Bầu cử ở Thái Lan – Tương lai nào phía trước?

Vào ngày 14 tháng 5 vừa qua, gần 40 triệu người Thái Lan đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Kết quả là một sự từ chối rõ ràng chính quyền bảo hoàng – quân sự đang cầm quyền. 

Các số liệu không chính thức từ ủy ban bầu cử cho thấy hai đảng đối lập chính là Pheu Thai và Move Forward Party đã cùng nhau dành được 25 triệu phiếu bầu. Trong khi đó dù đã cố thành lập một liên minh rộng rãi, phe bảo hoàng – quân sự vẫn chỉ dành được rất ít sự ủng hộ.


Lần đầu tiên lên nắm quyền thông qua cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Thủ tướng Prayut Chan-ocha chỉ có thể duy trì quyền lực của mình vào năm 2019 nhờ hiến pháp 2017, vốn được soạn thảo với những gian lận rõ ràng nhằm đảm bảo quyền lực cho phe quân phiệt bảo hoàng. Do vậy mức độ phản đối chế độ thối nát này không phải là điều gì đáng ngạc nhiên.

Điều có lẽ ít nhiều bất ngờ là thắng lợi của đảng Tiến lên mới thành lập gần đây, cũng là người kế thừa của đảng Hướng tới Tương lai, vốn bị Tòa án Hiến pháp buộc phải giải tán vì dám thách thức quyền thống trị của phe quân phiệt bảo hoàng trong kỳ bầu cử 2019.

Chương trình của đảng Tiến lên nhấn mạnh vào 3P: Phi quân đội hoá, phi tập trung và phân quyền; cùng với đó là một loạt các chính sách xã hội thu hút những người Thái trẻ sống ở thành thị, bao gồm cả hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và bãi bỏ nghĩa vụ quân sự. Thậm chí nó còn kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc viết lại hiến pháp và “cải cách” chế độ quân chủ, cùng với những cải cách kinh tế.

Trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra, chiến thắng áp đảo vốn đã được dự đoán cho đảng Pheu Thai. Nhưng với việc rút lại các chỉ trích đối với Luật về tội Khi quân hà khắc nó đã mất đi rất nhiều sự ủng hộ từ giới trẻ ở hai thành phố lớn nhất của Thái Lan, là Bangkok và Chiang Mai, về tay đảng Tiến lên.

Luật về tội Khi quân là nỗ lực hình sự hóa những hành vi phỉ báng, lăng mạ hoặc đe dọa Hoàng gia, với hình phạt từ 3 đến 15 năm tù, và từ lâu đã được giới cầm quyền sử dụng để chống lại những người bất đồng chính kiến. Nó đã được sử dụng để biện minh cho nhiều cuộc đảo chính quân sự và trong phong trào biểu tình chống chế độ quân chủ năm 2020 – 21, luật này đã được sử dụng để bắt giữ và bỏ tù các lãnh đạo phong trào.

Pheu Thai tất nhiên vẫn duy trì được sự phổ biến ở vùng nông thôn phía bắc nghèo hơn. Đặc biệt là ở phía đông bắc, nơi mà người dân được hưởng lợi từ các chính sách của người sáng lập đảng, Thaksin Shinawatra, trong thời gian ông nắm quyền Thủ tướng (2001 – 06).

Việc phe Bảo hoàng quân phiệt mất đi sự hỗ trợ rộng rãi cũng phản ánh sự bất mãn ngày càng tăng đối với tình trạng kinh tế trì trệ. Du lịch (ngành công nghiệp chính của Thái Lan) còn lâu mới phục hồi trở lại mức trước đại dịch. Giá năng lượng tiếp tục tăng cao và nợ hộ gia đình, đã ở mức 87,5% GDP. Trong khi đó, ngành nông nghiệp với lao động chiếm ⅓ dân số, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và lũ lụt do biến đổi khí hậu. Tất cả những điều này đang gây chia rẽ sâu sắc trong hàng ngũ những người ủng hộ chủ nghĩa bảo hoàng quân phiệt.

Trong một cuộc thăm dò năm 2022 của Statista, 65% người Thái coi tình hình kinh tế là vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Điều này được phản ánh rõ ràng trong các lời hứa tranh cử của tất cả các đảng chính trị chính.

Đảng Tiến lên, ngoài những kêu gọi dân chủ hoá, cũng đề xuất các chính sách kinh tế gợi về quá khứ thời Thaksin nắm quyền, bao gồm tăng mức lương tối thiểu, giảm chi phí điện, giá vé được niêm yết cố định cho xe buýt và xe lửa đô thị, cũng như xóa nợ cho nông dân cao tuổi. Tuy nhiên, cựu thủ tướng Thaksin sở dĩ có thể tài trợ cho các chính sách chi tiêu kiểu Keynes này là nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Thái lan sau khủng hoảng năm 1997, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 5% mỗi năm.

Những điều kiện đó ngày nay đã không còn tồn tại. Nền kinh tế Thái Lan đang chìm trong khủng hoảng với tăng trưởng GDP thực tế đã chậm lại, trong khi nợ chính phủ so với GDP đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2006.

Thái Lan sẽ đi về đâu?

Nhận được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử, Đảng Tiến lên vào ngày 22 tháng 5 đã tự tin tuyên bố lãnh đạo đảng Pita Limjaroenrat, sẽ là ứng cử viên cho chức Thủ tướng. Sự đề cử này được hỗ trợ bởi liên minh của Đảng với Pheu Thai và sáu đảng đối lập khác.

Tuy nhiên, kể cả như vậy thì điều này vẫn chưa có gì chắc chắn. Mặc dù Liên minh đang nắm đa số Hạ viên với 313/ 500 ghế, nhưng theo Hiến pháp 2017, Thủ tướng phải được bầu cùng với 250 thượng nghị sĩ ở Thượng viện do chính phe bảo hoàng quân phiệt chỉ định.

Để qua mặt Thượng viện, giành được quá bán thì Đảng Tiến lên chắc chắn phải đưa được vào liên minh đảng Bhumjaithai, vốn thân thiện với phe bảo hoàng quân phiệt. Điều này có nghĩa là nhiều nhượng bộ hơn nữa, bao gồm cả việc từ bỏ những cam kết trước bầu cử vốn đưa Đảng đến chiến thắng áp đảo.

Chắc chắn là bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế quyền lực của phe bảo hoàng quân phiệt hay cải cách điều 112, sẽ vấp phải sự phản kháng quyết liệt. Nhưng một cuộc đảo chính quân sự lúc này hẳn nhiên sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng bằng cách kích động quần chúng rộng rãi. Rất có thể phe bảo hoàng quân phiệt sẽ tổ chức một cuộc đảo chính tư pháp thông qua Tòa án hiến pháp và ủy ban bầu cử, vốn do họ kiểm soát hoàn toàn, tương tự như năm 2019.

Để cho rõ ràng, cả đảng Tiến lên và Pheu Thai đều là những cánh khác nhau của cùng giai cấp tư sản. Hết lần này đến lần khác, những lãnh đạo của chúng đã đầu hàng và lùi bước trước phe bảo hoàng quân phiệt, kêu gọi niềm tin vào tòa án, hiến pháp và hệ thống nghị viện thối nát vốn chỉ phục tùng bọn tinh hoa nắm quyền. Do vậy, những người theo chủ nghĩa cơ hội tư sản này không có khả năng giành được ngay cả những cải cách dân chủ sơ đẳng nhất.

Sức mạnh duy nhất trong xã hội Thái Lan có thể làm lung lay ngai vàng trên cao là sự phản kháng có tổ chức của quần chúng thanh niên, công nhân và nông dân, được thể hiện trong lần gần đây nhất là phong trào 2020 – 21, nhưng không phải là lần duy nhất. Sự anh hùng quên mình của quần chúng, bất chấp tù đày hay cái chết, là nỗi ác mộng lớn nhất đối với bọn cầm quyền, thứ mà chúng đã sẵn sàng sử dụng những biện pháp tàn bạo nhất cũng không thể dập tắt hoàn toàn. Điều còn thiếu là một lãnh đạo cách mạng và ai sẽ đảm nhận vai trò này?

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận