Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản – Chương II
I. Sự tập trung sản xuất và các tổ chức độc quyền
Sự phát triển vượt bậc của các ngành công nghiệp và quá trình tập trung cực kỳ nhanh chóng của sản xuất vào trong các xí nghiệp ngày càng to lớn là một trong những đặc điểm tiêu biểu nhất của chủ nghĩa tư bản. Các con số thống kê công nghiệp ngày nay cung cấp những tài liệu đầy đủ nhất và chính xác nhất về quá trình ấy.
Ở Đức, chẳng hạn, cứ một nghìn xí nghiệp công nghiệp thì số lượng xí nghiệp lớn, nghĩa là có trên 50 công nhân làm thuê, năm 1882 có 3; năm 1895 có 6, và đến năm 1907 thì có tới 9. Cứ một trăm công nhân thì có 22, 30 và 37 người là làm trong các xí nghiệp ấy. Nhưng so với mức tập trung công nhân thì mức tập trung sản xuất còn mạnh hơn nhiều, vì lao động trong các xí nghiệp lớn có năng suất cao hơn nhiều. Những con số về máy chạy bằng hơi nước và về động cơ điện đều chứng tỏ điều đó. Nếu chúng ta xét cái mà ở Đức người ta gọi là công nghiệp theo nghĩa rộng của danh từ, nghĩa là gồm cả thương nghiệp và đường giao thông v. v., chúng ta sẽ thấy tình hình như sau. Trong tổng số 3 265 623 xí nghiệp, thì số xí nghiệp lớn là 30 588, tức là chỉ có 0,9%. Các xí nghiệp này dùng 5,7 triệu công nhân trong tổng số 14,4 triệu công nhân, tức 39,4%; dùng 6,6 triệu mã lực hơi nước trong tổng số 8,8 triệu mã lực, tức 75,3%, và dùng 1,2 triệu Kilowatt điện trong tổng số 1,5 triệu kilowatt, tức là 77,2%.
Không đầy một phần trăm các xí nghiệp mà chiếm hơn ¾ tổng số sức hơi nước và công suất điện! 2,97 triệu xí nghiệp nhỏ (dùng từ 5 công nhân làm thuê trở xuống), tức 91% tổng số xí nghiệp, mà chỉ dùng có 7% sức hơi nước và công suất điện! Hàng vạn xí nghiệp khổng lồ là tất cả, còn hàng triệu xí nghiệp nhỏ chỉ là con số không.
Năm 1907, ở Đức, số xí nghiệp dùng từ 1.000 công nhân trở lên là 586. Các xí nghiệp này dùng gần một phần mười (1,38 triệu) tổng số công nhân và gần một phần ba (32%) tổng số sức hơi nước và công suất điện. (Các số liệu được lấy từ Annalen des deutschen Reichs , 1911, Zahn.) Như chúng ta sẽ thấy, tư bản tiền tệ và các ngân hàng làm cho ưu thế đó của một nhúm những xí nghiệp khổng lồ lại càng có tính chất áp đảo hơn nữa; theo nghĩa thật nhất của danh từ này, tức là có hàng triệu “chủ xí nghiệp” hạng nhỏ, hạng vừa và ngay cả một phần thuộc hạng lớn nữa, trên thực tế đều phải phục tùng hoàn toàn vào chỉ vài trăm tên triệu phú tư bản tài chính.
Trong một nước tiên tiến khác của chủ nghĩa tư bản hiện đại là nước Mỹ, sự tập trung sản xuất còn phát triển mạnh hơn nữa. Ở đây, thống kê chỉ xét riêng công nghiệp hiểu theo nghĩa hẹp của danh từ này, và xếp loại các xí nghiệp theo giá trị sản lượng hàng năm. Vào năm 1904, xí nghiệp có giá trị sản lượng từ 1 triệu dollar trở lên có 1.900 (trong số 216180 cái, tức là 0,9%). Chúng sử dụng 1,4 triệu công nhân (trong số 5,5 triệu, tức 25,6%); và giá trị sản lượng của chúng là 5,6 tỷ (trong số 14,8 tỷ, tức là 38%). Qua 5 năm sau, vào năm 1909, thì số liệu tương ứng là: 3.060 xí nghiệp (trong số 268.491 cái, tức là 1,1%), những xí nghiệp này dùng 2 triệu công nhân (trong số 6,6 triệu, tức là 30,5%), và giá trị sản lượng của chúng là 9 tỷ dollar (trong số 20,7 tỷ, tức là 43,8%). (Tóm tắt thống kê của Hoa Kỳ , 1912, tr. 202.)
Gần một nửa tổng sản lượng của tất cả các xí nghiệp trong nước nằm trong tay một phần trăm tổng số các xí nghiệp! Và ba nghìn xí nghiệp khổng lồ ấy bao gồm 258 chi nhánh ngành công nghiệp. Từ đó có thể thấy rằng, khi phát triển đến mức độ nhất định thì sự tập trung tự nó sẽ dẫn thẳng đến độc quyền. Vì vài chục xí nghiệp khổng lồ có thể dễ dàng thỏa thuận với nhau; mặt khác chính quy mô to lớn của các xí nghiệp làm cho cạnh tranh ngày càng khó khăn và làm nảy sinh khuynh hướng dẫn đến độc quyền. Sự biến đổi cạnh tranh thành độc quyền là một trong những hiện tượng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại, và chúng ta cần phải phân tích nó tỉ mỉ hơn. Nhưng trước khi làm vậy, chúng ta hãy giải quyết cho rốt ráo một sự hiểu lầm có thể xảy ra.
Thống kê của Mỹ cho biết: Có 3.000 xí nghiệp khổng lồ trong 250 ngành công nghiệp. Như thế dường như mỗi ngành chỉ có 12 xí nghiệp hết sức lớn.
Không phải thế. Không phải bất cứ ngành công nghiệp nào cũng có những xí nghiệp lớn; mặt khác, khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến tột bậc, thì có một đặc điểm cực kỳ trọng yếu mà người ta gọi là chế độ liên hợp hoá, nghĩa là sự tập hợp vào trong tay một xí nghiệp duy nhất nhiều ngành công nghiệp khác nhau, những ngành này hoặc thể hiện những giai đoạn kế tiếp nhau trong quá trình chế biến nguyên liệu (chẳng hạn, nấu quặng thành gang, biến gang thành thép và có thể là cả việc chế tạo những thành phẩm nào đó bằng thép nữa), hoặc có tác dụng bổ trợ lẫn nhau (chẳng hạn, tái chế phế liệu hay những sản phẩm phụ; chế tạo những vật liệu dùng làm bao bì, v.v..)
Hilferding viết: “Chế độ liên hợp hoá, thứ nhất, cân bằng những biến động của thị trường, và do đó, bảo đảm cho xí nghiệp liên hợp có một tỷ suất lợi nhuận ổn định hơn. Thứ hai, chế độ liên hợp hoá dẫn tới chỗ loại trừ được sự mua qua bán lại. Thứ ba, nó cho phép thực hiện được những sự cải tiến kỹ thuật, và do đó, so với những xí nghiệp “đơn thuần” (nghĩa là không liên hợp) lợi nhuận kiếm thêm được nhiều hơn. Thứ tư, so với những xí nghiệp “đơn thuần”, chế độ liên hợp hoá củng cố địa vị cho các xí nghiệp liên hợp trong cuộc cạnh tranh ở thời kỳ suy thoái nghiêm trọng (khi kinh doanh bị đình đốn, khủng hoảng), khi giá cả những chế phẩm sụt nhanh hơn giá nguyên liệu.” ( Tư bản tài chính, bản Nga, Trang 286-87.)
Heymann, nhà kinh tế học tư sản người Đức, đã dành riêng một tác phẩm để mô tả về những xí nghiệp “hỗn hợp”, nghĩa là liên hợp, trong công nghiệp luyện thép ở Đức; ông nói: “các xí nghiệp đơn thuần bị tiêu diệt, họ bị nghiền nát giữa giá nguyên liệu thô cao và giá thành phẩm thấp.” Kết quả là thế này:
“Vẫn còn lại, một mặt là các công ty than đá lớn, sản xuất đến hàng mấy triệu tấn, đước tổ chức vững chắc trong một xanh-đi-ca than đá của họ; và mặt kia là các nhà máy luyện thép lớn, kết hợp chặt chẽ với các công ty than đá nói trên, cùng với xanhđica thép của các nhà máy đó. Những xí nghiệp khổng lồ này sản xuất hàng năm 400.000 tấn thép (một tấn = 60 pút) và những số lượng rất lớn quặng và than đá, chế tạo những thành phẩm bằng thép; những xí nghiệp đó dùng 10.000 công nhân ăn ở trong những trại thuộc các khu của xưởng, và có khi còn có cả đường sắt và bến tàu riêng nữa. Những xí nghiệp khổng lồ này là những điển hình tiêu biểu cho công nghiệp luyện thép ở Đức. Và sự tập trung ngày càng tiến lên nữa. Một số xí nghiệp ngày càng trở nên lớn hơn; ngày càng có nhiều xí nghiệp thuộc cùng một ngành công nghiệp hoặc thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau, tập hợp lại thành những xí nghiệp khổng lồ, mà chỗ tựa và đồng thời cũng là người chỉ đạo là nửa tá ngân hàng lớn ở Berlin. Sự đúng đắn của học thuyết của K.Marx về sự tập trung đã được chứng minh chính xác đối với nền công nghiệp mỏ ở Đức; tuy nhiên, điều đó đúng đối với một nước mà công nghiệp đã được thuế quan và các thuế vận tải bảo hộ. Công nghiệp mỏ ở Đức đã chín muồi để cho người ta tước đoạt nó.” (HG Heymann, Die gemischten Werke im deutschen Groß Eisengewerbe, Stuttgart, 1904, tr. 256, tr. 278-9.)
Đó là kết luận buộc phải đi tới của một nhà kinh tế học tư sản có lương tâm, nhưng trường hợp này là một ngoại lệ. Nên lưu ý rằng ông ta tựa hồ xem nước Đức là một trường hợp riêng biệt, vì công nghiệp Đức được thuế quan cao bảo hộ. Nhưng tình hình ấy chỉ có thể đẩy nhanh việc tập trung và làm cho các liên minh độc quyền của các nhà kinh doanh, các cácten, các xanh-đi-ca, v. v., mau hình thành. Điều hết sức quan trọng là ở Anh, một nước có chế độ tự do mậu dịch, sự tập trung cũng dẫn đến độc quyền, tuy chậm hơn một chút và có thể là dưới một hình thức khác. Giáo sư Hermann Levy, trong công trình nghiên cứu đặc biệt mang tên “Các công ty độc quyền, cácten và tơ-rớt”, đã căn cứ vào những tài liệu về sự phát triển kinh tế của nước Anh mà viết như sau:
“Ở Anh, chính quy mô to lớn của các xí nghiệp và trình độ kỹ thuật cao của các xí nghiệp này đã mang trong mình nó cái xu hướng đi đến độc quyền. Một mặt, sự tập trung dẫn đến kết quả là cần phải đầu tư những số tư bản khổng lồ vào mỗi một xí nghiệp; vì vậy việc thiết lập các xí nghiệp mới vấp phải những yêu cầu ngày càng cao về quy mô của số tư bản cần thiết, và cái đó làm cho việc thiết lập những xí nghiệp này trở nên khó khăn hơn. Mặt khác (và chúng tôi cho rằng điều này là điểm quan trọng hơn) bất cứ xí nghiệp mới nào muốn đuổi kịp các xí nghiệp khổng lồ do sự tập trung tạo nên, đều phải sản xuất ra một số sản phẩm dư thừa rất lớn, đến nỗi chỉ khi nào lượng cầu tăng lên một cách phi thường thì mới có thể bán những sản phẩm ấy một cách có lãi, bằng không thì số sản phẩm thừa đó sẽ làm cho giá cả hạ xuống đến một mức không có lợi cho nhà máy mới, cũng như cho các liên minh độc quyền.”
Ở các nước khác thuế quan bảo hộ làm cho các các-ten được thành lập dễ dàng, còn ở Anh lại khác hẳn, các liên minh độc quyền của các nhà kinh doanh, các các-ten và tơ-rớt, thường thường chỉ xuất hiện khi nào con số các xí nghiệp chủ yếu đang cạnh tranh với nhau rút xuống chỉ còn ‘vài tá gì đấy’. “Ở đây, ảnh hưởng của sự tập trung đến việc hình thành các các công ty độc quyền công nghiệp lớn trong toàn bộ lĩnh vực công nghiệp đã bộc lộ ra một cách rõ ràng trông thấy.” (H. Levy, Monopole, Kartelle und Trusts , Jena, 1909, Tr. 286, Tr. 290, Tr. 298.)
Trước đây nửa thế kỷ, trước khi Marx viết ra bộ “Tư bản”, đối với đại đa số các nhà kinh tế học thì tự do cạnh tranh dường như là “một quy luật của tự nhiên”. Giới khoa học quan phương đã mưu toan bóp chết tác phẩm đó bằng cách không đả động gì đến tác phẩm này của Marx, người đã chứng minh – thông qua sự phân tích chủ nghĩa tư bản về mặt lý luận và lịch sử – rằng tự do cạnh tranh sẽ đẻ ra tập trung sản xuất và sự tập trung sản xuất này, khi phát triển tới một mức độ nhất định, lại dẫn tới độc quyền. Giờ đây, độc quyền đã trở thành một sự thật. Trong khi viết hàng đống sách để mô tả những biểu hiện riêng lẻ của cái sự độc quyền ấy, các học giả vẫn tiếp tục đồng thanh tuyên bố rằng “chủ nghĩa Marx đã bị bác bỏ rồi”. Nhưng sự thật là kẻ bướng bỉnh, như câu phương ngôn Anh đã nói, và dù muốn hay không người ta vẫn phải tính đến nó. Sự thật chứng minh rằng những sự khác nhau giữa một số nước tư bản chủ nghĩa, chẳng hạn về chế độ bảo hộ mậu dịch hoặc tự do buôn bán, chỉ quyết định những sự khác nhau không đáng kể về hình thức của các tổ chức độc quyền hoặc về thời gian chúng xuất hiện, còn việc tập trung sản xuất đẻ ra các tổ chức độc quyền thì nói chung lại là một quy luật phổ biến và cơ bản trong giai đoạn phát triển hiện nay của chủ nghĩa tư bản.
Đối với châu Âu, ta có thể nhận định một cách khá chính xác về thời kỳ mà chủ nghĩa tư bản mới thay thế hẳn chủ nghĩa tư bản cũ: đó chính là đầu thế kỷ XX. ở một trong những tác phẩm tổng kết mới nhất nói về lịch sử “hình thành của các công ty độc quyền”, người ta đọc thấy:
“Thời kỳ trước năm 1860 có thể cho ta vài thí dụ về các tổ chức độc quyền tư bản chủ nghĩa, trong đó người ta có thể tìm ra được những mầm mống của các hình thức hiện nay đã trở nên rất quen thuộc; nhưng tất cả những cái đó chắc chắn là thuộc về thuở sơ khai của những cácten. Thời kỳ bắt đầu thật sự của các tổ chức độc quyền hiện đại sớm nhất là vào khoảng những năm 60. Thời kỳ quan trọng đầu tiên trong sự phát triển của các tổ chức đó bắt đầu cùng với thời kỳ tiêu điều của công nghiệp toàn thế giới vào những năm 1870 và kéo dài đến thời kỳ đầu những năm 1890.
Nếu người ta xem xét vấn đề trên quy mô châu Âu, thì sự phát triển của tự do cạnh tranh đạt tới điểm cao nhất của nó vào những năm 60 và 70. Vào thời kỳ đó nước Anh đã xây dựng xong tổ chức tư bản chủ nghĩa kiểu cũ của nó. ở Đức, tổ chức này đã bước vào cuộc đấu tranh có tính chất quyết định với thủ công nghiệp và công nghiệp gia đình, và bắt đầu tạo ra những hình thức tồn tại riêng của nó.
Một cuộc chuyển biến lớn bắt đầu từ sự phá sản năm 1873, hay nói cho đúng hơn, từ thời kỳ tiêu điều tiếp sau sự phá sản đó, thời kỳ tiêu điều này đã kéo dài trong suốt 22 năm trong lịch sử kinh tế châu Âu, chỉ trừ một lần gián đoạn rất khó thấy, xảy ra ngay đầu những năm 80 và một lần phồn vinh hết sức mãnh liệt, nhưng ngắn ngủi, vào gần năm 1889. Trong thời kỳ phồn vinh ngắn ngủi 1889 – 1890, người ta đã sử dụng mạnh mẽ các cácten để lợi dụng tình hình thị trường. Một chính sách thiếu chín chắn đã làm cho giá cả tăng lên còn nhanh và mạnh hơn so với khi không có những cácten, và hầu hết những cácten đó đã tiêu vong một cách không vẻ vang “trong cái mồ phá sản”. Tiếp theo đó là năm năm làm ăn thua thiệt và giá cả hạ thấp, nhưng trong công nghiệp thì tâm trạng lại không như- trước nữa. Thời kỳ tiêu điều không còn được xem như một sự kiện tất nhiên nữa, người ta chỉ coi đó là một thời kỳ tạm ngừng trước khi có một tình hình thuận lợi mới mà thôi.
Như vậy là phong trào các-ten đã bước vào giai đoạn thứ hai của nó. Từ chỗ là hiện tượng nhất thời những các-ten đã trở thành một trong những cơ sở của toàn bộ đời sống kinh tế. Những các-ten đó chiếm hết ngành công nghiệp này đến ngành công nghiệp khác, và trước hết là ngành chế biến nguyên liệu. Ngay từ đầu những năm 1890, khi tổ chức xanh-đi-ca than cốc, – mà sau này xanh-đi-ca than đá cũng đước tổ chức rập theo những các-ten đó đã xây dựng được cho mình một kỹ thuật các-ten mà về thực chất phong trào lúc đó không vượt xa hơn đước. Thời kỳ phồn vinh lớn vào cuối thế kỷ XIX và cuộc khủng hoảng 1900 – 1903 đều diễn ra – ít nhất là trong công nghiệp mỏ và công nghiệp luyện thép – lần đầu tiên hoàn toàn dưới chế độ các-ten. Và nếu hiện tướng đó lúc bấy giờ còn có vẻ là một cái gì mới, thì ngày nay việc nhiều khu vực quan trọng của đời sống kinh tế, theo thông lệ, đều được rút ra khỏi vòng tự do cạnh tranh, – việc đó đã thành một chân lý hiển nhiên đối với ý thức xã hội rộng rãi.” (T. Vogelstein, ‘Tổ chức Die finanzielle der kapitalistischen Industrie und die Monopolbildungen’ trong Grundriss der Sozialökonomik , Tübingen, 1914. Cf., cũng của cùng một tác giả: Organisations Formen der Eisen Industrie und Textil Industrie in England und Amerika , Bd. 1, Lpz., 1910.)
Như vậy, các giai đoạn chính trong lịch sử của các công ty độc quyền là như sau: (1) Những năm 1860 – 1870: tự do cạnh tranh phát triển đến tột điểm. Các tổ chức độc quyền chỉ là những mầm mống chưa rõ rệt lắm. (2) Sau cuộc khủng hoảng năm 1873, là giai đoạn phát triển rộng rãi của những các-ten, nhưng những các-ten đó vẫn còn là ngoại lệ. Chúng vẫn còn chưa được vững chắc mà mới là một hiện tượng nhất thời. (3) Thời kỳ phồn vinh cuối thế kỷ XIX và cuộc khủng hoảng của những năm 1900 – 1903: Các-ten trở thành một trong những cơ sở của toàn bộ đời sống kinh tế. Chủ nghĩa tư bản đã biến thành chủ nghĩa đế quốc.
Những các-ten thoả thuận với nhau về các điều kiện bán hàng, về kỳ hạn trả tiền, v. v.. Chúng chia nhau các khu vực tiêu thụ. Chúng quyết định số lượng sản phẩm cần chế tạo. Chúng quy định giá cả. Chúng chia lãi cho các xí nghiệp v.v..
Số lượng các-ten ở Đức năm 1896 ước độ 250, năm 1905 là 385, với sự tham gia của gần 12.000 xí nghiệp. (Tiến sĩ Riesser, Die deutschen Großbanken und ihre Konzentration im Zusammenhange mit der Entwicklung der Gesamtwirtschaft ở Deutschland , 4. Aufl., 1912, trang 149; R. Liefmann, Kartelle und Trusts und die Weiterbildung der volkswirtschaftlichen Organization,2. Aufl., 1910, tr. 25). Nhưng người ta thường công nhận rằng những số liệu này là những con số đã bị đánh giá thấp đi. Những tài liệu thống kê công nghiệp Đức năm 1907 kể trên chứng tỏ rằng ngay cả 12.000 xí nghiệp hết sức lớn đó chắc cũng đã tập trung được quá nửa tổng số sức hơi nước và điện năng. Ở nước Mỹ, số lượng tơ-rớt năm 1900 là 185, năm 1907 là 250. Thống kê ở Mỹ phân tất cả các xí nghiệp công nghiệp thành những xí nghiệp thuộc cá nhân, các hãng hay các công ty. Năm 1904, loại xí nghiệp thuộc các công ty chiếm 23,6%, đến năm 1909 thì chiếm 25,9%, tức là quá một phần tư tổng số xí nghiệp. Năm 1904, các xí nghiệp ấy dùng 70,6% tổng số công nhân, đến năm 1909 thì dùng 75,6%, tức là ba phần tư tổng số công nhân; giá trị sản lượng là 10,9 và 16,3 tỷ đô-la, tức là 73,7% và 79% tổng giá trị sản lượng.
Đôi khi những các-ten và tơ-rớt thường nắm đến bảy hay tám phần mười tổng sản lượng của một ngành công nghiệp nhất định. Xanh-đi-ca than đá vùng Rhine-Westphalian, khi được thành lập vào năm 1893 đã nắm được 86,7% tổng số than đá sản xuất ở vùng này, và đến năm 1910, thì xanh-đi-ca ấy đã nắm được 95,4%. (F. Kestner, Der Organisationszwang. Eine Untersuchung über die Kämpfe zwischen Kartellen und Aussenseitern , Berlin, 1912, Tr.11) Sự độc quyền được tạo ra bằng cách đó bảo đảm những khoản thu nhập khổng lồ và đưa đến việc hình thành những đơn vị kỹ thuật – sản xuất có một quy mô rộng lớn phi thường. Tơ-rớt dầu lửa nổi tiếng ở Mỹ (Standard Oil Company) đã được thành lập năm 1900.
“Tư bản của tơ-rớt này lên đến 150 triệu Dollar. Người ta đã phát ra 100 triệu dollar cổ phần thường và 106 triệu dollar cổ phần ưu tiên. Những cổ phần ưu tiên này, từ năm 1900 đến 1907, mỗi năm thu được phần lời như sau: 48, 48, 45, 44, 36, 40, 40, 40%, tổng cộng là 367 triệu dollar. Từ năm 1882 đến hết năm 1907, người ta thu được 889 triệu dollar lợi nhuận ròng: trong số đó, 606 triệu được đem chia và số còn lại thì bỏ vào tư bản dự trữ.” (R. Liefmann, Beteiligungs- und Finanziertingsgesellschaosystem. Eine Studie über den modernen Kapitalismus und das Effektenwesen , 1. Aufl., Jena, 1909, Tr. 212.)
Năm 1907, tất cả những xí nghiệp thuộc tơ-rớt thép (United States Steel Corporation) thuê ít nhất là 210.180 công nhân và nhân viên. Xí nghiệp lớn nhất trong ngành công nghiệp mỏ ở Đức, Gelsenkirchener Bergwerk Gesellschaft, vào năm 1908 đã dùng 46 048 công nhân và nhân viên.” (Sách đã dẫn, Tr. 218.)
Ngay năm 1902, tơ-rớt thép đã sản xuất 9 triệu tấn thép (S. Tschierschky, Kartell und Trust , Göttingen, 1903, Tr.13). Năm 1901, sản lượng thép của tơ-rớt đó là 66,3%, và năm 1908 là 56,1% tổng sản lượng thép ở Mỹ (T. Vogelstein, Organisations for men, trang 275), cũng trong những năm đó, số quặng khai thác của tơ-rớt đó lên đến 43,9% và 46,3%.
Bản báo cáo của tiểu ban của chính phủ Mỹ về các tơ-rớt nói như sau:
“Ưu thế vượt trội của các tơ-rớt so với các đối thủ cạnh tranh của nó là nhờ quy mô to lớn và trang bị kỹ thuật rất tốt. Ngay từ khi mới thành lập, tơ-rớt thuốc lá đã cố gắng hết sức dùng máy móc để thay thế lao động chân tay ở khắp nơi trên những quy mô rộng lớn. Để đạt mục đích ấy, tơ-rớt này đã mua được hết thảy những bằng phát minh nào có ít nhiều quan hệ đến việc chế biến thuốc lá và đã chi tiêu vào đó những món tiền rất lớn. Nhiều bằng phát minh đó lúc đầu không dùng được, và các kỹ sư của tơ-rớt đã phải chỉnh lý lại. Cuối năm 1906, hai công ty chi nhánh được thành lập để chỉ chuyên mua những bằng phát minh. Cũng nhằm mục đích ấy, tơ-rớt đó đã cho xây dựng các lò đúc, xướng chế tạo máy và các xưởng sửa chữa máy móc riêng của mình.
Một trong những xưởng đó, xưởng ở Brooklyn, trung bình dùng 300 công nhân; ở đấy, người ta thí nghiệm những phát minh về việc chế tạo thuốc lá điếu, xì gà nhỏ, thuốc hít, giấy thiếc làm bao, hộp đựng thuốc, v. v.; những phát minh cũng được cải tiến ở đây.” (Báo cáo của Ủy viên các Tập đoàn về Công nghiệp Thuốc lá , Washington, 1909, tr. 266.)
“Các tơ-rớt khác cũng dùng những người mà người ta gọi là developing engineers (kỹ sư chuyên về phát triển kỹ thuật), có nhiệm vụ phát minh những phương pháp sản xuất mới và đem thử những cải tiến kỹ thuật. Tơ-rớt thép thưởng những món tiền lớn cho các kỹ sư và công nhân về những phát minh có thể nâng cao kỹ thuật hoặc giảm bớt các chi phí.” (P. Tafel, Die nordamerikanischen Trusts und ihre Wirkungen auf den Fortschritt der Technik, Stuttgart, 1913, Tr. 49.)
Việc cải tiến kỹ thuật trong đại công nghiệp ở Đức cũng được tổ chức giống như thế, chẳng hạn như trong công nghiệp hoá chất, công nghiệp này suốt trong mấy chục năm gần đây đã có những bước phát triển khổng lồ. Ngay từ năm 1908, trong công nghiệp này, quá trình tập trung sản xuất cũng đã đẻ ra hai “nhóm” chủ yếu, hai nhóm này cũng đi tới tổ chức độc quyền bằng con đường riêng của mình. Thoạt đầu đó là những “liên minh tay đôi” của hai cặp nhà máy hết sức lớn, mỗi cặp có một số tư bản từ 20 đến 21 triệu Mark: Nhà máy Meister ở Hochst trước đây và Nhà máy Casella ở Frankfurt am Main; và mặt khác, nhà máy sản xuất anilin và soda tại Ludwigshafen và Nhà máy Bayer trước đây tại Elberfeld. Rồi năm 1905, nhóm này, và năm 1908, nhóm kia, mỗi nhóm lại ký một hợp đồng với một xưởng lớn khác. Do đó, thành ra có hai “liên minh tay ba”, mỗi liên minh có một số tư bản từ 40 đến 50 triệu mark, và những “liên minh” này đã bắt đầu “tiếp xúc” với nhau để đạt được “sự am hiểu” về giá cả, v.v.. [1] (Riesser, tác phẩm đã dẫn, tr. 547 và 548, xuất bản lần thứ 3)
Cạnh tranh biến thành độc quyền. Kết quả là việc xã hội hoá sản xuất đã tiến một bước lớn. Trong đó cả quá trình phát minh và cải tiến kỹ thuật cũng được xã hội hoá.
Điều đó hoàn toàn không còn giống tình trạng tự do cạnh tranh cũ giữa những người chủ phân tán, không biết gì về nhau và sản xuất để bán trên một thị trường chưa được xác định. Sự tập trung đã lên đến mức độ khiến người ta có thể kiểm kê được gần đúng tất cả các nguồn nguyên vật liệu (như những nơi có mỏ sắt chẳng hạn) trong một nước, và thậm chí, như dưới đây chúng ta sẽ thấy, cả trong nhiều nước hay trên toàn thế giới nữa. Chẳng những người ta đã tiến hành việc kiểm kê đó, mà những nguồn đó còn bị những liên minh độc quyền lớn độc chiếm nữa. Ngay khả năng tiêu thụ của thị trường cũng có thể được ước tính và được “phân chia” theo thoả thuận giữa các liên minh này. Người ta độc quyền chiếm đoạt những lực lượng công nhân có chuyên môn và thuê các kỹ sư giỏi nhất; người ta nắm lấy những con đường và những phương tiện giao thông: đường sắt ở Mỹ, các công ty tàu thuỷ ở châu Âu và châu Mỹ. Trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản tiến sát tới chỗ xã hội hoá việc sản xuất một cách toàn diện nhất, có thể nói là chủ nghĩa tư bản, bất chấp ý chí và ý thức của bọn tư bản, đã đưa chúng vào một trật tự xã hội mới nào đó, trật tự này là bước quá độ từ chỗ hoàn toàn tự do cạnh tranh đến chỗ hoàn toàn xã hội hoá.
Sản xuất trở nên có tính chất xã hội, nhưng chiếm hữu vẫn mang tính chất tư nhân. Các tư liệu sản xuất xã hội vẫn là sở hữu tư nhân của một số ít người. Khuôn khổ chung của cạnh tranh tự do, mà về danh nghĩa còn được thừa nhận, thì vẫn tồn tại, và ách áp bức của một nhóm người độc quyền đối với số dân số còn lại đã trở thành nặng nề, rõ rệt, không thể chịu nổi hơn trước gấp cả trăm lần.
Kestner, nhà kinh tế học Đức, đã dành một tác phẩm riêng để nói về “cuộc đấu tranh giữa các-ten với những kẻ đứng ở ngoài”, nghĩa là những nhà tư bản không tham gia các-ten. Ông ta đặt tên tác phẩm đó là: “Sự cưỡng bách vào tổ chức”, tất nhiên để trình bày chủ nghĩa tư bản một cách chân thực dưới ánh sáng ông ta phải nói đến sự cưỡng bách phải phục tùng các liên minh độc quyền. Sẽ thật là hữu ích nếu ta nhìn qua một chút bảng danh sách những thủ đoạn mà các liên minh độc quyền sử dụng trong cuộc đấu tranh văn minh ngày nay cho “tổ chức”, đó là:
(1) Tước đi nguồn nguyên liệu thô (“… một trong những phương sách quan trọng nhất để bắt buộc gia nhập các-ten”);
(2) Tước nguồn công nhân bằng cách dùng những “liên minh” (tức là những hợp đồng giữa bọn tư bản với các công đoàn, quy định các công đoàn này chỉ nhận làm việc trong những xí nghiệp đã các-ten hoá);
(3) Tước đi các phương tiện vận chuyển;
(4) tước đoạt nơi tiêu thụ;
(5) ký hợp đồng với người mua, quy định người mua chỉ giao dịch với những các-ten thôi;
(6) đánh sụt giá một cách có hệ thống (để làm phá sản các xí nghiệp “ở ngoài”, tức là các xí nghiệp không phục tùng bọn độc quyền; người ta tiêu phí hàng triệu để bán hạ hơn giá thành trong một thời gian nào đó: trong công nghiệp xăng dầu đã có những trường hợp hạ giá từ 40 xuống 22 márk, tức là giảm gần một nửa!);
(7) tước nguồn tín dụng;
(8) tuyên bố tẩy chay.
Trước mắt chúng ta, đó không còn là sự cạnh tranh giữa những xí nghiệp nhỏ và xí nghiệp lớn, giữa những xí nghiệp lạc hậu về kỹ thuật và những xí nghiệp tiên tiến về kỹ thuật nữa. Trước mắt chúng ta, đó là tình trạng bọn độc quyền bóp chết những người nào không chịu phục tùng độc quyền, ách thống trị và sự chuyên chế của chúng. Quá trình đó phản ánh trong ý thức của một nhà kinh tế học tư sản như sau:
“Ngay cả trong lĩnh vực kinh tế thuần túy”, Kestner viết, “một sự thay đổi nhất định đang diễn ra từ hoạt động thương mại theo nghĩa cũ của từ này sang hoạt động đầu cơ – tổ chức. Thành công lớn nhất không còn thuộc về nhà buôn nào biết dựa trên kinh nghiệm về kỹ thuật và buôn bán của mình để xác định một cách chính xác nhất nhu cầu của khách hàng, để tìm ra, và có thể nói là “phát hiện” lượng cầu đang ở trong trạng thái tiềm tàng, mà là thiên tài (?!) đầu cơ, biết tính trước hay ít ra cũng biết đánh hơi trước được sự phát triển, về tổ chức và khả năng có những liên hệ nhất định giữa các xí nghiệp với các ngân hàng…”
Nói nôm na thì điều đó có nghĩa là: sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã đạt tới một trình độ mà sản xuất hàng hoá, mặc dù vẫn tiếp tục “thống trị” và được xem như là cơ sở của toàn bộ nền kinh tế như trước, nhưng thực tế thì đã bị lung lay, và những khoản lợi nhuận chủ yếu đều lọt vào tay bọn “thiên tài” về các thủ đoạn tài chính. Cơ sở của những thủ đoạn và những sự lường gạt đó là sự xã hội hoá nền sản xuất; nhưng những bước tiến lớn lao của loài người, vươn tới sự xã hội hoá đó, lại làm lợi…cho bọn đầu cơ. Trong đoạn sau, chúng ta sẽ thấy, “trên cơ sở đó”, khi phê phán tư bản đế quốc, bọn phê bình tiểu tư sản – phản động đã mơ tưởng đến việc quay trở lại sự cạnh tranh “tự do”, “hòa bình”, “trung thực”, như thế nào.
“Việc tăng giá kéo dài do sự hình thành các-ten”, Kestner viết, “cho đến nay chỉ được quan sát thấy đối với các phương tiện sản xuất quan trọng nhất, đặc biệt là than, sắt và kali, nhưng chưa bao giờ đối với hàng hóa được sản xuất. Tương tự, sự gia tăng lợi nhuận do việc tăng giá này chỉ giới hạn ở những ngành sản xuất tư liệu sản xuất. Từ quan sát này, chúng ta phải nói thêm rằng các ngành công nghiệp chế biến nguyên liệu thô (chứ không phải chế biến bán thành phẩm) chẳng những đã thu được những món lời dưới hình thức lợi nhuận cao mà còn tiếp tục làm tổn hại đến ngành công nghiệp chế biến bán thành phẩm, – mà đối với ngành công nghiệp này nó còn đạt một quan hệ thống trị nhất định, chưa hề có trong thời kỳ cạnh tranh tự do.” (Kestner, tác phẩm đã dẫn, tr. 254)
Những chữ chúng tôi mà nhấn mạnh chỉ rõ thực chất của vấn đề mà những nhà kinh tế học tư sản rất ít khi thừa nhận hay không sẵn lòng thừa nhận, còn những kẻ bênh vực cho chủ nghĩa cơ hội ngày nay, mà đứng đầu là K.Kautsky, đều tích cực tìm cách lẩn tránh hoặc bỏ qua. Quan hệ thống trị và bạo lực do những quan hệ ấy sinh ra – đó là những hiện tượng tiêu biểu trong “giai đoạn mới nhất trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản”, đó là kết quả tất yếu phải xảy ra, và đã xảy ra do sự hình thành những tổ chức kinh tế độc quyền toàn năng.
Ta hãy dẫn thêm một ví dụ về sự thống trị của các Các-ten. Chỗ nào có thể chiếm được toàn bộ nguồn nguyên liệu hay những nguồn chủ yếu về nguyên liệu thì ở đó đặc biệt dễ xuất hiện những các-ten và hình thành các tổ chức độc quyền. Nhưng sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng các tổ chức độc quyền không xuất hiện cả trong các ngành công nghiệp khác, mà ở đó người ta không thể nào chiếm đoạt được các nguồn nguyên liệu. Ở khắp mọi nơi đều tìm được nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp xi-măng. Thế mà ở Đức, ngành công nghiệp này cũng được các-ten hoá một cách mạnh mẽ. Các nhà máy đều hợp thành những xanh-đi-ca khu vực: khu Nam Đức, khu Ranh Ve-xtơ-pha-li, v. v.. Giá cả là giá cả độc quyền: mỗi toa xi-măng trị giá từ 230 đến 280 márk trong khi giá thành chỉ có 180 márk! Các xí nghiệp, đem lại tiền lãi cổ phần từ 12 đến 16%; hơn nữa, ta không được quên rằng bọn “thiên tài” đầu cơ hiện đại, ngoài số được chia về tiền lãi cổ phần, còn biết cách bỏ túi thêm những món lợi nhuận to lớn nữa. Để thủ tiêu nạn cạnh tranh trong một ngành công nghiệp sinh lợi như thế, bọn độc quyền còn dùng cả đến mưu kế nữa: chúng tung ra những tin giả về tình hình xấu trong công nghiệp, chúng đăng ở trên báo những lời bố cáo nặc danh: “các nhà tư bản: chớ nên bỏ vốn vào ngành công nghiệp xi-măng”; cuối cùng, chúng mua lại những xí nghiệp “ở ngoài” (nghĩa là những xí nghiệp không tham gia xanh-đi-ca) và trả cho chủ các xí nghiệp này những khoản “bồi thường” từ 60, 80 hoặc 150.000 márk. (L.Eschwege, ‘Xi-măng’ trong Tạp chí ngân hàng (Die Bank), 1909, I, tr.115 và những trang sau 1). Các tổ chức độc quyền mở đường cho mình ở khắp mọi nơi và bằng đủ mọi cách, từ việc trả tiền bồi thường “nho nhỏ” để mua đứt đối thủ, đến việc “dùng” thuốc nổ theo lối Mỹ đối với kẻ dám cạnh tranh với mình.
Nói rằng các các-ten thủ tiêu được những cuộc khủng hoảng, đó là câu chuyện hoang đường của những nhà kinh tế học tư sản vẫn cố hết sức tô điểm cho chủ nghĩa tư bản. Trái lại, tổ chức độc quyền được thành lập trong một vài ngành công nghiệp, lại làm cho tình trạng hỗn loạn, vốn có trong toàn bộ nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, tăng lên và trầm trọng thêm.
Tình trạng không cân đối trong sự phát triển giữa nông nghiệp công nghiệp – đặc điểm của chủ nghĩa tư bản nói chung – lại càng tăng. Địa vị đặc quyền của ngành công nghiệp đã được các-ten hoá cao độ nhất, tức là ngành mà người ta gọi là công nghiệp nặng, nhất là công nghiệp than và sắt, làm cho các ngành công nghiệp khác lâm vào tình trạng “mất tính kế hoạch còn trầm trọng hơn nữa,” như Jeidels, tác giả của một trong những tác phẩm hay nhất về “mối quan hệ của các ngân hàng lớn của Đức với ngành công nghiệp ”, thừa nhận. (Jeidels, Das Verhältnis der deutschen Großbanken zur Industrie mit besonderer Berücksichtigung der Eisenindustrie, Leipzig, 1905, tr. 271.)
Liefman, một kẻ biện hộ cho chủ nghĩa tư bản, viết:
“Nền kinh tế quốc dân mà càng phát triển thì nó càng phải dựa vào những xí nghiệp có tính chất mạo hiểm hơn hoặc những xí nghiệp ở nước ngoài, những xí nghiệp cần có một thời kỳ lâu dài để phát triển, hoặc cuối cùng là những xí nghiệp chỉ mang tính địa phương.” (Liefmann, Beteiligungs und Finanzierungs Gesellscha System, trang 434.)
Rủi ro gia tăng về lâu dài có liên quan đến sự gia tăng đáng kể về tư bản, vốn là vậy, nước đến mép bờ thì nó tràn ra ngoài… Đồng thời, sự tiến bộ vô cùng nhanh chóng của kỹ thuật cũng lại làm phát sinh những yếu tố chênh lệch ngày càng tăng giữa các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân, đến tình trạng vô chính phủ và khủng hoảng. Liefman buộc phải thừa nhận rằng:
“Trong tương lai gần, chắc chắn là sẽ còn có nhiều cuộc biến đổi lớn trong lĩnh vực kỹ thuật đang chờ đợi loài người; những cuộc biến đổi ấy sẽ tác động đến cả việc tổ chức nền kinh tế quốc dân… điện khí, hàng không… Lẽ thường theo thông lệ, trong những giai đoạn kinh tế thay đổi một cách triệt để như vậy thì hoạt động đầu cơ cũng phát triển trên quy mô mạnh mẽ…” (Nguồn đã dẫn, trang 465-66.)
Và những cuộc khủng hoảng – đủ mọi thứ khủng hoảng, thường xuyên nhất là những cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng không phải chỉ những cuộc khủng hoảng kinh tế mà thôi – lại làm cho xu hướng tập trung và độc quyền tăng lên với những quy mô mạnh mẽ. Dưới đây là lời nhận xét hết sức có ý nghĩa của Jeidels về tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng năm 1900, cuộc khủng hoảng đó, như ta thấy, đã đóng vai trò một bước ngoặt trong lịch sử những tổ chức độc quyền hiện đại:
“Khi cuộc khủng hoảng năm 1900 xảy ra thì bên cạnh những xí nghiệp khổng lồ thuộc các ngành công nghiệp chủ yếu, vẫn còn có nhiều xí nghiệp mà tổ chức, theo quan niệm hiện nay, thì đã lỗi thời rồi, đó là những xí nghiệp “đơn thuần” (tức là không liên hợp), đã được phát triển ở đỉnh cao của sự bùng nổ công nghiệp. Khi giá cả hạ xuống, lượng cầu tụt xuống đã đẩy các xí nghiệp “đơn thuần” ấy vào một tình trạng nguy khốn, tình trạng này hoàn toàn không làm tổn hại gì đến các xí nghiệp liên hợp khổng lồ, hoặc chỉ gây tổn hại cho những xí nghiệp khổng lồ đó trong một thời gian hết sức ngắn mà thôi. Vì thế, cuộc khủng hoảng năm 1900 đã dẫn đến một sự tập trung công nghiệp mạnh mẽ hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 1873 trước kia: cuộc khủng hoảng năm 1873 cũng đã làm việc chọn lọc ra những xí nghiệp khá nhất, nhưng với trình độ kỹ thuật thời bấy giờ, sự chọn lọc đó đã không thể dẫn đến sự độc quyền của những xí nghiệp biết thoát khỏi khủng hoảng một cách thắng lợi. Những xí nghiệp khổng lồ thuộc các ngành công nghiệp luyện thép và điện khí hiện nay chính đang nắm được cái địa vị độc quyền lâu năm như thế, hơn nữa lại nắm được với một mức độ cao, nhờ có kỹ thuật rất phức tạp, có tổ chức hết sức chu đáo và có tư bản hùng hậu; tiếp đó, trên một mức độ thấp hơn, là các xí nghiệp thuộc ngành chế tạo máy móc, một số ngành công nghiệp luyện kim, giao thông v.v..” (Jeidels, nguồn đã dẫn, Tr.108)
Độc quyền, đó là đỉnh cao tột cùng của “giai đoạn mới nhất trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản”. Nhưng những quan niệm của chúng ta về sức mạnh thực sự và tầm quan trọng của các tổ chức độc quyền hiện đại sẽ hết sức thiếu sót, hết sức không đầy đủ và không đúng mức, nếu chúng ta không tính đến vai trò của các ngân hàng.
Lenin, ngày 25 tháng 6 năm 1916
Ghi chú:
[1] Các tờ báo (tháng 6 năm 1916) đưa tin về sự hình thành của một quỹ tín thác khổng lồ mới kết hợp ngành công nghiệp hóa chất của Đức.– Lenin.