Liên hiệp Công nhân Gig toàn Ấn Độ: Một nghiên cứu hoàn cảnh

 Ngày 09 tháng 11 năm 2020


Trong loạt bài ngắn về quyền của công nhân và hành động tập thể ở Ấn Độ giữa thời kỳ đại dịch coronavirus và phong tỏa, P.K.Anand thảo luận về ba ví dụ chính về cách thức tổ chức và phản kháng của người lao động.

 

 

Cũng như Liên đoàn Công nhân vận tải dựa trên ứng dụng (IFAT) đã được thảo luận trước đây, Liên hiệp Công nhân Gig toàn Ấn Độ (AIGWU) ra đời như là một phản ứng trực tiếp trước những thách thức được tạo ra bởi sự phát triển mau lẹ của nền kinh tế chia sẻ và tình trạng việc làm bất ổn ở Ấn Độ. Trong ba đến bốn năm qua, AIGWU đã tiến hành những nỗ lực phối hợp để tổ chức các công nhân Gig (những người lao động trong các dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng như vận tải, hậu cần, khách sạn và dịch vụ gia đình (như làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, dọn dẹp, sơn, mộc, sửa hệ thống ống nước, sửa chữa thiết bị điện…)) 

 

Tuy nhiên, khác với IFAT, AIGWU là sáng kiến ​​của Trung ương Công đoàn Ấn Độ (CITU), một công đoàn quốc gia, tổ chức đã hướng dẫn các chiến lược tổ chức và hành động cho người lao động. CITU được thành lập vào năm 1970 và trực thuộc Đảng Cộng sản Marxist, đảng cộng sản lớn nhất ở Ấn Độ. CITU có hơn sáu triệu thành viên, đại diện cho người lao động trong cả lĩnh vực có tổ chức và không có tổ chức. Các công đoàn liên kết với CITU đã tích cực trong việc thúc đẩy mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn trong các nhà máy đóng tàu, cảng, mỏ, đồn điền và khu vực công.

 

Chiến lược và chiến thuật tổ chức của AIGWU khác với các phương thức và phương pháp truyền thống, vốn thường dựa trên nơi cư trú hoặc không gian làm việc và nơi mà các cuộc biểu tình của người lao động đạt được sự leo thang một cách hợp lý, từ ban đầu là kiến ​​nghị đến cuối cùng hành động đình công. Ngược lại, đối với nhân viên giao hàng thì đình công và biểu tình lại là phản ứng đầu tiên được đặt ra để thu hút sự chú ý từ công ty nền tảng và nhà nước, do đó gián tiếp lôi kéo khách hàng tham gia vào quá trình này. Sự hỗ trợ của CITU đã giúp cho việc xây dựng các hành động của người lao động được chu đáo, các yêu cầu được xác định và động lực chính trị sắc bén được cung cấp. Các chiến lược cũng chịu ảnh hưởng bởi sự khác biệt về khu vực và việc người trẻ là lực lượng lao động chủ yếu. 

 

Các cuộc biểu tình của công nhân Swiggy (nền tảng đặt và giao thức ăn trực tuyến lớn nhất Ấn Độ) ở một số thành phố trong tháng 8 đã chứng tỏ là một bước ngoặt đối với AIGWU, khi chúng cho thấy sự cần thiết phải chuyển từ tự phát sang xây dựng một tổ chức bền vững và có chiến lược hơn. Trong một cuộc phỏng vấn với tác giả, một nhà nghiên cứu độc lập liên kết với AIGWU đã nói thêm rằng điều quan trọng là phải phối hợp giữa các công đoàn khác nhau và xây dựng năng lực của người lao động bằng cách giúp họ thực thi các đòi hỏi của mình đồng bộ hơn, cung cấp cho họ một cấu trúc rõ ràng và đảm bảo rằng các ý tưởng và chính sách phản ứng đều xuất phát từ bên trong lực lượng lao động chứ không phải từ bất kỳ cơ quan bên ngoài nào. AIGWU cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Liên hiệp người lao động thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ hỗ trợ CNTT toàn Ấn Độ (cũng được liên kết với CITU), giúp nó mở rộng sự hiện diện trên mạng xã hội. 

 

Nhà nghiên cứu cũng cho rằng cần phải thách thức chính phủ cũng như các công ty nền tảng. Điều này sẽ đòi hỏi công đoàn phải can thiệp vào việc hoạch định chính sách, nhưng – điều quan trọng – điều này không nên giới hạn ở các chính sách trên giấy tờ hay nghiên cứu dựa trên bằng chứng, thứ thường thường là không tương thích với nhu cầu của người lao động. Trọng tâm chính phải luôn là tổ chức ở cơ sở và sự thừa nhận rằng chính nhân viên giao hàng, chứ không phải công ty nền tảng, là những người tạo ra giá trị thực sự. Điều này sẽ cho phép người lao động và công đoàn đưa ra các đề xuất cụ thể về cải cách và thiết kế lại hệ thống phân phối hiện tại, vốn hoàn toàn bị chi phối bởi Tư bản và thậm chí ta có thể hình dung ra các nền tảng thay thế do công nhân tự quản.

 

AIGWU hiện đang trong quá trình mở rộng và theo thông báo có triển vọng nó sẽ được đăng ký như là một công đoàn toàn Ấn Độ theo Đạo luật Công đoàn Ấn Độ năm 1926. Một công đoàn đã đăng ký được coi là một tổ chức đoàn thể, do đó cung cấp cho nó một vỏ bọc pháp lý, mở ra khả năng can thiệp vào hợp đồng và khởi kiện. Một tổ chức công đoàn đã đăng ký được miễn trừ khỏi một số trách nhiệm dân sự, hình sự và trách nhiệm hợp đồng. Việc đăng ký công đoàn giúp nó có được tính hợp pháp để tham gia vào các cơ chế thương lượng tập thể tại nơi làm việc. Tuy nhiên, việc đăng ký thành lập công đoàn không mặc nhiên là nó đã được người sử dụng lao động công nhận. Thay vào đó, điều này phải được đấu tranh và đàm phán để trở thành một thỏa thuận. 

 

 


PK Anand là Nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Delhi. Có thể liên hệ với anh ấy qua email tại anand.p.krishnan@gmail.com và trên Twitter tại @anandpkrishnan

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận