ABC về chủ nghĩa cộng sản (Chương IX)
CHƯƠNG IX.
HỆ THỐNG TƯ PHÁP VÔ SẢN
§ 70. Hệ thống tư pháp trong xã hội tư sản
Trong số rất nhiều các định chế của xã hội tư sản được sử dụng để áp bức và lừa dối đông đảo quần chúng lao động hẳn ta phải nhắc đến nền tư pháp tư sản. Hệ thống tư pháp này được thực hiện theo hướng dẫn của luật pháp, trên cơ sở lợi ích của giai cấp bóc lột. Cho dù thành phần của tòa án có như thế nào, thì những phán quyết của nó cũng bị trói buộc vào những điều luật nhằm bảo vệ tất các những lợi ích của tư bản mà không bảo vệ lợi ích của các tầng lớp lao động.
Với tư cách là cơ quan tư pháp tư sản, hệ thống này hoàn toàn hòa hợp với các đặc trưng của Nhà nước tư sản sinh ra nó. Ở nơi mà Nhà nước tư sản tương đối cởi mở trong các phương pháp của nó, ở nơi mà nhà nước ấy không cần phải tỏ ra đạo đức giả khi đưa ra các phán quyết tòa án một cách có lợi cho tầng lớp thống trị, thì ở đó các thẩm phán sẽ được chỉ định từ trên xuống; nhưng ngay cả khi các thẩm phán được bầu ra đi chăng nữa, thì cũng chỉ những người thuộc những tầng lớp đặc quyền mới được bầu chọn mà thôi. Khi mà toàn thể quần chúng đã nằm dưới ách thống trị tư bản, đến mức mà họ phải chịu phục tùng luật pháp của Nhà nước tư sản và coi thứ luật pháp ấy như là của mình, thì giai cấp công nhân, trong một chừng mực nào đó, được cho phép là thẩm phán của chính họ, cũng giống như là họ được cho phép bầu ra những kẻ bóc lột mình và những kẻ tay sai của chúng trong nghị viện. Vậy cho nên những phiên tòa như vậy, nhờ có nó các quyết định pháp lý được đưa ra phù hợp với lợi ích của tư bản, vẫn làm ra vẻ như các quyết định đó của tòa án được đưa ra bởi “toàn thể nhân dân”.
§ 71. Sự lựa chọn thẩm phán của người lao động
Chương trình của những người xã hội chủ nghĩa theo Quốc tế Hai bao gồm một yêu sách về bầu cử một cách đại chúng đối với các thẩm phán. Trong thời kỳ chuyên chính vô sản, yêu sách này ít nhiều mang tính chất thiếu thực tế và bảo thủ so với yêu sách về phổ thông đầu phiếu và vũ trang toàn dân. Khi mà giai cấp vô sản nắm quyền thống trị, nó không thể cho phép những kẻ thù của nó trở thành các thẩm phán. Những người lao động không thể chấp nhận những kẻ đại diện cho tư bản hay bọn chủ ruộng đất nắm vai trò người cai trị của hệ thống luật pháp mới – thứ mà sẽ lật đổ chế độ tư bản! Nói tóm lại, trong một loạt những vấn đề về dân sự và hình sự, các thủ tục của tòa án phải được thực hiện theo tinh thần của một xã hội xã hội chủ nghĩa mới đang trong quá trình xây dựng.
Vì những lý do đó, Chính quyền Xô Viết không chỉ phá hủy toàn bộ bộ máy tư pháp trước đây; bộ máy này chỉ nhằm phục vụ lợi ích của tư bản nhưng nó vẫn luôn tuyên bố một cách giả dối là nó đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Chính quyền Xô Viết còn tiến xa hơn nữa, nó xây dựng một hệ thống tòa án mới hoàn toàn không che đậy tính chất giai cấp của nó. Trong hệ thống tòa án cũ trước đây, bộ phận giai cấp bóc lột thiểu số đã đưa ra sự phán xử đối với đa số nhân dân lao động. Các tòa án của nền chuyên chính vô sản là nơi mà đa số nhân dân lao động thực hiện sự phán xử đối với thiểu số giai cấp bóc lột. Những tòa án này được xây dựng cho chính mục đích đó. Những người lao động chính là những người chọn lựa ra các thẩm phán. Các thẩm phán đó được bầu chọn từ trong số những người lao động. Những kẻ bóc lột chỉ còn lại một quyền duy nhất, đó là quyền được phán xét.
§ 72. Hệ thống tòa án ‘nhân dân” toàn quốc
Trong xã hội tư sản, việc thực thi công lý là một việc cực kỳ cồng kềnh. Các luật gia tư sản tự hào tuyên bố rằng, nhờ sự phân cấp của các tòa án – từ các tòa cấp thấp đến tòa cấp cao hơn, tòa phúc thẩm, v.v., công lý tuyệt đối được đảm bảo, và việc thực thi sai sót công lý đã giảm xuống mức tối thiểu. Trên thực tế, trong quá khứ và hiện tại, hoạt động của hệ thống tòa án phân cấp này đã và đang mang lại lợi thế không hề nhỏ cho các tầng lớp sở hữu. Những người khá giả, có thể tùy ý sử dụng các dịch vụ do các luật sư được trả lương cao cung cấp, có thể đưa vụ việc từ tòa này sang tòa khác cho đến khi họ có được những phán quyết có lợi; trong khi đó, một nguyên đơn là người nghèo thường phải từ bỏ vụ kiện của mình vì lý do chi phí. Quyền kháng cáo chỉ bảo đảm một phán quyết ‘công bằng’ theo nghĩa này, rằng nó bảo đảm một phán quyết vì lợi ích của các tầng lớp bóc lột.
Hệ thống tòa án ‘nhân dân’ toàn quốc của Nhà nước vô sản đã giảm đến mức tối thiểu thời gian kể từ thời điểm vụ án được đưa ra trước tòa án đến thời điểm ra phán quyết cuối cùng. Sự chậm trễ của pháp luật đã giảm đi đáng kể, và nếu các thủ tục tố tụng vẫn còn chậm chạp, điều này là do tất cả các thể chế xô viết đều chưa hoàn thiện trong những tháng và những năm đầu tiên của nền chuyên chính vô sản. Nhưng kết quả chung là các tầng lớp dân cư nghèo nhất và kém hiểu biết nhất đã có thể tiếp cận tới các tòa án; và chúng sẽ càng trở nên dễ tiếp cận hơn khi mà thời kỳ nội chiến khốc liệt kết thúc, và ngay khi các mối quan hệ giữa các công dân của nước cộng hòa trở nên ổn định hơn. Inter arm leges [trong thời chiến tranh, luật lệ thường không còn hiệu lực], người La Mã thường nói như vậy. Nhưng trong thời kỳ nội chiến, luật pháp đã không trở nên mất hiệu lực trong chừng mực có sự tham gia của những người lao động. Các tòa án ‘nhân dân’ vẫn tiếp tục làm công việc của họ, nhưng điều chưa thể làm được là toàn thể nhân dân chưa nhận thức được bản chất của hệ thống các tòa án tư pháp mới và đánh giá đúng những ưu điểm của nó.
Trong thời đại này, khi mà xã hội cũ đang bị bỏ và xã hội mới đang được xây dựng lại, các tòa án ‘nhân dân’ có một nhiệm vụ to lớn phải thực hiện. Quá trình thay đổi diễn ra quá nhanh chóng, đến mức hệ thống luật pháp xô viết không thể theo kịp. Hệ thống luật pháp của bọn địa chủ tư sản đã bị bãi bỏ; nhưng luật pháp của Nhà nước vô sản vẫn mới được vạch ra một cách sơ sài, và sẽ không bao giờ được nêu ra toàn bộ trên văn bản. Những người lao động không có ý định duy trì mãi sự thống trị của họ, và do đó họ không cần có quá nhiều những bộ luật thành văn.
Khi họ đã bày tỏ ý chí của mình thông qua một trong các sắc lệnh cơ bản, họ có thể để việc giải thích và áp dụng các sắc lệnh đó, trong chừng mực liên quan đến các chi tiết thực tế, cho các tòa án ‘nhân dân’ thực hiện – những tòa mán mà các thẩm phán do người lao động bầu ra. Vấn đề quan trọng duy nhất là các phán quyết của các tòa án này sẽ làm bằng chứng cho sự cắt đứt hoàn toàn với các tập quán và tư tưởng của hệ thống tư sản; rằng các thẩm phán nhân dân sẽ đưa ra phán quyết đối với các vụ án phù hợp với tinh thần của hệ tư tưởng vô sản, và không dựa theo tinh thần của hệ tư tưởng pháp luật tư sản. Giải quyết hàng loạt tranh chấp nảy sinh trong quá trình các mối quan hệ xã hội cũ tan vỡ và trong quá trình thực hiện các quyền của giai cấp vô sản, các thẩm phán nhân dân có thể tiến hành đúng đắn quá trình chuyển đổi bắt đầu từ Cuộc cách mạng tháng 11 năm 1917, và tất yếu phải liên quan đến tất cả các mối quan hệ qua lại giữa các công dân của nước Cộng hòa Xô viết. Mặt khác, khi giải quyết một số lượng lớn các vụ án xảy ra độc lập với các điều kiện đặc biệt của thời đại cách mạng – các vụ án hình sự nhỏ của các đối tượng tiểu tư sản – các tòa án ‘nhân dân’ phải thể hiện được một thái độ hoàn toàn mới đối với những tội danh đó; một thái độ đã được giai cấp vô sản cách mạng tiếp thu, do đó đã mang lại tác dụng cách mạng với toàn bộ tính chất của các biện pháp hình sự.
§ 73. Tòa án Cách mạng
Các tòa án nhân dân này – nơi các thẩm phán được bầu và có thể bị thu hồi chức vụ, và ở đó mỗi người lao động phải thực hiện nghĩa vụ tư pháp của mình khi đến lượt – được Đảng Cộng sản coi như các tòa án thông thường của Nhà nước vô sản. Nhưng trong thời kỳ gay gắt nhất của cuộc nội chiến, ta thấy rằng bên cạnh các tòa án nhân dân cần thiết phải bổ sung thêm các tòa án cách mạng. Chức năng của tòa án cách mạng là giải quyết nhanh chóng và không khoan nhượng với những kẻ thù của cuộc cách mạng. Các tòa án như vậy là một trong những vũ khí để nghiền nát những kẻ bóc lột, và theo quan điểm này thì các tòa án cách mạng – cũng giống như Xích vệ, Hồng quân và các Ủy ban đặc biệt – là những phương tiện tấn công và phòng vệ của những người vô sản. Do vậy so với các tòa án nhân dân, các tòa án cách mạng được tổ chức theo đường lối kém dân chủ hơn. Chúng được lập ra bởi các Xô viết, và không được bầu trực tiếp bởi những người lao động.
§ 74. Các phương thức tố tụng vô sản
Trong cuộc đấu tranh khốc liệt với chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân không thể do dự mà không giáng đến cùng những đòn trừng phạt cực độ lên kẻ thù công khai của mình. Khi mà cuộc nội chiến vẫn còn tiếp diễn, việc bãi bỏ án tử hình là không thể. Nhưng vô tư mà so sánh giữa tư pháp vô sản với tư pháp của phản cách mạng tư sản sẽ thấy rằng so với những tên đao phủ của tòa án tư sản thì tòa án công nhân thể hiện sự khoan hồng hơn nhiều. Các công nhân chỉ tuyên án tử hình trong những trường hợp nghiêm trọng. Đây là điểm đặc biệt của các phiên tố tụng chính thức trong những tháng đầu tiên của nền chuyên chính vô sản. Chỉ cần nhớ lại rằng ở Petrograd, Purishkevich khét tiếng đã bị tòa án cách mạng kết án chỉ hai tuần tù giam. Chúng ta thấy rằng các giai cấp tiến bộ, những kẻ kế thừa của tương lai, đã đối phó rất nhẹ nhàng với kẻ thù của họ, trong khi các giai cấp sắp chết lại thể hiện sự hung dữ đến kinh ngạc.
Khi xem xét các hình phạt do các tòa án công lý vô sản áp dụng đối với các tội hình sự không mang tính phản cách mạng, chúng tôi thấy rằng chúng hoàn toàn khác với những hình phạt tương đương của các tòa án tư sản. Đây là những gì chúng ta nên mong đợi. Phần lớn các tội danh trong xã hội tư sản hoặc là trực tiếp xâm phạm vào quyền sở hữu hoặc gián tiếp liên quan đến tài sản. Lẽ tự nhiên là Nhà nước tư sản phải giáng đòn thù lên những kẻ phạm tội, mức độ hình phạt mà xã hội tư sản thi hành biểu hiện chính những tình cảm thù hận khác nhau của giới chủ. Nó cũng giống như những hình phạt vô lý đã và đang áp đặt nên những hành vi phạm tội thông thường, hoặc những hành vi phạm tội nảy sinh từ đặc tính về cơ bản là không hoàn hảo của các mối quan hệ cá nhân trong xã hội tư sản (những tội lỗi liên quan đến các mối quan hệ gia đình của xã hội; những tội do khuynh hướng lãng mạn chủ nghĩa; những tội do nghiện rượu hoặc suy thoái sức khỏe tâm thần; những người do thiếu hiểu biết hoặc do bản năng bị xã hội kìm hãm, v.v..). Tòa án vô sản phải xử những tội mà nguồn gốc của nó bắt nguồn từ xã hội tư sản, cái xã hội mà những tàn tích của nó vẫn còn sót lại. Một số lượng lớn tội phạm chuyên nghiệp, mà xã hội cũ đã đào tạo, vẫn tồn tại để mang lại công việc cho các tòa án vô sản. Nhưng những tòa án này hoàn toàn thoát khỏi cái tinh thần của sự thù hằn. Không thể thù hằn một người chỉ đơn giản vì người này từng sống trong xã hội tư sản. Đây là lý do tại sao các tòa án của chúng ta thể hiện một sự thay đổi mang tính cách mạng trong các phán quyết của họ. Càng ngày càng thường xuyên, chúng ta được chứng kiến những bản án có điều kiện được áp dụng, các hình phạt không liên quan gì tới sự trừng phạt mà mục đích chính của chúng là ngăn chặn việc tái phạm. Một phương pháp khác là sự lên án từ xã hội, một phương pháp chỉ có thể có hiệu quả trong một xã hội không có giai cấp, trong đó ý thức xã hội và ý thức trách nhiệm với xã hội đã tăng lên rất nhiều. Bắt giam mà không có chứng cứ (imprisonment without any occupation), chế độ ký sinh cưỡng bức (enforced parasitism), hình thức phạt thường được sử dụng dưới chế độ Sa hoàng, được thay thế bằng cưỡng chế lao động cho xã hội. Mục đích của các tòa án vô sản là đảm bảo rằng thiệt hại cho xã hội gây ra bởi tội phạm sẽ được kẻ phạm tội bù đắp thông qua việc thực hiện lao động xã hội nhiều hơn. Cuối cùng, khi tòa án phải xử một tội phạm thông thường (kẻ mà việc giải thoát sau khi thi hành xong bản án sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của những công dân khác), thì việc cách ly tội phạm khỏi xã hội sẽ phải thực thi, nhưng làm như vậy cũng là để giúp cho kẻ phạm tội có cơ hội đầy đủ để phục hồi nhân cách. Hầu hết các biện pháp được mô tả trên đây, liên quan đến việc chuyển đổi hoàn toàn các phương pháp hình phạt truyền thống, đã được các nhà tội phạm học tư sản giỏi nhất khuyến nghị. Nhưng trong xã hội tư sản, chúng vẫn chỉ là một giấc mơ. Không gì ngoài thắng lợi của giai cấp vô sản mới có thể đảm bảo việc hiện thực hóa các biện pháp đó.
§ 75. Công lý vô sản trong tương lai
Về các tòa án cách mạng, hình thức công lý vô sản này không có ý nghĩa gì cho những ngày trong tương lai, như cách mà Hồng quân sẽ không có bất kỳ ý nghĩa nào cho tương lai sau khi đã chiến thắng Bạch vệ, hoặc như cách mà các Ủy ban đặc biệt sẽ không có bất kỳ ý nghĩa nào cho tương lai. Nói một cách ngắn gọn, tất cả các công cụ do giai cấp vô sản tạo ra cho giai đoạn then chốt của cuộc nội chiến đều có tính chất tạm thời. Khi cuộc phản cách mạng bị dập tắt thành công, những công cụ này sẽ không còn cần thiết nữa, và chúng sẽ biến mất.
Mặt khác, công lý vô sản dưới hình thức các tòa án bình dân được bầu chọn chắc chắn sẽ tồn tại sau khi nội chiến kết thúc, và trong một thời gian dài sẽ phải tiếp tục sử dụng các biện pháp để đối phó với những tàn tích của xã hội tư sản trong những biểu hiện đa dạng của nó. Việc xóa bỏ các giai cấp sẽ không dẫn đến việc xóa bỏ ngay lập tức hệ tư tưởng giai cấp, vốn tồn tại lâu dài hơn những điều kiện xã hội đã sản sinh ra nó, lâu dài hơn so với bản năng giai cấp và tập quán giai cấp đã hình thành nó. Bên cạnh đó, việc xóa bỏ giai cấp có thể là một quá trình kéo dài. Việc biến giai cấp tư sản thành dân lao động và nông dân thành công nhân của một xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ là quá trình chậm chạp. Sự thay đổi trong tư tưởng nông dân có thể diễn ra rất chậm và sẽ phải giao nhiều việc cho các tòa án pháp luật. Hơn nữa, trong thời kỳ trước khi phát triển hoàn toàn chế độ phân phối của cộng sản, thời kỳ mà các mặt hàng tiêu thụ vẫn thuộc sở hữu tư nhân, sẽ có rất nhiều cơ hội cho các hành vi phạm pháp và tội ác. Cuối cùng, các tội chống lại xã hội phát sinh từ chủ nghĩa ích kỷ cá nhân, và tất cả các loại tội chống lại sự mệt mỏi thông thường, sẽ tiếp tục kéo dài công việc cho tòa án. Đúng là các tòa án này sẽ dần thay đổi tính chất. Khi Nhà nước chết đi, nó sẽ có xu hướng trở thành cơ quan phản ánh ý kiến của công chúng. Chúng sẽ thừa hưởng tính chất của tòa án trọng tài. Các quyết định của chúng sẽ không còn được thực thi bằng các biện pháp vật chất nữa và sẽ có ý nghĩa thuần túy về mặt đạo đức.