Chủ nghĩa Nhân Văn Marxist của Raya Dunayevskaya và sự thay thế cho chủ nghĩa tư bản

Nhà tư tưởng gốc Nga Raya Dunayevskaya là một nhân vật quan trọng và có ảnh hưởng đối với cánh tả cấp tiến của Mỹ. Ở giai đoạn đầu, bà nhận ra sự cần thiết phải kết hợp các cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa tư bản – hai cấu trúc áp bức có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Sự gia tăng mối quan tâm đến chủ nghĩa xã hội trong những năm gần đây diễn ra trong bối cảnh được xác định bởi một trong những phong trào lớn nhất và sáng tạo nhất chống lại sự phân biệt chủng tộc trong lịch sử Mỹ. Các phong trào chống lại sự lạm quyền của cảnh sát và  đấu tranh cho cuộc sống của người da đen rõ ràng cho thấy rằng nỗ lực tạo ra một giải pháp thay thế cho chủ nghĩa tư bản xoay quanh việc phát triển một chủ nghĩa Marx xen kẽ , xem chủng tộc, giới tính và tình dục một cách nghiêm túc là một vấn đề giai cấp. Hầu hết các cuộc đấu tranh đang diễn ra chống lại chủ nghĩa phân biệt giới tính và kỳ thị người đồng tính thường bộc lộ trong các tổ chức cánh tả.

Vì lý do này, một nhân vật trong lịch sử chủ nghĩa Marx đã được chú ý ngày càng nhiều là Raya Dunayevskaya (1910–1987). Dunayevskaya đã thách thức những tiền đề của chủ nghĩa Marx bằng cách thành lập và thúc đẩy một giải pháp thay thế nhân văn cho vô số hình thức tha hóa vốn định hình xã hội hiện đại. Như Adrienne Rich đã nói:

Dunayevskaya kịch liệt phản đối quan điểm cho rằng chủ nghĩa Marx của Marx chỉ có ý nghĩa khi cho rằng đấu tranh giai cấp là chính hoặc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và xã hội phụ hệ sẽ chấm dứt khi chủ nghĩa tư bản sụp đổ. “Điều gì xảy ra sau đó”, bà ấy đặt câu hỏi và là câu hỏi mà chúng ta phải hỏi mãi.

Raya Dunayevskaya's Marxist Humanism and the Alternative to Capitalism - IMHO Journal

Một cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa Marx

Sinh ra ở miền tây Ukraine trong một gia đình Do Thái nghèo khó vào năm 1910, Dunayevskaya và các anh chị em của bà đã chạy trốn khỏi đất nước trong cuộc Nội chiến Nga và di cư đến Chicago vào năm 1921. Khi còn là một thiếu niên, bà đã hoạt động trong chính trị cánh tả địa phương và tham gia nhóm thanh niên Đảng Cộng sản. Năm 1925, bà trở thành hoạt động tích cực trong Đại hội Lao động Da đen Hoa Kỳ – nỗ lực đầu tiên của những người cộng sản Mỹ nhằm tạo sự hiện diện trong cộng đồng người da đen.

Sau khi bị ruồng bỏ vào năm 1927 vì phản đối việc Đảng của mình lên án Leon Trotsky, bà đã dành mười năm tiếp theo để tham gia vào phong trào lao động với tư cách là một chiến binh theo chủ nghĩa Trotsky, làm việc với những nhân vật như James P. Cannon, Martin Abern, và AJ Muste. Năm 1937, tìm kiếm sự cứu vãn từ các cuộc đấu tranh phe phái cánh tả của Hoa Kỳ, bà trở thành thư ký tiếng Nga cho Trotsky trong thời gian ông lưu vong ở Coyoacán, Mexico.

Dunayevskaya nổi lên như một nhà lý luận sau khi bà đoạn tuyệt với Trotsky vào năm 1939 vì ông bảo vệ Liên Xô khi ông cho rằng LX là một nhà nước “công nhân”, ngay cả sau khi Hiệp ước Hitler-Stalin bật đèn xanh cho Thế chiến II. Việc Trotsky từ chối suy nghĩ lại quan điểm của mình về Liên Xô dưới góc độ của nó – là một cú sốc to lớn, vì nó chỉ ra rằng chính ý nghĩa của “chủ nghĩa xã hội” đã trở nên suy thoái để biện minh cho tội ác nặng nề nhất.

Bà trả lời bằng cách bắt tay vào phân tích kinh tế về bản chất của Liên Xô, bà cho rằng những người theo chủ nghĩa xã hội đã sai lầm khi cho rằng việc xóa bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất nhất thiết sẽ dẫn đến một xã hội tự do. Bà ấy đã viết vào năm 1940:

“Yếu tố quyết định trong việc phân tích bản chất giai cấp của xã hội không phải là tư liệu sản xuất là tư hữu của giai cấp tư sản hay thuộc sở hữu nhà nước, mà là tư liệu sản xuất có phải là tư bản hay không, tức là từ những người sản xuất trực tiếp thì tư liệu sản xuất có bị độc quyền hay không? Chính phủ Liên Xô chiếm vị trí trong mối quan hệ với toàn bộ hệ thống kinh tế, cứ như là một nhà tư bản chiếm giữ trong mối quan hệ với tư cách là một doanh nghiệp [tư bản] nhà nước duy nhất.”

Dunayevskaya kết luận rằng Liên Xô không phải là “xã hội chủ nghĩa”, cũng không phải là một xã hội chuyển tiếp giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, như Trotsky đã lập luận, mà đó là “nhà nước tư bản.”

Việc phân tích về Liên Xô này đã đủ gây tranh cãi. Nhưng Dunayevskaya còn đi xa hơn, đặt vấn đề với các nhà cánh tả phê phán chủ nghĩa Stalin – Dù cho người đó là Trotsky hay đệ tử bị ghẻ lạnh của ông ta là Max Schachtman, những người đã định nghĩa Liên Xô là một hệ thống “tập thể quan liêu” – vì cũng nắm giữ các hình thức tài sản xác định bản chất của xã hội. Tài sản là sản phẩm của lao động, và các hình thức tài sản liên quan đến các mối quan hệ giữa các sự vật.

Bà cho rằng vấn đề cơ bản không phải là tài sản thuộc sở hữu tư nhân hay tập thể. Mà là mối quan hệ giữa con người có được thiết lập trong đó, họ có còn bị xem là đồ vật hay không. Các nhà Marxist cánh tả đã thất bại trong việc bắt kịp nhịp đập của các mối quan hệ giữa con người với nhau, vì họ không thừa nhận rằng sở hữu nhà nước hoặc công cộng sẽ không tước bỏ tư liệu sản xuất của người lao động với tư cách là tư bản.

Dunayevskaya tin rằng không phải những người theo chủ nghĩa xã hội đã sai khi phản đối quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất và quan hệ thị trường vô chính phủ. Thay vào đó, họ đã quá chú tâm vào những câu hỏi này đến nỗi họ đã bỏ qua những điều kiện sống và quên rằng chính lao động bị tha hóa đã tạo nên những mối quan hệ tài sản như vậy.

Bà lập luận, sự tha hóa không chỉ là việc tách sản phẩm ra khỏi người sản xuất – thực tế người lao động tạo ra nhiều giá trị hơn so với tiền lương mà họ nhận được. Sự mất cân bằng này là hậu quả của việc tha hóa trong hoạt động của một người, cả tại nơi làm việc và trong các mối quan hệ của chúng ta với những người khác (và với thiên nhiên) bên ngoài nơi làm việc. Như Marx đã viết:

“Do đó, tài sản tư nhân là sản phẩm, là kết quả, hậu quả tất yếu của lao động bị tha hóa, của mối quan hệ bên ngoài của người lao động với thiên nhiên và với bản thân … mặc dù tư hữu dường như là lý do, là nguyên nhân của lao động bị tha hóa , nhưng nó lại giống với hậu quả hơn.”

Sự phân phối bất bình đẳng về tài sản, thu nhập và tài nguyên là kết quả tất yếu của các mối quan hệ tha hóa giữa con người với nhau, chứ không phải ngược lại [Tư liệu sản xuất là nguyên nhân của sự tha hóa]. Marx đã viết những từ đó trong Bản thảo Kinh tế và Triết học năm 1844 – được gọi là Tiểu luận Nhân Văn của ông. Dunayevskaya đã phát hiện ra những tác phẩm này, hầu như không được biết đến trong thế giới nói tiếng Anh vào thời điểm đó, trong quá trình nghiên cứu của bà về nền kinh tế Nga, và là người đầu tiên xuất bản các phần của chúng bằng tiếng Anh.

Việc phát hiện ra Chủ nghĩa phê phán Nhân Văn của Marx về sự tha hóa không chỉ ảnh hưởng đến phân tích kinh tế của bà về Liên Xô. Nó cũng dẫn bà đến một sự hiểu biết rộng hơn. Dunayevskaya thấy rằng những người theo chủ nghĩa Marx đã  không thể kết hợp các vấn đề chủng tộc và áp bức giới vào quan điểm chống tư bản được vì chủ nghĩa kinh tế và chủ nghĩa khách quan của họ đã ngăn cản họ  tiếp cận và giải quyết các hình thức phi nhân tính của quan hệ giữa các cá nhân con người, điều mà vốn định hình xã hội hiện đại.

Chủng tộc, Giai cấp và Phép biện chứng

Sự tham gia của Dunayevskaya trong các phong trào chống phân biệt chủng tộc, vào những năm 1940, cho đến sự hợp tác của bà với C. L. R. James trong tổ chức Johnson-Forrest Tendency (JFT) – đây là một nhóm bất đồng chính kiến ​​trong Đảng Công nhân Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy việc phân tích Liên Xô như một xã hội tư bản nhà nước. Tên của nó bắt nguồn từ các bút danh tương ứng của James và Dunayevskaya.

Các vấn đề về chủng tộc và phân biệt chủng tộc là không thể thiếu trong công việc của JFT. Hầu hết các nhóm theo chủ nghĩa Marx vào thời điểm đó đều coi các cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc về yêu cầu quyền công dân là điều có thể đạt được trong chủ nghĩa tư bản, nhưng JFT cho rằng những cuộc đấu tranh như vậy là mấu chốt đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm vượt lên chủ nghĩa tư bản.

Vì những quyết định về chủng tộc đã định hình mối quan hệ giai cấp kể từ khi “nền văn minh” Mỹ  ra đời, nên việc đấu tranh chống lại sự phân biệt chủng tộc sẽ cho phép người lao động và các nhóm bị áp bức khác tìm thấy tiếng nói của họ. Trên cơ sở đó, họ lập luận về giá trị độc lập của các cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của người Mỹ da đen, đối lập với những người coi chúng là thứ yếu hoặc phụ trợ cho cuộc đấu tranh giai cấp nói chung.

Quan điểm này không làm hạ thấp cuộc đấu tranh giai cấp:  màngược lại, nó dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về nó. Mượn việc sử dụng bảng câu hỏi của Marx để hiểu rõ hơn về suy nghĩ của người lao động, JFT nhận thấy rằng nhiều người lao động trong thời đại của họ ngày càng lo ngại, không chỉ với sự phân phối không công bằng của tiền thu được từ công việc lao động, mà còn với điều kiện lao động bị tha hóa của họ [ tha hóa qua công nghệ, thời gian rãnh, ngày nghỉ, chủ nghĩa tiêu thụ, v..v.. ]. Điều này phản ánh một mức độ ý thức cao đã làm xói mòn quan điểm truyền thống gắn với Lenin rằng công nhân chỉ có khả năng đạt được “ý thức công đoàn” thông qua nỗ lực của chính họ. [ Khó đạt được khi sống trong điều kiện môi trường tha hóa]

Điều này khiến JFT đặt câu hỏi về chủ nghĩa duy vật thô thiển vốn đã đặc trưng cho chủ nghĩa Marx sau Marx. Cùng với Grace Lee Boggs, người đã gia nhập JFT ngay sau khi thành lập, James và Dunayevskaya đã tham gia vào các nghiên cứu khó nhọc về Hegel và tác động của ông đối với Marx – cũng như sự liên quan của các triết gia Đức đối với chính trị đương đại. Điều này một phần được thúc đẩy bởi bản dịch tiếng Anh đầu tiên của Dunayevskaya về tác phẩm năm 1914 của Lenin, “Tóm tắt khoa học logic của Hegel”, trong đó nhà Marxist người Nga đã phát biểu như sau:

“Nhận thức không chỉ phản ánh thế giới khách quan, mà còn tạo ra nó… trong các tác phẩm của Hegel theo chủ nghĩa duy tâm này có chủ nghĩa duy tâm nhất và chủ nghĩa duy vật nhất.”

JFT có thể được coi là nhóm Hegelian-Marxists đầu tiên ở  Mỹ  – một thực tế thường không được nhắc đến trong các tài liệu về truyền thống lịch sử của JFT.

Sự nhấn mạnh của JFT vào ý thức giai cấp và chủng tộc tự phát cuối cùng đã khiến nó thoát khỏi khái niệm về một đảng tiên phong và bỏ lại chủ nghĩa Trotsky. Tuy nhiên, sự khác biệt nổi lên về các lựa chọn thay thế cho khái niệm đó đã giải thích cho sự tan rã cuối cùng của nhóm. Đối với Dunayevskaya, các nhóm nhà hoạt động-tư tưởng theo chủ nghĩa Marx vẫn rất quan trọng – không phải để tiếp quản và kiểm soát các phong trào, mà là nâng cao nhận thức, trong đối thoại tích cực với các phong trào đó, về những gì tạo nên một sự thay thế khả thi cho chủ nghĩa tư bản.

Chủ nghĩa Nhân Văn và Tha Hóa

Tác phẩm năm 1958 của Dunayevskaya, Chủ nghĩa Marx và Tự do là cuốn sách dài đầu tiên về Chủ nghĩa Marx-Nhân Văn. Lời nói đầu của nó đã nêu:

Cuốn sách này nhằm mục đích xác lập lại chủ nghĩa Marx ở hình thức ban đầu, mà Marx gọi là “Chủ nghĩa tự nhiên hay Chủ nghĩa nhân văn triệt để”… Chủ nghĩa Marx là một lý thuyết về sự giải phóng hoặc nó không là gì cả.

Nó từng là cơ sở của một số tổ chức Marxist Nhân Văn, Ủy ban News and Letters, do Dunayevskaya thành lập cùng với Charles Denby, một người công nhân da đen ở Detroit.

Dunayevskaya theo Chủ nghĩa Marx và Tự do với nhiều tác phẩm trong ba thập kỷ tiếp theo: Nền văn minh Mỹ khi xét xử: Những đám đông da đen với tư cách là Vanguard (1963), Triết học và Cách mạng: từ Hegel đến Sartre và từ Marx đến Mao (1973), Rosa Luxemburg, Giải phóng phụ nữ, và Triết học Cách mạng của Marx (1981), Giải phóng phụ nữ và Phép biện chứng của Cách mạng (1985). Bà nhất quán cho rằng thực tế của thời đại chúng ta đã làm cho một quan điểm nhân văn cách mạng trở nên cần thiết cho cả lý thuyết và thực tiễn.

Theo Dunayevskaya, nhiều cuộc cách mạng chưa hoàn thành và bị phá bỏ kể từ năm 1917 cho thấy những người theo chủ nghĩa Marx sẽ phải trả một cái giá đắt nếu dựa vào các hình thức tổ chức theo thứ bậc và tinh hoa trong khi bỏ qua nhu cầu tái tổ chức triệt để các mối quan hệ giữa con người trước và sau khi nắm quyền. Việc tái thiết triết học của chủ nghĩa Marx dựa trên chủ nghĩa nhân văn của Marx đã trở nên cấp thiết.

Mặc dù một số nhà tư tưởng gắn liền với chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa trong những năm qua, nhưng cách tiếp cận của Dunayevskaya khác với nhiều nhà tư tưởng khác ở hai khía cạnh quan trọng. Thứ nhất, bà không đặt chủ nghĩa nhân văn theo quan điểm bản chất hay lịch sử về bản chất con người, mà dựa trên các lực lượng thực tế của cuộc cách mạng. Bà ấy gọi đó là “một chuyển động từ thực tiễn mà bản thân nó là một dạng lý thuyết.”

Dunayevskaya tổ chức các cuộc đấu tranh đòi tự do quần chúng, không chỉ đơn giản là một lực lượng được khai thác dưới danh nghĩa “thực hiện” cuộc cách mạng. Trong đó, người lao động đã đưa ra những câu hỏi lý thuyết cần phải được lắng nghe, tiếp thu và phát triển – chẳng hạn như “Khi nào một ngày làm việc của tôi bắt đầu và kết thúc và tại sao tôi không có tiếng nói trong đó?” “Tại sao tôi được nhìn nhận không phải là một con người mà là theo khuôn mẫu chủng tộc?” hoặc “Tại sao người từng tuyên bố yêu tôi vẫn coi tôi như đồ vật?” Những câu hỏi như vậy do các phong trào xã hội mới đặt ra đã buộc các nhà Marxist phải mở rộng toàn bộ quan điểm của họ dự án giải phóng.

Dunayevskaya nhấn mạnh rất nhiều vào cuộc đấu tranh của những người lao động có trình độ cao chống lại tự động hóa. Bà lập luận rằng họ đặt ra câu hỏi, ‘Con người nên thực hiện loại lao động nào?’

Với tinh thần này, Dunayevskaya đặt trọng tâm vào cuộc đấu tranh của những người làm công việc cấp bậc và tập trung chống lại tự động hóa. Bà không đồng ý với quan điểm của Herbert Marcuse, người mà bà trả lời thư dài dòng. Marcuse coi những cuộc đấu tranh như vậy là trở ngại cho sự tiến bộ, hoặc ông thất bại trong việc hiểu rằng việc thay thế lao động sống bằng tư bản là cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Bà lập luận rằng người lao động đã đặt ra câu hỏi, “Mọi người nên thực hiện loại lao động nào?”

Thực tế không chỉ đơn giản là tự động hóa khiến công việc trở nên tha hóa hơn. Tình trạng thiếu việc làm và tình trạng thất nghiệp kéo dài khiến cuộc sống bên ngoài công trường trở nên tha hóa hơn. Rất lâu trước khi “phi công nghiệp hóa” trở thành một từ quen thuộc, Dunayevskaya đã tập trung phân tích  rằng động lực của tự động hóa đang biến cuộc sống xã hội thành một loại nhà máy nhiều hơn trước.

Sự quan tâm của Dunayevskaya đối với tác động của chủ nghĩa tư bản đối với cuộc sống hàng ngày đã ảnh hưởng đến quan điểm của bà về các cuộc đấu tranh chống lại phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Bà ủng hộ Phong trào Dân quyền, bắt đầu bằng Cuộc tẩy chay xe buýt Montgomery giai đoạn 1955–56, như báo hiệu sự khởi đầu của “Cách mạng Da đen” ở Mỹ. Đây là thời điểm mà nhiều người cánh tả coi nó chỉ đơn giản là yêu cầu một miếng bánh tư bản lớn hơn. Những dấu hiệu như “Tôi là một người đàn ông” được nhiều người Mỹ gốc Phi biểu tình trong những năm 1960 giơ lên ​​- xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống cảnh sát gần đây với tên gọi “Tôi là một người phụ nữ” và “Tôi là người chuyển giới” – biểu thị điều gì, nếu không phải là lời khẳng định của một loại chủ nghĩa nhân văn?

Như Dunayevskaya đã viết trong một cuộc thảo luận về cuộc đấu tranh của phụ nữ da đen vào năm 1985:

“Nắm bắt được Thứ nguyên Đen là học một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tư tưởng, tư tưởng Đen. Đối với nhiều người, ngôn ngữ mới này sẽ khó khăn vì họ khó nghe. Khó nghe vì họ không quen với kiểu suy nghĩ này, một ngôn ngữ vừa là đấu tranh cho tự do vừa là ý nghĩ về tự do.”

 

Why 'Marxism and Freedom' resonates so well in 2019 : New Frame

Lý thuyết giá trị của lao động

Sự khác biệt thứ hai giữa Dunayevskaya và phần lớn các nhà nhân văn xã hội chủ nghĩa là điều này. Trong khi hầu hết các cuộc thảo luận khác về chủ nghĩa nhân văn của Marx tập trung vào các tác phẩm đầu tiên của ông, thì Dunayevskaya cho rằng biểu hiện sâu sắc nhất của nó có thể được tìm thấy trong tác phẩm “trưởng thành” nhất của ông, Tư bản.

Các học giả thường cho rằng chủ nghĩa Marx là một biến thể triệt để đối với lý thuyết giá trị lao động của David Ricardo, theo nghĩa Marx rút ra từ lý thuyết này một lập luận rằng giá trị thặng dư nên được phân phối lại từ các nhà tư bản cho công nhân. Tuy nhiên, điều này là sai lầm. Marx đã đặt vấn đề không chỉ với sự phân phối giá trị không đồng đều mà còn về sự tồn tại của giá trị, tức là của cải được biểu hiện bằng tiền.

Đối với Marx, ‘giá trị’ là sự thể hiện một hình thức lao động đặc biệt, trong đó các cá nhân phải chịu những hình thức thống trị trừu tượng nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Đó là sản phẩm của các mối quan hệ xã hội bị vô nhân tính.

Marx nhấn mạnh, giá trị của một hàng hóa không được xác định bằng số giờ thực tế cần thiết để sản xuất ra nó, mà bằng lượng thời gian trung bình cần thiết để làm như vậy. Mức trung bình trừu tượng này, mà ông gọi là thời gian lao động cần thiết về mặt xã hội, áp đặt ý chí của nó lên người sản xuất bất kể nhu cầu hay mong muốn của họ. Đối với Marx, ‘giá trị’ là sự thể hiện một hình thức lao động đặc biệt, trong đó các cá nhân phải chịu những hình thức thống trị trừu tượng nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Đó là sản phẩm của các mối quan hệ xã hội bị vô nhân tính.

Chủ nghĩa xã hội đại diện cho việc xóa bỏ sản xuất giá trị thông qua việc tạo ra các quan hệ con người mới, trong đó các cá nhân sẽ tự do tổ chức thời gian của họ thay vì để thị trường hoặc nhà nước tổ chức cho họ. Như Dunayevskaya đã nói:

“Lý thuyết cơ bản của Marx là lý thuyết về cái mà ông gọi là “lao động bị tha hóa” và sau đó là lao động “trừu tượng” hoặc “ giá trị sản xuất”… do đó, đúng hơn khi gọi lý thuyết của Marx về tư bản không phải là lý thuyết lao động về giá trị, mà là lý thuyết giá trị của lao động.”

Trong những năm gần đây, đã có một thách thức đối với sự nhấn mạnh của chủ nghĩa Marx truyền thống đối với các hình thức tài sản và quan hệ trao đổi từ một số nhà lý thuyết hình thái giá trị của chủ nghĩa Marx, bao gồm Neue Marx-Lektüre người Đức, trường phái phép biện chứng hệ thống, và Moishe Postone quá cố. . Họ lập luận rằng cách tiếp cận này bỏ qua sự thống trị ngày càng tăng của lao động trừu tượng và thời gian lao động cần thiết về mặt xã hội.

Tuy nhiên, các nhà lý thuyết hình thức giá trị đã trở nên cố định vào các hình thức thống trị trừu tượng đến mức họ đi đến một kết luận tuyệt vọng, theo đó logic của tư bản áp đảo sự phản kháng của công nhân hoặc bất kỳ loại cơ quan chủ quan nào của con người. Trong quá trình này, họ vượt qua những hàm ý nhân văn của sự phê phán của Marx về giá trị sản xuất. Không phải ngẫu nhiên mà một vài trong số những nhà tư tưởng này đã nói nhiều về phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt giới tính và các hình thức phản kháng đã nảy sinh chống lại cả hai sự áp bức.

Dunayevskaya có một cách tiếp cận khác. Bà tin rằng, nếu chúng ta hiểu rằng đối tượng phê phán của Tư Bản là những hình thức tha hóa của con người, thì chúng ta sẽ chú ý hơn đến những hình thức tha hóa có thể không liên quan trực tiếp đến kinh tế, bao gồm các hình thức phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc thậm chí có thể mang tính khử nhân tính hơn bóc lột giai cấp.

Triết học và Tổ chức

Nỗ lực của Dunayevskaya nhằm phục hồi chủ nghĩa Marx như một triết lý về cách mạng bắt nguồn từ một cuộc khủng hoảng đang đối đầu với những nỗ lực cải tạo xã hội trong thời đại của bà. Các phong trào tự do vào cuối những năm 1960 đã không dẫn đến một cuộc cách mạng nào. Ngay cả ở Pháp, các nhà chức trách có thể dập tắt cuộc cách mạng gần kề năm 1968 mà không cần nổ súng.

Những vấn đề như vậy cũng không chỉ giới hạn ở “phương Tây”. Frantz Fanon đã cảnh báo trong Những người khốn khổ của Trái đất rằng nếu các cuộc cách mạng Á-Phi không tiến tới cái mà ông gọi là “Chủ nghĩa nhân văn mới”, họ sẽ thấy mình bị mắc kẹt bởi gọng kìm của chủ nghĩa thực dân mới. Bản thân hiện tượng phản cách mạng xuất hiện từ bên trong cuộc cách mạng không chỉ giới hạn ở Liên Xô dưới thời Stalin. Một ví dụ gần đây hơn là khi phe Marx-Lenin trong Phong trào Viên ngọc mới của Grenada ám sát Maurice Bishop, nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa dân chủ của cuộc cách mạng, vào năm 1983. Điều này khiến Ronald Reagan ra lệnh cho Mỹ xâm lược Grenada vào năm đó dễ dàng hơn.

Những thực tế như vậy đã khiến Dunayevskaya nghiên cứu sâu hơn về công việc của Hegel và Marx cho đến cuối đời. Bà ấy muốn khám phá câu hỏi làm thế nào các phong trào chống tư bản có thể tránh dừng lại ở sự phủ định đầu tiên của xã hội hiện tại. Cách giải thích ban đầu của bà về Hegel trong Triết học và Cách mạng, xoay quanh phạm trù “Sự phủ định tuyệt đối khi mới bắt đầu”, đã phản ánh trọng tâm này. Cũng vậy, bà đã kiểm tra thập kỷ trước của Marx trong Rosa Luxemburg và giải phóng phụ nữ, và Triết Học Cách Mạng của Marx

Đây là thời kỳ mà Marx hướng sự chú ý của mình sang thế giới phi phương Tây và nhấn mạnh thực tế là phụ nữ có nhiều quyền tự do hơn trong nhiều xã hội tiền tư bản so với ngày nay. Nghiên cứu của Dunayevskaya về Rosa Luxemburg chứa đựng một cuộc thảo luận hấp dẫn về chiều hướng nữ quyền của bà ấy. Nó cũng có vấn đề với tuyên bố của Frederick Engels trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, tài sản tư nhân và nhà nước.

Engels cho rằng cái mà ông gọi là “thất bại lịch sử thế giới của giới tính nữ” là do sự gia tăng của tư hữu. Bắt đầu từ việc khẳng định rằng chế độ phụ hệ được sinh ra từ tài sản tư nhân, ông tiếp tục giả định rằng chế độ trước đây sẽ kết thúc với việc bãi bỏ chế độ sau. Lập luận này khó bền vững dưới ánh sáng của kinh nghiệm thế kỷ XX. Dunayevskaya kết luận rằng ngay cả những nhà Marxist vĩ đại nhất, những người đến sau Marx cũng không thích quan điểm tự do của mình, mà bà ấy gọi là “một triết lý về cuộc cách mạng thường trực”.

Thế giới ngày nay khác ở nhiều khía cạnh so với trải nghiệm của Dunayevskaya, người đã qua đời năm 1987 khi bà đang viết một cuốn sách mới về “Phép biện chứng của tổ chức”. Tuy nhiên, bà ấy nói thẳng vào vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay – làm thế nào chúng ta có thể hình dung ra một giải pháp thay thế khả thi cho chủ nghĩa tư bản. Như bà ấy đã viết vào năm 1981:

“Vô số cuộc khủng hoảng trong thời đại chúng ta đã lặp đi lặp lại, từ Nga đến Trung Quốc, từ Cuba đến Iran, từ châu Phi đến Campuchia của Pol Pot, mà không có triết lý cách mạng, chủ nghĩa hoạt động chỉ để chống chủ nghĩa đế quốc và chống chủ nghĩa tư bản. , mà không bao giờ tiết lộ nó dùng để làm gì… điều cần thiết là một nguyên tắc thống nhất mới, trên cơ sở chủ nghĩa nhân văn của Marx, thực sự làm thay đổi cả tư tưởng và kinh nghiệm của con người.”

 

Tác giả: Peter Hudis

Người dịch: Sally Mju

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận