Bản thảo kinh tế triết học (1844) – Bản thảo thứ nhất – Lợi nhuận tư bản
*Mục lục Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844
[Bản thảo thứ nhất]
1. Tiền công
- Tư bản.
- Lợi nhuận tư bản.
- Sự thống trị của tư bản đối với lao động và động cơ của nhà tư bản.
- Tích luỹ tư bản và cạnh tranh giữa các nhà tư bản
[Bản thảo thứ hai]
Lao động bị tha hoá.
[Quan hệ sở hữu tư nhân.]
[ Bản thảo thứ ba]
- Bản chất của chế độ tư hữu trong sự phản ánh của kinh tế chính trị học.
- Chủ nghĩa cộng sản.
- Nhu cầu, sản xuất và phân công.
- Tiền
- Phê phán phép biện chứng và triết học nói chung của Hê-ghen.
BẢN THẢO THỨ NHẤT
2. LỢI NHUẬN TƯ BẢN *
(* Trong nguyên bản phạm trù này được biểu thị bằng những thuật ngữ khác nhau: Profit des Kapitals, Gewinn der Kapitalien. Gewinn des Kapitals, Gewin v.v..)
2.1. Tư bản
[I] 1) Tư bản, nghĩa là quyền tư hữu về sản phẩm lao động của người khác, dựa vào cái gì?
"Nếu ngay cả tư bản không phải là kết quả của sự cướp đoạt hay sự lừa bịp, thì vẫn cần đến sự giúp đỡ của lập pháp để làm cho sự kế thừa trở nên thiêng liêng" (Say, T.I, Tr.136, ghi chú [21])
Con người trở thành kẻ sở hữu vốn sản xuất như thế nào? Con người trở thành kẻ sở hữu sản phẩm được sản xuất ra nhờ những vốn đó như thế nào?
Nhờ luật pháp hiện hành (Say, T.II. p.4).
Người ta thu được gì cùng với tư bản, chẳng hạn như khi được kế thừa một tài sản lớn?
"Người nào kế thừa một tài sản lớn thì cũng không do đó mà trực tiếp có được quyền lực chính trị. Việc có tài sản đó chỉ trực tiếp đem lại cho người đó khả năng mua, chi phối toàn bộ lao động hoặc toàn bộ sản phẩm của lao động tồn tại trong thời điểm đó trên thị trường" (Smith. T.I, p.61) [Bản dịch tiếng Nga, tr.38-39]
Vậy, tư bản là quyền chỉ huy lao động và sản phẩm của lao động. Nhà tư bản có được quyền đó không phải nhờ những phẩm chất cá nhân hay phẩm chất con người của hắn, mà chỉ có được với tư cách là người sở hữu tư sản. Sức mạnh của hắn là sức mua của tư bản của hắn, sức mua mà không có gì có thể chống lại nổi.
Dưới đây, chúng ta sẽ thấy, một là nhà tư bản dùng tư bản của mình để thực hiện như thế nào cái quyền chỉ huy của hắn đối với lao động, sau nữa là chúng ta cũng sẽ thấy cả cái quyền chỉ huy của tư bản đối với bản thân nhà tư bản.
Tư bản là gì?
"Một số lượng nhất định lao động tích lũy và được dành làm dự trữ" (Smith. T.II. p.312) [Bản dịch tiếng Nga, tr.244].
Tư bản là lao động tích lũy.
2) Vốn [fonds, stock] là một tích góp những sản phẩm của ruộng đất và của lao động công nghiệp. Nó chỉ mang tên gọi là tư bản khi nó đem lại một thu nhập hay lợi nhuận cho kẻ sở hữu nó (Smith. T.II. Tr. 191)[22]
2.2. Lợi nhuận của tư bản
"Lợi nhuận của tư bản hoàn toàn khác tiền công. Sự khác nhau giữa chúng biểu hiện ra bằng hai cách. Một là lợi nhuận của tư bản hoạt động do giá trị của tư bản bỏ ra quyết định, tuy đối với những tư bản khác nhau, lao động giám thị và quản lý có thể là như nhau. Thêm vào đó, trong những công xưởng lớn, toàn bộ lao động loại ấy được trao cho một người làm công chủ yếu mà lương của người này tuyệt nhiên không tỷ lệ [II] với tư bản mà anh ta theo dõi sự hoạt động". Mặc dầu trong trường hợp này, lao động của người sở hữu hầu như không có gì cả, nhưng người sở hữu đòi cho mình khoản lợi nhuận tỷ lệ với lượng tư bản của hắn (Smith. T.I, p.97-99) [Bản dịch tiếng Nga, tr.51].
Trên cơ sở nào nhà tư bản đòi phải tuân thủ một tỷ lệ như thế giữa lợi nhuận và tư bản?
"Anh ta sẽ không hứng thú dùng công nhân, nếu khi bán sản phẩm do họ làm ra, anh ta không hy vọng thu được nhiều hơn cái cần thiết để bù lại số vốn mà anh ta đã ứng ra để trả tiền công; và anh ta sẽ không hứng thú dùng một số vốn lớn hơn chứ không phải nhỏ hơn, nếu lợi nhuận của anh ta không tỷ lệ thuận với quy mô của số vốn đã bỏ ra ([Smith]. T.I, p.96-97) [Bản dịch tiếng Nga, tr.51].
Vậy nhà tư bản so lợi nhuận, một là với tiền công, và hai là với nguyên liệu đã ứng trước. Nhưng tỷ lệ giữa lợi nhuận và tư bản là như thế nào?
“Nếu xác định tỷ suất trung bình thông thường của tiền công ở một nơi nhất định và trong một lúc nhất định đã khó thì xác định lợi nhuận trung bình của tư bản càng khó. Những thay đổi trong giá cả hàng hoá mà tư bản gặp phải, thành công hoặc thất bại của các đối thủ cạnh tranh và khách hàng của tư bản, hàng nghìn điều ngẫu nhiên khác mà hàng hoá gặp phải khi vận chuyển cũng như ở trong kho, – tất cả những điều đó gây nên những thay đổi hàng ngày và hầu như hàng giờ trong lợi nhuận (Smith. T.I, tr.179-180) [Bản dịch tiếng Nga, tr.80]. Mặc dầu không có khả năng xác định một cách khá chính xác mức lợi nhuận của tư bản, nhưng vẫn có thể có được một ý niệm về lợi nhuận đó, nếu căn cứ vào lợi tức của tiền tệ. Nếu có tiền mà nhờ sử dụng nó có thể kiếm được nhiều lợi nhuận thì nói chung người ta trả những lợi tức cao để đổi lấy khả năng sử dụng tiền; còn nếu như lợi nhuận không cao thì lợi tức cũng ít (Smith. T.I, tr.181) [Bản dịch tiếng Nga, tr.80]. "Tỷ lệ nhất thiết phải tuân thủ giữa tỷ suất lợi tức thông thường và tỷ suất thông thường của lợi nhuận ròng nhất định thay đổi theo sự tăng lên hay giảm xuống của lợi nhuận. Ở nước Anh, cái mà những nhà buôn gọi là lợi nhuận thích hợp, vừa phải, chấp nhận được, được tính gấp đôi lợi tức, tất cả những từ đó chỉ biểu thị một điều, rằng đó là lợi nhuận trung bình, thông thường" (Smith. T.I, p.198) [Bản dịch tiếng Nga, tr.86].
Tỷ suất lợi nhuận thấp nhất là thế nào? Tỷ suất cao nhất là thế nào?
”Tỷ suất thấp nhất của lợi nhuận thông thường của tư bản bao giờ cũng phải hơi cao hơn cái cần thiết để bù lại những tổn thất ngẫu nhiên mà mọi việc sử dụng tư bản gặp phải. Số thừa ra đó chính là lợi nhuận thực thụ, hoặc thu nhập ròng". Với tỷ suất thấp nhất của lợi tức thì cũng hệt như vậy (Smith. T.I, p.196) [Bản dịch tiếng Nga, tr.85].
[III] "Tỷ suất lợi nhuận thông thường cao nhất có thể là tỷ suất thâu tóm cái bộ phận giá cả của đa số hàng hoá phải chuyển thành địa tô, chỉ để lại cái cần thiết để trả công cho lao động sản xuất và đưa hàng hoá ra thị trường, và lại trả công theo giá cả thấp nhất mà theo đó có thể mua lao động ở bất cứ nơi nào và vừa đủ cho công nhân tồn tại. Bằng cách này hay cách khác, dù sao công nhân cũng phải được nuôi sống trong thời gian họ được sử dụng làm việc; đối với người sở hữu ruộng đất thì không phải lúc nào cũng có thể chuyển cho anh ta cái gì đó". Thí dụ: những người của Công ty thương mại Đông Ấn ở Ben-gan (Smith.T.I, p. [197] – 198) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 86].
Ngoài tất cả những mối lợi của sự cạnh tranh yếu ớt mà nhà tư bản có quyền lợi dụng trong trường hợp này, anh ta có thể duy trì một cách đứng đắn giá cả thị trường cao hơn mức giá cả tự nhiên.
Một là, nhờ có bí mật thương nghiệp, khi thị trường ở rất xa những người tiêu thụ hàng hoá của mình trên thị trường đó; trong trường hợp này có thể giữ kín sự thay đổi đã có của giá cả – sự tăng lên của chúng cao hơn giá cả tự nhiên. Việc giữ kín như vậy làm cho các nhà tư bản khác không bỏ tư bản của họ vào ngành đó.
Rồi nhờ bí mật công xưởng là cái cho phép nhà tư bản có thể, với chi phí sản xuất ít hơn, cung cấp hàng hoá của mình với cùng một giá hoặc thậm chí với một giá thấp hơn giá của những kẻ cạnh tranh với mình mà thu được nhiều lợi nhuận. – (Lừa người bằng cách giữ bí mật không phải là phi đạo đức hay sao? Buôn bán ở sở giao dịch). – Sau nữa: ở chỗ nào mà sản xuất gắn liền với một địa phương nhất định (chẳng hạn như rượu nho quý) và không bao giờ có thể thoả mãn số cầu thực tế. Và cuối cùng, nhờ có độc quyền của những cá nhân và của những công ty. Giá cả độc quyền đạt tới giới hạn có thể có (Smith. TI, p.120-124) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 50-61].
Những nguyên nhân ngẫu nhiên khác có thể nâng lợi nhuận của tư bản lên:
“Việc đoạt được những lãnh thổ mới hoặc sự xuất hiện những ngành thương nghiệp mới thường làm tăng lợi nhuận của tư bản lên, ngay cả ở một nước giàu có, vì việc đó rút một bộ phận tư bản khỏi những ngành thương nghiệp cũ, làm dịu bớt cạnh tranh, làm giảm số lượng hàng hoá tung ra thị trường, do đó giá cả những hàng hoá này tăng lên; lúc đó, những người buôn bán những hàng hoá đó có thể trả lợi tức cao hơn cho những món nợ bằng tiền” (Smith. T.I, p.190) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 83-84].
“Hàng hoá mà càng mất nhiều công chế tạo hơn thì cái bộ phận giá cả phân ra thành tiền công và lợi nhuận tăng lên càng nhiều hơn bộ phận tạo thành địa tô. Cùng với sự phát triển của công nghiệp chế tạo, không những chuỗi lợi nhuận kế tiếp nhau tăng lên, mà mỗi lợi nhuận thu được sau đó cũng trở nên lớn hơn lợi nhuận thu được trong giai đoạn trước đó, vì tư bản, [IV] từ đó lợi nhuận nảy sinh ra, tất nhiên ngày càng lớn. Tư bản dùng để thuê thợ dệt bao giờ cũng phải lớn hơn tư bản dùng để thuê thợ kéo sợi, vì không những nó bù lại tư bản nói sau cùng với lợi nhuận của tư bản này, mà ngoài ra nó còn trả tiền công của thợ dệt, mà lợi nhuận thì bao giờ cũng phải ở trong một tỷ lệ nhất định với tư bản" (t.I, p.102-103) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 52-53].
Như vậy, việc kết hợp lao động con người vào sản phẩm tự nhiên khi chế biến và chế biến lại sản phẩm đó không làm tăng tiền công, mà một phần làm tăng số lượng những tư bản đem lại lợi nhuận, một phần làm tăng đại lượng của mỗi tư bản sau so với tư bản trước.
Về mối lợi mà nhà tư bản rút ra từ phân công lao động thì sau đây chúng ta sẽ nói đến.
Nhà tư bản được lợi hai mặt: một là do sự phân công, hai là nói chung do sự tăng lên của phần lao động con người kết hợp vào sản phẩm tự nhiên. Phần của con người tham gia vào hàng hoá càng nhiều thì lợi nhuận của tư bản không sinh khí càng lớn.
"Trong cùng một xã hội, tỷ suất lợi nhuận trung bình của tư bản là gần với mức thống nhất hơn là tiền công của các loại lao động khác nhau" (t.I, p.228) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 97]. "Khi tư bản được sử dụng bằng nhiều cách khác nhau, tỷ suất lợi nhuận thông thường thay đổi tùy theo việc thu hồi tư bản được đảm bảo nhiều hay ít. Tỷ suất lợi nhuận tăng lên cùng với sự bất trắc, tuy hoàn toàn không tăng theo cùng một tỷ lệ" (Cùng nguồn, [Tr.226-227]) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 96].
Dĩ nhiên là những lợi nhuận của tư bản cũng tăng thêm do phương tiện lưu thông (thí dụ tiền giấy) giảm xuống hoặc rẻ đi.
2.3. Sự thống trị của tư bản đối với lao động và động cơ của nhà tư bản
"Động cơ duy nhất thúc đẩy người có tư bản đem dùng tư bản vào nông nghiệp, vào công nghiệp hoặc vào một ngành nào đó của thương nghiệp bán buôn hoặc bán lẻ, là việc chạy theo lợi nhuận của bản thân anh ta. Anh ta không bao giờ có ý nghĩ tính xem mỗi một phương thức sử dụng tư bản đó sẽ đưa bao nhiêu lao động sản xuất vào hoạt động [V] hoặc sẽ tăng giá trị sản phẩm hàng năm của đất đai và của lao động trong nước mình đến mức nào" (Smith. T.II, p.400-401) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 275-276].
"Việc sử dụng tư bản có lợi nhất cho nhà tư bản sẽ là việc sử dụng nào đem lại cho anh ta lợi nhuận lớn nhất trong điều kiện độ chắc chắn như nhau. Việc sử dụng ấy không phải bao giờ cũng sẽ có lợi nhất cho xã hội. Có lợi nhất là việc sử dụng tư bản nhằm thu được ích lợi từ các lực lượng sản xuất của tự nhiên" (Say. T.II, p.[130]-131).
"Những thao tác lao động quan trọng nhất được điều chỉnh và chỉ đạo theo các kế hoạch và tính toán của những người đầu tư. Và mục đích mà họ đặt ra cho họ trong tất cả những kế hoạch và tính toán ấy là lợi nhuận. Không giống như địa tô và tiền công, tỷ suất lợi nhuận không tăng lên cùng với sự phồn vinh của xã hội và không hạ xuống cùng với sự suy sụp của xã hội. Ngược lại, tỷ suất đó tự nhiên là phải thấp ở những nước giàu và cao ở những nước nghèo; và không đâu tỷ suất đó lại cao như ở những nước đang lao nhanh nhất đến sự phá sản hoàn toàn. Do đó, lợi ích của giai cấp đó không gắn liền với lợi ích chung của xã hội, như lợi ích của hai giai cấp kia… Những lợi ích đặc biệt của những người kinh doanh một ngành đặc biệt nào đó của thương nghiệp hay của công nghiệp, về một mặt nào đó, bao giờ cũng khác và thậm chí thường trái ngược một cách đối địch với lợi ích của công chúng. Thương nhân luôn luôn muốn mở rộng thị trường và hạn chế sự cạnh tranh của những người bán… Đó là giai cấp những người mà lợi ích sẽ không bao giờ nhất trí hẳn với lợi ích của xã hội, là giai cấp những người nói chung có lợi trong việc lừa dối công chúng và trong việc trút thêm gánh nặng lên vai công chúng" (Smith. T.II, p.163-165) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 195].
2.4. Tích lũy tư bản và cạnh tranh giữa các nhà tư bản.
Sự tăng thêm của tư bản khiến cho tiền công tăng lên, lại có khuynh hướng làm giảm lợi nhuận của các nhà tư bản do sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản với nhau (Smith. T. I, p.179) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 80].
"Khi chẳng hạn tư bản cần cho việc buôn bán tạp hoá trong một thành phố được phân ra cho hai người buôn tạp hoá, thì cạnh tranh làm cho mỗi người sẽ bán rẻ hơn là khi tư bản đó chỉ nằm trong tay một người; và nếu tư bản được phân ra cho hai mươi người [VI] thì cạnh tranh giữa họ sẽ càng tích cực thêm, và họ sẽ càng có ít khả năng thoả thuận với nhau để nâng cao giá cả hàng hoá của họ lên" (Smith. T.II, p.372-373) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 266].
Vì chúng ta đã biết rằng, giá cả độc quyền đạt tới giới hạn có thể được, vì ngay cả theo quan điểm của kinh tế chính trị học thông thường, lợi ích của các nhà tư bản cũng đối lập thù địch với lợi ích của xã hội, vì sự tăng lên của lợi nhuận của tư bản tác động đến giá cả hàng hoá, giống như tác động của lợi tức kép [15] (Smith. T.I, p.199-201) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 87], – nên cạnh tranh là phương tiện bảo vệ duy nhất chống lại các nhà tư bản; theo lời các nhà kinh tế chính trị học, nó có ảnh hưởng tốt đến cả việc nâng cao tiền công lẫn việc giảm giá hàng hoá, có lợi cho công chúng tiêu dùng[23].
Nhưng cạnh tranh chỉ có thể xảy ra vì các tư bản tăng lên và hơn nữa tăng lên trong tay nhiều người. Chỉ có tích lũy nhiều chiều thì mới có thể có nhiều tư bản, vì nói chung tư bản chỉ hình thành nhờ tích luỹ, mà một sự tích lũy nhiều chiều thì nhất định phải biến thành tích luỹ một chiều. Cạnh tranh giữa các tư bản làm tăng thêm sự tích luỹ tư bản. Tích lũy, dưới sự thống trị của chế độ tư hữu, là sự tích tụ tư bản vào tay một số ít người, nói chung nó là một hậu quả tất yếu, nếu các tư bản được tự do đi theo tiến trình tự nhiên của chúng; chính thông qua cạnh tranh mà công dụng tự nhiên này của tư bản mở cho mình con đường tự do thực sự.
Chúng ta đã nghe nói rằng lợi nhuận của tư bản tỷ lệ với quy mô của nó. Cho nên ngay cả nếu lúc đầu hoàn toàn không kể đến sự cạnh tranh có chủ định thì một tư bản lớn được tích luỹ nhanh hơn tư bản nhỏ [VI], tương ứng với lượng của nó.
[VIII] Như vậy, cũng hoàn toàn không kể đến cạnh tranh, sự tích lũy của tư bản lớn diễn ra nhanh hơn nhiều so với sự tích lũy của tư bản nhỏ. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục theo dõi tiến trình tích luỹ đó.
Tư bản tăng lên thì do cạnh tranh, lợi nhuận của tư bản giảm xuống. Vậy, nhà tư bản nhỏ là người chịu thiệt trước tiên.
Sự tăng lên của các tư bản và sự tồn tại của một số lớn các tư bản có tiền đề là sự giàu có ngày càng tăng tiến của đất nước.
"Trong một nước đã đạt đến trình độ giàu có rất cao, tỷ suất thông thường của lợi nhuận nhỏ đến mức lợi tức, mà lợi nhuận cho phép trả, quá thấp khiến ngoài những người giàu có nhất, không ai có thể sống bằng lợi tức của tiền bạc của mình được. Vì vậy tất cả những người có dư dật trung bình buộc phải tự mình tung tư bản của mình sử dụng nó vào một công việc kinh doanh nào đó hoặc tham gia một ngành thương nghiệp nào đó" (Smith, T.I, p.[196] – 197). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 86].
Trạng thái đó là một trạng thái ưa thích của kinh tế chính trị học.
"Đâu đâu tỷ lệ giữa tổng số tư bản và tổng số thu nhập cũng đều quyết định tỷ lệ giữa sự chăm chỉ và sự ăn không ngồi rồi; bất cứ ở đâu mà tư bản thống trị thì ở đó sự chăm chỉ cũng chiếm ưu thế; bất cứ ở đâu mà thu nhập thống trị thì ở đó sự ăn không ngồi rồi chiếm ưu thế" (Smith. T.I, p.325). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 249].
Vậy việc dùng tư bản trong hoàn cảnh cạnh tranh tăng lên như thế nào?
"Tư bản càng tăng thêm thì số lượng những vốn cho vay lấy lợi tức phải luôn luôn tăng lên. Những vốn như vậy tăng lên thì lợi tức giảm xuống, 1) Vì giá cả thị trường của mọi vật phẩm hạ xuống khi số lượng của những vật phẩm này tăng lên và 2) vì các tư bản mà tăng lên thì trong nước ngày càng khó tìm được cách sử dụng có lợi cho tư bản mới. Giữa các tư bản nổ ra một cuộc cạnh tranh, vì người có tư bản này hết sức cố gắng giành lấy công việc mà một tư bản khác đã chiếm giữ. Nhưng rất thường khi anh ta không thể hy vọng gạt bỏ tư bản khác ấy, nếu không đưa ra những điều kiện có lợi hơn. Không những anh ta phải bán vật phẩm với giá rẻ hơn mà thường thường để tìm cơ hội bán, anh ta đôi khi còn phải mua với giá đắt hơn. Số vốn dùng để duy trì lao động sản xuất càng lớn thì cầu về lao động càng lớn: công nhân dễ kiếm việc, [IX] nhưng các nhà tư bản thì lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân. Cạnh tranh giữa các nhà tư bản làm cho tiền công tăng lên và lợi nhuận hạ xuống" (Smith. T. II, p.358-359). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 260].
Vậy nhà tư bản nhỏ phải lựa chọn: 1) hoặc là ăn hết tư bản của mình, vì anh ta không thể sống bằng lợi tức được nữa, do đó không còn là nhà tư bản nữa; 2) hoặc là tự mình tiến hành kinh doanh, bán hàng hoá của mình rẻ hơn và mua vào đắt hơn nhà tư bản giàu hơn mình, và trả tiền công cao hơn; vậy là bị phá sản, vì giá cả thị trường đã rất thấp do có cạnh tranh mạnh mẽ như đã giả định. Trái lại, nếu nhà tư bản lớn muốn gạt nhà tư bản nhỏ thì so với nhà tư bản nhỏ, anh ta có mọi ưu thế mà một nhà tư bản, với tính cách là nhà tư bản, vốn có so với công nhân. Mức [tỷ suất] lợi nhuận nhỏ hơn được bù lại cho anh ta bằng lượng tư bản lớn hơn, và anh ta thậm chí có thể chịu những thua lỗ tạm thời, cho đến khi nhà tư bản nhỏ hơn bị phá sản và khi anh ta thoát khỏi sự cạnh tranh của nhà tư bản này. Anh ta thu gom lợi nhuận của nhà tư bản nhỏ vào tay mình như vậy đó.
Sau nữa: nhà tư bản lớn bao giờ cũng mua được rẻ hơn nhà tư bản nhỏ, vì anh ta mua những số lượng lớn hơn. Cho nên anh ta có thể bán rẻ hơn mà không bị thiệt.
Nhưng nếu lợi tức cho vay hạ xuống biến những nhà tư bản trung bình từ người thực lợi thành người kinh doanh, thì ngược lại: sự tăng lên của số tư bản bỏ vào kinh doanh và sự giảm xuống – do đó mà ra – của [tỷ suất] lợi nhuận, lại làm cho lợi tức cho vay hạ xuống.
"Đồng thời với việc lợi nhuận có thể thu được trong việc sử dụng tư bản hạ xuống, giá cả có thể trả để sử dụng tư bản đó cũng nhất thiết giảm xuống" (Smith. T.II, p.359). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 260].
"Của cải, công nghiệp, nhân khẩu tăng càng nhiều thì lợi tức cho vay, và do đó cả lợi nhuận của tư bản giảm càng nhiều, tuy nhiên bản thân các tư bản tiếp tục tăng lên và thậm chí còn tăng lên nhanh hơn trước, mặc dù lợi nhuận hạ xuống. Một tư bản lớn, tuy thu được lợi nhuận thấp, nhưng thường tăng lên nhanh hơn nhiều so với tư bản nhỏ thu lợi nhuận lớn. Tục ngữ nói: tiền đẻ ra tiền" (Smith. T.I, p.189). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 83].
Còn, nếu những tư bản nhỏ có lợi nhuận thấp đối lập với tư bản lớn ấy, như đã xảy ra trong trạng thái cạnh tranh mãnh liệt mà chúng ta đã giả định, thì tư bản lớn sẽ hoàn toàn đè bẹp các tư bản nhỏ.
Với sự cạnh tranh như vậy, hậu quả tất yếu là tình trạng phẩm chất hàng hoá kém đi một cách phổ biến, việc làm giả, sản xuất giả, sự đầu độc phổ biến, như người ta thấy ở thành thị lớn.
[X] Sau nữa, một điều quan trọng trong sự cạnh tranh của những tư bản lớn và nhỏ là tỷ lệ giữa tư bản cố định và tư bản lưu động.
"Tư bản lưu động là tư bản được sử dụng trong việc sản xuất những tư liệu sinh hoạt, trong công xưởng hoặc trong thương nghiệp. Tư bản đó không đem lại thu nhập hoặc lợi nhuận cho người chiếm hữu nó, chừng nào nó vẫn còn nằm trong tay người đó, hoặc chừng nào nó vẫn giữ hình thức cũ. Nó thường xuyên ra khỏi bàn tay của chủ nó dưới một hình thức này để quay trở lại dưới một hình thức khác, và mang lại lợi nhuận chỉ nhờ sự lưu thông như vậy, hoặc sự chuyển hoá liên tiếp như vậy: Tư bản cố định là tư bản bỏ ra để cải thiện đất đai, mua máy móc, dụng cụ, công cụ hành nghề v.v." (Smith. [T.II], p.197-198). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 205-206].
"Bất cứ sự tiết kiệm nào trong việc chi tiêu để duy trì tư bản cố định đều làm tăng lợi nhuận ròng. Tổng tư bản của mỗi nhà kinh doanh tất phải phân thành tư bản cố định và tư bản lưu động của anh ta. Nếu tổng tư bản của anh ta vẫn không thay đổi, thì một bộ phận của nó mà càng nhỏ, bộ phận kia lại càng lớn. Tư bản lưu động chi tiêu cho nguyên liệu và tiền công và làm cho sản xuất hoạt động. Như vậy, bất cứ sự tiết kiệm nào về bộ phận tư bản cố định mà không làm giảm sức sản xuất của lao động thì đều tăng vốn làm cho sản xuất chạy" (Smith. T.II, p.226). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 215-216].
Ngay từ đầu ta đã thấy rằng tỷ lệ giữa tư bản cố định và tư bản lưu động là có lợi cho nhà tư bản lớn nhiều hơn là cho nhà tư bản nhỏ. Chủ ngân hàng rất lớn cần có tư bản cố định chỉ lớn hơn một chút so với chủ ngân hàng rất nhỏ; tư bản cố định của họ chỉ là chi phí cho văn phòng mà thôi. Công cụ sản xuất của địa chủ lớn tăng lên không mảy may tỷ lệ với diện tích đất đai của anh ta. Cũng vậy, tín dụng mà nhà tư bản lớn có khác với nhà tư bản nhỏ, là sự tiết kiệm lớn hơn tương ứng về tư bản cố định, tức là về số tiền mà anh ta bao giờ cũng phải có sẵn. Và, cuối cùng, dĩ nhiên là ở chỗ nào mà lao động công nghiệp đạt tới trình độ phát triển cao, vậy là ở chỗ nào mà hầu hết lao động chân tay trở thành lao động công xưởng, thì ở đó toàn bộ tư bản của nhà tư bản nhỏ không đủ để có được ngay cả tư bản cố định cần thiết. Biết rằng công việc trong cơ sở kinh doanh lớn thường đòi hỏi phải có một số lượng không lớn nhân công.
Nói chung, trong sự tích lũy của tư bản lớn, cũng diễn ra sự tích tụ tương ứng và sự đơn giản hoá của tư bản cố định so với những nhà tư bản nhỏ hơn. Nhà tư bản lớn áp dụng cho mình một kiểu [XI] tổ chức công cụ lao động.
"Trong lĩnh vực công nghiệp cũng vậy, mỗi công trường thủ công và mỗi công xưởng cũng đã là một sự kết hợp rộng rãi hơn những của cải vật chất khá lớn với những năng lực trí tuệ và tài khéo léo về kỹ thuật rất nhiều và lắm vẻ vì mục đích chung của sản xuất… Ở chỗ nào mà pháp luật duy trì những điền sản rộng lớn thì số nhân khẩu dư thừa đang tăng lên đổ xô vào hoạt động công nghiệp, và kết quả là, như chúng ta thấy ở Anh, những khối đông người vô sản tập trung chủ yếu là trong lĩnh vực công nghiệp. Còn ở đâu mà pháp luật cho phép phân chia ruộng đất không ngừng như xảy ra ở Pháp, thì ở đó số người sở hữu nhỏ và mắc nợ tăng lên, trong quá trình liên tục phân chia manh mún, họ tự rơi vào giai cấp những người túng thiếu và bất mãn. Nếu cuối cùng, sự phân chia manh mún và tình trạng nợ nần đó đạt tới mức độ đặc biệt cao thì sở hữu lớn về ruộng đất lại sẽ thôn tính sở hữu nhỏ, giống như công nghiệp lớn tiêu diệt công nghiệp nhỏ; và vì những tổ hợp tương đối lớn về ruộng đất lại hình thành, cho nên toàn bộ cái khối công nhân không có của không tuyệt đối cần thiết cho việc canh tác ruộng đất, lại dồn vào công nghiệp" (Schulz. Bewegung der Production", p.[58]-59).
"Các thuộc tính của những hàng hoá cùng loại biến đổi do những thay đổi trong phương thức sản xuất, đặc biệt là do sử dụng máy móc. Chỉ có loại bỏ sức lực con người, mới có khả năng kéo một phun-tơ bông trị giá 3 si-linh 8 pen-xơ thành 350 con chỉ dài 167 dặm Anh hay 36 dặm Đức, trị giá 25 ghi-nê" (như trên, tr.62).
"Tính trung bình giá sản phẩm vải bông ở Anh đã hạ xuống 11/12 trong 45 năm qua, và cùng một số lượng công nghiệp phẩm năm 1814 còn trị giá 16 si-linh thì hiện nay theo sự tính toán của Mác-san trị giá 1 si-linh 10 pen-xơ. Giá rẻ hơn của công nghiệp phẩm đã làm tăng cả sự tiêu dùng trong nước lẫn sự tiêu thụ trên thị trường ngoài nước, do đó ở nước Anh, sau khi dùng máy móc, số lượng công nhân trong công nghiệp bông vải sợi không những không giảm đi mà còn tăng từ 4 vạn người lên đến 1 triệu rưỡi người. [XII]. Còn về thu nhập của các nhà kinh doanh công nghiệp và của công nhân thì do sự cạnh tranh
ngày càng tăng giữa các chủ xưởng, nên lợi nhuận của họ, đối chiếu với số lượng sản
phẩm mà họ cung cấp, tất nhiên đã giảm xuống. Giữa những năm 1820 và 1833, tổng
lợi nhuận ròng của các chủ xưởng, ở Man-se-xtơ về một tấm vải hoa đã giảm từ 4 si-linh 11/3 pen-xơ xuống còn 1 si-linh 9 pen-xơ. Nhưng để bù lại tổn thất đó, khối lượng sản xuất đã tăng lên với mức độ lớn hơn. Kết quả là trong những ngành công nghiệp riêng lẻ thỉnh thoảng lại xảy ra sản xuất thừa; là thường phát sinh nhiều cuộc vỡ nợ khiến trong nội bộ giai cấp các nhà tư bản và các chủ thuê công nhân, tài sản lâm vào tình trạng dao động và lên xuống không ổn định, tình trạng đó ném một bộ phận nào đó, những người sở hữu bị phá sản về kinh tế vào hàng ngũ giai cấp vô sản; là thường thường và đột nhiên xuất hiện sự cần thiết phải ngừng hoặc giảm bớt công việc, ảnh hưởng hết sức tai hại đến giai cấp những công nhân làm thuê" (như trên, tr.63).
"Cho thuê lao động của mình có nghĩa là bắt đầu cuộc sống nô lệ của mình; cho thuê đối tượng lao động có nghĩa là xác lập tự do của mình…Lao động là con người, trái lại trong đối tượng lao động thì không có gì là của con người cả" (Pecqueur. "Théor. soc. etc", p.411-41228).
"Yếu tố vật chất – yếu tố này không mảy may có thể tạo ra của cải nếu không có yếu tố thứ hai, lao động – nhận được cái tính chất thần kỳ là làm sinh sôi nảy nở ra của cải cho người có yếu tố vật chất, tựa hồ như bằng hành động của bản thân họ, họ đã bỏ vào trong đó cái yếu tố không thể thiếu được kia" (như trên, tác phẩm đã dẫn). "Nếu giả định rằng lao động hàng ngày của một công nhân đem lại cho anh ta trung bình 400 phrăng mỗi năm và số tiền đó đủ cho mỗi người lớn sống, thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu nhất thì như vậy là mỗi người có thu nhập hàng năm 2.000 phrăng lợi tức, địa tô, tiền cho thuế nhà v.v., gián tiếp bắt 5 người làm việc cho mình; 100.000 phrăng lợi tức đại biểu cho lao động của 250 người và 1.000.000 phrăng đại biểu cho lao động của 2.500 người" (như trên, tr.412-413), – và do đó, 300.000.000 phrăng (Lu-i – Phi-líp) đại biểu cho lao động của 750.000 công nhân.
"Luật pháp của con người cho phép những kẻ sở hữu có quyền sử dụng và lạm dụng sở hữu của mình, nghĩa là làm tất cả những gì người đó muốn đối với mọi đối tượng lao động… luật pháp không hề buộc họ phải thường xuyên và đúng lúc
đem lại việc làm cho những người không có sở hữu, hoặc trả cho những người này tiền công luôn luôn đầy đủ v.v." (sách đã dẫn, tr.413). "Hoàn toàn tự do quyết định tính chất, số lượng chất lượng, sự hợp thời của sản xuất, hoàn toàn tự do tiêu dùng của cải, sử dụng mọi đối tượng lao động. Mỗi người được tự do trao đổi vật phẩm của mình theo ý mình, chỉ tính lợi ích cá nhân của riêng mình" (sách đã dẫn tr.413).
"Cạnh tranh chỉ biểu hiện sự trao đổi không bắt buộc, sự trao đổi này bản thân nó lại là kết quả gần nhất và logic của quyền cá nhân được sử dụng và lạm dụng những công cụ của mọi sản xuất. Ba yếu tố kinh tế ấy – thực ra là một chỉnh thể duy nhất: quyền sử dụng và lạm dụng, tự do trao đổi và cạnh tranh tuỳ tiện – đem lại những kết quả sau đây: mỗi người sản xuất cái mà mình muốn, theo cách mình muốn, khi mình muốn, ở nơi mình muốn; sản xuất tốt hay sản xuất xấu, quá nhiều hay không đủ, quá sớm hay quá muộn, quá đắt hay quá rẻ; không ai biết mình có bán được không, bán như thế nào, bán vào lúc nào, bán ở đâu, bán cho ai. Và việc mua vào cũng như vậy. [XIII] Người sản xuất không biết nhu cầu và nguồn lực, không biết số cầu và số cung. Anh ta bán khi anh ta muốn và khi có thể bán, bất kỳ ở chỗ nào anh ta muốn bán, cho bất kỳ ai anh ta thích, với bất kỳ giá nào anh ta muốn. Anh ta cũng mua như vậy. Trong tất cả tình hình đó, anh ta luôn luôn là đồ chơi của ngẫu nhiên, nô lệ cho luật lệ do kẻ mạnh hơn, kẻ ít khó khăn hơn, kẻ giàu hơn chi phối… Trong khi ở nơi này thiếu của cải thì ở nơi kia lại thừa thãi và lãng phí. Trong khi người sản xuất này bán được nhiều hoặc rất đắt và kiếm được lợi nhuận lớn thì người sản xuất khác lại không bán được gì hoặc bán lỗ… Cung không biết cầu, cầu không biết cung. Các anh sản xuất dựa vào thị hiếu và những mốt nảy ra trong những người tiêu dùng; nhưng khi anh đã sẵn sàng đưa hàng ra bán thì ước mơ đó của họ đã qua đi và ý muốn của họ giờ đây hướng vào một loại sản phẩm khác… Kết quả không tránh khỏi của tất cả những cái đó là phá sản thường xuyên và phổ biến; tính sai, phá sản đột ngột và giàu lên bất ngờ; khủng hoảng thương nghiệp, đóng cửa xí nghiệp, hàng hoá ứ đọng hay khan hiếm một cách chu kỳ; tiền công và lợi nhuận không ổn định và hạ xuống; hao tổn hoặc lãng phí ghê gớm về của cải, về thời gian và công sức trên vũ đài cạnh tranh quyết liệt" (sách đã dẫn, tr.414-416).
Ricardo trong quyển sách của ông (địa tô): các nước chỉ là những xưởng sản xuất; người là một cái máy để tiêu dùng và sản xuất; đời sống con người là tư bản; các quy luật kinh tế chi phối thế giới một cách mù quáng. Đối với Ricardo, con người không là gì cả, sản phẩm là tất cả. Trong chương 26 bản dịch tiếng Pháp có nói:
"Một người có một tư bản 20.000 phrăng đem lại cho anh ta hàng năm 2.000 phrăng lợi nhuận, thì hoàn toàn không quan tâm xem tư bản của anh ta đem lại việc làm cho 100 hay 1.000 người… Lợi ích thực tế của một nước chẳng phải cũng như thế hay sao? Chỉ cần thu nhập ròng thực tế của nó, địa tô và lợi nhuận của nó không thay đổi, thì dân tộc đó gồm 10 hay 12 triệu nhân khẩu, điều đó không có ý nghĩa gì cả". Ông Đờ Xi-xmôn-đi nói (t.II, p.331): "Thật ra, chỉ còn mong muốn một điều là một ông vua, sống hoàn toàn đơn độc trên hòn đảo của mình, không ngừng quay một cái ma-ni-ven, buộc những máy tự động làm tất cả công việc của chúng ở nước Anh"[24].
"Người chủ mua lao động của công nhân với một giá hạ đến nỗi chỉ tạm đủ cho công nhân thỏa mãn những nhu cầu bức thiết nhất thì không có lỗi về việc tiền công không đủ, cũng chẳng có lỗi về việc thời gian lao động kéo dài quá mức: bản thân anh ta cũng phải tuân theo quy luật mà anh ta buộc người khác phải tuân theo… Nguồn gốc của sự cùng khổ là do thế lực của sự vật gây ra nhiều hơn là do con người gây ra" ([Buret], sách đã dẫn, tr.82).
"Ở Anh có nhiều địa phương mà ở đó dân cư không có tư bản đủ để canh tác thích đáng đất đai của họ. Một phần khá lớn len của những tỉnh miền Nam Scotland phải trải qua một hành trình dài theo những con đường bộ rất xấu để đưa đến chế biến ở lãnh địa I-oóc-sia, vì thiếu tư bản để chế tạo nó tại chỗ. Ở Anh có nhiều thành thị công nghiệp nhỏ, ở đó dân cư thiếu tư bản đủ để vận chuyển sản phẩm công nghiệp của họ đến những thị trường xa có nhu cầu về sản phẩm ấy và có người tiêu dùng. Những thương nhân có ở đây [XIV] chỉ là những đại lý của những thương nhân giàu hơn sống tại một số thành thị thương nghiệp lớn" (Smith. T.II.p.382) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 269]. "Để tăng giá trị của sản phẩm hàng năm của ruộng đất và của lao động, không có cách nào khác hơn là tăng số lượng những công nhân sản xuất lên, hoặc là tăng năng suất lao động của những công nhân đã thuê từ trước… Trong cả hai trường hợp, hầu như bao giờ cũng cần có một số trội thêm về tư bản" (Smith. T.II.p. 338). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 252].
"Như vậy, vì theo bản chất của sự vật, tích lũy tư bản là cái tất yếu có trước sự phân công lao động, nên sự phân công lao động tiếp theo chỉ có thể diễn ra trong chừng mực tư bản được tích luỹ ngày càng nhiều. Số dạng lao động hình thành càng nhiều thì số lượng những vật tư có thể do cùng một số người chế biến càng tăng, và vì công việc của mỗi công nhân ắt phải ngày càng đơn giản hoá, nên người ta phát minh ra ngày thêm nhiều máy móc mới để giảm nhẹ và đẩy nhanh những công việc ấy. Vậy phân công lao động càng phát triển thì muốn cho cũng một số công nhân như trước thường xuyên có việc làm, cần phải tích luỹ trước được một dự trữ lương thực thực phẩm như trước và một dự trữ vật tư, công cụ và dụng cụ lớn hơn nhiều so với số dự trữ cần thiết trước kia, trong tình hình còn kém phát triển. Trong mọi ngành sản xuất, số lượng công nhân tăng lên đồng thời với sự phát triển của phân công lao động trong ngành đó, hoặc nói đúng hơn, chính sự tăng số lượng công nhân như thế tạo ra cho công nhân khả năng phân chia thành các nhóm và các loại như vậy" (Smith. T.II.p.193-194) [Bản dịch tiếng Nga, tr. 203-204].
"Cũng giống như không có sự tích luỹ tư bản từ trước thì không thể tăng đáng kể sức sản xuất của lao động, sự tích lũy của tư bản cũng tất nhiên dẫn tới sự tăng lên ấy. Với tư bản của mình, nhà tư bản tìm cách sản xuất một số lượng sản phẩm thật nhiều, vì vậy anh ta ra sức xác lập một sự phân công lao động hợp lý nhất trong công nhân của mình và cung cấp cho những công nhân ấy những máy móc tốt nhất. Khả năng thành công của anh ta trong cả hai hướng phụ thuộc vào lượng tư bản của anh ta và với số lượng người mà tư bản đó có thể cung cấp công ăn việc làm. Cho nên không những số lượng lao động trong nước tăng lên cùng với sự tăng lên của tư bản đang vận dụng số lượng lao động ấy, mà ngoài ra, do sự tăng lên ấy của tư bản, cũng một số lượng lao động như cũ lại sản xuất ra một số lượng sản phẩm lớn hơn nhiều" (Smith.[sách đã dẫn''], tr.194-195). [Bản dịch tiếng Nga, tr. 204].
Do đó có sản xuất thừa.
"Những sự kết hợp rộng lớn hơn của lực lượng sản xuất… trong công nghiệp và thương nghiệp nhờ có sự tập hợp nhân lực và những lực lượng tự nhiên nhiều hơn và đa dạng hơn, để tiến hành kinh doanh trên quy mô lớn hơn. Đây đó… đã có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành sản xuất chủ yếu với nhau. Chẳng hạn như những chủ xưởng lớn tìm cách có được cả những đại địa sản để chí ít cũng không buộc phải trước hết mua một bộ phận nguyên liệu cần cho công nghiệp của họ từ người khác; hoặc gắn với những xí nghiệp công nghiệp của họ, họ triển khai kinh doanh thương nghiệp không những để bán sản phẩm của họ mà còn để mua những sản phẩm loại khác và đem bán lại cho công nhân của họ. Ở Anh nơi mà những chủ xưởng đôi khi có tới 10-12 nghìn công nhân… thì không hiếm gì những sự kết hợp như vậy những ngành sản xuất khác nhau dưới sự chỉ đạo của một người lãnh đạo độc nhất, có thể nói là những quốc gia nhỏ, hoặc những tỉnh trong nội bộ quốc gia. Chẳng hạn như vừa đây, những người chủ mỏ ở Bớc-minh-hem nắm trong tay toàn bộ quá trình sản xuất sắt, trong khi trước kia việc sản xuất đó phân tán giữa nhiều nghiệp chủ và nhiều người chiếm hữu khác nhau. Xem bài "Der bergmọnnische Distrikt bei Birmingham" trong tạp chí "Deutsche Vierteljahrs Schrift" số 3, năm 1838. Và cuối cùng, trong những công ty cổ phần lớn, – hiện có rất nhiều công ty như vậy, – chúng ta thấy những kết hợp rộng lớn giữa những lực lượng tiền tệ của nhiều người tham gia, với những tri thức khoa học – kỹ thuật và kỹ năng của những người khác được trao cho đảm nhiệm việc thực hiện công việc. Bằng cách đó, các nhà tư bản có được khả năng sử dụng sổ tiết kiệm của họ theo nhiều cách khác nhau và thậm chí đồng thời trong nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp, do đó lợi ích của họ trở nên đa diện hơn [XVI], và những đối lập giữa lợi ích của nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp dịu bớt và bị thủ tiêu. Nhưng bản thân việc ngày càng có nhiều khả năng làm cho tư bản được sử dụng theo những cách hết sức khác nhau như vậy tất phải làm tăng thêm sự đối lập giữa giai cấp có của và giai cấp không có của"… (Schulz . Sách đã dẫn, tr.40-41).
Lợi nhuận lớn mà những chủ cho thuê nhà rút ra từ những người nghèo khổ. Tiền thuê nhà tỷ lệ nghịch với sự nghèo khổ do công nghiệp gây ra.
Cũng vậy, người ta rút lợi tức từ những thói xấu của những người vô sản bị phá sản (nạn mại dâm, nạn nghiện rượu, người cho vay nặng lãi).
Sự tích luỹ của các tư bản tăng lên, còn sự cạnh tranh giữa chúng thì giảm xuống, khi tư bản và tài sản ruộng đất nằm trong tay một người, cũng như trong trường hợp khi tư bản, do quy mô của nó, có khả năng kết hợp những ngành sản xuất khác nhau với nhau.
Thái độ không quan tâm đến con người. Hai mươi vé xổ số của Smith[25]
Tổng thu nhập và thu nhập ròng ở Say. [XVI].
*Chú thích:
[21] J.B.Say. "Traité d'économie politique". Troisième édition. T.I. II. Paris, 1817, (Gi.B. Say. "Khảo luận về kinh tế chính trị". Xuất bản lần thứ ba, T.I-II, Pa-ri, 1817). – 89.
[22] Toàn bộ đoạn này không phải của A.Smith, mà của Gi.Hác-ni-ê- người dịch ra tiếng Pháp tác phẩm của ông "Sự giàu có của các dân tộc". – 90.
[23] Ở chỗ này Mác tái hiện tư tưởng của A.Smith về ý nghĩa tốt của sự cạnh tranh mà ông đã phát biểu trong tác phẩm chính của mình là "Sự giàu có của các dân tộc". Smith cho rằng giả dụ nếu tư bản được phân bố trong hai mươi thương nhân, thì sự cạnh tranh giữa họ sẽ tăng, và điều đó sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho cả người tiêu dùng cũng như người sản xuất, bởi vì các thương nhân khác nhau buộc phải bán rẻ hơn và mua đắt hơn so với trường hợp toàn ngành ấy do một hay hai người nắm độc quyền. Theo ý kiến của Smith, sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các tư bản khác nhau ắt phải góp phần tăng tiền trả cho lao động và nó không làm giảm lợi nhuận. Trong điều kiện cầu về sức lao động ngày càng lớn và có sự cạnh tranh giữa các tư bản thì các nhà tư bản đứng trước việc cần phải phá vỡ "Sự thỏa thuận tự nhiên" về việc không tăng tiền công. – 95.
[24] Tất cả đoạn này, bao gồm cả những đoạn trích dẫn từ cuốn sách của Ricardo "Nguyên lý của kinh tế chính trị và chính sách thuế" và từ cuốn sách của Xi-xmôn-đi "Những nguyên lý mới của kinh tế chính trị học" là trích từ cuốn sách: E. Buret. "De la misère des classes laborieuses en Angleterre et en France". T.I, Paris, 1840, p.6-7 (xem chú thích 30). – 103.
[25] Có ý nói đến lập luận của Smith về những nhân tố quyết định sự thành công của những người làm công và lượng tiền công. Trong số các nhân tố này có "khả năng hoặc không có khả năng thành công". Đặc biệt, Smith nói: "Hãy cho con bạn đến học việc với người thợ đóng giày, bạn có thể tin chắc rằng nó học được cách khâu giày, còn nếu bạn gửi con bạn đi học trường luật, thì có thể đánh cuộc, ít ra là, hai mươi lấy một rằng con bạn sẽ không đạt được những thành công cho phép nó sống bằng chính cái nghề này. Trong trò chơi xổ số hoàn toàn chính đáng thì những số trúng thưởng phải được tất cả những gì mà các số không trúng bị mất. Trong cái nghề mà cứ một người thành đạt có hai mươi người thất bại thì một người ấy phải được tất cả những gì mà hai mươi người thất bại kia lẽ ra đã nhận được". – 106.