Vivek Chibber: “Nhận thức tệ” không ngăn được công nhân chống trả

Các nhà phê bình thường nói rằng giai cấp công nhân không chống lại sự bóc lột vì họ nhầm lẫn về lợi ích thực sự của mình. Nhưng điều này bỏ qua cách mà bản thân chủ nghĩa tư bản khiến người lao động phải cam chịu tình cảnh của họ – và làm thế nào chúng ta có thể vượt qua sự cam chịu đó.

Trong nửa thế kỷ qua, thế giới tư bản tiên tiến đã chứng kiến ​​sự trùng khớp giữa suy thoái tân tự do với sự đình trệ chính trị về phía giai cấp công nhân. Sự gia tăng bóc lột và sự phá hủy mạng lưới an sinh xã hội nói chung đã không tạo ra những kiểu bùng nổ đấu tranh giai cấp vốn quen thuộc trong nửa đầu thế kỷ XX.

 

Để cố gắng giải thích điều này, nhiều nhà lý thuyết đã chuyển sang văn hóa. Họ lập luận rằng việc bóc lột sẽ chỉ tạo ra cuộc đấu tranh nếu người lao động sở hữu một khuôn khổ văn hóa theo hướng đó. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra trường hợp người lao động bị hấp thụ vào nền văn hóa tư bản theo nhiều cách khác nhau, khiến cho họ đồng thuận với việc mình bị bóc lột.

 

Ma trận giai cấp, cuốn sách mới của Vivek Chibber, xem xét dòng suy nghĩ này và những điều còn thiếu sót ở nó. Trong khi ghi nhận những đóng góp quan trọng của các nhà lý luận về sự thay đổi văn hóa, và thừa nhận cách mà tư tưởng của chủ nghĩa Marx nhất thiết phải sửa đổi để đáp ứng thách thức từ họ, ông tranh luận rằng các nhà xã hội chủ nghĩa phải bác bỏ quan điểm cho rằng công nhân phản kháng thất bại vì có điều gì đó không đúng về tư tưởng của họ.

Paul Heideman:

Cuốn sách của bạn hẳn là dành riêng cho Erik Olin Wright. Làm thế nào mà công việc của Erik định hình chính bản thân bạn, và theo bạn thì cuốn Ma trận Giai cấp quan hệ thế nào với tư tưởng của anh ấy?

Vivek Chibber:

Trong Ma trận giai cấp, tôi đã cố gắng làm sáng tỏ một lý thuyết duy vật về giai cấp. Để phát triển dòng tư tưởng này, Erik Wright đã đi xa hơn bất kỳ nhà lý thuyết nào khác thời hậu chiến. Công trình của ông đặt trên nền tảng lý thuyết của Marx, một lý thuyết mà ông ấy hiểu ở nơi cốt lõi của nó là về cấu trúc giai cấp và cách mà cấu trúc giai cấp đặt ra những ràng buộc to lớn đối với cả hình thức và nội dung của chính trị trong chủ nghĩa tư bản.

 

Cấu trúc có thể làm được điều đó bởi vì nó tạo ra cho các tác nhân giai cấp lợi ích chính trị xung quanh hoàn cảnh kinh tế của họ, xuất phát từ tình hình kinh tế của họ. Ý tưởng cốt lõi trong chủ nghĩa duy vật, như Wright đã phát triển nó, là trong hành động kinh tế và xã hội của họ, con người chủ yếu theo đuổi lợi ích vật chất của họ. Chủ nghĩa duy vật được bao bọc xung quanh quan niệm về lợi ích.

 

Đây là trọng tâm lý thuyết của Erik Wright. Và trong những thập kỷ gần đây, các lý thuyết kiểu này đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ các nhà lý thuyết văn hóa, những người nhấn mạnh rằng không phải lợi ích vật chất, mà là văn hóa và hệ tư tưởng của các tác nhân, đã thúc đẩy chính trị và tranh chấp xã hội.

 

Sự chỉ trích này gây ra sự hoài nghi về chính nền tảng của lý thuyết giai cấp. Trong cuốn sách mà tôi xây dựng trên cơ sở công trình của Erik Wright, theo quan điểm của tôi, bản thân nó là một tường thuật theo chủ nghĩa Marx khá thông thường. Điểm sáng chói trong công trình của Erik là mặc dù nó được trình bày bằng ngôn ngữ của khoa học xã hội đương đại với sự rõ ràng đáng ngưỡng mộ, nó rất chính thống và rất bắt nguồn từ kinh tế học cổ điển Mác xít.

 

Tôi đã cố gắng xây dựng trên lý thuyết đó và để chứng tỏ rằng nó có thể giải đáp hầu hết các phê bình và thách thức đến từ bước ngoặt văn hóa. Và trên thực tế, nó có thể giải thích các hiện tượng về chủ nghĩa tư bản đương đại mà lý thuyết văn hóa nói thẳng ra là không thể.

Paul Heideman:

Như bạn nói, toàn bộ cuốn sách là một phản ứng đối với bước ngoặt văn hóa trong khoa học đạo đức. Chính xác thì đề cập đến bước ngoặt văn hóa là đề cập đến điều gì, và nó đã được biểu hiện như thế nào trong lý thuyết xã hội?

Vivek Chibber:

Gốc rễ của bước ngoặt văn hóa bắt nguồn từ những năm đầu sau Thế chiến thứ hai. Nó có ảnh hưởng một cách đầy đủ vào những năm 1980, nhưng nền tảng của nó có thể đã được bắt nguồn từ những năm 50. Cốt lõi của những vấn đề thúc đẩy bước ngoặt này trong những năm đầu sau chiến tranh là vấn đề về giai cấp công nhân trong chủ nghĩa tư bản tiên tiến và mối quan hệ của nó với hệ thống. Chủ nghĩa Marx cổ điển đã tiên đoán rằng, vì sự đối kháng to lớn do sự bóc lột sức lao động tạo ra, những người công nhân sớm muộn gì cũng sẽ xích lại gần nhau dưới ngọn cờ của chủ nghĩa xã hội và lật đổ chế độ này.

 

Điều này dường như đã trở thành sự thật vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Nhưng đến năm 1950, rõ ràng là điều này đã không xảy ra ở các nước chưa chứng kiến ​​các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tại sao nó không xảy ra? Đây là câu hỏi mà những người theo chủ nghĩa Marx thời hậu chiến như Stuart Hall, Raymond Williams, và EP Thompson đã tự đặt ra cho mình.

 

Họ đã tranh luận một cách sôi nổi, rằng tại sao giai cấp công nhân phương Tây không lật đổ hệ thống theo cách mà những người theo chủ nghĩa Marx ban đầu đã mong đợi? Đối với hầu hết dù không phải tất cả các nhà lý thuyết này giờ đây câu trả lời nằm ở văn hóa. Lý do mà giai cấp công nhân không lật đổ được hệ thống này là nó đã được hấp thụ vào chủ nghĩa tư bản thông qua các thể chế khác nhau của công nghiệp văn hóa.

 

Và đó đã được coi là câu trả lời cho câu đố. Lập luận từ các nhà lý thuyết tiên phong này là chủ nghĩa Marx đã đánh giá thấp vai trò của văn hóa và vị trí của các thiết chế văn hóa trong quá trình tái sản xuất tư bản chủ nghĩa. Để hiểu làm thế nào và tại sao hành động tập thể lại bị giai cấp công nhân khóa trái, bạn phải hiểu cách mà các thiết chế văn hóa này làm trung gian cho sự hiểu biết của người lao động về thực tế.

 

Điều này hoàn toàn hợp lý về nhiều mặt, như thế hệ những người theo chủ nghĩa Marx này hiểu, thách thức chỉ đơn giản là xem công nghiệp văn hóa hoạt động như thế nào và nó ảnh hưởng như thế nào đến bất bình trong xã hội và chính trị. Bạn thấy điều này đang được thực hiện ở Trường phái Frankfurt và cả ở Tân tả. Tác phẩm vĩ đại của EP Thompson, Sự hình thành giai cấp công nhân Anh, cũng cố gắng xem xét cách mà nhà thờ và các tổ chức tôn giáo – văn hóa khác ảnh hưởng đến sự hình thành giai cấp.

 

Về mặt này, sự chuyển hướng sang văn hóa rất chi là một đề xuất hữu ích trong truyền thống của chủ nghĩa Marx. Nó cố gắng lấp đầy những gì họ nghĩ rằng lý thuyết của Marx đã để lại như một hộp đen không thể giải thích được. Nhưng đến những năm 80, bước ngoặt này trở nên mạnh mẽ hơn nhiều trong các tuyên bố của chính nó.

Paul Heideman:

Vậy họ tuyên bố như nào?

Vivek Chibber:

Những năm đầu của bước ngoặt văn hóa là sự cam kết điền vào những dấu ba chấm, chuỗi nhân quả, cấu trúc kết nối với hành động. Tuy rằng điều hiển nhiên là văn hóa đang giúp đỡ hoặc cản trở mọi người hiểu được vị trí của họ trong hệ thống. Nhưng các quy tắc cơ bản của hệ thống – những ràng buộc cơ bản của nó – vẫn được coi là do cấu trúc giai cấp thiết lập. Câu đố là tìm ra cách mà các thể chế văn hóa làm trung gian cho ảnh hưởng của nó lên ý thức của các tác nhân xã hội.

 

Vào những năm 80, có một loạt tuyên bố đầy tham vọng hơn, trong đó nhấn mạnh rằng nếu lợi ích trước tiên phải được làm sáng tỏ để trở nên hiệu quả và làm động cơ thúc đẩy, thì hành động làm sáng tỏ phải đóng một vai trò trung tâm trong hành động giai cấp. Và nếu đúng như vậy, vấn đề là – và đây là lập luận bên văn hóa – rằng chúng ta chẳng thể giả định được bằng cách nào mà cấu trúc giai cấp sẽ được thẩm thấu vào ý thức mọi người, bởi vì các chuẩn mực văn hóa, ý thức hệ, v.v., rất cục bộ và đa dạng. Sự thẩm thấu văn hóa ở Ấn Độ sẽ rất khác với sự thẩm thấu ở Birmingham. Và nếu đúng như vậy, thì cùng là cấu trúc giai cấp sẽ được làm sáng tỏ theo những cách rất khác nhau, dẫn đến các kiểu hành động rất khác nhau trong hai bối cảnh, cho dù cả hai đều là tư bản chủ nghĩa.

 

Do vậy, quá trình làm sáng tỏ phải được xem là yếu tố then chốt, và cũng phải thừa nhận rằng nó sẽ rất chi là biến thiên, và do đó cách mà cấu trúc giai cấp tạo ra hành động sẽ trở nên khá khó đoán. Nó bị giam hãm hơn bởi yếu tố cục bộ, chuẩn mực cục bộ và thuộc tính cục bộ. Vì vậy, cuối cùng thì bước ngoặt văn hóa đã đặt sự hoài nghi đối với ý tưởng rằng cấu trúc giai cấp, bất cứ nơi nào nó cắm rễ, sẽ thực hiện các tác động tương tự và có những ràng buộc tương tự. Cấu trúc giai cấp trở nên bị cầm tù bởi văn hóa cục bộ.

 

Điều này dẫn đến bước cuối cùng trong lập luận: rằng nếu tính hiệu quả của cấu trúc giai cấp phụ thuộc vào cách diễn giải mang tính cục bộ của nó, thì bản thân cách diễn giải cục bộ đang thực hiện tất cả công việc. Tất cả thực tiễn xã hội đều trở nên đa dạng, được xây dựng bằng văn hóa, chứ không chỉ đơn giản là qua trung gian văn hóa. Do đó, giai cấp trở thành sản phẩm của văn hóa chứ không phải là thứ được làm sáng tỏ thông qua văn hóa.

 

Vì vậy, vào những năm 90, những gì chúng ta có là một chủ nghĩa kiến ​​tạo xã hội. Vào thế kỷ 19, chúng ta có thể gọi nó là “chủ nghĩa duy tâm” – nơi mà các hệ tư tưởng và văn hóa hoạt động trong cuộc tranh đấu chính trị hơn là ở một khía cạnh nào đó đứng hàng thứ yếu sau những ràng buộc vật chất mà con người trải qua.

Paul Heideman:

Bạn chỉ trích bước ngoặt văn hóa, đặc biệt là ở dạng mạnh mẽ hơn của nó. Trong cuốn sách của bạn, bạn nói rằng các nhà lý thuyết của bước ngoặt này dù sao cũng đúng ở một số câu hỏi quan trọng. Điều gì khiến cho bước ngoặt văn hóa trở nên đúng đắn?

Vivek Chibber:

Trong cuốn sách, tôi lập luận rằng lý do mà giai cấp công nhân không nổi dậy tự phát hoặc thường xuyên để lật đổ hệ thống không phải vì nó chìm đắm trong ý thức hệ, hay bị văn hóa lừa gạt hoặc mắc phải ý thức sai lầm. Lý do nó không làm được điều này là vì những ràng buộc vật chất mà cấu trúc giai cấp đặt ra cho hành động tập thể.

 

Một thực tế đặc biệt về cấu trúc giai cấp tư bản là nó ràng buộc cả hai giai cấp – nhà tư bản và công nhân – theo một cách rất bất bình đẳng. Người công nhân không chỉ phải hợp tác với nhau về mặt chính trị với tư cách là những kẻ hành động mà họ còn phải làm như vậy để đối chọi với những nguồn lực lớn hơn nhiều mà các nhà tư bản có, và đối chọi với những rủi ro rất thực tế, những cái giá mà họ phải chịu để họ vượt qua được sự phản kháng của các nhà tư bản.

 

Các nhà tư bản thường thậm chí không cần phải tự tổ chức. Họ có lợi thế về cơ cấu, đó là những người lao động cần họ nhiều hơn là họ cần những người lao động. Các nhà tư bản, theo đúng nghĩa đen, có thể ngồi xuống và đợi người lao động đến tìm việc làm. Chừng nào công nhân còn phải làm việc mỗi ngày để sống sót, thì việc giai cấp công nhân phải phục tùng trước các nhà tư bản vẫn được giữ nguyên vẹn.

 

Trong tình huống đó, nếu người lao động đến với nhau, sẽ có một mức độ rủi ro và cái giá cơ bản mà họ có thể chấp nhận được. Giờ thì, để nuốt trôi những rủi ro và cái giá này, chìa khóa cấu thành để cho tất cả những thứ này kết lại với nhau là văn hóa. Một trong những cách chính mà phong trào lao động đã tìm thấy những người lao động có thể xích lại gần nhau là rèn luyện ý thức về bản sắc tập thể và tinh thần tương thân tương ái, để hành động của họ được thúc đẩy không chỉ vì lợi ích vật chất mà còn bằng ý thức nghĩa vụ đối với những người lao động khác.

 

Ý thức nghĩa vụ này được chúng ta gọi là tình đoàn kết. Và nó có một thành phần văn hóa tối giản để hợp thành nó, một thành phần của sự hình thành bản sắc. Tất nhiên, điểm mấu chốt ở đây là sự hình thành bản sắc xung quanh lợi ích của họ. Những lợi ích vẫn đặt ra một hạn chế về phạm vi đặc thù mà chúng có thể đảm nhận. Nhưng nó sẽ phải có một mức độ nào đó của công tác văn hóa mới có thể hoạt động được.

 

Vai trò này của văn hóa là thứ mà bước ngoặt văn hóa đã giúp chúng ta xác định và hiểu như một thành phần quan trọng. Vấn đề là họ đã nâng tầm quan trọng của nó lên một mức không thể chấp nhận được.

 

Trong khi cuốn sách của tôi chắc chắn lập luận về việc đưa những ràng buộc vật chất, hay cái mà Marx gọi là “sự ép buộc buồn tẻ của các mối quan hệ kinh tế”, trở lại cốt lõi của lý thuyết giai cấp, thì nó không có nghĩa là loại bỏ văn hóa khỏi lý thuyết đó.

Paul Heideman:

Đồng thời, một trong những lập luận gợi mở và đáng ngạc nhiên hơn trong cuốn sách là các nhà lý luận văn hóa và các nhà tư tưởng của chủ nghĩa Marx cổ điển đã chia sẻ một số giả định then chốt về những vấn đề này liên quan đến vai trò của cấu trúc giai cấp và sự sản sinh ra ổn định xã hội. Hai nhóm nhà tư tưởng này có điểm gì chung?

Vivek Chibber:

Tân tả nghĩ rằng nó đang tiến hành một cuộc cách mạng lý thuyết. Nó nghĩ rằng nó đang đưa văn hóa vào một lý thuyết mà cho đến nay vẫn phớt lờ nó, và do đó giải đáp câu đố mà lý thuyết đó không thể giải đáp được. Câu đố mà họ nghĩ rằng họ đã trả lời được là, tại sao giai cấp công nhân không tổ chức tập thể và thách thức lại các ông chủ của mình?

 

Bây giờ, câu hỏi theo một cách nào đó là mới lạ, bởi vì nó đã không được đặt ra theo cách rõ ràng như vậy trước đây. Nhưng Tân tả có chung với các nhà lý thuyết cổ điển một giả thiết quan trọng, và giả thiết này cho rằng vai trò của cấu trúc giai cấp là làm cho người sử dụng lao động và người lao động chống lại nhau và do đó trở thành nguồn gốc cho xung đột. Đó là vậy đó. Trong chừng mực mà hệ thống đó không bị cuộc xung đột này lấn át, đó phải là bởi các cơ chế và thể chế nằm ngoài cấu trúc giai cấp.

 

Cấu trúc giai cấp được Marx, Lenin, Luxemburg và các nhà lý luận thời hậu chiến coi là nguồn gốc của sự bất ổn trong chủ nghĩa tư bản. Các thiết chế văn hóa, “kiến trúc thượng tầng”, được coi là nguồn gốc của sự ổn định. Tính ổn định đến từ bên ngoài cấu trúc còn sự bất ổn đến từ bên trong nó.

 

Lập luận của tôi là những nhà lý thuyết này đã không hiểu đầy đủ lý thuyết của chính họ. Nếu bạn suy nghĩ kỹ về lý thuyết giai cấp của Marx, rõ ràng là cấu trúc giai cấp không chỉ là nguồn gốc của sự bất ổn. Tất nhiên, nó tạo ra xung đột. Nhưng nó cũng đặt nền tảng cho sự ổn định của hệ thống. Cấu trúc khóa các giai cấp vào một cuộc xung đột vĩnh viễn, như công trình của Erik Wright giải thích rất tốt. Nhưng xung đột là không đối xứng. Một bên thường xuyên có lợi thế, bên còn lại bất lợi.

 

Những lợi thế được xây dựng lên ngay trong chính cấu trúc. Chúng không phải là tác động ngẫu nhiên của các thể chế văn hóa hay hệ tư tưởng. Nếu những lợi thế được xây dựng trong chính cấu trúc, thì câu trả lời cho câu hỏi mà Tân tả đặt ra hoàn toàn khác với những gì nó nghĩ. Câu trả lời không còn nằm ở hệ tư tưởng và văn hóa. Đó là cấu trúc giai cấp bảo đảm cho sự ổn định của chính nó.

 

Đó là nơi mà từ Tân tả đã khởi sinh lý thuyết giai cấp này. Tôi sẽ không gọi đó là sự rời bỏ chủ nghĩa Marx cổ điển. Tôi nghĩ nó phát triển nội hàm của lý thuyết giai cấp cổ điển, nhưng có khả năng Marx và những người theo chủ nghĩa Marx thời kỳ đầu đánh giá không đầy đủ về nội hàm lý thuyết của chính họ.

Paul Heideman:

Một chương trung tâm của cuốn sách bao gồm sự gắn kết mở rộng với khái niệm bá quyền chịu ảnh hưởng từ Antonio Gramsci, vốn đã được sử dụng rộng rãi để giải thích sự ổn định xã hội trong chủ nghĩa tư bản. Bạn đánh giá thế nào về tư tưởng của Gramsci trong chủ đề này?

Vivek Chibber:

Gramsci được nhiều người hiểu là một trong những nhà Mácxít lỗi lạc nhất trong thời đại của ông. Tôi đồng ý với điều đó. Sổ tay trong tù là một nguồn nhận thức và những ý tưởng mới sâu sắc đến kinh ngạc về chủ nghĩa tư bản thời Gramsci và của chính chúng ta.

 

Tôi cũng nghĩ rằng anh ấy thường bị hiểu nhầm. Cách hiểu phổ biến nhất ngày nay về Gramsci là ông là người tiên phong cho bước ngoặt văn hóa. Sổ tay trong tù như chúng ta biết, ít nhất là bằng tiếng Anh, tập trung quan tâm đến ý tưởng về cách thức các phương thức sản xuất tự ổn định và đâu là nguồn gốc cho sự ổn định trong bất kỳ phương thức sản xuất nhất định nào.

 

Giả sử, câu trả lời của Gramsci là sự ổn định tồn tại trong kiến ​​trúc thượng tầng, trong xã hội dân sự, v.v.. Điều này dường như là sự báo trước những lập luận mà Tân tả đưa ra vào thời hậu chiến. Không có gì ngạc nhiên khi Gramsci trở thành nhà Marxist cổ điển được chào đón rộng rãi nhất trong Tân tả, ông đã chú ý đến kiến ​​trúc thượng tầng.

 

Quan điểm thiểu số, mà tôi cũng ủng hộ, đã có từ những năm 80 và 90 nhưng chưa bao giờ đạt được sức hút như cách giải thích của các nhà văn hóa về Gramsci. Quan điểm này cho rằng thực tế Gramsci cũng là một nhà duy vật giống như Lenin, Marx, hay Luxemburg. Vì vậy, Tân tả đã đúng khi đề xuất rằng Gramsci có một lý thuyết về cách chủ nghĩa tư bản tự ổn định – lý thuyết về quyền bá chủ. Lý thuyết này cho rằng người lao động được hấp thụ vào hệ thống thông qua kỹ thuật tạo sự đồng thuận đối với  hệ thống.

 

Nhưng khi lý giải Gramsci, Tân tả lập luận rằng sự đồng ý đến từ trí thức và các tổ chức văn hóa. Trên thực tế, nếu bạn đọc Sổ tay trong tù, rõ ràng là Gramsci không tin điều đó. Theo lý thuyết của ông, cũng giống như lý thuyết của mọi nhà mácxít cổ điển khác cùng thế hệ với ông và trước đó, nguồn gốc của sự đồng thuận là dựa trên cách thức mà giai cấp thống trị quản lý lợi ích vật chất của các giai cấp cấp bên dưới – chứ không phải thông qua sự truyền bá ý thức hệ.

 

Cách thức mà giai cấp thống trị quản lý các lợi ích kinh tế này là chủ trì sự phát triển của lực lượng sản xuất, dẫn đến mức phúc lợi kinh tế ngày càng cao cho người lao động. Người lao động đồng thuận với hệ thống vì họ thấy mình được hưởng lợi từ nó.

 

Điều này đi ngược lại cách giải thích của các nhà văn hóa về Gramsci, nhưng theo quan điểm của tôi, thật khó để đọc Sổ tay trong tù mà bỏ qua cách giải thích duy vật hơn này. Câu hỏi thú vị là làm thế nào mà cách giải thích của các nhà văn hóa lại trở nên phổ biến như vậy.

 

Nhưng trong khi tôi bảo vệ cách đọc Gramsci theo chủ nghĩa duy vật, tôi cũng tin rằng lý thuyết đó, lý thuyết duy vật, không thể đủ để giải thích cho sự bền vững của chủ nghĩa tư bản. Lỗi của Gramsci, hoặc ít nhất là lỗi trong cách ông tiếp cận câu hỏi về quyền bá chủ, là ông đã hạ thấp câu hỏi về sự ổn định của tư bản thành vấn đề về bá quyền.

 

Có một giả định rõ ràng trong Sổ tay trong tù, rằng khi bạn đã trả lời được sự đồng ý đến từ đâu, bạn cũng đã trả lời được câu hỏi của Tân tả: Tại sao chủ nghĩa tư bản ổn định? Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu bạn nghĩ rằng sự ổn định chỉ được tạo ra nhờ sự đồng thuận từ các tầng lớp lao động. Sau bốn mươi năm của chủ nghĩa tân tự do, chúng ta phải nghi ngờ lập luận này.

 

Lý do là khó mà nói được trong thời đại tân tự do, từ Margaret Thatcher đến Ronald Reagan, mô hình kinh tế học là phổ biến với dân chúng. Có vẻ như vậy vào đầu những năm 80; dường như Thatcher và Reagan đã lên nắm quyền thông qua một làn sóng bầu cử mạnh mẽ. Nhưng đến những năm 90, rõ ràng là cảm giác hoài nghi, không hạnh phúc và xa lạ đối với nền tảng của phần lớn dân số đang tăng lên chứ không hề giảm bớt.

 

Giả sử điều này là đúng. Nếu đó là sự thật, điều đó có nghĩa là ngay cả khi chủ nghĩa tư bản đã ổn định trong gần 5 thập kỷ, sự đồng thuận thực sự đang suy yếu chứ không phải tăng cường. Vậy thì, điều gì sẽ giải thích sự ổn định của hệ thống nếu sự đồng thuận thực đang suy yếu? Lập luận mà tôi đã đề xuất là người lao động chấp nhận hệ thống không phải vì họ thấy nó hợp pháp hay đáng ao ước mà vì họ không thấy có sự lựa chọn nào khác. Nói cách khác, họ cam chịu điều đó.

 

Điều này đưa chúng ta trở lại cái mà Marx gọi là “sự cưỡng ép buồn tẻ của các mối quan hệ kinh tế”. Đúng là, ở một số thời kỳ nhất định, tỷ lệ đồng thuận trong giai cấp công nhân đã ngày càng tăng. Điều này xảy ra trong thời kỳ tăng trưởng cao, thời kỳ phúc lợi ngày càng tăng, đặc biệt là khi bạn có một giai cấp công nhân có tổ chức có thể tạo ra một món hời cho chính mình trước người sử dụng lao động.

 

Bây giờ, chúng ta biết hai điều. Trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản, đây là một giai đoạn thường gặp hơn so với tiêu chuẩn ở phương Tây. Trong chủ nghĩa tư bản toàn cầu, phần lớn giai cấp công nhân chưa bao giờ được tổ chức đến mức mà nó có thể thương lượng để trao đổi bản thân theo cách này. Vậy làm thế nào để chủ nghĩa tư bản có thể duy trì ổn định? Nó vẫn ổn định bởi vì “sức ép âm ỉ của các mối quan hệ kinh tế” liên tục đưa người lao động trở lại công việc của họ hàng ngày, dù họ có hạnh phúc hay không, dù họ có hài lòng hay không.

 

Do đó, sự ổn định được hỗ trợ và thực hiện dễ dàng hơn thông qua sự đồng thuận, nhưng không dựa vào nó. Nó dựa trên những thực tế vật chất trong hoàn cảnh của chính giai cấp công nhân, những khó khăn trong việc tự tổ chức và thực tế là tới cùng thì họ cần công việc bất chấp họ ghét công việc đó. Sự đồng thuận trở thành một cơ chế phụ cho sự buông xuôi khi bạn trả lời câu hỏi mà Tân tả đặt ra.

Paul Heideman:

Câu hỏi về điều gì tạo ra sự ổn định xã hội trong chủ nghĩa tư bản có vẻ là một câu hỏi kỳ quặc đối với một người theo chủ nghĩa Marx. Theo truyền thống, những người theo chủ nghĩa Marx quan tâm nhiều hơn đến các cuộc cách mạng, các cuộc bãi công, v.v. Nhưng hai chương cuối của cuốn sách của bạn đã tạo ra một lý lẽ mạnh mẽ cho việc tại sao nó lại là một chủ điểm cần thiết cho các nhà lý thuyết xã hội ngày nay.

 

Làm thế nào các lập luận lý thuyết của cuốn sách có thể góp phần hiểu được sự thiếu hụt đáng kể những thách thức mang tính hệ thống đối với chủ nghĩa tân tự do trong thế giới tư bản tiên tiến?

Vivek Chibber:

Lập luận cơ bản mà tôi đang cố gắng đưa ra là giai cấp công nhân phải được coi là những người có tư duy, có lý luận, nhận thức được hoàn cảnh của họ, vị thế của họ và phản ứng với nó theo cách hợp lý và đúng đắn nhất.

 

Một trong những hậu quả đáng tiếc của bước ngoặt văn hóa là nó đã thúc đẩy thói ngạo mạn của giới trí thức: rằng người lao động dường như không cư xử và hành động theo cách mà lý thuyết của họ dự đoán những gì người lao động nên làm. Và nếu họ không hiểu, đó là bởi vì họ không hiểu hệ thống – và quan trọng hơn, hoàn cảnh của chính họ – giống như trí thức đã hiểu chúng. Ý tưởng rằng những người lao động đồng ý một cách tự nhiên với chủ nghĩa tư bản và đây là lý do tại sao hệ thống vẫn ổn định, dựa trên ý tưởng rằng những người lao động này không hiểu rằng họ bị bóc lột và hệ thống đang gây hại cho họ. Nó cho thấy rằng khả năng nhận thức của họ phải có điều gì đó không ổn.

 

Nhưng nếu bạn hiểu rằng lý do họ tuân thủ hệ thống là vì họ hiểu quá rõ những gì họ đang trải qua, nhưng họ cảm thấy không hợp lý để trải qua tất cả những rủi ro liên quan, thì nhiệm vụ đầu tiên của người tổ chức là không phải là đi đến và giảng giải cho họ. Mà là cố gắng từng phút một để hiểu hoàn cảnh trong cách họ đến với nhau như một giai cấp, và đưa ra các chiến lược mà những người thấy đó là hợp lý và sẽ sẵn sàng áp dụng – chứ không phải các chiến lược coi họ như những kẻ bị lường gạt. Và đó là bước đầu tiên để xây dựng một chiến lược chính trị để thay đổi những hoàn cảnh đó. Đó là động lực cơ bản cho cuốn sách này.


Một cuộc phỏng vấn với Vivek Chibber

Nguồn: Jacobin

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận