Nguồn gốc của Hamas và vai trò của nó ngày nay
Hamas đã nổi lên như một thế lực ở Lãnh thổ Palestine và gần đây đã gây được chú ý nhờ một loạt các vụ đánh bom liều chết. Bài viết này xem xét nguồn gốc của phong trào này. Đồng thời nhìn về quá khứ, thời điểm mà các nhà chức trách Israel đã cố gắng sử dụng Hamas như một đối trọng với ảnh hưởng của PLO. Nhưng cuối cùng lại trở thành một nguồn gây bất ổn hơn nữa.
Sức mạnh của các phong trào Hồi giáo ở Trung Đông đã được thể hiện, ít nhất, là kể từ cuộc cách mạng Iran 1978-9. Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo hiện hoạt động ở 70 quốc gia và đã trở thành một lực lượng chính ở Iran, Sudan, Ai Cập, Algeria và Tajikistan, Afghanistan, Bờ Tây và Gaza bị chiếm đóng, Pakistan và gần đây nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi một Đảng Hồi giáo nắm quyền kiểm soát. Trái ngược với một nhận định phổ biến rằng phong trào này ra đời vào cuối những năm 1970, phong trào mácxít đã phải đấu tranh chống lại nó kể từ thời cách mạng Nga diễn ra.
Ở Trung Đông, phong trào này ra đời vào năm 1928 ở Ai Cập và người sáng lập ra nó là Hassan Bana. Cách mạng Nga đã hạn chế ảnh hưởng của nó trong nhiều năm vì nó có thể tạo ra một sự thay thế rõ ràng trước mắt quần chúng. Ngay cả khi chủ nghĩa Stalin bành trướng sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng gây ra những hạn chế đối với nó, vì nó vẫn là một hệ thống đang phát triển lực lượng sản xuất bất chấp những biến dạng khủng khiếp của cơ chế quan liêu.
Sự trỗi dậy của các phong trào Hồi giáo này là một cú sốc lớn đối với những người theo chủ nghĩa tự do và các phần tử trung lưu thiên tả, những người tin rằng cái gọi là “hiện đại hóa”, sau chiến thắng của các cuộc đấu tranh chống thực dân những năm 1950 và 1960, sẽ tất yếu dẫn đến những xã hội tiến bộ hơn.
Thay vào đó, họ chứng kiến sự lớn mạnh của các lực lượng dường như thuộc về một quá khứ man rợ, trước một xã hội buộc phụ nữ phải mặc Burkha (Áo trùm kín người), sử dụng sự khủng bố để đè bẹp bất kỳ tư tưởng tự do nào và đe dọa hình phạt man rợ nhất đối với những ai thách thức lại ý chí của nó.
Những gì họ không hiểu là sự lớn mạnh của phong trào này là kết quả của cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa Stalin dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và đồng thời dẫn đến sự đầu hàng hoàn toàn của giới tư sản địa phương trong cái gọi là “Thế giới thứ ba”.
Trong những năm 1950 – 1960, các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc do các phần tử tư sản lãnh đạo đã truyền cảm hứng cho một bộ phận của tầng lớp trung lưu ở các nước thuộc địa cũ kém phát triển, những người ủng hộ yêu cầu quốc hữu hóa một phần nền kinh tế như một biện pháp bảo vệ chống lại sự kiểm soát từ chủ nghĩa đế quốc. Những trào lưu cánh tả thế tục này, hoặc ít nhất là chủ nghĩa Stalin hoặc trào lưu dân tộc chủ nghĩa cánh tả của họ, được coi là một phong trào đưa ra một giải pháp thực sự cho sự khốn cùng của quần chúng. Đồng thời, họ vẫn thực hiện một mức độ kiểm soát đối với quần chúng.
Vào cuối những năm 1970- 1980, với những dấu hiệu sắp sụp đổ của Liên Xô dưới sự siết chặt một cách quan liêu các lực lượng sản xuất, tâm trạng bắt đầu thay đổi và chuyển sang tuyệt vọng. Chính sự tuyệt vọng này đã tạo cơ sở cho phong trào Hồi giáo một lần nữa lớn mạnh trở lại.
Bản chất thực sự của chủ nghĩa chính thống Hồi giáo
Cánh tả còn thiếu sự hiểu biết chung về bản chất thực sự của chủ nghĩa chính thống Hồi giáo. Do đó, chúng ta thấy có hai phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau trước sự phát triển của trào lưu chính thống Hồi giáo.
Một bên coi chủ nghĩa chính thống Hồi giáo là một hình thức của chủ nghĩa phát xít. Quan điểm như vậy dễ dẫn đến việc phe cánh tả tìm đến một liên minh chính trị, kể cả ủng hộ đế quốc và chủ nghĩa tư bản địa phương, để ngăn chặn phát xít bằng mọi giá. Một trường hợp rõ ràng là ở Algeria, nơi những người theo chủ nghĩa tự do và cánh tả đã hỗ trợ FLN và quân đội Algeria chống lại FIS, bất chấp FLN đang thực hiện các chính sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Cách tiếp cận ngược lại coi các phong trào Hồi giáo là phong trào “tiến bộ”, “chống đế quốc” của những người bị áp bức. Đây là vị trí mà phần lớn những người cánh tả Iran đã đứng trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng năm 1979, khi mà Đảng Tudeh, phần lớn tổ chức du kích Fedayeen và phe cánh tả của Nhân dân Hồi giáo Mojahedin đều xem các lực lượng đứng sau Khomeini là “những người cấp tiến của giai cấp tiểu tư sản”. Tất cả đều ủng hộ Mullahs đến mức mà chương trình của họ trở nên không kém gì “Allah u Akbar” (Chúa vĩ đại)! Khi Mullahs lên nắm quyền, những ảo tưởng ngu ngốc của họ đã phải trả giá bằng máu của họ. Những ảo tưởng cũng có thể giết người.
Hồi giáo đã xuất hiện vào thế kỷ thứ 7, nhưng để tồn tại tới ngày nay nó đã không còn là hệ tư tưởng của các bộ lạc thương nhân đã sinh ra nó. Nó tồn tại tới ngày nay là nhờ nguồn tài chính từ các chủ đất và các nhà công nghiệp của chủ nghĩa tư bản hiện đại để xây dựng các nhà thờ Hồi giáo đồ sộ và trả công cho những người thuyết giáo. Là một phong trào được tư bản hậu thuẫn, nhưng lại có thể tập hợp được sự ủng hộ của đông đảo người dân nghèo và bị áp bức bằng cách cho họ điểm tựa tinh thần. Do đó nó bảo vệ các giai cấp bóc lột trước sự phẫn nộ của công nhân, và do đó nó là một lực cản cho cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Ở những quốc gia chưa bao giờ có “nhà nước phúc lợi”, như một cơ chế đảm bảo ở một mức độ sự ổn định xã hội, những người theo trào lưu chính thống dựa vào những giáo lý Hồi giáo để yêu cầu người giàu phải trả 2,5% thuế Hồi giáo (zdaka) cho cứu trợ người nghèo, răn dạy những kẻ cai trị phải cai trị một cách công bình, và nữa, những người chồng không được ngược đãi vợ của họ. Trong khi giới thiệu bộ mặt này với quần chúng, trật tự Hồi giáo coi việc người nghèo chiếm đoạt của người giàu là hành vi trộm cắp, và việc không tuân theo chính phủ “công bình” là một tội ác đáng bị trừng phạt bằng tùng xẻo hay tử hình. Nó cung cấp cho phụ nữ ít quyền hơn nam giới trong hôn nhân, đối với quyền thừa kế hoặc đối với con cái trong trường hợp ly hôn.
Ở một số nơi như ở Palestine, hoặc Iraq nằm dưới sự chiếm đóng của đế quốc, nó thách thức nhà nước và các thành phần chính trị của chủ nghĩa đế quốc. Đó cũng là vì sao mà trong quá khứ những người theo chủ nghĩa Hồi giáo chính thống Iran đã chiếm giữ đại sứ quán Hoa Kỳ. Hezbollah ở miền nam Lebanon và Hamas ở Bờ Tây cùng dải Gaza đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Israel.
Vì vậy, trong khi các phong trào Hồi giáo không phải là “phát xít”, thì chúng cũng không phải là “chống đế quốc” hay “chống nhà nước”. Họ không đấu tranh chống lại hệ thống tư bản bóc lột và thống trị quần chúng nhân dân. Đồng thời, họ đấu tranh chống lại chủ nghĩa thế tục, chống lại những phụ nữ từ chối tuân theo các quan niệm “khiêm nhường” của Hồi giáo, chống lại cánh tả và chống lại các sắc tộc hoặc tôn giáo thiểu số. Những người theo chủ nghĩa chính thống Hồi giáo Algeria đã thiết lập quyền lực của họ đối với các trường đại học vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 bằng cách tổ chức “các cuộc đột kích trừng phạt” chống lại cánh tả. Tại các thị trấn ở Algeria, nơi họ mạnh nhất, họ tổ chức các cuộc tấn công vào những phụ nữ dám để lộ cơ thể dù chỉ một chút, và cả vào những người Berber không nói tiếng Ả Rập. Tương tự, ở Ai Cập, họ đã tổ chức các pogrom nhằm chống lại những người Cơ đốc Coptic.
Họ không chống lại chủ nghĩa đế quốc – hệ thống tư bản thế giới – mà là những biểu hiện văn hóa của nó. Họ muốn duy trì hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhưng họ yêu cầu chỉ được sử dụng tiếng Ả Rập và họ muốn buộc công nhân đọc thuộc lòng các lời răn huấn lấy từ kinh Koran.
Nó không phải là một phong trào phát xít hay một phong trào cách mạng, mà là một phong trào dân túy. Trong một nghiên cứu gần đây về Chủ nghĩa Khomei ở Iran, E.Abrahamian đã so sánh nó với Chủ nghĩa Peronism và các hình thức tương tự của “chủ nghĩa dân túy” như sau:
“Khomeini đã áp dụng các chủ đề cấp tiến … Đôi khi ông ấy thậm chí có vẻ còn cấp tiến hơn cả Chủ nghĩa Marx. Nhưng trong khi chấp nhận những chủ đề cấp tiến, ông vẫn trung thành với cam kết bảo tồn tài sản cho tầng lớp trung lưu. Hình thức chủ nghĩa cấp tiến của tầng lớp trung lưu này khiến ông giống với những người theo chủ nghĩa dân túy Mỹ Latinh, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa Peronist.” [E. Abrahamian, Chủ nghĩa Khomei, trang 3]
“‘chủ nghĩa dân túy’, ý tôi muốn nói đến một phong trào thuộc về tầng lớp trung lưu nhằm huy động các tầng lớp thấp hơn, đặc biệt là người nghèo thành thị, với những luận điệu cực đoan chống lại chủ nghĩa đế quốc, tư bản mại bản và chính trị cơ sở… Các phong trào dân túy hứa hẹn sẽ nâng cao mạnh mẽ mức sống và làm cho đất nước hoàn toàn độc lập với các thế lực bên ngoài. Quan trọng hơn nữa là trong khi tấn công hiện trạng bằng những luận điệu cấp tiến, họ cố tình ngăn chặn việc đe dọa giai cấp tiểu tư sản và toàn bộ nguyên tắc tư hữu. Do đó, tất yếu các phong trào dân túy, nhấn mạnh đến tầm quan trọng, không phải của cuộc cách mạng kinh tế, xã hội, mà của việc tái thiết văn hóa, quốc gia và chính trị.” [trang 17, sđd]
Nói cách khác, đó là một phong trào tiểu tư sản trong trang phục tôn giáo, không khác về thành phần giai cấp với những người ủng hộ chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa dân tộc tư sản trước đây.
Giai cấp tiểu tư sản với tư cách là một giai cấp không thể có chính sách độc lập cho riêng mình. Điều này luôn đúng với giai cấp tiểu tư sản truyền thống – những chủ cửa hàng nhỏ, thương nhân và những người làm nghề tự do – Họ luôn luôn phục vụ giai cấp tư bản hoặc, trong một số trường hợp, liên minh với giai cấp công nhân. Ở những quốc gia mà tầng lớp này đã dẫn đầu một cuộc cách mạng (theo mô hình của Liên Xô hoặc Trung Quốc), thì điều tốt nhất mà họ có thể làm là thành lập những nhà nước, mà chúng tôi tạm định nghĩa là Vô sản Bonaparte. Đây là những nhà nước công nhân bị biến dạng khủng khiếp, với tầng lớp quan liêu có đặc quyền đứng đầu. Chúng không phải là những chế độ xã hội chủ nghĩa lành mạnh thực sự. Giai cấp tiểu tư sản kiểu này đi theo hướng nào phụ thuộc vào sự cân bằng lực lượng giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư bản và cũng vào hình thức lãnh đạo của giai cấp công nhân.
Sự thất bại của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa dân tộc đã ném chính những lớp sinh viên và tầng lớp trung lưu cực đoan đó, những người từng hướng về cánh tả, vào vòng tay của những người theo chủ nghĩa chính thống. Sự ủng hộ đối với các phong trào Hồi giáo trở nên mạnh mẽ hơn vì chúng dường như mang lại sự thay đổi nội tại và triệt để.
Ngày nay, với sự gia tăng tinh thần đấu tranh của giai cấp công nhân, cánh tả đã được lịch sử tạo cơ hội để phát triển một lần nữa và thách thức quyền bá chủ của những người theo chủ nghĩa chính thống. Lấy trường hợp của Iraq, nơi chúng ta chứng kiến sự lan rộng của cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân, chống lại sự chiếm đóng của đế quốc, mà hiện đang được lãnh đạo bởi những người theo chủ nghĩa chính thống. Đây là cơ hội để Đảng Cộng sản Iraq đấu tranh giành quyền lãnh đạo phong trào. Tuy nhiên thay vì thế, nó đã ném mình vào “hội đồng cai quản” bù nhìn do quân chiếm đóng Mỹ bổ nhiệm. Có vẻ như họ muốn đảm bảo rằng quyền lãnh đạo phong trào sẽ nằm trong tay những người theo trào lưu chính thống. Điều cần thiết là một phe đối lập mang tính cách mạng trong Đảng Cộng sản, và phong trào Cộng sản nói chung ở Iraq, sẽ có khả năng tạo ra một sự thay thế rõ ràng cho vai trò lãnh đạo cánh hữu hiện nay của đảng.
Tổ chức Anh em Hồi giáo
Tổ chức Anh em Hồi giáo ra đời ở Ai Cập đã phát triển nhanh chóng trong những năm 1930 – 1940 khi tổ chức này nhận được sự ủng hộ từ những người vỡ mộng trước những thỏa hiệp mà chủ nghĩa dân tộc tư sản Wafd đã thực hiện với người Anh, cũng như bởi chính sách cộng tác giai cấp của các nhà lãnh đạo Stalinist. Đặc biệt, quá trình này được hỗ trợ bởi những người Cộng sản còn lại dưới ảnh hưởng của Stalin, vốn đã hỗ trợ rất nhiều cho sự phân chia và sự thành lập của Israel. Bằng cách tuyển mộ những người tình nguyện chiến đấu ở Palestine và chống lại sự chiếm đóng của Anh trong Khu Kênh đào Ai Cập, Anh em Hồi giáo có thể tự thể hiện mình như là người ủng hộ cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc.
Nhưng ngay khi Anh em Hồi giáo trở thành một phong trào quần chúng, nó bắt đầu tan rã. Lý do cho điều này là khá rõ ràng. Giống như tất cả các phong trào dân túy, ở cơ sở nó nhận được sự ủng hộ của đông đảo thanh niên tiểu tư sản, nhưng ở cấp cao nhất, nó được kết nối với cung điện, với cánh hữu của Wafd, và cả với các sĩ quan quân đội, và do đó họ đã di chuyển theo những hướng khác nhau tùy theo cơ sở ủng hộ của chính họ. Do đó, các cấp thấp hơn có liên hệ nhiều hơn với quần chúng tiểu tư sản, trong khi các cấp cao gần với Wafd.
Việc quân đội nắm quyền dưới thời Tướng Nagib và Nasser vào năm 1952 – 1954 đã tạo ra sự chia rẽ cơ bản giữa những người ủng hộ cuộc đảo chính và những người phản đối, điều này kết thúc bằng cuộc nội chiến giữa các nhóm đối địch trong Anh em Hồi giáo để giành quyền kiểm soát các văn phòng. Sự mất niềm tin vào ban lãnh đạo khiến Nasser cuối cùng đã đập tan được những gì đã từng là một tổ chức rất hùng mạnh.
Chủ nghĩa đế quốc đã kịp điều chỉnh giai điệu tuyên truyền của mình cho phù hợp với thời đại. Sự cuồng loạn chống cộng thống trị các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ trước đây đã được thay thế bằng tuyên truyền chống Hồi giáo. Nó được phản ánh vào bên trong một nhánh tiểu tư sản cánh tả, những người đã đưa ra những kết luận rất giống nhau. Trong mắt những người này, những người theo chủ nghĩa chính thống Hồi giáo cũng giống như những người theo chủ nghĩa Stalin, là những kẻ nguy hiểm nhất trong tất cả các lực lượng chính trị, có thể áp đặt một thứ chủ nghĩa toàn trị sẽ ngăn cản bất kỳ sự phát triển tiến bộ hòa bình nào. Do đó mà một kết luận hợp lý được họ rút ra, để ngăn chặn những người theo chủ nghĩa chính thống, cần phải đoàn kết với cánh “tự do” của giai cấp tư sản, hoặc thậm chí ủng hộ các chế độ độc tài công khai trong việc đàn áp các nhóm Hồi giáo.
Cuộc cách mạng Iran không phải là sản phẩm của chủ nghĩa chính thống Hồi giáo, mà là những mâu thuẫn nảy sinh trong chế độ Shah từ giữa đến cuối những năm 1970. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm gia tăng sự chia rẽ sâu sắc vốn đã tồn tại giữa các bộ phận của tư bản hiện đại (gắn liền với tư bản tài chính) và tầng lớp thương nhân tập trung xung quanh các chợ (nơi chịu trách nhiệm cho 2/3 thương mại bán buôn và 3/4 thương mại bán lẻ). Cùng lúc đó, có rất nhiều công nhân và một số lượng lớn những người nông dân cũ gần đây đã tràn vào các thành phố. Trong điều kiện đó, các cuộc biểu tình của giới trí thức và sinh viên – mà các giáo sĩ bất mãn cũng tham gia – lan rộng kéo theo những người nghèo thành thị tham gia trong một loạt các cuộc đụng độ lớn với cảnh sát và quân đội. Một làn sóng tấn công đã làm tê liệt ngành công nghiệp và khiến tất cả các mỏ dầu quan trọng phải ngừng hoạt động. Và sau đó vào đầu tháng 2 năm 1979, du kích cánh tả của Fedayeen và du kích Hồi giáo cánh tả của Nhân dân Mojahedin đã thành công trong việc đạt những thành quả to lớn trong các lực lượng vũ trang, điều cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cũ. Bi kịch của toàn bộ tình hình là phe tả ủng hộ Ayatollah Khomeini, xem ông như là một “người tiến bộ”. Do đó, với sự thiếu vắng sự lãnh đạo của giai cấp công nhân cách mạng, các giáo sĩ Hồi giáo đã có thể lên nắm quyền và khiến phong trào quần chúng rời xa nhiệm vụ chính – lật đổ chủ nghĩa tư bản – và bắt đầu xây dựng chế độ phản động của riêng mình.
Kết quả cho điều này là một chế độ toàn trị dựa trên chế độ độc đảng không khác gì Đông Âu dưới thời Stalin, với sự khác biệt quan trọng là Iran vẫn là một quốc gia tư bản. Ngày nay, chế độ rõ ràng đang lâm vào khủng hoảng và đã cạn kiệt nguồn dự trữ ủng hộ từ quần chúng. Câu hỏi then chốt hiện nay là làm thế nào những người lãnh đạo giai cấp công nhân có thể học được bài học và sai lầm từ quá khứ.
Quá khứ ủng hộ Hamas của Israel
Ngày nay tại các vùng lãnh thổ của người Palestine, phe chính phản đối sự chiếm đóng của Israel từ năm 1967 đã trở thành một phong trào Hồi giáo, được biết đến với cái tên Hamas.
Mục đích của Hamas không phải là giải phóng giai cấp công nhân, nông dân nghèo và người nghèo thành thị, mà là tạo ra một nhà nước Hồi giáo duy nhất bên trong Palestine lịch sử, vùng đất hiện đang bị chia cắt thành nước Israel, Bờ Tây do Israel chiếm đóng và Dải Gaza. Hamas, có nghĩa là “nhiệt tâm” hay “hăng hái” trong tiếng Ả Rập, là từ viết tắt của Harakat al-Muqawama al-Islamiyya, hay Phong trào Kháng chiến Hồi giáo. Nhóm ban đầu được thành lập như một chi nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập.
PLO là thế tục và cánh tả, đồng thời thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của người Palestine. Trong khi Hamas muốn thành lập một Nhà nước xuyên quốc gia dưới sự thống trị của Hồi giáo, giống như Iran của Khomeini.
Một sự thật hơi bất ngờ, nhưng sẽ không gây ngạc nhiên cho những ai đã biết về lịch sử của Taliban ở Afghanistan, là Israel ban đầu đã bằng nhiều cách tạo ra con quái vật này để rồi sau đó đã mất kiểm soát đối với nó.
Richard Sale, một Phóng viên UPI, đã viết một bài báo làm sáng tỏ nguồn gốc của Hamas, trong đó ông chỉ ra rằng, “Theo một số quan chức tình báo Mỹ, cả đương chức và đã nghỉ hưu, thì bắt đầu từ cuối những năm 1970, Tel Aviv đã viện trợ tài chính cả trực tiếp và gián tiếp cho Hamas, kéo dài trong nhiều năm.”
Israel đã “hỗ trợ trực tiếp cho Hamas – người Israel muốn sử dụng nó làm đối trọng với PLO (Tổ chức Giải phóng Palestine), Tony Cordesman, nhà phân tích Trung Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, cho biết.
Sự ủng hộ của Israel dành cho Hamas “là một nỗ lực trực tiếp nhằm chia rẽ và làm loãng sự ủng hộ mạnh mẽ đối với PLO thế tục bằng cách sử dụng một giải pháp thay thế tôn giáo cạnh tranh,” một cựu quan chức CIA cấp cao cho biết.
Theo các tài liệu mà United Press International có được từ Viện Chống khủng bố có trụ sở tại Israel, Hamas phát triển từ các tế bào của Tổ chức Anh em Hồi giáo, được thành lập ở Ai Cập vào năm 1928. Cho đến sau Chiến tranh sáu ngày vào năm 1967 các phong trào Hồi giáo ở Israel và Palestine là “yếu ớt và không có hoạt động.”
Sau năm 1967, một phần lớn thành công của Hamas và Tổ chức Anh em Hồi giáo là do hoạt động của họ giữa những người tị nạn ở Dải Gaza. Nền tảng cho sự thành công đó là một cơ sở hạ tầng xã hội, tôn giáo, giáo dục và văn hóa ấn tượng, được gọi là Da’wah, hoạt động nhằm giảm bớt khó khăn cho một số lượng lớn người tị nạn Palestine, bị cầm giữ trong các trại và đang sống ở rìa của sự cùng cực.
Một quan chức chính quyền giấu tên cho biết: “Ảnh hưởng xã hội ngày càng tăng lên thành ảnh hưởng chính trị, đầu tiên là ở Dải Gaza, sau đó là Bờ Tây.”
Theo báo cáo của ICT, Hamas đã được Sheikh Ahmed Yassin, nhà lãnh đạo tinh thần của phong trào, đăng ký hợp pháp tại Israel vào năm 1978, với tư cách là một Hiệp hội Hồi giáo, có tên gọi Al-Mujamma al Islami, nó mở rộng cơ sở của những người ủng hộ và đồng tình thông qua công việc tuyên truyền tôn giáo và xã hội.
Theo các quan chức chính quyền Mỹ, nguồn vốn cho phong trào này đến từ các quốc gia sản xuất dầu mỏ và có khi trực tiếp, có khi gián tiếp từ chính Israel.
“Suy nghĩ của một số người cánh hữu có ảnh hưởng ở Israel là Hamas và cả những người khác, nếu họ giành được quyền kiểm soát, sẽ từ chối tham gia vào bất kỳ phần nào của tiến trình hòa bình và sẽ phá hủy bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra”, một quan chức chính phủ Hoa Kỳ giấu tên cho biết, “do đó Israel vẫn sẽ là nền dân chủ duy nhất trong khu vực mà Hoa Kỳ có thể giao dịch.”
Theo Larry Johnson, cựu quan chức chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết: “người Israel là kẻ thù tồi tệ nhất của chính họ khi chống lại chủ nghĩa khủng bố. Người Israel giống như một gã tự đốt tóc mình và sau đó cố gắng dập tắt nó bằng cách đánh nó với một cái búa. Họ làm nhiều hơn để kích động và duy trì chủ nghĩa khủng bố hơn là kiềm chế nó,” (Xuất bản vào ngày 18 tháng 6 năm 2002)
Những người theo chủ nghĩa Marx ủng hộ cuộc đấu tranh giành lấy tự do cho dân tộc Palestine, bất kể ai đang lãnh đạo phong trào đó, bất kể thời điểm nào. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng đấu tranh để thay thế sự lãnh đạo phản động của Hamas, không phải bằng PLO đã phá sản từ lâu, mà bằng sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.
Hamas ngày nay
Ngày nay, số người ủng hộ Hamas được ước tính lên tới hàng chục nghìn người, nhưng cho đến năm 2000, chưa đến 18% dân số của Bờ Tây và Gaza ủng hộ quan điểm chính trị của tổ chức này. Sau khi một cuộc nổi dậy mới của người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza nổ ra vào tháng 9 năm 2000, và việc PLO thế tục không cung cấp bất kỳ sự lãnh đạo nào, mà ngược lại hành động như thể đầy tớ của Hoa Kỳ và Israel, sự ủng hộ dành cho Hamas đã tăng lên hơn 25%. Sức hấp dẫn của nó là lớn nhất ở khu vực Gaza nghèo khó hơn là ở Bờ Tây. Các nhà lãnh đạo của nó bao gồm các nhân vật tôn giáo, sheikh (thủ lĩnh Ả Rập), trí thức và doanh nhân.
Các nhà thờ Hồi giáo và các tổ chức tôn giáo Hồi giáo là những phương tiện quan trọng nhất của Hamas để truyền bá thông điệp của mình, và nó huy động sự ủng hộ của người dân địa phương bằng cách cung cấp các dịch vụ xã hội cho người nghèo. Vào tháng 9 năm 1993, Israel và PLO đã ký một hiệp định hòa bình mang lại cho người Palestine quyền tự trị có giới hạn ở Dải Gaza và các phần của Bờ Tây. Hamas đã từ chối thỏa thuận và tiếp tục tiến hành các cuộc phóng tên lửa nhằm vào các khu định cư của Israel ở Bờ Tây và Dải Gaza, cũng như ở chính Israel. Nó đã tẩy chay các cuộc bầu cử tổng thống và hội đồng lập pháp vào tháng 1 năm 1996 – để tránh mang lại tính hợp pháp cho sự công nhận của Arafat đối với Israel và cho phe dân tộc chủ nghĩa thế tục mà PLO là đại diện. Theo thỏa thuận này, Israel, Hoa Kỳ và cả chủ nghĩa đế quốc Tây Âu đã yêu cầu Chính quyền Quốc gia Palestine (PNA) mới được thành lập, đứng đầu là lãnh đạo PLO Yasir Arafat, phải trấn áp các cuộc tấn công của Hamas. Arafat đã định kỳ hạn chế các hành động khủng bố của Hamas chống lại Israel nhưng ông không thể trấn áp họ hoàn toàn. Việc ký kết hiệp ước này, trong khi tình trạng thất nghiệp ở người Palestine gia tăng ồ ạt và nhiều vùng đất bị tịch thu cho các khu định cư của người Do Thái, đã giúp lan rộng ảnh hưởng của Hamas. Hamas đã tham gia vào sự bùng nổ của intifada thứ hai chống lại Israel vào tháng 9 năm 2000. Cuộc nổi dậy mới đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể hơn nữa sự ủng hộ đối với quan điểm của Hamas trong cộng đồng người Ả Rập Hồi giáo.
Trong thời gian “Al-Kuds” Intifada Hamas đã thực hiện nhiều hành động khủng bố giết hại những người Israel vô tội và đẩy họ vào tay phản động ở Israel. Bất cứ khi nào Sharon cần chuyển cuộc đấu tranh giai cấp thành hận thù dân tộc có đi có lại, anh ta sẽ ám sát các nhà lãnh đạo và nhà hoạt động của Hamas và Hamas đáp trả bằng cách đóng vai trò của mình trong việc tổ chức các hành động khủng bố cá nhân. Thủ tướng Israel Ariel Sharon sau đó đã ngay lập tức phản ứng bằng cách tuyên bố sẽ chiến đấu chống lại “khủng bố Palestine” và triệu tập nội các của mình để quyết định phản ứng quân sự đối với tổ chức này.
Mục đích thực sự của lệnh ngừng bắn mới nhất giữa Israel và PNA là thúc đẩy chính phủ không dân cử của Palestine bắt đầu cuộc nội chiến chống lại Hamas. Rõ ràng Abu Mazen không có khả năng này. [Ghi chú của biên tập viên: kể từ khi bài báo này được viết, Abu Mazen đã bị buộc phải từ chức, xác nhận rằng ông không có cơ sở hỗ trợ thực sự].
Bài báo này được viết khi tất cả các dấu hiệu cho thấy lệnh ngừng bắn, “Hudna”, đang sụp đổ và nhiều mạng sống của người Ả Rập và người Do Thái sẽ bị mất, do đó Mỹ và các nhà cai trị địa phương ở Trung Đông sẽ tiếp tục thống trị.
Cách duy nhất để thoát khỏi vòng điên cuồng đẫm máu này là cuộc đấu tranh cách mạng chung của công nhân Ả Rập và Do Thái để giành lấy chính quyền về tay công nhân, dưới hình thức của một nhà nước liên bang xã hội chủ nghĩa, như một phần của liên bang xã hội chủ nghĩa ở Trung Đông. Một số người sẽ nói đó chỉ là giấc mơ, nhưng họ cũng là những người muốn chúng ta nghĩ rằng cơn ác mộng mà chúng ta đang sống hiện nay là thực tế duy nhất có thể xảy ra.
Yossi Schwartz, IMT, 08 tháng 4 năm 2005