Chủ nghĩa Marx với Lý thuyết Queer (Phần II)

Xã hội có giai cấp, sự áp bức và văn hóa

Lý thuyết Queer thu hút sự chú ý tới một khía cạnh về giới mà không thể giải thích bằng một định nghĩa sinh học cứng nhắc: Trong xã hội của chúng ta, chúng ta bị ép buộc và xã hội hóa với vai trò giới. Không có lời giải thích sinh học nào cho lý do tại sao màu hồng nên là nữ và màu xanh với nam; Tại sao con gái nên chơi với búp bê trong khi con trai chơi Lego v.v… Từ khi còn rất nhỏ, chúng ta được bảo rằng phụ nữ là ủy mị và vô lý, rằng họ là những nhà toán học tồi tệ và không nên tham dự chính trị, v.v… Tất cả những điều này cho thấy rằng giới đáp ứng nhiều hơn chỉ là các chức năng sinh học, và chúng được nhúng sâu vào văn hóa của xã hội chúng ta.

Tuy nhiên, bản thân văn hóa không phải là một hiện tượng thất thường, ngẫu nhiên – nó xuất hiện từ cơ sở vật chất của xã hội và từ sự tương tác của con người với tự nhiên: “Trong quá trình thích nghi với tự nhiên, trong cuộc đấu tranh với các lực lượng thù nghịch, xã hội loài người phát triển thành một tổ chức giai cấp phức tạp. Chính cấu trúc giai cấp của xã hội quyết định một cách dứt khoát nhất tới nội dung và hình thức của lịch sử loài người, tức là những quan hệ vật chất của nó và những phản ánh ý thức hệ từ chúng. Khi nói về điều này, chúng tôi cũng đang nói rằng văn hóa lịch sử có một đặc tính giai cấp.” (L.Trotsky, Văn hóa và Chủ nghĩa xã hội )

Phần lớn trong lịch sử tồn tại của mình, con người không sống trong các xã hội có giai cấp. Đó là bởi vì sự tồn tại của các xã hội giai cấp đòi hỏi một thặng dư sản phẩm, thứ mà nhờ đó một giai cấp có thể làm giàu cho bản thân bằng chi phí của kẻ khác. Trong những xã hội mà không thuộc trường hợp này (Engels gọi chúng là “cộng sản nguyên thủy”) cũng không có sự áp bức nữ giới. Tuy nhiên, có sự phân chia lao động nhất định giữa hai giới (do mang thai và sinh nở), mặc dù rất có thể sự phân chia này không tuyệt đối và cứng nhắc.

Tuy nhiên, sự phân công lao động này không có nghĩa nữ giới được coi là kém hơn nam giới – mà ngược lại. Là những người đảm bảo cho sự sinh sôi của loài chúng ta, họ được đánh giá cao. Chỉ khi con người, trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, tìm ra cách tạo ra một thặng dư sản phẩm, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của tư hữu, thì sự phân công lao động mới dẫn đến sự áp bức phụ nữ. Theo lời của Engels, đây là cơ sở cho “sự thất bại trong lịch sử nhân loại của giới nữ” – Đó là, một vấn đề lịch sử, không phải là một sự kiện “sinh học”. Điều này có nghĩa là, trong khi sự áp bức phụ nữ xét tới cùng có nền tảng sinh học, thì đó không phải là một quy luật sắt của tự nhiên. Sự áp bức phụ nữ, trải qua hàng ngàn năm, gốc rễ đã ăn sâu vào xã hội của chúng ta, nó có thể khoác lên mình nhiều hình thức thứ không hoàn toàn xuất phát khả năng sinh con của phụ nữ và tiếp tới thích nghi với hệ thống thống trị tương ứng.

Sự áp bức bám rễ vào xã hội có giai cấp và thể hiện bản thân nó khác nhau trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Vai trò giới, cũng như cách xử sự của chúng ta với tính dục, đã thay đổi nhiều lần trong quá trình lịch sử của loài người; và chúng thay đổi theo những điều kiện phổ biến. Ví dụ như giáo dục ở Hy Lạp cổ đại, trái ngược với đồng tính luyến ái ngày nay, hoặc định nghĩa về giới tính thứ ba trong một số nền văn hóa như Muxes của người Zapotec. Ngoài ra phụ nữ và đàn ông cũng đã được chỉ định các thuộc tính khác nhau theo thời gian, chúng ta chỉ cần so sánh về ý tưởng làm đẹp của phụ nữ trong thời Phục hưng với các siêu mẫu ngày nay.

Sự áp bức phụ nữ dưới chủ nghĩa tư bản dựa vào vai trò giới để giữ gìn sự nguyên vẹn của đơn vị kinh tế “gia đình”, với tất cả các nghĩa vụ trong đó, như một trụ cột quan trọng của chủ nghĩa tư bản. Trong phạm vi gia đình, hầu hết phụ nữ được giao vai trò làm việc nhà, nuôi con và chăm sóc người già. Hình ảnh của người phụ nữ như một người mang tới sự hỗ trợ tình cảm và làm mẹ được nuôi dưỡng. Trên thị trường việc làm, nói chung, phụ nữ được trả ít hơn, và nếu có quá nhiều lao động, phụ nữ là người đầu tiên được gửi về nhà. Trong khi kết hôn đồng tính đang được công nhận ở một số quốc gia phát triển, điều này đi đôi với sự phụ thuộc của họ vào vai trò của gia đình, bao gồm tất cả các trách nhiệm trong đó. Do đó, vai trò của giới không hoàn toàn là những tưởng tượng văn hóa bắt nguồn từ thế giới của ý niệm, mà xuất phát từ cơ sở vật chất của xã hội có giai cấp – vốn xây dựng dựa trên sự bóc lột và áp bức – cũng như các yếu tố sinh học.

Sự áp bức, cũng là một phần của xã hội tư bản, thấm sâu vào cuộc sống của chúng ta và bao gồm trong đó sự hạ thấp phụ nữ thành công cụ tình dục và sự phục tùng của họ trước bạo lực gia đình. Có sự áp lực rất thực tế để di chuyển trong xã hội như đàn ông hay phụ nữ dị tính. Bạo lực và phân biệt đối xử với những người đồng tính và chuyển giới đang tràn lan mặc cho có nhiều chiến dịch tự do dành cho quyền của người LGBT. Cuộc đấu tranh của một người chuyển giới chọn trải qua liệu pháp hormone hoặc thay đổi giới tính mất nhiều năm và trong nhiều trường hợp không thể đi tới cùng. Sự phân biệt đối xử trong gia đình, tại nơi làm việc và ngay cả khi chỉ đơn giản là di chuyển trong không gian công cộng, vẫn tiếp tục tồn tại.

Mọi khía cạnh của sự phân biệt đối xử và áp bức rõ ràng tạo ra sự tức giận to lớn và khát vọng để ra khỏi cơn ác mộng này. Hiểu được nguồn gốc của sự áp bức phụ nữ và cả những gì ẩn sau sự phân biệt đối xử với cái gọi là giới tính “lệch lạc”, là rất quan trọng nếu chúng ta muốn tìm cách chấm dứt nó. Một khi không hiểu được nguồn gốc vật chất của sự áp bức phụ nữ, phân biệt giới tính và vai trò giới, các ý tưởng như Lý thuyết Queer (tập trung hoàn toàn vào văn hóa, giáo dục và dư luận xã hội) chắc chắn sẽ trở nên phổ biến. Nhìn vào sự thay đổi của vai trò giới theo thời gian, sẽ trở nên hấp dẫn khi đưa ra kết luận rằng không có giới tính sinh học “thực sự” nào đằng sau những khía cạnh văn hóa này.

Chủ nghĩa duy vật, khoa học và tình dục

Ý tưởng rằng giới tính là được xây dựng nên được củng cố bởi thực tế là khoa học dưới chủ nghĩa tư bản không thoát khỏi lợi ích của giai cấp thống trị. Do đó, khoa học cũng không có lập trường trung lập về câu hỏi giới tính / giới. Chúng ta đừng quên rằng chính Tổ chức Y tế Thế giới vẫn phân loại đồng tính luyến ái là một căn bệnh cho tới tận năm 1992.

Sự hiểu biết khoa học tự nhiên, phổ biến về tình dục rất trừu tượng và cứng nhắc (trong Chống Dühring, Engels gọi kiểu suy nghĩ này là “lối siêu hình của tư tưởng”). Nếu chúng ta xác định giới tính chỉ dựa trên cơ sở của nhiễm sắc thể XX (nữ) và XY (nam), ai đó có thể chỉ ra rằng có những người rõ ràng có nhiễm sắc thể XX hoặc XY nhưng với nồng độ hormone không điển hình, như đã thấy trong ca điều trị tai tiếng của vận động viên Caster Semenya, người đang chiến đấu trong một trận chiến để chống lại việc bị ép buộc dùng thuốc nội tiết tố do lợi thế testosterone “quá mức” của cô. Nếu chúng ta xác định phụ nữ chỉ qua khả năng sinh con của họ, thì phụ nữ vô sinh hẳn không phải là phụ nữ thực sự? Nếu giới tính tồn tại là để đảm bảo sự sinh sản hữu tính, vậy vì sao đồng tính luyến ái lại tồn tại? Và làm thế nào chúng ta có thể hiểu được phụ nữ chuyển giới, những người có cơ quan sinh sản nam nhưng lại xác định mình là phụ nữ? “Khu vực màu xám” này, điểm thiếu sót của chủ nghĩa duy vật siêu hình, máy móc, là điểm neo của lý thuyết Queer trong tranh luận.

Tuy nhiên, việc định nghĩa một cách độc đoán và cứng nhắc về mọi thứ không chỉ được đặt ra với giới tính. Liên quan tới mọi thuật ngữ mà chúng ta sử dụng những nghi vấn tương tự có thể được đặt ra. Hãy lấy thuật ngữ “ngôi nhà” làm ví dụ. Một ngôi nhà là một công trình cung cấp cho mỗi người một mái nhà trên đầu, một nơi có thể vào và sống trong đó. Nhưng một ngôi nhà không có một mái nhà liệu có còn là một ngôi nhà? Một mái nhà có thể có bao nhiêu lỗ trước khi nó không còn là một mái nhà? Tại thời điểm nào mà một ngôi nhà trong quá trình phân rã trở thành một đống đổ nát – và tại thời điểm nào thì một ngôi nhà trở thành một tòa lâu đài?

Ở đây chúng ta có thể thấy rằng chủ nghĩa duy vật siêu hình, với sự cứng nhắc và đòi hỏi tính bất biến của mình, nhất thiết dẫn đến mâu thuẫn, nơi mà Lý thuyết Queer bám vào. Thông thường mấy ai nghĩ tới việc phủ nhận sự tồn tại của những ngôi nhà – dù sao, chúng ta cũng có những thành phố chứa đầy chúng. Nhưng theo logic của Lý thuyết Queer, câu trả lời sẽ là làm gì có nhà, bởi chẳng có định nghĩa nào hoàn hảo về ngôi nhà bao gồm chính xác được các trường hợp. Những ngôi nhà chỉ đơn giản là các công trình văn hóa, được khắc sâu vào những đối tượng ngẫu nhiên.

Phương pháp luận siêu hình thống trị trong hệ thống giáo dục và khoa học tự nhiên bất lực để lý giải mối liên hệ giữa cá nhân và phổ biến. Tuy nhiên, phép biện chứng Marxist nhìn thấy một mối quan hệ tất yếu giữa cá nhân (tức là một người đàn ông vô sinh) với phổ biến (có một thứ giống như đàn ông). Phổ biến chỉ tồn tại thông qua biểu hiện cụ thể của nó – không có ngôi nhà “hoàn chỉnh, vĩnh cửu” nơi thế giới ý niệm, mà chỉ có tất cả các ngôi nhà thực sự trên thế giới này. Lenin mô tả điều này theo cách sau:

“[Hãy] bắt đầu với những gì đơn giản nhất, bình thường nhất, phổ biến v.v… với bất kỳ mệnh đề nào: lá của cây có màu xanh; John là một con người; Fido là một con chó, v.v … Ở đây chúng ta có phép biện chứng (như thiên tài Hegel đã nhận ra): cá nhân là phổ biến (bởi vì một cách tự nhiên không ai có thể cho rằng có thể có một ngôi nhà (một ngôi nhà nói chung) nằm ngoài tất cả những ngôi nhà nhìn thấy được.” Do đó, những cái trái ngược (những cá nhân đối lập với phổ biến) là đồng nhất: cá nhân chỉ tồn tại trong mối liên hệ dẫn đến phổ biến. Phổ biến chỉ tồn tại trong cá nhân và thông qua cá nhân. Mỗi cá nhân là (trong một cách này hay cách khác) một phổ biến. Mỗi phổ biến là (một mảnh, hoặc một khía cạnh, hoặc bản chất của) một cá nhân. Mỗi phổ biến chỉ bao gồm tất cả các đối tượng riêng lẻ. Mỗi cá nhân tham gia một cách không hoàn toàn vào phổ biến, v.v., v.v … khi chúng ta nói: John là một con người, Fido là một con chó, đây là một chiếc lá cây, v.v., chúng ta bỏ qua một số thuộc tính như là một sự ngẫu nhiên; chúng ta tách biệt bản chất ra khỏi dáng vẻ và đặt cái này đối lập với cái khác.” (Lênin: Với câu hỏi về biện chứng pháp, Tr. 353)

Công cuộc tìm kiếm một định nghĩa tuyệt đối, bất biến là vô vọng khi mà thế giới chúng ta đang sống không ngừng thay đổi. Các phân tích và thuật ngữ của chúng ta chỉ là gần đúng với thực tế, chúng mô tả các khía cạnh nhất định của thực tế khách quan. Một chủ nghĩa duy vật cứng nhắc và trừu tượng (hoặc “siêu hình”) mặt khác lại cố gắng áp đặt các định nghĩa của chúng ta lên thế giới bất kể ra sao, và yêu cầu nó phải tuân theo chúng. Lý thuyết Queer, tuy nhiên, chấp nhận những định nghĩa cứng nhắc, bất biến của chủ nghĩa duy vật cơ học và cho rằng chính cái thế giới vật chất cũng cứng nhắc và không thể thay đổi – và do đó mà vứt bỏ toàn bộ thế giới vật chất, bao gồm cả giới tính, tuyên bố chúng có khuyết tật.

Khi phê phán một triết lý thô thiển, Lý thuyết Queer đi đến thái cực khác và chấp nhận mình như hình ảnh phản chiếu của nó. Không có hiện tượng nào trùng khớp trực tiếp với những phạm trù chung chung mà chúng ta biết về chúng. Không có người đàn ông hay đàn bà nào phù hợp một cách hoàn hảo với phạm trù phổ biến mà chúng ta biết về họ. Tuy nhiên, đàn ông và đàn bà vẫn tồn tại. Thiên nhiên thể hiện chính nó trong các mô hình mà con người chúng ta có thể học cách để nhận ra. Ý tưởng của chúng ta về một người đàn ông hoặc một người đàn bà, loại bỏ tất cả các thuộc tính tình cờ và không cần thiết, là rất quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về bất kỳ người đàn ông hay đàn bà nào. Tuy nhiên, các nhà lý thuyết Queer, giống như anh em hậu hiện đại của họ, phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ hình thức nào của phạm trù hoặc mô hình trong tự nhiên. Thay vì hiểu mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân và phổ biến, họ khước từ sự phổ biến và nâng cao cá nhân và sự tình cờ đến mức độ nguyên tắc.

Vì vậy, thay vì khám phá mối quan hệ giữa cơ sở vật chất (sinh học, và cả sự tái tạo xã hội của con người trong một xã hội áp bức giai cấp) và văn hóa, nó tuyên bố rằng vật chất không tồn tại. Do đó, nó tuyệt đối hóa một khía cạnh của thực tế và suy thoái thành một “lý thuyết”, thứ không thể giải thích được vai trò và sự áp bức giới đến từ đâu và làm thế nào chúng ta có thể vượt qua chúng – nói ngắn gọn là chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Lenin đã mô tả một cách sống động sự tuyệt đối hóa này của một phần sự thật:

“Chủ nghĩa duy tâm triết học chỉ là sự vô nghĩa từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật thô thiển, đơn giản, siêu hình. Mặt khác, từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy tâm triết học là sự phát triển một chiều, cường điệu (thổi phồng, xa cách) của một trong những đặc điểm, diện mạo, khía cạnh của kiến ​​thức thành một thứ tuyệt đối, bị tách rời khỏi vật chất, khỏi tự nhiên, và được sùng bái. Chủ nghĩa duy tâm là chủ nghĩa thần bí của giáo sĩ. Đúng vậy. Nhưng chủ nghĩa duy tâm triết học còn là … một con đường dẫn tới chủ nghĩa thần bí của giáo sĩ thông qua một trong những sắc thái của kiến ​​thức vô cùng phức tạp (biện chứng) của con người. Kiến thức của con người không phải (hoặc không đi theo) một đường thẳng, mà là một đường cong, gần như vô tận với một loạt các vòng tròn, đường xoắn ốc. Bất kỳ đoạn, khúc hay phần nào của đường cong này có thể được chuyển đổi (biến đổi một chiều) thành một đường thẳng độc lập, hoàn chỉnh, mà sau đó…dẫn tới vũng lầy, vào chủ nghĩa thần bí của giáo sĩ (nơi nó được neo lại bởi lợi ích giai cấp của các giai cấp thống trị). Thẳng và một chiều, xơ cứng và hóa đá, chủ nghĩa chủ quan và mù quáng chủ quan-và đây nhận thức luận là gốc rễ của chủ nghĩa duy tâm. [Chủ nghĩa duy tâm triết học] chắc chắn là một bông hoa không hoài nghi, nhưng là một bông hoa không hoài nghi mọc trên cây sống, màu mỡ, chân thật, mạnh mẽ, toàn năng, khách quan và tuyệt đối của con người. (Lênin:Với câu hỏi về biện chứng pháp, tr. 361.)

Bằng cách nói rằng các giới tính và ham muốn tình dục là được dựng lên, Lý thuyết Queer bị vướng vào mâu thuẫn. Bởi vì câu hỏi hợp lý tiếp theo là, tại sao một cách chính xác nam và nữ lại kết tinh thành những phạm trù mà qua đó con người bị tách rời và áp bức. Ở điểm này, nó đi sâu vào các nghiên cứu phân tâm học và nhân học, các “quy luật” khác nhau tùy từng trường hợp: Loạn luân; ngôn ngữ; phức cảm Oedipus và sự đố kỵ dương vật; và ảnh hưởng còn sót lại của việc trao đổi phụ nữ trong các xã hội lịch sử, đã tạo ra giới và “dị tính bắt buộc” (là một thuật ngữ thường được sử dụng trong Lý thuyết Queer. Được đặt ra vào năm 1980, nó lập luận rằng dị tính là một thể chế được dựng nên bởi xã hội, tương tự như phân biệt chủng tộc.). Làm thế nào dị tính và đồng tính luyến ái có thể tồn tại trong thế giới động vật, vốn không biết ngôn ngữ và làm thế nào có những xã hội không có điều cấm kỵ loạn luân được đặt ra chỉ là hai trong số rất nhiều câu đố trong dòng tranh luận này. Đối mặt với thực tế, Lý thuyết Queer không có khả năng giải thích nó và chỉ biết ném nó vào tường. Như một câu trả lời cho câu hỏi “tại sao chính xác là đàn ông và đàn bà?” Butler chốt lại:

“Chúng ta đã coi cấm kỵ loạn luân và cấm kỵ trước đây đối với đồng tính luyến ái là những khoảnh khắc sinh ra bản sắc giới, những điều cấm kỵ tạo ra bản sắc dọc theo mạng lưới nhận thức văn hóa của một người theo dị tính bắt buộc và lý tưởng. Sự tạo dựng mang tính gò bó về giới đem lại một sự ổn định giả dối về giới vì lợi ích cho cấu trúc dị tính và điều hòa tính dục trong phạm vi của sự sinh sản.” ( GT , trang 172)

Và sau tất cả những cuốn sách và bản văn để giải thích cho chúng ta bằng thứ ngôn ngữ tối mù rằng giới tính là hư cấu và là một công trình văn hóa, theo cách đáng xấu hổ và che giấu, tự nhiên bon chen trở lại: đó là sinh sản hữu tính thứ quyết định giới.

Các nhà Marxist thừa nhận rằng có giới tính, và những giới tính này cho phép con người có khả năng sinh sản. Nhìn chung, phần lớn loài người có thể được chỉ định cho một giới tính, nam hoặc nữ. Trong phép biện chứng, có một thứ được gọi là “bước nhảy định tính”, một điểm mà ở đó sự thay đổi dần dần về lượng dẫn tới sự thay đổi về chất. (Một ví dụ thường được sử dụng là nước sôi, sau khi tích tụ một “lượng” nhiệt nhất định, biến thành hơi). Với con người cũng vậy, có một số yếu tố kết hợp lại với nhau, cho phép chúng ta nói rõ rằng một người là nam hay là nữ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chỉ có đàn ông và đàn bà. Ngoài ra còn có liên giới tính. Và cũng có những người chuyển giới có bản sắc giới không tương hợp với cơ quan sinh sản của họ và những người không nhị phân, không phải nam cũng không phải nữ. Sẽ là vô lý khi kết tội rằng họ có “ý thức sai lầm” chỉ bởi vì danh tính của họ không phù hợp với cơ quan sinh sản của họ. Bản sắc của một người là một thứ rất phức tạp được tạo thành từ sự kết hợp của những yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội – mà cuối cùng tất cả đều có thể được giải thích về mặt vật chất. Mặc dù thực tế là ý thức của chúng ta, bộ não con người, chưa có sự khám phá đầy đủ về mặt khoa học để xác định được ở mức độ nào mà các yếu tố tạo nên bản sắc giới của chúng ta, nhưng điều đó không cho chúng ta bất kỳ lý do nào để tuyên bố chúng là một “tiểu thuyết văn hóa” thuần túy không liên quan gì tới cơ thể chúng ta.

Trái lại, sự mô tả bản sắc như cấu trúc văn hóa này làm mờ đi những vấn đề rất thực tế của nhiều người chuyển giới trong cuộc đấu tranh của họ để có thể tiếp cận với phẫu thuật xác định lại giới tính hoặc liệu pháp hormone. Những nhu cầu hoàn toàn thực tế, chẳng hạn như quyền phá thai cho phụ nữ, các sản phẩm vệ sinh miễn phí hoặc thuốc đặc trưng cho giới (phụ khoa) không thể được tranh luận bởi cả hai.

Diễn ngôn mạnh mẽ của quyền lực

Nếu chúng ta giả sử như là Lý thuyết Queer đúng đi, và giới tính và tình dục là những cấu trúc văn hóa thì chúng ta phải thắc mắc thêm rằng: làm thế nào mà công trình này xuất hiện, và tại sao?

Judith Butler đã cười mỉa Friedrich Engels và các nhà nữ quyền xã hội chủ nghĩa khi họ cố gắng “xác định những khoảnh khắc của các cấu trúc trong lịch sử văn hóa nơi thiết lập nên hệ thống phân cấp giới.” Bản thân Butler tin rằng các xã hội trong quá khứ nơi không có sự áp bức phụ nữ là “những sự giả mạo tự biện.” ( Rắc rối giới tính, trang 46) Những xã hội như vậy đã được chứng minh là thực sự tồn tại và điều ấy chỉ cho thấy sự thiếu hiểu biết của cô ấy đối với thực tế và sự bác bỏ lịch sử từ cô.

Mặc dù cách giải thích Marxist là quá “đơn giản” hóa trong mắt của Lý thuyết Queer, nó đưa ra những lời giải thích khác cho việc “xây dựng” sự áp bức trong xã hội, vốn được cho là bắt nguồn từ các mối quan hệ và cấu trúc quyền lực đa tầng, nhiều mặt và phức tạp trong xã hội.

Khái niệm quyền lực mà Lý thuyết Queer tán thành được vay mượn từ nhà triết học người Pháp Michel Foucault (1926-1984), người trong giới học thuật đôi khi được coi là người kế thừa hoặc là người “nâng cao” cái mà họ gọi là “chủ nghĩa Marx chính thống”. Khi còn là học trò của Louis Althusser, ông đã đi vào quỹ đạo của Đảng Cộng sản Pháp (PCF) một thời gian và là một thành viên (không hoạt động) từ 1951-1952, và không bao giờ nghiên cứu về chủ nghĩa Marx (như chính ông thừa nhận: “Đối với nhiều người trong chúng ta, những trí thức trẻ, một mối quan tâm đến Nietzsche hoặc Bataille không đại diện cho một sự xa rời bản thân khỏi chủ nghĩa Marx hay chủ nghĩa cộng sản. Thay vào đó, nó gần như là con đường duy nhất dẫn đến những gì là chúng ta, tất nhiên, cả mơ mộng hão huyền về chủ nghĩa cộng sản … Vì vậy, không hiểu rõ Marx, từ chối chủ nghĩa Hegel và cảm thấy không hài lòng với những hạn chế của chủ nghĩa hiện sinh, tôi quyết định gia nhập Đảng Cộng sản Pháp.” Michel Foucault (1981): Nhận xét về Marx. Cuộc trò chuyện với Duccio Trombadori. Semiotext (e), trang 50-51)

Khái niệm “quyền lực”, được đề xướng bởi Michel Foucault, là một nguyên lý trung tâm của Lý thuyết Queer / Hình ảnh: Flickr, Thierry Ehrmann.

Trong các sự kiện cách mạng vào tháng 5 năm 1968, Foucault đang giảng dạy tại một trường đại học ở Tunisia khi các cuộc biểu tình lớn của sinh viên đang diễn ra. Ông thấy nghĩa vụ của mình là giảng dạy một “cái gì đó mới mẻ” cho các sinh viên, theo lời ông, bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa Marx.

Sự phản bội lịch sử của cuộc tổng đình công và phong trào quần chúng ở Pháp dưới sự lãnh đạo của PCF và sự thất bại của cuộc cách mạng, ông coi đó là sai lầm của một “thứ chủ nghĩa Marx được cường điệu” trong nước vào thời điểm đó. Ông ta phân loại giai đoạn đấu tranh giai cấp khốc liệt này như một trò chơi ngôn ngữ, tìm kiếm từ vựng:

“Nghĩ lại thời kỳ đó, tôi sẽ nói rằng những gì sắp xảy ra chắc chắn không có lý thuyết riêng cho chính nó hay từ vựng riêng cho chính nó … Ý tôi là, sự phê phán chủ nghĩa Stalin, chính trị của Liên Xô, hay sự dao động của PCF trong những điều kiện nguy cấp, khi né tránh ngôn ngữ của quyền lực, là một hoạt động phức tạp tạo ra khó khăn.” ( Nhận xét về Marx, trang 110-111.)

Mặc dù có vai trò phản động trong phong trào thực sự và mặc dù thực tế là Foucault đã phát triển quan điểm của mình một cách có ý thức nhằm chống lại chủ nghĩa Marx, nhưng có ý kiến ​​trong giới đại học rằng ông có mối liên hệ với chủ nghĩa Marx và ý tưởng của ông là tiến bộ và là điểm kết nối tốt cho sự kháng cự.

Đối với Lý thuyết Queer, tác phẩm có ảnh hưởng nhất của ông là Lịch sử tình dục (1976), trong đó ông cố gắng theo dõi lịch sử của diễn ngôn về tình dục trong lịch sử đương đại và trong đó sự hiểu biết của ông về quyền lực đóng vai trò trung tâm. Theo Foucault (và lý thuyết Queer), sức mạnh thấm vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống và thể hiện chính nó trong các cặp đối lập: già – trẻ, đàn ông – đàn bà, đồng tính – dị tính, v.v … Điều này thường được miêu tả như là nỗi ám ảnh của phương Tây với nhị nguyên (các cặp đối lập), mà đã được phát minh ra bởi triết học phương Tây.

“Quyền lực”, theo khái niệm này, liên quan tới việc duy trì một nền tư pháp không công bằng, diễn ngôn khoa học – y tế của đàn ông và đàn bà, tôn giáo, cũng như các hệ thống giáo dục áp đặt. Nó hình thành nên lợi ích giai cấp của những kẻ cai trị, nam giới sẽ áp bức gia trưởng, cũng như đàn áp nhà nước. Nó cũng tạo ra các chuẩn mực và sự cấm đoán liên quan tới thực hành tình dục.

“Quyền lực pháp lý phải được phục hồi như một công trình được tạo ra bởi một thế lực rộng lớn, đến lượt nó, che giấu cơ chế hiệu suất của chính nó,” Butler nói. ( GT, trang 121.) Vì vậy: Quyền lực tạo ra quyền lực và sau đó che giấu sự thật rằng nó được tạo ra bởi quyền lực.

Nhưng quyền lực thậm chí còn mạnh mẽ hơn: nó không chỉ tạo ra sự áp bức mà còn cả sự kháng cự. Sự áp bức và sự phản kháng chỉ là một cặp đối lập nhị nguyên khác, giống như “người già – người trẻ” hay “đàn ông – đàn bà”, người được xây dựng nên bởi diễn ngôn. Quyền lực tạo ra diễn ngôn về sự nổi loạn, viễn tưởng rằng có thể làm gì đó chống lại những kẻ áp bức, ảo tưởng rằng có thể có một thế giới không có quyền lực. Từ logic này, Foucault đã đi xa đến mức phân tích về sự sụp đổ của các chế độ quân chủ tuyệt đối thông qua các cuộc cách mạng tư sản như kết quả của một diễn ngôn quyền lực về công lý:

“Những hình thức vĩ đại này của quyền lực hoạt động như một nguyên tắc của quyền […] đó là ngôn ngữ của quyền lực, nó đại diện cho chính nó… Trong các xã hội phương Tây từ thời Trung cổ, việc thực thi quyền lực luôn được hình thành trong các điều khoản luật pháp. Một truyền thống có từ thế kỷ thứ mười tám hoặc mười chín thành thói quen với chúng ta là đặt quyền lực quân chủ tuyệt đối về phía kẻ bất hợp pháp.” ( Lịch sử tình dục , trang 87)

Thật nực cười và tầm thường hóa xiết bao là phân tích duy vật Marxist, thứ cho rằng sự xuất hiện của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã đảo ngược trật tự phong kiến ​​cũ! Không, đó là “truyền thuyết” thứ khiến chúng ta đột nhiên tin rằng chế độ quân chủ là bất công và lật đổ nó! Đây là kết quả của một lý thuyết xem lịch sử như là một công trình của các diễn ngôn.

Tuy nhiên, trong chu trình quyền lực tự tham chiếu này, không có văn bản Queer nào cung cấp cho chúng ta một lời giải thích mạch lạc rằng quyền lực thực sự là gì. Trong câu đầu tiên trong các bài giảng về quyền lực của mình, Foucault tuyên bố: “Sự phân tích các cơ chế quyền lực không phải là một lý thuyết chung về những gì tạo nên quyền lực.”

Để mang đến cho người đọc cảm giác về cách Foucault cố gắng hiểu thấu Quyền lực, chúng tôi sẽ trích nguyên văn lời của tác giả và xin thứ lỗi vì nó hơi dài dòng:

“Đối với tôi, dường như quyền lực phải được hiểu trong thí dụ đầu tiên như là vô số tương quan lực lượng nội tại trong phạm vi nơi chúng vận hành và tạo thành tổ chức của chính chúng; như quá trình, thông qua những cuộc đấu tranh và đối đầu không ngừng, biến đổi, củng cố hoặc đảo lộn chính chúng; như sự khuyến khích các tương quan lực lượng này tìm tới nhau, do đó tạo thành một chuỗi hoặc một hệ thống, hoặc ngược lại, những bất đồng và mâu thuẫn khiến chúng tách biệt với nhau; và cuối cùng, như các chiến lược mà trong đó chúng có hiệu lực, người phác họa khái quát hoặc kết tinh hóa thể chế thể hiện trong bộ máy nhà nước, trong việc xây dựng luật, trong các quyền bá chủ xã hội khác nhau. Điều kiện khả thi của quyền lực … không nhất thiết được tìm thấy trong sự tồn tại căn bản của một điểm trung tâm, trong một nguồn gốc duy nhất của quyền tối cao… đó là nền tảng chuyển động của các mối tương quan lực lượng, nhờ vào sự bất bình đẳng của chúng, liên tục gây ra các trạng thái quyền lực, nhưng sau này luôn luôn cục bộ và không ổn định. Sức mạnh toàn năng: … bởi vì nó được tạo ra từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, tại mọi thời điểm, hay đúng hơn là trong mọi mối quan hệ từ điểm này đến điểm khác. Quyền lực ở khắp mọi nơi; không phải vì nó ôm ấp mọi thứ, mà vì nó đến từ mọi nơi … Quyền lực không phải là một tổ chức, và không phải là một cấu trúc; đó cũng không phải là một sức mạnh nhất định mà chúng ta được ban tặng; đó là cái tên mà một người gán cho một tình huống chiến lược phức tạp trong một xã hội cụ thể.” (Lịch sử tình dục , tr. 92-93.)

Chúa ơi! Không có gì đáng ngạc nhiên khi Foucault đã viết Lịch sử tình dục dưới tác động của chuyến du ngoạn LSD. Engels đã từng viết rằng các nhà khoa học, bất cứ khi nào họ không hiểu được một hiện tượng, có xu hướng phát minh ra một “lực lượng” mới dùng để giải thích:

“Để tiết kiệm phải đưa ra căn nguyên thực sự của sự thay đổi mang lại bởi một chức năng của cơ cấu tổ chức của chúng ta, chúng ta chế tạo một căn nguyên hư cấu, cái gọi là lực lượng tương đồng với sự thay đổi. Sau đó, chúng ta cũng mang phương pháp thuận tiện này ra thế giới bên ngoài, và vì vậy phát minh ra nhiều lực lượng như thể có nhiều hiện tượng đa dạng.” ( Phép biện chứng tự nhiên , ch.3)

Đây là một mô tả rất thích hợp về những gì là “quyền lực” và “các mối tương quan lực lượng” đối với Foucault và Lý thuyết Queer. Quyền lực là một thực thể hoàn toàn giống như Thiên Chúa, thứ diễn tả mọi thứ, rằng trong một khoảnh khắc sẽ tạo ra các diễn ngôn và tiếp theo chính nó là một sản phẩm của diễn ngôn. Đó là tinh thần toàn diện mà không ai có thể trói buộc chúng ta mãi mãi – sau tất cả, chúng ta cũng là những người tạo thành quyền lực! Sự phi lý của ảo mộng quyền lực này cho thấy thế nào là chủ nghĩa duy tâm, dù nó hiện đại đến đâu, cho tới cùng luôn dẫn đến chủ nghĩa thần bí tôn giáo, như Lenin nói. Và cuối cùng: cái gì đó là tất cả, một sự tồn tại không mâu thuẫn và đối kháng luôn luôn, đến cuối cùng chỉ là … không có gì.

Lý thuyết Queer đi sâu hơn vào câu hỏi về các mặt đối lập “nhị nguyên”, mà nó coi là một vấn đề cơ bản cần phải giải quyết. Nhưng nhị nguyên (hoặc đối lập như những người Marxist sẽ gọi chúng) là những phần nội tại của tự nhiên. Nhà triết học Hy Lạp Heraclitus đã từng viết rằng “có sự hài hòa trong xung đột, như cây cung và đàn lia”. Nóng và lạnh, lực hút và lực đẩy; phương bắc và phương nam, dương và âm, cũng như nam và nữ, đều là những ví dụ về sự thâm nhập và thống nhất của các mặt đối lập, là cơ sở của mọi thay đổi trong tự nhiên, và thay đổi là phương thức tồn tại của tự nhiên. Muốn biến mất giới tính đực và cái cũng giống như muốn biến mất cực nam, hoặc không khí lạnh. Trớ trêu thay, chính các nhà lý thuyết Queer dường như quên mất rằng muốn biến mất các nhị nguyên trong chính nó là một “đối lập nhị nguyên” của trạng thái nhị nguyên hiện tồn của sự vật.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận