Phong trào đấu tranh chung của công nhân Do Thái và Ả rập thời kỳ trước khi Palestine chia cắt – Phần 1

Israel và Palestine

Những người Phục quốc Do Thái luôn cố gắng ngăn cản những nỗ lực nhằm thống nhất công nhân Do Thái và Ả Rập. Tuy nhiên, trong những thập kỷ trước khi thành lập nhà nước Israel, nhiều trường hợp các công nhân Do Thái và Ả Rập đã sát cánh cùng nhau ở các xưởng làm việc chung, thậm chí đã có những nỗ lực xây dựng công đoàn chung. Như vậy, lịch sử đã phủ nhận truyền thuyết về việc không có sự đoàn kết giữa công nhân Do Thái và Ả Rập. Sự thật là những người quốc gia chủ nghĩa ở cả hai phía (Do Thái và Ả Rập) đã làm mọi thứ để phá hoại những phong trào đoàn kết này. Hầu hết mọi người đều được hệ thống giáo dục tư bản chủ nghĩa tuyên truyền là sự chia cắt Palestine vào năm 1948 bởi Liên hiệp quốc (UN), là nhằm ngăn chặn cuộc nội chiến giữa người Ả Rập và Do Thái ở Palestine gây ra, và rằng Nhà nước Palestine được tạo ra không phải là do những cuộc tấn công của người Ả Rập vào Israel tháng 5/1948.

Mặt khác, chúng ta được biết là một số người tự nhận là Marxist, cho đến năm 1956 hoặc 1967, vẫn còn ủng hộ Israel chống lại người Ả Rập. Cơ sở cho việc ủng hộ này là giả định cho rằng Israel là một dạng nhà nước cấp tiến do những người xã hội chủ nghĩa điều hành, cũng chính họ ngày nay là những người phê phán rằng tất cả những người Do Thái Israel là một ‘khối bảo thủ’.

Như chúng ta sẽ thấy, tất cả những quan điểm này chỉ là những truyền thuyết.

Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái Xã hội chủ nghĩa

Nhà xã hội chủ nghĩa Phục quốc Do Thái nổi tiếng nhất là Ber Borochov (1881 – 1917), người đã đặt nền tảng lý thuyết cho học thuyết là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác biến dạng với chủ nghĩa phục quốc Do Thái (chủ nghĩa Zion) – học thuyết đã sản sinh ra Đảng Po’alei Tziyon (Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Do Thái) – là đảng lớn nhất trong số các đảng Phục quốc Do Thái Xã hội chủ nghĩa trước chiến tranh thế giới thứ nhất ở Đông Âu và Palestine. Năm 1906, Borochov xuất bản “Chương trình của Chúng ta” [Our Platform], trong đó ông đã áp dụng phân tích chủ nghĩa quốc gia của mình cho vấn đề Do Thái.

Theo Borochov, người Do Thái rất khó hợp tác và bị thù ghét ở tất cả những nơi họ sinh sống bên ngoài quê hương họ do cấu trúc xã hội “bất thường” của họ. Người Do Thái sống tập trung ở những khu vực bên lề đời sống kinh tế quốc gia, trong lĩnh vực buôn bán nhỏ, các doanh nghiệp dịch vụ quy mô nhỏ, cho vay, và những ngành nghề tương tự. Họ không sinh sống trong những ngành sản xuất cơ bản hay làm nông nghiệp.

Không thể cạnh tranh thành công trong những nền kinh tế bị các dân tộc khác chi phối và do trào lưu bài Do Thái ở những nơi đó, đa số dân Do Thái tiểu tư sản bị ép phải di cư đến Palestine, lãnh thổ duy nhất mà họ có thể có được thành công kinh tế bình thường bằng cách trở thành những người nông dân và công nhân. Ở đây, những người vô sản Do Thái ‘bình thường’ này cuối cùng có thể thực hiện đấu tranh giai cấp và xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa Do Thái.

Chương trình của Borochov đã hướng đến tuyển chọn những người Do Thái cánh tả tích cực trong phong trào xã hội chủ nghĩa; những người này còn đang bối rối do mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Zion. Borochov cho rằng chủ nghĩa Zion là giai đoạn lịch sử cần thiết để hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội.

Chương trình này đã sớm được triển khai thử nghiệm ở Palestine. Nó được khái quát trong các khái niệm mang tính chủng tộc như “thay thế lao động” [conquest of labor], “lao động Do thái” [Hebrew labor], và “chiếm đoạt đất đai” [conquest of land]. Nói một cách đơn giản, chương trình này nhằm di dời những nông dân nghèo Ả Rập ra khỏi vùng đất của họ, và đẩy công nhân Ả Rập khỏi chỗ làm việc của họ.

Những năm 1920

Trước khi đế quốc Anh chiếm đóng vùng đất Palestine, những quan niệm này đã được thực hiện để xua đuổi những công nhân Ả Rập khỏi Mosha-Vogts (các khu định cư nông nghiệp). Do những người Zion xã hội chủ nghĩa tiểu tư sản không thể cạnh tranh với những công nhân Ả Rập địa phương, họ bắt đầu nhập khẩu nguồn lao động rẻ là những người Do Thái từ Yemen và Bắc Phi. Do vậy, sự thù địch đã nổ ra giữa người Do Thái Ashkenazi và người Do Thái Sephardic ở Israel.

Khi người Anh đến chiếm đóng, đã xuất hiện một khu vực trong nền kinh tế Palestine , nơi mà công nhân Ả Rập và Do Thái cùng làm việc với nhau. Khu vực này bao gồm ngành đường sắt, các cơ quan và doanh nghiệp thuộc Nhà nước như hệ thống điện thoại, điện tín, Sở Công trình Công cộng và các cơ quan vận tải, cũng như các cơ quan chính quyền ở các thành phố với các thành phần dân cư đa dạng. Sau đó, các căn cứ quân sự và các cơ sở của Anh và Đồng minh tại Palestine cũng trở thành những nơi làm việc chính của công nhân Ả Rập và Do Thái. Còn có một số công ty tư nhân sử dụng cả công nhân Ả Rập và Do Thái, gồm một số công ty nước ngoài lớn – như Công ty Dầu khí Irắc, với một cơ sở ở Haifa – nhà máy lọc dầu, Nhà máy xi-măng và khai thác đá Nesher ở vùng lân cận. Vào những năm 1920, xã hội Ả Rập Palestine đa phần vẫn là nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng [dân số] tự nhiên cao, khủng hoảng nông nghiệp sâu sắc, và cơ hội việc làm mới ở thành phố đã dẫn đến sự di dân đáng kể từ nông thôn lên các vùng đô thị, đặc biệt các thành phố duyên hải đang phát triển ở Jaffa và Haifa. Giữa hai cuộc điều tra dân số năm 1922 và năm 1931, dân số Ả Rập ở Palestine đã tăng khoảng 40%, nhưng dân số Ả Rập ở Jaffa đã tăng 63% (từ 27.429 lên 44.638), và dân số Ả Rập ở Haifa tăng 87% (từ 18.240 lên 34.148).[1]

Những lực lượng di cư mới này đã mở rộng các tầng lớp giai cấp công nhân thành thị trong các ngành xây dựng, công trình công cộng, hải cảng, đường sắt, các doanh nghiệp chế tạo và dịch vụ quy mô nhỏ, và các ngành khác. Một tầng lớp công nhân lành nghề và bán lành nghề đã xuất hiện, đặc biệt ở Haifa – thành phố đang chuyển mình thành một trung tâm công nghiệp và cảng biển chính của Palestine.[2] Hơn nữa, một số thành viên của tầng lớp này đã bắt đầu quan tâm đến chủ nghĩa công đoàn.

Một tổ chức công đoàn quốc tế có thể phát hiện ra cơ hội vàng để đoàn kết những người công nhân Do Thái và Ả Rập trong cuộc đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp công nhân, ở những nơi họ làm việc cùng nhau. Nhưng đối với Tổng Liên đoàn Công nhân Do Thái ở Israel [Histadrut], thành lập năm 1920, thì vấn đề lại không phải như vậy.

Dưới sức ép của công nhân Do Thái – làm việc cùng với công nhân Ả Rập và muốn có một tổ chức công đoàn chung, Histadrut đã phải giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, việc thành lập tổ chức chung mâu thuẫn với chính sách “lao động Do Thái” [Hebrew labour]. Chính sách này xuất hiện từ những năm 1920, của hai đảng Phục quốc Do Thái công nhân lớn nhất và của Tổng liên đoàn Lao động Do Thái Israel – tổ chức do hai đảng này cùng nhau thống trị.[3]

Các đảng Phục quốc Do Thái “xã hội chủ nghĩa” thành lập ra Histadrut này đã bất đồng về những sách lược đối với những xưởng làm việc chung. Berl Katznelson (1887 – 1944), một trong những thủ lĩnh của Tổ chức Thống nhất Lao động [Ahdut Ha’avoda] (sau này gọi là MAPAI), trong cuộc họp vào ngày 30/12/1920, ngay sau khi Histadrut được thành lập, đã thể hiện rõ lo lắng về khả năng những người công nhân đường sắt Ả Rập muốn tham gia RWA (Hiệp hội Đường sắt của Histadrut); điều đó sẽ làm mất đi tích chất Phục quốc và tính chất Do Thái của nó. Các thành viên khác trong ban điều hành đã đồng ý với Katznelson rằng những công nhân Do Thái và Ả Rập cần tham gia vào những tổ chức khác nhau. Một số thậm chí còn tỏ ra rất nghi ngờ về toàn bộ ý tưởng muốn giúp đỡ tổ chức công nhân Ả Rập; họ lo ngại là những công nhân Ả Rập có tổ chức sẽ chống lại chủ nghĩa Phục quốc Do Thái.

Tổ chức Thống nhất Lao động [Adhut Ha’avoda], do David Ben-Gurion (1886 – 1973) lãnh đạo, (người sau này trở thành người lãnh đạo của phong trào Phục quốc Do Thái và là Thủ tướng đầu tiên của Israel), đã phản ứng một cách hơi khác.

Ben-Gurion và các cộng sự của ông đã nhận ra một thực tế: những diễn biến nói trên là sự phát triển rất nguy hiểm trong quan điểm Phục quốc Do Thái. Những cửa hàng bánh ngọt và bánh nướng của người Do Thái ở Jaffa và Tel Aviv có sử dụng cả người Ả Rập và người Do Thái. Công nhân Ả Rập đã hợp tác với những đồng nghiệp Do Thái khi mà những người công nhân Do Thái tổ chức thành lập công đoàn. Những nỗ lực đầu tiên để phát triển mối liên hệ với những công nhân làm bánh Ả Rập là do những công nhân làm bánh cấp tiến người Do Thái khởi xướng – những người này, vào năm 1922, tiến xa tới mức đã tuyên bố công đoàn của họ có tính “quốc tế”, nghĩa là họ mở cửa cho cả các hội viên Do Thái và Ả Rập, và thực tế đã đăng ký một số hội viên Ả Rập tham gia. Điều tương tự đã xảy ra trong ngành đường sắt. Một số công nhân đường sắt Ả Rập đã buộc những người lãnh đạo công đoàn Do Thái phải trả lời rõ ràng cho đề nghị hợp tác của họ; một số công nhân Ả Rập còn bày tỏ nguyện vọng tham gia vào Histadrut (Tổng liên đoàn Lao động Do Thái Israel). Những công nhân đường sắt Do Thái cũng đưa ra yêu cầu như vậy.

Ben Gurion lo ngại là nếu Histadrut không đưa ra được chính sách rõ ràng về việc tổ chức công đoàn chung, đặc biệt trong ngành đường sắt, công nhân đường sắt Do Thái cũng sẽ tổ chức một công đoàn công nhân đường sắt Do Thái và Ả Rập thống nhất (“quốc tế”)

Ben Gurion đề nghị là trong tất cả các ngành có sử dụng cả công nhân Do Thái và Ả Rập (như ngành đường sắt, cơ khí, và một số ngành khác), các công đoàn Do Thái cần tổ chức những công nhân Ả Rập vào các công đoàn; các công đoàn này có hợp tác với các công đoàn Do Thái nhưng không nằm trong các tổ chức đó.

Đúng như Ben Gurion và đảng của ông đã nhìn thấy, các công đoàn hợp tác nhưng tách rời ở những xưởng làm việc chung là điều cần thiết. Điều này giúp cho các công nhân Do Thái ở những xưởng làm chung nâng cao được địa vị của họ thông qua hợp tác với những bạn đồng nghiệp người Ả Rập, trong khi vẫn giữ được tính chất Do Thái đặc trưng của mình trong Histadrut và các tổ chức công đoàn; do vậy các công đoàn Do Thái đó vẫn tự do thực hiện các công việc (“quốc gia”) Phục quốc Do Thái của họ, bao gồm cả cuộc đấu tranh nhằm thay thế các công nhân Ả Rập bằng các công nhân Do Thái.

Vào tháng Giêng năm 1922, Hội đồng của Histadrut đã thông qua nghị quyết về các nguyên tắc cơ bản đối với hình thức tổ chức chung của các công nhân ngành đường sắt – trở thành “một tổ chức của các công nhân trên cơ sở các bộ phận quốc gia” và “duy trì Hiệp hội Công nhân Đường sắt Do Thái với tư cách là một tổ chức thuộc Histadrut”.[4]

Trong khi Tổ chức Lao động Thống nhất [Ahdut Ha’avoda] đang tìm kiếm những tổ chức công đoàn “bình đẳng và độc lập”, Tổ chức Công nhân trẻ [Hapo’el Hatza’ir’s] (tổ chức sau này chi phối MAPAI), tiếp tục cho rằng nhiệm vụ trọng tâm của Histadrut là thực hiện sự nghiệp Phục quốc Do Thái bằng cách xây dựng một xã hội và một nền kinh tế độc lập của người Do Thái ở Palestine; và luận điểm này đủ để biện hộ cho các chính sách như “lao động Do Thái” (chỉ sử dụng người Do Thái!). Tổ chức này cho rằng ý kiến của Ben Gurion về việc tổ chức chung ở những nơi làm việc chung và tổ chức các công nhân Ả Rập chỉ là những giấc mơ không tưởng.

Quan điểm của Tổ chức Công nhân Trẻ [Hapo’el Hatza’ir’s] do Hayyim Arlosoroff nêu ra vào năm 1927, trong bài tiểu luận “On the Question of Joint Organization”  [Về vấn đề Tổ chức chung].

Trong bài tiểu luận của mình, Arlosoroff đã bác bỏ quan niệm cho rằng tổ chức công đoàn chung có thể làm tăng mức lương chung ở Palestine, và do vậy sẽ thúc đẩy cuộc đấu tranh cho lao động Do Thái bằng cách làm cho công nhân Do Thái trở nên cạnh tranh hơn công nhân Ả Rập. Ông cũng cho rằng quan điểm của Ben Gurion về chính sách liên kết các công đoàn – dựa trên giả định là giai cấp công nhân Ả Rập Palestine có thể trở thành một liên minh của phong trào Phục quốc Do Thái chống lại chủ nghĩa dân tộc Ả Rập – chỉ là một ảo tưởng.

Để ủng hộ quan điểm của mình, Arlosoroff đã trích dẫn trường hợp của Nam Phi, nơi mà, theo như Arlosoroff đã thấy, các điều kiện rất giống với những gì xảy ra với công nhân Do Thái ở Palestine. Các công nhân da trắng ở đó không thể cạnh tranh được trong một thị trường lao động bị chi phối hoàn toàn bởi lực lượng lao động đông đảo và rẻ tiền người Ấn độ và người Phi. Do vậy, họ đã phải tổ chức lại và sử dụng ảnh hưởng chính trị của họ để duy trì một “hệ thống phân biệt đối xử” [colour bar] – một chế độ loại trừ những lao động không phải da trắng khỏi những công việc có tính quản lý, có tay nghề, và thu nhập cao. Tổ chức công đoàn chung không thể chiến thắng các động lực của thị trường lao động tư bản chủ nghĩa. Chỉ có một cách để thoát khỏi tình trạng khó khăn này, Arlosoroff nhấn mạnh, đó là phong trào công nhân Phục quốc Do Thái cần phải dành toàn bộ các nguồn lực và sức mạnh của mình để phát triển, trong những thập kỷ sắp tới, một khu vực kinh tế độc lập của người Do Thái – năng suất cao và được trả lương cao; khu vực này tồn tại đồng thời với một khu vực của người Ả Rập năng suất thấp và lương thấp.

Tổ chức Công nhân Trẻ [Hapo’el Hatza’irs] và Tổ chức Lao động Thống nhất [Ahdut Haavoda] đã sớm xảy ra xung đột trong các chính sách của họ về giai cấp công nhân Do Thái.

Do ảnh hưởng của cách mạng Nga, từ năm 1919 đến 1921, các lãnh tụ của Đảng Công nhân Dân chủ xã hội Do thái [Po’alei Tziyon] ở châu Âu, đã chịu những áp lực mạnh mẽ phải gia nhập Quốc tế Cộng sản [Comintern]. Thay cho việc gia nhập Quốc tế Cộng sản, họ đã kéo dài thời gian thương lượng về các điều kiện gia nhập vào tổ chức này. Trở ngại lớn nhất cho việc gia nhập chính là cam kết của Po’alei Tziyon với chủ nghĩa Phục quốc Do Thái – là điểm mà Comintern (giống như hầu hết các phong trào dân chủ – xã hội trước chiến tranh) kiên quyết bác bỏ. Năm 1921, Comintern đã tuyên bố là chủ nghĩa cộng sản và Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái là không thể tương thích, và yêu cầu phải chấp thuận toàn bộ 21 điều kiện gia nhập, bao gồm cả việc từ bỏ chủ nghĩa Phục quốc Do thái và giải thể các phân bộ địa phương của Po’alei Tziyon thuộc các đảng cộng sản khu vực.

Việc này đã dẫn đến một loạt sự sáp nhập và chia tách, và xuất hiện các khuynh hướng chính trị khác nhau, cuối cùng dẫn đến sự thống nhất vào hai đảng. Một là Đảng Cộng sản Palestine (PCP). Đảng này đã được Comintern công nhận vào năm 1924 như là một phân bộ của nó ở Palestine. Đảng này ủng hộ cho chủ nghĩa công đoàn Quốc tế.

Khuynh hướng thứ hai là Đảng Công nhân Dân chủ – xã hội cánh tả (Po’alei Tziyon Smol).

Po’alei Tziyon Smol là đảng có quan điểm cực tả trong các đảng Phục quốc Do Thái. Không như Ben Gurion, đảng này ủng hộ quan điểm công đoàn chung, nhưng dưới sự lãnh đạo và cương lĩnh của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Chương trình của họ là giành cho các công đoàn thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, nhưng không thực hiện bất cứ vai trò chính trị nào; tức là họ chuyển việc thực hiện vai trò chính trị cho các tổ chức Phục quốc Do Thái.

“Các công đoàn liên kết”

Vào giữa những năm 1920, Haifa đã trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng: dân số của nó (1/4 là dân Do Thái) đạt gần 25.000 người vào năm 1922 và tăng gấp đôi vào năm 1931.[5] Trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh, thành phố này không chỉ là cảng biển chính mà còn là trung tâm công nghiệp hàng đầu của Palestine.

Nhà máy xi măng Nesher mới, đặt không xa Haifa, do Michael Pollack xây dựng vào năm 1924–1925. Michael Pollack là một người Do Thái sinh ra ở vùng Georgia thuộc Nga và đã có một gia sản lớn ở vùng dầu mỏ Baku. Ông đã rời khỏi nước Nga sau cuộc cách mạng Nga, cuối cùng đến định cư tại Paris.

Việc xây dựng nhà máy Nesher được giao cho cả công nhân Do Thái (do Histadrut cung cấp) và công nhân Ai Cập (do một nhà thầu Ả Rập địa phương cung cấp) thực hiện. Các công nhân của Histadrut được trả 20 piastre cho một ngày làm việc 8 giờ, trong khi những công nhân Ai cập chỉ nhận được 10 piastre cho một ngày làm việc 9 đến 10 giờ. Sự khác nhau về tiền lương như vậy giữa công nhân Do Thái và Ả Rập, áp dụng cho cả công nhân lành nghề và không lành nghề, là tình trạng điển hình ở Palestine trong suốt thời kỳ ủy trị (thuộc Anh). Đó là một chính sách có chủ ý của chính quyền cai trị Anh và Histadrut nhằm tạo ra sự phân chia công nhân theo chủng tộc. Mối quan hệ khá tốt đẹp đã được duy trì giữa 200 công nhân Do Thái và 80 công nhân Ai cập tham gia xây dựng nhà máy Nesher đến năm 1924.

Có một số hội viên hoặc cảm tình viên của Đảng Cộng sản Palestine cũng được thuê tại khu vực Nesher. Những người cộng sản đã không ngần ngại phản đối những vấn đề tại nơi làm việc. Ở Nesher, cũng như những nơi khác, những người cộng sản đã tấn công phong trào phục quốc Do Thái vì đã xua đuổi những người nông dân Palestine, họ yêu cầu tịch thu lại tất cả những mảnh đất mà nhà máy Nesher đã xây dựng.

Khi mà nhà máy sắp hoàn thành, sự căng thẳng đã nổ ra giữa cấp quản lý và những người công nhân Do Thái. Những người công nhân Do Thái đã phản đối sự cứng nhắc của cấp quản lý đã không công nhận ủy ban do họ bầu ra, hoặc là thỏa hiệp với Histadrut – là tổ chức mà họ là thành viên. Những người công nhân Do Thái cũng muốn tăng lương lên 25 piastre và giảm bớt một giờ làm việc. Cuối cùng, các công nhân xây dựng Do Thái đã tiến hành bãi công. Họ nhanh chóng nhận ra là họ cần có sự ủng hộ của các công nhân Ai cập để giành chiến thắng. Những người lãnh đạo của Histadrut và Hội đồng Công nhân Haifa đã phản đối việc lôi kéo công nhân Ai Cập cùng tham gia bãi công; họ sợ là sự tham gia của công nhân Ai Cập sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu lâu dài của Histadrut là tạo việc làm hoàn toàn cho người Do Thái ở khu vực này, theo đúng như học thuyết “lao động Hebrew”. Nhưng những người công nhân Do Thái đã quyết định hợp tác với những người công nhân Ai Cập. Và những người công nhân Ai Cập – những người có tiền lương thấp hơn, chịu sự đối xử tồi tệ hơn và điều kiện làm việc kém hơn so với những người đồng nghiệp Do Thái – đã nhanh chóng hưởng ứng tham gia bãi công.

Cuộc bãi công kéo dài suốt hai tháng, cho đến khi Pollack cuối cùng  phải gửi một thông báo ra lệnh cho người đại diện của ông ta ở Palestine đạt tới một thỏa thuận. Thỏa thuận đã nhanh chóng đạt được giữa Nesher và Hội đồng Công nhân Haifa. Thỏa thuận này đã giành được cho những người công nhân Do Thái một số yêu sách của họ. Thỏa thuận này đã không đả động gì đến những người công nhân Ai Cập, và Histadrut khẳng định là họ không có trách nhiệm đối với những công nhân Ai Cập. Phản đối lãnh đạo của mình, những công nhân Do Thái đã bỏ phiếu 170 – 30 không quay lại làm việc, trừ khi những người công nhân Ai Cập được quay trở lại; điều này ban quản lý của công ty Nesher đã từ chối thực hiện. Histadrut đã lờ đi kết quả bỏ phiếu và đã thành công trong việc gây sức ép đối với các công nhân Do Thái từ bỏ bãi công và quay trở lại làm việc. Hầu hết các công nhân Ai Cập bị chính quyền bảo hộ trục xuất về nước. Cuộc bãi công này đã trở thành mô hình trong những năm tiếp theo.

Xét đến những chính sách hữu khuynh của các đảng Zion “xã hội chủ nghĩa”, những người cộng sản đã đạt được cơ sở giữa công nhân Do Thái và Ả Rập. Những người cộng sản đã nhận được ủng hộ từ các công nhân Do Thái ngành đường sắt ở Haifa, từ đó họ đã vươn tới những người công nhân Ả Rập ngành đường sắt và những ngành khác. Vào mùa thu năm 1924, đảng cộng sản đã bắt đầu phát hành tạp chí tiếng Ả Rập – tên là Haifa. Những nỗ lực của họ để giành được sự ủng hộ của cộng đồng Ả Rập đã được gia tăng nhờ có lập trường chống chủ nghĩa Phục quốc Do Thái rõ ràng và mạnh mẽ hơn; một trong những biểu hiện đầu tiên của nó là chiến dịch ủng hộ nông dân Ả Rập chống lại việc trục xuất khỏi những vùng đất gần ‘Afula’ trong thung lũng Jezreel – vùng đất mà các chủ đất người Ả Rập đã bán cho Quỹ Quốc Gia Do Thái. Đảng cộng sản Palestine cũng đã cố gắng thu hút các công nhân Do Thái thông qua một phong trào “công nhân thống nhất” (trong tiếng Hebrew là “Ihud”), theo những chỉ đạo lúc đó của Quốc tế Cộng sản – hướng dẫn các đảng cộng sản trên toàn thế giới xóa bỏ sự cô lập bằng các hoạt động liên kết với những người dân chủ – xã hội cánh tả trong các phong trào công đoàn; chứ không thông qua mặt trận thống nhất Leninist với những tổ chức dân chủ xã hội. Mặc dù những người cộng sản đã bị khai trừ ra khỏi Histadrut từ năm trước đó, nhưng sự cổ vũ mạnh của đảng với đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa công đoàn quốc tế đã giúp họ giữ được sự ủng hộ của những công nhân Do Thái. Tháng 12/1925, tại các cuộc bầu cử vào hội đồng đại diện của Yishuv (vùng đất định cư Do Thái), danh sách của Đảng đã giành được 8% số phiếu bầu, và hơn 10% ở các thành phố lớn – một kết quả thành công mà những người cộng sản ở Palestine (và sau này là ở Israel) chưa bao giờ đạt được.[6]

Cũng vào thời gian đó, phản ứng với chính sách “lao động Hebrew” của Histadrut, một phong trào lao động Ả Rập Palestine độc lập đã xuất hiện dưới hình thức Hiệp hội Công Nhân Ả Rập Palestine (PAWS), thành lập tại Haifa mùa xuân năm 1925.

Sự xuất hiện của PAWS và ảnh hưởng ngày càng tăng của những người cộng sản và Đảng công nhân Dân chủ Xã hội Do Thái cánh tả [Po’alei Tziyon Smol], đã thuyết phục những người lãnh đạo Histadrut rằng đã đến lúc cần phải tổ chức những công nhân Ả Rập và đặt họ trong phạm vi ảnh hưởng của Histadrut.[vii] Trong năm 1925, bằng nguồn quỹ từ ngân sách của mình và Ban điều hành phong trào Phục Quốc Do Thái, Histadrut đã thực hiện hai chương trình nhằm phát triển mối liên kết với giai cấp công nhân Ả Rập: một tờ tạp chí tiếng Ả Rập và một “hội” ở Haifa – nhiệm vụ của tổ chức này là để tạo mối liên hệ, và sau đó tổ chức các công nhân Ả Rập.

Yitzhak Ben-Tzvi, người sau này trở thành tổng thống thứ hai của Israel, làm chủ biên của một tờ báo mới bắt đầu xuất hiện vào tháng 4/1925, và có tên là Ittihad al-‘Ummal (tờ Công nhân Thống nhất).

Tờ báo này đã đăng khá nhiều bài báo viết về lịch sử, tư tưởng và những thành tựu của phong trào Phục quốc Do Thái- lao động, giải thích cơ cấu tổ chức và chức năng của Histadrut và các tổ chức thành viên. Tờ báo này cũng đã giới thiệu chủ nghĩa xã hội tới bạn đọc qua một loạt bài đăng của Ferdinand Lasalle.

Tổ chức Tổng hội Công nhân [General Workers Club] đã thành công hơn. Tổ chức này nhằm tăng cường ảnh hưởng của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái trong giới công nhân lành nghề Thiên chúa giáo thuộc “khu phố cổ “ ở Haifa. Tổ chức này đã lập một công đoàn cho những người thợ may và thợ mộc. Vào tháng 10/1925, họ đã tổ chức một cuộc bãi công chống lại mười hai chủ cửa hàng người Ả Rập với sự hỗ trợ của Histadrut. Cuộc bãi công kéo dài hai tuần và đã giành được một số kết quả. Kết quả này cho phép Histadrut tuyên bố trước phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế là họ không chỉ nỗ lực xây dựng một xã hội Do Thái tiên tiến ở Palestine, mà còn quan tâm đến cả những công nhân Ả Rập.

Như vậy, cuộc bãi công tháng 10/1925 do Tổng hội Công nhân lãnh đạo đánh dấu sự khởi đầu và nỗ lực đáng kể của Histadrut để tổ chức các công nhân Ả Rập ở Haifa trong những năm 1920. Bất chấp mọi biện luận ủng hộ tổ chức đối với các công nhân Ả Rập, Histadrut vẫn lo ngại những hậu quả chính trị dài hạn do việc tổ chức công đoàn và bãi công. Trong các báo cáo đánh giá của họ, các công nhân Ả Rập càng có ý thức giai cấp và càng có tổ chức tốt, cuối cùng họ cũng sẽ chống lại chủ nghĩa Phục quốc Do Thái.

Đến năm 1927, Tổng hội Công nhân hầu như giải thể. Ở những nơi khác thuộc Palestine, những nỗ lực của Histadrut xây dựng sự đoàn kết với các công nhân Ả Rập đã không thể đạt kết quả như ở Haifa. Đến mùa hè năm 1927, tờ báo Filastin, đặt tại Jaffa, lo lắng về sự giảm sút ảnh hưởng của giới chủ tư bản đối với các công nhân Ả Rập, đáp trả chính sách dân tộc chủ nghĩa của Histadrut, đã kêu gọi các công nhân Ả rập từ bỏ công đoàn Do Thái và thành lập các tổ chức lao động của riêng người Ả Rập.[8]

Trước cơn bão

Tình hình những năm 1930 cũng giống như vậy. Phản ứng đối với các chính sách phân biệt chủng tộc của Histadrut, vào tháng 1/1930, Hiệp hội Công nhân Ả Rập Palestine (PAWS) đã tổ chức đại hội toàn quốc lần đầu tiên của những người công nhân Ả Rập. Sáu mươi mốt đại biểu đã tập hợp ở Haifa, đại diện cho khoảng 3.000 công nhân. Gần một nửa số đại biểu đến từ chính thành phố Haifa, và gần một nửa số đó đại diện cho các công nhân đường sắt – là lực lượng ủng hộ chủ yếu của PAWS. Nhưng cũng có một số lực lượng nhỏ hơn từ Jerusalem, Jaffa, và các thành phố khác, đại diện cho các tổ chức công đoàn khác. Mặc dù có một số nhà hoạt động công đoàn Ả Rập – những người là hội viên hoặc cảm tình viên của Đảng Cộng sản Palestine – đã giúp tổ chức đại hội, nhưng sự kiện này chủ yếu vẫn do các thành phần bảo thủ kiểm soát. Đại hội đã quyết định phát động một phong trào lao động toàn quốc nhằm dẫn dắt cuộc đấu tranh cải thiện tiền công và điều kiện làm việc của công nhân Ả Rập, cũng như bảo vệ quyền lợi của họ. Đại hội cũng tuyên bố sự phản đối với chính sách di dân Do Thái và chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, cũng như sự ủng hộ cho nền độc lập của Palestine với tư cách là một Nhà nước Ả Rập.

Giữa năm 1930 và 1936, những nhà lãnh đạo của Histadrut đã hết sức nỗ lực ngăn chặn sự đoàn kết giai cấp. Họ đã phá hoại cuộc đấu tranh chung của những người lái xe taxi và xe buýt Do Thái và Ả Rập vào năm 1931. Họ sử dụng bãi công để tổ chức các lái xe Do Thái vào các hợp tác xã. Giống như các ngành khác trong nền kinh tế Palestine, ngành vận tải mô tô trở nên ngày càng chia tách; một số hợp tác xã xe tải và xe buýt lớn (thuộc Histadrut) phục vụ cho các thành phố và các khu định cư của người Do Thái, trong khi các công ty tư nhân Ả Rập thì phục vụ các thành phố và các làng xóm của người Ả Rập.

Năm 1932, Histadrut đã lợi dụng cuộc bãi công của những người công nhân chiếu sáng nhằm thay thế các công nhân Do Thái cho các công nhân Ả Rập. Những công nhân chiếu sáng Do Thái  – những người hàng ngày vẫn làm việc cùng với các công nhân Ả Rập – đã từ chối làm những kẻ phá hoại bãi công. Histadrut đã hứa giúp họ giành chiến thắng cuộc bãi công và đã đạt được một vài lời hứa miệng nhưng không thực hiện được.

Sau khi cuộc bãi công kết thúc, những người công nhân chiếu sáng và một số công nhân cảng Ả Rập khác đã gia nhập một tổ chức công đoàn mới do Histadrut ủng hộ – Công đoàn Công nhân Cảng, bao gồm cả các công nhân Do Thái và Ả Rập. Mặc dù những công nhân Do Thái thuộc tổ chức Hashomer Hatza’ir [The Young Guard] muốn có một công đoàn có tính quốc tế hoàn toàn, không có chia tách nội bộ, nhưng Histadrut đã đòi hỏi là công đoàn cần phải bao gồm hai bộ phận (quốc gia) tách biệt.

Tổ chức công đoàn Ả Rập mới do Histadrut kiểm soát có tên là Liên đoàn Lao động Palestine (PLL.). Bằng việc thành lập tổ chức này, những người lãnh đạo Histadrut ngăn chặn mọi khả năng công nhân Ả Rập trở thành những hội viên bình đẳng và đầy đủ quyền lợi trong một tổ chức chuyển đổi – không mang tính chất Phục quốc Do Thái – của Histadrut, giống như Đảng Công nhân Dân chủ xã hội Do Thái cánh tả [Po’alei Tziyon Smol] và những công nhân Ả Rập tham gia đảng này đã đòi hỏi từ rất lâu.

Trong thời gian còn lại của giai đoạn ủy trị, thực tế là cho đến năm 1959, khi mà Histadrut quyết định cho phép người Ả Rập trở thành hội viên toàn phần, PLL (từ sau năm 1948 đã đổi tên là Liên đoàn Lao động Israel) đã trở thành tổ chức ở đó các công nhân Ả Rập được tổ chức dưới sự kiểm soát của Histadrut.

Vào năm 1933, ban lãnh đạo Histadrut đã cản trở cuộc đấu tranh chung của tổ chức Công nhân Mỏ đá Nesher [the Nesher Quarry Workers].

Những nhà lãnh đạo phản bội này đã bị Đảng Cộng sản Palestine và Po’alei Tziyon Smol phê phán kịch liệt. Trong các tài liệu của mình, Đảng Cộng sản Palestine đã giải thích rằng Histadrut đã lại một lần nữa phản bội những người công nhân Ả Rập và Do Thái, và kêu gọi thành lập một ủy ban bãi công độc lập để dẫn dắt cuộc đấu tranh chung nhằm giành được tiền lương như nhau cho cả công nhân Do Thái và Ả Rập. Cuộc bãi công từ tháng 4 đến tháng 5/1933 đã đánh dấu sự bắt đầu chấm dứt ảnh hưởng của PLL ở Nesher.[9]

Điều tương tự cũng đã xảy ra ở Hải cảng Haifa, nơi mà PLL đã không bao giờ thực sự có thể tạo ra một cơ sở ủng hộ chắc chắn cho những người công nhân Ả Rập. Hiệp hội công nhân Ả Rập Palestine (PAWS) đã có thể chỉ ra rằng Histadrut đã thực sự tìm cách đẩy những công nhân Ả Rập ra khỏi chỗ làm và thay thế họ bằng những công nhân Do Thái. Các đại diện của Histadrut cũng đổ lỗi cho những người cộng sản Do Thái vì kết quả hoạt động không tốt của PLL, bởi vì Đảng Cộng sản [Palestine] đã thông báo cho những người Ả Rập về chính sách thực sự của Histadrut đối với công nhân Ả Rập.[10]

Tại Jaffa, vào năm 1934, PLL đã đạt được một vài thành công trong việc tổ chức các công nhân Ả Rập, đặc biệt là các công nhân cảng. Những thành công này đã thức tỉnh những nhà hoạt động công đoàn Ả Rập và các đồng minh dân tộc chủ nghĩa tư sản – thuộc nhóm Nashashibi, những người đã thành lập “Hội Công nhân Ả Rập (Arab Workers’ Society – AWS) vào cuối tháng 7/1934. AWS đã kêu gọi các công nhân Ả Rập sử dụng những vũ khí của Histadrut, bằng cách làm thành những hàng rào biểu tình và tẩy chay những sản phẩm, hàng hóa Do Thái.

Vào cuối tháng 2/1935, những công nhân cảng đã tiến hành bãi công, bắt nguồn từ việc phản đối việc sa thải một đồng nghiệp sau khi tranh cãi với người quản lý, và họ đã đưa ra yêu cầu ngày làm việc tám giờ, tuần làm việc 6 ngày, và tăng tiền công. Mặc dù cuộc bãi công đã kết thúc thất bại sau một tuần. Cuộc bãi công thất bại do Histadrut đã không hỗ trợ cuộc bãi công. Kết quả là, đến cuối năm 1935, sự hỗ trợ của PLL đã tan rã.[11] Sau đó, tháng 10/1935, một thùng hàng được khai là chứa xi măng tình cờ bị vỡ khi đang dỡ xuống ở cảng Jaffa, và bị phát hiện chứa toàn vũ khí, đạn dược vận chuyển trái phép vào Palestine cho tổ chức Hagana – một tổ chức quân sự Phục quốc Do Thái. Sự việc này đã phá hủy nốt những gì còn lại trong mối liên hệ giữa PLL với các công nhân cảng ở Jaffa.

Vào ngày 22/2/1935, khoảng 150 công nhân lành nghề thuộc một số phòng ban kỹ thuật của Công ty Dầu mỏ Iraq (Iraq Petroleum Corporation – IPC) đã thành lập một ủy ban bãi công và đã đưa ra yêu sách đòi tiền lương tối thiểu 15 piastre một ngày, ngày làm việc 8 giờ và tuần làm việc 6 ngày, trả thêm tiền làm việc ngoài giờ, và một số yêu sách khác. Trong vòng một tuần, cuộc bãi công đã lan rộng và thu hút khoảng 600 công nhân IPC tham gia, hầu hết là người Ả Rập; nhưng thậm chí một số công nhân người Mỹ làm việc ở đó (những công nhân và kỹ sư dầu mỏ lành nghề) cũng không đến làm việc.

Cả PAWS và Histadrut đã sớm tham gia cuộc bãi công. PAWS đã hỗ trợ hầu hết các công nhân bãi công. Làn sóng đấu tranh và đoàn kết trong hai tuần đầu tiên của cuộc bãi công đã thúc đẩy sự hợp tác giữa PAWS và Histadrut. Tuy nhiên, làn sóng đó cũng đã làm cho những người lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa lo sợ, và họ đã dùng quyền lực của mình để ngăn cản sự lan rộng của cuộc bãi công và làm cho cuộc bãi công sớm kết thúc.

Chú thích:

[1] Chính quyền Palestine, Một cuộc điều tra ở Palestine (Jerusalem, 1946), tập 1, 141, 148. Đáng tiếc là các cuộc điều tra của chính quyền ủy trị Palestine đã phân loại dân cư theo tôn giáo, chứ không theo quốc tịch hoặc chủng tộc. Kết quả là, các số liệu tôi trích dẫn ở đây cho người Ả Rập, thực tế, bao gồm cả những người Hồi giáo và Thiên chúa giáo, do vậy bao gồm cả một số người Thiên chúa giáo không phải Ả Rập, ví dụ như những người Armenia. Nhưng vì tỉ lệ của những người Thiên chúa giáo không phải Ả Rập trong tổng số người Thiên chúa giáo tương đối nhỏ, nên kết luận của tôi về tỉ lệ tương trưởng tương dối vẫn sử dụng được. Có lẽ cũng cần chú ý thêm là tốc độ tăng trưởng của các vùng đô thị rất không đồng đều trong những năm 1920: các thành phố trong đất liền tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các thành phố Jaffa và Haifa, trong khi dân số của Gaza ở miền biển Địa Trung Hải có vẻ rất đình trệ.

[2] Rachelle Taqqu, “Peasants into Workmen: Internal Labor Migration and the Arab Village Community under the Mandate” [Nông dân trở thành Công nhân: Quá trình di dân nội bộ và Cộng đồng Làng xã Ả Rập trong lãnh thổ Ủy trị], trong Joel S. Migdal, chủ biên, Palestinian Society and Politics (Princeton, N.J., 1980), 261 – 85.

Về Haifa, xem May Seikaly, “The Arab Community of Haifa, 1918-1936: A Study in Transformation” (unpublished Ph.D dissertation, Somerville  College, Oxford University, 1983).

[3] Về các phong trào lao động Hebrew trong những năm 1920 và 1930, xem Shapira, Hama’avak, và Steven Glazer, “Propaganda and the Histadrut-Sponsored Pickets for ‘Hebrew Labor’, 1927 – 1936” (Luận án Tiến sĩ chưa xuất bản, Georgetown University, 1991).

[4] Histadrut (Hava’ad Hapo’el), Din veheshbon lave’ida hashlishit shel hahistadrut (Tel Aviv, 1927), 155.

[5] Chính phủ Palestine, Điều tra về Palestine, số 1, 148.

[6] Về những người cộng sản ở Palestine vào những năm 1920, xem Nahman List, “Tzadak hakomintern,” Keshet, số 18, trang 20, 22, 24, 27, 30, 34 (1963 – 67)

[7] S/EC/H, 23/3/1925, và EC/H, 1/4/1925; Kuntres, số 301 (29/4/1927)

[8] Filastin, 19/8/1927

[9] AA 208/1200, “Din veheshbon memo’etzet po’alei Nesher”; AA, phỏng vấn với Agassi, 22/2/1972; Po’alei Tziyon Smol, Leshe’alot harega’ (Tel Aviv, 1933).

[10] Ví dụ, xem CZA, S25/3120, “Shvitat hastevedorim.” Các cán bộ của Histadrut đã sớm tố cáo những người cộng sản cho các viên chức của chính phủ và giới chủ, do đó họ đã bị sa thải.

[11] AA 208/4495.

Yossi Schwartz, ngày 08 tháng 04 năm 2005

Nguồn: Marxist.com

Người dịch: Nguyễn Bình

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận