“Chủ nghĩa đế quốc” của Lenin và sự liên quan tới ngày nay
Được viết vào năm 1916, giữa Thế chiến thứ nhất, Chủ nghĩa đế quốc – Giai đoạn tột cùng của CNTB của Lênin là tác phẩm cần thiết để tìm hiểu các hiện tượng chiến tranh và chủ nghĩa đế quốc ngày nay.
Lênin giải thích rằng chủ nghĩa đế quốc hiện đại là kết quả tất yếu của sự phát triển của lực lượng sản xuất dưới chủ nghĩa tư bản. Do đó, chủ nghĩa đế quốc không phải là kết quả của các giá trị, ý tưởng hay chính sách quân phiệt cũng như chủ nghĩa dân tộc, mà là kết quả của những mệnh lệnh kinh tế cụ thể.
Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cách chúng ta hiểu về chính trị quốc tế ngày nay. Nếu chúng ta xem xét cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, cuộc xâm lược của Nga không diễn ra vì Putin là ‘người xấu’, hay vì các giá trị của Nga vốn mang tính dân tộc chủ nghĩa và độc đoán, điều trái ngược với ‘các giá trị dân chủ’ của phương Tây. Trong khi các ý tưởng, văn hóa và truyền thống chính trị có tác động đến các sự kiện thì yếu tố quyết định cuối cùng vẫn là thực tế vật chất và kinh tế.
Nhằm tranh giành phạm vi ảnh hưởng mà Đế quốc Nga và Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine. Nó không phải là cuộc chiến giữa ‘thiện’ và ‘ác’ hay giữa dân chủ và độc tài. Chiến tranh Ukraine là hậu quả của cuộc đấu tranh giữa hai băng nhóm đế quốc, tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên và thị trường của một quốc gia, không chỉ với tư cách là nguồn nguyên liệu thô mà còn là điểm đến để xuất khẩu hàng hóa và tư bản.
Không giống như các đế quốc cũ, chủ nghĩa đế quốc hiện đại – theo đặc điểm được Lênin xác định – không chỉ là xâm chiếm và cướp bóc. Nó là kết quả của việc mở rộng lực lượng sản xuất, sản xuất hàng hóa và tích lũy tư bản, do sự phát triển của chúng, đến một lúc nào đó sẽ mâu thuẫn với những hạn chế của thị trường và nhà nước dân tộc. Điều này làm nảy sinh nhu cầu chinh phục các thị trường mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Trong thời kỳ mở rộng tư bản nói chung, các cường quốc chính quản lý, thông qua ngoại giao và đàm phán, để phân chia thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng, khi thị trường co lại và ngoại giao trở nên vô ích thì chiến tranh nổi lên như một sự tiếp nối của chính trị bằng các phương tiện khác.
Mặc dù đúng là chiến tranh trở nên gay gắt hơn trong thời kỳ khủng hoảng tư bản, nhưng nó không bao giờ biến mất hoàn toàn, bởi vì chiến tranh chính là điều vốn có của hệ thống tư bản. Mặc dù các cường quốc đế quốc thường có xu hướng làm cho các thuộc địa và các nước phụ thuộc của họ trở nên nghèo khó, nhưng mối quan hệ này cũng có phần phức tạp và mâu thuẫn hơn.
Vào thời Lênin, việc xuất khẩu tư bản từ Pháp, Anh và Đức sang nước Nga Sa hoàng đã tạo điều kiện cho sự phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến ở đây, tuy nhiên, quốc gia này vẫn là một quốc gia tương đối lạc hậu so với Tây Âu. Đây là một ví dụ về cái mà Trotsky mô tả là “sự phát triển kết hợp và không đồng đều”. Ở Nga vào thời điểm đó, những công nghệ tiên tiến nhất cùng tồn tại với những kỹ thuật cổ xưa nhất. Trong khi một số ngành công nghiệp đã phát triển nhảy vọt thì về kinh tế nước Nga vẫn tụt hậu hơn nhiều so với các nước phát triển hơn.
Ngày nay, việc xuất khẩu tư bản sang Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã cho phép nước này phát triển nhanh chóng với những ngành công nghiệp và công nghệ tiên tiến nhất. Mặc dù là quốc gia dẫn đầu trong nhiều ngành, lĩnh vực công nghệ nhưng năng suất trung bình của Trung Quốc vẫn kém xa so với các nước tư bản tiên tiến nhất. Do đó, sự phát triển này không đồng đều, khi các lĩnh vực tiên tiến nhất của nền kinh tế tồn tại bên cạnh những lĩnh vực khác vẫn đang bị tụt lại phía sau.
Hệ thống tư bản chủ nghĩa được mở rộng và phát triển trong thời đại Đế quốc, nhưng sự phát triển này, không đồng đều, chắc chắn sẽ gây bất ổn cho mối quan hệ quyền lực giữa các quốc gia khác nhau. Như Lênin đã giải thích:
“Nửa thế kỷ trước nước Đức là một đất nước khốn khổ, tầm thường nếu so sánh sức mạnh tư bản của nó với nước Anh thời đó; cũng tương tự khi so sánh Nhật Bản với Nga. Nào ‘có thể tưởng tượng được’ rằng trong mười hay hai mươi năm nữa sức mạnh tương đối của các cường quốc đế quốc sẽ không thay đổi? Đó là điều chẳng thể bàn cãi.”
Cũng như thời Lênin, các thế lực mới trỗi dậy đe dọa quyền bá chủ của Anh đã dẫn đến hai cuộc Thế chiến đã phân chia lại quyền kiểm soát thị trường thế giới. Ngày hôm nay chúng ta đang chứng kiến quyền bá chủ của đế quốc Mỹ đang bị thách thức bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga.
Do sự phát triển của vũ khí hạt nhân mà ngày nay, một cuộc đối đầu trực diện giữa các cường quốc khó có thể xảy ra hơn, nhưng điều này lại chỉ làm tăng thêm khả năng xảy ra các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở các quốc gia nhỏ yếu như Ukraine, Yemen, Đài Loan và các quốc gia khác.
Vai trò của Trung Quốc
Một sai lầm của ban lãnh đạo các Đảng Cộng sản, chẳng hạn như Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha, là phủ nhận các nước như Nga và Trung Quốc là đế quốc.
Chắc chắn đúng là cường quốc đế quốc lớn nhất thế giới hiện nay, quốc gia hung hãn, hiếu chiến và phản động nhất thế giới vẫn là Hoa Kỳ. Vì lý do này mà người cộng sản kiên quyết phản đối đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn không liên quan gì đến việc hỗ trợ chính phủ Trung Quốc và Nga trong các tranh chấp với Hoa Kỳ.
Lênin xác định năm đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa đế quốc:
- Sự tập trung sản xuất và tư bản vào tay độc quyền.
- Sự sáp nhập ngân hàng với tư bản công nghiệp và trên cơ sở đó tạo ra ‘Tư bản tài chính’.
- Xuất khẩu tư bản phân biệt với xuất khẩu hàng hóa.
- Sự hình thành các hiệp hội tư bản quốc tế nhằm chia sẻ thế giới với nhau.
- Sự phân chia lãnh thổ trên toàn thế giới giữa các cường quốc tư bản lớn nhất.
Có ai có thể phủ nhận rằng cả năm điều này đều là những đặc điểm hiện tại của chủ nghĩa tư bản ở Nga hay Trung Quốc?
Một số người sẽ lập luận rằng Trung Quốc, do Đảng Cộng sản Trung Quốc cai trị, không phải là một nước tư bản. Nhưng lập luận này không thể đứng vững trước sự thật. Ở Trung Quốc, đã có nhiều thập kỷ tư nhân hóa, đầu tư nước ngoài cũng như sự hình thành và trỗi dậy của giai cấp tư bản và khu vực tư nhân chiếm 60% GDP của Trung Quốc, 60% đầu tư, 80% doanh nghiệp và 80% việc làm mới.
Trung Quốc là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, trong đó một nhà nước tập trung cao độ duy trì khu vực công và giữ lại các yếu tố kiểm soát kinh tế như là tàn tích của Cách mạng Trung Quốc năm 1949. Các yếu tố tập trung hóa không làm suy yếu bản chất tư bản của Trung Quốc. Ví dụ, mặc dù các lĩnh vực kinh tế đã được quốc hữu hóa nhưng Bồ Đào Nha chưa bao giờ có nền kinh tế “xã hội chủ nghĩa”. Các công ty đại chúng, hợp tác xã nông nghiệp và công ty tự quản vẫn tiếp tục hoạt động theo quy luật của hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Chính sách đối ngoại của một quốc gia là sự thể hiện lợi ích của giai cấp thống trị. Các kế hoạch của Trung Quốc xây dựng cảng, đường bộ, sân bay và đường sắt ở các nước khác, như một phần của sáng kiến “Con đường tơ lụa mới”, không mang tính đổi mới cũng như không mang tính từ thiện. Đây đơn giản là việc xuất khẩu tư bản. Chủ nghĩa đế quốc Anh đã làm điều tương tự ở Ấn Độ trong thế kỷ 19. Việc Trung Quốc vẫn chưa thể hiện sự xâm lược đế quốc ở mức có thể so sánh với Hoa Kỳ là do nước này vẫn đang đóng vai trò là một cường quốc đế quốc thứ yếu, mặc dù đang trỗi dậy.
Hoa Kỳ tiếp tục đóng vai trò cảnh sát thế giới và, do sự khác biệt về sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nên cho đến nay, Trung Quốc ưu tiên phát triển phạm vi ảnh hưởng của mình thông qua thương mại, ngoại giao và cái gọi là quyền lực mềm.
Tuy nhiên, điều này không ngăn cản Trung Quốc mở rộng quân đội một cách ồ ạt. Trung Quốc có ngân sách quân sự lớn thứ hai trên thế giới. Sớm hay muộn thì sức mạnh quân sự to lớn đang được xây dựng sẽ được sử dụng để bảo vệ “lợi ích quốc gia” của Trung Quốc, tức là bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị nước này.
Sự tập trung tư bản
Sự tập trung tư bản, hình thành độc quyền, tăng trưởng tư bản tài chính và phát triển các hiệp hội tư bản quốc tế là những đặc điểm trung tâm của chủ nghĩa đế quốc đương đại.
Vào buổi bình minh của chủ nghĩa tư bản, một số công ty nhỏ cạnh tranh nhau để giành chỗ đứng trên thị trường. Điều này dẫn đến sự củng cố của một số công ty, sự thôn tính và sáp nhập các công ty khác cũng như sự biến mất của nhiều công ty. Một trăm năm trước, khi Lenin viết Chủ nghĩa đế quốc, Giai đoạn cao nhất của Chủ nghĩa tư bản, độc quyền đã thành thống trị. Thay vì cạnh tranh với nhau trong một “thị trường tự do”, các công ty độc quyền này đã bóp méo và thao túng thị trường để đạt được mục đích riêng của mình.
Giống như việc tập trung tư bản cho phép các ngân hàng không còn đóng vai trò trung gian đơn thuần mà thay vào đó thực hiện quyền kiểm soát sản xuất và đầu tư, sự kiểm soát của tư bản tài chính đối với chính phủ các quốc gia cũng tăng cường.
Do toàn cầu hóa và sự hình thành của các hiệp hội tư bản quốc tế, các quốc gia bảo vệ, phục vụ và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các nhóm này. Và họ sẵn sàng đấu tranh vì chúng, dù dưới hình thức trừng phạt thương mại (chẳng hạn như chống lại Nga), áp đặt các rào cản và thuế hải quan (chẳng hạn như chống lại Trung Quốc), hoặc dưới hình thức xung đột vũ trang mở.
Không lâu trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Kautsky (một trong những nhà lãnh đạo của phe dân chủ xã hội) cho rằng việc thành lập các tập đoàn tư bản quốc tế sẽ làm giảm sự bất bình đẳng và mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản thế giới. Cuộc Đại chiến đã chứng minh điều này sai trong thực tế, trong khi Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản của Lênin cũng chứng minh điều này sai về mặt lý thuyết. Quả thực, 100 năm qua đã cho thấy một cách thuyết phục rằng tư bản tài chính chỉ làm tăng thêm sự bất bình đẳng giữa các khu vực khác nhau của nền kinh tế thế giới, làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh của chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh dai dẳng.
Sự tập trung tư bản và sự thống trị của tư bản tài chính là những nền tảng trong mô tả của Lênin về đặc điểm của giai đoạn đế quốc của chủ nghĩa tư bản, nhưng ngay cả ông hẳn cũng sẽ phải kinh ngạc về quy mô của những điều này ngày nay.
Mười hai năm trước, ba học giả từ Viện Công nghệ Thụy Sĩ đã tập hợp cơ sở dữ liệu gồm 37 triệu công ty và 43.000 tập đoàn quốc tế, lưu ý công ty nào có cổ phần trong các công ty khác. Họ theo dõi thu nhập của các công ty khác nhau đến từ đâu và lập bản đồ toàn bộ nền kinh tế thế giới. Họ đi đến kết luận đáng kinh ngạc rằng chỉ 147 công ty trong số này kiểm soát tới 40% tổng tài sản trên hành tinh. Ngoài ra, chỉ có 737 công ty kiểm soát 80% nền kinh tế toàn cầu. Các xu hướng của hệ thống tư bản chủ nghĩa mà Lênin vạch trần đã trở nên ngày một rõ ràng hơn trong 100 năm qua.
Trong tác phẩm của mình, Lenin cũng tuyên bố rằng sự thống trị của đế quốc đã mang lại đặc tính ăn bám cho các nước đế quốc chính, trong đó một bộ phận dân chúng sống nhờ cổ tức thu được từ các khoản đầu tư ra nước ngoài. Những khoản lợi nhuận lớn này ở một số nước đã tạo điều kiện cho giai cấp thống trị đế quốc mua chuộc các tầng lớp đặc quyền nhất của giai cấp công nhân, hình thành nên “tầng lớp lao động quý tộc”. Điều này do đó cho phép giai cấp thống trị đạt được hòa bình xã hội nhất định và chuyển sự phản đối chủ nghĩa đế quốc sang các kênh “dân chủ” và “hòa bình”.
Ở đây có những điểm tương đồng rõ ràng với sự phản đối mà một số người cánh tả ngày nay tiếp tục bày tỏ trước sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Lênin đã giải thích đúng rằng chủ nghĩa xã hội là giải pháp thay thế duy nhất cho chủ nghĩa đế quốc. Hệ thống tư bản chủ nghĩa đã mục nát đến mức ngay cả ở những nước phát triển nhất người ta cũng không thể đủ sức mua chuộc “tầng lớp lao động quý tộc” được nữa. Ngược lại, những gì chúng ta đang thấy là một cuộc tấn công liên tục vào các quyền và lợi ích mà người lao động đã giành được trong quá khứ. Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là một thế hệ công nhân mới đang phải đối mặt với những triển vọng ảm đạm hơn thời cha ông họ.
Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản vẫn là một tác phẩm có tính thời sự tuyệt đối, thể hiện tài năng của Lênin nhưng trên hết là giá trị của chủ nghĩa Marx với tư cách là một lý thuyết để phân tích và hiểu thế giới. Tuy nhiên, giải thích thế giới thôi chưa đủ, vấn đề là phải thay đổi nó!
Chủ nghĩa tư bản không thể được cải cách, nhưng nó cũng sẽ không tự sụp đổ. Nó phải bị lật đổ. Nếu chủ nghĩa tư bản không bị lật đổ, nó sẽ luôn có thể tạm thời khắc phục được những khủng hoảng và mâu thuẫn của mình với cái giá phải trả là giai cấp công nhân, bằng cách duy trì tình trạng bóc lột, bất bình đẳng, chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh.
Để lật đổ chủ nghĩa tư bản, chúng ta cần tổ chức và xây dựng một đảng cách mạng.
Rui Faustino, Colectivomarxista, 29 tháng 1 năm 2024
chuẩn, nước nga với trung quốc giờ cũng không khác gì các nước đế quốc. Chỉ khác mỗi cái mác , khá giống với thuật ngữ tư bản đỏ ở việt nam.