Những hiểu biết mới về chủ nghĩa Môi trường của Marx

Chủ nghĩa Xã hội Sinh thái của Karl Marx: Tư bản, Tự nhiên và Bản Phê phán khoa Kinh tế Chính trị dang dở của Kohei Saito


Là một trong những người đầu tiên đi sâu vào nghiên cứu những quyển sổ ghi chép tay của Marx, Saito đã hết lần này đến lần khác cho thấy rằng Marx nhận thức sâu sắc về sự thiếu bền vững của chủ nghĩa tư bản và những hậu quả khôn lường mà nó để lại trên môi trường tự nhiên. Tôi đã luôn có cảm giác như vậy kể từ khi tiếp cận Marx cùng đồng nghiệp của ông là Friedrich Engels từ thời niên thiếu: rằng sự tha hóa của con người khỏi tự nhiên chính là nền tảng trọng yếu của chủ nghĩa tư bản.

 

Một ví dụ từ tác phẩm tiêu biểu Tư bản, Phê phán khoa Kinh tế Chính trị của ông, “Tư bản chẳng hề mảy may gì đến tuổi thọ của sức lao động. Cái nó hứng thú chỉ đơn thuần và đơn giản là lượng sức lao động tối đa mà nó có thể bòn ép trong vòng một ngày làm việc. Để đạt được điều này nó rút ngắn tuổi thọ sức lao động như cái cách gã nông dân tham lam bòn ép ra nhiều hơn sản phẩm từ thửa đất bằng cách cướp đi độ màu mỡ từ nó.”

 

Một bản phân tích dang dở. Được xuất bản sau khi Marx mất, phần lớn tập 2 và toàn bộ tập 3 bộ Tư bản đều dựa trên xấp sổ tay chưa hoàn thiện của Marx. Chúng đều chỉ về một bản phân tích hoàn thiện về chủ nghĩa tư bản, nhưng tự chúng không phải là bản phân tích ấy. Điều này dấy lên quan niệm rằng Marx không hề có gì để nói về sinh thái học của chủ nghĩa tư bản. 

 

Kohei Saito đã tìm về những quyển sổ tay này và cho thấy quan niệm trên không có cơ sở. Marx nhận thức sâu sắc rằng sự tha hóa khỏi tự nhiên là cơ sở căn nguyên cho ‘thành công’ của nền kinh tế tư bản. Và thành công đó, từ góc nhìn của lợi nhuận, không chỉ được chi trả cho bởi lao động thặng dư cướp từ giai cấp lao động, mà còn là sự suy thoái của Trái đất, cụ thể là đất đai. Đứng sau tất cả điều này chính là sự chia tách giữa con người, không chỉ từ sản phẩm của chính lao động bản thân, mà còn là thửa ruộng thửa đất mà họ từng cày cấy, trông nom và bảo tồn.

 

Quá trình này bắt nguồn từ những năm 40 của thế kỷ 19, khi những thửa đất ở châu Âu cùng với những vùng thuộc địa ở Bắc Mỹ cho thấy dấu hiệu cạn kiệt dinh dưỡng nghiêm trọng. Các nhà phê phán đương thời, bao gồm cả Marx, nhấn mạnh ‘sự độc quyền của tư bản tư nhân’ như nhân tố chính. Saito biện luận rằng chính Marx là người đã chỉ ra điều này là một phần mâu thuẫn của chính chế độ sản xuất tư bản, một mâu thuẫn mà chỉ có thể được giải quyết qua lật đổ chính chủ nghĩa tư bản. 

 

Các nhà tư bản cũng nhận ra vấn đề này. Tuy nhiên ‘giải pháp’ của họ là khai thác cướp bóc ồ ạt những mỏ phân chim ở Peru nhằm cải thiện những thửa đất đang chết dần chết mòn tại mẫu quốc. Điều này Saito gọi đích xác là ‘chủ nghĩa đế quốc sinh thái’. Tại Australia, thực dân Anh ào đến cướp bóc những quần đảo Thái Bình Dương như Nauru, cùng với lao động nô dịch của dân Kanak đã dựng nên ngành công nghiệp đường mía ở Queensland. Marx đang sống ở London tại thời điểm này, nên ông đặt nhiều mối bận tâm vào đó. Ông nhận thấy những dòng chảy từ các trang trại xử lý bằng phân chim nhập đã biến sông Thames thành một đường cống rãnh ô uế mắc đầy cỏ dại. Khi ấy điều này đúng với vô số những con sông khắp châu Âu và bắc Mỹ. Mối nguy này thậm chí còn tồn tại đến ngày nay, góp phần làm axit hóa các đại dương và gây thiệt hại đối với rạn san hô Great Barrier tại Úc.

 

Một nhà phê phán ‘nền nông nghiệp hóa chất’, Saito cho thấy Marx nhìn thấu nỗ lực của tư bản nhằm thay thế sự phì nhiêu tự nhiên bị phá hủy bằng những sự bổ sung nhân tạo. Những bổ sung này mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng sự can thiệp kỹ thuật này chưa bao giờ được chứng tỏ là có thể thay thế độ hiệu quả và bền vững của dinh dưỡng tự nhiên.

 

Saito biện luận rằng căn nguyên của chủ nghĩa Marx không chỉ dựa trên cơ sở của sự phân tích về trao đổi hàng hóa và bóc lột lao động, mà còn là hiểu biết về sự tha hóa của con người khỏi quyền trông coi và quản lý của chính mặt đất này. Ông cũng xem xét mối quan tâm của Marx đối với sự bền vững và hợp lý trong cách quản lý đất đai trong những xã hội tiền tư bản. Quá trình cưỡng đoạt đất chung và rào lại các điền trang quý tộc đều là những nhân tố chính cho sự hình thành chủ nghĩa tư bản. Tác phẩm Dark Emu của tác giả bản địa Úc Bruce Pascoe củng cố phân tích này. Ông cho thấy sự quan tâm sâu sắc cùng kỹ thuật bền vững trong cách các dân tộc bản địa Úc quản lý đất đai trước thời thuộc địa.

 

Công trình của Saito được nghiên cứu kỹ lưỡng, hấp dẫn và đưa ra luận điểm thuyết phục rằng, thay vì chỉ là một ‘mối quan tâm’ đơn thuần, chủ nghĩa môi trường của Marx mang tính hệ thống và không thể tách rời trong phân tích của ông về kinh tế chính trị. Chủ nghĩa Xã hội Sinh thái của Karl Marx cùng với tác phẩm Thuyết Sinh thái học của Marx của John Bellamy Foster là công cụ để hiểu sâu sắc hơn về cuộc khủng hoảng sinh thái cấp bách mà chúng ta đang đối mặt hiện nay. Sự tàn phá thiên nhiên cùng với sự bóc lột tàn bạo con người là quá đủ lý do để chủ nghĩa tư bản phải bị lật đổ.


Peter Murray, Đảng Xã hội chủ nghĩa Tự do, 12/2019

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận