Nghệ sĩ có phải là một cá nhân tự do?

  • “Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.” –

 Đó là đóng góp to lớn của Marx và Engels cho sự hiểu biết về lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, sẽ là giản hoá vấn đề nếu như, chẳng hạn, cố gắng rút ra những quy luật chi phối sự phát triển của văn học nghệ thuật trực tiếp từ sự phát triển của lực lượng sản xuất. Một nỗ lực như vậy nhất định chết yểu. Như chúng ta sẽ thấy, sự phát triển của nghệ thuật, âm nhạc và văn học phải được xem xét một cách cụ thể từ những quy luật phát triển nội tại của chính nó. Điều này tạo thành một nhánh nghiên cứu cụ thể, khá tách biệt với kinh tế học, chính trị học hay xã hội học. Dẫu vậy, kinh tế chính trị học và cả xã hội học cung cấp sự hiểu biết về những thay đổi nói chung của kinh tế – xã hội, thứ hình thành và xác định bản chất và tâm lý chung của thời đại, nơi mở ra cho sự phát triển của tất cả các nhánh của văn hóa nhân loại; không khí của thời đại, mặc dù vô thức, là một tác nhân mạnh mẽ, ảnh hưởng đến nghệ thuật, văn học, cũng như mọi thứ khác. Thực tế là cá nhân nghệ sĩ hoặc nhà văn không nhận thức được những ảnh hưởng này và hậm hực từ chối chúng, làm như thể không liên quan, nhưng, người nghệ sĩ sống trong xã hội và phải chịu ảnh hưởng của nó cũng nhiều như bất kỳ người đàn ông hay phụ nữ nào khác.

 

Điểm yếu chính của mỹ học tư sản là nó bác bỏ một sự tiên nghiệm những ảnh hưởng xã hội, thứ định hình lên sự phát triển của nghệ thuật. Do đó, sự phát triển của nghệ thuật bị hạ thấp thành một thứ về cơ bản là cá nhân, hiện tượng tâm lý. Thứ chủ nghĩa chủ quan này hoàn toàn đặc trưng cho cách tiếp cận tư sản ngày nay đối với tất cả các ngành khoa học xã hội: từ triết học, kinh tế học tới xã hội học. Trên thực tế, ý tưởng ​rằng nghệ thuật bằng cách nào đó có thể đứng ngoài hoặc trên xã hội là một nghịch lý rõ ràng. Mặc dù nghệ thuật, văn học và âm nhạc tự nó có quy luật phát triển riêng, thứ không thể bị hạ thấp thành cái gì đó của kinh tế học hay xã hội học, chúng cũng không bị ngăn cách với xã hội bởi một Vạn lý trường thành. Xét cho tới cùng, nghệ thuật là một hình thức giao tiếp dẫu cho có là một hình thức rất đặc biệt. Bất chấp mọi định kiến cho rằng người nghệ sĩ là cô độc, chỉ mình giao tiếp với chính mình, thực tế cho thấy rằng, không nghệ sĩ nào vẽ một bức tranh mà không muốn nó có người thưởng lãm, không có nhà văn nào viết một cuốn tiểu thuyết hay bài thơ mà chỉ để cho cá nhân họ thụ hưởng. Và để nghệ thuật hay văn học hoạt động như là một hình thức giao tiếp, nó phải có một cái gì đó để nói về. Nghệ thuật liên kết cái riêng với cái chung. Các nhân vật của một cuốn tiểu thuyết phải được cụ thể hoá, họ phải có một tương đồng nhất định với nam hay nữ ngoài đời thực đủ để đáng tin. Nhưng thế vẫn chưa xong, để những nhân vật này trở nên thú vị với chúng ta, họ phải đại diện cho một điều gì đó hơn là chỉ bản thân họ.

 

Ý tưởng ​​cho rằng người trí thức hay nghệ sĩ là cá nhân “tự do” bắt nguồn từ một sự ngộ nhận hay, lỗi triết học. Cái gọi là ý chí tự do chưa bao giờ tồn tại ngoại trừ trong triết học và tôn giáo duy tâm (mà chúng về cơ bản là giống nhau). Leibnitz, nhà triết học vĩ đại người Đức, đã từng bình luận rằng nếu chiếc kim từ tính biết nghĩ hẳn nó sẽ bị thuyết phục rằng nó trực chỉ hướng bắc là theo sự lựa chọn tự do của chính nó. Freud từ lâu đã phá bỏ quan điểm cho rằng suy nghĩ và hành động của con người là tự do. Những nghiên cứu gần đây hơn về hoạt động của não bộ cuối cùng cũng đã phá bỏ hoàn toàn huyền thoại về ý chí tự do. Tất cả các hành động của chúng ta đều có điều kiện mặc cho chúng ta không ý thức được về nó. Sản phẩm trí tuệ về cơ bản được quy định bởi môi trường văn hóa xã hội, nơi mà trong tâm trí của những người đàn ông và phụ nữ chúng được hình thành.

 

Nguồn gốc của một trường phái nghệ thuật hoặc văn học nhất định, sự thăng trầm của nó, hẳn vẫn là một bí mật chừng nào mà nó còn được nghiên cứu tách biệt khỏi tâm trạng và xu hướng phổ biến xung quanh người nghệ sĩ hay nhà văn, thứ ảnh hưởng một cách quyết định đến cách nghĩ suy của họ. Tới lượt, không thể hiểu được tâm lý chung của một thời kỳ nhất định nếu tách rời khỏi các yếu tố lịch sử và xã hội. Và tới cùng, ta sẽ thấy rằng những xu hướng này bị ảnh hưởng một cách quyết định bởi sự phát triển của lực lượng sản xuất, cuộc đấu tranh giữa các giai cấp và nhóm khác nhau trong xã hội liên quan tới vấn đề này, và toàn bộ cơ quan pháp luật, tôn giáo, đạo đức và triết học mà từ đó các xu hướng bắt đầu.

 

Sáng tạo nghệ thuật đại diện cho một nhánh đặc biệt của ý thức con người với những đặc điểm và hình thái phát triển riêng biệt. Khám phá những quy luật bên trong của sự phát triển nghệ thuật, văn học và âm nhạc là nhiệm vụ của một ngành nghiên cứu cụ thể, đó là mỹ học và lịch sử nghệ thuật. Tuy nhiên, sự hiểu biết nghệ thuật này hoàn toàn không phải là một vật tự thể (Ding an sich – Kant), và xét tới cùng, cũng phải là một phần ý thức chung của xã hội. Thật vậy, nếu không phải như vậy, người nghệ sĩ sẽ không thể giao tiếp được với các đồng nghiệp của mình. Nghệ thuật của một thời kỳ nhất định âm hưởng trong tâm hồn của những người đàn ông và phụ nữ chỉ vì nó phản ánh những cảm xúc, khát vọng và tầm vóc trí tuệ nơi sâu thẳm nhất của họ. Nghệ thuật của một thời kỳ nhất định khác biệt hoàn toàn so với các thời kỳ khác bởi vì nó phát sinh từ một môi trường xã hội khác.

 

Xã hội chia thành các giai cấp đối kháng. Điều này tất yếu làm nảy sinh những hệ tư tưởng trái ngược, phản ánh lợi ích của các giai tầng khác nhau. Sự đan xen phức tạp của những ý tưởng, các xu hướng và trào lưu triết học, đạo đức, tôn giáo cũng như chính trị, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng thời đại. Vì vậy, mỗi thời đại vốn đều có những lý tưởng văn hóa và mỹ học của riêng nó, thứ không theo bất kỳ cách nào trùng khớp với những lý tưởng của các thời đại khác. Những mẫu hình nghệ thuật của một thời đại này không bao giờ có thể được lặp lại một cách trọn vẹn trong một thời đại khác, vốn nằm dưới sự thống trị của các giai cấp khác nhau với tâm lý và cảm quan mỹ học tương ứng là khác nhau. Marx đặt câu hỏi: “Liệu quan niệm về tự nhiên và những mối quan hệ xã hội, thứ đã làm nên nền tảng cho khả năng sáng tạo của người Hy Lạp và do đó là [nghệ thuật] Hy Lạp có thể tồn tại một khi có những máy kéo sợi, đường sắt, đầu máy xe lửa và điện báo?”

 

Tất nhiên, có một mặt khác phức tạp hơn. Trong lịch sử nghệ thuật, mặc dù một số loại hình nghệ thuật mai một và biến mất, nhưng đồng thời chúng vẫn để lại những tàn dư và truyền thống, thứ mà các thế hệ nghệ sĩ đi sau chịu ảnh hưởng. Nghệ thuật không bắt đầu lại với mọi thế hệ hơn là kinh tế, triết học, khoa học hoặc công nghệ. Mọi thế hệ đều phải đứng trên vai của các thế hệ đi trước. Cách thức mà một trường phái nghệ thuật, âm nhạc hoặc văn học được kết nối với một trường phái khác có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Ở đây chúng ta có một ví dụ điển hình về quy luật biện chứng của lực hút và đẩy. Một trường phái nghệ thuật mới có thể lặp lại hoặc sao chép các mô hình cũ hơn hoặc là ngược lại, khước từ chúng và phát triển các hình thức mới. Nhưng ngay cả bằng hành động khước từ này, trường phái mới thực sự được quy định bởi trường phái cũ. Hơn nữa, việc xảy ra khá thường xuyên là trong quá trình tìm kiếm một cái gì đó mới, nghệ sĩ sẽ quay trở lại các hình thức đã có trước đó. Những phong cách dường như đã mất dạng xuất hiện trở lại, như châu Âu thời Phục hưng khám phá lại nghệ thuật của Hy Lạp cổ đại, hoặc những nghệ sĩ của Cách mạng Pháp khám phá lại nghệ thuật cổ điển. Gần hơn nữa với thời đại của chúng ta, những thử nghiệm ban đầu với trường phái Lập thể của Picasso phản ánh sự ảnh hưởng của nghệ thuật bộ lạc ở châu Phi, trong khi nhịp điệu của châu Phi do nô lệ da đen mang đến châu Mỹ hàng trăm năm trước lại tạo nên nền tảng cho nhạc jazz và nhạc "pop" hiện đại dưới mọi hình thức của nó.


Alan Woods, Chủ nghĩa Marx và nghệ thuật: Giới thiệu các tác phẩm của Trotsky về nghệ thuật.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận