Bất ổn gia tăng ở Tây Phi

Như đã đưa tin trước đó, cuộc đảo chính gần đây ở Niger và phản ứng từ các quốc gia Tây Phi xung quanh đang làm gia tăng căng thẳng và bất ổn chính trị trên toàn khu vực.

Chỉ vài ngày sau khi đảo chính quân sự nổ ra ở Niger, khối ECOWAS của các quốc gia Tây Phi đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt lên quốc gia này, bao gồm ngừng mọi hoạt động thương mại và cắt nguồn cung cấp điện. Nó còn đi xa đến mức đưa ra tối hậu thư, đe dọa can thiệp quân sự nếu Mohamed Bazoum không được khôi phục lại quyền lực trước hạn chót là chủ nhật, 6 tháng 8. ECOWAS đang thể hiện những động thái cứng rắn hơn nhiều so với thái độ kiềm chế trước đó với các cuộc đảo chính ở Mali, Guinea và Burkina Faso gần đây. 

Tuy nhiên, hiệu quả của chúng cho đến nay chỉ là củng cố thêm quyết tâm của chính quyền quân sự ở Niger, vốn không có dấu hiệu lùi bước. Mặt khác, tối hậu thư của ECOWAS ngay lập tức đã vấp phải phản đối gay gắt từ các chính phủ quân sự ở Mali và Burkina Faso, cả hai đều đã đuổi các lực lượng Pháp ra khỏi biên giới của họ và công khai liên kết với Nga trên trường quốc tế. Hôm thứ Hai, họ cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger cũng sẽ được coi là “lời tuyên chiến” chống lại họ. Guinea cũng đã xác nhận sẽ ủng hộ chính phủ quân sự ở Niger.

Ngày 3/8, đánh dấu 63 năm kể từ khi Niger giành được độc lập từ Pháp, một phái đoàn từ ECOWAS đã trở về nước mà không đạt được bất kỳ giải pháp ngoại giao nào cho cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ chính phủ đã tham dự một cuộc biểu tình trên Quảng trường Độc lập của Niamey, hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo nước Pháp!” và, “Nước Nga muôn năm!”

Tình cảm chống Pháp hoặc thân Nga xen lẫn với các nhu cầu xã hội và kinh tế. Cuộc biểu tình được hỗ trợ và vận động bởi ‘phong trào M62’, được thành lập vào năm ngoái để phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao và các vụ bê bối tham nhũng liên quan đến chính phủ. Oumar, một người biểu tình, nói:

“Vì chế độ mà Pháp ủng hộ mà tôi vẫn thất nghiệp dù là người có học… Tất cả những điều đó phải ra đi!”

Tình cảm này rõ ràng không chỉ giới hạn ở Niger, cũng như Mali, Guinea và Burkina Faso, những quốc gia từng trải qua một số cuộc đảo chính trong 3 năm qua và vẫn còn chìm trong bất ổn chính trị và xã hội sâu sắc.


Sénégal

Hiện có một nguy cơ rất thực tế là bất ổn sẽ lan tới chính phủ Macky Sall ở Senegal, chính phủ đã được Tờ kinh tế mô tả“ngọn hải đăng cho sự ổn định và dân chủ trong một khu vực bị bao vây bởi các cuộc đảo chính và tổng thống lưu trú quá hạn.”

Bộ trưởng Ngoại giao Senegal, Aissata Tall Sall, hôm qua tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ cử quân can thiệp vào Niger theo quyết định của ECOWAS, nếu thời hạn Chủ nhật trôi qua mà vẫn bị phớt lờ. Theo Tall Sall, vụ lật đổ Bazoum gần đây ở Niger là “một cuộc đảo chính quá mức”.

Nhưng những sự kiện gần đây cho thấy rằng những người cai trị Senegal lo về các cuộc đảo chính ở nước ngoài thì ít mà cuộc cách mạng trong nước mới là nhiều. Hôm thứ Hai, đảng đối lập chính của Senegal, PASTEF, đã chính thức bị cấm hoạt động và lãnh đạo của đảng này bị bắt với cáo buộc kích động bạo lực và “âm mưu nổi dậy”.

Động thái này thể hiện sự gia tăng của một cuộc đấu tranh chính trị gay gắt đã phát triển kể từ khi các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra trên khắp đất nước vào tháng 6 do tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và nạn tham nhũng có hệ thống đã tàn phá “nền dân chủ ổn định nhất” của Tây Phi. Phỏng vấn trên tờ The Guardian, một người biểu tình 22 tuổi đã nói:

“Ở đây vắng bóng công lý… bởi vì chúng ta đang sống trong một chế độ độc tài. Tôi đang khóc trong lòng, trái tim tôi bầm dập.”

Tâm trạng thất vọng này đã hình thành từ năm 2012, khi thanh niên trục xuất Abdoulaye Wade khỏi quyền lực. Mười năm trôi qua, cuộc khủng hoảng mà quần chúng Senegal, đặc biệt là giới trẻ phải đối mặt, đã chỉ trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến những đợt bùng phát giận dữ mới của quần chúng.

Thủ lĩnh của PASTEF, Ousmane Sonko đã bị quản thúc tại gia từ tháng 5 và bị kết án vắng mặt vì tội tấn công tình dục một người dưới 21 tuổi vào năm 2021, một cáo buộc mà Sonko luôn bác bỏ. Sau khi bị định tội, Sonko đã bị kết án hai năm tù giam, điều này thuận tiện làm sao khi khiến cho anh ta không có khả năng tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Cho đến thứ Hai tuần trước, anh ta vẫn đang bị giam giữ.

Kể từ vụ bắt giữ Sonko gần đây nhất, một làn sóng phản đối mới trên đường phố đã nổ ra khắp Senegal. Các tài khoản mạng xã hội thân Nga đã đăng video quay cảnh những người biểu tình đốt cờ Pháp, nhưng không rõ những video này được quay khi nào và ở đâu. Tuy nhiên, rất có tiềm năng mà các khẩu hiệu chống Pháp sẽ tìm thấy được tiếng vang ở Senegal, như nó đã được thể hiện trên khắp Sahel.

Không thể dập tắt các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài từ thứ Hai, “ngọn hải đăng cho sự ổn định và dân chủ” này đã cấm ứng dụng mạng xã hội TikTok từ hôm 3/8. Lý do được đưa ra là nó được sử dụng để “lan truyền những thông điệp thù địch và lật đổ đe dọa sự ổn định của đất nước.” Tuy nhiên, như có thể thấy nhiều lần trong lịch sử, những nỗ lực của nhà nước nhằm đàn áp quần chúng thường chỉ thúc đẩy phong trào tiếp tục tiến lên.

Rõ ràng, chế độ ở Dakar, cũng như các ông chủ ở Paris, muốn hành động kiên quyết hơn nữa để đảo ngược cuộc đảo chính ở Niger, hy vọng rằng thần đèn của tình trạng bất ổn quần chúng và bất ổn chính trị có thể được đưa trở lại vào trong chai. Nhưng trớ trêu thay, giống như những nỗ lực của chính phủ nhằm đàn áp phong trào trong nước chỉ kích động phong trào thêm nữa, sự leo thang xung đột với Niger và đồng minh của họ trong khu vực có thể gây ra những bất ổn to lớn trong nước.



Ni-giê-ri-a

Sự cân nhắc này sẽ không còn xa với tâm trí của Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, người có chính phủ nằm trên đỉnh một thùng thuốc súng. Trữ lượng dầu mỏ dồi dào và các ngành công nghiệp hùng mạnh khiến Nigeria trở thành nền kinh tế lớn nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, đất nước này vẫn là “thủ đô nghèo đói của thế giới”. Do đó, sự bất mãn của quần chúng lan tràn và giống như nước láng giềng Niger, Nigeria đang phải đối mặt với cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo ở Đông Bắc, dưới hình thức Boko Haram, lực lượng mà nước này đã không thể loại bỏ sau gần 10 năm xung đột.

Hơn nữa, một trong những hành động đầu tiên của chính phủ Tinubu là cắt giảm trợ cấp nhiên liệu phổ biến để “cứu đất nước khỏi suy sụp”. Biện pháp này đã vấp phải sự phản đối từ phong trào lao động Nigeria.

Không khó để nhớ lại rằng một trong những tác nhân quan trọng nhất dẫn đến các cuộc cách mạng ở Tunisia, Ai Cập và gần đây là Sudan, chính xác là sự cắt giảm các khoản trợ cấp mà quần chúng đã dựa vào để có được những thứ như lương thực và nhiên liệu. Việc Tinubu đang thực hiện biện pháp này cho thấy rõ cuộc khủng hoảng sâu sắc mà chủ nghĩa tư bản ở Nigeria đang phải đối mặt và sự bất ổn xã hội đang bao trùm đất nước.

Bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger sẽ có nguy cơ rất lớn kích động bùng nổ xã hội bên trong Nigeria. Một triển vọng như vậy sẽ mang ý nghĩa to lớn đối với toàn bộ châu Phi. Cho đến nay, các cuộc đảo chính và phản đảo chính làm rung chuyển khu vực phần lớn diễn ra ở các nước cực kỳ nghèo, kém phát triển với dân số nông dân chiếm đa số. Sở dĩ sự mất ổn định ở các nước này biểu hiện thành đảo chính và phản đảo chính trước hết là do giai cấp tư sản địa phương quá yếu kém, không những nhỏ bé mà còn bị chủ nghĩa đế quốc nước ngoài trói tay chân. Do đó, bộ máy nhà nước có xu hướng nổi bật hơn.

Hơn nữa, quy mô nhỏ của giai cấp công nhân ở những quốc gia này và sự vắng mặt của lãnh đạo cách mạng đã tạo ra một thế bế tắc trong đó sự xuất hiện của các chế độ Bonapartist gần như không thể tránh khỏi. Điều đặc biệt đáng quan tâm trong tình hình hiện nay là hiện tượng một lớp sĩ quan cấp dưới nắm quyền thay cấp tướng, phản ánh sự tức giận từ bên dưới. Trường hợp của Ibrahim Traore, đội trưởng 34 tuổi ở Burkina Faso, là một điển hình.

Ngược lại, Nigeria là nền kinh tế lớn và mạnh mẽ nhất trong khu vực. Nó cũng sở hữu một trong những tầng lớp lao động lớn nhất Châu Phi. Nếu cuộc khủng hoảng hiện nay kích động một phong trào quần chúng của tầng lớp lao động Nigeria, điều này có thể làm thay đổi đáng kể tình hình.

Tiến thoái lưỡng nan

Do đó, nỗ lực của các đồng minh phương Tây trong khu vực nhằm tái khẳng định quyền kiểm soát tình hình ở Niger đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan đau đớn cho Tinubu, Sall và các nhà lãnh đạo ECOWAS khác. Nếu họ khoanh tay đứng nhìn sau khi đưa ra những lời đe dọa táo bạo như vậy, thì hành động xuống thang nhục nhã rất có thể chỉ khuyến khích sự bất ổn hơn nữa đồng thời làm hoen ố uy tín của chính chế độ của họ.

Mặt khác, việc biến những đe dọa thành thực tế có thể dễ dàng gây ra sự bất ổn trong nước, cũng như châm ngòi nguy cơ cho một cuộc xung đột rất dễ vượt ngoài tầm kiểm soát. Trong khi đó, bị trói tay ở Ukraine với không ít bầm dập, phương Tây khó có thể đổ viện trợ quân sự mới vào khu vực.

Nhiều khả năng, cả hai bên sẽ cố gắng áp dụng một lập trường cứng rắn nhất có thể, tăng cường các biện pháp trừng phạt và áp lực ngoại giao, đồng thời kiềm chế trước tiên một cuộc đụng độ quân sự. Tuy nhiên, việc họ có thể kìm hãm tình hình được hay không không hoàn toàn phụ thuộc vào họ.

Điều chắc chắn là các sự kiện bùng nổ tiếp theo rồi sẽ diễn ra, rất cần được theo dõi chặt chẽ bởi những người theo chủ nghĩa Marx.


Josh Holroyd, 04 tháng Tám 2023

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận