Tìm hiểu Tư bản của Marx: Một hướng dẫn cho độc giả
Sự hình thành bộ Tư bản của Marx
Marx từng nói đùa rằng sẽ thật “vô tích sự” nếu trước khi chết mà ông vẫn chưa kịp hoàn thành Tư bản, “ít nhất là ở dạng bản thảo”. Tập đầu tiên của Tư bản sau nhiều lần bị trì hoãn cuối cùng cũng được hoàn thành vào mùa thu năm 1867, mặc dù các tập còn lại đã không được xuất bản cho đến sau khi ông qua đời.
“Karl Marx đã đúng. Đến một lúc nào đó, chủ nghĩa tư bản có thể hủy diệt chính nó”. (Nouriel Roubini, Wall Street Journal, ngày 13 tháng 8 năm 2011).
Marx đến London vào cuối mùa thu năm 1849, bắt đầu cuộc sống lưu vong cho đến cuối đời. Chính ở đây ông đã thấy được trách nhiệm chính của cuộc đời mình, đó là khám phá ra những bí ẩn của chủ nghĩa tư bản.
Tại London, Marx đã sớm bắt tay vào công cuộc thu thập và sàng lọc những tài liệu của các nhà kinh tế học cổ điển đương thời. Những cuốn sổ ghi chép của ông trong thời kỳ này cho thấy kiến thức sâu rộng về các tác gia như Adam Smith, JB Say, David Ricardo, McCulloch, James Mill, Sismondi, Jeremy Bentham và còn nhiều người khác nữa. Tuy nhiên, phải mất tới mười năm làm việc gian khổ nữa để những ý tưởng về kinh tế của Marx cuối cùng cũng có mặt trên bản in với việc xuất bản cuốn Một đóng góp cho sự phê phán kinh tế chính trị vào năm 1859.
Marx cực kỳ tỉ mỉ. Khi cuốn Phê bình cuối cùng cũng được xuất bản, ông đã giải thích rằng đó là “kết quả của công cuộc khảo sát tận tâm kéo dài nhiều năm”. Điều này có thể thấy được trong những cuốn sổ nháp của ông trong năm 1857-58, chỉ riêng chúng thôi đã chiếm gần 1.000 trang in.
Tư tưởng của kinh tế học cổ điển Anh là tiên tiến nhất trong thời đại của nó. Và nhờ sự tiến bộ to lớn của chủ nghĩa tư bản Anh, nền kinh tế tiên tiến nhất của thời đại, những ý tưởng này lại càng thăng hoa. Không những nghiên cứu những xu hướng mới nhất của kinh tế học cổ điển, Marx còn tiến hành một sự phê phán tỉ mỉ, phơi bày ra những hạn chế và mâu thuẫn của nó. Các nhà kinh tế học tư sản cổ điển dẫu đã có đóng góp vô cùng quý giá cho chủ đề này nhưng vẫn bị kìm hãm bởi quan điểm và định kiến tư sản của họ, rằng chủ nghĩa tư bản đến cùng vẫn là đỉnh cao của sự phát triển nhân loại.
Marx giải thích rằng những môn đồ của kinh tế – chính trị học cổ điển thuộc về một thời kỳ mà cuộc đấu tranh giai cấp vẫn chưa phát triển, điều cho phép các nhà tư tưởng của nó một sự độc lập và tự do ngôn luận nhất định. Marx nhận thấy rằng đại diện vĩ đại cuối cùng của nó, David Ricardo, đã ý thức được “sự đối kháng của các lợi ích giai cấp, của tiền lương và lợi nhuận, của lợi nhuận và tiền thuê, lấy nó làm điểm xuất phát cho các khảo cứu của ông”.
Ricardo trên thực tế đã đặt mình trên nền tảng của học thuyết giá trị lao động, thứ mà sau này Marx đã đào sâu và phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, những khảo cứu đầy hứa hẹn này đã bị cắt ngang bởi định kiến giai cấp. Điều đó đã khiến cho Marx phải đi đến kết luận rằng, kinh tế học cổ điển tư sản “đã đạt đến những giới hạn mà nó không thể vượt qua”. [1] Những học thuyết này không thể khám phá ra được những mâu thuẫn thực sự của chủ nghĩa tư bản và do đó đi vào khủng hoảng. Nhiệm vụ cấp thiết này được giao cho Marx giải quyết.
Ngay cả những nhà kinh tế học tư sản có tầm nhìn xa nhất, những người bảo vệ tự nhiên cho trật tự tư bản, cũng không thể dấn thân thúc đẩy những lý thuyết kinh tế vốn sẽ thách thức chính nền tảng của xã hội tư sản. Theo đó, các nghiên cứu dựa trên lý thuyết giá trị lao động đã bị loại bỏ không thương tiếc để nhường chỗ cho lý thuyết thỏa dụng cận biên, dẫu vô ích nhưng hữu dụng. “Ricardo không bao giờ quan tâm đến nguồn gốc của giá trị thặng dư. Như Marx giải thích: “Trường phái của Ricardo cũng chỉ đơn thuần là trốn tránh vấn đề thay vì giải quyết nó. Trên thực tế, những nhà kinh tế học tư sản này đã nhìn thấy một cách bản năng và đúng đắn rằng rất nguy hiểm nếu thâm nhập quá sâu vào câu hỏi nhức nhối về nguồn gốc của giá trị thặng dư”. [2]
Lý thuyết và thực hành
Marx coi mình trước hết là một nhà cách mạng và người cộng sản, người cam kết chấm dứt trật tự xã hội cũ dựa trên chế độ tư hữu. Đối với ông, lý thuyết và thực hành là không thể tách rời.
Điều này khác một trời một vực với những “nhà Mácxít” trong giới học thuật ngày nay, những người đã mất đi liên hệ với thực tiễn cách mạng và mải miết bận rộn trong tháp ngà của mình để viết lên những luận án uyên bác về khía cạnh này hay khía cạnh kia của Marx. Cách tiếp cận của họ đối với kinh tế học hoàn toàn trừu tượng và máy móc. Không có ngoại lệ, họ bỏ qua tư duy biện chứng và áp dụng một cách tiếp cận hoàn toàn một chiều và giản lược đối với cả những câu hỏi phức tạp nhất. Trong số này có những người được gọi là các nhà Marxist phân tích, chẳng hạn như G.A Cohen, John Roemer và Robert Brenner, những người đã bác bỏ phép biện chứng. David Harvey, trong khi nhìn chung nhận ra tầm quan trọng của phép biện chứng, lại là người theo thuyết bất khả tri. Ông nói: “Về nguyên tắc, tôi không lập luận rằng những người theo chủ nghĩa Marx phân tích đã sai, rằng những người đã biến Marx thành một nhà xây dựng mô hình theo chủ nghĩa thực chứng là kẻ lừa đảo,” Và, “Có lẽ họ đúng.” [3]
Trên thực tế, những “người mácxít” này đã hoàn toàn sai lầm. Để hiểu các tác phẩm của Marx phương pháp biện chứng là tuyệt không thể thiếu, phủ nhận điều này là phủ nhận chính bản chất của chúng. Lenin đã đáp lại quan điểm như vậy trong một thời gian dài trước khi ông nhấn mạnh rằng nếu không có một sự hiểu biết thấu đáo về biện chứng, bao gồm cả nghiên cứu về logic học của Hegel, việc hiểu được Tư bản của Marx là không thể. “Hậu quả là nửa thế kỷ sau,” Lenin giải thích, “không ai trong số những người theo chủ nghĩa Marx hiểu được Marx !” [4] Như chúng ta đã biết ngày nay điều này thậm chí còn đúng hơn bao giờ hết.
Không phải là ngẫu nhiên mà trong Tư bản Marx đã tôn vinh Hegel như thể một gã khổng lồ, một bậc thầy về trí tuệ. Trong lời tựa của ông cho ấn bản tiếng Đức thứ hai của Tư bản, Marx đã giải thích: “Tôi đã chỉ trích khía cạnh huyền bí của phép biện chứng Hegel cách đây gần ba mươi năm, vào thời điểm nó vẫn còn là thời thượng. Nhưng ngay khi tôi đang làm việc ở tập đầu tiên của Tư bản, lũ cáu kỉnh, kiêu ngạo và tầm thường, những kẻ đang khoa trương trong giới học thuật Đức bắt đầu vui thú đối xử với Hegel theo cách tương tự như Moses Mendelssohn đối xử với Spinoza trong thời của Lessing, ấy là như thể một ‘con chó chết’. Do đó, tôi công khai tự cho mình, người học trò của nhà tư tưởng vĩ đại đó, và thậm chí, ngay ở đây hay kia trong chương về lý thuyết giá trị, đã làm đỏm bằng lối biểu đạt đặc biệt từ ông. Sự bí ẩn mà phép biện chứng phải gánh chịu trong tay Hegel không có nghĩa ông đã bị ngăn cản để trở thành người đầu tiên trình bày các hình thức chuyển động chung của nó một cách toàn diện và có ý thức. Với ông chẳng qua là nó lộn ngược. Nó phải được đảo ngược lại để khám phá ra cái hạt nhân hợp lý trong lớp vỏ thần bí.” [5]
Mối quan tâm của Marx đối với kinh tế – chính trị tập trung vào niềm tin rằng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa có liên hệ với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Ý tưởng này đã trở thành một khía cạnh thiết yếu trong quan niệm của Marx về chủ nghĩa duy vật lịch sử, vốn coi cơ sở kinh tế của xã hội là nền tảng mà trên đó, kiến trúc thượng tầng chính trị của luật pháp, đảng phái chính trị, đạo đức chính thống, v.v. được kiến tạo. Tuy nhiên, nó không phải là một mối quan hệ tuyến tính đơn giản mà là mối quan hệ biện chứng phức tạp.
Marx đã thấy được chìa khóa cho sự phát triển của xã hội nằm ở sự phát triển của lực lượng sản xuất: công nghiệp, khoa học và kỹ thuật. Ngay khi một xã hội tỏ ra không thể thực hiện được vai trò này nó sẽ rơi vào khủng hoảng. “Ở một giai đoạn phát triển nhất định, lực lượng sản xuất vật chất của xã hội đi vào mâu thuẫn với quan hệ sản xuất hiện có hay với các quan hệ sở hữu trong khuôn khổ mà chúng đã vận hành cho đến nay, điều này chỉ đơn thuần thể hiện điều tương tự về mặt pháp lý. Từ chỗ thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất các quan hệ này lại biến thành gông cùm. Từ đó mà một kỷ nguyên của cách mạng xã hội bắt đầu”. [6]
Lần đầu tiên chủ nghĩa xã hội đã được chuyển từ một ý tưởng không tưởng thành một môn khoa học – một giai đoạn cần thiết trong quá trình phát triển của lịch sử và xã hội. Trung gian cho sự thay đổi từ hệ thống xã hội này sang hệ thống xã hội khác là đấu tranh giai cấp, thắng lợi của một giai cấp vô sản đang lên trước giai cấp thống trị đã lỗi thời.
Bóc lột, lợi nhuận và khủng hoảng
Trong kinh tế – chính trị, trong khi các nhà kinh tế học tư sản chỉ có thể nhìn thấy mối quan hệ giữa các sự vật, cụ thể là trao đổi hàng hóa thì Marx đã khám phá ra một cách xuất sắc rằng đằng sau nó thực chất là mối quan hệ giữa con người, và cho tới cùng là giữa các giai cấp.
Trong Tư bản, Marx đã vén lộ nên bức màn sâu kín của sự bóc lột dưới chủ nghĩa tư bản, nơi mà giai cấp công nhân bị buộc phải bán sức lao động chứ không phải là lao động của mình để duy trì sự tồn tại. Sự phân biệt giữa lao động và sức lao động là điều cần thiết để hiểu được bóc lột tư bản chủ nghĩa.
Ông khám phá ra rằng việc tạo ra giá trị thặng dư, động lực của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, là do lao động không công của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân buộc phải lao động và sản xuất ra các giá trị không chỉ để trang trải cho tiền lương của họ mà còn để tạo ra giá trị thặng dư với ngày lao động nặng nhọc kéo dài. Trên thực tế, ngày lao động được phân chia giữa lao động cần thiết và lao động thặng dư, sau đó nhà tư bản chiếm đoạt số lao động thặng dư này.
Nguyên liệu thô và sự hao mòn máy móc chỉ chuyển giá trị của chúng sang hàng hóa mới. Chúng không tạo ra những giá trị mới, thứ vốn xuất phát từ sức lao động của giai cấp công nhân, nguồn giá trị duy nhất. Tư bản chỉ là lao động chết: lao động ‘kết tinh’ hay ‘đông tụ’ của quá khứ. Nếu giai cấp công nhân nhận được tiền công bằng toàn bộ giá trị lao động của họ, thì nhà tư bản sẽ không thu được chút lợi nhuận nào.
Marx giải thích rằng giá trị của sức lao động (tiền công) được xác định giống như giá trị của tất cả các hàng hóa. Nó được xác định bởi số lượng lao động xã hội cần thiết có trong chúng. Giá trị của sức lao động là giá trị của những thứ có thể phục hồi sức lao động đó: thức ăn, chỗ ở và những nhu cầu cần thiết khác của cuộc sống. Nó cũng bao gồm một khoản tiền để có thể cho phép người công nhân nuôi sống một gia đình và thế hệ nô lệ làm công ăn lương kế tiếp.
Trong tình cảnh đó, người công nhân không thể mua lại toàn bộ giá trị của những gì họ đã sản xuất ra. Chủ nghĩa tư bản chỉ có thể khắc phục mâu thuẫn này bằng cách không ngừng tái đầu tư trở lại sản xuất cái giá trị thặng dư đã bị chiếm đoạt bởi nhà tư bản. Tuy nhiên, điều này dẫn đến một mâu thuẫn nữa: đầu tư làm tăng thêm sức sản xuất của chủ nghĩa tư bản và ngày càng nhiều hơn nữa hàng hóa được đổ ra thị trường. Cuối cùng, điều này thường xuyên dẫn đến một cái mà Marx gọi là “một nạn dịch của sản xuất thừa”, một hiện tượng đặc biệt của chủ nghĩa tư bản. Đây không phải là sản xuất quá mức những thứ mà mọi người cần, mà là sản xuất quá mức theo nghĩa là hàng hoá được sản xuất ra mà không thể bán được để thu về lợi nhuận. Sản xuất trong chủ nghĩa tư bản không phải dựa trên việc đáp ứng nhu cầu của con người, mà là nhằm tạo ra lợi nhuận.
Như Marx đã viết trong tập một Tư bản: “Năng suất phi thường của Hệ thống nhà máy được mở rộng với những bước nhảy vọt đột ngột… và sự phụ thuộc của nó vào thị trường thế giới, nhất thiết làm nảy sinh các chu kỳ sau: cơn sốt sản xuất, theo sau là một sự thừa mứa trên thị trường, tiếp tới là thị trường bị thu hẹp, điều khiến cho sản xuất bị tê liệt. Vòng đời của ngành công nghiệp trở thành một chuỗi các giai đoạn của hoạt động vừa phải, thịnh vượng, sản xuất thừa, khủng hoảng và trì trệ ”. [7]
Tuy nhiên, trong thời kỳ suy thoái hiện nay của chủ nghĩa tư bản, sự sụt giảm có thể gây ra những tác động tàn khốc hơn nhiều và quan trọng hơn nữa là sự phục hồi kinh tế ngày càng yếu hơn trước. Đây là bản chất của cuộc khủng hoảng hiện tại, điều có thể được mô tả là một cuộc khủng hoảng hữu cơ chứ không chỉ là một cuộc khủng hoảng theo chu kỳ. Trong những thời điểm này, những đợt bùng nổ ngắn hạn đi cùng với những đợt sụt giảm sắc nét và kéo dài hơn. Hệ thống không còn phát triển được lực lượng sản xuất như trong quá khứ. Sự phục hồi ngày nay là yếu nhất trong lịch sử. Nó bị hạn chế nghiêm trọng, với đầu tư tư bản nhỏ giọt, mức sống bị cắt giảm lớn và tình trạng thất nghiệp phổ biến. Điều này phản ánh một kỷ nguyên của khủng hoảng, thứ đang chuẩn bị cho các sự kiện cách mạng trên phạm vi toàn cầu.
Chuẩn bị cho cuộc cách mạng
Các tác phẩm của Marx về kinh tế chính trị, cũng như những vấn đề khác, là nhằm hỗ trợ về mặt lý thuyết cho phong trào công nhân, cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sắp đến. Đây là lý do chính đằng sau quyết định của ông để viết Tư bản, đặng rút ra những chỉ dấu cho cuộc khủng hoảng cơ hữu của chủ nghĩa tư bản.
Marx kiên trì, hết từ bản nháp này tiếp tới bản nháp khác. Có lúc Marx đã thất vọng, điều đã được thể hiện rõ ràng trong các bức thư của ông. Tháng 10 năm 1864, ông than phiền về những trở ngại đã ngăn ông hoàn thành tập đầu tiên của Tư bản như sau: “Tôi hy vọng rằng giờ đây cuối cùng mình cũng có thể hoàn thành trong vài tháng và giáng cho giai cấp tư sản một đòn lý thuyết mà từ đó nó sẽ không bao giờ có thể phục hồi lại.” [8] Nhưng kế hoạch thì luôn kéo dài hơn dự kiến.
Cuối cùng cái gì đến cũng phải đến. Vào tháng 4 năm 1867, Marx một lần nữa lặp lại ý định tương tự là dùng cuốn sách để giáng một đòn tư tưởng vào những kẻ biện hộ cho chủ nghĩa tư bản. “Tập đầu [của Tư bản] với cuốn đầu tiên là: ‘Quá trình của Sản xuất Tư bản’. Nó không phải nghi ngờ gì sẽ là quả tên lửa khủng khiếp nhất giáng xuống đầu giai cấp tư sản (bao gồm cả địa chủ) ” [9]
Marx đã hy sinh tất cả mọi thứ, kể cả sức khỏe và gia đình của mình, để hoàn thành công việc này. Trong cảnh sống túng quẫn ở phố Dean, Soho, có những lúc còn buộc phải cầm chiếc áo khoác của chính mình để trả các hóa đơn, nhưng Marx vẫn làm mọi cách để đến và tiếp tục việc học tại Phòng đọc của Bảo tàng Anh.
Thư viện Anh là một mỏ vàng kiến thức thực sự và là nguồn tư liệu hàng đầu mà từ đó những ý tưởng của Marx về kinh tế chính trị cuối cùng sẽ được rèn giũa nên. Kể từ khi Đạo luật Bản quyền 1842 có hiệu lực, mọi cuốn sách, tạp chí, tiểu luận và tạp chí từng được xuất bản phải có bản sao lưu ở Bảo tàng Anh. Vào thời điểm Marx sử dụng Phòng đọc, đã có khoảng 600.000 cuốn sách, bao gồm mọi chủ đề từng được biết tới, bao gồm cả các bản sao mới nhất của Hansard (mục lục các tranh luận ở Quốc hội Anh), Báo cáo của Ủy ban Quốc hội và Sách Xanh vô cùng quý giá. Chính tại Thư viện mở rộng này, ghế số 07, mà Marx đã viết lên Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 – 1850, Ngày 18 tháng sương mù của Louis Bonaparte, và những vật liệu chuẩn bị cho Tư bản.
Nhưng bệnh tật và nghèo đói đã khiến họ phải gánh chịu cái giá không thể tránh khỏi và đó thực sự là cái giá cao ngất ngưởng, những thiếu thốn và mất mát mà họ phải chịu đựng là không thể tưởng tượng được. Một lần nữa, bức tranh thật sự lộ ra qua những bức thư của Marx:
“Tôi lúc nào cũng như đứng trước cửa tử,” ông tiếp. “Vì vậy, tôi phải tận dụng bất cứ lúc nào mình còn có thể làm việc để hoàn thành cuốn sách, thứ mà vì nó tôi đã hy sinh cả sức khỏe, hạnh phúc và gia đình của mình”. [10] Điều này ám chỉ đến những khốn khó khắc nghiệt của những năm tháng ở Soho, nơi mà ba đứa con nhỏ của ông đã chết vì thiếu ăn và bệnh tật.
Marx viết trong một bức thư gửi Engels: “Một tuần trước, tôi đã tới mức khôi hài khi không thể ra ngoài vì áo khoác đã cầm cố hết, và thịt thì không thể ăn vì tiền hết sạch” [11]. Khi vợ và các con bị ốm, Marx đã mô tả hoàn cảnh của mình cho Engels: “Tôi không, không thể gọi bác sĩ vì không có tiền mua thuốc. Trong tám đến mười ngày qua, tôi chỉ cho gia đình ăn bánh mì và khoai tây, nhưng qua ngày hôm nay hay mà tôi có thể cầm cự được hay không hãy còn phải nghi ngờ. Tất nhiên, một chế độ ăn kiêng như vậy không có lợi trong điều kiện khí hậu hiện nay. Tôi đã không viết bất kỳ bài báo nào cho Dana bởi vì tôi còn chẳng có một xu để đọc báo… Điều tốt và đáng mong đợi nhất có thể xảy ra là bà chủ nhà sẽ tống khứ tôi ra ngoài. Và sau đó, ít nhất là tôi sẽ rũ bỏ được khoản tiền nhà còn nợ 22 bảng. Nhưng khó mà có thể trông đợi điều đó từ bà ấy. Hơn nữa, vẫn còn những khoản nợ khác với người làm bánh, người bán sữa, người bán chè, người bán rau, người bán thịt. Làm thế nào để thoát ra khỏi địa ngục hỗn độn này?… Chết tiệt.” [12]
Khó khăn, nghèo đói và bệnh tật
Cuộc sống thật mệt mỏi, đặc biệt là trong cảnh lưu vong. Jenny, người xuất thân từ một gia đình quý tộc, có lẽ là người cảm thấy đau đớn nhất. Những phàn nàn về nỗi khó khăn của cuộc sống thường ngày dường như vô tận, nhưng Marx vẫn cố gắng tiếp tục công việc của mình. Vì lòng tin của mình, Marx đã vượt lên trên sự khốn khổ cá nhân và mọi loại phản trắc đã làm khổ ông.
Sau ngày dài làm việc không biết mệt mỏi ở Bảo tàng Anh, Marx lại trở về nhà để chuẩn bị các bản thảo kinh tế của mình. Điều này thường kéo dài suốt đêm cho tới tận khoảng 4 giờ sáng. Ông đã viết cho Engels để mô tả về khối lượng công việc của mình hay “công việc theo ca”, như cách ông gọi nó. “Do đó, hệ thống luân ca luân canh, để chăn nuôi lợn ở Anh được áp dụng tương tự cho người từ giữa năm 1848 – 1850, đã được tôi áp dụng cho chính mình.”
Ngay từ tháng 4 năm 1851, Marx đã tuyên bố rằng ông sẽ hoàn thành công việc của mình trong “năm tuần quan trọng”, nhưng tuần đã biến thành tháng, tháng thành năm. Ông đã bị trói buộc vào một nhiệm vụ phi thường không có hồi kết, giống như Prometheus với tảng đá. Mỗi lần ông gần kết thúc nghiên cứu kinh tế của mình thì tài liệu khó khăn hơn sẽ lại xuất hiện, đòi hỏi phải điều tra chi tiết hơn.
Sự tận tâm và hào phóng kiên định của Engels đã giúp cho nỗ lực không ngừng của Marx được duy trì, cho phép ông sống và cuối cùng thực hiện được cuộc cách mạng trong kinh tế chính trị, cho phép ông lần đầu tiên “đặt ra quy luật vận động cho xã hội hiện đại”, như ông đã nói trong Lời tựa của Tư Bản.
Để tồn tại, ông buộc phải kiếm sống bằng cách viết cho các tờ báo, chủ yếu là tờ New York Tribune, tờ báo mà ông coi là thứ làm mất tập trung và gây khó chịu. “Cứ nguệch ngoạc hoài cho mấy cái tờ báo làm tôi phát phiền. Nó chiếm quá nhiều thời gian của tôi, làm mọi thứ không đâu vào đâu và vô nghĩa” [13] ông phàn nàn. Nhưng chẳng còn cách nào khác vì ông rất cần tiền, mà thực ra nó cũng không đủ nếu không có sự hỗ trợ không biết mệt mỏi từ Engels, về cả tài chính và những cái khác, không có điều này hẳn Marx và gia đình ông đã chết trong nhà lao hay nơi giam cầm con nợ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới đã đè nặng lên Marx, người đang phải vật lộn với đống tài liệu của mình. Cuối năm 1857, Marx viết: “Cuộc khủng hoảng thương mại hiện nay đã thúc đẩy tôi bắt đầu làm việc một cách nghiêm túc với các bản thảo kinh tế chính trị của mình, và đó cũng là để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng hiện tại.” Tuy nhiên, ông phàn nàn khi viết cho Engels, “Tôi buộc phải phung phí thì giờ […] cho những ngày tháng kiếm sống. [Chỉ] ban đêm mới là lúc thảnh thơi cho công việc thực sự, mà điều này cũng bị đứt đoạn bởi sức khỏe không tốt.” [14] Và một lần nữa, “Tôi đã lạm dụng việc làm đêm quá, đi cùng với đó, thực sự, chỉ với nước chanh và vô số thuốc lá,” [15]. Những người đến viếng thăm sẽ để ý thấy những đống diêm đã qua sử dụng và tàn thuốc nằm rải rác khắp nơi, đây như là một lời nhắc nhở về thói quen hút thuốc vào ban đêm của ông khi chuẩn bị các bản thảo của mình.
“Tôi không phải là một ông chủ mà là một gã đầy tớ cho thời gian của mình,” Ông nói. “Chỉ có ban đêm mới thực sự được rảnh rang mà rất thường xuyên những cuộc tấn công, tái đi tái lại của cơn đau quặn gan cứ làm phiền công việc vào ban đêm.” [16] Ông thường phàn nàn với Engels về những cơn đau dữ dội, bệnh trĩ, chứng đau đầu và chóng mặt khiến ông không thể viết hoặc thậm chí là ngồi xuống, những thứ phần lớn là kết quả của một chế độ ăn uống không ổn định và kém chất lượng. “Tôi đang sống một cuộc đời rắc rối nhất có thể tưởng tượng được”, Marx viết [17] . Sau khi phàn nàn về căn bệnh gan nghiêm trọng khiến anh gần như mất khả năng làm việc, anh đã viết như sau với một sự mỉa mai nhất định: “Tôi mắc nợ Đảng về thứ này [bộ Tư bản] nó không nên bị làm xấu đi bởi kiểu dáng nặng nề, thô kệch vốn chỉ phù hợp với chứng gan rối loạn .” [18]
Bất chấp bệnh tật tái phát và những khó khăn, Marx vẫn tiếp tục theo đuổi việc học của mình. Điều này đòi hỏi nhiều nghiên cứu, phê bình và khảo sát các tài liệu mới nhất, tất cả đều làm trì hoãn ông hoàn thành công việc. “… Mọi sự đang tiến triển rất chậm bởi vì ngay khi ngõ hầu giải quyết được rốt ráo một vấn đề mà người ta đã dành nhiều năm để nghiên cứu thì chúng lại bắt đầu tiết lộ những khía cạnh mới đòi hỏi được suy xét sâu hơn,” Marx phàn nàn [19]. Có thể thấy, ông đã tỉ mỉ đến mức nào trong việc khám phá ra thực tế tiềm ẩn bên dưới vẻ bề ngoài kinh tế, bất kể sự chậm trễ là gì.
Xuất bản
Chính sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc vào năm 1857 đã buộc Marx phải xắn tay vào việc và thúc đẩy ông xuất bản tác phẩm kinh tế học của mình. Đó là một vấn đề của xuất bản hoặc bỏ đi. Không có nhiều thời gian để lãng phí. “Nhìn chung lại, cuộc khủng hoảng đã vùi dập như một cái ổ cũ kỹ”, Marx lưu ý vào ngày 22 tháng 2 năm 1858. “Cuộc khủng hoảng thương mại hiện nay đã thôi thúc tôi phải làm việc nghiêm túc về các phác thảo kinh tế chính trị của mình, và cả để chuẩn bị một cái gì đó cho cuộc khủng hoảng hiện nay,” Marx viết cho Lassalle. Thành quả đầu tiên của công việc gian khổ và không biết mệt mỏi của ông là việc cho ra đời một cuốn sách ngắn có tựa đề Đóng góp cho sự phê phán kinh tế – chính trị vào năm 1859. Tuy nhiên, nỗ lực này, như bạn có thể mong đợi, không phải là không gặp khó khăn về tài chính vào phút cuối. “Bản thảo xấu số đã sẵn sàng nhưng không thể được gửi đi vì tôi chẳng còn đồng xu nào cho con tem bưu chính,” Marx phàn nàn trong bực tức. Anh ấy tiếp tục nửa đùa nửa thật: “Tôi không cho là có ai đó đã từng viết về ‘tiền’ khi mà bản thân lại thiếu thốn thứ đó.” [20]
Bất chấp những khó khăn đó, cuốn sách cuối cùng đã được xuất bản. Nó tạo thành phác thảo mạch lạc đầu tiên của học thuyết Marx về giá trị, phân tích chi tiết về tiền, cũng như tiết lộ bản chất đằng sau sự xuất hiện của các quan hệ thị trường, cụ thể là quan hệ giữa con người hay giai cấp. Điều thú vị, cuốn sách mở ra với sự khởi đầu tương tự như trong tập đầu tiên của Tư bản, được công bố gần một thập kỷ sau đó: “Sự giàu có của xã hội tư sản, ngay từ cái nhìn đầu tiên, thể hiện chính nó như là một sự tích lũy khổng lồ của hàng hóa, đơn vị của nó là một mặt hàng duy nhất.” [21] Không phải ngẫu nhiên mà những khảo sát của ông bắt đầu từ đây, cụ thể là sự phân biệt giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi. Đối với Marx, việc mở khóa bí mật của hàng hóa là để mở khóa hoạt động cơ bản của chủ nghĩa tư bản, bao gồm cả bản chất của cuộc khủng hoảng tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, một Đóng góp vào Phê bình Kinh tế Chính trị mang tính chất vén màn hơn là một bản phân tích đầy đủ.
Tập một của Tư bản sẽ không xuất hiện cho đến năm 1867, bằng tiếng Đức, tám năm sau khi cuốn Phê bình ra đời. Sẽ mất nhiều năm nữa để bản tiếng Anh của cuốn sách xuất hiện. Giai đoạn giữa cuốn Phê bình và Tư bản vô cùng có kết quả, là đỉnh cao của những nghiên cứu không biết mệt mỏi của Marx. Những năm này còn bao gồm dự thảo cho hai tập tiếp theo của Tư bản và Các lý thuyết về giá trị thặng dư trong ba tập, không gì trong số đó sẽ được công bố khi ông còn sống.
Marx đã cộng tác rất chặt chẽ với Engels trong việc tạo ra Tư bản, bất chấp nỗ lực của một số người nhằm tạo ra khoảng cách giữa hai người. Sự gần gũi đến mức từng bản nháp của Tư bản, đã được con gái ông là Laura sao chép tỉ mỉ và gửi cho Engels để ông nhận xét và phê bình trước khi ký tên xuống dưới.
Cuối cùng, tập đầu tiên của Tư bản đã được hoàn thành vào đầu giờ ngày 16 tháng 8 năm 1867. “Thật tự nhiên nó cho tôi cảm giác mãn nguyện như khi được liếm sạch đàn con sau mấy lượt sinh nở,” Marx nói. Anh ta ngay lập tức gửi một lời nhắn cho Engels: “Tôi chỉ có thể cảm ơn bạn vì đã biến điều này thành hiện thực! Nếu không có những hy sinh mà bạn đã dành cho tôi, tôi đã không thể hoàn thành những công việc khủng khiếp cho ba tập. Ôm bạn với tất cả lòng cảm ơn chân thành!” [22]
Trong lời nói đầu của tập một Tư bản, Marx đã giải thích rằng cuốn sách trong thực tế là một sự tiếp nối công việc từ năm 1859 và ông xin lỗi về sự chậm trễ kéo dài giữa các ấn phẩm. “Việc dừng quá lâu giữa phần đầu tiên và phần tiếp theo là do căn bệnh đã kéo dài nhiều năm của tôi khiến cho công việc bị gián đoạn nhiều lần,” anh giải thích. Phiên bản tiếng Anh đầu tiên của Tư bản đã không ra đời cho đến năm 1887, 20 năm sau phiên bản tiếng Đức, và vài năm sau cái chết của Marx. Nhiệm vụ này được hoàn thành dưới sự giám sát chặt chẽ của người bạn lâu năm và cộng tác viên suốt đời của ông, Frederick Engels.
Các nghiên cứu mà Marx thực hiện vào năm 1857 và 1858 cuối cùng đã được xuất bản gần 100 năm sau đó trong một cuốn sách có tựa đề Grundrisse, và chỉ bằng tiếng Đức. Tất nhiên, Marx không bao giờ có ý định xuất bản những ghi chép và khảo sát thô như thế này mà chỉ coi đó đơn giản là để tự làm sáng tỏ cho bản thân. Ông đã làm rõ điều này, Marx giải thích: “Toàn bộ tài liệu trước mặt tôi là ở dưới dạng chuyên khảo… được viết vào những thời kỳ cách khá xa nhau, cốt để làm sáng tỏ cho tôi chứ không phải để xuất bản…” [23]
Tuy nhiên, công việc này chỉ ra dòng tư tưởng của Marx và những dự tính ban đầu của ông để hoàn thành tác phẩm. Khối lượng ghi chú này được phát hiện trong số các bản thảo của ông sau khi ông qua đời và sau đó được giải mã, chỉnh sửa, rồi xuất bản. Chúng chứa đựng những hiểu biết sâu sắc đầy hấp dẫn, phân tích của ông về những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản, bao gồm cả khủng hoảng tư bản. Tuy nhiên, Marx nhấn mạnh rằng những cuốn sổ ghi chép này chỉ là một “bản phác thảo rời rạc” và là một “dự đoán kết quả, điều vẫn chưa được chứng minh”.
Quá trình tự làm sáng tỏ này là một khía cạnh thiết yếu trong công việc của Marx. Trong khi viết những ghi chú này, anh ấy đã mổ xẻ từng dòng lập luận của các đối thủ của mình. Phương pháp biện chứng của ông cho phép ông nhìn nhận các vấn đề một cách toàn diện, đầy đủ, thay vì chỉ một loạt các vấn đề đơn lẻ. Đây là phương tiện mà nhờ đó ông có thể khám phá ra nguồn gốc của giá trị thặng dư. Khi làm như vậy, Marx đã lật đổ mọi quan niệm trước đây về lợi nhuận. Ông một lần nữa thừa nhận món nợ của mình với Hegel và phương pháp biện chứng. “Chỉ tình cờ thôi… khi tôi xem qua cuốn Logic của Hegel và thấy ở đó rất nhiều điều giúp cho tôi trong phương pháp phân tích,” [24] ông giải thích.
Nghiên cứu sâu rộng mà Marx đã thực hiện vào năm 1857 và 1858 bao gồm bảy cuốn sổ tay lớn, trong đó ông phác thảo suy nghĩ của mình về những gợi ý cho nội dung của một cuốn sách tương lai về kinh tế học. Từ năm 1861 đến năm 1863, Marx đã sửa đổi các bản thảo ban đầu của mình, các bản thảo này một lần nữa được sửa đổi và soạn thảo lại từ năm 1863 đến năm 1865, trước khi cuối cùng Tư bản được xuất bản.
Tới năm 1867, Marx đã xoay xở để hoàn thành phác thảo cho tập 3 Tư bản cũng như các lý thuyết về giá trị thặng dư. Điều này càng tuyệt vời hơn khi ông tham gia rất sâu vào công việc của Hiệp hội những người lao động quốc tế, hay còn gọi là Quốc tế thứ nhất.
Tuy nhiên, công tác chính trị này, cùng với việc ngày càng phải tìm tòi và đi sâu vào nghiên cứu, bệnh tật thì triền miên và cuối cùng là cái chết, đã ngăn ông hoàn thành trọn vẹn công việc mà ông đã kỳ vọng. Ngay cả trong những năm cuối đời, Marx vẫn tiếp tục củng cố kiến thức của mình về kinh tế chính trị. Vào cuối năm 1879, không lâu trước khi qua đời, ông đã say mê phân tích cuộc khủng hoảng công nghiệp khi nó đang diễn ra, đặc biệt là bất kỳ đặc điểm độc đáo nào có thể nảy sinh. Ông viết cho Nikolai Danielson: “Các hiện tượng lần này là ít thấy, theo nhiều khía cạnh là khác với các hiện tượng trong quá khứ, và điều này – hoàn toàn khác với các biến thể khác – dễ dàng được giải thích bởi thực tế là chưa từng có cuộc khủng hoảng nào trước đó ở Anh mà to lớn và kéo dài tới 5 năm như hiện nay ở Hoa Kỳ, Nam Mỹ, Đức, Áo , v.v… ” Ông kết luận, “Do đó, cần phải theo dõi diễn biến hiện tại của mọi thứ cho đến khi chúng đạt độ chín, trước khi bạn có thể ‘tiêu thụ’ chúng một cách ‘hiệu quả’, ý tôi là ‘về mặt lý thuyết’.” [25]
Sau khi ông qua đời, công việc này đã được trao lại cho người cộng tác viên thân thiết nhất của ông, Frederick Engels, người duy nhất có thể thực hiện nhiệm vụ này một cách thỏa đáng, để chuẩn bị cho sự công bố tập thứ hai và thứ ba của Tư bản từ những bản thảo mà Marx đã để lại.
Một tượng đài của lý thuyết cách mạng
Dẫu có một âm mưu nhằm phớt lờ khi tập một Tư bản được xuất bản nhưng trong nhiều năm qua nó vẫn là có tác động tới phong trào của giai cấp công nhân. Cuốn sách thậm chí còn vượt qua được sự kiểm duyệt của Sa hoàng bởi vì nó được coi là một tác phẩm khó đến mức khó có thể có tầm quan trọng mang tính cách mạng. Khỏi phải nói, nó đã được đọc to một cách háo hức, từng đoạn rồi từng chương, tại các cuộc thảo luận kín của công nhân, các trường đào tạo cán bộ của những người Bolshevik Nga. Tư bản thường được biết đến trên lục địa như là ‘Kinh bổn’ của giai cấp công nhân và là thứ không thể thiếu trong việc giáo dục lý thuyết về bản chất của sự vận động cũng như những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, nó vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Ba tập của Tư bản đã tạo nên một tượng đài thực sự cho Marx, không phải đá cẩm thạch, mà là lý thuyết cách mạng.
Marx đã viết trong một bức thư gửi cho con rể Paul Lafargue: “Anh biết đấy toàn bộ sinh mệnh tôi tôi đã hiến dâng cho cuộc đấu tranh cách mạng. Tôi không hối tiếc mà hoàn toàn ngược lại. Nếu tôi phải bắt đầu lại cuộc đời mình lần nữa, tôi cũng vẫn sẽ làm như thế.” [26]
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại là một xác nhận cho phân tích của Marx. Cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 và cuộc khủng hoảng ở châu Âu và trên quy mô thế giới đã sinh ra một sự cực đoan hóa về chính trị và tình trạng hỗn loạn ngày càng gia tăng. Nó đang đặt cơ sở cho các sự kiện cách mạng ở khắp mọi nơi.
Marx giải thích ở phần cuối tập một của Tư bản: “Phương thức chiếm hữu của chủ nghĩa tư bản, được hình thành từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tạo ra sở hữu tư nhân về tư bản. Đây là sự phủ định đầu tiên đối với tư hữu cá nhân, vì nó được hình thành trên lao động của người sở hữu. Nhưng sản xuất tư bản chủ nghĩa, với sự không gì lay chuyển được của một quá trình tự nhiên, nó phủ định chính nó. Đây là sự phủ định của phủ định. Nó không tái lập lại sở hữu tư nhân, mà thực ra là xác lập sở hữu cá nhân trên cơ sở những thành tựu của thời đại tư bản: đó là sự hợp tác và sở hữu chung về ruộng đất và tư liệu sản xuất do chính sức lao động tạo ra.” [27]
Và ông đi đến kết luận: “Khi hồi chuông báo tử cho tư hữu tư bản vang lên. Những kẻ cướp đoạt sẽ bị tước đoạt.”
* Chú thích:
[1] Karl Marx, Tư bản, Tập 1, Tr24, Ấn bản Penguin Classics (1990)
[2] Sách đã dẫn, Tr651-652
[3] Harvey, Một hướng dẫn cho Tư bản của Marx, Tr13
[4] Tác phẩm được sưu tầm của Lenin, tập 38, tr180
[5] Tư bản, tập 1, tr29
[6] Karl Marx, Phần giới thiệu cho Đóng góp vào Phê bình Kinh tế Chính trị
[7] Tư bản, tập 1, tr580
[8] Tác phẩm được sưu tầm của Marx và Engels (MECW), tập 42, Tr4
[9] MECW, tập 42, Tr358
[10] MECW, tập 42, Tr366
[11] Thư gửi Engels, ngày 27 tháng 2 năm 1852, MECW, tập 39, tr50
[12] Thư gửi Engels, ngày 8 tháng 9 năm 1852, MECW, tập 39, tr181-82
[13] Thư gửi Cluss, ngày 15 tháng 9 năm 1853, MECW, tập 39, tr366
[14] Thư gửi Lassalle, ngày 21 tháng 12 năm 1857, MECW, tập 40, tr 226
[15] Thư gửi Engels, ngày 16 tháng 1 năm 1858, MECW, tập 40, tr 249
[16] Thư gửi Lassalle, ngày 22 tháng 2 năm 1858, MECW, tập 40, tr 268
[17] MECW, tập 40, tr 273
[18] Thư gửi Lassalle, ngày 12 tháng 11 năm 1858, MECW, tập 40, tr 354
[19] MECW, tập 40, Tr 270
[20] Thư gửi Engels, ngày 21 tháng 1 năm 1859
[21] Marx, Bài phê bình , tr27
[22] Thư gửi Engels, 2 giờ sáng, ngày 16 tháng 8 năm 1867, MECW, tập 42, tr 402
[23] Marx và Engels, Các tác phẩm chọn lọc, tr361, 1962
[24] Thư gửi Engels, ngày 16 tháng 1 năm 1858, MECW, tập 40, tr 248
[25] MECW, Tập 45, Tr 354, nhấn mạnh trong bản gốc
[26] MECW, tập 42, tr308
[27] Capital , tập 1, tr 929
Adam Booth và Rob Sewell, IMT, 03 tháng bảy 2017