#THEMANDUS: Người đói khát, kẻ viển vông ngạo mạn với tên lửa đạn đạo

Chủ nghĩa tư bản không có khả năng đảm bảo một sự tồn tại đàng hoàng và xứng đáng cho người lao động và người nghèo, nhưng lại thừa sức cung cấp sự xa hoa không tưởng cho giới thượng lưu. Trong khi hàng tỉ người chật vật vì miếng ăn, giới tỉ phú thưởng thức nem công chả phượng như hoàng gia. Những nhu cầu cơ bản của cuộc sống ngày càng khó đáp ứng, nhưng các chính phủ tư bản cứ bơm hàng tỉ đô vào các công cụ hủy diệt hàng loạt. Như Marx đã viết, đây chính là nền kinh tế của trại điên.

 

Trong những tuần gần đây, chúng tôi đã bàn về cách mà lạm phát tăng cao, giá năng lượng chạm tới ngưỡng cao tàn bạo hay cuộc khủng hoảng nhà ở ngày càng sâu sắc đang đè nặng lên vai giai cấp lao động từ hết nước này qua nước khác. Và trong khi đó, giới nhà giàu, không si nhê gì về việc phải bỏ ra thêm vài hào vào ăn uống và khí đốt, lại đang vung tiền vào những buổi ‘trị liệu tâm lý’ xa xỉ để ăn mừng sự kết thúc của đại dịch.



NHỮNG KẺ TIÊU KHỦNG

 

Dựa trên tình trạng hiện giờ, thị trường hàng xa xỉ toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng từ 349,1 tỉ USD vào năm 2022 lên đến 419 tỉ USD vào năm 2027. Chẳng hạn như thị trường hàng không tư nhân đang được giới siêu giàu thúc đẩy mạnh gần đây. Theo Darren Banman, giám đốc điều hành công ty Discovery Jets: “Tôi đã làm việc trong thị trường phi cơ phản lực tư nhân được 10 năm qua, cũng như là trong thị trường hàng không thương mại được 22 năm, và tôi chưa bao giờ chứng kiến việc kinh doanh phi cơ tư nhân đạt đến mức này cả.”

 

Những nhân vật nổi tiếng như Taylor Swift, Drake hay Kylie Jenner gần đây đều hứng chịu chỉ trích vì thường xuyên đáp những chuyến bay chỉ kéo dài vỏn vẹn 20 phút, thải ra một lượng lớn khí carbon vào môi trường, trong khi người phàm còn đang chật vật vì từng giọt xăng để đổ đầy bình. Những hành khách hạng sang còn được hưởng những đặc quyền như vận chuyển mặt đất chuyên dụng, dép hàng hiệu, kem đánh răng đắt tiền hay thậm chí là phi cơ riêng cho thú cưng của họ. NetJets và XO, hai công ty bán quyền sở hữu phân đoạn máy bay tư nhân với giả khởi điểm từ 240.000 USD một năm, cho biết họ có thể phục vụ lợn cưng, mèo, chim và thằn lằn.

 

Và những kẻ tiêu khủng nhất không nhất thiết chỉ giới hạn ở những nước tư bản phát triển. Ấn Độ bị vùi dập không thương tiếc bởi đại dịch, và chịu trách nhiệm cho một phần ba số người mới bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực trên toàn thế giới trong hai năm qua. Tuy nhiên, cùng lúc đó, theo Business Today ghi nhận:

 

“Giới nhà giàu Ấn Độ đang vung tiền không thương tiếc. Phong trào “chi tiêu trả thù” sau lúc đại dịch dần được kiểm soát và các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ vào năm ngoái giờ đây đã trở thành một xu hướng chi tiêu rầm rộ, hàng hàng lớp lớp những người Ấn đổ xô vào những khu biệt thự đang mọc lên khắp nơi, những kỳ nghỉ xa hoa với những món hàng trang sức, đồng hồ đeo tay xa xỉ, những bữa yến tiệc cao cấp và hơn thế nữa.”

 

Số lượng những người được gọi là ‘cá nhân có giá trị ròng cực cao’ ở Ấn Độ (với khối tài sản vượt quá 30 tỷ USD) đã tăng 11% từ năm 2020 đến năm 2021 và dự kiến sẽ tăng 39% vào năm 2026. Thị hiếu đắt tiền của họ đã giúp các thương hiệu như Vuitton, Hennessy, hay Moet & Chandon kiếm được 8,6 tỷ bảng Anh lợi nhuận từ thị trường Ấn Độ chỉ riêng trong nửa đầu năm 2022, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi giới nhà giàu vung tiền vào xe thể thao và rượu sâm panh, tình trạng của đại đa số người lao động và người nghèo đang suy thoái nhanh chóng.

 

CƠN ĐÓI QUẰN QUẠI

 

Cuộc chiến ở Ukraina đã có những tác động trực tiếp lên thị trường lương thực toàn cầu. Những đợt tăng giá lương thực đã góp phần đẩy hơn 70 triệu người vào cảnh thiếu đói suốt 12 tháng qua. Ở châu Phi (nơi từng nhập khẩu 44% số lúa mì từ Nga và Ukraina), 278 triệu người – một phần năm tổng dân số – đã chịu thiếu đói vào năm 2021, tăng 50 triệu người kể từ năm 2019. Tổng số người phải chịu đói dự kiến tăng lên đến 310 triệu vào năm 2030.

 

Nhưng trong khi người dân chết dần chết mòn vì đói, một thiểu số ký sinh đang gặt hái lợi nhuận khủng. Theo một báo cáo của IPES Food, việc đầu cơ vào hợp đồng tương lai thực phẩm đã thúc đẩy doanh thu giao dịch tăng thêm tận 4 tỉ bảng Anh cho 5 ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới sau cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2, làm trầm trọng thêm sự gia tăng nghèo đói toàn thế giới bằng cách đẩy chi phí thực phẩm lên cao hơn nữa. Giới giàu đang cướp cơm từ miệng người nghèo theo đúng nghĩa đen.

 

Thậm chí ở các nước tư bản phát triển, tác động của cuộc lạm phát lương thực vừa trầm trọng vừa không đồng đều. Các hộ khá giả không thực sự chịu tác động đáng kể từ việc các mặt hàng thực phẩm cơ bản như bánh mì hay mì Ý tăng giá, nhưng những hộ gia đình lao động hay nghèo bị chịu tổn hại rất nặng nề.

 

Theo một nghiên cứu gần đây cho thấy, trên trung bình người dân Mỹ tin rằng giá thực phẩm đã tăng khoảng 23%, cao hơn gần 10 điểm so với con số lạm phát cơ bản thực tế. Trong cùng nghiên cứu, 64% số người tiêu dùng khẳng định gặp phải khó khăn trong việc lo toan chi phí phát sinh bất ngờ, 31% buộc phải bỏ bữa hoặc cắt giảm lượng tiêu thụ hàng ngày, và 18% báo cáo đã không có đủ ăn trong suốt 12 tháng qua.

 

Ở Anh, hàng triệu người đang dần làm quen một cách nghiệt ngã với việc phải lựa chọn giữa sưởi ấm và ăn uống. Giá năng lượng cao ngút trời, và lạm phát nhu yếu phẩm đã đạt mức cao kỷ lục 13,9% vào tháng 9, với hộ gia đình trên trung bình phải đối mặt với mức tăng vọt đến 643 bảng trong hóa đơn nhu yếu phẩm hàng năm của họ. Vài người lựa chọn luộc thay vì chiên đồ ăn của họ, cũng như là tắt tủ lạnh và tủ đông để cắt chi phí.

 

Nhiều người khác đơn giản là chịu nhịn đói. Mức thiếu đói đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm, với 10 triệu người lớn và 4 triệu trẻ em không thể ăn đủ bữa một cách bình thường vào tháng 9. Một báo cáo của TUC đã cho thấy cứ 7 người Anh có 1 người thường xuyên bỏ bữa. Victoria, một bà mẹ đơn thân với mức thu nhập thấp được phỏng vấn bởi tờ the Guardian, đã nói về cách cô phải thường xuyên bỏ bữa để đảm bảo con cô không bị đói:

 

“Đa số người không biết thế nào là đói. Họ nghĩ: ‘Chà, lâu lâu thiếu một bữa đúng là không dễ gì.’ Họ không biết thế nào là cảm giác trống rỗng trong bụng, những đau nhức ở xương khớp, cảm giác đầu óc mờ tịt quay cuồng như thể sắp nổ tung đến nơi. Càng đói bạn càng nghĩ nhiều về nó. Có những lúc tôi cảm giác như tôi sẵn sàng làm bất cứ thứ gì – bất cứ thứ gì – vì bữa ăn.”

 

Có những báo cáo về việc các tổ chức từ thiện ở London phải hỗ trợ cả chi phí di chuyển cho nhiều người để họ có thể đến các ngân hàng thực phẩm. Một ngân hàng thực phẩm bận rộn ở Nam London đã chứng kiến số lượt khách tăng từ 530 người lớn với 183 người phụ thuộc vào tháng 8 năm ngoái, lên đến 843 người lớn cùng với 372 người phụ thuộc vào cùng kỳ năm nay. Một video lan truyền gần đây cho thấy một người phụ nữ làm việc ở căng tin trường học đã vỡ òa xót xa sau khi thừa nhận rằng cô ấy thường xuyên phải đuổi các đứa trẻ đi vì phụ huynh chúng không thể trả cho bữa ăn của chúng:

 

“Ngay trước kỳ nghỉ hè, từ khi chi phí sinh hoạt thực sự bắt đầu tăng cao, tôi để ý rằng tôi đang lấy đi đồ ăn từ miệng đám trẻ nhiều bằng việc cung cấp đồ ăn cho chúng. Chúng nhìn tôi kiểu, ‘giờ thì cháu lấy gì ăn đây?’… ‘Cô xin lỗi, cô không có gì cho mấy đứa cả’. Chuyện này trầm trọng đến mức tôi nghĩ tôi không thể tiếp tục công việc này nữa. Tôi không làm công việc này để ép đám trẻ phải chịu đói.”

Có lẽ sẽ dễ chịu hơn phần nào khi ta nhận ra, thực chất nhịn đói một xíu sẽ rất tốt cho đám trẻ! Hay ít nhất đó là theo tờ báo cánh hữu Telegraph khẳng định. Một bài báo trong mục lối sống gần đây với nhan đề “Vì sao đôi khi chịu đói sẽ có lợi cho chúng ta” trình bày nghiên cứu mới đột phá cho thấy những lợi ích sức khỏe của việc “cho cơ thể nghỉ ngơi khỏi việc ăn uống”. Các phát ngôn viên của giai cấp thống trị Anh đã chính thức vượt mặt Marie Antoinette mà tuyên bố: “cho chúng ăn không gì cả.”

 

Lời khuyên sức khỏe của Telegraph dường như không được các chính trị gia Anh quan tâm cho lắm khi mà họ đã quẳng đi 2,6 triệu suất ăn tối chỉ riêng vào năm ngoái, sau khi 17 triệu bảng tiền thuế của dân được trích ra để trợ cấp cho các quán bar và nhà hàng ở Hạ viện. Thực đơn của các nghị sĩ trong quốc hội, được hầu bao công hỗ trợ khoáng đạt, bao gồm các món thịnh soạn như thịt lợn ba chỉ nấu chín và thịt vai om, bánh rissole nho khô vàng, rau celeriac và bánh dauphinoise Colston Bassett, bắp cải savoy, thạch lê hội nghị và sốt calvados. Quản lý công việc của guồng máy tư bản hẳn là phải mệt nhọc lắm đấy!

 

THẮT LƯNG BUỘC BỤNG 2.0

 

Vài người trong số những nhà tư sản cẩn trọng hơn đã nhận thức được sự nguy hiểm của bất bình đẳng leo thang trong xã hội Anh. Một bài báo gần đây của tờ Financial Times đưa ra lời cảnh báo nghiêm ngặt đối với chính phủ:

 

“Rồi sẽ đến một mức mà ở đó việc khiến cho người nghèo càng nghèo hơn trở thành một nền kinh tế giả tạo – thực chất tôi nghĩ chúng ta đã đạt đến mức đó rồi. Trên dưới ba phần tư trợ cấp trong độ tuổi lao động được chi theo một trong ba cách: bổ sung thu nhập cho người lao động có thu nhập thấp; lợi ích nhà ở để hỗ trợ trả tiền thuê nhà; và trợ cấp đối với người tàn tật, ốm đau và mất khả năng lao động. Nói cách khác, quy mô lớn của dự luật phúc lợi chính là hậu quả của các vấn đề sâu xa của nước Anh về việc lương thấp, chi phí nhà ở cao và sức khỏe kém.”

 

Trước cảnh người dân chật vật kiếm chác hoặc hầu như không có khả năng chi trả cho cả những nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống, chủ tịch đảng Bảo thủ Jake Berry đã có lời khuyên vô cùng hữu ích như sau: “Mọi người nên biết rằng khi hóa đơn của họ tăng cao, họ có thể hoặc là cắt giảm tiêu thụ, hoặc là kiếm việc khác có lương cao hơn, họ nên ra ngoài đó và kiếm việc làm mới đi thôi chứ.” Đương nhiên là thế! Làm sao ta lại không nghĩ ra được nhỉ?

 

Một báo cáo gần đây cho thấy rằng 330,000 ca tử vong vượt quá mức dự báo ở Anh có thể bị trực tiếp gây ra bởi các chính sách thắt lưng buộc bụng, với nhiều người tử vong vì sức khỏe kém, dinh dưỡng và nhà ở kém cũng như là cô lập xã hội. Giờ đây, một đợt thắt lưng buộc bụng khác đang lao về phía chúng ta, sẵn sàng tàn phá thêm cuộc sống của người lao động và người nghèo.

 

Hiện giờ tồn tại một khoản thâm hụt 70 tỉ bảng Anh trong khoản tài chính công cần được lấp đầy trở lại, dù là qua việc tăng thuế (nếu vậy các công ty sẽ bắt đầu đẩy thiệt hại sang công chúng qua việc tăng giá), cắt giảm chi tiêu dịch vụ công, hoặc (rất có thể) là cả hai.

 

Người dân chỉ chịu đựng nổi bằng đó là cùng. Các công nhân khắp nước Anh đang chuẩn bị vùng lên đấu tranh với làn sóng các cuộc đình công rầm rộ diễn ra nhằm chống lại cuộc đồ sát của giai cấp thống trị lên mức lương và mức sống của người lao động. Cuộc khủng hoảng sâu sắc của chủ nghĩa tư bản, kèm với thứ lãnh đạo chính trị kém cỏi nhất trong nhiều năm trở lại đây, đang dần đẩy tới một cơn địa chấn đấu tranh giai cấp. Tầng lớp thống trị hãy cảnh tỉnh.

 

CHIẾN TRANH: LỢI NHUẬN KHỦNG KHIẾP

 

Trong khi chủ nghĩa tư bản thất bại toàn tập trong việc chu cấp cho người dân phương tiện để duy trì cuộc sống, nó lại đang đầu tư hàng tỉ đô vào hàng loạt các phương thức để kết liễu sự sống, tất cả trên danh nghĩa bảo vệ ‘dân chủ’ chống lại ‘sự gây hấn của Nga’. Mỹ đã cung cấp hơn 15 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraina kể từ đầu năm, trong khi các nước EU đã cam kết chung hơn 200 tỷ euro cho chi tiêu quốc phòng bổ sung. Toàn bộ số tiền khổng lồ này, nó sẽ không bao giờ đi tới các trường học, bệnh viện hay nhà ở, mà sẽ là đổ vào túi các nhà sản xuất vũ khí.

 

Tất cả các công ty trong lĩnh vực quốc phòng đều chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng cao kể từ khi Nga xâm lược Ukraina: Thales tăng 35%, BAE Systems tăng 32%, Lockheed Martin tăng 14%, AeroVironment tăng tới 63%. Cho đến nay Lockheed Martin đã vận chuyển 16 hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS) cho Ukraine, với chi phí 3,8 triệu USD cho mỗi bệ phóng và khoảng 100,000 USD cho mỗi tên lửa. Rheinmetall, một nhà sản xuất xe tăng và pháo của Đức được kỳ vọng sẽ có doanh số bán hàng của họ tăng tới 25% vào năm 2022 và 2023. Hơn nữa, chính phủ Đức cũng đã cho biết họ sẽ mua 35 máy bay chiến đấu F-35, cũng là do Lockheed Martin sản xuất, với chi phí trọn đời ước tính là 1,6 nghìn tỷ USD.

 

Những tay buôn tử thần này thường có kết cấu trực tiếp với các chính phủ. Ví dụ, một cuộc điều tra gần đây của openDemocracy đã cho thấy 50 nhân viên nhận lương từ các công ty vũ khí toàn cầu có làm việc bên trong Bộ Quốc phòng Anh, bao gồm 9 nhân viên được biệt phái dài hạn từ nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Anh, BAE. Công ty này đã bán số vũ khí trị giá lên đến 15 tỷ bảng Anh cho Ả Rập Xê-út kể từ khi nước này bắt đầu cuộc chiến đẫm máu của nó trên đất Yemen. Sở dĩ là để trang bị cho lực lượng của phe văn minh dân chủ rồi.

 

HỒI CHUÔNG CÁO CHUNG CHO CHỦ NGHĨA TƯ BẢN?

 

Trước lúc đâm đầu vào con đường phản bội, Karl Kautsky đã viết về cách mà trong những ngày tháng lâm chung của Cộng hòa La Mã, giai cấp chủ nô thống trị đã chìm mình không ngừng trong những lạc thú ngày càng xa hoa với những pha phô diễn của cải ngày càng ngạo mạn, dù cho sự nghèo đói và bần hàn ngày càng rậm rộ ở khắp mọi nơi, và dù cho hồi kết cho số phận của họ đang đến ngay trước mắt:

 

“Từng núi của cải khổng lồ cứ thế tuôn vào thành Roma với mục đích duy nhất là để thỏa mãn thứ khoái cảm vô bờ bến của giới nhà giàu; họ cứ thế đâm mình vào từ hết yến tiệc này đến dạ hội kia, cứ thế quăng tay vung từng nắm đầy số của cải thặng dư còn vất vưởng – sở dĩ tiền nhiều như thế thì một mình tiêu sao cho ngoa. Các nghệ sĩ hay học giả bu lấy từng đoàn xung quanh các ông bầu như Maecenas mà nhận được những khoản trợ cấp hào phóng; các công trình khổng lồ nguy nga tráng lệ mọc lên như nấm; toàn thế giới vã ra của cải như thể mồ hôi từ từng lỗ chân lông – mà lạ thay xã hội này khi ấy đã lủng lẳng trên bờ vực cáo chung.”

 

Giờ đây, ta thấy chủ nghĩa tư bản trong một vị thế tương tự. Chúng ta đang phải đối mặt với một hiện thực đầy mâu thuẫn nơi lượng của cải được tạo ra giờ đây lớn hơn bao giờ hết nhưng hàng tỷ người lại phải chật vật để sống sót. Giới thượng lưu tích trữ không ngừng các núi tài sản khổng lồ trong khi quần chúng phải chịu đựng gian khổ khốn khó thường trực – sự bất bình đẳng không thể lẫn vào đâu này giờ đây đang khuấy động lên một cơn sóng thần trắng xóa đầy tức tối và căm hận.

 

Trong khi đó, những kẻ đại diện của tầng lớp thống trị ngày càng trở nên đồi bại, tham lam và ngu xuẩn hơn bao giờ hết. Chúng hoàn toàn bị cắt đứt khỏi thực tế đời sống hàng ngày của nhân dân, câm điếc và mù quáng trước sự khổ đau của họ; chúng thổi bùng cơn hung bão của sự căm hờn khi một mặt, chúng ngạo mạn khoa trương núi tiền của chúng, và mặt khác, chúng đi truyền giáo lại cho người nghèo, bảo phải chấp nhận hi sinh vì ‘mục đích chung’. Và những nhà tư sản sáng dạ hơn họ chìm sâu trong tuyệt vọng trước cảnh từng trụ cột vách tường của xã hội tư bản đang sụp đổ trước mắt họ. Họ bất lực để làm bất cứ thứ gì, bởi lẽ bản thân toàn bộ hệ thống tư bản đang trên đà thoái trào không thể đảo ngược.

 

Rosa Luxemburg đã giải thích số mệnh nhân loại chỉ còn hai con đường duy nhất còn sót lại: chủ nghĩa xã hội hay là vực thẳm man rợ. Khi bờ vực ngăn cách càng ngày càng rộng thêm giữa chúng và ta, cuộc chiến để quyết định số mệnh nhân loại tiến bước trên con đường nào phải rơi vào tay giai cấp lao động, họ phải đứng lên đấu tranh, phải mau xóa sạch tan tành chế độ gỉ sét này mà vun đắp lên một xã hội mới trước khi mọi thứ là quá muộn.


Joe Attard, IMT,

 Người dịch: Levy Nguyen

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận