Phụ nữ, giai cấp và chính trị bản sắc
Phụ nữ, giai cấp và chính trị bản sắc
Martha E. Gimenez
Những suy ngẫm về chủ nghĩa vị nữ và tương lai của nó
____________________________________________________________________
Bao giờ cũng cần phân biệt cuộc đảo lộn vật chất trong những điều kiện kinh tế của sản xuất [và tôi bổ sung thêm là tái sản xuất – Gimenez] …
với những hình thái tư tưởng trong đó con người ý thức được cuộc xung đột ấy và đấu tranh để giải quyết cuộc xung đột ấy.
—Karl Marx1
I
Trong bài báo được tôn vinh một cách chính đáng vào năm 1969, “Nền kinh tế chính trị của sự giải phóng phụ nữ”, Margaret Benston đã trình bày rõ ràng một số chủ đề và các góc nhìn về lý thuyết vị nữ, đặc biệt là những lý thuyết được phát triển bởi các nhà vị nữ theo chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa và Marxist. Ví dụ, bà đã xác định được cơ sở vật chất của địa vị thứ yếu của phụ nữ, và giải thích rằng cơ sở này nằm trong trách nhiệm tạo ra các giá trị sử dụng chỉ được tiêu dùng trong gia đình, và cả trong sự phụ thuộc kinh tế của họ vào người trụ cột trong gia đình là nam giới. Ngoài ra, bà cũng phân tích ảnh hưởng của trách nhiệm chăm sóc gia đình đến cơ hội của phụ nữ, cũng như các điều kiện vật chất để giải phóng phụ nữ, bao gồm bình đẳng trong cơ hội việc làm và chấm dứt tính chất riêng tư của công việc nội trợ và nuôi dạy con cái.2
Là một sinh viên sau đại học vào cuối những năm 1960, tôi đã phải vật lộn để hiểu được quan điểm cho rằng phụ nữ bị áp bức vì họ là phụ nữ và rằng đàn ông hay chế độ phụ hệ là nguồn gốc của sự áp bức họ, vì lúc đó tôi thấy ý tưởng rất lạ.3 Ngược lại, quan điểm của Benston cho rằng nguyên nhân dẫn đến địa vị thứ yếu của phụ nữ là một nguyên nhân mang tính cấu trúc bắt nguồn từ nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thì lại có lý đối với tôi. Nó cho thấy cách nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã đặt nam giới và phụ nữ thuộc tầng lớp lao động vào các vị trí khác nhau trong hệ thống như thế nào, trong điều kiện việc tổ chức tái sản xuất xã hội và sinh học vẫn còn ở “giai đoạn tiền thị trường”. Tôi suy luận rằng điều này đã mang lại cho một số đàn ông quyền lực lên phụ nữ. Người lao động nam phải kiếm tiền để tồn tại về mặt kinh tế, trong khi người lao động nữ, dù đã kết hôn hay chưa lập gia đình, về mặt lý thuyết có thể làm việc để kiếm tiền hoặc làm việc tại nhà – công việc thường không được trả lương và phụ thuộc vào tiền lương của chủ hộ nam.4 Theo một cách khái quát, dưới chủ nghĩa tư bản, việc trở thành người giúp việc không được trả lương là một cách thay thế việc làm công ăn lương.5 Khi nhìn lại bài viết của Benston, tôi có thể nói rằng những suy nghĩ của tôi về sự áp bức phụ nữ và việc khái niệm hóa thứ mà vào đầu những năm 1970 tôi gọi là phương thức tái sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của Benston về “định nghĩa cơ cấu về phụ nữ” và hộ gia đình như một nơi sản xuất và tái sản xuất.6
II
Trong suốt 50 năm kể từ khi tác phẩm quan trọng này được xuất bản, tư tưởng vị nữ đã phát triển theo nhiều hướng khác nhau, được thúc đẩy bởi những thách thức từ bên trong hàng ngũ của nó, cũng như những thay đổi trong điều kiện lịch sử, nơi nảy sinh ra các cuộc đấu tranh và ý tưởng vị nữ. Từ giữa những năm 1960 đến những năm 70, lấy cảm hứng từ phong trào đấu tranh giành quyền cho phụ nữ, các lý thuyết vị nữ và các tuyên ngôn giải trình các nguyên do khác nhau về sự áp bức phụ nữ đã phát triển mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và các nơi khác. Những nguyên do này bao gồm các lý thuyết về chế độ phụ hệ (chủ nghĩa vị nữ cấp tiến); sự tương tác giữa chế độ phụ hệ và chủ nghĩa tư bản (chủ nghĩa vị nữ xã hội chủ nghĩa); và chủ nghĩa tư bản với vai trò vừa là một hệ thống quan hệ sản xuất mang tính bóc lột, và vừa là một hệ thống tái sản xuất mang tính áp bức (chủ nghĩa vị nữ Marxist). Những lý thuyết ban đầu này đã và đang có giá trị về học thuật và chính sách. Chúng cũng có tác dụng tư tưởng rộng hơn, bao gồm nâng cao nhận thức của mọi người về nhiều khía cạnh của sự áp bức phụ nữ và truyền cảm hứng cho họ tổ chức và đấu tranh để thay đổi tiến trình lịch sử.
Nhờ thành công của các cuộc đấu tranh của phe tự do, cơ hội của phụ nữ ngày càng mở rộng; ngày nay có nhiều phụ nữ hơn trong các lĩnh vực như kinh doanh, chính trị, giáo dục đại học, cũng như các ngành nghề và nghề nghiệp khác mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Chủ nghĩa vị nữ xã hội chủ nghĩa và vị nữ Marxist thì đã làm sáng tỏ bản chất của sự áp bức phụ nữ ở nhà và nơi làm việc. Văn hoá đại chúng giờ đã phổ biến hoá các khía cạnh áp bức của thị trường lao động phân biệt giới tính và ca làm đôi, một khái niệm thể hiện sự xung đột dai dẳng giữa công việc của phụ nữ và trách nhiệm quan trọng của họ trong việc thực hiện công việc nội trợ và nuôi dạy con cái. Dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng đã trở thành một mục tiêu chính trị được công nhận chính thức. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc cuối cùng đã được công nhận là một hình thức phân biệt giới tính. Và như phong trào #MeToo cho thấy, phụ nữ đang chống trả. Tuy nhiên, mặc dù đã thu hẹp so với thời kỳ trước, khoảng cách giữa thu nhập và sự linh hoạt trong việc chuyển nghề nghiệp giữa nam và nữ vẫn tồn tại. Sự đóng góp to lớn của phụ nữ cho nền kinh tế tư bản thông qua lao động không được trả lương trong gia đình vẫn chưa được công nhận. Trong khi đó, cuộc đấu tranh giành quyền sinh sản vẫn tiếp tục, khi mà các chính trị gia kiên trì đề xuất và thường xuyên thông qua các luật nhằm hạn chế phụ nữ tiếp cận các biện pháp tránh thai và phá thai trong khi lén lút nhằm kiểm soát tính dục của họ.7
III
Việc đấu tranh chống sự áp bức phụ nữ (thứ đã trở thành một mục tiêu theo đuổi học thuật và chính trị) từ lâu đã là nguồn gốc của sức mạnh và sự hấp dẫn của chủ nghĩa vị nữ. Tất nhiên, nó cũng đã mang lại nhiều lý thuyết và quan điểm khác nhau.8 Điều này đã tạo ra những thay đổi liên tục về khái niệm trong một chủ nghĩa vị nữ luôn tiến hoá, chẳng hạn như sự chuyển đổi từ phụ nữ sang giới tính và từ bất bình đẳng sang khác biệt. Nó cũng liên quan đến sự chuyển đổi từ việc phân tích những trải nghiệm chung của phụ nữ – vừa bị áp bức ở nhà và nơi làm việc, trong khi vừa phải giải quyết các yêu cầu mâu thuẫn của cả hai – sang việc phân tích ý nghĩa của tuyên bố rằng, trong khi giới tính có thể là nguồn áp bức chính đối với người da trắng, phụ nữ dị tính, phụ nữ trung lưu, phụ nữ có những đặc điểm và trải nghiệm khác nhau cũng bị ảnh hưởng bởi các hình thức áp bức khác.9
Những giọng nói có ảnh hưởng nhất đến từ các nhà vị nữ da đen và những phụ nữ da màu khác, dẫn đến khung phân tích chủng tộc, giới tính và giai cấp mà cuối cùng được kết tinh thành thuyết giao thoa. Điều quan trọng không kém là khung phân tích tái sản xuất xã hội. Khung phân tích này mặc dù dựa trên chủ nghĩa nữ quyền của chủ nghĩa Marx nhưng đã mở rộng chủ đề của nó ra ngoài trọng tâm ban đầu là sự áp bức phụ nữ.
Mục đích của tôi trong bài tiểu luận này là đưa ra một số suy nghĩ về mối quan hệ giữa những quan điểm này và chủ nghĩa vị nữ Marxist. Liệu những quan điểm này có củng cố sự độc đáo về mặt lý thuyết và tính phù hợp về mặt chính trị của chủ nghĩa vị nữ Marxist không? Hay những quan điểm này đã đặt nó vào một địa hình lý thuyết khác? Tôi tin rằng trường hợp sau là đúng, vì thuyết giao thoa tự lồng chính nó vào thuyết phân tầng xã hội, và tái sản xuất xã hội có thể đề cập đến nhiều hiện tượng ở cấp độ vĩ mô (tái sản xuất lực lượng lao động, cơ cấu giai cấp, quan hệ áp bức, quan hệ sản xuất, v.v.) ngoài tái sản xuất sinh học và tái sản xuất sức lao động. Tôi cho rằng một cách khả thi để biến chủ nghĩa vị nữ Marxist thành một quan điểm lý thuyết và phù hợp về mặt chính trị đặc trưng có thể là quay trở lại vấn đề giai cấp, theo nghĩa Marxist. Có thể làm được điều này bằng cách xem xét lại về mặt lý thuyết những mối quan hệ giữa giai cấp và áp bức, đặc biệt là sự áp bức nữ lao động, trong các hình thái xã hội tư bản chủ nghĩa. Điều này đòi hỏi phải có một phân tích mang tính cấu trúc về sự áp bức, theo nghĩa của Benston. Điều này có nghĩa là phải tìm kiếm nền tảng vật chất cụ thể về mặt lịch sử của mọi hình thức áp bức trong sự phát triển và vận hành của chủ nghĩa tư bản.
IV
Phong trào giải phóng phụ nữ là một phần trong tổng thể các phong trào xã hội vào những năm 1960 và 70, khi mọi người tổ chức các phong trào dựa trên cơ sở giới tính (giải phóng phụ nữ), tuổi tác (phong trào Báo Xám), tính dục (giải phóng đồng tính), sắc tộc (người Mỹ gốc Mexico, người Mỹ gốc Á) và chủng tộc (các nhà vị nữ da đen, phong trào Báo Đen). Các hình thức ý thức, sản xuất trí tuệ và chính trị của các phong trào xã hội dựa trên bản sắc đó đều có nền tảng là kinh nghiệm vật chất của các nhà hoạt động và học giả tham gia các phong trào này. Họ bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chính trị, tư tưởng và xã hội của Hoa Kỳ, một nền xã hội mà ở đó, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông, dữ liệu điều tra dân số và khoa học xã hội về các hiện tượng xã hội thường được trình bày và thảo luận mà không bao gồm vấn dề giai cấp. Do đó, điều này dẫn tới xu hướng nhận thức đã đánh tráo tác động của giai cấp với tác động của giới tính, chủng tộc, sắc tộc và các hình thái áp bức khác.10 Thật không may, vấn đề giai cấp ngày nay thường không xuất hiện trong vốn từ vựng của hầu hết mọi người và cả diễn ngôn chính trị chính thống, phong trào lao động cũng không có tổ chức và đại diện chính trị, và nhiều thành phần trong cánh tả thường đọc Marx theo những cách đọc theo chủ nghĩa duy tâm.11
Phụ nữ da màu, bằng nhận nhận thức sâu sắc của họ về sự khác biệt giữa trải nghiệm bị áp bức của họ và trải nghiệm của những người vị nữ da trắng, đã đưa ra những lời phê bình dẫn tới sự phát triển của các khuôn khổ phân tích nói trên. Họ làm được điều này bằng cách viết về sự diễn ra đồng thời của “áp bức chủng tộc, tính dục, dị tính và giai cấp” trong bối cảnh của “các hệ thống áp bức lồng vào nhau”, mà sau này được gọi là tính giao thoa.12 Khái niệm này và những quan sát quan trọng khác không chỉ giúp xác định các lực lượng áp bức ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ nữ da màu. Hơn cả, chúng còn kêu gọi sự chú ý đến mối quan hệ giữa sự phân tầng xã hội và sự áp bức, đã được chứng minh qua những ảnh hưởng của nó tới cuộc sống và bản sắc của mọi người.13
Vì thuyết giao thoa được coi là một lý thuyết vị nữ quan trọng, sự áp bức phụ nữ phải nằm ở trung tâm của nó. Tuy nhiên, phạm trù rộng của nó—”các hệ thống áp bức đan xen” dẫn đến “bản sắc phức tạp”—tạo ra một số sự mơ hồ trong chủ thể của nó. Lý do là bởi vì nó tác động (với độ nghiêm trọng khác nhau) tới tất cả mọi người: đàn ông và phụ nữ, người da trắng và không phải da trắng, công dân và người không phải công dân, người nhập cư và bản địa, vân vân. Trong tác phẩm Marx, Women and Capitalist Social Reproduction (Marx, Phụ nữ và sự tái sản xuất xã hội tư bản chủ nghĩa), tôi cho rằng nếu hiểu theo nghĩa hẹp, chủ thể của thuyết giao thoa là sự áp bức những phụ nữ có bản sắc phức tạp, mặc dù ngoài những “phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội” thì nó cũng áp dụng cho “những người đàn ông đôi khi bị gạt ra ngoài lề xã hội”.14 Thuật ngữ bị gạt ra ngoài lề xã hội hàm ý tình trạng nghèo đói và cận nghèo, và nằm ở đáy của chuỗi hệ thống áp bức—do đó loại trừ phụ nữ chiếm các vị trí trung lưu và có đặc quyền trong các hệ thống đó. Vậy liệu thuyết giao thoa có thể coi là một lý thuyết vị nữ trong khi loại trừ một tỷ lệ lớn dân số nữ không? Tuy nhiên, đồng thời, nếu thuyết giao thoa áp dụng cho tất cả mọi người – vì mọi người đều nằm trong hệ thống phân tầng xã hội và trong các mối quan hệ áp bức, và một tỷ lệ đáng kể dân số nam nằm ở tầng lớp dưới cùng – thì sẽ hợp lý khi xem nó như một tiếp cận nghiên cứu sự phân tầng xã hội và những tác động áp bức của nó, hơn là một lý thuyết vị nữ.15
Chủ thể của lý thuyết tái sản xuất xã hội cũng mơ hồ. Giống như thuyết giao thoa, tái sản xuất xã hội cũng được coi là một lý thuyết vị nữ, nhưng trong các phiên bản hiện tại, phạm vi của nó vượt ra ngoài sự áp bức phụ nữ và tái sản xuất sức lao động, và bao gồm việc tái tạo các điều kiện tự nhiên và xã hội để tái sản xuất chủ nghĩa tư bản.
V
Các nhà vị nữ Marxist ban đầu đã đưa ra giả thuyết về thành quả của công việc nội trợ mà phụ nữ đảm đương và việc sản xuất các giá trị sử dụng—tức tái sản xuất sức lao động—và tranh luận về bản chất của mối quan hệ giữa lao động nội trợ, mức lương của nam giới và việc sản xuất giá trị thặng dư.16 Đây là lý do tại sao, nếu so sánh với suy nghĩ hiện nay về tái sản xuất xã hội, các lý thuyết vị nữ Marxist thời kỳ đầu có thể được xếp vào loại lý thuyết tái sản xuất xã hội. Phạm vi tái sản xuất xã hội ngày nay đòi hỏi nhiều điều hơn là tái sản xuất sinh học, tái sản xuất sức lao động và mạng lưới các tổ chức xã hội ngoài hộ gia đình góp phần tái sản xuất sức lao động (chẳng hạn như hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe). Ví dụ, nó bao gồm sự tái sản xuất dân số, các tầng lớp xã hội, các quan hệ sản xuất, lực lượng lao động, các tầng lớp và quan hệ áp bức khác nhau (giới tính, tuổi tác, chủng tộc, dân tộc, nguồn gốc quốc gia, tôn giáo, v.v.) của hệ thống phân tầng xã hội, thứ tác động tới tất cả mọi người, bất kể họ thuộc thành phần nào của xã hội.17 Do việc tái sản xuất sức lao động và các hệ thống phân tầng xã hội có chức năng phản ánh và giả định sự thay đổi của các điều kiện vĩ mô về kinh tế, chính trị, pháp lý và tư tưởng, điều này cũng có nghĩa là tái sản xuất xã hội cũng là sự tái sản xuất các hình thái xã hội nói chung.
Các nhà vị nữ tái sản xuất xã hội nhấn mạnh sự tích hợp giữa sản xuất đồ vật và sản xuất sự sống, từ đó lập luận rằng sản xuất thặng dư và tích lũy tư bản đòi hỏi phải tái sản xuất sức lao động và do đó, “tái sản xuất xã hội là trung tâm của cuộc đấu tranh giai cấp”.18 Về nguyên tắc, tôi đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng sự phân biệt của Marx giữa các yếu tố xuyên lịch sử và lịch sử của tổ chức xã hội, tôi lập luận rằng tái sản xuất xã hội được lý thuyết hóa tốt nhất trong bối cảnh lịch sử của nó: “Nếu sản xuất có hình thức tư bản thì tái sản xuất cũng vậy.”19 Đây là lý do tại sao tôi gọi quan điểm của mình về sinh sản là tái sản xuất xã hội tư bản chủ nghĩa. Tôi cũng cho rằng “trong các hình thức xã hội nơi chủ nghĩa tư bản là phương thức sản xuất thống trị, các cơ cấu, quá trình và mâu thuẫn của phương thức sản xuất có chức năng quyết định cách thức tổ chức xã hội (tức là thiết lập các giới hạn lịch sử cho tính biến đổi của nó) và cơ sở vật chất của phương thức tái sản xuất phù hợp với các giai cấp và tầng lớp xã hội trong các giai cấp”.20
Mối quan hệ giữa sản xuất và tái sản xuất trong chủ nghĩa tư bản vốn có tính chất mâu thuẫn, vì việc tái sản xuất của giai cấp công nhân phụ thuộc vào quyền lực, lợi ích và sự tái sản xuất của giai cấp tư bản.21 Những mâu thuẫn tư bản liên tục thay đổi khả năng tiếp cận các điều kiện tái sản xuất của các thành phần khác nhau của giai cấp công nhân thông qua nhiều cơ chế nhằm tăng lợi nhuận và giảm chi phí lao động. Đây là lý do tại sao tôi thích nói rằng sự tồn tại về mặt kinh tế và xã hội của giai cấp công nhân là trung tâm của cuộc đấu tranh giai cấp. Đóng góp quan trọng của lý thuyết tái sản xuất xã hội là chỉ ra rằng các cuộc đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh của người lao động để tiếp cận các điều kiện vật chất và xã hội cần thiết cho sự tồn tại và tiến bộ về kinh tế và xã hội, và giai cấp công nhân cấu thành nên đa số lực lượng lao động.22 Như Immanuel Wallerstein đã nhận xét, bởi vì “những “nhóm người”—các chủng tộc, các quốc gia, các nhóm dân tộc—có mối tương quan rất chặt chẽ, mặc dù không hoàn hảo, với ‘giai cấp khách quan’…một tỷ lệ rất cao của hoạt động chính trị dựa trên giai cấp trong thế giới hiện đại đã thực hiện dưới hình thức hoạt động chính trị lấy con người làm trung tâm [phụ nữ, nhóm thiểu số, người nhập cư, v.v.].”23
VI
Sự chồng chéo giữa lý thuyết vị nữ Marxist thời kỳ đầu và định nghĩa hẹp của lý thuyết tái sản xuất xã hội là rõ ràng, nhưng khoảng cách sẽ trở nên nhỏ hơn khi phạm vi của lý thuyết tái sản xuất xã hội được mở rộng. Tuy nhiên, từ quan điểm của hầu hết các tư duy hiện nay về tái sản xuất xã hội, các lý thuyết vị nữ Marxist ban đầu còn thiếu sót vì chúng diễn ra trong một khuôn khổ hạn chế, ưu tiên các phạm trù giai cấp và giới tính, nghiên cứu chúng “tách biệt khỏi chủng tộc, tình dục, chủ nghĩa thực dân và các yếu tố cấu thành quan hệ khác”, trong khi bỏ qua “sự phức tạp đa diện của các mối quan hệ trong thế giới thực và các cuộc đấu tranh chính trị…[nơi] áp bức chủng tộc giao thoa với các hình thức thống trị về giới và bóc lột giai cấp”.24
Tôi hoàn toàn không đồng ý với đánh giá này. Các nhà vị nữ Marxist đã đưa ra giả thuyết rõ ràng về sự liên kết giữa các mối quan hệ tư bản và cơ sở cấu trúc của sự áp bức phụ nữ. Công trình của họ làm sáng tỏ những tác động của chủ nghĩa tư bản lên vị trí kinh tế và xã hội của phụ nữ, cũng như tầm quan trọng của công việc nội trợ, đồng thời không loại trừ rằng các mối quan hệ áp bức khác có thể được tính đến trong bối cảnh nghiên cứu thực nghiệm trong “thế giới thực”, tức là trong các hình thái xã hội tư bản chủ nghĩa, trong đó ghi nhận sự áp bức thuộc địa-đế quốc và chủng tộc.
Nơi mà các nhà phê bình nhìn thấy điểm yếu trong lý thuyết vị nữ Marxist thì tôi nhìn thấy sức mạnh. Các nhà vị nữ Marxist ban đầu đã xem xét mối quan hệ giữa cách thức hoạt động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và cách thức tổ chức sự tái sản xuất sinh học và xã hội trong tư bản, cũng như là xem xét tác động của chúng để xác định các điều kiện vật chất đã dẫn tới địa vị thấp kém của phụ nữ trong các hình thái xã hội tư bản chủ nghĩa.25 Nhận thức cho rằng chủ nghĩa vị nữ Marxist “ưu tiên” giới tính để loại trừ các hình thức áp bức khác không tính đến tầm quan trọng của việc phân biệt giữa các cấp độ phân tích. Ở cấp độ phân tích hình thái xã hội tư bản chủ nghĩa (chẳng hạn như Hoa Kỳ, Pháp, Uruguay, v.v.), trải nghiệm bị áp bức của phụ nữ rất khác nhau. Trong cấp độ phân tích này, các nhà khoa học xã hội Marxist nghiên cứu tác động của quan hệ giai cấp, phân tầng xã hội và quan hệ xã hội áp bức, hoặc những gì những người ủng hộ thuyết giao thoa xác định là “trục áp bức” và “bản sắc phức tạp”. Ngược lại, các phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là cấp độ phân tích mà các nhà vị nữ Marxist thời kỳ đầu đã sử dụng để phát triển lý thuyết của họ về cách mà các điều kiện vật chất mang tính cấu trúc của chủ nghĩa tư bản đã làm nền tảng cho địa vị phụ thuộc của phụ nữ, bất kể sự khác biệt về bản sắc cá nhân và vị trí của họ trong cấu trúc giai cấp và hệ thống phân tầng xã hội.
Trong khi chủ nghĩa vị nữ Marxist đã bị chỉ trích vì “ưu tiên” cho giai cấp quá nhiều, tôi cho rằng nó chưa “ưu tiên” cho giai cấp đủ mức. Các lý thuyết vị nữ Marxist nắm bắt được bản chất của các điều kiện vật chất ảnh hưởng đến hầu hết nữ lao động, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng được nêu rõ ràng, từ đó tạo nên nhận thức rằng chúng mang tính khái quát hóa quá mức. Tuyên bố của Benston rằng “ngoại trừ những người rất giàu có thể thuê người giúp việc, hầu hết tất cả các phụ nữ đều phải làm công việc nội trợ ở mức tối thiểu không thể giảm bớt để chăm sóc nhà cửa, chồng và con cái,” đã chỉ ra số phận của hầu hết phụ nữ không có tài sản dưới chủ nghĩa tư bản ở cấp độ phân tích về mối liên hệ giữa chủ nghĩa tư bản và tái sản xuất, .26 Tuy nhiên, trong các hình thái xã hội tư bản, phụ nữ không chỉ bị phân chia theo vị trí giai cấp (người sở hữu và không sở hữu tư liệu sản xuất) mà còn bởi vị trí của họ trong hệ thống phân tầng xã hội.
Những thông tin gián tiếp nhắc đến giai cấp, chẳng hạn như sự phân biệt giữa những người rất giàu và hầu hết những người khác, hoặc 1% hàng đầu và 99% còn lại, đã làm mờ đi bản chất của sự khác biệt giai cấp và sự tồn tại của sự khác biệt kinh tế xã hội ở trong giai cấp, vô tình góp phần vào sự nhầm lẫn về giai cấp đang được thấy ở Hoa Kỳ.
VII
Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế (trên toàn cầu và trong các hình thái xã hội tư bản) và những thay đổi trong khoa học xã hội với dòng tư tưởng vị nữ đang thừa nhận những hạn chế của việc phân tích một hoặc nhiều sự áp bức đồng thời mà lại không đề cập tới giai cấp. Về mặt lý thuyết, rất khó để hình dung mối quan hệ giữa giai cấp và áp bức trong bối cảnh việc tránh “chủ nghĩa giản lược giai cấp” thường dẫn đến việc nhầm lẫn giai cấp với thu nhập hoặc với tình trạng kinh tế xã hội. Một số sai lầm nữa bao gồm việc quy giai cấp thành một hệ tư tưởng (“chủ nghĩa giai cấp”), hoặc nhầm lẫn giữa giai cấp và áp bức, chẳng hạn như quan điểm cho rằng giai cấp mang tính chất “giới tính” hoặc “chủng tộc”. Quan trọng hơn, người ta hiếm khi thừa nhận rằng giai cấp và sự áp bức thuộc về hai cấp độ phân tích khác nhau: giai cấp là một trong những cấu trúc lâu dài của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, và tác động của nó được cảm nhận rõ ràng trong mọi hình thái xã hội tư bản. Mặt khác, bản sắc áp bức và quan hệ áp bức có nhiều biến đổi về mặt lịch sử, được xây dựng về mặt tư tưởng và chính trị để phù hợp với những nhu cầu kinh tế và chính trị đang thay đổi.27
Về mặt chính trị, vấn đề là làm thế nào để thúc đẩy sự thống nhất giai cấp và ý thức giai cấp trong một giai cấp công nhân bị chia cắt và làm suy yếu do tác động của sự thay đổi kinh tế và công nghệ, cũng như bởi chính trị bản sắc và chiến tranh văn hóa. Giải pháp đầu tiên có thể nằm trong việc “ưu tiên” giai cấp, khám phá ý nghĩa lý thuyết và chính trị của thực tế rằng tất cả những ai có thể được xác định dựa trên cơ sở địa vị xã hội – nghĩa là, các loại áp bức như giới tính, chủng tộc, dân tộc, nguồn gốc quốc gia, tình trạng công dân, tuổi tác, và tính dục—đều được phân chia theo giai cấp.28 Thứ hai, cần phải nhớ rằng các tầng lớp lao động bị phân mảnh không chỉ về giới tính, chủng tộc, sắc tộc, v.v. mà còn về trình độ học vấn, nghề nghiệp, thu nhập, nơi cư trú, tôn giáo, đảng phái chính trị, v.v, tức là về mặt phân tầng xã hội và kinh tế.
Ở cấp độ phân tích phương thức sản xuất, hầu hết mọi người, bất kể giới tính, chủng tộc, dân tộc và các đặc điểm cá nhân khác của họ là gì, đều thuộc tầng lớp lao động, cho dù họ có nhận thức được thực tế này hay không. Họ không sở hữu tư liệu sản xuất, họ phụ thuộc vào việc bán sức lao động để tồn tại, sự tồn tại về mặt kinh tế của họ luôn mong manh và chịu sự thay đổi của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa trong nước và toàn cầu, thứ phản ánh tâm lý trục lợi của giai cấp tư sản.
Ở cấp độ phân tích hình thái xã hội, vị trí giai cấp chung và lợi ích chung khách quan bị che khuất và giảm bớt do tác động của tình trạng chủng tộc, sắc tộc, kinh tế xã hội và các sự phân chia khác.
Do sự phân chia giai cấp và địa vị kinh tế xã hội, việc làm thành viên của nhóm bị áp bức không nhất thiết đồng nghĩa với việc chung tay về lợi ích chính trị và kinh tế. Mặc dù tỷ lệ phụ nữ và thành viên của các nhóm thiểu số trong giai cấp tư bản và các tầng lớp trên của hệ thống xã hội, kinh tế và chính trị là rất nhỏ, nhưng mâu thuẫn giai cấp và xung đột lợi ích không biến mất dưới vỏ bọc của bản sắc chung. Ví dụ, cuộc đấu tranh đòi dân quyền cho tất cả thành viên của một nhóm bị áp bức không nhất thiết xóa bỏ được mâu thuẫn giai cấp và bất bình đẳng kinh tế xã hội trong chính nhóm này. Trong trường hợp khả quan nhất, chúng thúc đẩy khả năng thăng tiến của một số cá nhân, nhưng lại không thay đổi chủ nghĩa tư bản và mọi hình thức bất bình đẳng về kinh tế và xã hội.
Do đó, cần phải vượt qua việc coi rằng các khái niệm giai cấp và người lao động như là những thứ tách biệt khỏi mối quan hệ áp bức nói chung và với các cuộc đấu tranh của phụ nữ cũng như các cuộc đấu tranh dựa trên bản sắc khác nói riêng. Lý thuyết vị nữ Marxist đã làm sáng tỏ những điều kiện vật chất của sự đàn áp nữ lao động, và cần phải nói một cách mạnh mẽ như vậy. Lý do làm điều này là để ta vượt qua sự kiểm soát ý thức hệ đằng sau cho cáo buộc về thuyết quyết định kinh tế và chủ nghĩa giản lược giai cấp, những thứ đã góp phần dẫn đến sự rút lui khỏi giai cấp và sự trỗi dậy của nền chính trị bản sắc. Trong bối cảnh này, việc “ưu tiên” giai cấp có nghĩa là làm rõ rằng sự áp bức luôn diễn ra trong không gian chính trị và xã hội của giai cấp và sự phân tầng xã hội. Và vì vậy nên giai cấp và sự phân tầng của xã hội cũng có thể sửa chữa hoặc tăng cường tác động của sự áp bức. Hậu quả của quan hệ giai cấp và mâu thuẫn giai cấp lên phụ nữ có tính chất khác nhau, tùy thuộc vào vị trí giai cấp, tình trạng kinh tế xã hội và vị trí của họ trong các cơ cấu áp bức, bất kể họ có tự nhận mình là người thuộc một hoặc một số cộng đồng bị áp bức hay không.
Tuy nhiên, thực tế vật chất luôn hiện hữu của giai cấp hiếm khi được người bình thường thừa nhận. Nhưng dù được thừa nhận hay không (nghĩa là không phụ thuộc vào mức độ ý thức giai cấp), thì tác động của vị trí giai cấp là có thật, mặc dù “những tổn thương tiềm ẩn” của nó có thể được trải nghiệm và hiểu qua lăng kính bản sắc. Ví dụ, nếu xem xét từ quan điểm vị nữ suông, những nỗ lực hiện tại của Đảng Cộng hòa Mỹ nhằm làm suy yếu quyền tiếp cận hợp pháp và cần thiết của phụ nữ đối với các biện pháp tránh thai và phá thai đã được gọi là “cuộc chiến chống lại phụ nữ”. Cách giải thích như vậy đã bỏ qua những khác biệt quan trọng về giai cấp và địa vị kinh tế xã hội trong tác động của chính sách gò bó về sinh sản. Bất kể chủng tộc, dân tộc và những khác biệt nào khác, nữ tư bản và phụ nữ ở tầng trên của hệ thống phân tầng xã hội không bị ảnh hưởng bởi những chính sách đó, bởi vì họ có đủ khả năng chi trả cho các biện pháp tránh thai và phá thai, kể cả khi bảo hiểm y tế của họ không chi trả cho họ, hoặc nếu họ bị cấm hoặc không có quyền tiếp cận dịch vụ phá thai ở nơi cư trú của mình.29 Vì hầu hết phụ nữ sống với con cái, chồng, bạn tình hoặc các thành viên khác trong gia đình, các quyết định sinh sản của họ không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của chính họ mà còn của những người khác. Trong bối cảnh lương không đủ sống, việc làm bấp bênh, nhà ở không đấp ứng nhu cầu, thiếu bảo hiểm y tế và những tệ nạn khác ảnh hưởng đến tầng lớp lao động, chính sách gia đình phản động có thể được hiểu rõ nhất là một cuộc chiến chống lại người lao động.30
VIII
Khi sự bất bình đẳng về tài sản và thu nhập ngày càng gia tăng, ảnh hưởng của thực tế vật chất lên cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó bỏ qua. Đã đến lúc thừa nhận những giới hạn của lý thuyết và chính trị dựa trên bản sắc. Những thành công về kinh tế, xã hội và chính trị của cá nhân phụ nữ chưa làm thay đổi số phận của đa số. Có lẽ đây là một trong những nguồn gốc của sự quan tâm mới đến chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa vị nữ mà chúng ta thấy ngày nay, đặc biệt là ở châu Âu, nơi gần đây đã diễn ra ba hội nghị quốc tế.31
Để không chỉ là thứ được bàn trong giới học thuật, chủ nghĩa vị nữ Marxist cần quay trở lại nguồn gốc duy vật lịch sử và giai cấp của nó, coi đó là cơ sở vật chất chính cho các vấn đề mà phụ nữ thuộc tầng lớp lao động phải đối mặt, dù họ có việc làm hay không. Trong môi trường kinh tế và chính trị hiện nay, điều quan trọng là phải bộc lộ rõ một chủ nghĩa vị nữ thừa nhận rằng phần lớn phụ nữ là người lao động, và rằng sự áp bức cũng như các vấn đề mà các nữ lao động (bất kể danh tính hoặc bản sắc của họ có thể là gì) phải đối mặt trong các hình thái xã hội bị ảnh hưởng đáng kể bởi vị trí giai cấp của họ. Nữ lao động không chỉ chịu trách nhiệm tái sản xuất sức lao động, từ đó duy trì sự tồn tại kinh tế của gia đình họ và giai cấp công nhân: họ chính là một bộ phận của giai cấp công nhân. Trên thực tế, họ chiếm hơn một nửa tầng lớp lao động trên thế giới, vì “vị trí chung của họ trong quan hệ sản xuất và tái sản xuất là một cơ sở vật chất phổ quát nhưng mang tính lịch sử, và điều này sẽ huy động tiềm năng và năng lực tổ chức chính trị của họ không phải với tư cách là phụ nữ và không phải với tư cách là công nhân, mà là với tư cách công nhân nữ.”32
Vì vậy, khi viết và nói về các vấn đề quan trọng đối với phụ nữ, cần xác định rõ vị trí giai cấp, tình trạng kinh tế xã hội và bất kỳ đặc điểm liên quan nào khác của họ, chẳng hạn như họ là phụ nữ Latin thuộc tầng lớp lao động, phụ nữ da trắng tư bản, nữ lao động nhập cư Trung Mỹ, phụ nữ trung lưu (xét về địa vị kinh tế xã hội), phụ nữ Mỹ gốc Phi, v.v. Điều này không nhằm mục đích mô tả những bản sắc phức tạp, mà nhằm kêu gọi sự chú ý đến bản chất phổ biến của giai cấp như là không gian xã hội, kinh tế và chính trị, nơi cuộc sống của mọi người diễn ra, bất kể nhận thức của mọi người về vị trí giai cấp của họ.
Ngày nay, khi sự bất bình đẳng về kinh tế ngày càng gia tăng, triển vọng kinh tế của nam giới thuộc tầng lớp lao động, đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp, đã giảm sút như đã từng xảy ra trong nhiều thập kỷ nay. Năng suất tăng nhưng tiền lương lại trì trệ. Gia đình người lao động ngày càng khó khăn và không ổn định, đặc biệt khi tư bản chuyển sang sử dụng lao động của phụ nữ để giảm chi phí lao động. Khi phụ nữ tiếp tục tăng cường tham gia vào lực lượng lao động, trách nhiệm của họ đối với công cuộc tái sản xuất xã hội cũng tăng lên.33 Những thay đổi ở cấp độ vĩ mô này về nhu cầu lao động và sự tham gia lực lượng lao động của phụ nữ đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong giai cấp công nhân, đặc biệt là sự đối kháng giữa nam và nữ lao động, được thúc đẩy bởi thứ chính trị bản sắc được giai cấp tư bản ưa chuộng.
Chừng nào sự áp bức phụ nữ và những hình thức áp bức khác còn chiếm vị trí trung tâm trong lý thuyết và chính trị vị nữ, và chừng nào những vấn giai cấp vẫn còn ở bên lề, thì chủ nghĩa vị nữ sẽ vô tình góp phần đẩy giai cấp ra ngoài nhận thức của công chúng và ranh giới của diễn ngôn chính trị có thể chấp nhận được. Để trở thành một lực lượng thống nhất, chứ không phải là một lực lượng chính trị và tư tưởng gây chia rẽ, chủ nghĩa vị nữ Marxist thế kỷ XXI cần phải trở thành một chủ nghĩa vị nữ thiên hướng lao động một cách công khai, đoàn kết với toàn thể người dân lao động, ủng hộ các cuộc đấu tranh của tất cả mọi người dân lao động, gồm phụ nữ và nam giới, và những người có giới tính đa dạng thuộc mọi chủng tộc, nguồn gốc quốc gia, tình trạng công dân, v.v., từ đó tiên phong dẫn đầu quá trình hướng tới sự tổ chức giai cấp công nhân và sự quay trở lại vấn đề giai cấp đang rất cần thiết ngày nay.
Chú thích
- * Tôi cảm ơn Paul Cammack và Lise Vogel vì những nhận xét và đề xuất hữu ích của họ.
Ghi chú
- Karl Marx, lời nói đầu Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (New York: International, 1970), 21.
- Margaret Benston, “The Political Economy of Women’s Liberation,” Monthly Review 21, no. 4 (September 1969): 13–27. Trong cuốn sách của tôi, Marx, Phụ nữ và sự tái sản xuất xã hội tư bản chủ nghĩa (Marx, Women and Capitalist Social Reproduction – Leiden: Brill, 2018), tôi tìm hiểu sâu những vấn đề về phụ nữ, giai cấp và bản sắc.
- Năm 1957, năm tôi vào trường luật tại Đại học Córdoba ở Argentina, thì việc theo đuổi việc trở thành luật sư không phải là một lựa chọn bất thường. Tôi lớn lên được khuyến khích tin rằng không có giới hạn nào cho những gì tôi có thể đạt được, trong một môi trường mà tôi cho rằng sự hiện diện của phụ nữ trong những ngành nghề mà ở Hoa Kỳ vào thời điểm đó vẫn được coi là đặc quyền của nam giới (chẳng hạn như y học, nha khoa, hóa sinh và luật).
- Tất nhiên, trong các hình thái xã hội tư bản, nhiều phụ nữ thuộc tầng lớp lao động đã làm cả hai điều đó, đặc biệt là phụ nữ thuộc chủng tộc hoặc dân tộc thiểu số hoặc một số nhóm dân nhập cư. Các đặc điểm lịch sử cụ thể của hình thái xã hội tạo ra những biến đổi thực nghiệm trong các chiến lược sinh tồn mà đàn ông và phụ nữ lao động thuộc các nguồn gốc chủng tộc, sắc tộc và quốc gia khác nhau đã phát triển trong những ràng buộc của chủ nghĩa tư bản.
- Tỷ lệ người giúp việc gia đình toàn thời gian hay “bà mẹ nội trợ” biến động theo những thay đổi về kinh tế và xã hội. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ này giảm từ 49% năm 1967 xuống 23% năm 1999, tăng lên 29% vào năm 2012. Tham khảo Jacob Galley, “Stay-at-Home Mothers Through the Years,” Monthly Labor Review, Bureau of Labor Statistics, tháng 9, 2014.
- Martha E. Gimenez, “Population Structure and Processes in the Capitalist Mode of Production” (Luận văn tiến sĩ, ĐH California, Los Angeles, 1973).
- Để tìm hiểu thêm về các nỗ lực hạn chế phá thai, tham khảo Everything You Need to Know About the Abortion Ban News,” Washington Post, 17 tháng 5, 2019. Cũng tham khảo Martha E. Gimenez, “Reactionary Family Policies in the 21st Century:The Republican War on the Working class in the United States”, Cultural Logic 23 (2019).
- Để tham khảo danh sách và thảo luận chi tiết, tham khảo Judith Lorber, Gender Inequality (Oxford: Oxford University Press, 2009). Oxford University Press, 2009).
- Rất nhiều lý thuyết về vị nữ, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nảy sinh từ sự phê phán chưa chính xác cảu chủ nghĩa vị nữ Marxist thời kỳ đầu. Các nhà lý thuyết không hiểu rằng trọng tâm của chủ nghĩa vị nữ Marxist, giống như của Benston, là vị trí cơ cấu của phụ nữ dưới chủ nghĩa tư bản. Thay vào đó, các nhà lý thuyết chỉ ra những khác biệt thực nghiệm (chủng tộc, dân tộc, nguồn gốc quốc gia, v.v.) giữa phụ nữ ở các xã hội khác nhau làm cơ sở phê phán. Mặc dù những sự thật này là đúng, nhưng lý thuyết về vị nữ đã không giải quyết được sự khác biệt giữa các yếu tố lịch sử cụ thể ảnh hưởng đến địa vị của phụ nữ trong các hình thái xã hội tư bản, cũng như là các cấu trúc và các hạn chế tư bản đang ảnh hưởng đến phụ nữ trong tất cả các hình thái xã hội.
- Ví dụ, các chính trị gia và giới truyền thông nhấn mạnh đến tình trạng nghèo đói không cân đối của phụ nữ, trẻ em, chủng tộc và dân tộc thiểu số, như thể sự nghèo đói của nam giới và người da trắng là không đáng kể, như thể là người nghèo không có giai cấp và nghèo đói không liên quan đến hoạt động bình thường của chủ nghĩa tư bản và quan hệ giai cấp. Năm 2017, 17 triệu người da trắng chiếm 43,8% dân số nghèo. Tham khảo Thống kê Nghèo đói hiện tại của Hoa Kỳ do Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ công bố, có tại http://federalsafetynet.com.
- Tôi lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Argentina, vào thời điểm (những năm 1950 và 60) khi mà môi trường của tôi cho rằng việc là phụ nữ là một thực tế riêng tư, nhưng không có ý nghĩa xã hội hay chính trị quan trọng như giai cấp hoặc quốc tịch. Điều này ảnh hưởng đến công việc của tôi. Tôi đã có được nhận thức trực quan về tính lịch sử về bản sắc cá nhân và chính trị xã hội cũng như các phạm trù phân tích chiếm ưu thế trong mọi hình thái xã hội.
- Combahee River Collective, “A Black Feminist Statement,” Monthly Review 70, số. 8 (tháng 1, 2019), 29.
- Khái niệm này đề cập đến việc xếp hạng và phân bổ dân số của một xã hội thành các tập hợp có vị thế kinh tế và xã hội khác nhau dựa trên các đặc điểm như giới tính, chủng tộc, dân tộc, tuổi tác, nguồn gốc quốc gia, thu nhập, giáo dục, nghề nghiệp và nơi cư trú.
- Gimenez, Marx, Women and Capitalist Social Reproduction, 101–2; cũng tham khảo Kimberlé Williams Crenshaw, “The Structural and Political Dimensions of Intersectional Oppression,” trong Intersectionality: A Foundations and Frontiers Reader, ed. Patrick R. Grzanka (Boulder, CO: Westview, 2014), 18.
- Tham khảo Nira Yuval-Davis, “Beyond the Recognition and Re-Distribution Dichotomy,” in Framing Intersectionality, ed. Helma Lutz, Maria Teresa Herrera-Vivar, and Linda Supik (Farnham, UK: Ashgate, 2011), 156, 159. Ashgate, 2011), 156, 159.
- Tham khảo Marxism and the Oppression of Women: Toward a Unitary Theory (1983; repr., Chicago: Haymarket, 2013), 177. Toward a Unitary Theory (1983; repr., Chicago: Haymarket, 2013), 177.
- Tham khảo Meg Luxton, “Reclaiming Marxist Feminism,” Studies in Political Economy 95 (2015): 166.
- Meg Luxton, “The Production of Life Itself: Gender, Social Reproduction and IPE,” trong Handbook on the International Political Economy of Gender, ed. Juanita Elias and Adrienne Roberts (Cheltenham, UK: Edward Elgar, 2017), 39.
- Karl Marx, Capital, vol. 1 (New York: International, 1974), 566.
- Gimenez, Marx, Women and Capitalist Social Reproduction, 353–57; cũng tham khảo chương 13.
- Gimenez, Marx, Women and Capitalist Social Reproduction, 299.
- Tham khảo Tithi Bhattacharya, “How Not to Skip Class: Social Reproduction of Labor and the Global Working Class,” Viewpoint, October 31, 2015.
- Immanuel Wallerstein, “The Construction of Peoplehood,” in Race, Nation, Class, ed. Etienne Balibar and Immanuel Wallerstein (London: Verso, 1991), 84.
- Susan Ferguson, Genevieve LeBaron, Angela Dimitrakaki, và Sara R. Farris, “Introduction,” Historical Materialism 24, số 2 (2016): 28, 30.
- Tham khảo Benston, “The Political Economy of Women’s Liberation”; Martha E. Gimenez, “The Oppression of Women,” trong Structural Sociology, ed. Ino Rossi (New York: Columbia University Press, 1982); Vogel, Marxism and the Oppression of Women.
- Benston, “The Political Economy of Women’s Liberation,” 24.
- Những người nhập cư ngoài châu Âu tự động bị phân biệt chủng tộc hoặc dân tộc hóa ở Hoa Kỳ và bị sáp nhập vào các nhóm thiểu số bị áp bức hiện có. Tham khảo Martha E. Gimenez, “Minorities and the World-System,” in Racism, Sexism and the World-System, ed. Joan Smith et al. (Newyork: Greenwood, 1988), 39–56. Xem thêm Immanuel Wallerstein, “The Construction of Peoplehood,” Sociological Forum 2 (1987): 373–88; Barbara Fields, “Slavery, Race and Ideology in the United States of America,” New Left Review 181 (1989): 95–118.
- Theo quan điểm xã hội học của Weber, các phạm trù áp bức là các phạm trù địa vị đòi hỏi “sự đánh giá xã hội cụ thể, tích cực hoặc tiêu cực về danh dự…liên quan đến bất kỳ phẩm chất nào được chia sẻ bởi đa số”. Xem Max Weber, From Max Weber: Essays in Sociology, ed. C. W. Mills and H. Gerth (New York: Oxford University Press, 1973), 181.
- Phụ nữ tư bản là phụ nữ sở hữu tư bản của riêng họ, bất kể họ thừa kế và/hoặc kiếm được, hay kết hôn với một nhà tư bản và được hưởng các đặc quyền của cải của người này. Điều quan trọng cần lưu ý là có sáu tiểu bang ở Hoa Kỳ chỉ có một phòng khám phá thai. Planned Parenthood có thể bị buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ phá thai ở Missouri và nếu điều này xảy ra, nó sẽ trở thành tiểu bang đầu tiên không có một phòng khám phá thai nào. Tham khảo “A Dark Milestone for Women’s Rights,” New York Times, 28 tháng 5, 2019.
- Gimenez, “Reactionary Family Policies in the 21st Century.”
- The Strength of Critique: Trajectories of Marxist-Feminism, First International Marxist-Feminist Conference, Rosa Luxemburg Stiftung, Berlin, 20–22 tháng 3, 2015; Building Bridges—Shifting and Strengthening Visions—Exploring Alternatives, Second International Marxist-Feminist Conference, Academy of Fine Arts, Vienna, 7–9 tháng 10, 2016; và Transforming Ourselves, Transforming the World, Third International Marxist-Feminist Conference, Lund University, Lund, Thuỵ Điển, 5–7 tháng 10, 2018.
- Gimenez, Marx, Women and Capitalist Social Reproduction, 342.
- Tham khảo Andrew J. Cherlin, Labor’s Love Lost (New York: Russell Sage, 2014).
Admin của VNYM