Lao động làm thuê và tư bản (1847)

*Mục lục:


 

ĐỀ TỰA CỦA ENGELS CHO BẢN TIẾNG ANH NĂM 1891

 

 Cuốn sách nhỏ này xuất hiện lần đầu dưới dạng một loạt bài báo, được đăng trên tờ "Neue Rheinische Zeitung", bắt đầu từ ngày 4 tháng Tư 1849. Phần nội dung được lấy từ các bài thuyết trình mà Marx đọc trước Câu lạc bộ Công nhân Đức ở Brussels hồi năm 1847. Loạt bài báo đó không bao giờ được hoàn thành. Lời hẹn "còn tiếp" ở cuối bài viết đăng trên số 269 đã không được thực hiện, do một loạt sự kiện xảy ra vào thời gian đó – quân Nga tiến vào Hungary, các cuộc khởi nghĩa ở Dresden, Iserlohn, Elberfeld, Pfalz và Baden – dẫn đến việc tờ báo bị đình bản vào ngày 19 tháng Năm 1849. Và trong các giấy tờ mà Marx để lại, người ta không tìm thấy bản thảo nào viết tiếp loạt bài kia.

 

 "Lao động làm thuê và Tư bản" đã vài lần được in ra dưới dạng ấn phẩm độc lập, bản mới nhất là của Hiệp hội Hợp tác In ấn Thụy Sĩ, ở Hottingen-Zurich năm 1884. Từ trước tới nay, các bản in đều theo đúng nguyên văn và cách diễn đạt của loạt bài báo gốc. Nhưng vì có ít nhất 10.000 bản in của lần xuất bản này sẽ được dùng làm sách tuyên truyền, nên có một vấn đề mà tôi buộc phải giải quyết: liệu bản thân Marx, trong tình hình hiện nay, có chấp nhận việc in lại nguyên văn bản gốc, mà không thay đổi gì?

 

 Trong những năm 40, Marx vẫn chưa hoàn thành sự phê phán của mình với kinh tế chính trị học. Việc đó chỉ kết thúc vào cuối thập niên 50. Do đó, những tác phẩm mà Marx viết trước khi phần đầu của cuốn "Phê phán kinh tế chính trị học" được hoàn tất, đều có một số điểm lệch lạc so với những cuốn được ra đời sau năm 1859; đứng trên quan điểm của các trước tác về sau, thì các tác phẩm thời kỳ trước còn có những thuật ngữ và câu không thật chính xác, thậm chí là sai. Giờ đây, tất nhiên là với những lần xuất bản thông thường, dành cho quảng đại quần chúng, thì cái quan điểm ban đầu ấy vẫn có ý nghĩa của nó; đó là một phần trong quá trình phát triển tư tưởng của người viết, và tác giả cũng như công chúng tất nhiên có quyền in lại nguyên văn bản gốc. Trong trường hợp đó, tôi sẽ không nghĩ đến việc thay đổi văn bản, dù chỉ một từ. Nhưng lần xuất bản này thì khác, vì nó gần như được dành riêng cho mục đích tuyên truyền. Ở trường hợp này, bản thân Marx hẳn sẽ đem tác phẩm cũ – từ năm 1849 – kết hợp hài hòa với quan điểm mới của mình; và tôi chắc rằng mình đang làm theo tinh thần của ông, khi đưa vào lần xuất bản này một số sửa đổi và bổ sung cần thiết, để đạt được mục tiêu nói trên ở tất cả những điểm chủ yếu.

 

 Vì thế, tôi xin nói ngay với độc giả: cuốn sách này không phải đúng với những gì Marx đã viết vào năm 1847, mà là gần đúng với những gì Marx sẽ viết ở năm 1891. Hơn nữa, có rất nhiều ấn bản in theo đúng bản gốc đang được lưu hành; thế nên các bản đó vẫn được coi là đầy đủ, cho đến lúc tôi có thể in lại chúng trong thời gian tới, khi xuất bản toàn bộ các tác phẩm của Marx.

 

 Những sửa đổi của tôi tập trung vào một điểm. Theo bản gốc, công nhân bán lao động của mình để được nhà tư bản trả tiền lương; còn theo bản hiện nay, anh ta bán sức lao động của mình. Và về sự thay đổi đó, tôi phải đưa ra lời giải thích: với công nhân là để họ hiểu rằng, ở đây chúng tôi không chơi chữ hay là thay từ tráo ý, mà đang giải quyết một trong những điểm quan trọng nhất của toàn bộ kinh tế chính trị học; còn với các nhà tư sản thì là để họ tin rằng: những công nhân không được giáo dục kia có thể dễ dàng nắm bắt những phân tích kinh tế khó nhất, như thế là họ còn giỏi hơn cả những người "có học" chúng ta, vì chúng ta suốt đời cũng không giải quyết được những vấn đề phức tạp đó.

 

 Kinh tế – chính trị học cổ điển[1] đã mượn của thực tiễn công nghiệp cái quan điểm phổ biến của nhà sản xuất, đó là: ông ta mua lao động của công nhân, và trả tiền cho nó. Quan niệm này khá hữu dụng cho mục đích kinh doanh, tính toán giá cả và sổ sách của nhà công nghiệp. Nhưng khi được đưa vào kinh tế chính trị học một cách hồn nhiên, thì ý kiến đó lại tạo ra những điều sai sót và lẫn lộn thực sự kì quái.

 

 Kinh tế chính trị học nhận thấy một sự thật hiển nhiên là: giá của mọi hàng hóa, trong đó có cả cái gọi là "lao động", đều liên tục thay đổi; chúng lên và xuống do tác động của những điều kiện hết sức khác nhau, mà những điều kiện này thường chẳng liên quan gì đến bản thân sự sản xuất hàng hóa, thế nên giá cả dường như thường được quy định một cách ngẫu nhiên. Thế nên, ngay khi phát triển thành một môn khoa học, thì một trong những nhiệm vụ đầu tiên của kinh tế chính trị học là: tìm ra cái quy luật ẩn đằng sau sự ngẫu nhiên hình như đang quyết định giá của hàng hóa, cái đang thực sự điều khiển tính ngẫu nhiên ấy. Giữa sự bập bềnh nay lên mai xuống của giá cả hàng hóa, người ta tìm kiếm một tâm điểm, mà những dao động diễn ra xung quanh nó. Tóm lại, bắt đầu từ giá cả của hàng hóa, kinh tế chính trị học đi tìm giá trị của hàng hóa, như là một quy luật điều tiết; nhờ quy luật đó, mọi sự dao động của giá cả đều có thể được giải thích và được quy về một mối.

 

 Và như thế, người ta tìm ra rằng giá trị của hàng hóa được quy định bởi mức lao động có trong hàng hóa ấy, và là mức lao động cần thiết để sản xuất ra nó. Với lời giải thích ấy, kinh tế chính trị học cổ điển đã thỏa mãn rồi. Và trong lúc này, chúng ta cũng có thể dừng ở điểm đó. Nhưng để tránh những hiểu lầm, tôi phải nhắc độc giả rằng: hiện nay, cách giải thích đó đã trở nên hoàn toàn không đầy đủ. Marx là người đầu tiên nghiên cứu kỹ lưỡng về lượng lao động cấu tạo nên giá trị, và thấy rằng: không phải tất cả lao động cần thiết (trên bề ngoài hay thậm chí là trong thực tế) để sản xuất hàng hóa đều được chuyển thành lượng giá trị tương ứng, dù là dưới điều kiện nào. Vì thế, nếu ngày nay, chúng ta nói ngắn gọn với các nhà kinh tế như Ricardo chẳng hạn, rằng: giá trị của hàng hóa được quyết định bởi lượng lao động cần thiết để sản xuất ra nó; thì điều đó có nghĩa là: chúng ta luôn ngầm nhắc đến những hạn chế và hoài nghi mà Marx đã đưa ra. Chừng đó là đủ cho mục đích hiện tại của chúng ta rồi; có thể tìm thấy nhiều thông tin khác nữa trong cuốn "Phê phán Kinh tế chính trị học" của Marx, ra đời năm 1859, và trong tập I của bộ "Tư bản".

 

 Nhưng ngay khi các nhà kinh tế học áp dụng quy luật "lao động quyết định giá trị" vào chính hàng hóa "lao động", thì họ lại rơi vào một mâu thuẫn khác. Giá trị của "lao động" được quy định như thế nào? Thì bởi mức lao động có bên trong nó. Nhưng mức lao động có bên trong sự lao động của một công nhân, trong một ngày, một tuần, một tháng, một năm, thì là bao nhiêu? Nếu lao động là thước đo của mọi giá trị, thì ta có thể biểu diễn "giá trị của lao động" bằng lao động. Nhưng nếu ta chỉ biết rằng: giá trị của một giờ lao động đúng bằng một giờ lao động; thì ta vẫn hoàn toàn không biết được gì cả. Thế nên, ta vẫn chưa tiến thêm chút nào tới gần mục tiêu của mình, mà chỉ đang đi loanh quanh.

 

 Vì vậy, kinh tế học cổ điển thử một hướng khác. Nó nói rằng: giá trị của một hàng hóa bằng với chi phí sản xuất ra nó. Nhưng chi phí sản xuất ra "lao động" là gì? Để trả lời câu hỏi này, các nhà kinh tế học buộc phải dùng đến một chút logic. Thay vì nghiên cứu chi phí sản xuất ra bản thân lao động (điều không may là ta không biết chắc được chi phí này), họ nghiên cứu chi phí sản xuất ra người lao động. Và cái này thì có thể được tìm ra. Nó thay đổi tùy theo thời điểm và hoàn cảnh; nhưng với một điều kiện xã hội xác định, ở một vùng xác định, và trong một ngành sản xuất xác định, thì chi phí này cũng được xác định; ít ra là trong những giới hạn chặt chẽ. Ngày nay, ta đang sống dưới chế độ tư bản chủ nghĩa; trong đó, một giai cấp có rất đông người – và ngày một đông hơn – chỉ có thể sống trong cảnh làm công ăn lương cho những kẻ sở hữu tư liệu sản xuất (đó là công cụ, máy móc, nguyên nhiên liệu, và tư liệu sinh hoạt). Theo nền tảng của phương thức sản xuất ấy thì chi phí sản xuất ra người lao động bao gồm tổng số các tư liệu sinh hoạt cần thiết (hoặc là giá tiền của chúng) để người lao động – trong điều kiện trung bình – có thể làm việc, có thể duy trì khả năng lao động, và khi anh ta không lao động được nữa (do tuổi cao, sức yếu hoặc bị chết) thì có người khác thế chỗ; tóm lại: đó là chi phí để duy trì một số lượng công nhân vừa đủ.

 

 Hãy giả sử rằng giá tiền trung bình của các tư liệu sinh hoạt nói trên là 3 shilling 1 ngày. Thế nên anh công nhân của chúng ta được ông chủ trả lương mỗi ngày 3 shilling. Đổi lại, anh ta phải làm việc cho chủ 12 giờ 1 ngày. Ngoài ra, nhà tư bản của chúng ta còn tính toán thế này: hãy giả sử rằng anh công nhân (là một thợ máy) phải chế tạo 1 bộ phận máy trong 1 ngày. Nguyên liệu thô (sắt và đồng thau đã chế biến thành dạng cần thiết) có giá 20 shilling. Than dùng cho động cơ hơi nước, sự hao mòn của động cơ, máy móc và các công cụ khác mà người thợ sử dụng, có giá 1 shilling 1 ngày, ứng với mỗi công nhân. Tiền lương hàng ngày, như đã giả sử, là 3 shilling. Vậy là cần tổng cộng 24 shilling để chế tạo 1 bộ phận máy mà ta đang nói tới.

 

 Nhưng nhà tư bản tính rằng: với mỗi bộ phận máy ấy, ông ta sẽ được khách hàng trả cho trung bình 27 shilling, tức là nhiều hơn 3 shilling so với chi phí mà ông ta bỏ ra.

 

 3 shilling mà nhà tư bản có được là từ đâu ra? Theo khẳng định của kinh tế chính trị học cổ điển, hàng hóa nhìn chung là được bán đúng với giá trị của nó, tức là giá bán của nó tương ứng với lượng lao động cần thiết có trong nó. Vì thế, giá trung bình của bộ phận máy mà ta nói tới – là 27 shilling – sẽ bằng với giá trị của nó, nghĩa là bằng với lượng lao động có bên trong nó. Nhưng trong 27 shilling này, thì 21 shilling là giá trị đã có từ trước khi anh thợ máy bắt đầu công việc; đó là 20 shilling của nguyên liệu thô; 1 shilling dành cho nhiên liệu dùng trong công việc, cũng như các máy móc và công cụ đã được sử dụng, sự hao mòn và suy giảm tính năng của chúng ứng với số tiền đó. Còn lại 6 shilling được thêm vào giá trị của nguyên liệu. Nhưng như chính các nhà kinh tế học của chúng ta đã giả định, 6 shilling thêm vào đó chỉ có thể do lao động của công nhân tạo ra. Theo đó thì 12 giờ lao động của anh ta đã tạo ra một giá trị mới là 6 shilling. Vì thế, giá trị của 12 giờ lao động của anh thợ máy tương ứng với 6 shilling. Vậy là cuối cùng ta đã tìm ra "giá trị của lao động" là gì.

 

"Khoan đã!" Anh thợ máy của chúng ta kêu lên. "6 shilling à? Nhưng tôi chỉ được có 3 shilling! Nhà tư bản của tôi luôn thề thốt rằng giá trị của 12 giờ lao động của tôi không nhiều hơn 3 shilling; tôi mà đòi 6, ông ta sẽ cười vào mặt tôi. Chuyện này là thế nào?"

 

Nếu lúc nãy, với cái "giá trị của lao động", ta đã đi quanh một cái vòng luẩn quẩn; thì bây giờ, ta lại đi thẳng vào một mâu thuẫn không giải quyết nổi. Ta đi tìm "giá trị của lao động", và đã tìm thấy nhiều hơn cả những gì mình muốn. Với anh công nhân, giá trị của 12 giờ lao động là 3 shilling; với nhà tư bản, nó lại là 6 shilling, và ông ta trả 3 shilling tiền lương cho anh công nhân, rồi bỏ túi 3 shilling còn lại. Theo đó thì lao động có không chỉ một, mà là hai giá trị; hơn nữa, đó còn là hai giá trị khác hẳn nhau!

 

 Ngay khi ta qui đổi giá trị ấy (lúc này nó được biểu diễn bằng tiền) thành thời gian lao động, thì mối mâu thuẫn thậm chí càng trở nên phi lí. 12 giờ lao động đã tạo ra giá trị mới là 6 shilling. Như thế là trong 6 giờ, lượng giá trị mới được tạo ra là 3 shilling – bằng với số tiền mà người lao động nhận được sau 12 giờ làm việc. Vậy là sau 12 giờ, anh công nhân nhận được một khoản tương ứng với 6 giờ lao động. Thế là ta buộc phải đi đến một trong hai kết luận: hoặc là lao động có hai giá trị, cái nọ gấp đôi cái kia; hoặc là 12 = 6! Trong cả hai trường hợp, ta đều thấy hoàn toàn vô lý. Dù có xoay sở thế nào thì ta cũng không thể thoát khỏi mâu thuẫn ấy, chừng nào ta còn nói về việc mua bán "lao động" và "giá trị của lao động". Và đó chính là điều đã xảy ra với các nhà kinh tế chính trị học. Đại biểu cuối cùng của kinh tế chính trị học cổ điển – trường phái Ricardo – đã hoàn toàn sụp đổ vì không giải quyết nổi mâu thuẫn ấy. Kinh tế chính trị học cổ điển đã đi vào ngõ cụt. Người đã tìm thấy đường ra khỏi ngõ cụt này chính là Karl Marx.

 

 Cái mà những nhà kinh tế học coi là chi phí sản xuất ra "lao động", thực ra là chi phí sản xuất ra chính người lao động sống. Và cái mà người lao động bán cho nhà tư bản không phải là lao động của anh ta.

 "Ngay khi anh ta bắt đầu lao động", Marx nói, "thì lao động đó đã không còn thuộc về anh ta, do đó anh ta không thể bán nó".

 Cùng lắm thì anh ta chỉ có thể bán cái lao động tương lai của mình, tức là cái nghĩa vụ thực hiện một phần công việc nhất định trong một thời gian nhất định. Nhưng theo cách đó thì anh ta không bán lao động của mình (đó là việc đầu tiên anh ta phải thực hiện), mà với một khoản tiền công được quy định trước, anh ta trao sức lao động của mình cho nhà tư bản sử dụng trong một thời gian nhất định (với trường hợp trả lương theo thời gian) hoặc trong một phần công việc nhất định phải thực hiện (với trường hợp trả lương theo sản phẩm). Anh ta cho thuê (hay là bán) sức lao động của mình. Nhưng sức lao động này phát triển cùng với cơ thể anh ta, và không thể tách rời khỏi cơ thể đó. Vì thế mà chi phí sản xuất ra nó cũng chính là chi phí sản xuất ra bản thân anh ta; cái mà những nhà kinh tế học gọi là chi phí sản xuất ra lao động, thực ra là chi phí sản xuất ra người lao động, cùng với đó là sức lao động của anh ta. Và như thế, từ chi phí sản xuất ra sức lao động, ta cũng có thể quay về với giá trị của sức lao động; và có thể xác định lượng lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một lượng sức lao động nhất định, như Marx đã làm trong chương "Sự mua bán sức lao động"[2].

 

 Bây giờ thì cái gì diễn ra sau khi anh công nhân đã bán sức lao động của mình, tức là trao nó cho nhà tư bản sử dụng để lấy một khoản lương định trước (theo thời gian hoặc theo sản phẩm)? Nhà tư bản đưa người lao động vào công xưởng hoặc nhà máy của mình, ở đó có mọi thứ cần cho công việc: nguyên liệu thô, nguyên liệu phụ (than, thuốc nhuộm, v.v…), công cụ và máy móc. Giờ đây, anh công nhân bắt đầu làm việc. Tiền lương hàng ngày của anh ta, như đã nói, là 3 shilling, và đó là lương theo thời gian hay theo sản phẩm thì cũng không có gì khác nhau. Hãy lại giả sử rằng trong 12 giờ, bằng sức lao động của mình, người thợ đã thêm một giá trị mới là 6 shilling vào giá trị của nguyên liệu thô, và nhà tư bản thu được giá trị này nhờ việc bán sản phẩm. Trong đó, ông ta trả cho công nhân 3 shilling, và giữ lấy 3 shilling còn lại. Bây giờ, nếu trong 12 giờ, người lao động tạo ra một giá trị là 6 shilling; thì trong 6 giờ, anh ta tạo ra một giá trị là 3 shilling. Do đó, sau 6 giờ làm việc cho nhà tư bản, anh công nhân đã trả lại cho ông ta đúng 3 shilling tiền lương mà mình nhận được. Sau 6 giờ lao động, hai bên đều đã thanh toán hết, không ai nợ ai xu nào.

 

 "Khoan đã!" Giờ thì nhà tư bản kêu lên. "Tôi đã thuê người lao động trong cả ngày, tức là 12 giờ. 6 giờ mới là nửa ngày. Như vậy anh ta phải làm việc cho hết 6 giờ còn lại – chỉ khi đó thì chúng tôi mới bình đẳng với nhau". Và thực tế là người lao động phải chấp hành những điều khoản của cái hợp đồng mà anh ta đã kí vào "theo ý muốn tự nguyện của chính mình", theo đó thì anh ta buộc phải làm việc 12 giờ để được nhận một khoản chỉ bằng với 6 giờ lao động.

 

 Với tiền lương theo sản phẩm thì tình hình cũng thế. Hãy giả định rằng trong 12 giờ, anh công nhân của chúng ta làm được 12 sản phẩm. Mỗi chiếc đó tốn 2 shilling cho nguyên liệu thô và các loại hao mòn, và bán được 2,5 shilling. Theo giả định ban đầu của ta, nhà tư bản trả cho người lao động 0,25 shilling cho mỗi sản phẩm, tổng cộng là 3 shilling cho 12 sản phẩm. Để kiếm được chừng ấy tiền, người thợ phải làm 12 giờ. Nhà tư bản bán 12 sản phẩm, được 30 shilling; trừ đi 24 shilling cho nguyên liệu thô và hao mòn thì còn lại 6 shilling, trong đó 3 shilling dùng để trả lương, còn 3 shilling thì ông ta bỏ túi. Vẫn hệt như trước! Ở đây cũng vậy, anh công nhân làm 6 giờ cho mình, tức là để bù lại tiền lương; và làm 6 giờ cho nhà tư bản.

 

 Tảng đá mà những nhà kinh tế học giỏi nhất cũng mắc phải, chừng nào họ còn bắt đầu từ giá trị của lao động, sẽ biến mất ngay khi ta lấy xuất phát điểm là giá trị của sức lao động. Trong xã hội tư bản ngày nay của chúng ta, sức lao động cũng là một hàng hóa như mọi hàng hóa khác, nhưng là một hàng hóa rất đặc biệt. Cụ thể thì nó đặc biệt vì là lực lượng sáng tạo ra giá trị, là nguồn gốc của giá trị; hơn nữa, khi được sử dụng đúng cách, nó sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn giá trị của chính mình. Trong phương thức sản xuất hiện nay, sức lao động của con người không chỉ hàng ngày tạo ra nhiều giá trị hơn so với giá trị và chi phí của bản thân; mà cùng với mỗi khám phá khoa học mới, năng lực sản xuất hàng ngày của nó lại càng vượt xa chi phí hàng ngày; do đó mà phần ngày lao động để bù lại tiền lương của người thợ ngày càng ngắn lại, và mặt khác, phần ngày lao động mà anh ta phải biếu không cho nhà tư bản ngày càng dài ra.

 

Và đó là kết cấu kinh tế của toàn bộ xã hội hiện đại của chúng ta: một mình giai cấp vô sản tạo ra toàn bộ giá trị. Vì giá trị chỉ là một cách biểu hiện khác của lao động, cụ thể là trong xã hội tư bản ngày nay của chúng ta, thì nó được xác định bởi lượng lao động xã hội cần thiết có trong mỗi hàng hóa riêng biệt. Nhưng những giá trị này không thuộc về công nhân, dù nó được công nhân tạo ra. Chúng thuộc về những kẻ sở hữu nguyên liệu, máy móc, công cụ và tiền bạc; những thứ đó cho phép chúng mua sức lao động của giai cấp vô sản. Do đó mà giai cấp ấy chỉ nhận lại được một phần nhỏ của cái khối sản phẩm to lớn mà nó làm ra. Và như ta vừa thấy, cái phần còn lại, mà giai cấp tư sản giữ lấy, hoặc cùng lắm thì chỉ phải chia cho giai cấp địa chủ, đang tăng lên cùng với mỗi khám phá và phát minh mới; trong khi phần của giai cấp công nhân (chia theo đầu người) thì tăng rất ít và rất chậm, hoặc là không tăng, thậm chí trong những hoàn cảnh nhất định thì nó còn giảm.

 

 Nhưng những khám phá và phát minh đang lần lượt thay thế sức người với tốc độ ngày càng cao, năng suất lao động của con người đang tăng lên từng ngày với một mức độ chưa từng thấy, cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc xung đột làm sụp đổ nền kinh tế tư bản hiện tại. Một mặt là sự giàu có vô hạn và tình trạng sản phẩm thừa đến mức người tiêu dùng không đối phó nổi; mặt khác là đại đa số người trong xã hội đều bị vô sản hóa, biến thành những người làm công ăn lương, do đó mà không thể thích ứng với tình trạng sản phẩm thừa. Xã hội bị chia làm hai: một giai cấp nhỏ giàu có quá mức, và một giai cấp rất lớn những người làm công ăn lương không có chút tài sản gì; điều đó dẫn tới việc xã hội bị chìm trong sự thừa thãi của chính nó, trong khi đại đa số thành viên của nó lại hầu như (thậm chí hoàn toàn) không được bảo vệ khỏi sự thiếu thốn cùng cực.

 

 Tình trạng này ngày càng trở nên phi lý và không cần thiết. Nó phải bị xóa bỏ; nó có thể bị xóa bỏ. Một trật tự xã hội mới là có thể, trong đó không còn sự phân chia giai cấp như hiện nay, ở đó (có thể là sau một thời kỳ chuyển tiếp ngắn, dù có một số mặt sẽ bị thiệt hại, nhưng dù sao cũng rất có ích về đạo đức) sẽ có nhiều tư liệu sinh hoạt, có sự tận hưởng cuộc sống, sự phát triển và năng động của mọi năng lực thể chất và tinh thần; thông qua việc sử dụng có hệ thống và sự phát triển hơn nữa của các lực lượng sản xuất to lớn trong xã hội (mà hiện nay đã tồn tại), cùng với nghĩa vụ lao động bình đẳng của mọi người. Và giai cấp công nhân đang lớn mạnh sẽ ngày càng quyết tâm để giành được trật tự xã hội mới đó; điều này sẽ được chứng minh ở cả hai bờ Đại Tây Dương, trong ngày 1-5 này, và vào ngày chủ nhật 3-5 tới[3].

 

Friedrich Engels, London, 30 tháng Tư năm 1891.


LỜI MỞ ĐẦU

 

[4]Từ khắp các phía, chúng tôi đều bị trách móc là đã bỏ bê việc mô tả các điều kiện kinh tế đang cấu thành cơ sở vật chất của các cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc hiện nay. Chúng tôi chỉ muốn bàn đến những điều kiện đó khi chúng đóng vai trò chủ đạo trong những xung đột chính trị.

 

 Trước tiên, cần theo sát diễn biến của cuộc đấu tranh giai cấp ngày nay, và từ các tài liệu lịch sử hiện có ngày càng nhiều để chứng minh bằng kinh nghiệm rằng: với việc đánh bại giai cấp công nhân, những người đã thực hiện cuộc cách mạng tháng Hai và tháng Ba, thì các kẻ thù của giai cấp ấy (phái tư sản cộng hòa ở Pháp, các giai cấp tư sản và nông dân đang đấu tranh chống chế độ chuyên chế phong kiến trên toàn lục địa châu Âu) cũng đồng thời bị đánh bại; thắng lợi của nền "cộng hòa ôn hòa" ở Pháp đồng thời cũng là thất bại của các dân tộc đã hưởng ứng cuộc Cách mạng tháng Hai bằng những cuộc chiến tranh anh dũng giành độc lập; và cuối cùng, nhờ việc đánh bại các công nhân cách mạng, châu Âu lại rơi vào hai cái ách nô lệ xưa cũ của AnhNga. Trận chiến đấu hồi tháng Sáu ở Paris, thành Wien thất thủ, tấn bi hài kịch ở Berlin hồi tháng Mười một năm 1848, những cố gắng tuyệt vọng của Ba Lan, Ý và Hungary, việc dùng nạn đói để đàn áp Ireland; đó là những sự kiện chính, tóm tắt cuộc đấu tranh giai cấp ở châu Âu giữa tư sản và công nhân; từ đó ta chứng minh được rằng: mọi cuộc khởi nghĩa cách mạng, dù mục đích của nó có vẻ xa rời cuộc đấu tranh giai cấp, đều sẽ thất bại nếu giai cấp công nhân cách mạng không giành thắng lợi; và mọi cuộc cải cách xã hội đều là ảo tưởng, chừng nào cách mạng vô sản và thế lực phong kiến phản cách mạng chưa đọ sức với nhau trong một cuộc chiến tranh thế giới. Trong bản trình bày của chúng tôi, cũng như trên thực tế, BỉThụy Sĩ là hai bức biếm họa bi hài trong đại cảnh lịch sử rộng lớn: một bên là Nhà nước kiểu mẫu của nền quân chủ tư sản, bên kia là Nhà nước kiểu mẫu của nền cộng hòa tư sản; cả hai nước đều tự hào rằng mình không dính đến đấu tranh giai cấp hay cách mạng châu Âu.

 

 Nhưng bây giờ, khi các độc giả của chúng tôi đã thấy cuộc đấu tranh giai cấp năm 1848 phát triển tới quy mô khổng lồ về chính trị, thì đây là lúc để nghiên cứu kỹ hơn bản thân các điều kiện kinh tế đang làm nền tảng cho sự tồn tại và thống trị của giai cấp tư sản, cũng như sự nô lệ của công nhân.

 

 Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề thành ba phần lớn:

 

1) Quan hệ giữa lao động làm thuê và tư bản, sự nô lệ của công nhân, sự thống trị của nhà tư bản.

2) Sự diệt vong tất yếu của các giai cấp trung đẳng và cái gọi là đẳng cấp thị dân[5] trong chế độ hiện tại.

3) Nước Anh, kẻ độc tài của thị trường thế giới, đã nô dịch và bóc lột giai cấp tư sản các nước châu Âu về thương nghiệp[6].

 

 Chúng tôi sẽ cố trình bày một cách đơn giản và đại chúng nhất có thể, giả định rằng độc giả còn chưa biết đến những khái niệm cơ bản nhất của kinh tế chính trị học. Chúng tôi mong rằng công nhân sẽ hiểu được ý mình. Và hơn nữa, một tình trạng dốt nát và lẫn lộn khác thường bậc nhất đang ngự trị ở Đức, trong việc nhận thức các quan hệ kinh tế đơn giản nhất; từ những kẻ công khai bảo vệ chế độ hiện tồn, đến những vị lang băm xã hội chủ nghĩa; và những thiên tài chính trị chưa được công nhận, ở nước Đức đang bị chia cắt này, bọn đó còn nhiều hơn cả những ông vua bé.

 

 Vậy, chúng ta hãy đi vào xem xét vấn đề đầu tiên.

 


*Chú thích:

[1] "Với kinh tế chính trị học cổ điển, tôi hiểu rằng môn kinh tế học ấy, từ thời W. Petty, đã nghiên cứu những quan hệ sản xuất thực sự trong xã hội tư sản; trái với kinh tế học thông thường, vốn chỉ xử lý các hiện tượng bề ngoài, nó suy nghĩ không ngừng về những vấn đề mà kinh tế học khoa học đã đưa ra từ lâu; từ đó, nó tìm kiếm lời giải thích hợp lí cho những hiện tượng khó hiểu nhất trong thực tiễn hàng ngày của giai cấp tư sản; nhưng ngoài ra, nó lại tự giam mình vào việc hệ thống hóa một cách mô phạm, và công bố những sự thật hiển nhiên, những quan niệm sáo mòn của giai cấp tư sản tự mãn về thế giới của riêng chúng, thế giới mà chúng coi là tốt nhất trong mọi thế giới" (Karl Marx, "Tư bản", tập I).

[2] "Tư bản", tập I

[3] Engels nhắc tới dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động năm 1891

[4] Phần này đăng trên số báo 264, ra ngày 5 tháng Tư năm 1849. Trong bài báo gốc có ghi "Köln, ngày 4 tháng Tư", đó là địa điểm và thời gian mà Marx viết phần này. Trong các lần xuất bản riêng sau này, phần ghi địa điểm và ngày tháng đó đều không có.

[5] "Các giai cấp trung đẳng" có thể hiểu là tầng lớp tiểu tư sản. Ở bản gốc, cụm từ "đẳng cấp thị dân" được ghi là "giai cấp nông dân".

[6] Trên thực tế, chỉ có phần 1 là được hoàn tất. Phần 2 mới chỉ bắt đầu trong chương cuối "Tác động của cạnh tranh giữa các nhà tư bản tới giai cấp các nhà tư bản, giai cấp trung gian, và giai cấp công nhân", và còn dở dang; còn phần 3 chưa được viết.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận