Bản thảo kinh tế triết học (1844) – Giới thiệu và lời tựa

*Giới thiệu

 Bản thảo là một loạt các ghi chú của K.Marx được viết trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1844. Nó chưa bao giờ được xuất bản khi ông còn sống mà chỉ được xuất bản lần đầu năm 1932 bởi nỗ lực của các nhà nghiên cứu Liên Xô. 

 Nó chứa đựng những phân tích sơ khai của Marx về kinh tế chính trị học, dựa trên sự tham khảo Adam Smith, phê bình triết lý của Hegel. Một nỗ lực không nhỏ của Marx để giải thích làm thế nào mà những điều kiện của xã hội công nghiệp hiện đại đã dẫn đến sự xa lánh của người công nhân với chính công việc của họ, sản phẩm của họ và giữa họ với nhau.

 Mặc dù so với những bài viết về sau của ông những phân tích này còn sơ khai, lối văn giản dị, nhưng  đây là một văn bản quan trọng để giúp ta hiểu được toàn bộ suy nghĩ của K.Marx và đó là lý do quan trọng mà chúng tôi mong muốn giới thiệu nó rộng rãi đến bạn đọc.

 


*Mục lục Bản thảo

[Bản thảo thứ nhất]

1. Tiền công

2. Lợi nhuận tư bản 

  • Tư bản.
  • Lợi nhuận tư bản.
  • Sự thống trị của tư bản đối với lao động và động cơ của nhà tư bản.
  • Tích luỹ tư bản và cạnh tranh giữa các nhà tư bản

3. Địa tô

[Bản thảo thứ hai]

Lao động bị tha hoá.

[Quan hệ sở hữu tư nhân.]

[ Bản thảo thứ ba]

  • Bản chất của chế độ tư hữu trong sự phản ánh của kinh tế chính trị học.
  • Chủ nghĩa cộng sản.
  • Nhu cầu, sản xuất và phân công.
  • Tiền
  • Phê phán phép biện chứng và triết học nói chung của Hê-ghen.


*LỜI TỰA

 Trong “Deutsch Franzosische Jahrbucher” tôi đã hứa sẽ phê phán khoa học về pháp quyền và nhà nước dưới hình thức phê phán triết học pháp quyền của Hegel[1]. Nhưng khi sửa chữa tài liệu để đưa ra in thì thấy rằng: sự kết hợp giữa phê phán chỉ nhằm chống tư duy tư biện với sự phê phán bản thân những đối tượng khác nhau là hoàn toàn không thích đáng, sự kết hợp đó làm trở ngại tới tiến trình trình bày và gây nhiều khó hiểu. Ngoài ra, với sự phong phú và muôn mặt của những đối tượng phải khảo sát, tất cả tài liệu ấy sẽ chỉ có thể nhét vào một tác phẩm với điều kiện được trình bày một cách hoàn toàn theo lối châm ngôn, mà sự trình bày theo lối châm ngôn thì đến lượt nó lại tạo ra cái vẻ hệ thống hoá tuỳ tiện. Đó là lẽ tại sao mà tôi đã phê phán pháp quyền, đạo đức, chính trị v.v. trong một loạt những sách nhỏ riêng, quyển này nối tiếp quyển kia; và cuối cùng tôi định vạch rõ, trong một tác phẩm đặc biệt, mối liên hệ bên trong của cái toàn bộ, sự tương quan giữa các bộ phận riêng biệt và sau hết, tôi sẽ phê phán việc nghiên cứu một cách tư biện toàn bộ tài liệu ấy[2]. Vì những lý do đó, trong tác phẩm này mối liên hệ của kinh tế chính trị học với nhà nước, pháp quyền, đạo đức, sinh hoạt công dân v.v. chỉ được đề cập đến trong chừng mực mà bản thân kinh tế – chính trị học nói đến những đối tượng ấy một cách chuyên môn (ex professo *)

 Đối với độc giả đã quen với kinh tế – chính trị học, tôi không cần phải đoán chắc rằng tôi đã đi đến các kết luận của tôi bằng con đường phân tích một cách hoàn toàn kinh nghiệm dựa trên việc nghiên cứu kinh tế – chính trị học một cách có phê phán và trung thực.

< Để che giấu sự dốt nát hoàn toàn và sự nghèo nàn về tư tưởng của mình, nhà phê bình ngu dốt (Ý chỉ B.Bau-ơ) làm đinh tai nhức óc nhà phê phán tích cực bằng những cách nói như "câu cú không tưởng" hay những cách nói khác nữa như "sự phê phán hoàn toàn thuần tuý, hoàn toàn kiên quyết, hoàn toàn có tính chất phế phán", hay "xã hội không chỉ là có tính chất pháp quyền, mà là có tính chất xã hội, có tính chất hoàn toàn xã hội", hoặc "khối đông có tính chất quần chúng đông đúc", hoặc "nhà hùng biện của khối đông có tính chất quần chúng ". Nhà phê bình đó[3] trước hết còn phải đưa ra chứng cớ để chứng minh rằng ngoài công việc thần học trong gia đình ra, anh ta còn có quyền đòi tham gia vào việc thảo luận cả những công việc thế tục nữa.>* (Những đoạn nằm trong ngoặc nhọn thì trong bản thảo đã bị gạch bỏ*)

 Dĩ nhiên, ngoài những tác phẩm của những người xã hội chủ nghĩa Pháp và Anh ra, tôi còn sử dụng cả những tác phẩm của những người xã hội chủ nghĩa Đức nữa[4]. Nhưng những tác phẩm có nội dung phong phú và độc đáo của người Đức trong lĩnh vực khoa học đó – không kể tác phẩm của Vai-tlinh – quy lại chỉ là những bài luận văn của Hét-xơ ở trong tập sưu tập "Hai mươi mốt tờ"[5]"Đại cương phê phán kinh tế chính trị học" của Ăng-ghen, đăng trong "Deutsch Franzosische Jahrbucher"[6], trong đó tôi cũng đã từng vạch ra dưới hình thức chung nhất những yếu tố đầu tiên của tác phẩm này[7].

< Ngoài những tác giả nghiên cứu kinh tế chính trị học một cách có phê phán ra, sự phê phán tích cực nói chung, và do đó cả sự phê phán tích cực của người Đức đối với kinh tế chính trị học cũng đều nhờ vào những phát hiện của Phoi-ơ-bắc mới có được cơ sở chân chính. Tuy nhiên, một sự cố tình im hơi lặng tiếng thật sự do sự đố kỵ nhỏ nhen của một số người này và sự phẫn nộ chân chính của một số người khác gây nên, có thể nói là đã được dựng lên để chống lại "Triết học tương lai""Luận cương cải cách triết học" in trong "Anekdota" của ông[8] – mặc dầu những tác phẩm ấy được ngầm sử dụng.>

 Sự phê phán nhân bản chủ nghĩa và tự nhiên chủ nghĩa có tính chất tích cực chỉ bắt đầu từ Phoi-ơ-bắc[9]. Ông càng ít làm rùm beng thì ảnh hưởng của những tác phẩm của ông càng xác thực, càng sâu sắc, càng rộng rãi và càng vững chắc; sau "Hiện tượng học" và "Lô-gích học" của Hê-ghen thì đó là những tác phẩm duy nhất bao hàm một cuộc cách mạng lý luận  chân chính.

 Chương cuối cùng của quyển sách này – sự phân tích có tính chất phê phán phép biện chứng của Hê-ghen và triết học Hê-ghen nói chung – theo tôi là hoàn toàn cần thiết để đối lập với các nhà thần học phê phán hiện đại, vì một công việc như thế cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Tính chất thiếu căn cứ là số phận không tránh khỏi của họ: vì ngay cả nhà thần học phê phán cũng vẫn là nhà thần học, có nghĩa hoặc là anh ta buộc phải xuất phát từ những tiền đề nhất định của triết học như một quyền uy không bác bỏ được nào đó, hoặc là nếu trong quá trình phê phán và nhờ có những phát hiện của những người khác mà nẩy ra sự hoài nghi về tính chất đúng đắn của những tiền đề triết học ấy, thì anh ta vứt bỏ và trừu tượng hoá những tiền đề triết học ấy đi một cách hèn nhát và không có lý do, đồng thời sự nô lệ của anh ta trước những tiền đề ấy và nỗi bực tức của anh ta đối với sự nô lệ ấy giờ đây chỉ biểu hiện ra dưới một hình thức tiêu cực, vô ý thức và ngụy biện mà thôi.

< Anh ta biểu lộ mình một cách tiêu cực và vô ý thức khi hoặc là anh ta nhắc đi nhắc lại không ngớt những điều đảm bảo tính trong sáng của sự phê phán của bản thân anh ta, hoặc là để làm cho độc giả và bản thân anh ta không chú ý đến cuộc luận chiến cần thiết của sự phê phán với lòng mẹ của nó – tức phép biện chứng của Hê-ghen và triết học Đức nói chung, – không chú ý đến sự cần thiết phải khắc phục bằng sự phê phán hiện đại tính hạn chế và tính tự phát của bản thân nó, hơn nữa anh ta tìm cách tạo ra một ấn tượng tựa hồ như sự phê phán chỉ phải nhằm vào một hình thức hạn chế nào đó của sự phê phán ở bên ngoài nó – vào sự phê phán vẫn nằm, chẳng hạn, ở trình độ thế kỷ XVIII, – vào tính chất hạn chế của quần chúng. Và cuối cùng, khi có những phát hiện về bản chất của những tiền đề triết học của bản thân anh ta – như những phát hiện của Phoi-ơ-bắc, – thì nhà thần học phê phán tạo ra vẻ bề ngoài tựa hồ không phải ai khác, mà chính anh ta đã đưa ra những phát hiện ấy. Anh ta tạo ra vẻ bề ngoài đó trong khi không đủ sức làm ra được những phát hiện như vậy, một mặt, anh ta ném những kết quả của những phát hiện ấy dưới hình thức những khẩu hiệu có sẵn cho những tác giả còn bị triết học giam hãm; mặt khác, anh ta tự thuyết phục mình, rằng xét về trình độ thì anh ta thậm chí đã vượt lên trên những phát hiện ấy; anh ta vận dụng – một cách bí ẩn, ngấm ngầm, nham hiểm và hoài nghi, chống lại sự phê phán của Phoi-ơ-bắc đối với phép biện chứng của Hê-ghen – những yếu tố của phép biện chứng đó mà anh ta chưa tìm thấy trong sự phê phán ấy và anh ta chưa có sẵn để sử dụng dưới hình thức đã được nhào nặn một cách có phê phán. Bản thân anh ta không cố gắng và không đủ sức liên hệ một cách thích đáng những yếu tố ấy với sự phê phán, mà chỉ giản đơn vận dụng chúng trong hình thức vốn có của phép biện chứng của Hê-ghen. Chẳng hạn như anh ta đưa ra phạm trù sự chứng minh có tính chất môi giới chống lại phạm trù chân lý tích cực là phạm trù bắt đầu từ bản thân anh ta. Thật vậy, nhà thần học phê phán coi là hoàn toàn tự nhiên việc bản thân các nhà triết học làm mọi việc phải làm để anh ta có thể nói suông về tính thuần túy, tính kiên quyết của sự phê phán, về sự phê phán hoàn toàn có tính chất phê phán, và anh ta tự cho mình là người đã thực sự  khắc phục được triết học khi anh ta cảm thấy, chẳng hạn, rằng một nhân tố nào đó của Hê-ghen không có ở Phoi-ơ-bắc, – vì nhà thần học phê phán cũng không vượt quá giới hạn của cảm giác mà đạt tới ý thức, mặc dầu anh ta có một sự sùng bái thần tượng theo thuyết duy linh đối với "tự ý thức""tinh thần". >

 Sự phê phán có tính chất thần học trong buổi đầu của cuộc vận động là một nhân tố tiến bộ thật sự; nhưng khi khảo sát kỹ lưỡng thì nó rút cục lại không phải là cái gì khác ngoài sự hoàn thành và kết quả – đã biến chất thành bức hí họa thần học – của tính tiên nghiệm triết học cũ, đặc biệt là của tính tiên nghiệm Hê-ghen. Ở một chỗ khác, tôi sẽ trình bày tường tận sự trừng phạt có tính chất lịch sử, sự phán xét thú vị của lịch sử hiện đang dành thần học xưa nay vốn là miếng đất thối nát của triết học để vạch rõ sự tan rã tiêu cực của triết học, nghĩa là quá trình thối nát của triết học[10].

[XL]

 


*Chú thích:

[1] Mở đầu việc phê phán này là tác phẩm "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen. “Lời nói đầu’ của C.Mác (xem Toàn tập, t.1, 1995, tr.569-590). – 67.

[2] Dự định này không thực hiện được. Có lẽ, Mác không viết những cuốn sách nêu trên chủ yếu không phải vì những hoàn cảnh khách quan khác nhau mà vì ông đã thấy rõ rằng không thể tự nghiên cứu một cách khoa học những vấn đề về pháp quyền, đạo đức, chính trị và những phạm trù khác của kiến trúc thượng tầng khi chưa đưa ra được một sự phân tích khoa học về cơ sở hạ tầng của một xã hội bất kỳ nào, trong đó có xã hội tư sản, – tức là về các quan hệ sản xuất. – 67.

[3] Có ý nói đến B.Bau-ơ, người đã công bố trong nguyệt san "Allgemeine Literatur – Zeitung" hai bài nhận xét dài về các tác phẩm, các bài báo và những cuốn sách về vấn đề người Do Thái. Phần lớn những câu Mác trích dẫn ở đây được lầy từ hai bài nhận xét này, đăng trong quyển số I (tháng Chạp 1843) và trong quyển số IV (tháng Ba 1844) của báo này. Những cụm từ "lời lẽ không tưởng" và "khối đông đúc" nằm trong bài báo của B.Bau-ơ "Cái gì là đối tượng phê phán lúc này?" trong quyển số VIII của "Allgemeine Literatur – Zeitung" (tháng Bảy 1844). Việc phê phán cặn kẽ nguyệt san này về sau được Mác và Ăng-ghen đưa ra trong tác phẩm "Gia đình thần thánh hay Phê phán sự phê phán có tính chất phê phán" (xem Toàn tập, t.2, 1995). – 68.

[4] Vào thời kỳ này, ngoài tiếng Đức ra, Mác còn thông thạo cả tiếng Pháp và khá am hiểu văn học Pháp. Ông đã đọc và thường tóm lược các tác phẩm của Công-xi-đê-răng, Le-ru, Pru-đông, Ca-bê, Đê-da-mi, Bu-ô-na-rô-ti, Phu-ri-ê, La-ô-te-rơ, Vin-lơ-gác-đen và các tác giả khác. Vào nửa đầu những năm 40 Mác chưa nắm chắc được tiếng Anh và vì vậy ông chỉ có thể đọc các tác phẩm của những nhà xã hội chủ nghĩa Anh thông qua bản dịch ra tiếng Đức hoặc tiếng Pháp. Thí dụ, Mác biết đến tác phẩm của Ô-oen qua bản dịch tiếng Pháp và cả qua các tác phẩm của những tác giả Pháp trình bày quan điểm của Ô-oen. Văn bản của chính "Bản thảo kinh tế – triết học" và cả những tài liệu khác cũng không có những dấu hiệu cho thấy sự hiểu biết rộng rãi hơn đối với sáng tác của các nhà xã hội chủ nghĩa Anh, mà chỉ sau này mới thấy rõ, ví dụ trong "Sự khốn cùng của triết học" viết vào năm 1847. – 68.

[5] Ngoài tác phẩm chính của Vai-tlinh "Đảm bảo sự hài hoà và tự do" (1842), Mác chắc có ý nói đến những bài báo được công bố trong các tạp chí do chính Vai-tlinh xuất bản vào những năm 1841 – 1843, và cả tác phẩm có tính chất cương lĩnh của Vai-tlinh viết cho Liên đoàn những người chính nghĩa "Loài người, thực trạng và tương lai của nó". Trong văn tập do Ghê-oóc Héc-véc xuất bản "Einundzwanzig Bogen aus der Schweiz". Zỹrich und Winterthur, 1843 ("Hai mươi mốt tờ in gửi từ Thụy Sĩ". Xuy-rích và Vin-téc-tua, 1843) có đăng ba bài báo khuyết danh của Hét-xơ: "Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản", "Triết học của hành động", "Tự do đầy đủ và duy nhất". – 68.

[6] Xem Toàn tập, t.1, 1995, tr.747-786, – 68.

[7] Trong những bức thư Mác gửi Ru-gơ, trong các bài báo của Mác "Về vấn đề Do Thái", "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen. Lời nói đầu", công bố trên tờ "Deutsch – Franzosische Jahrbucher" (tháng Hai 1844) có nghiên cứu ít ra là những yếu tố đầu tiên sau đây của nội dung "Bản thảo kinh tế – triết học" – "Phê phán chính trị và khoa kinh tế chính trị": đòi phê phán một cách thẳng tay đối với thế giới hiện tại như một trong những điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để xây dựng thế giới mới; kêu gọi phê phán chính trị, giữ một lập trường nhất định của đảng trong chính trị và thiết lập bằng cách đó mối liên hệ sinh động giữa lý luận với cuộc đấu tranh hiện thực; khám phá bản chất của sự sùng bái tiền tệ trong xã hội tư sản, bản chất của tiền với tính cách là bản chất của lao động tha hoá khỏi con người và của tồn tại của con người; đặt vấn đề sự tha hoá của con người với chính bản thân anh ta và với thiên nhiên trong những điều kiện của chủ nghĩa tư bản; đánh giá một cách có phê phán chủ nghĩa cộng sản không tưởng ("lúc bấy giờ") – hình thức của nó đã được Ca-bê, Đê-đa-mi, Vai-tlinh và những người khác cổ xúy; đặc biệt chú trọng việc thủ tiêu chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa với tính cách là mục đích chủ yếu và nội dung của cuộc cách mạng xã hội triệt để ("Sự giải phóng của toàn thể loài người"); luận điểm về sự hình thành và nâng cao – cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản – giai cấp vô sản – giai cấp có sứ mệnh tiêu diệt chế độ tư hữu và trở thành "trái tim", tức là động lực cơ bản của việc xây dựng lại xã hội mang tính cách mạng. – 68.

[8] L.Feuerbach. "Grundsọtze der Philosophie der Zukunft". Zỹrich und Winterthur. 1843 (L.Phoi-ơ-bắc "Những nguyên lý cơ bản của triết học tương lai". Xuy-rích và Vin-téc-tua. 1843). Bài báo của L. Phoi-ơ-bắc "Những nguyên lý ban đầu đối với cải cách triết học" đã được đăng trong tập thứ hai của văn tập "Anekdota zur neuesten deutschen Philosophie und Publizistik" ("Điều chưa công bố của lĩnh vực triết học và chính luận Đức hiện đại"). Trong văn tập gồm hai tập này, ngoài tác phẩm của các tác gia khác còn có bài viết của Mác "Nhận xét bản chỉ thị mới nhất về chế độ kiểm duyệt của Phổ". Một bài được công bố ở đây "Lu-the là trọng tài giữa Stơ-ra-u-xơ và Phoi-ơ-bắc" mà tác giả của nó cho đến gần đây vẫn được coi là Mác, do L. Phoi-ơ-bắc viết. – 69.

[9] Ở đây Mác ngụ ý nói đến toàn bộ quan điểm duy vật của Phoi-ơ-bắc nói chung, mà chính Phoi-ơ-bắc đã gọi là "chủ nghĩa tự nhiên" và "chủ nghĩa nhân văn" hay "nhân chủng học" và trong đó đã phát triển ý tưởng cho rằng triết học mới, tức là triết học của Phoi-ơ-bắc, làm cho con người với tư cách là một phần không thể tách rời được của giới tự nhiên trở thành đối tượng duy nhất và cao nhất của mình. Triết học ấy, hay nhân chủng học, theo ý Phoi-ơ-bắc, bao gồm cả sinh lý học và trở thành một khoa học phổ quát: ông khẳng định rằng bản chất của thời đại mới là tôn sùng cái thực tế, cái đang tồn tại mang tính vật chất: bản chất của triết học mới là phủ định thần học, khẳng định chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo. – 69.

[10] Mác đã cùng với Ăng-ghen, thực hiện ý định này của mình trong cuốn sách "Gia đình thần thánh, hoặc Phê phán sự phê phán có tính chất phê phán" (xem Toàn tập, t.2, 1995) sau khi viết "Lời tựa" ấy. – 71.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận