống có lẽ đã ủng hộ việc tiếp tục tập tục tách biệt những người kia khỏi xã hội ưu tú của mình. Bezwada Wilson, một nhà tổ chức vì quyền và phúc lợi của công nhân vệ sinh, nói với VICE World News, “Không ai biết có bao nhiêu nhân viên hỏa táng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với căn bệnh chết người này, không ai biết bao nhiêu người trong số đó đã chết. Đó là bởi vì các quan chức chính phủ không coi những người làm công việc hỏa táng và công nhân vệ sinh là con người .”
Trong khi đất nước trong cơn hấp hối vì thiếu oxy, cổ phiếu của Linde India, nhà cung cấp oxy y tế, đã tăng gấp đôi. Adar Poonawalla đã trốn khỏi Ấn Độ và tìm nơi ẩn náu trong dinh thự “khiêm tốn” của mình ở London, cũng như những người siêu giàu trong máy bay phản lực riêng của họ.
Trong khi phần còn lại của Ấn Độ bị ném vào ngọn lửa trên giàn hoả thiêu thì các nhà lãnh đạo BJP tiếp tục bán phân và nước tiểu bò như là các giải pháp y tế để chữa bệnh. Tính đến thứ Bảy, chỉ 1,9% dân số Ấn Độ đã được tiêm phòng đầy đủ và hơn 400.000 ca nhiễm mới hàng ngày được xác nhận bằng các xét nghiệm, con số thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều.
Nhà nước tư bản là kẻ thù của nhân dân
Narendra Modi, hơn bất kỳ Thủ tướng nào kể từ những năm 1980, đã sử dụng một cách tàn bạo sức mạnh của nhà nước Ấn Độ để hình thành một chính thể an toàn cho tư bản, Hindutva là cỗ công thành ý thức hệ cho dự án này.
Mặc dù vắng mặt trong bất kỳ lĩnh vực gieo sự sống nào, chẳng hạn như y tế hoặc giáo dục, nhà nước đã có mặt quá nhiều trong lĩnh vực gieo cái chết, từ đàn áp ở Kashmir đến việc dựng các trại giam cho người Hồi giáo, tiện dân (Dalit) và Thổ dân (Adivasis). Thật vậy, không phải nhà nước hiện đang giữ cho hệ thống y tế bị tàn phá bởi chủ nghĩa Tân tự do hoạt động, mà là những người dân bình thường.
Các nhóm tình nguyện viên đã thiết lập mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau trên khắp các vùng đất hoang tàn và đang cố gắng giảm thiểu tác hại bằng những cách khéo léo và đầy tình yêu thương. Gurudwara và nhà thờ Hồi giáo đang làm việc không mệt mỏi để cung cấp thực phẩm. Uddhav Thackeray, thủ lĩnh của băng đảng phát xít Shiv Sena, đã buộc phải cảm ơn những người Hồi giáo ở thị trấn Maharashtra thuộc Ichalkaranji vì quyên góp tiền Zakat để tài trợ cho một ICU 10 giường tại một bệnh viện địa phương. Mọi người đã thiết lập đường dây trợ giúp mùa COVID để tiếp cận người bệnh và những người khốn khổ và đang cải tạo lại các thùng xe hơi để hoạt động như xe cứu thương. Đối lập với họ là các chính trị gia ở Maharashtra và Gujarat, những kẻ đã được trông thấy là tích trữ thuốc và oxy thiết yếu để bán với giá cao trên thị trường.
“Đòi hỏi chết chóc rằng những bức màn bí ẩn về sự khó hiểu phải được xé toạc khỏi lịch sử, vì bên dưới chúng là lời giải thích rõ ràng đến đơn giản cho cuộc tàn sát này: chủ nghĩa tư bản.”
Sự phân chia lao động giết người này giữa nhà nước và người dân cần phải được đảo ngược và nhà nước buộc phải hành động thay mặt họ. Một số bước có thể được thực hiện ngay lập tức để ngăn chặn thủy triều.
- Đầu tiên, chính phủ cần viện dẫn Đạo luật Hàng hóa Thiết yếu để ngăn chặn việc tích trữ các loại thuốc thiết yếu, oxy, v.v. của các doanh nghiệp săn mồi.
- Thứ hai, nhà nước nên chỉ huy các không gian để thiết lập các bệnh viện dã chiến và mở các khách sạn cho những người không có nhà để ở.
- Thứ ba, chính phủ cần đầu tư tiền vào sản xuất vắc xin ngay lập tức và thực hiện các bước để làm cho vắc xin trở nên miễn phí và phổ cập. Định giá chênh lệch của những loại thuốc này, do các tập đoàn như SII thiết lập, cần phải được loại bỏ và vắc xin được sản xuất miễn phí cho tất cả mọi người và phân phối theo mức độ dễ bị tổn thương, chứ không phải kích thước ví tiền hoặc khả năng kiếm lời.
- Thứ tư, trong khi Anthony Fauci đã khuyến nghị một biện pháp ngăn chặn cứng rắn, thì ở một quốc gia như Ấn Độ, bước đi này không nhân đạo và không hiệu quả nếu không có một khoản chi trả kích thích từ nhà nước cho các gia đình cho phép họ nghỉ việc. Những nơi có thể và nên có một cuộc cấm vận cứng rắn là các cuộc tụ họp tôn giáo và xã hội, một trong những cuộc tụ họp gần đây, được chính phủ ca ngợi là an toàn, chắc chắn là một nơi rất phổ biến.
- Thứ năm, các quỹ đại chúng huy động được để đối phó với Covid-19 nên được cung cấp ngay lập tức theo cách công khai và minh bạch. Trong làn sóng đầu tiên vào năm ngoái, chính phủ Modi đã thành lập Quỹ Hỗ trợ Công dân và Cứu trợ trong các Tình huống Khẩn cấp (PM-CARES) của Thủ tướng Chính phủ để đối phó với cuộc khủng hoảng. Hơn 70% quỹ của nó đã được quyên góp bởi các đơn vị khu vực công, nhưng PM-CARES được thiết lập để không chịu trách nhiệm trước các cuộc kiểm toán của chính phủ và do đó là công chúng. Trong thực tế, không ai biết những khoản tiền này được sử dụng như thế nào.
- Cuối cùng, Cánh tả quốc tế, đặc biệt là ở Bắc bán cầu, có một vai trò quan trọng: chúng ta cần gây áp lực buộc các giai cấp thống trị của chúng ta ngừng tích trữ vắc-xin. Chủ nghĩa đế quốc vắc-xin có thể có tác dụng với các nước giàu trong ngắn hạn, nhưng nó cho phép vi-rút đột biến ở những nơi trên thế giới không có vắc-xin và cuối cùng quay trở lại tấn công những người tích trữ. Chủ nghĩa quốc tế trong trường hợp này không chỉ là một nguyên tắc chính trị, nó là một nhu cầu sức khỏe cộng đồng.
Cháu gái 13 tuổi của tôi và bà mẹ gần 80 tuổi ở Delhi đã sợ hãi mỗi lần nhấc điện thoại lên vì sợ biết thêm mất mát.
Tôi cảm thấy cần phải hành động nhiều hơn là ngôn ngữ để truyền tải quy mô của cuộc khủng hoảng này. Làm thế nào để truyền tải cái cảm giác không khí đã bão hòa với tro cốt của các thi thể bị hỏa táng? Làm thế nào để truyền tải được tiếng khóc của người mẹ vừa mất con? Nhưng chúng ta phải sử dụng lời nói của mình, lớn tiếng hơn bao giờ hết. Sự chết chóc đòi hỏi phải xé bỏ những bức màn bí ẩn của sự khó hiểu khỏi lịch sử, vì bên dưới chúng là lời giải thích rõ ràng tầm thường cho cuộc tàn sát này: chủ nghĩa tư bản.
Khi cố gắng ổn định cuộc sống ở Ấn Độ, chúng ta cần liên tục nhắc nhở bản thân rằng chúng ta không còn đủ khả năng để ổn định hệ thống.
Tithi Bhattacharya, Spectre Journal, 3 tháng 5 năm 2021