ABC về chủ nghĩa cộng sản (Chương VII)

CHƯƠNG VII. CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN VÀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC

§ 55. Sự áp bức lên các dân tộc bị trị

Một trong những hình thức áp bức giữa người với người đó chính là sự áp bức lên các dân tộc bị trị. Trong số những rào cản khiến loài người bị chia rẽ, chúng ta có thêm rào cản giai cấp,  những kẻ mất đi sự gắn kết quốc gia do thù hằn và ghét bỏ.

Nỗi ác cảm và sự thù hằn dân tộc là một trong những thủ đoạn làm cho giai cấp vô sản bị tê liệt và ý niệm về giai cấp trở nên mơ hồ. Giai cấp tư sản biết cách khéo léo nuôi dưỡng những tình cảm này để thúc đẩy lợi ích cho chính mình. Hãy xem xét cách những người vô sản có ý thức giai cấp nên tiếp cận vấn đề dân tộc như thế nào, và làm thế nào để họ có thể giải quyết nó để đẩy nhanh cho chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản.

Một dân tộc hay một chủng người là tên được đặt cho một nhóm người được thống nhất lại với nhau bằng việc sử dụng một ngôn ngữ chung và cùng sống trong một khu vực nhất định. Còn có những đặc điểm dân tộc phụ khác nữa nhưng hai đặc điểm trên là quan trọng và cơ bản nhất.

Một vài ví dụ sẽ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc áp bức lên dân tộc bị trị. Chính phủ Sa hoàng đàn áp người Do Thái, cấm họ đến sống ở một số vùng nhất định của nước Nga, từ chối nhận họ vào phục vụ Nhà nước, hạn chế họ đến trường học, tổ chức các cuộc thảm sát Do Thái, v.v … Hơn nữa, chính phủ Nga hoàng sẽ không cho phép người Ukraina cho con cái của họ dạy tiếng Ukraina ở trường học. Việc phát hành báo bằng tiếng Ukraina đã bị cấm. Không có dân tộc bị trị nào ở nước Nga được phép tự quyết định xem họ có muốn trở thành một phần của Nhà nước Nga hay không.

Chính phủ Đức đã đóng cửa các trường học ở Ba Lan. Chính phủ Áo cấm người Séc sử dụng tiếng Séc và áp đặt tiếng Đức tại các trường học Séc. Giai cấp tư sản Anh coi thường các dân tộc châu Phi và châu Á; chúng khuất phục những dân tộc lạc hậu, cướp bóc và tàn sát họ khi họ đấu tranh khỏi ách thống trị của người Anh.

Nói một cách dễ hiểu, khi mà ở một quốc gia bất kỳ một dân tộc này có tất cả mọi quyền trong khi các dân tộc khác chỉ có phần nào cái quyền ấy; khi một dân tộc yếu hơn bị buộc phải sáp nhập với một dân tộc mạnh hơn; quốc gia mạnh hơn đã chống lại nguyện vọng của dân tộc yếu hơn và áp lên quốc gia đó một ngôn ngữ ngoại lai, phong tục ngoại lai, v.v.; khi những người dân của quốc gia yếu hơn không được phép sống cuộc sống của chính họ thì chúng ta có cái được gọi là sự áp bức dân tộc, hay sự nô dịch dân tộc.

§ 56. Sự đoàn kết giai cấp vô sản

Tuy nhiên, trước hết, ta phải nêu lên và giải quyết một vấn đề hết sức hệ trọng và căn bản. Liệu những người công nhân Nga, những nông dân Nga có nên coi người Đức, người Pháp, người Anh, người Do Thái, người Trung Quốc hoặc người Tartar như kẻ thù, bất kể việc họ thuộc về giai cấp nào? Công nhân và nông dân Nga có quyền được thù địch hay ngờ vực những người nước khác vì họ không chung ngôn ngữ với mình, hay vì da họ là da vàng, da đen, hoặc vì họ có truyền thống và luật lệ khác mình không? Hiển nhiên làm vậy là sai lầm. Công nhân Đức, Pháp hay là người da đen thì cũng đều là một tầng lớp vô sản như công nhân Nga cả. Không cần biết công nhân nước khác nói tiếng gì, cái mà chúng ta quan tâm ở đây là họ đều bị tư bản bóc lột, đều là đồng chí, đồng đội của chúng ta, đều phải chịu nghèo đói, áp bức và bất công giống chúng ta.

Một người công nhân Nga có nên yêu mến nhà tư bản Nga chỉ vì ông ta đã ngược đãi anh bằng những luật lệ Nga thật quen thuộc, hay vì chủ của anh ta bạt tai anh ta với bàn tay của một người Nga, hoặc đánh anh ta bằng một cái roi da của Nga? Tất nhiên là không, và cũng thế, một người công nhân Đức chẳng có lý do gì để yêu mến nhà tư bản xứ mình chỉ vì ông ta chế nhạo công nhân của mình bằng tiếng Đức và bằng kiểu Đức cả. Công nhân trên khắp thế giới đều là những anh em thuộc về cùng một giai cấp, và họ cũng đều là kẻ thù của giai cấp tư sản toàn thế giới.

Điều tương tự cũng diễn ra đối với nông dân nghèo ở các nước. Với nông dân Nga (nông dân nghèo và trung lưu), nông dân bán vô sản Hung-ga-ri hay những nông dân nghèo đảo Sicily và Bỉ có lẽ vẫn còn gần gũi với họ hơn là những phú nông ngay trên chính đất nước mình nhưng lại đang bóc lột mình, hay những tên địa chủ keo kiệt dẫu hắn sinh ra, lớn lên và nói tiếng Nga giống như họ.

Nhưng giai cấp công nhân toàn thế giới không nên chỉ xem nhau như là những anh em của cùng một giai cấp, cùng chịu áp bức và nô lệ. Sẽ là vô ích nếu như họ (giai cấp công nhân) sớm thỏa mãn khi đã chửi rủa xong giới tư bản nước mình và chỉ bằng thứ tiếng mẹ đẻ của mình, cũng như nếu ở các nước, những người bị áp bức chỉ biết chịu đựng cùng nhau, và cũng chỉ cùng nhau chống lại kẻ thù trong giới hạn nước mình mà thôi. Những ai phải chịu áp bức và nô lệ thì đều phải đoàn kết với nhau thành một khối thống nhất chống lại giai cấp tư sản. Ta phải quên đi những khác biệt về quốc tịch đang cản trở sự đoàn kết đó và liên minh với nhau thành một đoàn quân chiến đấu chống lại Chủ nghĩa tư bản. Chỉ khi đoàn kết với nhau thành một liên hiệp như thế thì họ mới có thể chinh phục được Chủ nghĩa tư bản khắp thế giới. Đây là lí do vì sao hơn bảy mươi năm trước, những người tác thành nên Chủ nghĩa cộng sản, Mác và Ăng-ghen, đã xướng lên khẩu hiệu đầy xán lạn trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại!”

Giai cấp công nhân cần phải gạt bỏ mọi định kiến và thù hận của dân tộc mình (đối với dân tộc khác). Đây là điều kiện tiên quyết không chỉ đối với công cuộc tấn công Chủ nghĩa tư bản trên thế giới hay loại bỏ hoàn toàn hệ thống Tư bản chủ nghĩa, mà còn đối với công cuộc kiến thiết một nền kinh tế duy nhất trên toàn cầu. Nước Nga Xô-viết không thể tồn tại mà không có than của vùng Donetz, dầu khoáng Baku hay bông của Turkestan, cũng giống như vùng Trung và Tây Âu không thể thiếu gỗ, gai dầu và bạch kim của Nga hay lúa mì của Mỹ, hoặc nước Ý cần đến than đá của Anh và người Anh cần bông của Ai Cập, v.v. Giai cấp tư sản đã không thể tổ chức một nền kinh tế mang tính toàn cầu và hệ thống tư bản đã phá sản vì trở ngại này; trong khi đó, giai cấp vô sản lại đủ sức kiến thiết một hệ thống như thế. Tuy nhiên ở đây, ta cần nêu khẩu hiệu rằng “Cả thế giới và những của cải mà nó mang trên mình đều thuộc về tất cả người lao động”. Khẩu hiệu này có nghĩa rằng những công nhân Anh hay Đức và các nước khác đều phải từ bỏ việc giữ lấy tài sản của quốc gia mình. Nếu những định kiến và lòng tham của các dân tộc chống lại sự toàn cầu hóa nền sản xuất công-nông, hãy tránh xa chúng (định kiến, lòng tham) bất kể chúng hiện ra ở đâu và dưới hình thức nào!

§ 57. Nguồn gốc sự thù địch giữa các dân tộc

Nhưng sẽ là chưa đủ nếu chỉ nói rằng những người cộng sản cần tuyên chiến chống lại sự áp bức giữa các nước lớn bé hay là định kiến dân tộc, hay là cần phải liên minh với nhau chống lại Chủ nghĩa tư bản hoặc là cần có khát vọng thành lập một liên minh kinh tế toàn cầu của những người vô sản vinh quang. Chúng ta cũng cần phải nhanh chóng tìm cách loại bỏ mọi biểu hiện của chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiến (jingoism) và tự tôn dân tộc, vĩ cuồng dân tộc hay là sự nghi ngờ lẫn nhau giữa giai cấp công nhân các nước. Đây là hậu quả từ cả một thời kỳ lịch sử khắc nghiệt và những tranh chấp (không đáng có) giữa các dân tộc suốt thời kỳ phong kiến và Tư bản chủ nghĩa, vẫn còn là cái xiềng trói buộc những người vô sản khắp thế giới (đoàn kết với nhau).

Thù ghét giữa các dân tộc là điều đã có từ rất xa xưa. Đã từng có lúc những bộ lạc không thỏa mãn với việc đánh nhau giành lãnh thổ và đất rừng nên thậm chí còn ăn thịt lẫn nhau. Tàn dư của sự nghi hoặc và thù địch giữa nước này với nước kia, chủng tộc này với chủng tộc kia vẫn còn tồn tại ngay cả giữa giai cấp công nhân và nông dân của các nước. Những tàn dư của thù hận ấy đang mất dần cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu và kế đó là liên kết kinh tế, di dân và sự hòa lẫn (giữa các dân tộc) đã đem con người từ khắp nơi về một mối trên một lãnh thổ; nhưng ta không quên nhắc đến lí do lớn nhất (cho sự biến mất của tàn dư ấy) là bởi sự đoàn kết đấu tranh của giai cấp công nhân khắp các nước; cho dù dấu vết của những thù hận dân tộc như vậy vẫn chưa mất hẳn mà còn tiếp tục tồn tại dưới dáng vẻ mới, khi mà bồi đắp lên những thù hận dân tộc đã cũ là sự đối lập (đối kháng) về lợi ích giai cấp hoặc (chí ít là) những biểu hiện bề ngoài của chúng.

Giai cấp tư sản mỗi nước đều bóc lột và áp bức giai cấp vô sản trên đất nước của chúng, nhưng chúng cũng ra sức thuyết phục giai cấp vô sản ở nước mình rằng kẻ thù của họ (giai cấp vô sản) không phải là giới tư sản ở nước họ mà là những dân tộc khác. Tư sản Đức kêu khóc với công nhân Đức rằng: “Đả đảo bọn Pháp! Đả đảo bọn Anh!”; tư sản Anh thì kêu với công nhân Anh rằng: “Đả đảo bọn Đức!”; còn tư sản của mọi nước, mà nhất là của Nga, thì đồng thanh “Đả đảo bọn Do Thái!”. Mục đích của lời kêu gào ấy rốt cục là để chuyển hướng mâu thuẫn giai cấp tư sản-vô sản thành mâu thuẫn dân tộc mà thôi.

Tuy nhiên, giai cấp tư sản vẫn chưa thỏa mãn với việc làm phân tâm những người vô sản bằng cách khơi mào thù địch giữa các dân tộc mà thôi; chúng còn muốn tạo ra hứng thú vật chất có được khi bóc lột người khác nơi giai cấp vô sản. Trong mấy năm chiến tranh, khi tư sản Đức còn đang xướng quốc ca Đức “Nước Đức, Nước Đức trên tất thảy”, thì những nhà kinh tế học tư sản Đức cố thuyết phục công nhân Đức rằng họ sẽ được hời ra sao nếu (nước Đức) chiến thắng (chiến tranh thế giới), hay là cái hời được cướp phá và áp bức người lao động của những nước mình chiếm đóng. Trước chiến tranh thì giới tư sản lại hối lộ lãnh đạo các đảng lao động bằng những lời dụ dỗ về lời lãi kiếm được nếu đi cướp bóc thuộc địa và đàn áp các nước lạc hậu yếu kém. Người lao động của các nước châu Âu phát triển, họa theo lời xúi bẩy của những kẻ được trả lương cao nhất trong những người lao động cùng họ, đã nhúng chàm vào kế hoạch ấy của tư sản và để cho những kẻ Xã hội chủ nghĩa kiểu sô-vanh khiến mình tin rằng họ cũng sẽ được có một quê hương (cho mình) nếu họ bằng lòng với chuyện cướp bóc thuộc địa và các nước phụ thuộc. Bất cứ người lao động nào mà tự xưng mình là người ái quốc thì anh ta hẳn đang bán rẻ nơi mình thuộc về là chủ nghĩa xã hội, và như thế anh ta đã trở thành kẻ áp bức các nước lạc hậu và nhược tiểu.

§ 58. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc và quyền dân tộc tự quyết, thành lập liên bang

Đối với mọi sự áp bức con người, Đảng Cộng sản tuyên bố một cuộc chiến không khoan nhượng; đối với sự áp bức nên các dân tộc bị trị, thứ mà thiếu nó hệ thống tư bản không thể tồn tại, lập trường của Đảng là dứt khoát chống lại. Không những vậy, mọi sự dự phần của giai cấp công nhân vào việc áp bức này dù có là nhỏ nhất những người cộng sản cũng không khoan nhượng mà cản ngăn. Tuy nhiên, thế vẫn chưa đủ; để giai cấp vô sản của một nước lớn mạnh nó phải từ bỏ mọi cố gắng áp bức các dân tộc khác, những người đang bị nghiền nát dưới tay giai cấp tư sản hoặc tầng lớp quý tộc của chính nước mình. Đó là cần thiết để những người vô sản của các quốc gia bị áp bức không dấy lên bất kỳ nghi hoặc nào đối với các đồng chí của họ, những người thuộc về lãnh thổ của những kẻ áp bức. Khi người Séc bị áp bức bởi giai cấp tư sản Đức, công nhân Séc coi tất cả người Đức như là những kẻ áp bức họ. Chính phủ Sa hoàng của chúng ta đã đàn áp người Ba Lan cho nên người dân Ba Lan vẫn luôn ấp ủ mối ngờ vực với tất cả những người Nga; không chỉ Sa hoàng, địa chủ và tư bản Nga. Nếu chúng ta muốn xóa bỏ mối ngờ vực của công nhân các nước bị trị đối với công nhân của các nước áp bức, chúng ta không chỉ đơn giản là tuyên bố sự bình đẳng giữa các dân tộc mà còn phải thực hiện nó trên thực tế. Sự bình đẳng này phải được thể hiện trong việc trao quyền bình đẳng trong vấn đề ngôn ngữ, giáo dục, tôn giáo, v.v… Đó cũng chưa phải là tất cả. Giai cấp vô sản còn phải sẵn sàng trao quyền dân tộc tự quyết một cách đầy đủ, có nghĩa là, phải sẵn sàng nhường cho những người công nhân chiếm đa số ở bất kỳ quốc gia nào toàn quyền quyết định câu hỏi liệu quốc gia đó có nên hay không hòa nhập hoàn toàn vào một quốc gia khác, hoặc liên kết với nó hoặc là tách biệt hoàn toàn khỏi nó.

Người đọc hẳn sẽ hỏi rằng, những người cộng sản lại có thể tán thành việc chia cắt các quốc gia ư? Bằng cách nào để sau đó xuất hiện cái Nhà nước thống nhất bao gồm vô sản toàn thế giới, thứ mà những người cộng sản khao khát thành lập? Dường như có một sự mâu thuẫn ở đây.

Tuy nhiên, không hề có mâu thuẫn. Để nhanh chóng có thể đảm bảo sự liên minh trọn vẹn giữa tất cả những người lao động trên thế giới thì đôi khi cần phải duy trì sự chia cắt tạm thời giữa một quốc gia này với một quốc gia khác.

Hãy để chúng tôi xem xét các trường hợp mà một đường lối như vậy có thể là cần thiết. Chúng ta sẽ giả sử rằng ở Bavaria, hiện là một phần của nước Đức, một nước cộng hòa Xô Viết được tuyên bố thành lập, trong khi đó ở Berlin, chế độ độc tài tư sản của Noske và Scheidemann vẫn chiếm ưu thế. Trong trường hợp đó, những người cộng sản Bavaria có quyền đấu tranh cho nền độc lập của Bavaria chứ? Chắc chắn! Và không chỉ những người cộng sản Bavaria, mà cả những người cộng sản ở các vùng khác của nước Đức cũng phải hoan nghênh sự chia ly của Xô Viết Bavaria, vì đây sẽ không phải là sự chia tách khỏi giai cấp vô sản Đức mà sẽ là sự giải thoát khỏi ách thống trị của giai cấp tư sản Đức.

Một ví dụ ngược lại. Một nước cộng hòa Xô Viết đã được tuyên bố thành lập trên khắp nước Đức ngoại trừ Bavaria. Giai cấp tư sản Bavaria mong muốn tách mình khỏi nước Đức Xô Viết nhưng giai cấp vô sản Bavaria lại mong muốn liên hiệp. Những người cộng sản phải làm gì? Rõ ràng là những người cộng sản Đức nên giúp đỡ những người lao động Bavaria vũ trang chống lại những nỗ lực ly khai của giai cấp tư sản Bavaria. Đây không phải là áp bức Bavaria, mà là chế áp giai cấp tư sản Bavaria.

Lại nữa, Chính quyền Xô Viết đã được tuyên bố thành lập ở cả Anh và Ireland, cả ở vùng đất của những kẻ áp bức và vùng đất của những kẻ bị áp bức. Thêm nữa, công nhân Ireland hẳn sẽ không tin tưởng công nhân Anh, những người thuộc một quốc gia đã áp bức Ireland trong nhiều thế kỷ. Từ quan điểm kinh tế, sự chia cắt sẽ có hại. Trong hoàn cảnh này những người cộng sản Anh nên theo đuổi đường lối nào? Bất cứ có xảy ra điều gì, họ không được sử dụng vũ lực, như giai cấp tư sản Anh đã làm, nhằm duy trì liên minh với Ireland. Họ phải cấp cho người Ireland quyền tự do hoàn toàn để chia tách. Tại sao họ phải làm điều này?

Trước hết, bởi vì cần thiết phải thuyết phục công nhân Ireland rằng việc áp bức Ireland là việc làm của giai cấp tư sản Anh chứ không phải của giai cấp vô sản Anh. Các công nhân Anh phải chiếm được niềm tin nơi các công nhân Ireland. Thứ hai, bởi vì người lao động Ireland sẽ phải học hỏi kinh nghiệm rằng việc thành lập một Nhà nước độc lập nhỏ bé chính lại là bất lợi cho họ. Họ sẽ phải rút kinh nghiệm rằng sản xuất ở Ireland không thể được tổ chức hợp lý trừ khi Ireland liên minh chặt chẽ cả về chính trị và kinh tế với nước Anh vô sản và các vùng đất vô sản khác.

Cuối cùng, hãy lấy trường hợp của một quốc gia có chính phủ tư sản muốn chia tách khỏi một quốc gia có chế độ vô sản, và chúng ta hãy giả sử rằng, trong quốc gia muốn tách ra, phần lớn công nhân hoặc một tỷ lệ đáng kể trong số họ ủng hộ cho sự chia tách. Chúng ta có thể giả sử rằng công nhân của quốc gia đang muốn ly khai không chỉ hoài nghi các nhà tư bản mà còn cả những công nhân của đất nước mà giai cấp tư sản đã áp bức họ trong quá khứ. Ngay cả trong trường hợp này, tốt hơn hết là để cho giai cấp vô sản của vùng đất ly khai tự giải quyết mối quan hệ của họ với giai cấp tư sản nước đó, vì nếu không, giai cấp tư sản sẽ có quyền nói rằng: ‘Không phải tôi đàn áp các anh mà là người dân của đất nước kia.’ Giai cấp công nhân sẽ nhanh chóng nhận ra rằng giai cấp tư sản mong muốn không phụ thuộc là để có thể độc lập cướp bóc giai cấp vô sản của nước mình. Hơn nữa, những người lao động sẽ nhanh chóng nhận ra rằng giai cấp vô sản của Nhà nước Xô viết láng giềng mong muốn có liên minh, không phải vì lợi ích bóc lột hoặc áp bức những người lao động ở vùng đất bé nhỏ hơn, mà là tất cả những người lao động có thể tham gia vào một cuộc đấu tranh chung để thoát khỏi sự bóc lột và áp bức.

Do đó theo nguyên tắc chung, những người cộng sản phản đối việc chia cắt một quốc gia này khỏi một quốc gia khác, đặc biệt là khi các vùng đất được đề cập có quan hệ kinh tế chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng có thể phải cần đến sự chia cắt tạm thời. Họ sẽ hành động như một người mẹ khi cho phép con mình làm bỏng ngón tay của nó một lần đẻ nó có thể biết sợ lửa.

§ 59. Ai là đại biểu cho “Ý chí dân tộc”?

Đảng Cộng sản thừa nhận rằng các dân tộc có quyền tự quyết ngay cả với việc ly khai; nhưng nó cho rằng không phải giai cấp tư sản mà chính đa số công nhân của dân tộc đó mới là hiện thân của ý chí dân tộc. Do đó, sẽ là chính xác hơn khi chúng ta nói về việc công nhận quyền tự quyết dân tộc là chúng ta đang đề cập đến quyền của đa số lao động ở bất kỳ dân tộc nào. Còn quan điểm của giai cấp tư sản thì sao? Cho dù trong thời kỳ nội chiến hay dưới nền chuyên chính vô sản, chúng ta đã tước bỏ quyền tự do công dân của nó thì cũng tước đi cái quyền có tiếng nói trong các vấn đề dân tộc.

Chúng ta phải nói gì về quyền tự quyết và quyền ly khai trong trường hợp các dân tộc có trình độ phát triển văn hóa tương đối thấp thậm chí cực kỳ thấp? Điều gì sẽ xảy ra đối với các dân tộc không những không có giai cấp vô sản mà thậm chí còn không có giai cấp tư sản, hoặc nếu có thì cũng chỉ ở dạng chưa trưởng thành? Ví dụ, hãy xem xét người Tungus, Kalmuck hoặc Buryat, những người hiện sinh sống trên lãnh thổ Nga. Phải làm gì nếu các dân tộc này đòi ly khai hoàn toàn khỏi các ‘quốc gia văn minh vĩ đại’? Còn nữa, phải làm gì nếu họ muốn ly khai khỏi các quốc gia đã hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội? Chắc chắn cho phép những cuộc ly khai như vậy sẽ là củng cố sự man rợ với cái giá của sự văn minh?

Chúng tôi cho rằng khi chủ nghĩa xã hội đã là hiện thực ở các nước tiên tiến hơn trên thế giới, các dân tộc lạc hậu và bán man rợ sẽ hoàn toàn sẵn sàng tham gia vào liên minh chung của các dân tộc. Đế quốc tư sản thôn tính các thuộc địa bằng vũ lực nên chúng có lý do chính đáng để lo sợ sự ly khai từ các thuộc địa. Giai cấp vô sản, không muốn cướp bóc thuộc địa, có thể mua nguyên liệu thô theo nhu cầu từ họ bằng cách trao đổi hàng hóa, và có thể để lại cho người bản xứ ở các vùng đất lạc hậu quyền tự thu xếp công việc nội bộ của họ theo ý họ. Do đó, Đảng Cộng sản mong muốn chấm dứt vĩnh viễn mọi hình thức áp bức  và bất bình đẳng dân tộc, lên tiếng đòi quyền dân tộc tự quyết.

Giai cấp vô sản của tất cả các xứ sẽ tận dụng quyền này, trước hết là để thủ tiêu chủ nghĩa dân tộc, và thứ hai là để thành lập một liên hiệp tự nguyện liên đoàn. Khi liên đoàn liên hiệp này tỏ ra không đủ năng lực để thiết lập một hệ thống kinh tế toàn thế giới, và khi đại đa số bằng kinh nghiệm thực tế nhận thấy sự kém cỏi của nó, thì đã đến lúc phải hình thành một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa toàn thế giới.

Nếu chúng ta xem xét cách thức mà giai cấp tư sản đưa ra và giải quyết vấn đề dân tộc (hoặc cũng như mọi vấn đề khác, làm chúng phức tạp thêm), chúng ta sẽ thấy rằng trong những ngày còn non trẻ, giai cấp tư bản đã giải quyết vấn đề dân tộc theo một kiểu khác hoàn toàn với ngày nay, khi nó già đi và bắt đầu suy tàn.

Khi giai cấp tư sản còn là một giai cấp bị áp bức, khi giai cấp quý tộc đứng đầu là vua hoặc sa hoàng còn nắm giữ quyền lực, khi các vị vua và sa hoàng đem cả một dân tộc làm của hồi môn cho con gái của họ, thì giai cấp tư sản không chỉ quen nói những điều tốt đẹp về quyền tự do của các dân tộc mà còn thực sự cố gắng để thực hiện các quyền tự do đó trên thực tế – hoặc ít nhất là giai cấp tư sản của mỗi dân tộc đã làm như vậy cho chính họ. Ví dụ, khi Ý bị thống trị bởi vương triều Áo, giai cấp tư sản Ý đã đứng đầu phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, nỗ lực để bảo đảm giải phóng Ý khỏi ách thống trị của ngoại bang và liên minh với nhau để thành lập một nhà nước duy nhất. Khi nước Đức bị chia cắt thành không ít các tiểu quốc và bị nghiền nát dưới gót sắt của Napoléon, giai cấp tư sản Đức đã cố gắng thúc đẩy sự hợp nhất của nước Đức thành một Nhà nước vĩ đại duy nhất và đấu tranh để giải phóng đất nước khỏi kiếp nô lệ vào Pháp. Nước Pháp sau khi lật đổ chế độ chuyên quyền của Louis XVI đã bị tấn công bởi các nước quân chủ của phần còn lại của châu Âu, giai cấp tư sản Pháp đã lãnh đạo công cuộc bảo vệ đất nước và sáng tác bài quốc ca mang tên Marseillaise. Nói một cách dễ hiểu, giai cấp tư sản của các quốc gia bị áp bức luôn đi theo con đường đấu tranh để giải phóng; nó đã tạo nên một nền văn hóa dân tộc phong phú; nó đã sản sinh ra rất nhiều họa sĩ thiên tài, nhà văn, nhà thơ và những nhà triết học. Đây là những gì đã xảy ra trong những ngày trước đó, khi giai cấp tư sản là một giai cấp bị áp bức.sau khi lật đổ chế độ chuyên quyền của Louis XVI, bị tấn công bởi các quốc gia quân chủ của phần còn lại của châu Âu, giai cấp tư sản Pháp đã lãnh đạo cách mạng bảo vệ đất nước và sáng tác quốc ca mang tên Marseillaise. Nói một cách dễ hiểu, giai cấp tư sản của các quốc gia bị áp bức luôn đi theo con đường đấu tranh để giải phóng; nó đã tạo nên một nền văn học dân tộc phong phú; nó đã sản sinh ra rất nhiều họa sĩ thiên tài, nhà văn văn xuôi, nhà thơ và nhà triết học. Đây là những gì đã xảy ra trong những ngày trước đó, khi giai cấp tư sản còn là một giai cấp bị áp bức.

Tại sao giai cấp tư sản của các dân tộc bị áp bức lại nhân danh tự do dân tộc để đấu tranh? Nếu chúng ta lắng nghe các nhà thơ tư sản, nếu chúng ta chú ý đến các tác phẩm của các nghệ sĩ tư sản, thì động cơ thúc đẩy giai cấp tư sản là lòng căm thù mọi áp bức dân tộc, lòng khát khao tự do và quyền tự quyết cho mọi dân tộc, dẫu nhỏ bé đến đâu. Trên thực tế, khi giai cấp tư sản ở bất kỳ nước nào đấu tranh để giải phóng đất nước đó khỏi ách đô hộ của ngoại bang là họ đang đấu tranh để thành lập Nhà nước tư sản cho chính mình; cho quyền được bóc lột người dân trên đất của mình mà không gặp phải bất kỳ sự cạnh tranh nào từ những kẻ bóc lột khác; quyền hưởng toàn bộ giá trị thặng dư do công nhân nước mình tạo ra.

Lịch sử của tất cả các nước tư bản đều làm chứng cho chân lý này. Khi giai cấp tư sản cùng với nhân dân lao động của chính nước mình chịu sự áp bức, nó kêu gọi quyền tự do chung cho các dân tộc, và khăng khăng rằng bất kỳ hình thức nô dịch dân tộc nào đều là sai trái. Nhưng ngay sau khi giai cấp tư sản nắm được quyền lực và trục xuất những kẻ chinh phục nước ngoài, quý tộc hoặc tư sản, thì nó sẽ cố gắng hết sức để khuất phục bất kỳ dân tộc yếu kém nào miễn là việc đó đem lại lợi ích. Giai cấp tư sản cách mạng của Pháp, đại diện là Danton, Robespierre cùng những nhân vật nổi tiếng khác trong thời kỳ đầu tiên của cuộc cách mạng, đã kêu gọi toàn thể nhân dân trên thế giới giải phóng mình khỏi mọi hình thức chuyên chế; Marseillaise, được viết bởi Rouget de l’Isle, và được hát bởi các đội quân cách mạng, đã rung động trái tim của tất cả các dân tộc bị áp bức. Nhưng cũng chính giai cấp tư sản Pháp này, sau khi bước vào giai đoạn thứ hai của cuộc cách mạng dưới thời Napoléon, đã khuất phục dưới gót sắt của mình các dân tộc khác như Tây Ban Nha, Ý, Đức và Áo, trong giai điệu của bài Marseillaise nói trên, và sự vơ vét đã không hề ngừng nghỉ suốt các cuộc chiến tranh của Napoléon. Khi giai cấp tư sản Đức phải chịu áp bức, những nhà văn như Schiller, với tác phẩm Wilhelm Tell, đã nói lên cuộc đấu tranh của các dân tộc nhằm chống lại bạo chúa ngoại bang. Nhưng cũng chính giai cấp tư sản Đức này dưới sự lãnh đạo của Bismarck và Moltke đã cưỡng đoạt các tỉnh Alsace-Lorraine của Pháp, chiếm Schleswig từ tay người Đan Mạch, đặt ách chuyên chế lên người Ba Lan, v.v … Giai cấp tư sản Ý, vừa tự giải thoát mình khỏi ách thống trị của giai cấp quý tộc Áo, đã hoàn toàn sẵn sàng bắn giết những người Bedouin để chinh phục Tripoli, bắn giết người Albania và người Dalmatian trên bờ biển Adriatic, người Thổ ở Anatolia.

Tại sao lại vậy, tại sao lại là lúc này? Tại sao giai cấp tư sản luôn lớn tiếng đòi tự do dân tộc mà trên thực tế lại chưa bao giờ thực hiện được quyền tự do đó?

Lý do là mọi Nhà nước tư sản đã tự giải phóng mình khỏi ách thống trị của một quốc gia khác tất yếu phải nỗ lực để mở rộng quyền thống trị của chính mình. Hãy cứ xem bất kỳ nước tư bản nào, bạn sẽ thấy rằng giai cấp tư sản không bằng lòng với việc chỉ bóc lột chính giai cấp vô sản của nước mình. Các nhà tư bản cần nguyên liệu thô từ khắp nơi trên trái đất. Do đó, họ đã cố gắng giành lấy các thuộc địa, sau khi khuất phục được người bản xứ, từ đó họ có thể không gặp phải trở ngại gì khi mua nguyên liệu thô cần thiết cho các nhà máy của họ. Họ đòi hỏi phải mở rộng các thị trường để bán hàng hoá của họ, và họ cố gắng tìm những thị trường như vậy ở những vùng đất lạc hậu, hoàn toàn phớt lờ xem điều này có thể có ảnh hưởng như thế nào đến người dân nói chung hay tầng lớp tư sản còn non nớt nói riêng ở những quốc gia đó. Họ cần những vùng đất mà họ có thể xuất khẩu đến thặng dư tư bản, để họ có thể thu về được lợi nhuận từ những người lao động ở phương xa này, và họ nô dịch những vùng đất đó, định đoạt chúng theo ý mình như thể đất đai của chính họ. Nếu trong quá trình chinh phục các thuộc địa và nô dịch về kinh tế những vùng đất lạc hậu, một giai cấp tư sản hùng mạnh đụng phải đối thủ cạnh tranh thì sự tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua chiến tranh và, điều này có xu hướng diễn ra dưới hình thức một cuộc chiến tranh thế giới như cuộc chiến vừa diễn ra ở Châu Âu. Đại chiến đã không chấm dứt tình trạng nô dịch ở các thuộc địa và các vùng đất lạc hậu; nếu có bất kỳ sự thay đổi nào đã diễn ra thì chỉ là sự thay đổi những ông chủ. Hơn nữa, do kết quả của chiến tranh, Đức, Áo và Bulgaria, vốn là những nước tự do nay đã bị bắt làm nô lệ. Theo cách này, sự phát triển của hệ thống tư sản, còn xa mới dẫn đến việc giảm số lượng các dân tộc bị nô dịch, mà chính ngược lại, dẫn tới một sự gia tăng chắc chắn về số lượng các vùng đất bị nô dịch. Sự thống trị của giai cấp tư sản đã lên đến cực điểm với sự áp bức toàn thể các dân tộc, cả thế giới hiện đang bị nô dịch bởi một nhóm các nước tư bản chiến thắng.

§ 60. Chủ nghĩa bài Do Thái và giai cấp vô sản

Một trong những hình thức tồi tệ nhất của thù hằn dân tộc là chủ nghĩa bài Do Thái, tức là sự thù địch chủng tộc đối với người Do Thái, những người thuộc nhánh Semitic (trong đó người Ả Rập hình thành một nhánh lớn khác). Chế độ chuyên chế của Sa hoàng đã khích động cuộc săn lùng người Do Thái với hy vọng ngăn cản cuộc cách mạng của công nhân và nông dân. “Bạn nghèo là vì bọn Do Thái đã lường gạt bạn”, các thành viên của Black Hundreds nói vậy đó; và họ cố gắng hướng sự bất mãn của công nhân và nông dân bị áp bức vào việc chống lại toàn thể dân tộc Do Thái thay vì địa chủ và giai cấp tư sản. Cũng như các dân tộc khác, trong những người Do Thái cũng có những giai cấp khác nhau. Chỉ có các tầng lớp tư sản của dân Do Thái mới bóc lột nhân dân, và hộ làm như vậy cùng với các nhà tư bản thuộc các dân tộc khác. Ở những vùng xa xôi của nước Nga Sa hoàng, nơi người Do Thái được phép cư trú, các công nhân và nghệ nhân Do Thái sống trong cảnh nghèo đói và sa sút khủng khiếp, tình trạng của họ thậm chí còn tồi tệ hơn những người lao động bình thường ở các vùng khác của Nga.

Giai cấp tư sản Nga khơi dậy việc săn lùng người Do Thái, không chỉ với hy vọng làm chùn bước cơn giận dữ của những người lao động bị bóc lột, mà còn với hy vọng giải phóng mình khỏi các đối thủ cạnh tranh trong thương mại và công nghiệp. Trong những năm cuối cuộc chiến, thái độ chống Do Thái đã gia tăng trong giai cấp tư sản của gần như tất cả các nước. Giai cấp tư sản ở các nước khác ngoài Nga có thể lấy ví dụ từ Nicholas II đã nỗ lực kích động tình cảm chống Do Thái, không chỉ để loại bỏ những kẻ bóc lột đối thủ, mà còn để phá vỡ lực lượng của phong trào cách mạng. Cho đến gần đây vẫn rất ít khi nghe nói đến chủ nghĩa bài Do Thái ở Đức, Anh và Hoa Kỳ. Ngày nay, ngay cả các Bộ trưởng Ngoại giao của Anh đôi khi cũng đưa ra những bài diễn văn bài Do thái. Đây là một dấu hiệu không thể nhầm lẫn cho thấy rằng hệ thống tư sản ở phương Tây đang trên đà sụp đổ, và giai cấp tư sản đang cố gắng ngăn chặn cuộc cách mạng của công nhân bằng cách ném Rothschilds và Mendelssohns cho công nhân. Ở Nga, chủ nghĩa bài Do Thái đã xuất hiện trong cuộc cách mạng tháng Ba, và nó đã lấy lại sức mạnh khi cuộc nội chiến giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản ngày càng gay gắt; và các cuộc tấn công vào người Do Thái ngày càng trở nên gay gắt hơn khi những giai cấp tư sản nỗ lực nhằm giành lại quyền lực nhưng không có kết quả.

Tất cả những cân nhắc này cùng với nhau đã chứng minh rằng chủ nghĩa bài Do Thái là một trong những hình thức đối lập với chủ nghĩa xã hội. Điều tai hại là bất kỳ công nhân hay nông dân nào lạc lối trong vấn đề này sẽ bị dắt mũi bởi những kẻ thù của giai cấp mình.


Mục lục

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận