Góp phần phê phán khoa kinh tế – chính trị (1859) – Chương II – P4
*Mục lục:
Lưu ý A. Ghi chú lịch sử về phân tích hàng hóa
Chương II: Tiền tệ hoặc Lưu thông đơn giản
Lưu ý B. Các lý thuyết về tiêu chuẩn tiền tệ
2. Phương tiện trao đổi
c) Tiền đúc và ký hiệu giá trị
3. Tiền tệ
Lưu ý C. Các lý thuyết về phương tiện lưu thông và tiền tệ
CHƯƠNG II. TIỀN TỆ, HAY LƯU THÔNG GIẢN ĐƠN
4. CÁC KIM LOẠI QUÝ
Quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa lúc đầu nắm nền lưu thông kim khí như là nắm một bộ máy đã được chuyển giao lại cho nó dưới dạng đã có sẵn; bộ máy này tuy biến đổi dần dần, nhưng bao giờ cũng vẫn giữ lại cơ cấu cơ bản của nó. Tại sao vàng và bạc được dùng làm vật liệu tiền tệ chứ không phải là các hàng hóa khác, vấn đề đó vượt qua ngoài phạm vi chế độ tự bản. Cho nên chúng tôi chỉ xin trình bày vắn tắt những luận điểm cơ bản nhất mà thôi.
Vì bản thân thời gian lao động chung chỉ cho phép có những sự khác nhau về lượng, nên cái vật thể được coi là sự hóa thân đặc biệt của nó phải có khả năng thể hiện được những sự khác nhau thuần túy về lượng, — điều đó yêu cầu phải có tính đồng nhất, tính giống nhau về chất. Đó là điều kiện thứ nhất để cho một hàng hóa có thể làm chức năng thước đo giá trị. Ví dụ, nếu tôi lấy bò, da sống, ngũ cốc, v. v.. Để tính giá trị của mọi hàng hóa, thì trên thực tế tôi phải dùng bò trung bình, da trung bình v.v. trên ý niệm để đo, bởi vì giữa bò với bò, ngũ cốc với ngũ cốc, da với da, có những sự khác nhau về chất. Trái lại, vàng và bạc là những vật thể đơn thuần, bao giờ cũng đồng nhất với bản thân chúng, và vì vậy, những lượng bằng nhau của những kim khí đó đại biểu cho những giá trị có lượng bằng nhau1). Một điều kiện khác đối với hàng hóa dùng làm vật ngang giá chung, điều kiện trực tiếp bắt nguồn từ chức năng đại biểu cho những sự khác nhau thuần túy về lượng — là người ta có thể phân chia hàng hóa đó thành bao nhiêu phần cũng được và có thể tập hợp các phần nhỏ đó lại như thế nào để cho những đồng tiền kế toán đó cũng có thể được biểu hiện ra dưới một hình thức sờ mó được. Vàng và bạc có được những tính chất ấy ở một trình độ cao nhất.
Với tư cách là phương tiện lưu thông, vàng và bạc có điểm này hơn các hàng hóa khác là: thích ứng với tỷ trọng lớn của chúng, — vàng bạc thể hiện một trọng lượng tương đối lớn trong một thể tích nhỏ, — chúng có một tỷ trọng kinh tế làm cho chúng có thể chứa đựng tương đối nhiều thời gian lao động, nghĩa là một giá trị trao đổi lớn trong một thể tích bé. Điểm đó bảo đảm cho việc vận chuyển, việc di chuyển từ tay người này sang tay người khác và từ nước này sang nước khác được dễ dàng, cũng như bảo đảm cho nó có thể xuất hiện và biến đi một cách cũng nhanh chóng — tóm lại, bảo đảm tính cơ động vật chất, tức là Sine qua non [điều cần thiết] của thứ hàng hóa cần được dùng làm Perpetuum mobile [động cơ vĩnh cửu] của quá trình lưu thông.
Giá trị đặc thù cao của các kim loại quý, tính chất bền vững, tính chất tương đối không thể bị phá hủy được chúng, thuộc tính không bị oxy hóa ở trong không khí, và nhất là thuộc tính của vàng không bị hòa tan trong các axit, trừ hoàng cường toan, — tất cả các thuộc tính tự nhiên đó làm cho những kim khí quý trở thành vật liệu tự nhiên của việc cất trữ tiền tệ. Chính vì vậy mà khi nói tới những bao ca-cao, một loại tiền tệ dùng ở Mexico, Peter tử vì đạo [Peter Martyr d'Anghiera/Peter Martyr of Angleria — B. T.] , con người hình như rất thích Sô-cô-la, đã nói rằng:
"Ôi thứ tiền tệ hạnh phúc, cung cấp cho loài người một thứ nước uống dễ chịu và bổ ích, và tránh cho những kẻ sở hữu ngây thơ của nó khỏi mắc cái bệnh keo kiệt tàn ác, vì không thể chôn nó xuống đất và giữ nó được lâu" ("bàn về thế giới mới"[1]).
Ý nghĩa to lớn của kim loại nói chung trong quá trình sản xuất trực tiếp gắn liền với chức năng của chúng dùng làm công cụ sản xuất. Ngoài tính chất hiếm có của vàng và bạc thì tính chất của chúng là mềm hơn so với sắt và ngay cả với đồng nữa (đồng ở dạng đã luyện mà người cổ xưa dùng) khiến cho chúng không sử dụng được vào công việc đó, và do đó làm cho chúng thiếu — với một mức độ lớn — cái đặc tính làm cơ sở cho giá trị sử dụng của các kim khí nói chung. Đã vô dụng ở trong quá trình sản xuất trực tiếp, vàng và bạc lại cũng chẳng cần thiết gì hơn với tư cách là phương tiện sinh hoạt và vật phẩm tiêu dùng. Cho nên người ta có thể bỏ bao nhiêu vàng, bạc vào trong quá trình lưu thông xã hội cũng không ảnh hưởng gì tới các quá trình sản xuất và tiêu dùng trực tiếp cả. Giá trị sử dụng cá biệt của vàng và bạc không xung đột với chức năng kinh tế của chúng. Mặt khác, vàng và bạc không chỉ là những vật thừa theo ý nghĩa tiêu cực, nghĩa là những vật mà không có cũng được, nhưng đặc tính thẩm mỹ của vàng, bạc làm cho chúng trở thành vật liệu tự nhiên của sự xa xỉ, của việc trang sức, hoa lệ, của những nhu cầu ngày hội, tóm lại, là hình thức tích cực của sự thừa thãi và sự giàu sang. Vàng, bạc xuất hiện như là một thứ ánh sáng tinh khiết bẩm sinh mà người ta khai thác được từ lòng đất lên; hơn nữa bạc lại phản chiếu tất cả mọi quang tuyến ở thể hỗn hợp ban đầu của chúng, còn vàng thì chỉ phản chiếu màu đỏ, tức là cái màu mạnh nhất. Mà cảm giác về màu sắc là hình thức đại chúng nhất của khiếu thẩm mỹ nói chung. Mối liên hệ tầm nguyên giữa những tên gọi các kim loại quý và những màu sắc tương ứng, trong các ngôn ngữ thuộc hệ Ấn – Âu đã từng được Jakob Grimm chứng minh. (Xem "Lịch sử của tiếng Đức"[2]).
Cuối cùng, vàng và bạc có thể chuyển từ hình thái tiền đúc sang hình thức vàng, bạc thoi, và từ hình thức vàng, bạc thoi sang hình thức xa xỉ phẩm và ngược trở lại tức là so với các hàng hóa khác, vàng và bạc có lợi thế là không bị trói buộc mãi mãi vào những hình thái sử dụng nhất định, cái khả năng đó của vàng, bạc làm cho chúng trở thành vật liệu tự nhiên của tiền tệ, vì tiền tệ thường xuyên chuyển từ một hình thức này sang hình thức khác.
Thiên nhiên không hề tạo ra tiền tệ cũng như không tạo ra những chủ ngân hàng hoặc thị giá hối đoái. Nhưng vì nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phải kết tinh của cải thành một báu vật dưới hình thức một vật đơn nhất, nên vàng và bạc là hiện thân thích hợp của của cải đó. Bản chất của vàng, bạc không phải là tiền tệ; nhưng về bản chất, tiền tệ là vàng và bạc. Một mặt, sự kết tinh của tiền tệ trong bạc hay vàng không chỉ là một sản phẩm của quá trình lưu thông mà trên thực tế nó là sản phẩm duy nhất còn lại của quá trình lưu thông. Mặt khác, vàng và bạc là những sản phẩm đã có sẵn của tự nhiên; và với tư cách là sản phẩm trực tiếp của quá trình lưu thông cũng như với tư cách là sản phẩm của tự nhiên, vàng và bạc không hề có chút khác nhau nào về hình thức. Sản phẩm chung của quá trình xã hội, hay là bản thân quá trình xã hội coi là sản phẩm, là một sản phẩm đặc biệt của tự nhiên, tức là một kim khí ẩn giấu trong lòng đất và người ta có thể khai thác được từ lòng đất ra2).
Chúng ta đã thấy rằng vàng và bạc không thể thỏa mãn được yêu cầu mà người ta đòi hỏi ở chúng với tư cách là tiền tệ; làm những giá trị có một lượng không thay đổi. Tuy nhiên, như Aristotle đã từng nhận xét, nhìn chung so với các loại hàng hóa khác thì vàng và bạc có một lượng giá trị ổn định hơn. Ngoài ảnh hưởng chung do sự tăng hoặc giảm giá trị của các kim khí quý gây nên, thì những biến động trong tỷ lệ giữa giá trị của vàng và giá trị của bạc có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt, vì trên thị trường thế giới cả hai loại kim khí đó được song song dùng làm vật liệu tiền tệ. Những nguyên nhân thuần túy kinh tế gây ra những sự thay đổi về giá trị đó — những cuộc chinh phục và sự biến chính trị khác đã có ảnh hưởng lớn đối với giá trị của các kim khí trong thời kỳ cổ đại, thì nay chỉ có một ý nghĩa cục bộ và tạm thời thôi — đều phải quy vào những sự thay đổi trong thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra các loại kim khí ấy. Còn bản thân thời gian đó thì tùy thuộc vào tình hình tương đối hiếm trong tự nhiên của các loại kim khí đó cũng như ở tình hình khó khăn nhiều, ít trong việc kiếm ra những kim khí đó trong trạng thái kim khí thuần nhất. Trên thực tế, vàng là kim khí đầu tiên mà con người tìm ra. Một mặt, chính thiên nhiên trao cho con người vàng dưới hình thức tinh thể thuần túy của nó, tách riêng ra, không hoà hợp với các chất khác, hoặc nói như các thuật sĩ luyện vàng trước kia, trong trạng thái trong trắng; mặt khác, chính thiên nhiên đã đảm nhiệm một công việc lớn lao về công nghệ bằng cách rửa sạch vàng trong các dòng sông. Do đó, con người chỉ phải lao động một cách giản đơn nhất để tìm kiếm vàng ở sông, cũng như tìm kiếm vàng trong các lớp đất phù sa, còn việc khai thác bạc đòi hỏi phải khai mỏ và nói chung phải có kỹ thuật phát triển tương đối cao. Cho nên giá trị của bạc lúc đầu tương đối cao hơn giá trị của vàng, mặc dù tính chất hiếm hoi tuyệt đối của bạc ít hơn của vàng. Strabo đã khẳng định rằng ở trong một bộ lạc người ta đổi 10 pao vàng lấy một pao sắt và 2 pao vàng lấy 1 pao bạc, điều khẳng định đó không phải là không có thể tin được. Nhưng sức sản xuất của lao động xã hội ngày càng phát triển và do đó, sản phẩm của lao động giản đơn trở nên đắt hơn là sản phẩm của lao động phức tạp: người ta ngày càng khai phá nhiều điểm của vỏ trái đất và các nguồn khai thác vàng ở trên mặt trái đất ngày càng cạn đi, thì giá trị của bạc so với giá trị của vàng giảm xuống. Cuối cùng đến một giai đoạn phát triển nhất định của kỹ thuật và của các phương tiện giao thông, thì việc tìm ra những nước mới có vàng hoặc bạc có một ý nghĩa quan trọng. Ở Châu Á cổ đại, tỷ lệ của vàng so với bạc là 6:1 hoặc là 8:1; người ta còn thấy tỷ lệ sau này ở Trung Quốc và Nhật Bản vào đầu thế kỷ XIX; tỷ lệ 10:1 ở thời Xenophon có thể coi là tỷ lệ bình thường ở giữa thời kỳ cổ đại. Việc Carthage, rồi sau đó là La Mã, khai thác các mỏ bạc ở Tây Ban Nha trong thời cổ đại cũng có một ảnh hưởng gần như ảnh hưởng của việc châu Âu hiện đại tìm ra những mỏ ở Châu Mỹ. Đối với thời đại đế quốc La Mã, có thể cho rằng tỷ lệ trung bình ước chừng là 15 hay 16:1, mặc dù ở La Mã người ta thường thấy tình trạng bạc sụt giá mạnh hơn. Sự vận động y như vậy, bắt đầu với một giá trị tương đối thấp của vàng và kết thúc bằng việc giảm giá trị của bạc, được lập lại ở thời đại sau đó, bắt đầu từ thời trung cổ cho đến ngày nay. Cũng như ở thời Xenophon, tỷ lệ trung bình ở thời kỳ trung cổ là 10:1; sau khi người ta tìm ra các mỏ ở Châu Mỹ thì tỷ lệ đó lại chuyển thành 16 hay 15:1. Việc tìm ra những mỏ vàng ở Australia, ở California và Colombia có thể làm cho giá trị vàng lại sụt xuống3).
* Chú thích
- Chú thích thuộc chính văn
1) "Các kim khí có cái đặc điểm là chỉ ở trong chúng thì mọi quan hệ mới quy về một quan hệ, tức là lượng của chúng do bản chất, chúng không có những sự khác nhau về chất trong thành phần nội tại của chúng, cũng như trong hình thức và cấu tạo bề ngoài". (Galiani, sách đã dẫn [Galiani, "Della Moneta", vol. III, trong "Scrittori classici italiani di economia politica" (do Custodi xuất bản), Parte Moderna, Milano, 1803 (Galiani, "Về tiền tệ", trong Văn tập Custodi, "Các nhà kinh tế chính trị học cổ điển Ý. Các nhà kinh tế học hiện nay", t. III, Milan, 1803) — B. T.], tr. 126-127).
2) Năm 760, có rất nhiều người nghèo di cư về phía Nam Praha [Prague — B. T.] để đãi vàng trong cát ở sông, và trong một ngày ba người có thể khai thác được 3 mác vàng. Kết quả là người đi đãi vàng rất đông và số người bỏ nghề nông nhiều đến nỗi năm sau trong nước bị đói kém (xem M. G. Körner,"Abhandlung von dem Altertum des böhmischen Bergwerks", Schneeberg, 1758 [M. G. Körner, "Nghiên cứu quá khứ của ngành khai khoáng sứ Bergwerk", Schneeberg, 1758, tr. 37-38]).
3) Cho đến nay, việc tìm ra các mỏ vàng ở Australia, v. v., vẫn chưa ảnh hưởng tới tỷ lệ giá trị giữa vàng và bạc. Những điều khẳng định ngược lại của Michel Chevalier chẳng có giá trị gì hơn là cái chủ nghĩa xã hội của con người trước kia theo chủ nghĩa Saint Simon ấy. Thực vậy, theo giá ngạch của bạc ở trên thị trường London thì từ 1850 đến 1858 giá cả trung bình của bạc thể hiện bằng vàng, có cao hơn quãng gần 3% so với thời kỳ 1830-1850. Nhưng tình trạng tăng giá đó chỉ là do nhu cầu của Châu Á về bạc gây ra mà thôi. Từ 1852 tới 1858, giá bạc trong một số năm và một số tháng thay đổi độc chỉ do nhu cầu đó, chứ hoàn toàn không phải do việc đưa vàng từ những nguồn sản xuất mới tìm ra tới. Dưới đây là biểu giá của bạc tính bằng vàng ở thị trường London:
Giá một ôn-xơ [ounce — B. T.] bạc:
Năm Tháng 3 Tháng 7 Tháng 11
1852 60 1/8 pen-ni 60 1/4 pen-ni 61 7/8 pen-ni [penny — B. T.]
1853 61 3/8 pen-ni 61 1/2 pen-ni 61 7/8 pen-ni
1854 61 7/8 pen-ni 61 3/4 pen-ni 61 1/2 pen-ni
1855 60 7/8 pen-ni 61 1/2 pen-ni 60 7/8 pen-ni
1856 60 61 1/4 pen-ni 62 1/8 pen-ni
1857 61 3/4 pen-ni 61 5/8 pen-ni 61 1/2 pen-ni
1858 61 5/8 pen-ni _ _
– Chú thích không thuộc chính văn
[1] Marx trích dẫn tác phẩm của Angleria [Peter Martyr d'Anghiera/Peter Martyr of Angleria/"Peter tử vì đạo" — B. T.], "De Orbe Novo" ("Về thế giới mới"), theo cuốn: W. H. Prescott, "History of the Conquest of Mexico, with a Preliminary View of the Ancient Mexican Civilisation, and the Life of the Conqueror Hernando Cortes", Vol. I, London, 1850, p. 123 (W. H. Prescott, "Lịch sử chinh phục Mexico, kèm theo phần trình bày trước một cách tổng quát về nền văn minh cổ đại của Mexico, cũng như tiểu sử nhà chinh phục Hernán Cortés", T. I, London, 1850, tr.123).
[2] Jakob Grimm [Jacob Grimm — B. T.], "Geschichte der deutschen Sprache", Bd. I-II, Leipzig, 1848.
Reading your article helped me a lot and I agree with you. But I still have some doubts, can you clarify for me? I’ll keep an eye out for your answers.