CUỘC ĐẤU TRANH CUỐI CÙNG CỦA LENIN

Ngày hôm nay, 21 tháng 1, chúng ta kỷ niệm 98 năm ngày mất của Vladimir Ilyich Lenin, người đã dẫn dắt đảng Bolshevik tiến tới cách mạng tháng 10 và thành lập nước cộng hòa Soviet đầu tiên trong lịch sử, và bằng cách đó đã có đóng góp quyết định tới sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân, sự nghiệp mà vì nó Lenin đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Một trong những di sản mà Lenin để lại trong những năm cuối đời là cuộc đấu tranh chống lại những triệu chứng ban đầu của sự thoái hóa quan liêu bên trong nước Nga Soviet, đó là một loạt những bức thư và bài báo quan trọng.Và hôm nay trong ngày mất của ông, chúng ta hãy cùng kỷ niệm về cuộc đấu tranh cuối cùng đó.



Trong thời kỳ hoạt động cuối cùng của cuộc đời mình, Lenin chủ yếu bị cuốn hút bởi những vấn đề của nền kinh tế Liên Xô dưới ảnh hưởng của Chính sách Kinh tế Mới. Năm 1921, trước sức ép của hàng triệu tiểu nông, nhà nước công nhân đã buộc phải thoái lui khỏi con đường công nghiệp hoá và kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa, họ cần ngũ cốc cho những người lao động chết đói ở các thành thị. Việc trưng ngũ cốc cũ như thời Nội chiến đã phải chấm dứt để xoa dịu nông dân bất bình và một thị trường tự do về ngũ cốc đã được thiết lập lại, đi cùng các nhượng bộ đối với nông dân và tiểu thương, trong khi các đòn bẩy chính của quyền lực kinh tế (các ngân hàng và các ngành công nghiệp nặng được quốc hữu hóa, nhà nước độc quyền về ngoại thương) vẫn nằm trong tay nhà nước của công nhân.

Những người Bolshevik đã buộc phải rút lui không phải là để tạo ra một xã hội xã hội chủ nghĩa, không giai cấp mà là để cứu hàng triệu người khỏi chết đói, để tái xây dựng nền kinh tế đã tan nát, để dựng trường và cung cấp nhà ở mới cho nhân dân – tức là để kéo nước Nga vào thế kỷ XX.

Khúc khải hoàn của chủ nghĩa xã hội đòi hỏi sự phát triển của lực lượng sản xuất đến một trình độ chưa từng có trong bất kỳ xã hội nào tồn tại trước đây. Chỉ khi nào những nhu cầu cơ bản được đáp ứng và nghèo đói được xóa bỏ, tâm trí của con người mới có thể được nâng lên những tầm cao mới thay vì dành trọn cho cuộc đấu tranh để sống ngày qua ngày. Ngày nay những điều kiện cho một sự chuyển đổi như vậy đã tồn tại trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chúng ta có thể nói một cách trung thực rằng không ai còn cần phải chết đói, phải vô gia cư hay thất học nữa.

Tiềm năng là ở đó – trong khoa học, kỹ thuật và công nghiệp được tạo ra bởi sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, vốn thu hút tất cả các nguồn lực của hành tinh mặc dù một cách không đầy đủ, vô chính phủ và chưa phát triển toàn diện. Chỉ trên cơ sở một kế hoạch sản xuất tổng hợp, hài hòa mới có thể hiện thực hóa được tiềm năng này. Nhưng điều này chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở sở hữu chung về tư liệu sản xuất và lập kế hoạch dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Những chân lý cơ bản này của chủ nghĩa Marx đã được Lenin và những người Bolshevik coi như lẽ đương nhiên. Họ đã không lãnh đạo công nhân đến thắng lợi vào tháng 10 năm 1917 với mục tiêu “xây dựng Chủ nghĩa xã hội” trong biên giới của Đế chế Sa hoàng cũ mà là để giáng đòn đầu tiên của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế lên chủ nghĩa tư bản. Lenin viết nhân kỷ niệm 4 năm ngày Cách mạng Tháng Mười:

“Chúng ta đã bắt đầu. Giờ thì khi nào, ngày nào, tháng nào và những người vô sản của các quốc gia nào sẽ hoàn thành quá trình này không còn quan trọng. Điều quan trọng là tảng băng đã vỡ; đường đã mở và lối đi đã sáng tỏ.”

Đối với Lenin thì tầm quan trọng hàng đầu của Cách mạng Nga đó là tấm gương mà nó đem lại trong mắt người lao động trên toàn thế giới. Sự thất bại của làn sóng cách mạng tràn qua châu Âu trong giai đoạn 1918-21 là nhân tố quyết định cho sự phát triển sau đó. Trên cơ sở của cuộc cách mạng châu Âu thắng lợi, với nguồn tài nguyên khoáng sản giàu tiềm năng và lực lượng lao động khổng lồ của nước Nga sẽ có thể được liên kết với khoa học, kỹ thuật và công nghiệp hiện đại của Đức, Anh và Pháp. Một Liên bang Xã hội Chủ nghĩa toàn châu Âu hẳn đã có thể đã biến đổi cuộc sống của tất cả các dân tộc từ Châu Âu tới Châu Á và mở đường cho một Liên bang Xã hội Chủ nghĩa toàn thế giới. Thay vào đó, do sự hèn nhát và kém cỏi của các nhà lãnh đạo của mình mà các tầng lớp lao động châu Âu đã phải đối mặt với nhiều thập kỷ khốn khó, thất nghiệp, chủ nghĩa phát xít và một cuộc Chiến tranh thế giới mới. Mặt khác, sự cô lập của nhà nước công nhân duy nhất trên thế giới ở một nước nông nghiệp lạc hậu, đã mở đầu cho sự thoái hóa quan liêu và phản động của chủ nghĩa Stalin.

Sự thất bại của giai cấp công nhân Đức vào tháng 3 năm 1921 đã buộc Cộng hòa Xô viết phải dựa vào chính mình để tồn tại. Trong một bài phát biểu vào ngày 17 tháng 10 năm 1921, Lenin đã chỉ ra những hậu quả:

“Các bạn phải nhớ rằng nước Xô Viết của chúng ta đã nghèo khó sau nhiều năm thử thách và đau khổ và không có nước Pháp xã hội chủ nghĩa hay nước Anh xã hội chủ nghĩa là láng giềng để nâng đỡ chúng ta bằng công nghệ phát triển cao và nền công nghiệp phát triển cao của họ. Hãy ghi nhớ điều đó! Chúng ta phải nhớ rằng tại hiện tại tất cả công nghệ và kỹ nghệ phát triển cao của họ đều thuộc về các nhà tư bản đang chống lại chúng ta.”

Để tồn tại, cần phải kết hợp mong muốn thu lợi nhuận của nông dân, ngay cả khi giai cấp công nhân phải trả giá, và xây dựng công nghiệp – cơ sở thực tế duy nhất để quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Các nhượng bộ dành cho nông dân, tiểu chủ và đám đầu cơ (Nepmen) đã ngăn chặn đà sụp đổ kinh tế trong những năm 1921 – 22. Việc buôn bán giữa thành thị và nông thôn đã được khôi phục, nhưng về điều kiện thì đã bất lợi nhiều hơn hẳn so với trước đây. Việc giảm thuế đối với nông dân đã cắt giảm các quỹ cần thiết để đầu tư vào công nghiệp. Công nghiệp nặng đình trệ, trong khi phần lớn công nghiệp nhẹ nằm trong tay tư nhân. Ngay cả sự phục hưng trong nông nghiệp cũng đã củng cố những yếu tố tư bản chủ nghĩa chứ không phải yếu tố xã hội chủ nghĩa trong xã hội Xô Viết. Lợi nhuận khổng lồ được tạo ra bởi các “Kulak” (nông dân giàu có), với các trang trại lớn nhất và màu mỡ nhất và nguồn vốn cần thiết cho thiết bị, ngựa và phân bón. Thực tế đã sớm thấy rõ rằng dưới thời NEP, sự chênh lệch giàu nghèo giữa các làng xã đang tăng lên ở mức báo động. Kulak tích trữ ngũ cốc để đẩy giá lên, thậm chí mua ngũ cốc của nông dân nghèo để bán lại cho họ vào một ngày sau đó khi giá tăng.

Những khuynh hướng này đã được Lenin theo dõi với sự lo lắng, ông đã nhiều lần cảnh báo về việc giai cấp công nhân cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ các đòn bẩy của nền kinh tế. Tại Đại hội lần thứ 4 của Quốc tế Cộng sản, vào tháng 11 năm 1922, Lênin đã tóm tắt lại vấn đề như sau:

“Sự cứu rỗi cho nước Nga không chỉ nằm ở mùa màng bội thu trên những nông trang – điều đó là chưa đủ; và không chỉ ở sự khả quan của công nghiệp nhẹ trong việc cung cấp hàng hóa tiêu dùng cho nông dân – điều này cũng không đủ; chúng ta cũng cần công nghiệp nặng. Và để hoạt động tốt sẽ cần công việc của vài năm. Công nghiệp nặng cần sự trợ cấp của nhà nước, thứ mà nếu chúng ta không thể cung cấp được thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt như một nhà nước văn minh, chứ chưa nói đến một nhà nước Xã hội chủ nghĩa.”

Cũng trong thời kỳ này, Lenin đã trăn trở với vấn đề điện khí hóa, liệu có thể làm được điều đó trong bốn bức tường vững chắc của sự lạc hậu ở nước Nga. Trotsky, ở mặt khác, lại bận tâm đến sự quy hoạch tổng thể của nhà nước về công nghiệp, điều mà thực tế đã không còn xuất hiện dưới thời NEP. Cùng với đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố “Gosplan”, Cơ quan Kế hoạch nhà nước, như một phương tiện để khuyến khích sự hồi sinh của kế hoạch hóa chung cho ngành công nghiệp. Lúc đầu, Lenin không tin tưởng vào ý tưởng này – không phải vì ông từ chối việc lập kế hoạch mà vì căn bệnh quan liêu phổ biến trong các thể chế Soviet, điều mà ông lo ngại là Gosplan sẽ được mở rộng và củng cố để thành một trò chơi trên giấy.

Tuy nhiên, sự khác nhau giữa họ chỉ là cách tiếp cận đối với câu hỏi này, Lenin và Trotsky hoàn toàn nhất trí với nhau về nhu cầu cấp thiết phải củng cố các yếu tố Xã hội Chủ nghĩa trong nền kinh tế và chấm dứt sự thụt lùi theo hướng “chủ nghĩa tư bản nông dân”. Tuy nhiên, những áp lực từ Kulak nặng nề đến mức ngay cả một bộ phận trong giới lãnh đạo Bolshevik cũng bắt đầu suy thoái. Vấn đề chính quyền Soviet sẽ đi theo con đường nào đã được đặt ra một cách vô cùng khắc nghiệt bởi cuộc tranh cãi về độc quyền ngoại thương nổ ra vào tháng 3 năm 1922.

Độc quyền ngoại thương, được thiết lập vào tháng 4 năm 1918, là một biện pháp quan trọng để đảm bảo nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trước nguy cơ xâm nhập và thống trị của tư bản nước ngoài. Dưới thời NEP, độc quyền thậm chí còn trở nên quan trọng hơn như một bức tường thành chống lại các khuynh hướng tư bản đang phát triển. Đầu năm 1922, theo yêu cầu của Lenin, A.M Lezhava đã soạn thảo Luận đề về Ngoại thương, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường độc quyền và giám sát chặt chẽ cả xuất khẩu và nhập khẩu. Mặc dù vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bị chia rẽ. Stalin, Zinoviev và Kamenev phản đối các đề xuất của Lenin và ủng hộ việc nới lỏng độc quyền, trong khi Sokolnikov, Bukharin và Pyatakov thực sự đã đi xa đến mức kêu gọi xóa bỏ độc quyền.

Vào ngày 15 tháng 5, Lenin đã viết một bức thư sau đây cho Stalin:

“Đồng chí Stalin,

Về quan điểm này, xin Bộ Chính trị thông qua chỉ thị bằng cách lấy phiếu của các thành viên rằng “Uỷ ban trung ương tái khẳng định sự độc quyền đối với ngoại thương và nhất quyết rằng giới hạn cuối cùng là vấn đề sáp nhập Hội đồng Kinh tế Tối cao với Ủy ban Ngoại thương. Tất cả các ủy viên nhân dân phải ký tên kín đáo và gửi lại bản chính cho Stalin. Không có bản sao nào được tạo ra.”

Đồng thời ông còn viết thư cho Stalin và Frumkin (Phó Ủy viên Nhân dân Ngoại thương) để nhấn mạnh rằng “một lệnh cấm chính thức nên được áp dụng đối với tất cả các cuộc thỏa thuận và đàm phán, uỷ thác v.v. liên quan đến việc nới lỏng độc quyền ngoại thương.”

Câu trả lời của Stalin là sự lảng tránh: “Tôi không phản đối ‘lệnh cấm chính thức’ đối với các biện pháp giảm thiểu độc quyền ngoại thương ở giai đoạn hiện nay. Đồng thời, tôi nghĩ rằng việc giảm thiểu đang trở thành điều tất yếu.”

Vào ngày 26 tháng 5, Lenin bị cơn bạo bệnh đầu tiên tấn công, khiến cho ông buộc phải ngừng làm việc cho đến tháng 9. Trong khi đó, bất chấp yêu cầu của Lê-nin, vấn đề “giảm thiểu” độc quyền lại được đặt ra. Vào ngày 12 tháng 10, Sokolnikov đã chuyển một nghị quyết về việc nới lỏng độc quyền ngoại thương tới phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương. Trong khi Lenin và Trotsky vắng mặt, nghị quyết đã được thông qua một cách áp đảo.

Vào ngày 13 tháng 10, Lenin đã viết thư cho Ủy ban Trung ương thông qua Stalin, người mà ông đã thảo luận về vấn đề này. Lenin phản đối quyết định này và yêu cầu vấn đề này phải được đặt ra một lần nữa tại cuộc họp toàn thể tiếp theo vào tháng 12. Nhưng sau đó, Stalin đã viết cho các thành viên của Uỷ ban Trung ương như sau:

“Bức thư của đồng chí Lenin không thuyết phục được tôi rằng quyết định của Uỷ ban trung ương là sai lầm… Tuy nhiên, theo ý của đồng chí Lenin về việc trì hoãn quyết định của Hội nghị toàn thể của Uỷ ban Trung Ương, tôi sẽ bỏ phiếu hoãn lại để vấn đề có thể được đặt ra để thảo luận lại một lần nữa tại Hội nghị toàn thể tiếp theo mà đồng chí Lenin sẽ tham dự.”

Vào ngày 16 tháng 10, vấn đề đã được đồng ý hoãn lại cho đến cuộc họp toàn thể tiếp theo. Tuy nhiên, khi ngày họp toàn thể đến gần Lenin ngày càng lo lắng rằng tình trạng sức khỏe của ông sẽ không cho phép ông phát biểu. Vào ngày 12 tháng 12, ông viết lá thư đầu tiên cho Trotsky để đề nghị ông đứng ra “bảo vệ quan điểm chung của chúng ta về sự cần thiết vô điều kiện của việc duy trì và củng cố độc quyền ngoại thương.” Các bức thư do Lenin viết đã chỉ rõ khối chính trị tồn tại giữa Lenin và Trotsky vào thời điểm này. Chúng thể hiện niềm tin ngầm của Lenin vào những nhận định chính trị của Trotsky, một đức tin được sinh ra từ những năm tháng làm việc chung ở vị trí những người đứng đầu nhà nước Xô Viết. Và không phải ngẫu nhiên mà vào thời điểm này Lenin lại không chọn ai khác để bảo vệ quan điểm của mình trước Ban Chấp hành Trung ương. Ngay cả những người bạn tâm giao khác của anh ấy, Frumkin và Stomoniakov.

Biết được sự chuẩn bị của Lenin cho một cuộc đấu tranh và khối của ông cùng với Trotsky, Ủy ban Trung ương đã lùi bước mà không có một cuộc đấu tranh nào. Vào ngày 18 tháng 12, nghị quyết tháng 10 đã bị hủy bỏ vô điều kiện. Vòng đầu tiên trong cuộc chiến chống lại những phần tử ủng hộ Kulak trong ban lãnh đạo đảng chiến thắng đã về phe của Lenin. Trận chiến vẫn tiếp tục diễn ra sau cái chết của Lenin bởi Trotsky và phe Đối lập Cánh tả, những người đã một mình giương cao ngọn cờ và chương trình của Lenin trực tiếp chống lại cuộc phản cách mạng chính trị của bè lũ Stalin.

Friedrich Engels từ lâu đã giải thích rằng trong bất kỳ xã hội nào mà nghệ thuật, khoa học và chính phủ là hiện thân của một thiểu số, thì thiểu số đó sẽ sử dụng và lạm dụng vị trí của mình cho lợi ích của bản thân. Vì cách mạng bị cô lập ở một đất nước lạc hậu, những người Bolshevik buộc phải kêu gọi một loạt các quan chức thời Nga hoàng phụng sự cho nó để duy trì hoạt động của nhà nước và xã hội. Những phần tử này, những người mà trong những ngày đầu tiên của cuộc cách mạng đã nắm cổ chính quyền công nhân để đòi tiền chuộc, dần nhận ra Chính quyền Soviet sẽ không bị vũ trang đè bẹp. Sau khi những nguy cơ của Nội chiến qua đi, nhiều kẻ thù cũ của chủ nghĩa Bolshevism bắt đầu xâm nhập vào nhà nước, các tổ chức công đoàn và thậm chí cả đảng.

Cuộc “thanh trừng” đầu tiên, vào năm 1921, không có điểm chung nào với các phiên tòa dàn dựng kỳ cục về sau của Stalin, trong đó toàn bộ lãnh đạo Cựu Bolshevik đã bị sát hại. Không ai bị xét xử, giết hại hay bị bỏ tù. Nhưng các ủy ban đặc biệt của đảng đã được thành lập để trục xuất khỏi đảng hàng ngàn kẻ hám quyền và tư sản đã tham gia đảng chỉ cốt giành lợi ích cho chính mình. Các hành vi vi phạm khiến cho mọi người bị trục xuất là “chủ nghĩa quan liêu, hám quyền, lạm dụng tư cách đảng viên của đảng hoặc địa vị của mình trong Soviet, vi phạm mối quan hệ đồng chí trong đảng, phổ biến những tin đồn vô căn cứ và không được xác minh, những lời bóng gió hoặc các báo cáo khác phản ánh về đảng hoặc cá nhân thành viên của nó, phá hoại sự thống nhất và quyền lực của đảng.”

Để thực hiện cuộc đấu tranh chống lại bệnh quan liêu, Lenin đã chủ trương thành lập “Ủy ban kiểm tra công nông” (RABKRIN), với tư cách là trọng tài cao nhất và người bảo vệ đạo đức của đảng, đồng thời là vũ khí chống lại các phần tử ngoại lai trong bộ máy của nhà nước Xô Viết. Ở trung tâm của RABKRIN, Lenin đã đặt một người mà ông kính trọng vì khả năng tổ chức và tính cách mạnh mẽ – Stalin.

Trong số các chức năng quan trọng khác, RABKRIN đã xem xét kỹ lưỡng việc lựa chọn và bổ nhiệm những người lao động có trách nhiệm trong nhà nước và đảng. Bất kỳ ai có quyền lực để thăng chức cho một số người và thăng tiến những người khác rõ ràng đã nắm giữ một vũ khí có thể phục vụ lợi ích cho chính họ. Stalin đã không bỏ qua việc sử dụng nó cho mục đích của mình. RABKRIN đã biến từ một vũ khí chống lại bệnh quan liêu thành một lò sưởi của những âm mưu thâm độc. Stalin đã sử dụng vị trí của mình trong RABKRIN, và sau đó là quyền kiểm soát Ban Bí thư của đảng, để thu thập xung quanh mình một nhóm thân tín, những kẻ mà lòng trung thành chỉ dành cho người đã giúp họ leo lên những vị trí thoải mái. Từ trọng tài cao nhất của đạo đức đảng, RABKRIN chìm xuống đáy vực sâu nhất của quan liêu kiêu ngạo.

Trotsky nhận thấy những gì đang diễn ra trước mắt Lenin, người mà căn bệnh đã ngăn cản sự giám sát chặt chẽ của ông đối với công việc đảng. Trotsky đã chỉ ra rằng “những người làm việc trong RABKRIN chủ yếu là những người lao động đã phải chịu sự thất bại trong các lĩnh vực khác,” và đáng chú ý là “sự phổ biến đến cực độ những âm mưu trong các cơ quan của RABKRIN điều mà khắp cả nước đang xì xào.”

Lenin tiếp tục bảo vệ RABKRIN trước những lời chỉ trích của Trotsky. Tuy nhiên, trong những tác phẩm cuối cùng của mình, chúng ta thấy rằng ông đã mở rộng tầm mắt trước mối đe dọa của bộ máy quan liêu từ khu vực này và vai trò của Stalin, người đã dẫn dắt nó. Trong bài viết  Chúng ta nên tổ chức lại Thanh tra công nhân và nông dân như thế nào, Lenin đã kết nối câu hỏi với sự biến dạng quan liêu của bộ máy nhà nước của công nhân:

“Ngoại trừ Ban Ngoại giao Nhân dân, bộ máy nhà nước của chúng ta ở một mức độ đáng kể là vết tích của quá khứ mà hầu như không có bất kỳ sự thay đổi nghiêm trọng nào. Nó mới chỉ được trà nhẹ một chút trên bề mặt nhưng về mọi khía cạnh khác, nó là một di tích tiêu biểu nhất cho bộ máy nhà nước cũ của chúng ta.”

Và trong Ít tốt hơn mà lại tốt hơn, bài báo cuối cùng của Lenin, được viết vào ngày 2 tháng 3 năm 1923, ông đã đưa ra một cuộc tấn công gay gắt nhất vào RABKRIN:

“Tôi nghĩ rằng cuối cùng đã đến lúc chúng ta phải nỗ lực thực sự để cải thiện bộ máy nhà nước của mình và trong việc này, hiếm có điều gì có hại hơn sự vội vàng. Đó là lý do tại sao tôi sẽ đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ chống lại việc thổi phồng các số liệu. Theo tôi, ngược lại, chúng ta nên đặc biệt tiết chế những số liệu trong vấn đề này. Chúng ta hãy cứ thẳng thắn rằng Ban Thanh tra Công nhân và Nông dân của Ủy ban nhân dân hiện nay chẳng có chút thẩm quyền nào. Mọi người đều biết rằng không có cơ quan nào khác được tổ chức tồi tệ hơn tổ chức Thanh tra công nhân và nông dân của chúng ta và trong điều kiện hiện tại không thể mong đợi điều gì từ Uỷ ban nhân dân này.”

Trong cùng một bài báo, Lenin có một nhận xét nhắm thẳng vào Stalin: “Chúng ta hãy hy vọng rằng Ban thanh tra của Công nhân và Nông dân mới của chúng ta sẽ rũ bỏ được cái mà người Pháp gọi là pruderie, thứ mà chúng ta có thể gọi là sự lố bịch đến thô thiển, hoặc sự lố bịch đến phô trương, và hoàn toàn rơi vào tay bộ máy quan liêu của Đảng và Xô Viết của chúng ta. Hãy nói trong ngoặc đơn rằng chúng ta đã có các quan chức như thế trong các cơ quan Đảng của chúng ta cũng như ở các cơ quan Xô Viết.”

Việc Lenin chỉ ra Stalin là người đứng đầu tiềm năng của một phe quan liêu trong đảng là một ví dụ cho thấy tầm nhìn xa của ông. Vào thời điểm đặc biệt này, quyền lực của Stalin trong “bộ máy” là vô hình đối với đa số đảng viên, trong khi hầu hết các nhà lãnh đạo không tin rằng ông có khả năng sử dụng nó, vì khả năng nắm bắt chính trị và lý thuyết nổi tiếng là tầm thường của ông. Ngay cả sau khi Lenin qua đời, không phải Stalin mà là Zinoviev, người đứng đầu “Troika” (Zinoviev, Kamenev, Stalin) đã đẩy đảng này đi những bước đầu tiên, định mệnh xa rời truyền thống Tháng Mười dưới chiêu bài tấn công “Chủ nghĩa Trotsky”.

Không phải ngẫu nhiên mà lời khuyên cuối cùng của Lenin dành cho đảng là cảnh báo đảng này chống lại sự lạm quyền “bất trung” và “cố chấp” của Stalin và chủ trương cách chức Tổng Bí thư của ông ta.

Thất bại của cuộc cách mạng công nhân châu Âu càng làm cho Quốc tế Cộng sản trở nên quan trọng hơn đối với một cuộc cách mạng của các dân tộc bị nô dịch ở phương Đông. Cách mạng Tháng Mười đã tạo động lực mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh của các thuộc địa chống lại bọn đế quốc áp bức. Đặc biệt, khẩu hiệu tự hào “Quyền tự quyết của các dân tộc” được thể hiện trên biểu ngữ của chủ nghĩa Bolshevik đã làm nức lòng hàng triệu người châu Á và châu Phi bị áp bức.

Một trong những hành động đầu tiên của chính phủ công nhân là sự công nhận nền độc lập của Phần Lan mặc dù điều đó chắc chắn có nghĩa là trao độc lập cho một chính phủ tư bản thù địch. Đương nhiên, những người Mácxít kiên định với sự đoàn kết của tất cả các dân tộc trong một Liên bang xã hội chủ nghĩa thế giới. Nhưng sự thống nhất đó không thể được thực hiện bằng vũ lực, mà chỉ có được thông qua sự đồng ý tự do của công nhân và nông dân các nước. Trên hết, khi những người lao động của một quốc gia từng là đế quốc lên nắm quyền, thì nghĩa vụ nhất định của họ là tôn trọng mong muốn của các dân tộc ở các thuộc địa cũ – ngay cả khi họ muốn ly khai. Sự thống nhất có thể được thực hiện sau này, trên cơ sở nêu gương và thuyết phục.

Năm 1921, Hồng quân đã buộc phải can thiệp vào Gruzia, nơi chính phủ luôn có âm mưu với Anh và các cường quốc tư bản khác nhằm chống lại Nhà nước Xô Viết. Lenin vô cùng lo lắng rằng hành động quân sự này có thể bị xem như là nỗ lực để sáp nhập Gruzia của Nga, do đó mà đánh đồng nhà nước Xô viết với những kẻ áp bức Sa hoàng. Ông đã viết hết từ thư này đến thư khác để chỉ thị cho Orjonikidze, đại diện của Ủy ban Trung ương tại Gruzia, để theo đuổi “chính sách nhượng bộ trong mối quan hệ với giới trí thức và tiểu thương Gruzia,” và ủng hộ việc thành lập “liên minh với Jordania hoặc những người Mensheviks tương tự ở Gruzia.”(*) Vào ngày 10 tháng 3, ông lại gửi một bức điện kêu gọi sự cần thiết phải “tuân thủ sự tôn trọng đặc biệt đối với các cơ quan có chủ quyền của Gruzia; để thể hiện sự lưu tâm và thận trọng đặc biệt đối với người dân Gruzia.”

Tuy nhiên, các hoạt động của Orjonikidze ở Georgia có liên hệ với bè phái Stalin trong đảng. Stalin đang nghiên cứu các đề xuất về việc hợp nhất Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga với các nước Cộng hòa Xô viết khác không thuộc Nga. Vào tháng 8 năm 1922, trong khi Lenin không hoạt động, một ủy ban trong đó Stalin là nhân vật lãnh đạo đã được thành lập để vạch ra các điều khoản cho sự thống nhất.

Khi các luận điểm của Stalin được giới thiệu thì chúng đã bị Ủy ban Trung ương của đảng Gruzia kiên quyết bác bỏ. Vào ngày 22 tháng 9, các nhà lãnh đạo Bolshevik Gruzia đã thông qua kiến ​​nghị sau:

“Liên bang dưới hình thức tự trị của các nước cộng hòa độc lập, được đề xuất trên cơ sở luận điểm của Stalin là quá sớm. Một liên bang thúc đẩy quan hệ kinh tế và một chính sách chung là cần thiết, nhưng tất cả các thuộc tính của nền độc lập nên được bảo tồn.”

Những phản đối của người Gruzia đã bị bỏ ngoài tai nhưng Stalin không dễ gì mà thông qua các đề xuất của mình. Ủy ban họp vào ngày 23 và 24 tháng 9, dưới sự chủ trì của Molotov, đại diện của Stalin, đã bác bỏ nghị quyết của Gruzia với một phiếu chống (Mdivani đại diện của Gruzia). Vào ngày 25 tháng 9, các tài liệu của Ủy ban được gửi đến Lenin, lúc này đang dưỡng bệnh tại Gorki. Không cần chờ đợi quan điểm của Lenin và thậm chí không cần thảo luận trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trung tâm của Stalin trong đảng) đã gửi quyết định của Ủy ban cho tất cả các thành viên của Ban Trung Ương để chuẩn bị cho Hội nghị vào tháng Mười.

Vào ngày 26 tháng 9, Lenin đã viết thư cho Ủy ban Trung ương thông qua Kamenev kêu gọi sự thận trọng đối với vấn đề này và cảnh báo chống lại nỗ lực của Stalin để thúc đẩy thông qua nó. “Stalin có xu hướng hơi vội vàng.”(*) Lenin đã sắp xếp để gặp ông ta vào ngày hôm sau. Ông đã không nghi ngờ khoảng thời gian mà Stalin phải trải qua để buộc thống nhất đất nước. Tuy nhiên, ngay cả bức thư này cũng chỉ ra sự phản đối của ông đối với bất kỳ sự xúc phạm nào đến khát vọng quốc gia dân tộc của một dân tộc nhỏ bé và do đó củng cố điểm tựa cho chủ nghĩa dân tộc.

“Điều quan trọng không phải là cung cấp vật liệu cho những người ‘ủng hộ độc lập’, không phải phá hủy nền độc lập của họ, mà là tạo ra một tầng mới khác, một liên bang của các nước cộng hòa bình đẳng.”(*)

Những sửa đổi của Lenin nhằm mục đích làm dịu giọng điệu trong bản dự thảo ban đầu của Stalin để tỏ lòng khoan dung hơn với những người “ủng hộ độc lập”, những người mà ở thời điểm này ông cho là đã mắc sai lầm. Để đáp lại những lời bình luận nhẹ nhàng của Lenin, ngày 27 tháng 9, Stalin đã viết một số phúc đáp cho các thành viên Bộ Chính trị với giọng điệu cọc cằn và cau có, bao gồm những điều sau:

“Về chủ đề của đoạn 4, theo ý kiến ​​của tôi, bản thân đồng chí Lenin mới là có chút ‘vội vàng’… Chắc chắn rằng sự ‘vội vàng’ của ông ấy sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho những người ủng hộ ‘độc lập’, có hại cho chủ nghĩa tự do dân tộc của Lenin .”

Câu trả lời thô lỗ của Stalin thể hiện một sự khó chịu không giấu giếm trước sự “can thiệp” của Lenin vào lĩnh vực mà ông coi là lãnh vực riêng tư của mình, nổi lên bởi nỗi sợ hãi trước kết quả của sự can thiệp từ Lenin.

Những lo sợ của Stalin là có cơ sở. Sau cuộc thảo luận với Mdivani, Lenin tin rằng công tác ở Georgia đã bị Stalin xử lý sai, và bắt tay vào việc thu thập bằng chứng. Vào ngày 6 tháng 10, Lenin đã viết một bản ghi nhớ cho Bộ Chính trị,  Về việc chống lại chủ nghĩa So-vanh của quốc gia thống trị:

“Tôi tuyên chiến đến chết với chủ nghĩa So-vanh của quốc gia thống trị. Tôi sẽ nhai nó với tất cả hàm răng khỏe mạnh của mình ngay sau khi tôi loại bỏ chiếc răng xấu xa đáng nguyền rủa này.”

Chưa ý thức được đầy đủ những gì thực sự đang xảy ra ở Georgia nên Lenin vẫn chưa rời khỏi nơi nghỉ dưỡng. Ông không biết rằng Stalin, để củng cố bàn tay của mình đã thực sự tiến hành một cuộc thanh trừng những cán bộ tinh nhuệ nhất trong hàng ngũ Bolshevik ở Gruzia, thay thế ủy ban trung ương cũ bằng những phần tử mới và “dễ uốn nắn” hơn.

Nhưng những gì Lenin biết là đủ để khơi dậy sự nghi ngờ. Trong tuần tiếp theo, ông bắt đầu âm thầm thu thập thông tin về “pha đi đêm” của Gruzia, và nhờ Ủy ban Trung ương cử Rykov và Dzerzhinsky đến Tiflis để điều tra những lời phàn nàn của những người Bolshevik ở Gruzia.

Vào ngày 23 và 24 tháng 12, Lenin bắt đầu gửi những bức thư nổi tiếng của mình trước Đại hội cho thư ký của mình. Ông nhấn mạnh rằng điều này là bí mật. Công việc của Lenin tiến hành chậm chạp, đau đớn, bị gián đoạn bởi những cơn bệnh. Nhưng thông qua tất cả, ý tưởng ngày càng rõ ràng rằng kẻ thù trung tâm nằm trong “bộ máy” quan liêu của nhà nước và đảng, và người đứng đầu là Stalin.

Trong Tình huống thực tế ở Nga , Trotsky ghi lại cuộc trò chuyện cuối cùng của ông với Lenin ngay trước khi ông đột quỵ lần thứ hai. Để đáp lại lời đề nghị của Lenin rằng Trotsky nên tham gia vào một ủy ban mới để đấu tranh chống lại bệnh quan liêu (xem “Cách tổ chức lại bộ máy công nhân và nông dân”). Trotsky trả lời như sau:

“Vladimir Ilyich, tôi thực sự tin rằng, trong cuộc đấu tranh hiện nay với chủ nghĩa quan liêu trong bộ máy Xô Viết, chúng ta không được quên một điều đang diễn ra, cả ở các tỉnh và trung tâm, một cuộc tuyển chọn đặc biệt các quan chức và chuyên gia, đảng viên, ngoài đảng và đảng viên chưa chính thức, xung quanh một số cá nhân và nhóm cầm quyền nhất định – ở các tỉnh, trong huyện, trong các đảng địa phương và trung tâm – tức là Ủy ban Trung ương, v.v. Công kích vào các quan chức Liên Xô mà bạn đã đưa vào lãnh đạo đảng. Đặc biệt là một thành viên. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi không thể đảm nhận công việc này…

Sau đó, Vladimir Ilyich ngẫm nghĩ một lúc và nói, ở đây tôi thực tế trích dẫn nguyên văn câu của anh ấy: ‘Đó là, tôi đề xuất một cuộc đấu tranh với chủ nghĩa quan liêu Xô viết, và cậu muốn thêm vào đó là chủ nghĩa quan liêu của Ban Tổ chức của đảng.’ Tôi bật cười trước điều bất ngờ này, vì không có công thức hoàn chỉnh nào về ý tưởng như vậy trong đầu tôi. Tôi trả lời, ‘Tôi cho là vậy.’’

Sau đó, Vladimir Ilyich nói: ‘Được rồi, tôi đề xuất một khối.’ và tôi nói: ‘Tôi luôn sẵn sàng thành lập một khối với một người đàn ông tốt.’”

Cuộc trò chuyện này rất quan trọng vì nó làm sáng tỏ nội dung các tác phẩm cuối cùng của Lenin, đặc biệt là “Di chúc” nổi tiếng, những bức thư về Vấn đề dân tộc và Ít hơn mà lại tốt hơn. Giọng điệu của các lá thư của anh ấy ngày càng sắc nét, mục tiêu của anh ấy được xác định rõ ràng hơn, theo từng ngày. Bất kể ông giải quyết câu hỏi nào, tư tưởng trung tâm đều giống nhau, đó là sự cần thiết phải chống lại áp lực của các lực lượng giai cấp xa lạ trong nhà nước và đảng, loại bỏ tận gốc bộ máy quan liêu, cuộc chiến chống chủ nghĩa Sô-vanh Đại Nga, cuộc chiến chống lại bè phái Stalin trong đảng.

Bất chấp việc Lenin nhất quyết yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối các ghi chép của mình, phần đầu tiên của “Di chúc” đã lọt vào tay Ban Bí thư và Stalin, người ngay lập tức nhận ra sự nguy hiểm của sự can thiệp của Lenin và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc đó. Các thư ký của Lenin đã bị áp lực nghiêm trọng nhằm để cung cấp bất kỳ tin tức nào cho Lenin mà có thể làm ông “phiền lòng”.

Tuy nhiên, Lenin phát hiện ra từ Dzerzhinsky rằng, trong số những sự phẫn nộ khác do phe Stalin gây ra, Orjonikidze đã đi xa đến mức đánh một trong những người bất đồng ở Georgia. Đây có vẻ là một điều khá nhỏ khi so sánh với những vụ khủng bố sau này của chủ nghĩa Stalin, nhưng nó cũng đủ để làm cho Lenin bị sốc sâu sắc. Thư ký của ông đã ghi vào nhật ký của mình vào ngày 30 tháng 1 năm 1923 những lời của Lenin: “Ngay trước khi tôi bị bệnh, Dzerzhinsky đã nói với tôi về công việc của Ủy ban, về ‘sự cố’ và điều này đã gây ra một ảnh hưởng rất đau đớn cho tôi.”

Để hiểu được mức độ to lớn của tội ác này, cần phải biết về mối quan hệ giữa dân tộc Nga (đúng hơn là người Nga gốc Nga) và các dân tộc thiểu số, những người dưới thời Sa hoàng, đã bị đối xử một cách khinh khi và độc đoán dã man, giống như các người da đen và người da đỏ dưới thời Đế quốc Anh vậy. Nhiệm vụ lịch sử của Cách mạng Nga là nâng những nhóm thiểu số bị coi thường này lên tầm vóc của những con người đầy đủ, với các quyền và phẩm giá của riêng họ. Ý tưởng về việc một đại diện của nước Nga vĩ đại lạm dụng hoặc tấn công một người Gruzia là một tội ác chống lại chủ nghĩa quốc tế vô sản, một di sản quái dị của thời Sa hoàng để lại mà lẽ ra sẽ phải bị trừng phạt nghiêm khắc nhất – ít nhất là bằng cách khai trừ ra khỏi đảng . Đó là lý do tại sao Lenin trút cơn thịnh nộ chống lại Stalin và Orjonikidze, yêu cầu “hình phạt mẫu mực đối với những người có trách nhiệm.”

Stalin đã đặt mọi chướng ngại vật để cản đường Lenin tiếp nhận thông tin từ Gruzia. Nhiều đoạn trong nhật ký của các thư ký của Lenin cho thấy một bức tranh rõ ràng về sự quấy rối quan liêu này:

“Vào thứ Năm ngày 25 tháng Giêng, anh ấy [Lenin] hỏi rằng đã nhận được tài liệu [của ủy ban Gruzia] chưa. Tôi trả lời rằng Dzerzhinsky sẽ không đến trước thứ Bảy. Vì vậy, tôi không thể hỏi ông ấy.

“Hôm thứ Bảy, tôi hỏi Dzerzhinsky, ông ấy nói Stalin có tài liệu. Tôi đã gửi thư cho Stalin, nhưng ông ấy đi vắng. Hôm qua, 29/1, Stalin gọi điện, nói rằng ông ấy không thể cung cấp tài liệu nếu không thông qua Bộ Chính trị. Khi được hỏi tôi có nói những điều không nên nói với Vladimir Ilyich hay không – làm thế nào mà anh ấy vẫn đăng bài được về các vấn đề hiện tại? Ví dụ: bài báo của anh ấy về  WPI (RABKRIN) cho thấy rằng anh ấy đã biết một số vấn đề nhất định, tôi trả lời rằng tôi chưa nói bất cứ điều gì và không có lý do gì để tin rằng anh ấy đã đăng đàn về các vấn đề đó. Hôm nay Vladimir Ilyich lại yêu cầu tôi có câu trả lời và nói rằng anh ấy sẽ chiến đấu để có được tài liệu.” (nhấn mạnh của tôi – AW)

Vài dòng này bộc lộ rõ ​​ràng thái độ bắt nạt, quan liêu mà Stalin đã cố gắng tung ra để bảo vệ lập trường của mình chống lại Lenin, người mà ông ta vô cùng sợ hãi, ngay cả khi trên giường bệnh. Không thể có minh họa nào rõ ràng hơn cho “sự thô lỗ” và “bất trung” của Stalin mà Lenin đề cập đến trong “Di chúc” của mình.

Thái độ không tin tưởng của Lenin đối với ủy ban của Dzerzhinsky và hành vi của Ủy ban Trung ương được phản ánh trong các chỉ thị của ông cho các thư ký của ông:

“1) Tại sao Uỷ ban trung ương cũ của Đảng cộng sản Georgia lại bị buộc tội là theo chủ nghĩa lệch lạc?

“2) Họ đã bị đổ lỗi vì vi phạm kỷ luật nào?

“3) Tại sao Ủy ban Transcaucasian lại bị buộc tội đàn áp Uỷ ban trung ương của Đảng cộng sản Georgia?

“4) Các phương tiện vật lý của sự đàn áp ‘cơ sinh học’ là gì.

“5) Dòng Uỷ ban trung ương của CP (của RCP (B)) trong sự vắng mặt của Vladimir Ilyich và sự hiện diện của ông.

“6) Thái độ của Ủy ban. Nó chỉ xem xét các cáo buộc chống lại CC của CP Georgia hay chống lại Ủy ban Transcaucasian? Đã xem xét sự cố ‘cơ sinh học’ chưa?

“7) Tình hình hiện tại (chiến dịch bầu cử, những người Menshevik, đàn áp, bất hòa dân tộc).”

Nhưng việc Lenin ngày càng nhận ra những phương pháp thiếu trung thành và thiếu trung thực của các phần tử trong ban lãnh đạo đảng khiến ông cũng mất lòng tin vào ban thư ký của chính mình. Chả lẽ họ lại không bị Stalin bịt miệng sao?

“Vào ngày 24 tháng 1, Vladimir Ilyich nói: “Trước hết về công việc “bí mật” này của chúng ta. Tôi biết rằng bạn đang lừa dối tôi.” Ngược lại, trước sự đảm bảo của tôi, anh ấy trả lời ‘Tôi lại nghĩ khác’”

Với khó khăn, Lenin ốm yếu đã tìm cách để biết được rằng Bộ Chính trị đã chấp nhận kết luận của Ủy ban Dzerzhinsky. Vào thời điểm này (2-6 tháng 2), Ít hơn mà lại tốt hơn, một cuộc tấn công thẳng thắn nhất của Lenin vào Stalin và bộ máy quan liêu của đảng. Các sự kiện ở Gruzia đã thuyết phục Lenin rằng chủ nghĩa sô vanh thối nát của nhà nước là dấu hiệu nguy hiểm nhất của áp lực từ các tầng lớp lai căng:

“Bộ máy nhà nước của chúng ta thật đáng chê trách, chưa nói là tồi tệ, trước hết phải suy nghĩ thật kỹ cách khắc phục những khiếm khuyết của nó, ghi nhớ rằng những khiếm khuyết này có nguồn gốc từ quá khứ, mặc dù đã bị lật tẩy nhưng vẫn chưa được khắc phục…”

Trong lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng tại một cuộc họp chính trị, Đại hội XI của Đảng Cộng sản (B), Lenin đã cảnh báo rằng bộ máy nhà nước đang thoát khỏi sự kiểm soát của những người Cộng sản: “Bộ máy không chịu tuân theo bàn tay đã hướng dẫn nó, giống như một chiếc ô tô không phản ứng với tay lái, nhưng đi theo hướng người khác mong muốn như thể nó đang được điều khiển bởi một bàn tay bí ẩn, vô pháp nào đó – Chúa biết là ai, có thể là của một kẻ trục lợi, hoặc của một nhà tư bản tư nhân, hoặc của cả hai. Có thể như vậy, chiếc xe không hoàn toàn đi theo hướng mà người đàn ông cầm lái tưởng tượng, và thường nó đi theo một hướng hoàn toàn khác.”

Chất độc của chủ nghĩa dân tộc, đặc điểm đặc trưng nhất của tất cả các hình thức chủ nghĩa Stalin, có nguồn gốc từ phản ứng tiểu tư sản, Kulak, Nepman và quan chức Xô Viết chống lại chủ nghĩa quốc tế cách mạng Tháng Mười.

Lenin đề nghị đấu tranh chống lại phản ứng này tại Đại hội sắp tới, liên minh với Trotsky – thành viên Ủy ban Trung ương duy nhất mà ông có thể tin tưởng để giữ vững quan điểm của mình.

Ông ta đề xuất giải quyết cá nhân câu hỏi về RABKRIN và đang “chuẩn bị một quả bom” cho Stalin. Niềm tin của ông rằng “bộ máy” của Đảng đang âm mưu giữ chân ông bằng mọi giá được minh họa bằng nhận xét của thư ký của ông rằng “rõ ràng, hơn nữa, Vladimir Ilyich có ấn tượng rằng không phải các bác sĩ đã đưa ra chỉ thị cho Ủy ban Trung ương mà là Ủy ban Trung ương đã đưa ra chỉ thị cho các bác sĩ.”

Những nghi ngờ của Lenin chỉ là có cơ sở quá rõ ràng. Một trong những ý tưởng được đưa ra nghiêm túc đối với Ủy ban Trung ương vào thời điểm này là việc in một số đặc biệt, duy nhất của tờ Pravda, đặc biệt chỉ dành cho Lenin đọc, nhằm đánh lừa ông về vụ Gruzia!

Lập luận rằng tất cả điều này là vì lợi ích sức khỏe của Lenin không giữ nước. Như chính anh ấy giải thích, không có gì kích động và làm anh ấy khó chịu bằng những hành động bất trung của các thành viên Uỷ ban trung ương và mô típ dối trá mà họ được ngụy trang. Thái độ thực sự của Stalin đối với Lenin đang hấp hối được bộc lộ trong một sự việc thực sự quái dị liên quan đến Krupskaya, vợ của Lenin – cố gắng bảo vệ người chồng ốm yếu của mình khỏi những lời dụ dỗ thô lỗ của Stalin, bà đã được đền đáp bằng sự lạm dụng thô bạo từ “đệ tử trung thành”. Krupskaya mô tả sự việc trong một bức thư gửi Kamenev ngày 23 tháng 12 năm 1922:

“Lev Borisovich,

Liên quan đến bức thư ngắn do tôi viết theo lời đọc của Vladimir Ilyich với sự cho phép của các bác sĩ, hôm qua, Stalin đã gọi điện cho tôi và tự xưng hô với tôi theo cách thô thiển nhất. Tôi đã vào đảng đâu chỉ một ngày. Trong suốt 30 năm qua, tôi Tôi chưa bao giờ phải nghe một lời thô lỗ nào từ bất kỳ một đồng chí nào. Lợi ích của Đảng và Ilyich đối với tôi đâu có kém gì Stalin. Bây giờ tôi cần sự tự chủ tối đa. Tôi biết rõ hơn bất kỳ bác sĩ nào những gì có thể hoặc không thể nói với Ilyich, bởi vì tôi biết điều gì làm ông ấy buồn và điều gì không, tốt hơn Stalin trong mọi trường hợp.”

Krupskaya cầu xin Kamenev, một người bạn cá nhân, bảo vệ cô ấy “khỏi sự can thiệp thô lỗ vào cuộc sống cá nhân của tôi, những cuộc cãi vã và đe dọa không đáng có”, nói thêm rằng theo như lời đe dọa của Stalin khi đưa đến đây trước khi ủy ban kiểm soát lo ngại: “Tôi không khỏe cũng không muốn lãng phí thời gian cho những cuộc cãi vã ngu ngốc như vậy. Tôi cũng là một con người và thần kinh của tôi đã căng đến sắp đứt.”

Việc Lenin đe dọa cắt đứt mọi quan hệ đồng chí với Stalin và những lời buộc tội ông về “sự thô lỗ” trong “Di chúc” thường được giải thích bằng những tham chiếu mơ hồ về sự việc này. Nhưng ngay từ đầu, những gì Stalin làm không phải là vấn đề “cá nhân” mà là một hành vi vi phạm chính trị nghiêm trọng, có thể bị trừng phạt bằng cách khai trừ khỏi Đảng. Hành vi phạm tội được tăng cường bởi thực tế là vị trí của Stalin trong Đảng khiến ông ta buộc phải loại bỏ tận gốc hành vi đó, chứ không phải để vô hiệu hóa nó.

Tuy nhiên, “sự cố nhỏ” này phải được nhìn nhận trong bối cảnh thích hợp của nó. Đó chỉ là biểu hiện đáng ghét và rõ ràng nhất trong số những biểu hiện của sự bất trung nơi Stalin.

Những ngày hoạt động cuối cùng của Lenin được dành để tổ chức cuộc chiến chống lại phe Stalin tại Đại hội. Ông đã viết một bức thư cho Trotsky đề nghị ông đứng ra bảo vệ các đồng chí Gruzia, và gửi tới các nhà lãnh đạo Gruzia lời cam kết nhiệt liệt vì chính nghĩa của họ. Cần lưu ý rằng những biểu hiện nhấn mạnh như “bằng cả trái tim mình” và “với những lời chào thân thiện nhất” rất hiếm khi gặp trong các bức thư của Lenin, người ưa thích một lối viết hạn chế hơn. Đó là thước đo cho sự cam kết của anh ấy đối với cuộc đấu tranh. Cũng cần phải chỉ ra rằng khối của Lenin đã cấu thành một phe chính trị – cái mà sau này được những người theo chủ nghĩa Stalin gọi là “khối chống đảng”. Những người theo chủ nghĩa Stalin đã tổ chức phe của họ để kiểm soát bộ máy đảng.

Fotieva, thư ký của Lenin, đã ghi lại những ghi chú cuối cùng của Lenin về câu hỏi Gruzia, rõ ràng là chuẩn bị cho bài phát biểu tại Đại hội:

“Chỉ thị của Vladimir Ilyich rằng một gợi ý được đưa ra cho Stoltz rằng ông ấy [Lenin] đang đứng về phía bên bị thương. Ai đó hoặc người khác của bên bị thương được đưa ra để hiểu rằng ông ấy đang đứng về phía họ. Ba khoảnh khắc: 1) Một Không nên đánh nhau. 2) Nên nhượng bộ 3) Người ta không thể so sánh một nhà nước lớn với một nhà nước nhỏ. Stalin có biết không? Tại sao ông ta không phản ứng? lệch lạc với những người theo chủ nghĩa sô vanh của quốc gia thống trị. Đã thu thập ấn phẩm in cho Vladimir Ilyich.”

Vào ngày 9 tháng 3, Lenin bị đột quỵ lần thứ ba khiến ông bị liệt và rơi vào bất lực. Cuộc đấu tranh chống lại sự thoái hóa quan liêu đã chuyển sang tay Trotsky và phe Cánh tả. Nhưng Lenin đã đặt nền móng cho chương trình Đối lập, chống lại quan liêu, chống lại sự đe dọa Kulak, cho công nghiệp hóa và kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa, cho chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa và dân chủ công nhân.


Alan Wood, 1970

Nguồn: Bolshevik.info

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận