Cuba: khan hiếm, mất điện và di cư – các biện pháp kinh tế mới giúp ích được gì?

Một loạt các biện pháp kinh tế đã được Cuba công bố vào cuối tháng 7 năm nay, trong đó bao gồm việc mở cửa lĩnh vực bán lẻ cho đầu tư nước ngoài và thiết lập lại tỷ giá hối đoái chính thức. Để hiểu được ý nghĩa cũng như tác động và hậu quả có thể xảy ra của của những biện pháp này, chúng ta cần hiểu rõ tình hình kinh tế rất thảm khốc trên hòn đảo.


Gói 75 biện pháp kinh tế được công bố cho phép đầu tư nước ngoài được tham gia vào các lĩnh vực thương mại từ bán buôn tới bán lẻ trong nước, lần đầu tiên kể từ khi chủ nghĩa tư bản bị bãi bỏ những năm 1960. Với bán buôn, các quy tắc mới sẽ cho phép cả việc liên doanh với các công ty Cuba lẫn các công ty  100% vốn nước ngoài. Trong thương mại bán lẻ, đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra thông qua liên doanh với các doanh nghiệp địa phương, cả tư nhân và nhà nước. Một số công ty ở khu vực tư nhân của Cuba sẽ được phép tham gia trực tiếp vào hoạt động ngoại thương “dưới sự giám sát của Bộ Ngoại thương”, theo Mincex.

 

Đây là một biện pháp theo hướng nhượng bộ hơn nữa đối với tư bản tư nhân, cả trong và ngoài nước, những người vốn cho đến nay vẫn bị loại trừ khỏi lĩnh vực bán lẻ. Nó cũng thể hiện sự suy yếu tương đối của độc quyền nhà nước về ngoại thương.

 

Kế hoạch chính khác trong số các biện pháp kinh tế đã được công bố là tạo ra một tỷ giá hối đoái mới, qua đó nhà nước sẽ mua dollar từ công chúng với tỷ giá cao hơn nhiều so với tỷ giá chính thức. Ban đầu, nhà nước sẽ mua với giá 120 peso mỗi dollar, khi tỷ giá chính thức là 24 peso. Kỳ vọng là, bằng cách đưa ra một tỷ giá gần với tỷ giá hối đoái chợ đen, nhà nước sẽ có thể thu hồi dollar đang lưu thông trong khu vực phi chính thức, đến cả từ kiều hối và khách du lịch. Hiện tại, nhà nước sẽ chỉ thu mua đô la mà không bán chúng.

 

Cả hai biện pháp đều thể hiện nỗ lực giải quyết các vấn đề được tạo ra bởi  “Ordenamiento Monetario” (“Tái cơ cấu tiền tệ”) vào tháng 1 năm 202 . Ở thời điểm đó, hai đồng tiền riêng biệt và hai tỷ giá hối đoái của Cuba (một cho doanh nghiệp và một cho cá nhân) đã bị rút gọn thành một loại tiền và một tỷ giá hối đoái do sự mất giá mạnh. Tỷ giá hối đoái doanh nghiệp của 1 CUP (peso Cuba) trên 1 CUC (peso chuyển đổi – tương đương 1 USD) đã được đưa ra phù hợp với tỷ giá hối đoái dành cho cá nhân là 24 CUP trên 1 CUC. Đồng peso chuyển đổi (CUC) đã bị bãi bỏ và giờ đây đồng dollar Mỹ có giá trị bằng 24 peso Cuba.

 

Để cân bằng sự mất giá mạnh này, tiền lương và lương hưu đã được tăng lên đáng kể. Nhưng vấn đề là điều này làm tăng cung tiền mà không đồng thời làm tăng cung hàng hóa. Điều này chắc chắn dẫn đến lạm phát, đầu cơ, trục lợi, thị trường chợ đen và sự mất giá của đồng tiền. Theo số liệu chính thức của chính phủ, lạm phát là 73% vào năm 2021 và được dự báo là 28% vào năm 2022. Những số liệu này phản ánh mức giá quy định của hàng hóa. Vấn đề là nhiều trong số đó đang bị khan hiếm nghiêm trọng, buộc mọi người phải đến các chợ đen chỉ để mua các sản phẩm cơ bản, nơi mà giá đã tăng từ 500 đến 700%.

 

Vào thời kỳ tái cơ cấu tiền tệ, với nỗ lực thu thập ngoại tệ cần thiết, chính phủ đã thành lập các cửa hàng bán hàng hóa nhập khẩu bằng MLC (Tiền tệ có thể chuyển đổi tự do). MLC được tạo ra như một loại tiền ảo, được sử dụng thông qua thẻ, trong đó mọi người có thể gửi đô la với tỷ lệ 1 USD = 1 MLC. Ý tưởng là những người nhận được dollar kiều hối sau đó có thể chi tiêu chúng để mua sản phẩm trong các cửa hàng do nhà nước điều hành. Do đó, nhà nước sẽ thu hồi một phần dollar lưu thông trong khu vực phi chính thức của nền kinh tế và sử dụng chúng để nhập khẩu hàng hóa cơ bản, sau đó sẽ bán với giá trợ cấp bằng đồng peso. Điều đó đã không thực sự hoạt động như mong đợi. Thay vì chỉ một số sản phẩm cao cấp nhất định được bán tại các cửa hàng MLC, nơi mà chỉ một bộ phận dân cư mới có thể tiếp cận, điều đã xảy ra là tất cả các sản phẩm có sẵn cuối cùng lại được bán tại các cửa hàng này trong khi các cửa hàng peso bình thường chỉ đơn giản là trống rỗng. Điều này góp phần làm xấu đi điều kiện xã hội của các tầng lớp nghèo hơn, những người không có khả năng tiếp cận với dollar.

 

Một tình thế nguy hiểm cho cuộc cách mạng

 

Không điều gì trên đây có thể hiểu được nếu không nhìn vào tình hình chung của nền kinh tế Cuba. Năm 1960, ngay sau cuộc cách mạng, chủ nghĩa tư bản bị xóa bỏ ở Cuba. Và từ đó đến nay, hòn đảo đã phải đối mặt với mưu toan xâm lược không ngừng từ đế quốc Mỹ, một phần quan trọng của điều này là phong tỏa kinh tế. Trong gần ba thập kỷ, sự liên kết kinh tế chặt chẽ và thuận lợi giữa Cuba và Liên Xô đã cho phép hòn đảo tồn tại. Tuy nhiên sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu trong giai đoạn 1989-91 đã chấm dứt điều đó, nó đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn được gọi là Thời kỳ Đặc biệt. Cuộc cách mạng vẫn tồn tại nhưng cuối cùng nó đã buộc phải nhượng bộ chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là dưới hình thức đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch và kiểm soát một phần nền kinh tế. Sự nổi lên của Cuộc cách mạng Bolivar ở Venezuela những năm 2000 đã mang lại cho Cuba một thời gian nghỉ ngơi ngắn thông qua một loạt các thỏa thuận kinh tế thuận lợi. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc ở Venezuela, bắt đầu từ năm 2014 lại một lần nữa đặt Cách mạng Cuba vào tình thế vô cùng nguy hiểm.

 

Những điều khoản thương mại cực kỳ bất bình đẳng mà Cuba buộc phải ký khi gia nhập vào nền kinh tế thế giới và sự phong tỏa liên tục của Hoa Kỳ như thể là chưa đủ, thì vào năm 2017, Trump lên nắm quyền. Cái thòng lọng xung quanh nền kinh tế Cuba bị ông ta siết chặt hơn nữa, tất cả các nhượng bộ của Obama bị  đảo ngược và 243 biện pháp phong tỏa kinh tế mới được bổ sung. Những điều này đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Cuba, hạn chế đáng kể hoạt động du lịch và kiều hối, hai trong số những nguồn thu nhập ngoại tệ chính của đất nước.

 

Sau đó, vào năm 2020, Đại dịch Covid tới đã khiến cho du lịch gần như đóng băng, giáng thêm một đòn nặng nề vào nền kinh tế đất nước. Năm 2019, Cuba đã đón 4,1 triệu khách du lịch, con số này giảm xuống chỉ còn hơn 1 triệu vào năm 2020 và tiếp tục giảm xuống còn 570.000 vào năm 2021. Năm 2019, du lịch đã mang lại 3 tỷ dollar Mỹ. Giờ đây, khi du lịch thế giới gần như đã mở cửa trở lại thì việc đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không Nga, một biện pháp trả đũa cho cuộc chiến ở Ukraine, đã phần nào làm cạn kiệt một trong những nguồn khách chính của du lịch Cuba.

 

Sự kết hợp của các yếu tố này đã dẫn đến sự thu hẹp quy mô kinh tế mạnh mẽ, 10% vào năm 2020, cũng như thâm hụt tài khóa rất cao là 17%. Các biện pháp kinh tế gần đây, và cả những biện pháp được công bố vào tháng 7 và tháng 8 năm nay cũng như Tái cơ cấu tiền tệ vào tháng 1 năm 2021 nên được coi là phản ứng đối với những cú sốc này cũng như các vấn đề dài hạn hơn mà nền kinh tế Cuba phải đối mặt, khi mà không gian cho sự cơ động đã bị giảm mạnh.

 

Mục đích chính là thu hút đầu tư nước ngoài, mà trong trường hợp này là hướng tới lĩnh vực bán lẻ. Đồng thời với đó là thu hồi một số dollar đã lưu hành để chúng có thể được sử dụng trên thị trường thế giới. Không khó đoán, các biện pháp này đã được hoan nghênh bởi các nhà tư bản, các nhà kinh tế và nhà bình luận ủng hộ tư bản, mặc dầu họ vẫn phàn nàn rằng chúng chưa đi đủ xa. Omar Everleny, người mà cho đến năm 2016 vẫn là một trong những ngọn hải đăng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Cuba ở Havana, dù hiện đã chuyển đến Colombia cho biết: “Đó là một bước đi đúng hướng, nhưng quá ít và quá muộn.”

 

Tuy nhiên, vấn đề then chốt là tăng sản lượng thì các biện pháp được thực hiện vẫn không giải quyết được, trong khi đó lại tăng thêm lượng tiền lưu thông, tính bằng đồng peso. Do đó, chúng có khả năng gây ra tác động lạm phát cũng như dẫn đến sự mất giá hơn nữa của đồng tiền. Ngoài ra, Cuba còn phải đối mặt với một loạt vấn đề nghiêm trọng trong việc phát điện, dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến không chỉ các tỉnh mà còn ngay cả thủ đô Havana. Một số vụ tai nạn, bao gồm vụ cháy các bồn chứa nhiên liệu khổng lồ ở Matanzas, đã làm trầm trọng thêm tình hình. Bản thân chúng cũng là hậu quả của sự thiếu bảo trì và sửa chữa các nhà máy phát điện cũng như giá nhiên liệu tăng mạnh trên thị trường thế giới.

 

Việc mất điện đã làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng mà chính phủ Cuba phải đối mặt. Đã có rất nhiều chỉ trích về thực tế là một phần lớn chi tiêu của chính phủ là dành cho các khoản đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến ngành du lịch, ngay cả vào thời điểm khách du lịch ít ỏi và công suất thuê phòng thấp. Tại sao số tiền đó lại không được dùng để nhập khẩu lương thực và các sản phẩm cơ bản khác? Tuy nhiên, tình hình không đơn giản như vậy, bởi nếu không có sự đầu tư cần thiết thì ngành du lịch sẽ không thể thu hút được du khách khi mở cửa trở lại. Một tình huống khó xử khác, thậm chí nghiêm trọng hơn cũng được đặt ra. Liệu số dollar khan hiếm tạo ra ở Cuba có nên được sử dụng để mua thực phẩm hay để mua các bộ phận cần thiết cho việc sửa chữa và đổi mới các kế hoạch sản xuất điện, những thứ mà phần lớn hiện nay đã vượt quá niên hạn bảo trì?

 

Tất cả những yếu tố này (thắt chặt phong tỏa, đại dịch Covid, khan hiếm, mất điện) là gốc rễ của các cuộc biểu tình ở Cuba vào ngày 11 tháng 7 năm 2021 và một số cuộc biểu tình ở địa phương do mất điện trong những tháng gần đây. Các cuộc biểu tình đó đã bị chính trị hóa bởi phản cách mạng với các khẩu hiệu phản động, tuy nhiên chắc chắn rằng trong số những người tham gia có nhiều người có xuất thân từ tầng lớp lao động và các khu dân cư nghèo, động lực khiến họ tham gia chỉ có thể được giải thích bởi sự bất bình ngày càng tăng bởi tình hình kinh tế.

 

Sự kết hợp giữa khan hiếm, xếp hàng dài chỉ để tiếp cận hàng hóa cơ bản và tình trạng mất điện đã tạo ra giữa một bộ phận dân cư  cảm giác ngày càng tăng rằng về sự bế tắc, không lối thoát. Sự lạc quan được tạo ra bởi sự tan băng một phần từ Obama đã bốc hơi. Nhiều người đã quyết định rời đi và một phần lớn trong số đó là những người trẻ tuổi. Theo số liệu của Hoa Kỳ, kể từ tháng 10 năm 2021, 180.000 người Cuba đã nhập cảnh trái phép vào Hoa Kỳ thông qua Mexico và 8.000 người khác đã làm như vậy bằng cách vượt biển. Đây là một con số gây sốc khi xét đến dân số của hòn đảo chỉ là hơn 11 triệu người.

Phải làm gì?

Những khó khăn mà nền kinh tế Cuba phải đối mặt đặt ra những quyết định và lựa chọn rất khó khăn. Trong những giới hạn này, những gì có thể thực hiện được? Câu hỏi này đã dẫn đến một loạt các cuộc thảo luận trong hơn 10 năm, kể từ khi Đại hội Đảng Cộng sản thông qua Hướng dẫn Kinh tế (Lineamientos). Chúng đại diện cho nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề rất nghiêm trọng mà nền kinh tế Cuba phải đối mặt bằng cách nhượng bộ có kiểm soát đối với tư bản tư nhân, cả trong và ngoài nước. Rõ ràng, một bộ phận lãnh đạo Cuba đã và đang giật mình trước “mô hình Trung Quốc”, hay đôi khi được gọi theo cách ưa chuộng ở Cuba, “mô hình Việt Nam”. Trong cả hai trường hợp, họ lý luận rằng, sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo đói trong khi Đảng Cộng sản vẫn nắm quyền. Nó khá hấp dẫn đối với một bộ phận của bộ máy quan liêu.

 

Tất nhiên, ý kiến ​​cho rằng Trung Quốc là một hình mẫu đáng để noi theo thường bỏ qua những hậu quả của quá trình phục hồi chủ nghĩa tư bản: sự bóc lột lao động to lớn từ các công ty đa quốc gia nước ngoài, sự gia tăng lớn về bất bình đẳng xã hội, sự phá hủy các hệ thống phúc lợi xã hội cũ, v.v. Không chỉ vậy, cái mà Trung Quốc và Việt Nam có thể cung cấp cho thị trường thế giới  là một lượng lớn lao động giá rẻ, điều khiến họ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, thì Cuba lại khó có thể. Nó là một hòn đảo rất nhỏ ở Caribe với ít hơn nhiều cơ hội cho đầu tư nước ngoài.

 

Những người khác, những người không đồng tình với đích đến là phục hồi chủ nghĩa tư bản dưới sự kiểm soát của một tầng lớp thống trị quan liêu. Nhưng họ vẫn hăng hái tranh luận rằng để “giải phóng lực lượng sản xuất” thì cần phải nhượng bộ nhiều hơn nữa đối với chủ nghĩa tư bản. Bỏ trợ cấp phổ thông và chuyển sang trợ cấp có mục tiêu. Tư nhân hóa các bộ phận lớn của doanh nghiệp nhà nước, vì sự quản lý của tư nhân “hiệu quả hơn”. Sử dụng đòn roi của thị trường để siết chặt kỷ luật của các doanh nghiệp nhà nước, thông qua các khoản thưởng liên quan đến hiệu quả hoạt động và lợi nhuận, và đóng cửa các công ty nhà nước thua lỗ.

 

Bất kể ý định của những người đề xuất các biện pháp này là gì, cho dù họ có ý thức muốn khôi phục chủ nghĩa tư bản hay không thì lôgic tất yếu của việc thực hiện các biện pháp này đều dẫn đến việc tăng cường quá trình tích lũy tư bản trong khu vực tư nhân và sự ra đời của một giai cấp các nhà tư bản, cũng như sự thống trị của tư bản nước ngoài. Hiện Cuba đã có khoảng 4 đến 5.000 công ty tư nhân trong nước. Mặc dù hầu hết trong số chúng là các công ty nhỏ hay thậm chí siêu nhỏ, sử dụng rất ít lao động được trả công, nhưng một số trong số họ chắc chắn đang phát triển.

 

Tuy nhiên, có một sự thay thế nào khác không? Rõ ràng là cần phải có những nhượng bộ nhất định đối với tư bản tư nhân như một cách để cố gắng thu hút vốn đầu tư cần thiết. Nhiều người ở Cuba sử dụng ví dụ về Chính sách Kinh tế Mới (NEP), được ra mắt ở Liên Xô vào năm 1922. Nhưng có một số khác biệt rất quan trọng giữa các chính sách đang được áp dụng ở Cuba và NEP.

 

Trước hết, NEP được Lenin hiểu là một tai ác cần thiết, một cuộc rút lui tạm thời đầy rẫy nguy hiểm. Nhưng ở Cuba, các biện pháp này lại được thúc đẩy như là con đường bền vững để tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội và một xã hội công bằng.

 

Ở Liên Xô, sự ra đời của NEP đi kèm với một loạt các biện pháp nhằm củng cố quyền lực của giai cấp công nhân và đấu tranh chống lại bệnh quan liêu. Nhưng ngay cả ở đó điều này cũng không đủ để ngăn chặn sự tăng cường của bộ máy quan liêu và sự xóa bỏ nền dân chủ của người lao động. Quá trình quan liêu hóa của cuộc cách mạng Nga phần lớn dựa vào các lực lượng tiểu tư sản và tư bản do NEP tung ra, ở cả thành phố và nông thôn.

 

Tương tự, các lực lượng hùng mạnh cũng đang được giải phóng ở Cuba; có lẽ thậm chí mạnh mẽ hơn khi chúng ta đang nói về một hòn đảo nhỏ với tài nguyên hạn chế, được bao quanh bởi chủ nghĩa tư bản thế giới. Tuy vậy, ở Cuba, điều này được thể hiện như một quá trình tích cực mà qua đó “một đất nước tốt đẹp hơn” đang được xây dựng. Thay vì một cuộc thảo luận chính trị nghiêm túc về những mối nguy hiểm này, những gì chúng ta thấy là sự thúc đẩy một cách tự mãn về những cái hay cái đẹp của khu vực tư nhân hoặc đôi khi là sự kìm hãm mọi chỉ trích chống lại bộ máy quan liêu.

 

Có một giải pháp thay thế cho điều này. Điều quan trọng nhất cần hiểu là thành quả của Cách mạng Cuba phụ thuộc vào đặc tính kế hoạch hóa quốc hữu hóa của nền kinh tế, tức là về việc xóa bỏ chủ nghĩa tư bản. Những lợi ích này vẫn tồn tại (trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nhà ở, chủ quyền quốc gia), mặc dù đã bị suy yếu do phong tỏa và khủng hoảng kinh tế. Chúng cần được bảo vệ. Nếu chủ nghĩa tư bản được khôi phục ở Cuba, hòn đảo sẽ bị kết án trong sự bất bình đẳng xã hội lớn, sự khuất phục trước chủ nghĩa đế quốc và mức sống xuống cấp trầm trọng. Một Cuba tư bản sẽ không giống như Thụy Điển tư bản, mà giống với Haití tư bản, Cộng hòa Dominica tư bản, hay thậm chí giống như một Puerto Rico thuộc địa của chủ nghĩa tư bản.

 

Bất kể nhượng bộ cần thiết nào trước tư bản tư nhân, chúng cần đi kèm với việc củng cố sức mạnh của những người lao động chân chính. Quan liêu tất yếu dẫn đến kém hiệu quả và tham nhũng, nó đóng một vai trò phản cách mạng bằng cách làm mất tinh thần nhân dân lao động và nuôi dưỡng sự hoài nghi và bàng quan. Quan liêu chỉ có thể được chống lại thông qua nền dân chủ và sự kiểm soát của người lao động. Để giải phóng lực lượng sản xuất, giai cấp công nhân cần phải cảm thấy rằng mình thực sự làm chủ, được mọi quyền quyết định.

 

Có rất nhiều điểm nghẽn trong nền kinh tế Cuba có thể được giải quyết hoặc giảm bớt bằng cách đặt vấn đề vào tay chính những người lao động và sản xuất. Điều đó đôi khi có thể được thực hiện thông qua các hợp tác xã, đặc biệt là trong nông nghiệp, mặc dù những điều này không phải là không có rủi ro. Sản xuất quốc gia có thể tăng nếu sáng kiến ​​của chính người lao động được sử dụng một cách tối đa. Nhưng để làm được điều đó, người lao động cần phải hiểu rằng họ có trách nhiệm và nếu cần thì cả sự hy sinh, thì tất cả đều phải thực hiện một cách tương xứng. Điều này có nghĩa là xóa bỏ mọi đặc quyền của bộ máy quan liêu, cả vật chất và kinh tế.

 

Điều này sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề trong một sớm một chiều, vì Cuba sẽ vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của thị trường thế giới và chịu sự phong tỏa kinh tế của chủ nghĩa đế quốc, nhưng nó sẽ theo một cách nào đó để cải thiện sản xuất quốc gia.

 

Vì nền dân chủ công nhân và chủ nghĩa quốc tế

 

Tất nhiên, căn bệnh quan liêu cũng nảy sinh do cách mạng Cuba bị cô lập. Cần có chính sách quốc tế vô sản, không chỉ để huy động sự đoàn kết, sự ủng hộ từ công nhân, nông dân và thanh niên trên thế giới đối với cách mạng, mà còn vì số phận của Cách mạng Cu-ba cho đến cùng sẽ được quyết định trên đấu trường giai cấp thế giới.

 

Một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công ở một trong số các quốc gia Mỹ Latinh (ví dụ như Ecuador, Chile, Colombia, tất cả đều đã chứng kiến ​​những cuộc nổi dậy lớn của công nhân, nông dân và thanh niên trong vài năm qua), sẽ là một động lực đáng kể cho cuộc cách mạng ở Cuba. Một cái nhìn thoáng qua về những gì có thể xảy ra được minh chứng bởi các mối liên hệ kinh tế và chính trị với cuộc cách mạng Venezuela (mặc dù cuộc cách mạng đó chưa bao giờ là trọn vẹn). Một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công ở Hoa Kỳ hoặc một nước tư bản tiên tiến ở châu Âu sẽ có tác động mạnh mẽ hơn nữa, cho phép chuyển giao công nghệ và tư liệu sản xuất ở quy mô cao hơn nhiều.

 

Điều đó có xa vời không? Nó có nên bị loại trừ không? Hệ thống tư bản thế giới đang ở trong thời kỳ khủng hoảng lão hóa sâu sắc, đặc biệt kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã dẫn đến một loạt các phong trào quần chúng, một quá trình cực đoan hóa chính trị và thậm chí các sự kiện cách mạng ở nước này đến nước khác, kể cả ở chính Hoa Kỳ. Cách mạng Cuba cần phải là một phần của tiến trình cách mạng toàn thế giới này. Tương lai của nó không nằm ở sự kết hợp địa chính trị (cần thiết như ngoại giao đối với một hòn đảo bị phong tỏa), mà nằm ở sự trỗi dậy cách mạng của giai cấp công nhân thế giới, đồng minh duy nhất chắc chắn của cuộc cách mạng.

 

Các chiến binh cộng sản ở Cuba cần áp dụng quan điểm này và thảo luận rộng rãi nhất có thể. Để bảo vệ cuộc cách mạng Cuba, chúng ta phải chống lại chủ nghĩa đế quốc cũng như bất kỳ nỗ lực nào nhằm khôi phục chủ nghĩa tư bản ở bất kỳ đâu. Cách mạng Cuba đang ở một ngã ba đường rất nguy hiểm. Theo chúng tôi, chỉ có thể cứu được nó bằng nền dân chủ công nhân và chủ nghĩa quốc tế vô sản.


Jorge Martín,

Nguồn: IMT

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận