TÍNH QUỐC TẾ CỦA CHỦ NGHĨA MARX

– Chủ nghĩa Marx phải được đặt trên nền tảng của chủ nghĩa quốc tế, hoặc thế hoặc nó không còn là chính nó nữa –



Điều này không đơn thuần xuất phát từ cảm tính, rằng những người theo chủ nghĩa Marx căm ghét mọi sự áp bức và sẵn sàng đấu tranh chống lại chúng cho dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, mà nó xuất phát từ tính quốc tế của giai cấp công nhân và chủ nghĩa tư bản, trật tự mà nó muốn đấu tranh để lật đổ.

Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản đã lật đổ tất thảy những kìm hãm hẹp hòi của chế độ phong kiến, tạo ra các quốc gia dân tộc và kết nối các nền kinh tế trong một thị trường thế giới, sự phân công lao động thế giới và giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Tinh thần cách mạng thuở ban đầu của nó đã thúc đẩy sự phát triển tột bậc của lực lượng sản xuất nhân loại và đặt nền móng cơ sở vật chất cả về công nghiệp và kỹ thuật cho sự phát triển của một xã hội không còn giai cấp, xã hội xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến tột cùng với chủ nghĩa đế quốc, khi phần lớn nền kinh tế thế giới nằm dưới sự cai trị của một nhúm tập đoàn độc quyền khổng lồ, sự cạnh tranh giữa chúng, sự ngột ngạt của những đường biên giới quốc gia dân tộc và sở hữu tư nhân chẳng những trở thành những chướng ngại to lớn cho sự phát triển và tiến bộ của nhân loại mà còn đặt nhân loại bên bờ diệt vong với hai cuộc đại chiến thế giới. Chỉ có lật đổ chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới thông qua sự đoàn kết của giai cấp công nhân trên toàn thế giới chúng ta mới có hy vọng phá tan những gông cùm này.

Điều này đã được ý thức bởi cả Marx và Engel, những cha đẻ của chủ nghĩa Marx, vì lẽ đó mà họ đã thành lập nên Quốc tế thứ nhất vào năm 1860. Quốc tế thứ nhất mặc dù đã có một khởi đầu tuyệt vời nhưng cùng với sự thất bại của Công xã Paris năm 1871 và những chia rẽ, bất đồng nội bộ với những người Vô trị, cuối cùng đã dẫn đến sự giải thể không thể tránh khỏi vào năm 1876.
Năm 1889, Quốc tế thứ hai ra đời, lúc này bao gồm chủ yếu là các tổ chức quần chúng của giai cấp vô sản ở châu u như Đức, Ý, Pháp. Thật không may, sự phát triển nhanh chóng của nó diễn ra trong khuôn khổ sự trỗi dậy hữu cơ của chủ nghĩa tư bản, điều đã gây ảnh hưởng lên các lực lượng dẫn đầu và đưa trào lưu cơ hội chủ nghĩa vào hàng ngũ của nó. Marx đã mất trước đó vài năm, năm 1883 để lại Engels đơn độc chiến đấu chống lại các khuynh hướng thỏa hiệp. Sự ra đi của ông vào năm 1895 đã góp phần khiến cho Quốc tế thứ hai trượt dài vào con đường cơ hội, thỏa hiệp với chủ nghĩa tư bản mà lên tới đỉnh điểm khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, khi các các nhà lãnh đạo ở mỗi nước từ bỏ chủ nghĩa quốc tế và đứng về phía giai cấp tư bản ở nước họ. Những người Marxist trung thành với chủ nghĩa quốc tế bị giảm xuống thành còn một nhúm khi hội nghị Zimmer Wald diễn ra vào năm 1915 – Lenin và Trotsky ở Nga, Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht ở Đức, John Mcclane, James Connolly…

Cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất cũng phơi bày mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa tư bản thế giới, nước Nga. Đế quốc Nga mặc dù là một trong những đế quốc đầu sỏ nhưng cho đến đầu thế kỷ XIX vẫn là một quốc gia lạc hậu về nhiều mặt so với các nước tư bản châu Âu khác. Tuy nhiên sự tiếp thu những tiến bộ công nghiệp hàng đầu thế giới thông qua đầu tư của tư bản nước ngoài đã tạo nên một giai cấp công nhân Nga tuy nhỏ bé nhưng tập trung, trinh nguyên và cởi mở với những tư tưởng cách mạng. Nước Nga trở thành một ví dụ tuyệt vời cho quy luật của sự phát triển không đồng đều và kết hợp một cách biện chứng. Những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân chủ – tư sản ở Nga chỉ có thể được giải quyết bởi việc giành lấy quyền lực của giai cấp công nhân.

Tháng 2 năm 1917, cách mạng đã lật đổ Sa hoàng nhưng lại trao chính quyền vào tay tư sản và những người menshevik, những người đã chứng tỏ mình có khả năng giải quyết bất kỳ nhiệm vụ nào mà cách mạng đặt ra, nước Nga vẫn ở trong cuộc chiến và bóng ma phản cách mạng đang trực chờ. Quần chúng với kinh nghiệm của năm 1905 đã thành lập các Xô Viết trên cả nước, tạo thành ‘quyền lực kép’ đối diện với chính phủ lâm thời của Kerensky. Trong chín tháng, dưới sự lãnh đạo của Lenin, những người Bolshevik đã thu phục được phần lớn giai cấp công nhân và nông dân nghèo về phe mình và tiến tới Cách mạng tháng Mười với khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô viết!”

Những cha đẻ của Cách mạng tháng Mười tin với tất cả sự chân thành rằng nó chỉ là sự khởi đầu cho cuộc cách mạng thế giới, họ hiểu rằng nếu cuộc cách mạng không được mở rộng ra các nước, nếu nó bị cô lập trong một nước Nga lạc hậu, cách mạng sớm muộn sẽ bị diệt vong. Tháng 11 năm 1918, cuộc cách mạng ở Đức đã thành công trong việc lật đổ các chế độ quân chủ của Đức và Áo-Hung, Đế chế đã sụp đổ nhưng không may là không có đảng Bolshevik nào ở đó để lãnh đạo cuộc cách mạng và nó đã bị thất bại. Tháng 1 năm 1919, Luxemburg và Liebknecht bị sát hại bởi phản cách mạng. Qua năm sau cộng hoà Xô Viết Hungary cũng sụp đổ.

Nỗ lực để mở rộng cuộc cách mạng khó khăn hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu, các đảng cách mạng quần chúng cần thời gian để xây dựng và những người lãnh đạo của chúng phải được rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm, chỉ có như vậy mới có hy vọng thành công. Tháng 3 năm 1919, Quốc tế thứ ba được thành lập. Và thử thách đầu tiên của nó là Hành động tháng 3 ở Đức khi những người cộng sản trẻ nỗ lực kích động một cuộc nổi dậy quá sớm và do đó thất bại. Hậu quả của nó đã được thảo luận tại Đại hội lần thứ ba của Quốc tế cộng sản, và chính trong bối cảnh này mà Lenin đã viết tác phẩm nổi tiếng của mình, “chủ nghĩa cộng sản tả khuynh: Một rối loạn ở trẻ sơ sinh”. Các cuộc thảo luận đã diễn ra trong bầu không khí lành mạnh, không giáo điều, từ đó bài học được rút ra và đường lối chung được đúc kết. Quả thực những bài học được đúc kết từ 4 kỳ đại hội đầu tiên của nó cho đến ngày nay vẫn còn vô cùng giá trị với bất kỳ tổ chức cách mạng cộng sản nào.

Ngay sau cách mạng tháng Mười, nước Nga Xô Viết đã phải đối mặt với sự thù địch của các nước đế quốc và trong suốt 5 năm sau đó nó đã phải đối mặt với sự can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc cũng như nội phản. Nó đã trở thành một “pháo đài bị cô lập”, chỉ có lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh của những người cộng sản và sự ủng hộ của giai cấp công nhân quốc tế mới cứu cho nó thoát khỏi sự thất thủ. Cách mạng đã chiến thắng và ngẩng cao đầu, các nước đế quốc đã phải cuốn gói về nước, nhưng chiến tranh cũng để lại những vết thương nặng nề cho cả nước Nga Xô Viết và đảng Bolshevik. Nhiều chiến sĩ cách mạng trẻ đã ngã xuống nơi tiền tuyến trong khi những người còn lại mệt mỏi và chùn bước, Đảng bị gặm nhấm bởi tệ quan liêu và người ta bắt đầu nói về khả năng xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong một nước duy nhất, nước Nga lạc hậu.

Những mâu thuẫn âm ỉ trong nội bộ đảng bắt đầu bùng lên với việc Trotsky bị gạt ra bên lề, nước Nga Xô Viết cùng với Quốc tế cộng sản được đặt dưới sự chèo lái của cỗ xe tam mã Zinoviev, Kamenev và Stalin. Đầu năm 1923, một cuộc khủng hoảng mang tính cách mạng bắt đầu chín muồi ở Đức khi Pháp chiếm đóng Ruhr, kinh tế rơi vào siêu lạm phát và người dân đổ ra đường phố trong sự tức giận, Đảng cộng sản Đức đã có một cơ hội để đưa cách mạng tiến về phía trước nhưng nó đã do dự. Các nhà lãnh đạo Quốc tế cộng sản lúc này thay vì sửa chữa những sai lầm của KPD lại góp phần kìm hãm nó ở thời điểm quan trọng. Nhưng tệ hơn nữa là bài học từ thất bại của năm 1923 đã không được rút ra, những thất bại của cách mạng thế giới lại càng củng cố căn bệnh quan liêu đang ngày càng ăn sâu vào chế độ Xô Viết cũng như Quốc tế cộng sản.

Những cơn bạo bệnh bào mòn dần sức chiến đấu của Lenin và ông ra đi vào tháng 1 năm 1924. Cũng chính cuối năm này, người ta mới dám ngạo nghễ công khai lý thuyết về “chủ nghĩa xã hội trong một nước”. Và Quốc tế cộng sản cũng chuyển hướng hoạt động từ nỗ lực cho một cuộc cách mạng thế giới sang bảo vệ nhà nước Xô Viết Nga. Các Đảng cộng sản ở mỗi nước ngày càng trở thành cơ quan ngôn luận cho chính sách đối ngoại của bộ máy quan liêu ở Liên Xô, sẵn sàng thực hiện những bước ngoặt 180 độ theo chỉ thị từ điện Kremlin.

Ở Trung Quốc, bài học của năm 1923 đã không được rút ra khi Tưởng Giới Thạch ngày càng bộc lộ bộ mặt phản động, hậu quả là Thảm sát Thượng Hải tháng 4 năm 1927, và người ta chỉ biết đổ lỗi cho ban lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó, Trần Độc Tú đã phải chịu chung số phận như Brandler của đảng Cộng sản Đức. Và ngay cả sau thất bại này, người ta lại tiếp tục lặp lại sai lầm của năm 1921 mà bài học đã được rút ra từ Đại hội 3 của Quốc tế Cộng sản, người ta kêu gọi một cuộc tổng khởi nghĩa khi cách mạng đang lâm vào thoái trào và những người cộng sản đã bị tàn sát trong khi các cơ sở đảng ở thành thị lần lượt bị tiêu diệt. Liên Xô đầu những năm 30 cũng bước vào cuộc khủng hoảng của riêng nó, bầu không khí Thanh trừng đã không dừng lại ở trong biên giới của Liên Xô mà lan đến Quốc tế cộng sản và các đảng cộng sản anh em. Một loạt thành viên của Quốc tế cộng sản và các đảng cộng sản anh em nằm trong danh sách thanh trừng. Chính sách “Thời kỳ thứ ba” được đưa ra để biện minh và phủi sạch vai trò của những người lãnh đạo mới trong những thất bại cũ, điều đã góp phần giúp cho chủ nghĩa phát xít thuận lợi trỗi dậy ở Đức.

Trong sự sỉ nhục cuối cùng, Quốc tế cộng sản đã bị tuyên bố giải tán vào tháng 6 năm 1943 mà không thông qua triệu tập bất kỳ một Đại hội nào, một động thái cốt chỉ để nhằm lấy lòng các nước Đồng minh tư sản.

Ngày hôm nay, nhìn vào chính sách quốc tế của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại liệu chúng ta có thể thấy được điều gì khác ngoài lợi ích quốc gia? Ngày hôm nay, khi chủ nghĩa tư bản thế giới đang lâm vào một cuộc khủng hoảng thậm chí còn trầm trọng hơn cuộc Đại khủng hoảng những thập niên 30 của thế kỷ trước và quần chúng sục sôi trong bất bình, đâu là lối thoát cho nhân loại?

Chỉ có một câu trả lời: “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại!”


List sách tham khảo thêm:

  1. Lịch sử Quốc tế Cộng sản.
  2. Cách mạng vô sản và tên phản bội Kautsky – Lenin.
  3. Năm năm đầu của quốc tế cộng sản – Trotsky.
  4. Nước Đức: Từ cách mạng tới phản cách mạng – Rob Sewell.
  5. Trung Quốc: Từ cách mạng thường trực tới phản cách mạng – John Peter Roberts.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận