Bản thảo kinh tế triết học (1844) – Bản thảo thứ nhất – Tiền công
*Mục lục Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844
[Bản thảo thứ nhất]
1. Tiền công
- Tư bản.
- Lợi nhuận tư bản.
- Sự thống trị của tư bản đối với lao động và động cơ của nhà tư bản.
- Tích luỹ tư bản và cạnh tranh giữa các nhà tư bản
[Bản thảo thứ hai]
Lao động bị tha hoá.
[Quan hệ sở hữu tư nhân.]
[ Bản thảo thứ ba]
- Bản chất của chế độ tư hữu trong sự phản ánh của kinh tế chính trị học.
- Chủ nghĩa cộng sản.
- Nhu cầu, sản xuất và phân công.
- Tiền
- Phê phán phép biện chứng và triết học nói chung của Hê-ghen.
BẢN THẢO THỨ NHẤT
TIỀN CÔNG LAO ĐỘNG[11]
[I] Tiền công do cuộc đấu tranh đối địch giữa nhà tư bản và người công nhân quyết định. Nhà tư bản nhất định thắng lợi. Nhà tư bản không có công nhân có thể sống lâu hơn người công nhân không có nhà tư bản. Sự liên kết giữa các nhà tư bản là thông thường và hiệu quả, sự liên kết giữa những người công nhân bị cấm đoán và đem lại những hậu quả xấu cho họ. Ngoài ra, người sở hữu ruộng đất và nhà tư bản tiền tệ có thể thêm lợi nhuận kinh doanh vào thu nhập của họ, còn người công nhân thì không thể thêm địa tô, hoặc thêm lợi tức của tư bản vào thu nhập công nghiệp của mình được. Vì vậy sự cạnh tranh giữa công nhân là rất mạnh. Do đó, chỉ đối với công nhân thì sự tách rời giữa tư bản, sở hữu ruộng đất và lao động mới là một sự tách rời không tránh khỏi, có tính chất bản chất và tai hại. Tư bản và sở hữu ruộng đất có thể không ở lại trong phạm vi sự trừu tượng ấy, còn lao động của công nhân thì không thể ra khỏi phạm vi ấy.
Do đó, đối với công nhân, sự tách rời giữa tư bản, địa tô và lao động là nguy hiểm chết người.
Tỷ suất tối thiểu và duy nhất tất yếu của tiền công là giá trị sinh hoạt của công nhân trong khi lao động và số dư ở vào mức để anh ta có thể nuôi gia đình và để cho nòi giống công nhân không tiêu vong. Theo Xmít, tiền công thông thường là tiền công thấp nhất, phù hợp với "tính người thông thường"[12], nghĩa là với mức sống của một con vật.
Giống như đối với bất cứ hàng hoá nào khác, số cầu về người tất nhiên điều tiết sự sản xuất ra con người. Nếu số cung vượt đáng kể số cầu thì một bộ phận công nhân rơi vào cảnh đi ăn xin hay chết đói. Như vậy, sự tồn tại của công nhân bị quy thành điều kiện tồn tại của bất cứ hàng hoá nào khác. Người công nhân đã trở thành hàng hoá và nếu anh ta tìm được người mua thì như thế là anh ta gặp may. Còn số cầu, cái quyết định đời sống của công nhân, thì phụ thuộc vào ý muốn của bọn nhà giàu và bọn tư bản. Nếu lượng của số cung vượt số cầu thì một trong những yếu tố cấu thành của giá cả (lợi nhuận, địa tô, tiền công) sẽ được trả thấp hơn giá cả; do đó một nhân tố tương ứng của sự hình thành giá cả sẽ đi chệch với sự ứng dụng ấy và do đó giá cả thị trường sẽ hướng tới giá cả tự nhiên như một trung tâm nào đó. Nhưng, thứ nhất, với sự phân công lao động khá cao thì công nhân rất khó chuyển lao động của mình theo một hướng khác, và thứ hai, người công nhân là người đầu tiên bị thiệt thòi vì công nhân ở vào địa vị lệ thuộc vào nhà tư bản.
Vậy, vì giá cả thị trường xoay xung quanh giá cả tự nhiên, nên công nhân là người chịu thiệt nhất và nhất thiết phải chịu thiệt. Và chính khả năng của nhà tư bản chuyển tư bản của mình theo một hướng khác hoặc tước mất miếng ăn của người công nhân bị buộc vào một ngành lao động nhất định, hoặc bắt người công nhân phải tuân theo mọi đòi hỏi của nhà tư bản đó.
[II] Những dao động ngẫu nhiên và đột ngột của giá cả thị trường ảnh hưởng đến địa tô ít hơn là ảnh hưởng đến bộ phận giá cả phân ra thành lợi nhuận và tiền công; nhưng ảnh hưởng đến lợi nhuận ít hơn là ảnh hưởng đến tiền công. Trong đa số trường hợp có hiện tượng khi tiền công ở một nơi nào đó tăng lên, ở nơi khác nó vẫn y nguyên, còn ở nơi khác nữa thì hạ xuống.
Khi nhà tư bản được lợi, người công nhân không nhất thiết cũng được lợi, còn khi nhà tư bản bị lỗ thì người công nhân nhất định phải bị thiệt cùng với nhà tư bản. Chẳng hạn, người công nhân không được lợi khi nhà tư bản, nhờ bí mật về chế tạo hoặc bí mật thương nghiệp, nhờ độc quyền hoặc nhờ vị trí thuận lợi của khoảnh đất của mình mà giữ được giá cả thị trường ở mức cao hơn giá cả tự nhiên.
Tiếp nữa: những giá cả của lao động thì ổn định hơn nhiều so với những giá cả của tư liệu sinh hoạt. Thường thường hai giá cả đó tỷ lệ nghịch với nhau. Trong những năm giá sinh hoạt đặt đỏ, tiền công giảm xuống vì số cầu về lao động giảm xuống và tăng lên vì giá cả tư liệu sinh hoạt tăng lên. Như vậy là bù đi bù lại. Nhưng vô luận thế nào, một bộ phận nào đó của công nhân cũng bị mất miếng ăn. Trong những năm giá sinh hoạt rẻ, tiền công tăng lên vì số cầu về lao động tăng lên, và hạ xuống vì giá cả tư liệu sinh hoạt hạ xuống. Như vậy là bù đi bù lại.
Một bất lợi khác cho công nhân:
Sự chênh lệch giá cả lao động của công nhân làm các nghề khác nhau lớn hơn nhiều so với sự chênh lệch lợi nhuận ở những ngành đầu tư khác nhau. Trong lao động, tất cả sự khác nhau về tính chất, về tinh thần và về xã hội của hoạt động cá nhân đều bộc lộ ra, và do đó lao động được trả công khác nhau, trong khi tư bản không có sinh khí thì bao giờ cũng giữ nguyên một tốc độ và không quan tâm đến các đặc điểm thực tế của hoạt động cá nhân.
Nói chung, cần phải thấy rằng ở chỗ nào mà công nhân và nhà tư bản cùng bị thiệt thì người công nhân bị thiệt về mặt đời sống của mình, còn nhà tư bản bị thiệt về mặt lợi nhuận của cái túi vàng không có sinh khí của hắn.
Người công nhân không những phải đấu tranh để kiếm tư liệu sinh hoạt vật chất của mình, mà còn phải đấu tranh để có được việc làm, nghĩa là để có được khả năng và phương tiện tiến hành hoạt động của mình.
Chúng ta hãy lấy ba trạng thái cơ bản có thể xảy ra đối với xã hội và hãy xét địa vị của người công nhân trong xã hội ấy.
1) Nếu của cải của xã hội sút kém đi thì công nhân là người thiệt hơn hết. Vì tuy rằng trong trạng thái phồn vinh của xã hội giai cấp công nhân không thể được lợi nhiều như giai cấp những người chủ tài sản, "không một giai cấp nào thiệt thòi ghê gớm vì sự sa sút của phúc lợi xã hội như giai cấp công nhân"[13].
[III] 2) Giờ đây, hãy xét một xã hội trong đó của cải đang tăng lên. Đó là trạng thái duy nhất có lợi cho công nhân. Ở đó có sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản. Số cầu về công nhân vượt quá số cung về công nhân.
Nhưng, thứ nhất: tiền công tăng lên dẫn tới chỗ công nhân làm việc cật lực. Càng muốn kiếm được nhiều, họ càng phải hy sinh nhiều thời gian và càng phải lao động như nô lệ để phục vụ cho lòng tham, hoàn toàn từ bỏ mọi tự do. Làm như vậy họ rút ngắn tuổi thọ của họ. Tuổi thọ của công nhân bị rút ngắn như vậy là một hoàn cảnh thuận lợi cho toàn bộ giai cấp công nhân, vì nhờ đó mà thường xuyên nảy sinh nhu cầu mới về lao động. Giai cấp đó bao giờ cũng phải hy sinh một bộ phận của bản thân mình để khỏi bị diệt vong toàn bộ.
Sau nữa: Khi nào thì xã hội ở vào trạng thái không ngừng giàu có thêm? Khi tư bản và thu nhập trong nước tăng lên. Nhưng:
a) chỉ có thể được như thế nhờ tích lũy được nhiều lao động, vì tư bản là lao động được tích luỹ lại; do đó, nếu một bộ phận ngày càng lớn những sản phẩm của lao động bị tước khỏi tay công nhân, nếu lao động của bản thân công nhân ngày càng đối lập với công nhân với tư cách là sở hữu của người khác, còn tư liệu sinh hoạt và tư liệu hoạt động của công nhân ngày càng tập trung vào tay nhà tư bản.
b) sự tích luỹ tư bản làm tăng thêm sự phân công lao động, còn sự phân công lao động làm tăng số lượng công nhân; và ngược lại, số lượng công nhân tăng lên làm tăng sự phân công lao động, chẳng khác gì sự phân công lao động làm tăng sự tích luỹ tư bản. Một mặt, do sự phân công lao động ấy phát triển và, mặt khác, do sự tích luỹ tư bản, người công nhân ngày càng lệ thuộc hoàn toàn vào việc làm và hơn nữa vào một công việc nhất định, hết sức phiến diện, máy móc. Bên cạnh việc người công nhân bị hạ thấp, về mặt tinh thần và thể xác, xuống thành một cái máy, việc con người biến thành một hoạt động trừu tượng và một cái dạ dày, người công nhân cũng ngày càng phụ thuộc vào mọi sự dao động của giá cả thị trường, vào việc sử dụng những tư bản và vào ý muốn của người giàu. Đồng thời sự tăng thêm của giai cấp những người chỉ sống bằng lao động làm tăng thêm sự cạnh tranh giữa những công nhân với nhau, do đó cũng hạ thấp giá cả của họ xuống. Trong chế độ công xưởng, tình hình ấy của người công nhân đạt tới điểm cao nhất.
g) trong một xã hội mà sự phồn vinh tăng thêm, chỉ có những kẻ giàu nhất mới có thể sống nhờ vào lợi tức của tiền bạc. Tất cả những người khác đều buộc phải đầu tư tư bản của mình vào một xí nghiệp hoặc ném vào thương nghiệp. Do đó sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản tăng thêm, sự tích tụ của tư bản tăng thêm, những nhà tư bản lớn làm phá sản những nhà tư bản nhỏ, và một bộ phận những kẻ trước kia là nhà tư bản rơi vào hàng ngũ giai cấp công nhân, là giai cấp, do sự tăng thêm như vậy mà một bộ phận lại bị hạ tiền công và phải phụ thuộc nhiều hơn vào một số ít nhà tư bản lớn. Do chỗ số lượng những nhà tư bản giảm bớt, sự cạnh tranh của họ trong việc tìm thuê công nhân hầu như không còn nữa; còn về công nhân thì do chỗ số lượng công nhân tăng thêm, sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau trở nên càng mạnh, càng trái tự nhiên, càng có tính chất cưỡng bức. Do đó một bộ phận trong giai cấp công nhân không tránh khỏi rơi vào cảnh ăn xin hoặc chết đói, cũng như một bộ phận những nhà tư bản bậc trung không tránh khỏi rơi xuống địa vị công nhân.
Như vậy, ngay cả trong trạng thái xã hội có lợi nhất cho công nhân, hậu quả tất yếu đối với công nhân cũng là tình trạng lao động cật lực, tình trạng bị chết yểu, tình trạng bị hạ xuống đóng vai một cái máy, một nô lệ của tư bản mà sự tích luỹ của nó là cái nguy hiểm cho công nhân, tình trạng có một cuộc cạnh tranh mới, tình trạng một bộ phận công nhân không tránh khỏi cảnh chết đói hoặc đi ăn xin.
[V] Tiền công lên cao gây ra cho công nhân khát vọng muốn làm giàu theo kiểu tư bản chủ nghĩa, nhưng công nhân chỉ có thể thỏa mãn khát vọng đó bằng cách hy sinh tinh thần và thể xác của mình. Việc tiền công lên cao có tiền đề và kết quả là sự tích luỹ tư bản; cho nên sản phẩm của lao động đối lập với công nhân như là cái ngày càng xa lạ. Cũng giống như phân công lao động làm cho công nhân ngày càng trở nên phiến diện và phụ thuộc, tiền công lên cao cũng đẻ ra sự cạnh tranh không những của người mà cả của máy nữa. Vì công nhân bị hạ xuống thành một cái máy, nên máy có thể đối lập với công nhân với tính cách là một kẻ cạnh tranh. Và cuối cùng, cũng như sự tích lũy của tư bản làm phát triển công nghiệp về mặt lượng và do đó làm tăng thêm số lượng công nhân, thì do sự tích luỹ đó, cùng một số lượng như vậy của lao động sản xuất ra một số lượng sản phẩm lớn hơn: xảy ra sản xuất thừa và kết quả cuối cùng là hoặc một bộ phận lớn công nhân mất việc làm hoặc tiền công của họ hạ xuống tới mức tối thiểu thảm hại nhất.
Đó là những hậu quả của trạng thái xã hội có lợi nhất cho công nhân – cụ thể là trạng thái của cải lớn lên và tăng lên. Nhưng rồi cuối cùng, trạng thái lớn lên ấy lúc nào đó ắt phải đạt tới điểm cao nhất. Lúc đó, tình cảnh của công nhân sẽ như thế nào?
3) "Trong một nước đã đạt tới giai đoạn giàu có cao nhất thì cả hai, tiền công và lợi tức của tư bản, đều rất thấp. Sự cạnh tranh giữa công nhân để kiếm việc làm sẽ lớn đến mức khiến tiền công sẽ bị rút xuống tới chỗ đủ để duy trì cũng số lượng công nhân đó, và vì dân số nước đó vào thời gian ấy đã đầy đủ, nên số lượng đó sẽ không thể tăng thêm"[14].
Số vượt quá số lượng ấy nhất định phải chết.
Như vậy, khi xã hội suy thoái thì cảnh cùng khổ của công nhân tăng lên; khi sự phồn vinh của xã hội tăng lên thì có dạng cùng khổ đặc biệt, phức tạp; trong xã hội đã đạt sự phồn vinh lớn nhất lại có cảnh cùng khổ thường xuyên.
[VI] Nhưng vì, theo Xmít, xã hội không hạnh phúc ở nơi đa số thành viên của nó đau khổ, – trong khi đó trạng thái giàu có nhất của xã hội lại dẫn tới sự đau khổ như thế của đa số, – và vì kinh tế chính trị học (nói chung xã hội trong đó ngự trị lợi ích riêng) dẫn tới trạng thái giàu có nhất ấy, nên mục đích của kinh tế chính trị học là sự bất hạnh của xã hội.
Về quan hệ giữa công nhân và nhà tư bản, cần phải chú ý rằng đối với nhà tư bản, việc nâng cao tiền công được bù lại quá mức bằng sự giảm bớt của tổng số thời gian lao động, rằng sự tăng lên của tiền công và sự tăng thêm của lợi tức của tư bản tác động đến giá cả hàng hoá: cái thứ nhất tác động như lợi tức đơn; cái thứ hai như lợi tức kép [15].
Bây giờ, chúng ta hoàn toàn đứng trên quan điểm của nhà kinh tế chính trị học và hãy theo ông ta mà so sánh những yêu cầu của công nhân về mặt lý luận và về mặt thực tiễn.
Nhà kinh tế chính trị học nói với chúng ta rằng lúc đầu và theo lý luận thì toàn bộ sản phẩm của lao động là thuộc về công nhân. Nhưng đồng thời ông ta lại nói rằng trong thực tế, người công nhân chỉ nhận được phần nhỏ nhất – cái mà không có nó thì tuyệt đối không thể được: chỉ đúng cái cần thiết để người công nhân tồn tại – không phải như một con người mà như một công nhân và không phải để người công nhân duy trì loài người, mà duy trì giai cấp nô lệ – giai cấp công nhân.
Nhà kinh tế chính trị học nói với chúng ta rằng mọi cái đều được mua bằng lao động và tư bản chẳng qua là lao động được tích luỹ lại; nhưng đồng thời ông ta lại nói rằng công nhân không những không thể mua tất cả mọi cái, mà buộc phải bán bản thân mình và nhân phẩm của mình.
Trong khi ở đa số trường hợp, địa tô của người địa chủ ăn không ngồi rồi là một phần ba sản phẩm của ruộng đất, và lợi nhuận của nhà tư bản kinh doanh thậm chí cao gấp đôi lợi tức của tiền tệ, thì phần mà công nhân thu được may ra chỉ đủ để cho trong bốn đứa con của anh ta, hai đứa phải chịu chết đói.
[VII][16] Nếu theo các nhà kinh tế chính trị học, lao động là cái duy nhất mà con người dùng để làm tăng thêm giá trị của những sản phẩm của giới tự nhiên, còn lao động là thuộc tính hoạt động của con người thì cũng theo kinh tế chính trị học ấy, người địa chủ và nhà tư bản – vì là địa chủ và nhà tư bản, – chỉ là những vị thần có đặc quyền và ăn không ngồi rồi và ở đâu cũng đều ở trên công nhân và định pháp luật cho công nhân.
Theo lời các nhà kinh tế chính trị học, lao động là cái giá bất biến duy nhất của mọi cái, và đồng thời không có cái gì lại có tính chất ngẫu nhiên nhiều hơn và chịu những dao động lớn hơn là giá cả của lao động.
Sự phân công lao động làm tăng sức sản xuất của lao động, sự giàu có và tinh tế của xã hội, đồng thời nó lại hạ công nhân đến mức một cái máy. Lao động dẫn tới sự tích luỹ tư bản và do đó dẫn tới sự phồn vinh ngày càng tăng của xã hội, đồng thời nó lại làm cho công nhân ngày càng phụ thuộc vào nhà tư bản, tăng mạnh sự cạnh tranh trong công nhân, đẩy công nhân vào ráo riết chạy đua sản xuất thừa, mà tiếp theo đó là một sự suy thoái sản xuất y như vậy.
Theo các nhà kinh tế chính trị học, lợi ích của công nhân không bao giờ đối lập với lợi ích của xã hội, nhưng trong thực tế, xã hội luôn luôn và nhất thiết đối lập với lợi ích của công nhân.
Theo lời các nhà kinh tế chính trị học, lợi ích của công nhân không bao giờ đối lập với lợi ích của xã hội 1) vì việc nâng cao tiền công được bù lại quá mức bằng sự rút ngắn thời gian lao động, ngoài những hậu quả khác đã nói ở trên, và 2) vì đối với xã hội, tổng sản phẩm là sản phẩm ròng và việc nêu sản phẩm ròng chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân riêng lẻ.
Còn như bản thân lao động, không chỉ trong những điều kiện hiện nay, mà nói chung trong chừng mực mà mục đích của lao động chỉ là tăng thêm của cải, thì bản thân lao động là có hại và tai hại – điều đó là kết luận rút ra từ những lập luận của bản thân các nhà kinh tế chính trị học, mặc dầu họ không nhận thấy điều đó.
Theo lý luận, địa tô và lợi nhuận của tư bản là khoản khấu trừ tiền công. Còn trong thực tế, tiền công là khoản khấu trừ mà ruộng đất và tư bản chuyển cho công nhân, một khoản nhượng sản phẩm lao động cho người công nhân, cho lao động.
Trong trạng thái suy thoái của xã hội, công nhân thiệt thòi hơn ai hết. Vì địa vị của mình là công nhân nên công nhân phải chịu đựng cái gánh nặng đặc thù của sức ép, nhưng vì trạng thái của xã hội mà công nhân phải chịu sức ép nói chung.
Nhưng trong trạng thái tiến lên của xã hội thì sự phá sản và sự bần cùng hoá của công nhân là sản phẩm của lao động của anh ta và của sự giàu có do anh ta tạo ra. Nói cách khác, sự cùng khổ bắt nguồn từ bản chất của chính lao động hiện tại.
Trạng thái giàu có nhất của xã hội, lý tưởng mà người ta vẫn có thể đạt gần tới và ít ra cũng là mục đích của kinh tế chính trị học cũng như của xã hội công dân, có nghĩa là sự bần cùng thường xuyên của công nhân.
Dĩ nhiên, kinh tế chính trị học coi người vô sản, – nghĩa là kẻ không có tư bản, cũng không có địa tô, chỉ sống độc bằng lao động, và hơn nữa bằng lao động phiến diện và trừu tượng – chỉ là người công nhân. Do đó, kinh tế chính trị học có thể đưa ra luận điểm rằng công nhân, cũng như mọi con ngựa, phải kiếm được đủ để có thể lao động. Nó không xét công nhân trong thời gian anh ta không có việc làm, không xét công nhân như một con người, việc ấy nó giao cho ngành tư pháp hình sự, thầy thuốc, tôn giáo, biểu thống kê, chính trị và người giám thị hành khất.
Bây giờ, chúng ta hãy vượt lên trên trình độ của kinh tế chính trị học và căn cứ vào những điều đã được trình bày ở trên và đã được trình bày hầu như bằng chính ngôn ngữ của các nhà kinh tế chính trị học mà tìm cách trả lời hai vấn đề sau đây:
1) Việc quy đại bộ phận loài người về lao động trừu tượng có ý nghĩa gì trong tiến trình phát triển của loài người?
2) Những người cải cách en détail 1* hoặc muốn nâng tiền công lên và do đó cải thiện địa vị của giai cấp công nhân, hoặc (như Pru-đông), coi sự ngang bằng của tiền công là mục đích của cách mạng xã hội phạm những sai lầm gì?
Trong kinh tế chính trị học, lao động chỉ hiện diện dưới hình thức hoạt động nhằm có được tiền công.
[VIII] "Có thể khẳng định rằng những việc làm đòi hỏi những năng lực đặc thù hoặc một sự đào tạo dài hơn thì nói chung là mang lại thu nhập nhiều hơn; còn tiền công tương ứng cho một hoạt động máy móc đơn điệu mà ai cũng có thể nhanh chóng và dễ dàng thích nghi được, thì hạ xuống và tất nhiên phải hạ xuống khi cạnh tranh tăng lên. Nhưng trong trạng thái tổ chức hiện nay của lao động, chính loại lao động đó là phổ biến nhất. Như vậy, nếu công nhân loại thứ nhất hiện nay kiếm được 7 lần nhiều hơn, còn công nhân loại thứ hai kiếm được như cách đấy 50 năm về trước thì cố nhiên là tính trung bình, cả hai đều kiếm được 4 lần nhiều hơn trước. Nhưng nếu trong một nước nào đó, loại lao động thứ nhất chỉ có 1.000 người, còn loại lao động thứ hai có một triệu, thì 999.000 người sống không hơn gì 50 năm về trước, còn nếu đồng thời giá cả những vật phẩm thiết yếu bậc nhất tăng lên thì họ sống kém trước. Và với cách tính trung bình hời hợt như thế, người ta định tự dối mình về giai cấp đông đảo nhất trong dân cư. Ngoài ra, lượng tiền công chỉ là một trong những yếu tố để đánh giá thu nhập của công nhân, vì muốn đo lường thu nhập đó thì điều căn bản là phải xét xem thu nhập đó được bảo đảm bao lâu, mà điều này hoàn toàn không thể có được trong trạng thái vô chính phủ của cái gọi là tự do cạnh tranh, với những dao động thường xuyên và những thời kỳ trì trệ thường xuyên của nó. Và cuối cùng, còn phải tính đến độ dài của thời gian lao động thông thường trước kia và hiện nay. Vả lại, đối với công nhân Anh trong công nghiệp bông vải sợi khoảng 25 năm trở lại đây, nghĩa là chính từ khi áp dụng những máy móc tiết kiệm được lao động thì ngày lao động của công nhân vì bọn chủ xí nghiệp chạy theo lợi nhuận
[IX] đã tăng lên đến mười hai – mười sáu giờ một ngày. Mà việc kéo dài ngày lao động ở một nước hoặc ở một ngành công nghiệp – khi quyền của người giàu bóc lột người nghèo một cách không hạn chế còn được thừa nhận ở khắp mọi nơi -thì ít hay nhiều cũng xảy ra cả ở những nơi khác" (Schulz. "Bewegung der, Production", p.65[17]).
"Nhưng ngay cả nếu khẳng định rằng thu nhập trung bình của tất cả các giai cấp trong xã hội đều đã tăng lên, vừa là đúng vừa là sai đi nữa – thì sự khác nhau và sự thua kém tương đối của những thu nhập này so với những thu nhập khác vẫn có thể tăng thêm và do đó sự đối lập giữa giàu có và nghèo khổ có thể biểu hiện ngày càng mạnh hơn. Bởi vì chính do chỗ tổng sản lượng tăng lên và tuỳ theo sự tăng lên của tổng sản lượng mà những nhu cầu, những ham muốn và những đòi hỏi cũng tăng lên, do đó, sự nghèo khổ tương đối có thể tăng lên còn sự nghèo khổ tuyệt đối lại giảm xuống. Người Xa-mô-ét dùng mỡ hải cẩu và cá ươn mà không nghèo vì trong xã hội khép kín của anh ta, ai cũng có nhu cầu như nhau. Nhưng trong một quốc gia đang tiến lên và sau một chục năm nào đó tổng sản lượng đã tăng lên một phần ba tỷ lệ với dân số thì người công nhân nào chỉ kiếm được như cách đây 10 năm, sẽ không sung túc như trước mà đã nghèo đi một phần ba" (như trên, tr.65-66).
Nhưng kinh tế chính trị học coi người công nhân chỉ là một súc vật lao động, chỉ là một con vật mà nhu cầu được quy thành những nhu cầu thể xác thiết yếu nhất mà thôi.
"Một dân tộc muốn phát triển tự do hơn về mặt tinh thần thì không được là nô lệ của những nhu cầu thể xác của mình, nô lệ cho thể xác của mình nữa. Vậy là trước hết người đó phải có thời gian rỗi để hoạt động tinh thần và hưởng thụ về mặt tinh thần. Những tiến bộ trong tổ chức của lao động đem lại khả năng dành thời gian để làm việc đó. Vì rằng trong thời đại chúng ta, với những động cơ mới và những máy móc cải tiến, chỉ một công nhân trong công xưởng bông vải sợi, thường làm xong một công việc mà trước kia cần phải có 100 và thậm chí 250 – 350 công nhân. Những kết quả tương tự đều có trong tất cả các ngành sản xuất, vì những lực lượng tự nhiên bên ngoài đều ngày càng được thu hút tham gia ngày càng nhiều hơn vào lao động con người.
[X]. Nếu sự hao phí thời gian và sức người cần thiết để thoả mãn một số lượng nhu cầu vật chất nào đó giảm đi một nửa so với trước thì thời gian thừa ra để hoạt động tinh thần và hưởng thụ tinh thần tăng thêm theo mức độ như thế mà không hại gì đến phúc lợi vật chất cả. Nhưng cả về mặt phân phối chiến lợi phẩm mà chúng ta giành lại được trong tay thần Crô-nô-xơ ngay cả trong lĩnh vực riêng của thần đó, tất cả đều phụ thuộc vào cái ngẫu nhiên mù quáng và bất công như trước. Ở Pháp, người ta tính rằng trong trạng thái sản xuất hiện nay, để thỏa mãn tất cả những yêu cầu vật chất của xã hội, chỉ cần mọi người có khả năng lao động làm việc trung bình năm tiếng đồng hồ mỗi ngày là đủ… Mặc dù sự tiết kiệm thời gian đạt được bằng cách cải tiến máy móc, nhưng đối với đại bộ phận dân cư độ dài của thời gian lao động nô lệ trong các công xưởng chỉ tăng thêm thôi" (như trên, tr.67-68).
"Bước chuyển từ lao động thủ công phức tạp đòi hỏi phân tích lao động thủ công ấy thành những thao tác giản đơn. Nhưng lúc đầu, chỉ có một bộ phận những thao tác lặp đi lặp lại một cách đơn điệu mới được giao cho máy móc, còn bộ phận kia thì vẫn nằm trong tay con người. Theo bản chất của sự vật và căn cứ vào những kinh nghiệm nhất trí thì có thể coi chắc chắn rằng một hoạt động luôn luôn đơn điệu như thế là có hại cho tinh thần cũng như cho thể xác. Vì vậy khi kết hợp như thế công việc dùng máy móc với sự phân công đơn giản cho nhiều người thì tất cả những mặt bất lợi của sự phân công này nhất định phải lộ ra. Ngoài những cái khác ra, một chỉ số nói lên tính chất nguy hại của sự phân công như thế là tỷ lệ tử vong tăng thêm của công nhân công xưởng…
[XI]. Sự khác nhau to lớn đó giữa công việc mà con người thực hiện bằng máy và công việc của con người với tính cách là cái máy… không được người ta tính đến" (như trên, tr.69).
"Nhưng trong đời sống tương lai của các dân tộc, những lực lượng mù quáng của tự nhiên tác động trong máy móc, sẽ trở thành nô lệ và nông nô của chúng ta" (như trên, tr.74).
"Trong các nhà máy kéo sợi ở Anh, người ta chỉ dùng có 158 818 nam và 196 818 nữ. Cứ 100 nam công nhân ở các nhà máy bông vải sợi thuộc tỉnh Lan-ca-xtơ thì có 103 nữ và ở Xcốt-len, thậm chí có 209. Ở các nhà máy sợi gai của Anh ở Lít-xơ, cứ 100 nam công nhân thì có 147 nữ công nhân; ở Đan-đi và ở bờ biển phía đông Xcốt-len, thậm chí có 280. Ở các nhà máy dệt lụa của Anh có nhiều nữ công nhân; ở các nhà máy len là nơi cần có thể lực lớn thì nam công nhân chiếm đa số. Ở những nhà máy bông vải sợi Bắc Mỹ, năm 1833, có không ít hơn 38 927 nữ cùng lao động với 18.593 nam. Như vậy, do những thay đổi trong tổ chức của lao động, phạm vi hoạt động lao động của phụ nữ đã được mở rộng thêm… Phụ nữ đã trở nên độc lập hơn về mặt kinh tế… Hai giới tính dịch lại gần nhau hơn về mặt xã hội"(như trên, tr.71-72).
"Năm 1835, làm việc trong những xưởng kéo sợi của nước Anh có động cơ chạy bằng hơi nước và sức nước, có 20 558 em từ 8 đến 12 tuổi; 35 867 em từ 12 tuổi đến 13 tuổi và cuối cùng 108 208 em từ 13 đến 18 tuổi… Cố nhiên là những thành tựu sau này của cơ khí hoá ngày càng giải phóng con người khỏi những thao tác lao động đơn điệu, sẽ tác động theo hướng xoá bỏ dần [XII] điều tai hại đó. Nhưng cản trở những bước tiến nhanh chóng đó chính là việc các nhà tư bản có khả năng khai thác sức lao động của các giai cấp dưới, thậm chí của cả trẻ con, đối với họ việc đó dễ dàng hơn và rẻ hơn là sử dụng nguồn lực cơ khí" (như trên, tr.70 – 71).
"Huân tước Brum kêu gọi công nhân: "Hãy trở thành những nhà tư bản!"… Tai họa là ở chỗ hàng triệu người chỉ có thể kiếm được cho mình những tư liệu sinh hoạt ít ỏi bằng việc làm căng thẳng, làm cho cơ thể của họ hao mòn, làm què quặt họ về mặt đạo đức và trí tuệ, và ở chỗ họ phải coi việc có được một công việc thậm chí như thế, rất tai hại đối với họ là một hạnh phúc" (như trên, tr.60).
"Vậy muốn sống, những người không có sở hữu buộc phải trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ những người sở hữu, nghĩa là phụ thuộc vào họ" (Pecqueur "Théorie nouvelle D'économie soc, etc", p.409[18]).
"Tôi tớ trong nhà được tiền thuê; công nhân được tiền công; nhân viên được tiền lương" (như trên, tr.409-410).
Một bên "cho thuê lao động của mình", "cho vay lao động của mình để lấy lợi tức", "làm việc thay cho người khác". Bên khác, "cho thuê đối tượng lao động", "cho vay đối tượng lao động để lấy lợi tức", "bắt người khác phải lao động thay cho mình" (như trên, tr.411)
[XIII] "Chế độ kinh tế đó đẩy con người vào những nghề hết sức gớm ghiếc, vào một tình trạng đồi trụy hết sức buồn nản và cay đắng đến nỗi so với chế độ đó, đời sống của người dã man hình như là một cuộc sống đế vương" (tác phẩm đã dẫn, tr.417-418).
"Những người không có của bán thể xác của chính mình dưới mọi hình thức
(tr.421, – [422]). Những người thu thập giẻ rách cũ.
Trong quyển "Giải pháp cho vấn đề nhân khẩu v.v.", Pa-ri, 1842[19], S.Lao-đơn tính số người mại dâm ở Anh là 60 – 70 nghìn. Số đàn bà đức hạnh khả nghi cũng nhiều như thế (tr.228).
"Thời gian sống trung bình của con người bất hạnh không nhà không cửa ấy, từ khi họ đi vào con đường xấu xa, là vào khoảng 6 – 7 năm. Thành thử để duy trì số lượng những người mại dâm ở mức 60 – 70 nghìn người thì trong Vương quốc liên hiệp, mỗi năm ít ra phải có thêm 8-9 nghìn phụ nữ hiến mình cho cái nghề ty tiện đó, tức là mỗi ngày có 80 nạn nhân mới hoặc trung bình mỗi giờ một người; nếu trên toàn trái đất đều có cùng một tỷ lệ như thế thì tổng số những người bất hạnh ấy phải thường xuyên ở mức một triệu rưỡi người" (như trên, tr.229).
"Dân cùng khổ tăng lên cùng với quá trình tăng sự cùng khổ của họ; những con người chen chúc nhau đông nhất ở cái mức bần cùng cực điểm để giành nhau quyền đau khổ… Năm 1821, số dân của Ai-rơ-len là 6.801.827 người. Năm 1831, số đó tăng lên đến 7.764.010 người, nghĩa là tăng 14% trong mười năm. Ở Len-xtơ, một tỉnh có đời sống sung túc nhất, dân số chỉ tăng có 8% trong khi ở Con-nốt, một tỉnh nghèo nhất, số dân tăng tới 21% ("Extraits des Enquêtes Publiées en Angleterre sur érlande" Vienne, 1840)". (Buret. "De la misère. etc". t.I, p [36], 37[20]).
Kinh tế chính trị học xem xét lao động một cách trừu tượng như một vật; "lao động là một hàng hoá", nếu giá cả cao, thì có nghĩa là cầu về hàng hoá rất lớn; nếu giá cả thấp thì có nghĩa là cung rất lớn; "là hàng hoá, lao động ắt phải ngày càng hạ giá"; một phần sự cạnh tranh giữa tư bản và công nhân, một phần sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau buộc phải như vậy.
"Nhân khẩu công nhân bán lao động, buộc phải chịu nhận cái phần bé nhỏ nhất của sản phẩm… Lý luận về hàng hoá – lao động há chẳng phải là lý luận về chế độ nô lệ ngụy trang hay sao?" (tác phẩm đã dẫn, tr.43). "Vậy tại sao người ta chỉ thấy lao động là một giá trị trao đổi?" (như trên, tr.44). "Những xí nghiệp lớn mua chủ yếu là lao động của đàn bà và trẻ em vì nó rẻ hơn lao động của đàn ông" (tác phẩm đã dẫn). "Đối với người thuê mình, người công nhân không phải là người được tự do bán… Nhà tư bản bao giờ cũng được tự do sử dụng lao động, còn công nhân thì bao giờ cũng buộc phải bán lao động. Lao động sẽ hoàn toàn mất hết giá trị nếu không được bán đi từng giờ từng phút. Lao động không tích luỹ được, thậm chí cũng không để dành được, khác với những hàng hoá thật sự.
[XIV] Lao động là sự sống, mà sự sống thì sẽ tàn lụi và tiêu vong nhanh chóng, nếu hàng ngày không được trao đổi với thực phẩm. Do đó, muốn cho sự sống của con người trở thành hàng hoá thì phải thừa nhận chế độ nô lệ" (tác phẩm đã dẫn, tr.49-50).
Như vậy, nếu lao động là hàng hoá thì nó là hàng hoá có những thuộc tính bất hạnh. Nhưng ngay cả theo những nguyên lý của kinh tế chính trị học thì lao động không phải là hàng hoá, vì nó không phải là "kết quả tự do của một thị trường tự do" [tác phẩm đã dẫn, tr.50]. Chế độ kinh tế hiện có "hạ thấp cả giá cả của lao động lẫn tiền công của lao động, nó hoàn thiện người công nhân và hạ thấp con người" (tác phẩm đã dẫn, tr. 52-53). "Công nghiệp trở thành chiến tranh, còn thương nghiệp thì trở thành trò đánh bạc" (tác phẩm đã dẫn, tr.62).
"(Ở nước Anh) chỉ riêng những máy móc chế biến bông đã thực hiện được công việc của 84.000.000 người lao động thủ công" [tác phẩm đã dẫn, tr.193. Chú thích].
Cho tới nay công nghiệp đã ở vào trạng thái chiến tranh xâm lược:
"nó đã phung phí sinh mệnh của những người họp thành đạo quân của nó, một cách cũng bình thản như những người chinh phục vĩ đại. Mục đích của nó là có được của cải chứ không phải hạnh phúc của con người" (Buret, tác phẩm đã dẫn, tr.20). "Những lợi ích ấy" (nghĩa là những lợi ích kinh tế) "nếu cứ phó mặc cho chúng tự do hành động… thì chúng không khỏi xung đột lẫn nhau; chúng không có kẻ trọng tài nào khác ngoài chiến tranh, những bản phán quyết của chiến tranh thì mang lại cho những lợi ích này sự thất bại và diệt vong, để đảm bảo thắng lợi cho những lợi ích khác… Khoa học đi tìm trật tự và thăng bằng trong sự xung đột của những lực lượng đối lập: chiến tranh không ngừng, theo ý kiến của khoa học, là phương thức duy nhất để đạt tới hoà bình; cuộc chiến tranh đó gọi là cạnh tranh" (tác phẩm đã dẫn, tr.23).
"Để tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh công nghiệp, cần có những đạo quân đông đảo có thể tập trung vào một điểm và tung vào trận, không đếm xỉa đến tổn thất. Những binh sĩ của đạo quân đó phải gánh chịu những khó nhọc mà người ta buộc họ phải chịu, không phải vì lòng tận tụy hay vì nghĩa vụ; họ làm thế chỉ là để thoát khỏi nạn đói không khỏi đe dọa họ. Họ không quyến luyến, cũng không biết ơn những cấp chỉ huy của họ. Những cấp chỉ huy ấy không có chút thiện cảm nào với cấp dưới của mình, họ không coi cấp dưới của họ là những con người mà chỉ là những công cụ sản xuất phải mang lại càng nhiều thu nhập càng hay với chi phí càng ít càng tốt. Những công nhân ngày càng đông đúc ấy không có ngay cả sự an tâm là sẽ luôn luôn được sử dụng; công nghiệp tập hợp họ lại, chỉ cho họ sống khi cần đến họ; và một khi có thể không cần đến họ thì nó không ngần ngại bỏ mặc họ, và công nhân buộc phải nhượng con người mình và sức lực của mình theo một giá mà người ta sẵn sàng trả cho họ. Công việc mà người ta trao cho họ càng lâu dài, nặng nhọc và ghê tởm bao nhiêu thì họ được trả công càng ít bấy nhiêu; người ta thấy có những công nhân làm việc khẩn trương liên tục mỗi ngày 16 giờ, mà không mua nổi quyền khỏi chết đói" (tác phẩm đã dẫn, tr. [68]-69).
[XV] "Chúng tôi tin – và niềm tin này được sự tán thành của những người được trao trách nhiệm điều tra điều kiện sinh hoạt của thợ dệt thủ công – rằng những thành phố công nghiệp lớn sẽ mất dần lao động của mình trong một thời gian ngắn, nếu không thường xuyên nhận được những lớp người mạnh khoẻ, có dòng máu mới, không ngừng đổ tới từ những vùng nông thôn lân cận" (tác phẩm đã dẫn, tr.362).
Chú thích:
[11] Mác chia các trang của bản thảo đầu tiên ra làm ba cột song song với nhau với các tiêu đề: "Tiền công", "Lợi nhuận của tư bản" và "Địa tô". Mỗi cột đều ghi đầy chính văn liên quan đến các chủ đề nêu trên. Nhưng việc trình bày làm ba cột như thế bị phá vỡ, mà đến cuối bản thảo, về thực chất, mất hết mọi ý nghĩa. Các tiêu đề do Mác định ra tương ứng với ba phạm trù của kinh tế chính trị học tư sản, những phạm trù mà, đến lượt mình, theo học thuyết của A-đam Xmít, là ba kiểu thu nhập của ba giai cấp cơ bản của xã hội tư sản lúc đó – giai cấp công nhân, giai cấp tư sản công nghiệp và các điền chủ. – 72.
[12] Mác trích dẫn trang 138, t.I, tác phẩm của A. Xmít (xem chú thích 7) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 66]. Tất cả những trích dẫn tiếp theo do Mác đưa ra đều dựa vào ấn phẩm này. – 73.
[13] Trích dẫn tr.162, t.II tác phẩm của A.Xmít (xem chú thích) 7) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 194). – 75.
[14] Trích dẫn tr.193, t.I tác phẩm của A. Xmít (xem chú thích 7) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 84]. – 78.
[15] Lợi tức kép là lợi tức được tính một cách liên tục không chỉ dựa trên đại lượng ban đầu, mà còn dựa vào gia số đối với nó trong một thời hạn nhất định nào đó. Như vậy, đại lượng ban đầu được tăng lên giống như cấp số nhân, ví dụ: 2 x 2 = 4 x 2 = 8 x 2 = 16 v.v.. – 78, 95.
[16] Ở trang VII của bản thảo đầu, khác với các trang trước đó, Mác trình bày chủ đề "Tiền công" ở tất cả ba cột. Ở trang VIII ông trình bày hai chủ đề: ở cột đầu, bên trái – "Tiền công", ở cột thứ hai, bên phải. – "Lợi nhuận của tư bản". – 79.
[17] W.Schulz. "Die Bewegung der Prodution. Eine geschichtlich – statistische Abhandlung zur Grundlegung einer neuen Wissenschaft des Staats und der Gesellschaft". Zỹrich und Winterthur. 1843 (V.Sun-dơ. "Sự vận động của sản xuất. Nghiên cứu có tính lịch sử thống kê học để đạt cơ sở cho môn khoa học mới về nhà nước và xã hội". Xuy-rích và Vin-téc-tua. 1843). – 83.
[18] C.Pecqueur. "Théorie nouvelle d'économie sociale et politique, ou Etudes
sur l'organisation des sicuétes", Paris, 1842 (C.Pếch-cơ. "Học thuyết mới về kinh
tế xã hội và kinh tế chính trị, hoặc Nghiên cứu về việc tổ chức xã hội". Pa-ri,
1842). – 85, 101.
[19] Ch. Loudon. "Solution du problème de la population et de la subsistance". Paris, 1842 (S.Lao-đơn "Giải quyết vấn đề dân số và lương thực", Pa-ri, 1842). – 86.
[20] E. Buret "De la misère des classes laborieuses en Angleterre et en France". T.I, Paris, 1840 (E.Buy-rê, "Về sự cùng khổ của giai cấp công nhân ở nhà nước Anh và nước Pháp". T.I, Pa-ri, 1849). – 86.